main billboard

...một người phụ nữ Mỹ có chồng Việt Nam và một người đàn bà Việt Nam lấy chồng Mỹ...

sieu thiHai người đàn bà đứng trước quầy tính tiền của một tiệm thực phẩm Á Châu, họ đang trao đổi với nhau về cách làm món bún chả. Nếu cứ nhìn những thực phẩm khô và rau tươi trên quày hàng, người ta liền liên tưởng đến những món ăn Việt Nam quen thuộc trên mâm cơm hằng ngày của người Việt

Nhưng lạ lắm, một người Mỹ, một người Việt, hai người này rõ ràng là một đôi bạn, vì họ đang trò chuyện cười nói ríu rít. Người đàn bà Mỹ khoảng hơn bốn mươi, đôi mắt xanh hiền hậu với mái tóc vàng óng, nước da trắng lốm đốm những điểm tàn nhang trên đôi má phơn phớt hồng. Còn người phụ nữ Á Ðông là một người Việt Nam, dáng người nhỏ nhắn, vẻ mặt xinh tươi, ăn mặc thật giản dị. Hai người lại trao đổi tiếp tục câu chuyện dở dang, người đàn bà Mỹ lắng nghe với tất cả sự chăm chú, hình như bà ta dự định sẽ làm thêm món bún chả vào ngày lễ Tạ Ơn năm nay,bởi vì món gà Tây đút lò và món bánh bí đỏ tuy thích hợp cho đám trẻ con và gia đình bên ngoại đến chơi, lại vẫn không hợp khẩu vị với bà mẹ chồng và hai cô em gái.

Cứ nghe hai người nói chuyện thì người ta cũng đoán ra bản tính của hai dân tộc đã có tý chút khác nhau khi làm một việc gì. Người Mỹ có thói quen làm theo sách vở, còn người Việt lại chỉ làm theo cảm tính hay bằng sự hiểu biết quen thuộc hằng ngày. Tuy nhiên, cuối cùng thì họ cũng đồng ý với nhau rằng cái lưỡi của loài người là dụng cụ đo lường chính xác nhất, để biết rằng món ăn ấy ngon hay dở, có thể làm hài lòng khẩu vị hết thảy mọi người. Người phụ nữ Việt còn hóm hỉnh bảo bạn, cũng không nên tin hoàn toàn vào cái lưỡi của mình, vì còn tùy theo lúc ấy cái bụng no hay đói, hay khi người không được khỏe, sự nêm nếm cũng vì thế sẽ không chính xác như mình tưởng.

Hóa ra, hai người này là hai người bạn cùng xóm,hay đi chung nhà thờ mỗi sáng chủ nhật. Họ kết thân với nhau cũng chỉ vì có cùng hoàn cảnh khá ngộ nghĩnh, một người phụ nữ Mỹ có chồng Việt Nam và một người đàn bà Việt Nam lấy chồng Mỹ. Ðó là lý do khiến họ tìm đến với nhau để trao đổi một vài khía cạnh khác biệt giữa con người , đối với cuộc hôn nhân dị chủng thì dẫu có hòa hợp bao nhiêu, vẫn xảy ra những điều không hiểu nổi về tâm hồn cũng như văn hóa của hai dân tộc.

* * *

" Chị biết không? Tôi gặp nhà tôi khi chúng tôi học cùng một phân khoa ở trường Ðại Học Clear Lake,nơi ấy có một cái hồ rất đẹp và cũng là thành phố mà gia đình tôi đang cư ngụ. Tôi cũng không hiểu tại sao chúng tôi lại trở thành đôi bạn thân, rồi yêu nhau lúc nào không biết nữa.

Anh ấy sang đây có một mình, tôi nghe anh kể về chuyến vượt biển cam go của anh, và những thảm cảnh xảy ra với những người vượt biển tìm tự do, tôi đã không ngăn được xúc động. Hồi ấy, tôi đã ngạc nhiên mỗi lần thấy anh chăm chú theo dõi tin tức, khi nghe có những thuyền nhân được vào định cư ở Hoa Kỳ, tôi đã hỏi anh rằng tại sao anh và những người đồng xứ lại có thể bỏ quê hương mà đi. Khi nghe anh cắt nghĩa tới hai chữ Tự Do thì tôi hiểu ngay, thông cảm với anh ấy liền vì từ lúc còn nhỏ, mới bắt đầu đi học, chúng tôi đã được biết thế nào là quyền tự do của một con người.

