main billboard

Tôi là một đứa bé mồ côi từ lúc mới sinh ra đời. Không phải cha mẹ tôi chết mà họ đã vứt tôi trước cửa nhà một vị hảo tâm. Tôi chỉ nghe mẹ nuôi tôi nói như vậy...

Tôi bước xuống phi trường Narita mà tưởng mình còn mơ ngủ.

Kéo chiếc va li nhỏ tôi cố chạy theo cho kịp mẹ nuôi. Mẹ dừng lại nhìn tôi mỉm cười từ ái.
Thoáng chốc mẹ đã quên mình là lính. Còn tôi chân có vấn đề và là một đứa bé mồ côi lần đầu tiên ra khỏi Việt Nam. Mẹ đưa tay định kéo hành lý giùm tôi. Nhưng tôi giữ lại và cương quyết tự làm cho mình. Bề nào tôi cũng là một thanh niên ở độ tuổi khỏe mạnh nhất.

mua xuan than thoai
“Tôi không trách mẹ ruột và càng yêu kính mẹ nuôi. Trong đời tôi may mắn có đến ba bà mẹ. Xin ơn trên cho tất cả các bà mẹ của tôi đều được bình an.” (Getty Images)

Mẹ đi sát bên tôi. Hai mẹ con trình giấy tờ ở hải quan, xuống nhận hành lý. Qua khu vực kiểm soát và đẩy xe ra ngoài. Đây là lần đầu tiên tôi được đi máy bay và thật vô cùng tuyệt vời tôi được đến nước Nhật. Một đất nước mà tôi chỉ biết qua sách vở và trong những giấc mơ.

Tôi không biết làm sao để diễn tả tâm trạng tôi lúc này. Mọi thứ vượt ngoài tầm hiểu biết và tưởng tượng của tôi. Tôi nhắm mắt lại và thầm thì với chính mình:

- Đây là nước Nhật. Mình đang ở nước Nhật.
Tôi không thể hình dung được đi máy bay là như thế này. Những sự phục vụ trên phi cơ, những tiện nghi, thức ăn nó là như vậy. Tôi không thể nghĩ mình đã đặt chân đến nước Nhật với những con người và phương tiện tân tiến nhất nhì thế giới. Ơn trên đã mở cho tôi một cánh cửa thiên đàng. Tôi bước vào đó dọ dẫm ngỡ ngàng với cái chân tàn tật và một tâm hồn đầy sẹo của quá khứ.

Mẹ không để tôi đẩy hành lý mà kêu tôi đi theo. Một người trung niên đã đợi sẵn bên ngoài. Mẹ giới thiệu đây là bạn cùng đơn vị của mẹ. Tôi run run bắt tay sau lời chúc mừng của bác ấy. Bác đẩy xe và mẹ bấm thang máy để đi lên. Bãi đậu xe ở tầng lầu. Hai người nói chuyện với nhau bằng tiếng Mỹ. Tôi không thể hiểu họ nói những gì, chỉ biết họ rất thân tình, vui mừng gặp lại nhau.

Để túi xách nhỏ vào xe. Tôi ngồi vào băng sau và thấy mình như say sóng. Mọi việc diễn tiến như một chuyện cổ tích mà tôi giống như cô bé Lọ Lem được hoàng tử chọn để kết hôn.

...


Tôi là một đứa bé mồ côi từ lúc mới sinh ra đời. Không phải cha mẹ tôi chết mà họ đã vứt tôi trước cửa nhà một vị hảo tâm. Tôi chỉ nghe mẹ nuôi tôi nói như vậy. Người mẹ nuôi tôi không phải là người phụ nữ da trắng đang ngồi phía trước xe. Mà là một người phụ nữ VN đã bị mất con trong một lần sinh khó. Người chồng phản bội đã bỏ nhà đi theo một người đàn bà khác.

