Ghi theo lời kể của bác Hoàng Vũ Lai – người tù nửa thế kỷ trước.
(Ghi theo lời kể của bác Hoàng Vũ Lai – người tù nửa thế kỷ trước)
Tuy đã ngoại thất thập, nhưng dáng vẻ và tinh thần bác Hoàng Vũ Lai vẫn còn sắc sảo, tinh anh lắm. Bác tiếp tôi ngay trước ngôi nhà của mình (tại xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An), rồi mời ngồi bên cạnh bộ giong giản dị. Bằng một giọng nói hùng hồn chưa vơi nhiệt huyết, bác sang sảng kể về những năm tháng tù đày của cuộc đời mình. Cây bút trong tay tôi phải ghi chép liên tục, để bắt kịp câu chuyện của bác – một người tù hơn nửa thế kỷ về trước.
Mặt trận Cộng Hòa bắc Việt Nam
Miền Bắc Việt Nam những năm 1960, xã hội còn chìm trong tăm tối, đói nghèo và lạc hậu. Người ta vẫn mãi loay hoay với phong trào xây dựng hợp tác xã bình quân và chi viện sức người sức của cho tiền tuyến. Ánh sáng của vùng nông thôn miền bắc lúc bấy giờ chỉ là ngọn đèn dầu, và vốn tri thức duy nhất là chiếc loa kim để nghe thông tin về công cuộc xây dựng “chủ nghĩa xã hội” và tình hình chiến sự. Người dân chẳng thể biết gì hơn, ngoài những phương tiện tuyên truyền khép kín như vậy.
Giữa thời buổi tăm tối đó, một phong trào cách mạng khai sáng đã bùng lên mạnh mẽ như ngọn đuốc cháy rực, một âm thanh chấn động quốc dân. Phong trào đó có tên gọi là “Mặt trận Cộng Hòa Bắc Việt Nam”, với tôn chỉ: Bài Phong, chống Thực, diệt Cộng.
Mục tiêu của Mặt trận là thiết lập một nền Cộng Hòa đúng nghĩa, để đất nước có được tự do và dân chủ. Bác Hoàng Vũ Lai là một trong những người tham gia mặt trận, với tất cả bầu nhiệt huyết sục sôi của tuổi thanh xuân.
Bị bắt và kết án
Năm 1962, phong trào thất bại, 155 người bị bắt giữ. Đó là một vụ án chính trị lớn và chấn động nhất lúc bấy giờ. Trong số này, 55 người bị đưa ra xét xử, trong đó có bác Hoàng Vũ Lai.
Phiên tòa được xử lưu động tại xã Xuân Thành, có đông nghịt người dân tò mò đến xem. Trước khi xử, người ta cử cán bộ đến nói với bác là hãy biết “khôn khéo” và tỏ ra ăn năn để được hưởng khoan hồng. Thực tế đã diễn ra ngược lại, trước tòa, bác trả lời hùng hồn, khiến cho tòa phải lúng túng và nhân dân thì đồng tình ủng hộ.
Kết thúc phiên xử, bác Hoàng Vũ Lai bị kết án 18 năm tù về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Lúc ấy bác vừa mới hai mươi mốt tuổi.
Tòa hỏi bác rằng:
- Anh có thấy hối hận vì hành vi chống chính quyền của mình không?
Bác đĩnh đạc trả lời:
- Đối với tôi, mười tám năm tù chỉ là một giấc ngủ trưa!
Câu nói đã trở nên nổi tiếng, thế hệ những người cùng tuổi với bác sau này cũng thường hay nhắc lại, để bày tỏ sự khâm phục đối với khí phách hiên ngang của một người tù trẻ tuổi.
Khi các tù nhân bị giải đi, người dân thương cảm, bịn rịn tiễn đưa. Chợt có một em bé chừng mười hai tuổi, chạy theo và dúi vào tay bác Lai mấy đồng bạc, ngây thơ nói:
- Cháu thương bác lắm! Cháu cho bác mấy đồng bạc để bác mua gì thì mua!
Bác cầm tay cháu bé, rơm rớm nước mắt:
- Bác cảm ơn cháu! Nhưng bác không cần tiền của cháu đâu, cháu cầm về cho mẹ nhé!
Những mẫu chuyện tù
Trong suốt thời gian tù đày trường niên của mình, bác có biết bao nhiêu là chuyện cảm động. Sau đây là mấy mẫu chuyện mà tác giả ghi lại được.
Giả điên để cứu đồng đội
Cô Nhâng là một tù nhân chính trị, người ở Ba Làng – Thanh Hóa. Cô và một số đồng đội nữa chuẩn bị tổ chức vượt ngục, sự việc chẳng may bị bại lộ. Những người có ý định vượt ngục sẽ phải gánh chịu hình phạt tăng án, hoặc có thể bị xử bắn. Họ bắt cô khai, sợ các đồng đội của mình bị tội, cô đã phải giả điên, cởi hết quần áo, bốc cứt ăn và bôi lên đầu.