Hóa ra, ở quê hương anh con người bị tước đoạt nhiều thứ tự do mà tôi tưởng nó phải được tôn trọng bất cứ ở đâu, nơi nào có con người là phải được hưởng đồng đều như nhau. Ngoài giờ học, hai đứa tôi cùng làm thêm ở thư viện, có điều kiện gần gũi nhau nên chúng tôi trở thành một đôi bạn thân. Nhìn lối làm việc chăm chỉ của anh, cần mẫn, ngăn nắp, tôi thật sự bị rung cảm với con người đầy vẻ chịu đựng đó. Bản tính anh hiền hòa, dường như trong đôi mắt đen kia còn chất chứa một nỗi buồn sâu kín nào đó mà tôi không hiểu nổi, khi anh ngồi hằng giờ nhìn ra mặt hồ sóng lăn tăn, im lặng như có một cõi riêng mà tôi rất muốn chia xẻ.

Người Mỹ chúng tôi là thế. Chúng tôi không chủ trương xâm phạm vào đời sống riêng tư của nhau, nhưng nhìn nét u uẩn trong đôi mắt anh với dáng ngồi lặng lẽ hằng giờ, tôi đoán anh đau khổ mà nếu anh cho phép, tôi rất muốn chia xẻ. Anh càng buồn tôi càng băn khoăn, và từ nỗi băn khoăn đó tôi đã yêu anh ấy, khi ra trường thì hai đứa quyết định lấy nhau.

Vào mùa hè, tôi thường rủ anh đi biển với gia đình tôi. Lúc ngồi bên ghềnh đá, nhìn từng cơn sóng vỗ vào bờ, tôi thường bắt gặp anh chìm đắm trong một nỗi niềm xa xăm, dường như mỗi lần tới biển, anh thường bị ám ảnh vì một điều gì không xóa được trong tâm khảm. Tôi chưa hề xa đất nước này bao giờ, chỉ có những chuyến du lịch ngắn đầy vui tươi với gia đình, cho nên hồi ấy tôi chưa thể thông cảm hết được nỗi nhớ nhà của một kẻ xa quê, mà anh ấy gọi là tình hoài hương.

Thật ra, khi yêu anh, tôi cũng bị ảnh hưởng phần nào lối suy nghĩ của một tâm hồn Á Ðông, thì ra nó có nhiều điều phức tạp mà nếu không có tình yêu, người ta không dễ gì hòa hợp được với nhau để trở thành một. Cuối cùng khi hai đứa lấy nhau, tôi mới thực sự thấy được sự ngược nguồn của những giòng sông. Anh qua đây có một mình, gia đình còn ở lại Việt Nam, cho nên khi chấp nhận lấy anh, là tôi cũng phải chấp nhận luôn việc chia xẻ gánh nặng vật chất với gia đình ở bên kia.

Tuy nhiên, tôi có nhận thấy điều này, khi cho rằng chia xẻ chỉ là tự nguyện và tùy theo khả năng, chứ còn lúc biến nó thành bổn phận thì nặng nề quá. Tôi thẳng thắn bày tỏ với anh điều này, nhưng không ngờ tôi thực sự bị "xốc" khi anh phản kháng lại tôi ngay lập tức, mà nếu không khéo thì cuộc hôn nhân có mòi bị tan vỡ. Biết làm thế nào bây giờ, vì người Mỹ chúng tôi nghĩ khác. Tôi không ích kỷ để bỏ mặc anh với những điều trăn trở với gia đình ở bên kia, nhưng tôi cũng không thể bằng lòng khi anh phải lo lắng quá nhiều như vậy.

Hình như người Việt của chị có quan niệm hướng về gia đình , và những người thân yêu của họ. Cũng vì thế mà đi hơi xa mức giới hạn của họ trong đời sống gia đình của người khác. Cái này chị cho tôi nói hết nghe, vì theo tôi nó có hợp lý và cũng bất hợp lý theo cách nhìn của một người Mỹ. Nó có cái hay vì nó biểu hiện được sự chia xẻ và tình thương yêu của một gia đình thuần nhất, nhưng mà ... biết nói thế nào nhỉ, ăn nhiều quá cũng mất ngon, mà nói nhiều quá cũng có thể lỡ lời ( câu này tôi học được từ chồng tôi đấy nhen chị). Tuy vậy, theo tôi mình phải tìm ra một giải pháp để quân bình giữa hai cái với nhau, để không vì được cái này mà lại mất cái kia đó mà.