Đau khổ cùng cực vừa mất con lại mất chồng. Mẹ nuôi tôi gục ngã tưởng không thể vực dậy được. Bà trở nên như người loạn trí, lúc nào cũng đi tìm con. Bà nghĩ con mình còn sống và đang bị thất lạc ở một nơi nào đó. Ông bà ngoại tôi đem con gái về chăm sóc. Với trái tim yêu thương con vô tận, ông bà đã xin một đứa bé bị cha mẹ bỏ trong rơi trong bệnh viện, đem về làm đứa cháu ngoại bị thất lạc cho con của mình .
Đứa con đó cũng không phải là tôi, mà là người con nuôi lớn nhất của mẹ. Mẹ tôi lần hồi bình phục với đứa con còn đỏ hỏn mới đôi ba ngày tuổi. Ông bà ngoại coi đứa bé như ruột thịt. Thương yêu và hết lòng chăm sóc. Rồi tiếng lành đồn xa. Thêm một đứa trẻ mới sinh được vứt trước nhà ông bà ngoại. Rồi đứa thứ hai và tới tôi là đứa thứ ba.

Mẹ tôi đã vứt tôi trước cửa nhà người lạ và biến mất. Không biết bà có núp ở một góc nhà nào đó để theo dõi tiếng khóc của tôi. Hay xem mẹ nuôi tôi đã làm gì với đống vải nhăn nhúm quấn lấy tôi mới sinh được ba ngày tuổi.

Đương nhiên là tôi không biết gì hết. Tôi không biết cha mẹ mình là ai và vì sao họ bỏ rơi tôi. Tôi không biết mình lúc đó mình khóc nhiều hay ít? Tôi bú sữa bò hay nước cháo để sống còn? Tôi dễ nuôi hay èo uột, tôi cũng chẳng hay. Bốn đứa con nít chỉ biết ăn biết bú khóc mãi không thôi. Hẳn chỉ có những người có trái tim thật nhân từ và nhẫn nại mới mở lòng ra cưu mang như vậy. Ông bà ngoại làm việc nhiều lần hơn để nuôi bầy cháu nhỏ không ruột thịt gì với mình. Mẹ nuôi tôi mất một đứa con, nhưng có đến bốn đứa khác để bù trừ. Mẹ quên cả bệnh, mẹ quên cả bản thân mình. Mẹ quần quật cả ngày để chỉ sống vì chúng tôi. Nhà nghèo, còn ít đất đai ông bà để lại, ông bà ngoại cắt bán dần để nuôi chúng tôi.

Khi tôi lớn hơn một chút, tôi nhận thức được tôi khác hơn các anh chị của mình. Một cái chân tôi không đi được. Tôi đi từng bước khó nhọc mà người xung quanh gọi tôi là "Thằng thọt." Tôi buồn lắm mỗi khi chạy chơi với các anh chị trong nhà. Tôi luôn bị thua thiệt vì sự không nguyên vẹn của mình. Trong tôi là sự mặc cảm về thân phận tật nguyền.

Mẹ nuôi tôi không gì vậy mà hất hủi tôi. Bà yêu thương tôi hơn các anh chị khác. Bà thường gọi đùa tôi là “Con trai đích tôn.” Lúc đầu tôi không hiểu gì cả vì trước tôi đã có anh Ba rồi mà. Sau này trong một lần trò chuyện tôi đã hiểu và thương yêu ông bà ngoại và mẹ hơn bao giờ hết.

Nguyên do là lúc nhỏ tôi bị sốt tê liệt. Ông bà ngoại đã bán nốt miếng đất hương quả ông bà cố để lại cho cháu đích tôn mà chạy chữa cho tôi. Tôi thoát chết, nhưng một chân đã bị rút teo lại. Tội nghiệp mẹ tôi đã cố gắng tập cho tôi đi lại, bao nhiêu thuốc thang để cái chân tôi được như bây giờ. Tôi mang một cái chân bất toàn như mang cả một nghĩa tình và ân huệ của ông bà và mẹ tôi. Những người không hề có dính dáng với máu mủ, ruột thịt.

Tôi lớn lên trong căn nhà tình nghĩa đó. Ông bà ngoại ngày một già, tiền bạc cũng không còn. Mẹ tôi bôn ba buôn bán không đủ nuôi mấy miệng ăn đang độ tuổi lớn. Chúng tôi không thể đến trường đều đặn mà phải cùng nhau đi làm để phụ kiếm sống. Các anh chị tôi thay nhau vừa bán vé số vừa đi học. Tôi cũng vậy, la lết ở các bến xe, nhà hàng để kiếm cơm.