Nhờ hành động dũng cảm đó của cô Nhâng, các đồng đội khác đã được thoát tội. Sau đó người ta đưa cô sang giam ở một trại khác.
Người tù hiển Thánh
Trại Công Trường 75A Hà Nội (Sau này đổi thành CA 1417 – KS 15D, rồi lại đổi thành TD 63 QT). Thực chất đây là trại Quyết Tiến ở Lũng Bạ - Hà Giang. Ngày 01/11/1965, một số tù nhân chính trị ở tổ “Đục đá, phá mìn” gồm: Nguyễn Bá Khánh Sơn, Tôn Thất Tần (Hội trưởng hội thể dục thể thao Hoàng Gia, là chú họ Vua Bảo Đại), Nguyễn Trung Tính, Đỗ Bá Lung, Ngô Tú Hoàng, Lưu Nam…ngồi nói vui với nhau rằng:
- Hôm nay chúng mình ăn mừng đệ nhất chu niên (một năm đến trại cải tạo) nhé!
Lúc đó có kẻ nghe lén được, mới vu khống với quản trại rằng họ đang ăn mừng một năm Quốc Trưởng lên cầm quyền. Mấy hôm sau thấy cửa trại đột nhiên đóng lại, rồi một đám đông công an và bộ đội cầm gậy xông vào. Họ bắt những người trong tổ “Đục đá, phá mìn” ngồi riêng một chỗ để xét hỏi và đấu tố, cuối cùng thì bắt đi 37 người. Sau đó tòa án đặc biệt của Bộ Công An về xét xử, kết án những người này tội: Tử hình không bắn.
Tiêu chuẩn của những người bị kết án “Tử hình không bắn” được chia làm ba loại:
1/ Một tháng ăn 6 kg. Cùm hai tay, xiềng chân, không chăn, không chiếu
2/ Một tháng ăn 7,5 kg. Cùm hai chân, không chiếu.
3/ Một tháng ăn 9 kg. Cùm một chân, một chiếc chiếu.
37 người này, sau khi bị giam theo “tiêu chuẩn” đó, đến ngày thứ 6 thì đã có người đầu tiên bị chết.
Ngày 2/9/1966, ông trưởng ban giáo dục trại giam cho mang vào suất cơm ngon hơn ngày thường, rồi nói với các tù nhân:
- Hôm nay là ngày Quốc Khánh. Các anh vẫn được hưởng chế độ như những trại viên khác.
Anh Đỗ Bá Lung nói:
- Ông hãy mang về đi! Chúng tôi không ăn đâu!
Ông ta hỏi nguyên nhân, anh trả lời:
- Đây là ngày Quốc Hận chứ không phải là Quốc Khánh!
Sau đó anh Đỗ Bá Lung tuyệt thực, mấy ngày sau thì qua đời, khi vừa mới 32 tuổi.
Trong số này, chỉ duy nhất có Nguyễn Trung Tính là người sống sót sau cùng. Ông vốn là một tu sĩ, người làng Thái Yên, Nông Cống, Thanh Hóa. Một lần ông bị kiết lị, một ngày một đêm mà phải đi đại tiện 55 lần. Vì bị cùm tay chân, cho nên cứ nằm để cho phân chảy ra quanh người. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Sức khỏe ông suy kiệt, cái chết đã ở cận kề. Đêm hôm đó ông nằm mơ thấy anh Đỗ Bá Lung hiện về, nói:
- Anh quờ tay trái, bốc được cái gì ăn cái đó thì sẽ hết bệnh!
Nguyễn Trung Tính chợt tỉnh, mồ hôi đầm đìa. Nhớ lại giấc mơ, nhưng lại băn khoăn, vì trong phòng giam chẳng có gì ngoài cứt gián, cứt chuột, nấm mốc và bụi bặm. Nhưng rồi anh cứ thử xem sao, liền quờ tay bốc cái gì đó rồi ăn. Nào ngờ, tự nhiên khỏi bệnh thật.
Sau đó một thời gian, Nguyễn Trung Tính lại có một giấc mơ thứ hai, thấy Đỗ Bá Lung báo mộng:
- Chiều mai có hai người sẽ được thả ra trại ngoài!
Đúng chiều hôm sau có hai người được thả ra trại ngoài, y hệt như trong giấc mơ vậy.
Cách ăn cơm tù
Hồi đó tù nhân được tiêu chuẩn ăn một tháng 10,5 kg, trong đó hai phần ba là độn. Vì vậy mà đến bữa, mỗi người chỉ được phát một cục cơm bằng quả cam nhỏ. Để đối phó với cái đói, các tù nhân mới nghĩ ra cách ăn làm sao cho được no lâu. Họ vo cơm thành những viên nhỏ bằng đầu ngón tay, mỗi lần ăn một viên như vậy lại uống một hớp nước, rồi lại hút một điếu thuốc lào (thuốc lào làm bằng lá ngải cứu, chứ không có thuốc lào thật). Được một lúc lại cứ thế, buổi ăn vì vậy mà kéo dài ra, khiến cho có cảm giác no được lâu hơn.