Từ ngày lấy anh ấy đến nay, tôi thấy mình đổi khác nhiều lắm. Một cuộc hôn nhân dị chủng, nhưng giờ đây ngôn ngữ không là vấn đề nữa vì chúng tôi đã có thể hiểu nhau sau khi cùng nhau ngồi xuống nói chuyện, thành thật bày tỏ cho nhau hiểu nỗi khó khăn vì khác biệt tư tưởng , và cách hành xử sao cho dung hòa với nhau để gia đình hạnh phúc. Cuối cùng thì anh ấy cũng làm đầy đủ giấy tờ để mang gia đình sang bên này, sau khi nói với tôi rằng nếu không làm được điều đó, anh cảm thấy như mình có lỗi, khi việc ra đi tìm Tự Do của anh, là do sự hy sinh của tất cả người thân trong gia đình. Chúng tôi đã hoàn toàn hiểu nhau, và tôi cũng hiểu khi chấp nhận làm vợ anh, là tôi cũng phải hy sinh phần nào chút riêng tư để cùng anh ấy làm tròn bổn phận.

Ba anh ấy đã qua đời, nhưng mẹ anh ấy lại thật hiền. Chúng tôi đã một lần về thăm nhà ở Việt Nam, nhìn bà cụ già ôm mấy cháu nội hai giòng máu vào lòng, nụ cười móm mém, đôi mắt bà đầy những thương yêu, tôi nghĩ mình không thể ích kỷ để chỉ lo cho hạnh phúc của riêng mình, mà phải cùng anh ấy giúp đỡ mẹ anh và các em của anh. Bây giờ mẹ anh và hai cô em gái đã sang đây, mới đầu tôi cũng hơi lúng túng khi không biết giải quyết thế nào để cuộc sống đừng bị xáo trộn. Nhưng chị à, nhà tôi anh ấy cũng thật tế nhị, cho nên vì thế mà chưa có gì đáng tiếc xảy ra. Hai cô em đã đi làm, họ sống chung với mẹ trong một căn chung cư hai phòng ngủ, và bây giờ khi tôi muốn đi đâu xa mà không dẫn con theo, có thể gửi bé út cho bà nội và hai cô trông giùm.

Hồi gia đình anh ấy chưa sang, tôi chỉ hay làm thức ăn theo lối Mỹ để cả nhà cùng ăn. Sau này, anh ấy dẫn tôi và các con đi ăn nhà hàng Việt Nam, tôi lại thấy thích những món ăn Việt. Thế là tôi đề nghị anh ấy chỉ dẫn, và cho tới khi gặp chị, tôi mới hoàn toàn thực hiện được cho thật hoàn chỉnh. Ðàn ông mà chị, anh ấy nói hồi còn ở nhà, anh ấy có bao giờ phải lo gì đến việc bếp núc, đã có mẹ, chị hay em gái làm tất cả. Người Việt của chị hình như quý con trai hơn con gái, cho nên cách đối xử cũng hơi bất công đấy nha! Tôi không hoàn toàn đồng ý chuyện này đâu, vì con trai hay con gái cũng là người mà thôi, có lẽ vì vậy mà người ta khó có thể tìm được cái họ gọi là dân chủ ở nước chị, vì trong phạm vi nhỏ bé gia đình đã không thực hiện được dân chủ rồi, huống gì cho một quốc gia thì chuyện ấy lại càng khó.

Tuần trước, chị chỉ cho tôi làm món chả cá Thăng Long theo kiểu Hà Nội. Chị biết không? Hôm ấy nhà tôi ngạc nhiên lắm, vì anh không thể ngờ tôi lại có thể làm được một món ăn cầu kỳ như vậy. Cá ướp nghệ, riềng, mẻ, mắm tôm, thêm ít gia vị mà nướng trên lửa than thơm phức, sau đó lại rắc thìa là sắt nhỏ lên mặt trước khi ăn, cùng những thứ rau phải có để ăn kèm với bánh tráng cuộn lại, chấm nước mắm chua ngọt hay mắm tôm chanh ớt. Tuyệt lắm chị à, nhưng lúc phải pha chế món mắm để ăn với nó, thú thật với chị tôi ớn quá. Sao lại có thứ mắm gì nặng mùi quá sức như vậy, tôi không đủ can đảm để làm món đó ở trong nhà, vì nó sẽ bám vào thảm và đồ đạc, cho nên tôi phải nhờ chị giúp là vậy.

