main billboard

-Quần áo thì thứ nào chúng tôi cũng có đủ cả. Xin quý khách cho biết số thẻ tín dụng...

xin cho biet soNguyên tác: Bangou wo Douzo

(Tuyển tập truyện ngắn Hitonigiri no mirai- 1969)
Tác giả: Hoshi Shinichi (1926-1997)

 

Nhân ngày nghỉ, ông N một mình đến hồ nước trên núi. Lâu ngày mới được dịp thong thả nghỉ ngơi.

Dĩ nhiên, cũng không hẳn là vì đời sống ở thành phố là không hay, mà lại còn rất tiện nghi, vì có đầy đủ phương tiện thông tin và giao thông, dịch vụ liên quan đến máy tính cũng phổ biến. Cần bất cứ thứ gì liền được đem đến cho, muốn biết điều gì là được chỉ vẽ cho ngay, muốn nói chuyện với ai là cũng bắt liên lạc được liền.

Thế nhưng ngày ngày bị vây quanh giữa những nhà cao tầng san sát, giữa những đồ dùng trong nhà toàn bằng nhựa plastic, đôi khi cũng cần đi đổi không khí như thế này.

-Thích thật, không khí này, cảnh sắc này….

Ông N chèo thuyền ra hồ, có vẻ thích thú lắm. Thế rồi hứng chí cất tiếng hát lúc nào không biết, và còn muốn nhún nhảy theo điệu hát ấy nữa. Thế nhưng ông hơi cao hứng quá. Chiếc thuyền đã bị lật úp.

-Ối! Cứu tôi với!

Chung quanh không một bóng người, nước hồ lạnh buốt, ông lại bơi không giỏi. Tuy vậy, lấy hết sức bình sinh ra thì rồi cũng có cách. Ông cởi áo, quờ quạng vùng vẫy dốc toàn lực ra, mãi rồi cũng vào được đến bờ.

-Suýt nữa là chết rồi.

Vừa mới mừng rỡ vì thoát nạn, ông đã chợt nhận ra bộ dạng thiểu não của mình. Ướt như chuột lột. Trước hết là phải đi mua quần áo đã.

Nhìn quanh quất thì thấy xa xa có phố phường. Phải đi đến đấy mua quần áo mới được. Quần áo ướt sũng nhỏ nước ròng ròng, ông N cứ thế đi tới rồi tìm được một cửa hiệu bèn bước vào. Một cô gái còn trẻ có vẻ là người quản lý của hiệu niềm nở tiếp ông.

-Quý khách cần mua gì ạ?

Bị người con gái ăn mặc chỉnh tề nhìn chòng chọc, ông N lúng túng:

-Cô nhìn thì biết đấy. Tôi cần quần áo.

-Quần áo thì thứ nào chúng tôi cũng có đủ cả. Xin quý khách cho biết số thẻ tín dụng..

-À, phải rồi ..

Bấy giờ ông N mới chợt để ý đến chi tiết này, ông ôm đầu thiểu não. Đó là các thứ như thẻ thì đã bị chìm xuống đáy hồ cùng với chiếc áo mất rồi. Ông bèn kể rõ sự tình với cô bán hàng. Không ai lại bày trò ra thế này để đùa giỡn, cô ta gật đầu tỏ ý thông cảm.

-Thế thì khổ thật.

-Vâng, vậy thì xin cô bán quần áo cho mà đừng bắt phải có thẻ.

-Chúng tôi cũng thấy ái ngại cho quý khách lắm, nhưng không thể làm như thế được. Chúng tôi bán hàng thì không thể trao hàng cho khách lạ không có gì chứng minh bảo đảm cả…

-Tôi phải làm sao bây giờ?

-Gần đây có chi nhánh ngân hàng. Phiền ông hãy tới bàn với họ để mượn tiền ở đấy. Chúng tôi xin đợi, và sẽ chọn sẵn bộ quần áo nào có vẻ thích hợp với quý khách.