Ông ngoại bệnh nặng, mẹ tôi phải ở nhà chăm sóc. Tôi 8 tuổi ôm tập vé số len lỏi chốn chợ đời. Trái tim nhân hậu của con người dường như bị đánh mất trong xã hội lừa đảo. Tôi thường xuyên bị đánh vì bị giành mối. Có lúc về nhà trắng tay vì cả xấp vé số và tiền bị trấn lột. Có những cạm bẫy mà xã hội đã đưa anh em chúng tôi lạc bước. Đồng tiền của người nghèo đổi bằng nhiều thứ trong đó có sự gian xảo lọc lừa. Đồng tiền nhầu nát và bẩn thỉu, có khi đổi bằng nước mắt và cả chính máu và mạng sống của mình.

Bụi đời cũng có lắm phe nhóm, băng đảng và phe cánh. Ngoại và mẹ dạy chúng tôi phải lương thiện. Ôi! Lương thiện chỉ từ chết đến bị thương. Bản năng sinh tồn không cho phép con người khoanh tay khi bị đàn áp và ức hiếp. Anh Ba tôi đã phẫn nộ chống cự, gây ra ẩu đả đổ máu đụng đến công an can thiệp.

Cuối cùng của bi kịch đời người là tất cả anh em chúng tôi bị lôi ra khỏi vòng tay mẹ nuôi và bị đưa vào trại mồ côi. (Trừ chị Hai tôi có giấy tờ xin nuôi chính thức.)

Tôi rời xa căn nhà thân yêu đã cưu mang tôi khôn lớn là ngày giỗ đầu ông ngoại. Năm đó tôi vừa 12 tuổi. Mười-hai tuổi của một đứa bé mồ côi và lăn lóc chợ trời để mưu sinh thì sự hiểu biết cũng chín chắn lắm rồi. Tôi đã biết đâu là tình thương yêu thật sự. Đâu là nơi tiếp nhận những đứa bé bụi đời. Tôi không muốn đi vì mẹ nuôi tôi đã là một phụ nữ trung niên hay đau yếu. Bà ngoại cũng đang bước dần vào những ngày cần người chăm sóc đỡ đần. Chúng tôi phải bỏ hai người lại trong nước mắt. Tôi tự nhủ với lòng sẽ có ngày trở về phụng dưỡng trả ơn.

Tất cả chúng tôi bị đưa lên xe và bước vào một cuộc sống mới. Trong viện mồ côi, chúng tôi phải sống với rất nhiều bạn đồng trang lứa. Họ cùng có cuộc sống bụi đời lang thang để kiếm sống như chúng tôi. Tuy nhiên tôi có phước hơn họ là đã từng có một mái nhà, có ông bà và mẹ. Có gia đình ấm cúng thương yêu dù chẳng ruột rà. Còn họ đủ mọi thành phần bị gom bắt đưa về đây. Có bạn hút xì ke lên cơn la hét cả đêm. Có bạn người đầy những vết sẹo vì đâm thuê chém mướn. Có bạn chuyên nghề móc túi hay dẫn gái ăn sương. Họ thích sống bụi đời. Họ tự do quậy phá quen rồi. Họ không muốn cuộc sống tù túng bó buộc nơi này. Tâm lý của họ là phó cho định mệnh. Họ tin đời họ chẳng bao giờ có tương lai tươi sáng.

Nghe lời dặn dò của mẹ nuôi trước lúc ra đi. Tôi siêng năng học chữ, học nghề. Tôi không trốn trại ra ngoài rong chơi. Tôi chấp hành kỷ luật dù khó đến đâu. Tôi nhịn nhục dù bị bức hiếp rất nhiều của những người bạn chung phòng. Tôi tự nhủ, “Đây là điều kiện để mình trưởng thành và tự lập."

Tôi nhớ lời ông ngoại đã nói, “Dù chân con có tàn tật, nhưng đầu óc con minh mẫn. Hãy tự tin ở mình và đứng thẳng lên bằng trí tuệ." Đêm đêm tôi úp mặt xuống gối khóc vì nhớ mẹ nhớ ông bà. Tôi nhớ quá chừng căn nhà nghèo nàn dột nát mà ấm cúng thâm tình. Họ tuy không giàu có, nhưng trái tim và lòng nhân ái của họ thật bao la.