Người ta bảo " tình yêu đi qua bao tử ". Mới nghe thì có vẻ nặng mùi vật chất, nhưng công nhận từ hồi tôi biết nấu nướng, thỉnh thoảng hay làm những món ăn mà chồng tôi thích, tôi thấy hình như anh ấy thương tôi nhiều hơn, hạnh phúc nhiều hơn. Thứ nhất là được ăn ngon, thứ hai là anh ấy cũng nhận thấy được tình yêu của tôi dành cho anh ấy và gia đình, đã phải bỏ nhiều thì giờ hiếm hoi trong cuộc sống vật lộn với vật chất của xứ này, khi thực hiện những bữa ăn tốn kém khá nhiều thì giờ như vậy. Lũ con tôi mê món cơm chiên với chả giò nhất hạng, người Tàu cũng có món này nhưng chúng không thích vì nó trộn nhiều bắp cải và món cơm chiên thì nhiều dầu quá.

Lễ Tạ Ơn năm nay có gia đình bên ngoại cuả mấy nhỏ đến chơi, nghe tôi kể về món bún chả ai cũng tò mò muốn được thưởng thức. Riêng mẹ chồng tôi chắc hẳn bà cụ sẽ ngạc nhiên lắm, nếu cần hai cô em chồng sẽ phụ tôi một tay để làm món này, cách pha nước mắm chị chỉ hôm nọ, ngon đến nỗi ăn xong rồi húp luôn nữa đó. Mẹ chồng tôi chắc sẽ không thể ngờ rằng con dâu Mỹ cũng biết chiều mẹ chồng như phụ nữ Việt Nam vậy.”

* * *

" Ðúng ra tôi không thích lấy chồng ngoại quốc đâu, nhất là lúc còn ở quê nhà, người xứ sở tôi hay nhìn những người phụ nữ lấy chồng nước ngoài với cái nhìn không đẹp. Ðừng trách họ nghe chị, vì thời đó họ còn bảo thủ lắm, tư tưởng phong kiến vẫn ít nhiều còn tồn tại trong những gia đình Việt Nam. Với lại, hồi đó là thời kỳ chiến tranh, đa số những người đàn ông đến nước tôi chỉ đi tìm đàn bà để giải quyết sinh lý, ít có những cuộc tình trọn nghĩa yêu thương. Cho đến bây giờ, trên xứ sở này, vẫn có nhiều gia đình phản đối con cái khi kết hôn với người nước ngoài.

Ðiều ấy cũng dễ hiểu thôi, vì nói cho cùng thì sự khác biệt về phong tục cũng như văn hóa dễ đưa đến sự đổ vỡ. Tôi công nhận điều này không phải là họ hoàn toàn sai, vì chính tôi lắm lúc cũng vẫn ngược nguồn với nhà tôi để trở về với những gì của dân tộc, nhất là về mặt tư tưởng thì thật sự có khác nhau đó, khi tôi đã được ảnh hưởng nó từ hồi còn thơ bé.

Ðôi khi người ta vẫn có cái nhìn thiển cận khi đánh giá một sự việc hời hợt bên ngoài, chứ thật ra tôi rất cảm phục những người phụ nữ Mỹ như chị. Chị có thể thay anh làm được tất cả những việc đòi hỏi sức khỏe của người đàn ông, sửa chữa nhà cửa, xốc vác nhiều việc nặng nhọc mà người đàn bà xứ tôi không làm được, vì quan niệm đàn bà "chân yếu tay mềm". Thế nhưng những việc nấu nướng, thêu thùa, vá
may tỉ mỉ thì công nhận người đàn bà Á Ðông có năng khiếu hơn, và họ thường tự hào về điều đó.

Bây giờ tôi kể lại chị nghe chuyện tại sao tôi lại kết hôn với nhà tôi nghe, cái ông David "gà tồ" lúc nào cũng hay cười nói huyên thuyên vui vẻ đó. Người nhà tôi trách tôi tại sao lại ly dị với người chồng Việt Nam, để kết hôn với một người Mỹ, nhưng câu chuyện này nó dài lắm, tôi chỉ tóm gọn để chị hiểu tại sao tôi thương yêu ông David nhà tôi nghe chị.