-Thế thì tôi sẽ làm như vậy.

Ông N ra khỏi hiệu quần áo. Đúng như lời chỉ dẫn, có tòa nhà ngân hàng. Quần áo trên người vẫn còn chẩy nước ròng ròng, ông bước vào mà chẳng ai nhìn ông với ánh mắt tỏ ý cảm thấy kỳ quặc. Đây không phải là thời đại mà y phục tượng trưng cho địa vị. Nhân viên ngân hàng nơi quầy tiếp ông với vẻ mặt và giọng nói thật khả ái.

-Xin cảm ơn quý khách đã đến. Ngân hàng chúng tôi được sự tin tưởng và có thành tích đáng tự hào, là ngân hàng của quý khách. Trươc hết xin quý khách cho biết số tài khoản..

-Thú thực là tôi vừa mới bị ngã xuống hồ. Đang định mua quần áo nên đã vào hiệu bán quần áo thì…

Ông N bắt đầu giải thích. Vì bị ướt nên trong người đang ớn lạnh. Xong nhân viên ngân hàng lại giục:

-Xin quý khách cho biết số..

-Thì là chuyện ấy đấy ạ. Tôi đã đánh mất sổ ngân hàng rồi, cũng không nhớ ra đươc số tài khoản. Ở đây có cách nào giúp tôi được không? Tôi là thân chủ lâu năm của quý ngân hàng đấy ạ.Tôi tên là..

-Thưa quý khách chúng tôi không hỏi xin quý danh, vì tất cả đều được xử lý bằng số. Giữa chỗ chúng tôi là chi nhánh ngân hàng với trụ sở của ngân hàng có đường dây liên lạc trực tiếp với máy computer ở trụ sở, có thể đáp ứng các nhu cầu của quý khách chỉ trong giây lát. Chúng tôi có thiết bị để làm như thế ạ.

-Chuyện ấy thì tôi cũng đã biết. Thế nhưng, không có sổ ngân hàng là không được à?

-Thưa không ạ, quý khách chỉ cần nói cho biết số là chúng tôi sẽ đối chiếu với máy computer ở đằng trụ sở, sẽ tim được cách để giúp quý khách.

-Nhưng mà …

Ông N khoanh tay, ngoẹo cổ cố nghĩ. Nhưng không làm sao nhớ ra được. Là vì số tài khoản có những hơn 10 con số ấy cơ. Ông còn không nhớ được là có 13 hay 14 con số. Ông đang vò đầu bứt tóc thì nhân viên ngân hàng đã bảo:

-Nếu không có số gì cả thì chúng tôi khó có thể xuất tiền được ạ. Cho vay mà không có giấy tờ gì cả thì không thành ngân hàng được. Chúng tôi là ngân hàng của tất cả mọi người ạ.

-Trong trường hợp này tôi phải làm sao cơ chứ.

-Vâng, cách đây chừng 20km có thành phố lớn, ở đấy có trung tâm dịch vụ thẻ tín dụng. Quý khách nên đến đó làm thủ tục. Ngoài ra thì không có cách nào khác ạ


Nhân viên ngân hàng ghi ra giấy cho ông N địa điểm có trung tâm dịch vụ thẻ tín dụng. Ông vừa cầm lấy vừa nói:

-Ra là thế. Tôi sẽ làm như thế vậy. Ở đây có thể cho tôi mượn tiền.. Chỉ cần đủ tiền tầu xe đi đến đấy thôi.

-Xin lỗi quý khách, nhưng đây là vấn đề đã quy định rồi. Không biết số thì ..

Ông N quay đi, nhân viên ngân hàng vẫn ra sức quảng cáo rằng chừng nào biết được số rồi thì rất mong quý khách lại tới, chúng tôi sẽ cho vay bao nhiêu cũng được. Họ còn đuổi theo, trao cho ông cả xấp tờ quảng cáo thật đẹp.

