main billboard

Ðang lang thang dọc bờ hồ, nhác thấy một người con gái trong chiếc áo ấm cổ lông cừu, ngồi bên ghế đá, trầm ngâm nhìn ra tháp Rùa...

ben ho guomHà Nội là “hậu cứ” của những chuyến đi các vùng miền Bắc: Tây Bắc – Ðông Bắc hoặc những tỉnh biên giới Lạng Sơn – Cao Bằng – Bắc Cạn…

Sau mỗi chuyến đi xa, về lại Hà Nội nghỉ đôi ba ngày, tôi thường thả bộ qua khu phố cổ, chụp chân dung của mấy cụ bà Bắc Kỳ, hoặc dạo quanh hồ Gươm, những buổi sớm sương mai lãng đãng, ngắm nét đẹp thâm trầm kín đáo muôn thuở của đất Tràng An.

Ðang lang thang dọc bờ hồ, nhác thấy một người con gái trong chiếc áo ấm cổ lông cừu, ngồi bên ghế đá, trầm ngâm nhìn ra tháp Rùa, tôi đưa máy ảnh bấm liền mấy tấm. “Lại có tâm sự gì đây, một phút hoài niệm”, hay lắm. Cô gái quay lại nhìn với nụ cười thân mật. Tôi đến làm quen:

– Chào cháu, bác xin lỗi đã không xin phép trước khi chụp hình cháu.

– Không có chi đâu bác. Mà cháu có gì đẹp mà bác chụp!

– Bác thấy đẹp, đẹp qua dáng ngồi và đôi mắt vời vợi nhìn xa. Chắc cháu đang nghĩ ngợi về điều gì đó, phải không?

Cô gái nhìn thẳng vào tôi, mắt sáng lên:

– Sao bác biết hay vậy.

– Chuyện bình thường mà cháu, con chim líu lo trên cành là con chim đang có niềm vui, con chim đứng im thin thít đằng kia, chắc chắn có tâm sự buồn. “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, cụ Nguyễn Du đã nói thế.

Ngay lúc này thì tôi đã nhận rõ những nét đặc biệt về người thiếu nữ: tuổi chừng đôi mươi, người dong dỏng, vóc dáng hài hòa khả ái. Ðặc biệt là khuôn mặt, nước da trắng mát, mắt luôn mở lớn, đôi môi hồng tự nhiên không son phấn. Mẫu người thông minh nhanh nhẹn dễ mến.

Cô gái ngồi nhích ra:

– Mời bác ngồi, cháu xin phép nói chuyện với bác được không?

– Cháu cứ tự nhiên, bác nghĩ cháu là sinh viên vừa tốt nghiệp?

– Hay nhỉ, bác lại biết được điều đó nữa cơ. Ðúng thế, cháu vừa ra trường và đã qua mấy tháng thực tập chuyên ngành. Mà sao nữa bác?

Cô bé xem ra tò mò thấy rõ. Tôi cứ lửng lơ con cá vàng, khiến cô càng nôn nóng.

– Bác biết gì nữa nói cho cháu nghe đi. À mà bác là thầy tướng số phải không bác?

– Không đâu, bác cảm thấy thế thôi.

– Thấy thế là thế nào, bác làm cháu sốt ruột quá.

– À mà cháu tên gì?

– Dạ Hoài Thương, Nguyễn Thị Hoài Thương.

– Thảo nào!

– Thảo nào là sao bác?

– Hoài Thương hay thương hoài là người đa tình đa cảm, nhiều lúc tâm tư bất thường như thời tiết lúc nắng lúc mưa…

– Bác quả thật là lạ, những nhận xét và cách gợi chuyện của bác cháu chưa gặp ai như thế bao giờ. Nếu cháu không lầm, bác phải là một nhà nghiên cứu sâu về tâm lý và có lẽ chuyên về tâm lý phụ nữ chăng.

– Không phải như cháu nghĩ đâu.

– Thế sao chỉ mới gặp nhau mấy phút mà bác đã biết gần hết tâm trạng cháu. Cháu xin lỗi, hình như bác không phải người Hà Nội?

– Ðúng thế, cháu cũng có tài nhận xét đấy thôi. Bác chẳng người miền nào cả.