Chị còn nhớ những thập niên trước, lúc làn sóng những người đi tìm Tự Do ào ạt bỏ quê hương ra đi, chắc chị đã nghe anh kể chuyện và cũng thông cảm với anh lý do tại sao lại có những người phải bỏ quê hương, xứ sở ra đi. Tôi là một trong những người ấy đó chị. Bây giờ chuyện đã cũ, nhưng nhắc lại tôi vẫn bàng hoàng và tưởng như cả đời mình chẳng bao giờ quên nổi những ô nhục, đớn đau mà mình phải chịu.

Tôi là người phụ nữ không được may mắn vì chuyến vượt biển của tôi đã gặp tụi hải tặc Thái Lan, và cũng như bao phụ nữ trong chuyến tàu hôm ấy, tôi đã bị chúng nó làm nhục. Chị là người phụ nữ, có lẽ chị thông cảm cho một người đàn bà khi bị tước đoạt những gì cao đẹp nhất, do sự đòi hỏi thô bỉ của đàn ông, không do sự dâng hiến của tình yêu. Bởi vậy khi được cứu thoát, và cho đến lúc được định cư ở xứ này, tôi vẫn bị ám ảnh vì những bất hạnh đau đớn đó. Thú thật với chị là trước khi gặp David, tôi cũng có yêu thương một người cùng quê, anh ấy là người bảo trợ cho tôi từ đảo sang, dù rằng tôi có nói với anh những điều nhục nhã mà tôi cũng như những người phụ nữ gặp phải trong chuyến đi ngày đó.

Anh ấy nói với tôi là hoàn toàn thông cảm và cho đấy là nỗi bất hạnh của người con gái Việt Nam, nỗi đau chung của cả một dân tộc chứ không phải cho riêng ai. Thế nhưng nói một đằng mà đến khi sống với nhau lại không phải vậy, chỉ vì những lời đàm tiếu thiếu tế nhị của những người cùng hoàn cảnh với chúng tôi. Mỗi khi nhắc nhau về những chuyện cũ, họ vẫn hay nói ra những điều đau đớn riêng tư của người khác , không biết với ý đồ gì, nhưng cũng chỉ vì quá khứ cứ quấn quýt họ hoài, mà không nghĩ là lại lôi kéo chúng tôi trở lại niềm đau cũ. Họ hoài niệm dĩ vãng của họ, nhưng cũng hay nhớ đến dĩ vãng của người khác, như lại làm vết thương mưng mủ khi nó đã thành sẹo. Ðiều đó thật là kỳ cục phải không chị?

Thật mệt mỏi cho một số người hẹp hòi hay đàm tiếu trên nỗi bất hạnh của người khác. Chính vì thế mà làm cho cuộc hôn nhân của tôi tan vỡ, vì tôi cũng không chịu nổi vẻ mặt buồn rầu, đóng kín trong sự im lặng riêng tư của người chồng cũ. Anh ta thương tôi chứ không phải không, nhưng chính vì không bỏ qua được cái đau khổ của dĩ vãng, nó chỉ là chuyện chẳng ai mong đợi, để mỗi khi nghe ai nói đến vấn đề này, anh lại có mặc cảm như tôi làm điều gì xấu xa vậy.

Tôi có một quan niệm. Ðời bình thường chưa chắc gì tránh khỏi lầm lỡ, huống gì đây chỉ là một tai nạn cho những người phụ nữ Việt Nam, mà hoàn cảnh đất nước đưa đẩy đã phải tội tình gánh chịu. Cuộc sống đâu phải một mặt nước phẳng lặng, cho nên khi có xung đột trong gia đình, tôi vẫn phải cúi đầu chịu đựng nỗi cay đắng một mình. Cho nên giải pháp cuối cùng là chia tay. Ðồng ý là khi tan vỡ, tôi cũng đau khổ vậy, nhưng nhờ thế tôi mới có cơ hội biết rằng đời vẫn có những người đàn ông tốt, không quẩn quanh mặc cảm, đầy thành kiến với thứ dĩ vãng buồn khổ, mà đúng ra cần phải gột bỏ để vươn lên những điều tốt đẹp.