Gì chứ mấy tờ quảng cáo này… Có muốn lau mình mẩy đang ướt đầm cũng chẳng dùng được. Ông N ra khỏi ngân hàng, ném vào sọt rác để cạnh đấy.

Chà, những hai mươi cây số đường đất à. Ông thất thểu đưa chân bước đi thì tấm biển cho thuê xe đập vào mắt. Đó là một công ty có chi nhánh trên toàn quốc mà ông vẫn thường vào thuê. Phải đấy, mình thuê xe ấy mà đi. Nhân viên ở đấy đón tiếp ông bảo:

- Xin cảm ơn quý khách lại đến công ty chúng tôi. Công ty chúng tôi có đủ rất nhiều loại xe mới. Ví dụ như là xe thể thao …quý khách thấy thế nào ạ? Xe gì chúng tôi cũng có cả. Nào, xin quý khách cho chúng tôi số bằng lái xe...

- Số thì..

Lại số à. Ông N ôm đầu. Thấy thế, người nhân viên liền hiến kế cứu nguy:

-Nếu quý khách quên số bằng lái xe, thì số xe nhà cũng được ạ. Chúng tôi sẽ trực tiếp liên lạc với computer ở trụ sở công ty, ở đấy họ sẽ hỏi công ty bán xe hơi, sẽ xác nhận được chỉ trong nháy mắt thôi. Dịch vụ này thì miễn phí ạ.

-Xe tôi kiểu R 6 mới, màu xám là màu tôi thích. Có gắn hình thiên nga màu kim nhũ. Trông thấy là nhận ra ngay. Một chiếc xe tuyệt vời đấy.

-Thưa quý khách, chúng tôi chỉ muốn hỏi số xe thôi ạ.

Nhưng số thì không nhớ ra được. Đó là một con số có xen lẫn 3 mẫu tự La tinh, đâu như có 15 hàng số. Chính vì không nhớ được, cho nên đã phải gắn hình con thiên nga mầu kim nhũ lên xe.

Thế là không thuê xe được. Ông N không có cách nào khác là phải đi bộ một đoạn đường dài 20 ki lô mét. Nếu mà bơi giỏi, thì đã lấy được quần áo từ dưới hồ lên. Nhưng ông không có đủ tài. Muốn nhờ người khác, mà không có tiền thì cũng chẳng có ai nghe.

Ông đành phải chịu ướt vì quần áo sũng nước, mà thất thểu bước đi. Thỉnh thoảng có xe chạy qua, ông giơ tay xin đi nhờ thì người ta cũng dừng xe lại cho. Xong bảo cho xem thẻ căn cước, mà nói rằng không có, thì họ tỏ vẻ nghi ngại. Bây giờ là thời đại coi trọng chứng minh thư hơn là ngoại hình.

Họa hoằn có xe tử tế, thì họ bảo chỉ cần cho biết số thẻ căn cước là được. Thế nhưng, nói là không nhớ số thẻ căn cước thì họ không cho lên xe. Ông cũng đã nghĩ hay là bịa ra một số nào đấy, nhưng khổ nỗi cũng không nhớ ra được là số thẻ căn cước có mấy hàng số. Nếu bị lộ ra là số bịa, lỡ có bị người ta làm cho khốn đốn dường nào cũng sẽ không nói vào đâu được.

Ông chưa bao giờ đi bộ nhiều thế này. Mệt nhoài, đói bụng nữa. Nửa đường cũng có điểm dừng chân cho xe hơi nhưng ở đấy ông cũng không tìm được cái ăn.Đó là vì ông không nhớ được con số. Nẫy giờ đã không biết bao lần ông lục lọi trong túi nhưng ngay cả tiền xu cũng không có. Là vì ở vào thời đại mà hễ có thẻ tín dụng là xong chuyện, người ta không có thói quen chuẩn bị sẵn tiền xu.