Một ngày tôi được gọi lên văn phòng. Trước mặt tôi là một người phụ nữ da trắng trung niên. Đây là người đã lập thủ tục để xin con nuôi tại Việt Nam mà tôi được giới thiệu là một trong số người đạt đủ tiêu chuẩn.
Tôi lặng người đi vì hồi hộp. Tôi có được chọn không? nếu chọn tôi sẽ đi đâu? cuộc sống thế nào? tôi còn có cơ hội để thăm viếng và giúp đỡ mẹ nuôi tôi không? Tôi run run cúi mặt lo lắng. Người phụ nữ có mái tóc vàng thật đẹp, gương mặt phúc hậu bước lại gần tôi. Bà nắm bàn tay tôi ấm áp. Bà nhìn tôi trìu mến. Có lẽ thành tích của tôi ở trường khiến bà hài lòng.

Tôi được mời lên văn phòng nhiều lần để làm thủ tục giấy tờ. Tôi bằng lòng làm con nuôi người phụ nữ có gương mặt phúc hậu ấy. Tôi sẽ có thêm một bà mẹ. Sẽ bước qua một bước ngoặt mới. Tôi sẽ cố gắng học tập và làm tốt bản thân. Còn những gì kế tiếp thật tình tôi không dám nghĩ đến.

Người muốn đem tôi về làm con nuôi là một người phụ nữ Mỹ độc thân. Bà là nữ Đại Úy Không Quân trong quân lực Hoa Kỳ. Bà là một người tham gia nhiều chương trình từ thiện tại VN. Hiện tại bà đang công tác tại một căn cứ Không Quân của Mỹ tại Nhật Bản.

Sau bao nhiêu lần mẹ nuôi tôi đi đi về về, tốn rất nhiều tiền để hoàn tất giấy tờ thủ tục. Tôi chính thức được công nhận làm con nuôi của mẹ Lisa theo đúng luật định. Bà là một người phụ nữ có lòng hảo tâm. Khi nghe tôi kể về quá khứ của mình, bà đã đến nhà mẹ nuôi tôi và hết lòng giúp đỡ. Bà cho tôi đi học thêm sinh ngữ và chỉ dạy tôi rất nhiều về cuộc sống ở Mỹ để dễ hội nhập
...
Tôi đã đến nơi này, một căn cứ không quân Hoa Kỳ trong lòng nước Nhật. Hai mẹ con tôi sống trong một căn hộ được chính phủ cấp khang trang. Tôi được giới thiệu với các bạn bè của mẹ. Ban đầu tôi rất mặc cảm vì thân thế của mình. Nhưng dần dà tôi mới thấy rõ những tư tưởng phóng khoáng của người Mỹ. Họ tôn trọng giá trị và tự do của mỗi con người không phân biệt xuất thân. Những người lính nơi đây cho tôi một cảm giác ấm áp tình thân như người trong một gia đình.

Tôi thấy mình thật hạnh phúc và may mắn có thêm một bà mẹ nuôi hết sức tốt bụng. Bà đã coi tôi như con đẻ, chăm sóc tôi chu đáo, chuẩn bị cho tôi tất cả để tôi không thiếu thốn một thứ gì. Bà đã bỏ tất cả thời gian sau giờ công tác để dạy tiếng Anh cho tôi. Trong nhà mọi nơi, mọi chỗ đều có gắn những mẫu giấy nhỏ ghi rõ tên bằng Anh ngữ của đồ vật đó. Bà lấy ngày nghỉ để dẫn tôi đi chơi. Chỉ cho tôi và dạy tôi nói cho đúng. Bà mời cô giáo đến tận nhà để dạy tôi học để theo kịp bạn bè khi tới lớp.

Mỗi ngày bà nấu cho tôi những món ăn Việt Nam mà bà học được trên Internet. Có khi ngon, có khi dở nhưng tôi rất thích vì mẹ đã nấu bằng cả trái tim. Bà đã cho tôi một tấm gương về cuộc sống tự lập và sự tốt đẹp của người quân nhân Hoa Kỳ.