Tôi gặp David khi đến cơ quan xã hội để nhờ giúp đỡ tìm việc làm. Không hiểu sao tôi kể cho ông ấy nghe hết những gì xảy ra trong đời tôi, và chị biết điều gì xảy ra không? Ông ấy đã khóc khi nghe tôi kể hết những bất hạnh tôi phải chịu. Ông ấy nói rằng chính đất nước ông cũng phải chịu trách nhiệm trước những bất hạnh này, vì đã không hết lòng giúp đỡ người anh em bé nhỏ của mình, để gây ra bao thảm cảnh cho người dân Việt Nam. David đưa tôi đi nhà thờ, sinh hoạt với người bản xứ, giúp tôi quên đi quá khứ tủi hờn để hòa nhập vào một xã hội hoàn toàn hướng tới tương lai. Những gì xảy ra hôm qua là dĩ vãng, những gì hôm nay là hạnh phúc và sự hiến tặng của Thượng Ðế trong mỗi ngày cho con người, và những gì sắp tới sẽ là những khám phá kỳ thú hơn.
.
Từ ngày lấy David, không bao giờ tôi nghe ông ấy nhắc nhở những riêng tư của tôi trong quá khứ, và vẫn rất hãnh diện khi giới thiệu tôi với gia đình, bè bạn. Họ chấp nhận và yêu thương tôi, khiến tôi tự tin và tự nhiên tâm hồn cũng theo chiều hướng đó mà thích yêu thương, chia xẻ với mọi người.Tôi đã đưa David về thăm quê hương, bởi vì anh ấy muốn nhìn rõ sự vươn lên của một đất nước sau chiến tranh ra sao. David cùng công nhận với tôi một điều, tất cả những mặt nổi của bên ngoài không giúp gì cho người dân bao nhiêu, đất nước vẫn còn quá nhiều người nghèo,một xã hội loè loẹt màu sắc và băng hoại vì chạy theo đồng tiền khiến tôi cũng cảm thấy đau lòng cho quê hương của mình .

Chuyến trở về quê hương của chúng tôi vừa qua thực sự làm tôi xúc động lắm chị à. Tôi với David đi thăm những người thương phế binh bị bỏ rơi sau cuộc chiến, hiện tại họ vẫn là những cái bóng lẻ loi, đơn độc trong một xã hội lắm thành kiến chính trị. Chúng tôi cũng vào thăm chỗ nuôi trẻ mồ côi hay khuyết tật, thật ái ngại cho đời sống của chúng nó, mong sao sự giúp đỡ cuả những tấm lòng nhân ái, có thể những con người vô tội ấy được sống một cuộc sống tối thiểu no ấm để làm người. Mỗi người đều có một quê hương như ai cũng có một mẹ vậy, tôi vẫn giữ trong lòng những cái đẹp của dĩ vãng, nhưng đồng thời tôi cũng phải mang ơn xứ sở tôi đang sống, đã giúp tôi có cơ hội để nhìn lại quê hương của mình, bản thân mình mà biết cái gì phải quên và cái gì phải nhớ.

À quên. Chị hỏi tôi về món bún chả để ăn vào ngày Lễ Tạ Ơn năm nay phải không chị? Có lý lắm khi chị đã nghĩ tới bà mẹ chồng Việt Nam, chắc hẳn không quen với món gà tây và món bí đỏ tuyệt cú mèo cuả người Mỹ. Nhưng chị muốn làm theo kiểu nào, vì quê tôi có tới ba miền Trung, Nam, Bắc, mỗi nơi cũng dùng thịt heo để nướng nhưng lối dùng gia vị thì có khác nhau tý chút. Người Nam hay cuộn tròn miếng thịt bên ngoài một miếng mỡ heo xắt mỏng, họ ướp đường nhiều hơn nên khi ăn có vị ngọt ngọt. Còn người Bắc lại dùng thịt pha mỡ, họ chỉ ướp củ hành và chút nước mắm ngon với tiêu thôi. Riêng người miền Trung thì không thể thiếu ít hột mè cho miếng thịt thơm và bùi hơn đó chị. Nhưng với tôi, kiểu nào cũng ngon hết, miễn là mình gửi vào đó cái tình của mình đến với những người mình yêu thương và muốn phục vụ, phải không chị?"