Gọi điện thoại cũng không được. Cho dù có trả tiền trước để quay số điện thoại, mà không nhớ ra số điện thoại của chỗ muốn gọi thì cũng không làm sao được. Số điện thoại ở nhà cũng tới 20 hàng số. Thường thì chỉ việc cài thẻ vào điện thoại là gọi về nhà được, nên không cần phải nhớ.

Thật ra thì ông N cũng đã phòng hờ bất trắc, nên có cho khắc vào nhẫn số điện thoại ở nhà. Nhưng lúc bị ngã xuống hồ, rồi cởi áo ra, ông đã làm tuột mất chiếc nhẫn quan trọng ấy.

Trong thời đại hễ có việc gì hay cần gì, dù ở xa đến mấy, chỉ cần có computer và nối mạng được là xong việc chỉ trong khoảnh khắc, ai có ngờ đâu chỉ vì không nhớ số mà bị khốn khổ thế này…

Nếu đường xa hơn chút nữa, nửa đường ông đã kiệt sức ngã lăn ra mà nằm ở đấy rồi cũng không chừng. Là vì không có số thì chẳng ai thèm ra tay cứu vớt cho.

Ông N vất vả mãi , đến lúc trời gần tối mới tới được thành phố đã nhắm tới. Ông tìm tới được trung tâm dịch vụ thẻ, hổn hển cầu cứu:

-Làm ơn giúp tôi với. Tôi mệt muốn chết được rồi ạ.

-Công việc của trung tâm chúng tôi đương nhiên là giúp quý khách. À, trông quý khách có vẻ như là đã làm mất thẻ rồi phải không ạ? Xin quý khách đừng lo..

-Quý hóa quá. Chỉ nghe nói thế tôi đã như được sống lại.

-Xin quý khách cho biết một con số nào đó của mình, bất cứ số nào cũng được. Chúng tôi sẽ từ đó mà tra ra và phát hành lại ngay thẻ mới cho quý khách. Máy computer ở trụ sở trung tâm chúng tôi năng suất rất cao, quý khách sẽ không phải chờ đến 5 phút đâu ạ.

-Ư..ư..

Ông N lại rên rỉ. Chẳng có con số nào hiện ra trong đầu cả. Nhân viên của trung tâm dịch vụ thẻ khích lệ:

-Quý khách cứ bình tĩnh. Số nào cũng được ạ. Số nhà, hay là số giấy khai sinh, số vé định kỳ đi tầu điện cũng được. Nếu không thì số thẻ hội viên câu lạc bộ thể thao hay là câu lạc bộ một sở thích nào đó của quý khách cũng được

-Vâng, tôi cũng đang cố nhớ lại đây ạ..

Thế nhưng trong đầu ông N chỉ có những chữ số lộn xộn nhảy múa mà chúng không chịu xếp lại thành một hàng số hẳn hoi. Ông cũng gần nhớ ra được số của một thẻ hội viên nào đấy, nhưng chỉ nhớ được đúng 5 số đầu, những số còn lại phía đuôi là đã bị chắp vào với số thẻ hội viên ở một nơi khác.

Nhắm mắt lại cũng thế thôi. Những con số như trêu ngươi ông N, chúng mới nhẩy mới xếp hàng đấy, đã liền tan hàng rã đám rơi lổm ngổm. Ông cứ rên rỉ mãi không ngớt.

_Ư..ư

-Không được sao ạ? Trung tâm dịch vụ chúng tôi cũng nhận làm thủ tục phát hành lại thẻ mới. Xin quý khách cố nhớ lại xem thử.

-Thì tôi cũng mong nhớ ra được đây. Nhưng đành chịu thôi vậy.

-Ồ vậy ư. Chúng tôi cũng thấy ái ngại cho quý khách, và lấy làm đáng tiếc, nhưng thế này thì không còn cách nào khác nữa ạ.

-Tôi sẽ lại đến sau vậy.

Ông N bèn rời khỏi chỗ ấy.

