main billboard

Đúng, nhà mình còn một phòng trống nhưng mình không muốn cho cô nào thuê hết bồ ơi. Nguy hiểm lắm. Lạng quạng phải chia chồng hổng chừng!...

bac tinhVợ chồng Bích Liên và Trân mới mua được căn nhà 4 phòng ngủ, rộng và đẹp trong một khu vực tốt của thành phố. Trong bữa tiệc tân gia, Hà, một cô bạn đề nghị:

– Nhà rộng 4 phòng, lại còn dư thêm cái basement đã xong nữa chứ. Tui thấy hai ông bà nên kiếm người cho thuê phòng để phụ thêm tiền nhà đi. Nếu đồng ý thì cho tui biết để tui giới thiệu con nhỏ bạn.
Chưa đợi chủ nhà trả lời, Hà nói thêm sau khi nuốt một miếng nem:
– Con nhỏ làm chung hãng với tui. Nó sang đây có một mình, buổi sáng đi học, chiều đi làm, đang cần gấp một chỗ ở. Nó ngăn nắp và đàng hoàng lắm. Chỗ quen biết, chủ khách đều đáng tin cậy. Giúp đỡ nhau mà hai bên cũng đều có lợi, ông bà nghĩ sao?
Quả đúng như Hà nói, nhà còn một phòng trống ở tầng hầm, khá rộng rãi và biệt lập, cho share thì có lợi về mặt tài chính và cũng không làm họ sống chật chội thêm vì nhà rộng mà chỉ có hai vợ chồng và đứa con nhỏ. Trân đã tính trong đầu chuyện này và định bàn với Liên là đánh tiếng cho mấy người bạn độc thân muốn share nhà biết. Chưa kịp thu xếp vì quá bận rộn thì hôm nay được cô bạn tính dùm. Anh phấn khởi định lên tiếng, bỗng có ai đó đạp vào bàn chân anh dưới gầm ghế rồi Liên lên tiếng:
– Đúng, nhà mình còn một phòng trống nhưng mình không muốn cho cô nào thuê hết bồ ơi. Nguy hiểm lắm. Lạng quạng phải chia chồng hổng chừng!
Cả bọn lao nhao, một ông bạn lên tiếng:
– Chị lo xa quá. Ông Trân của chị đàng hoàng và mê vợ nổi tiếng cả tiểu bang, suốt ngày ru rú trong nhà. Ra ngoài thì lúc nào cũng kè kè với vợ.
Liên đoan quyết:
– Có trả tui ngàn vàng tui cũng không chịu. Để tui kể cho quý vị nghe chuyện cho thuê nhà của bà thím.
Bưng ly nước uống vài ngụm cho thấm giọng nàng bắt đầu kể:
– Phải nói là không có cái dại nào giống nhau! Thấy nhà dư một căn gác phụ nên thím Phú của tui bàn với chồng tranh thủ cho thuê. Mà lại cho một bà góa thuê mới chết chứ! Mấy người biết không, chú Phú tui vừa là họa sĩ và cũng là văn sĩ nên được thím cưng lắm, sáng sáng ngủ dậy có thau nước ấm bưng đến tận giường. Thím lau mặt lau lưng cho chồng xong là đấm bóp cho chàng nửa tiếng đồng hồ. Đấm bóp mỗi sáng, mỗi chiều, mỗi tối. Cơm nước thì dọn mâm riêng. Sau thời 75, kinh tế gia đình xuống thấp, cuộc sống thiếu thốn mọi bề. Thế mà chú Phú vẫn được phục vụ mâm riêng có thịt có cá không như những người khác trong nhà. Ngày cúp điện nóng nực thì vợ con thay phiên ngồi quạt cho chú. Chú cần gì thì chỉ cần chỉ tay 5 ngón là vợ con quắn đít chạy bấn cả lên. Vậy mà chú cứ nhăn nhó khó chịu, ăn hiếp họ, hành hạ sai khiến tơi bời. Thói đời là thế, hai vợ chồng ăn ở với nhau, nếu một người hiền lành nhường nhịn người kia thì đối phương không cảm động mà trân quí, ngược lại họ còn lợi dụng leo lên đầu lên cổ mà ngồi, cứ nghĩ đối phương có nhiệm vụ phải phục tùng, chìu chuộng, hầu hạ mình.