Tôi đã đến trường và có nhiều bạn. Mỗi sáng tôi ra đón xe bus trước nhà để đến trường trong căn cứ . Tuy hơi khó khăn trong vấn đề ngôn ngữ nhưng tôi cố gắng nghe và cố gắng rèn luyện. Tôi là một thanh niên đầy đủ sức khỏe. Một học sinh lớp 10 đầy triển vọng. Tôi có một người mẹ tốt bụng, xinh đẹp và tài ba. Tôi sẽ đi lên bằng chính đôi chân không được nguyên vẹn của mình. Bằng nghị lực và niềm tin vào ngày mai tôi tin tôi sẽ thành công.

Con người không ai có thể chọn xuất thân của mình. Tôi đã không may mắn được mẹ ruột thương yêu, đùm bọc. Mẹ bỏ tôi cho người khác hẳn mẹ có nỗi khổ riêng tư. Hai người mẹ nuôi đã cho tôi thấy tình mẫu tử trong trái tim tiềm ẩn của mỗi người phụ nữ. Tôi không trách mẹ ruột và càng yêu kính mẹ nuôi. Trong đời tôi may mắn có đến ba bà mẹ. Xin ơn trên cho tất cả các bà mẹ của tôi đều được bình an.
Tôi cũng không mặc cảm mình là người Việt nam nói không rành tiếng Mỹ. Rồi ngày qua ngày tôi sẽ nói rành rọt như họ. Tôi cũng không vì cái chân không được nguyên vẹn mà bỏ rơi ý chí và ước mơ của mình. Tôi sẽ học giỏi và sẽ là một bác sĩ quân y tương lai như mẹ nuôi. Tôi sẽ giúp đỡ những trẻ em khuyết tật, những đứa bé mồ côi như tôi.

"Không có gì là không thể thực hiện nếu mình quyết tâm." Mẹ nuôi tôi đã nói với tôi như vậy. Tôi tin tưởng bà sẽ bên cạnh và giúp tôi thực hiện những ước mơ của mình. Nơi đây cũng có vài gia đình sĩ quan người Việt. Tôi đã đến đó, đã được cùng họ trò chuyện bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Tôi đã nhận những thân tình và những lời dặn dò khuyên bảo. Tôi coi đây là một mái ấm thứ hai của mình trong căn cứ này.

Tôi không hề cô đơn hay cảm thấy lẻ loi mà tôi thấy mình rất hạnh phúc. Ơn trên đã không bạc đãi mà đã cho tôi rất nhiều ân sủng và phước lành. Tôi phải nắm lấy những may mắn đó mà bước tới bằng tấm lòng biết tri ân và báo đáp.

Một ngày nào đó trong tương lai tôi sẽ về lại VN. Bằng chính đồng lương của mình kiếm được. Tôi sẽ xây nhà cho mẹ nuôi và bà ngoại. Tôi sẽ cho mẹ tôi sống cuối đời no ấm, đầy đủ và hạnh phúc. Đứa con mẹ nhặt trước cửa nhà sẽ không bao giờ quên công ơn của mẹ.

Mùa Xuân đã về trong căn cứ. Tôi cùng mẹ tham dự những buổi liên hoan dành cho gia đình binh sĩ. Tôi hãnh diện làm con của mẹ, tôi hãnh diện là một người Mỹ gốc Việt. Tôi cố gắng học tập, giúp mẹ những việc nặng nhọc, tôi phụ mẹ cắt cỏ, quét lá, dọn dẹp nhà cửa và nấu cho mẹ những món ăn VN mẹ thích. Tôi sẽ cho mẹ niềm vui để mẹ xóa đi nỗi buồn cô đơn của một người phụ nữ độc thân. Tôi sẽ cho mẹ một tình cảm mẹ con ấm áp.

Gia đình chúng tôi lấp lánh ánh đèn trên cây thông Giáng Sinh. Hạnh phúc bao trùm hai mẹ con tôi trong đêm giá lạnh. Tình yêu thương không phân biệt màu da và chủng tộc. Mẹ con tôi hai con người đều thiếu thốn tình mẫu tử. Chúng tôi sẽ bù đắp cho nhau và xây dựng mái ấm gia đình.

Đây là mùa Xuân đầu tiên của tôi nơi xứ người. Đêm nay tôi sẽ cùng mẹ Lisa “coundown” mừng xuân mới. Mùa Xuân nơi đây, xứ sở hoa Anh Đào sẽ là mùa Xuân thần thoại của tôi.
(Viết thay cho cháu Tuấn khi gặp cháu trong căn cứ Yokota.)