Phải bình tĩnh mới được. Thuyền bị lật rồi sự thể diễn tiến dồn dập đã làm cho rối trí. Bình tâm lại chắc là sẽ nhớ ra được cái gì đấy.

Tấm bảng tên một bệnh viện thần kinh lọt vào mắt ông N. Chỉ có cách nhờ chuyên gia giúp dùm thôi. Không chừng là ở đây họ gợi lại được ký ức đã chìm sâu trong tâm tưởng.

-Bỗng dưng tôi bị bệnh, xin nhờ bệnh viện chữa trị cho ạ.

Đúng là sự thể đã diễn ra thật đột ngột. Cô y tá ở chỗ tiếp bệnh nhân bảo:

-Vâng, xin ông cho biết số thẻ bảo hiểm y tế..

Cô ta bảo nếu không thì số bảo hiểm nhân thọ cũng được, nhưng số ấy ông cũng không nhớ ra được. Con số dài lòng thòng ấy ai mà nhớ cho được chứ. Ông N hầm hầm tức giận ra khỏi bệnh viện.

Tới nước này thì chỉ còn biết trông chờ vào cảnh sát thôi.

-Xin các ông giúp cho với. Một công dân lương thiện đang gặp rắc rối ạ.

-Vậy thì trước hết xin ông cho biết số thẻ căn cước, rồi chúng tôi sẽ hỏi xem sự tình của ông.

-Nếu mà tôi nhớ số ấy thì đã không phải tới đây. Tôi đánh mất rồi ạ.

-Nếu vậy thì số thẻ cử tri hay thẻ đóng thuế cũng được.

-Mấy số ấy tôi cũng không nhớ nốt.

Ông N vừa nói vừa có linh tính là sẽ có chuyện chẳng lành. Viên cảnh sát tiếp ông cau mặt đáp:

-Rắc rối quá, như thế thì chúng tôi không làm sao giải quyết cho ông được. Xin mời ông đi tới chỗ khác vậy.

-Tôi biết đi đâu bây giờ chứ. Nếu vậy thôi thì ông cứ cho tôi vào Trại vô gia cư. Chứ như thế này mãi thì tôi chết mất.

- Không được đâu ạ. Ông không có số thì chúng tôi không thể áp dụng quyền được bảo hộ để giải quyết tình trạng của ông được.

-Không có số thì không được đối xử như là một con người hay sao?

Ông N tức giận ra khỏi đồn cảnh sát.

Nhưng ra khỏi chỗ ấy thì được, nhưng bây giờ ông còn biết đi đâu nữa. Đi về nhà thì không tài nào đi tiếp được. Mình đã bị mọi người bỏ rơi, chỉ còn có chết vì đói, chứ ngoài ra không có trạm cuối để tìm về, giữa xã hội của computer đầy rẫy vật chất này.

Thôi thì muốn ra sao thì ra, ông N quẫn trí điên tiết đánh đấm người đi đường, đập vỡ cửa kính những nhà quanh đó, con chó đi tới ông cũng đá văng đi.

Có người đi báo nên chẳng mấy chốc ông đã bị cảnh sát đến bắt. Ông bèn sử dụng quyền im lặng. Tuy là cũng muốn nói đấy, nhưng biết nói thế nào đây.

Thế nhưng đây là đồn cảnh sát. Họ liên lạc bằng đường dây bí mật về bộ cảnh sát, từ đó nối kết với computer của ban điều tra mật. Từ dấu tay của ông N, chẳng mấy chốc đã biết được nhân thân của ông.

Ông bị đưa ra tòa, phải trả khá bộn tiền cho luật sư, và bị án phải trả tiền phạt. Tiền phạt khá nặng, nhưng rồi cũng được thả ra.

Thế nhưng, thâm tâm ông N thấy nhẹ cả người. Là vì đã có thể trót lọt trở về với xã hội. Về lại với xã hội computer tiện nghi thoải mái..