– Hừ, lại thế nữa, bác nói rõ hơn cho cháu hiểu được không bác? Như vậy bác ở đâu đến đây? Công việc của bác…?

– Bác ở một nơi xa thật xa, nhưng hằng năm bác lại về, tùy theo thời tiết, có mùa về Nam, có khi về Bắc như loài chim thiên di… Sáu mươi ba tỉnh thành của nước Việt bác đều đã đi qua. Từ Hà Giang, Khâu Vai Mèo Vạc về Hạ Long. Từ Móng Cái vào Tây Nguyên rồi xuống tuốt vùng Cà Mau Ðất Mũi…Có nơi bác phải lui tới nhiều lần…

– Bác à…

– Cháu muốn nói gì cứ tự nhiên.

– Cháu xin lỗi bác, theo cháu thì bác phải là một trong những người: Hoặc Việt kiều du lịch, hoặc một nhà khoa học đi nghiên cứu nhưng…

– Nhưng sao cháu?

– Nhưng nhìn bề ngoài thì bác không phải những người như thế.

– Tại sao?

– Tại bác quá bình dị, cháu xin lỗi chỉ hơn anh công nhân tí thôi. Thế nhưng, bên trong con người bác, cháu có cảm tưởng như cả một vùng trời những điều kỳ lạ.

Nhận xét của cô bé có vẻ kiêu kỳ và ranh mãnh, tôi cười làm hòa:

– Cháu chỉ nói đúng một phần thôi, tên bác đúng là Trần Công Nhung, do xuề xòa trong ăn mặc mà nhiều người gọi bác là “trùng công nhân” (công nhân hai lần) như ý cháu vừa nói. Bác muốn nói thêm một tí để cháu hiểu, bác không phải Việt kiều như cháu nói tuy bác sống ở nước ngoài. Bác là người nước A, B, C… gốc Việt.

Cô gái tủm tỉm cười và đưa mắt dò xét tôi. Rồi hồn nhiên đặt câu hỏi:

– Bác đi nhiều thế chắc là có nhiều hình ảnh đẹp về quê hương. Theo bác quê hương mình miền nào đẹp nhất bác?

Câu hỏi làm tôi dừng ngay dòng suy tưởng. Ðẹp xấu của một vật thể, một con người, khả dĩ nhận xét đúng sai, nhưng quê hương đẹp xấu thật khó có chuẩn mực. Nhưng không có ý kiến sợ làm cho cô bé không vui, đành biện giải chung chung một cách vô thưởng vô phạt:

– Câu hỏi của cháu khó trả lời một cách dứt khoát, bởi mỗi miền có nét đẹp riêng. Ðồng bằng miền Nam mênh mông với sông ngòi chằng chịt, miền Bắc núi đồi hang động thâm u như chốn Bồng Lai…Nhưng đã nói đến đẹp hay không đẹp là không thể thiếu vắng yếu tố con người…

– Như vậy theo ý bác, cảnh phải có người mới đẹp?

– Không hẳn thế, nhiều lúc có người lại làm cho cảnh mất hay.

– Chỗ này cháu không rõ lắm, bác giảng hộ cháu.

– Thế này nhé, hôm nay cháu ra nơi này ngồi ngắm hồ Gươm, trong dáng vẻ trầm ngâm như thả hồn mình vào với cảnh. Bác biết, trong tâm cháu không chỉ có hình ảnh hồ Gươm, mà, có thể có cả những hoài niệm của thời thơ ấu, hoặc một chuỗi hình ảnh đẹp với bạn bè nơi đây. Hôm nay nhân dịp dừng chân, bất chợt những hoài niệm cũ hiện về làm cho cháu bồi hồi sống lại những giây phút đã qua. Những phút giây hiếm hoi không phải lúc nào cháu cũng có, mà, chỉ hôm nay, ngay lúc này, tâm hồn cháu đang hòa nhập vào cảnh hồ. Hình ảnh hiện tiền có cả dư ảnh quá khứ, mang lại cho cháu cảm xúc sâu lắng hơn, có khi cháu quên hết chung quanh để nghe, để ghi nhận những rung động của lòng mình. Bác tin cháu đang thầm bảo “Hồ Gươm hôm nay đẹp thật”. Ðó là những giây phút tuyệt vời trong đời không phải lúc nào cũng có. Thế nên, bác đã không dám gây tiếng động khi chụp ảnh cháu.