Đi vệ sinh trong trại
Tại một số khu vực giam đặc biệt, người ta ngăn cản các tù nhân không được gặp nhau, kể cả lúc đi vệ sinh. Vì sợ các tù nhân sẽ trao đổi được thông tin bên ngoài.
Vì vậy mà mỗi lần muốn đi vệ sinh, tù nhân phải báo cáo:
- Thưa bộ đội! Tôi muốn đi vệ sinh!
Sau khi được đồng ý thì tù nhân mới được đi. Nếu trong nhà vệ sinh đang có người, thì người đó phải e hèm lên một tiếng để thông báo cho bên ngoài biết. Khi người đó đi vệ sinh xong, cũng phải báo cáo:
- Thưa bộ đội! Tôi đã đi vệ sinh xong!
Khi đó họ mới bố trí cho người tiếp theo vào, vì sợ trên đường đi vệ sinh tù nhân gặp được nhau.
Quê hương và bài thơ cảm tác
Bác Hoàng Vũ Lai nhớ mọi thứ rất rành rọt, sâu sắc. Lúc nói chuyện, bác đề cập nhiều đến các vấn đề xã hội, các thể chế nhà nước và học thuyết chính trị. Nói chuyện với một con người hiểu biết như bác, rất là thú vị và hữu ích vậy.
Bác kể rằng, năm ngoái có một đoàn cán bộ và công an đi xe ô-tô đến nhà.
Họ hỏi bác:
- Bây giờ bác còn chống đảng và nhà nước nữa không?
Bác thẳng thắn trả lời:
- Tôi chẳng chống ai cả! Nhà nước các anh làm bậy quá, chúng tôi phải đấu tranh để thay đổi thôi. Đó là quyền của người dân. Các anh là nhà nước, không có nghĩa là các anh muốn làm gì thì làm. Chính các anh cũng đã nói, nhà nước là của dân, vì dân phục vụ kia mà?
Họ lại hỏi:
- Vậy bây giờ bác thường làm gì?
Bác trả lời sâu cay:
- Tôi làm nghề mót lúa. Các anh biết rồi đó. Sau mỗi vụ mùa, những hạt lúa mẩy sẽ rụng xuống, còn hạt lép hoặc nhẹ hơn thì ở trên bông. Cho nên tôi thích những hạt lúa rụng vì đó là những hạt tốt nhất. (Ý bác ám chỉ rằng, những người bị nhà nước này đày đọa và gạt bỏ là hạt lúa mẩy, còn những con người đang làm việc trong bộ máy nhà nước như họ là hạt lép còn ở trên cành).
Khi bị bắt và xét xử năm 1962. Bác được chứng kiến tình cảm xúc động của người dân đối với tù nhân. Họ cảm thông và thương những người như bác lắm. Bác đọc cho tôi bài thơ cảm tác lúc đó, nghe thật hay và xúc động. Thơ rằng:
Trong trăng nước của những ngày lửa máu
Một quê hương in bóng giữa lòng tôi
Tôi ra đi với cuộc đời chiến đấu
Nhớ quê nghèo không một phút nào nguôi
Ôi nhớ lắm làng quê tôi đã tới
Với bao nhiêu sầu tủi của tù nhân
Tình dân chúng như tre làng mát rượi
Tỏa quanh tôi như gió âm thầm
Nhớ củ khoai mẹ già đưa vụng trộm
Nhớ bát cơm em nhỏ đút qua đường
Nhớ cảnh chiều về bà con thôn xóm
Chút thanh bần lén lút gửi tình thương
Buổi chia tay nắng trưa vàng lấp lánh
Đường liên hương dân chúng ngập ngừng theo
Tay du kích nắm tay tù xiết mạnh
Nhớ thương ai sầu xiết gió trăng nhiều
Bao chuyện nữa chúng tôi truyền nhắc mãi
Đem cho nhau hơi ấm buổi lưu đày
Nơi xa xôi tôi thầm mong trở lại
Để nghe hồn ru nhẹ giữa vòm cây
Quê nghèo ơi nền cộng hòa ta đó
Sẽ trả cho đời ánh sáng tươi vui
Người của ta không làm ta khổ nữa
Nông dân ta no đủ biết ngọt bùi
Quê ta ơi nghe chăng mùa gió nổi
Chim bay về báo hiệu những mùa vui
Tổ quốc từ nay chuyển vào thắng lợi
Đây Xuân Thành rực sáng giữa lòng tôi
(Quê chung – Hoàng Vũ Lai)
Tôi hiểu rằng, khi kể những tâm sự này, bác đã phải vượt qua một hành trình dài xuyên màn đêm của tù đày vì sự phân biệt ý thức hệ. Cuộc hành trình của nghị lực và niềm tin đối với các giá trị tự do tốt đẹp nơi con người.