Lúc tôi ngưng nói, cô gái như chợt tỉnh, gương mặt sáng lên, đôi mắt như cười nhẹ với vẻ hài lòng. Tôi có ý đợi một lời nhận xét.

– Bác à, lúc này đây cháu cảm thấy vui vui và tâm hồn như nhẹ hẳn. Cháu không ngờ hôm nay lại có dịp được nghe bác giải thích về tâm và cảnh một cách ý nghĩa như vậy.

– Thế nên, cháu nhìn hồ Gươm đẹp, khác với người khách phương xa mới tới Hà Nội lần đầu.

Ngày còn nhỏ, sách bác học có bài tả một người đi du lịch khắp nơi, lúc trở về, có người hỏi “Ông đi du lịch nhiều nơi, vậy nơi nào đẹp hơn cả?” Người ấy trả lời “Không nơi nào đẹp bằng quê hương cả?”. Ðiều này những ai đã từng sống với quê hương qua thời gian dài, trải qua bao mùa mưa nắng, đã từng ngắm cánh đồng xanh trổ lúa vàng, từng ngồi bên bếp lửa hồng trong cơn rét cắt da, từng nghe tiếng hò giã gạo dưới đêm trăng nơi làng quê u tịch, từng nghe tiếng chuông chùa vang vọng buổi chiều hôm… và nhiều nhiều nữa những hình ảnh của quê hương, cây đa bến nước, con thuyền nan đong đưa, ráng chiều đỏ ửng bầu trời, đàn trâu về trên đê… Ðó là tâm trạng và kinh nghiệm sống của cá nhân giúp ta nhìn ra vẻ đẹp của quê hương…

Cũng có những người chỉ thích vẻ đẹp nguy nga lộng lẫy, màu sắc rực rỡ bề ngoài. Bác tin vẻ đẹp như thế sẽ không có gì mấy đọng lại trong tâm hồn người vãn cảnh. Nếu cháu đã từng lên Tây Bắc, từng thấy cô sơn nữ đứng nhìn bầu trời chiều sau đỉnh Fansipan, rồi một hôm nghe ai đó hát bài Sơn Nữ Ca của Trần Hoàn:

Một đêm trong rừng vắng

Ánh trăng chênh chếch đầu ghềnh

thấp thoáng bóng cô sơn nữ

miệng cười xinh xinh.

Sơn nữ ơi!

Làm chi cho đớn đau lòng

trong một thời gian rồi thương rồi nhớ

Sơn nữ ơi!

Hoàng hôn xuống dần đợi chờ ai đây?

Chắc chắn cháu sẽ thấm thía bài hát hơn những ai chưa từng biết sơn nữ là gì.

Cô gái vui hẳn lên, quay sang hỏi tôi một câu như thẩm vấn:

– Bác chưa cho cháu biết bác làm gì, bác không có ai đi cùng hay sao?

– Thì bác đã nói rồi, bác như loài chim thiên di đổi vùng theo mùa để tìm chút ấm áp trong lòng, mà theo bác, điều đó chỉ có thể tìm nơi quê nhà đích thực của mình. Có một nhạc phẩm của người Việt hải ngoại, bài Vĩnh biệt Sài Gòn, những ngày còn trong nhà tù, bác và các bạn nghe mà không cầm được nước mắt…

Sài Gòn ơi, tôi xin hứa rằng tôi trở về
Người tình ơi, tôi xin giữ trọn mãi lời thề
Dù thời gian, có là một thoáng đam mê
Phố phường vạn ánh sao đêm
Nhưng tôi vẫn không bao giờ quên.

Ấy thế mà đối với người ngoại cuộc họ lại nhẫn tâm đặt cho Sài Gòn một tên khác, thậm chí còn phá hết dấu tích một thời của Hòn Ngọc Viễn Ðông. Người ta sợ Sài Gòn! Nhưng thôi chuyện thế sự, chuyện lịch sử để qua một bên, về sau chánh tà sẽ đâu vào đó.

Cô gái đăm đăm suy nghĩ, tôi đứng dậy:

– Bác đi đây, chào cháu.

– Mai bác có ra đây không bác?

– Bác không biết nữa.