Sướng như vậy mà chú Phú không biết thương vợ con, lại tự dâng mình cho bà góa. Bà góa phụ nửa chừng xuân này cứ nay hư bóng đèn, lúc hư cái ống nước nhờ ông chủ nhà giúp riết. Qua căn gác của bà góa, chú chứng tỏ ta đây là trai đảm không phải chỉ biết cầm cây cọ, cây viết. Chú thay bóng đèn, sửa vòi nước, hì hục ra sức để lấy lòng nàng ta. Đúng là khôn nhà dại chợ! Và cuối cùng chú tự động hiến thân, hát bài “Thú đau thương” với góa phụ nửa chừng xuân, bỏ lại người vợ đảm đã hầu mình.
Trân chen vào hỏi vợ:
– Em không thấy là thím nuông chìu chú như một đứa con cầu tự hay sao? Chú bực bội gắt gỏng khi được chìu chuộng quá mức vì muốn thể hiện một chút cái sức mạnh của giống đực khi đã bị thím giành trọn cái quyền che chở, bảo bọc của một người đàn ông. Rồi chú có dịp thể hiện điều đó với cô hàng xóm, vậy là thuyền rẽ sang ngang. Đơn giản thôi.
– Em còn thấy là dạo đó thím vất vả quá, việc lớn việc nhỏ đều một tay lo liệu nên không có thời giờ chăm sóc bản thân, dung nhan tàn tạ. Suốt ngày đầu tắt mặt tối thì còn gì là “tình điệu”, còn gì là hấp dẫn, bảo sao ông chồng không chán cho được. Thím Phú không cần cho bà góa thuê phòng, trước sau gì ông chồng nghệ sĩ của thím cũng sẽ lao vào vòng tay của người khác mà thôi.
Đến phiên đám đàn bà lao nhao:
– Cho nên phải dành thì giờ mà lo làm đẹp để mấy ông chồng không chán. Shopping, thể dục thể hình, thẩm mỹ viện phải thường xuyên mà viếng.
Ông chồng của Hà lên tiếng:
– Tôi không thấy mấy bà ăn diện làm đẹp cho đàn ông mà hình như để ganh đua với nhau thôi. Rồi cái vụ đi sửa sắc đẹp tui cũng chào thua luôn. Không biết mấy ông khác thế nào chứ đồ giả chỉ để ngó chứ tui không dám xài đâu.
Nãy giờ ngồi im nghe chuyện, bỗng Hằng là bạn thân của Liên tằng hắng nói:
– Bà Liên và mấy người nói đúng đó. Tui cũng cho rằng đàn ông đa số không đáng tin, và cũng không nên lùa cọp vào nhà. Để tui kể chuyện của người thân tui cho mà nghe. Chuyện này có thật 100% đó.
Rồi Hằng kể:
– Dì của tui bị đau cột sống không tiện đi lại phải kêu con cháu họ xa ngoài quê vào đỡ đần bớt việc nhà. Nhưng ông chồng của Dì không ưa con bé cháu này, cứ chê nó vô ý, cẩu thả. Ông hay chửi mắng đòi đuổi con nhỏ về quê làm dì cứ phải năn nỉ xin chồng bỏ qua để nó ở lại giúp việc. Dì bảo là con cháu trong nhà yên tâm và tin tưởng hơn là phải đi thuê người ngoài. Một bữa Dì nghe tiếng chồng chửi mắng con cháu dữ quá nên ráng sức tự lăn cái xe lăn vào nhà bếp mà can ngăn. Quả thật không ngờ! Mấy người có biết Dì nhìn thấy gì không? Hình ảnh dì nhìn thấy trước mắt làm dì trợn trừng hai mắt chết điếng. Ông chồng yêu quí đang ôm con cháu trong lòng, hai tay mò búa xua, miệng thì lớn tiếng mắng chửi. Thì ra lâu nay ông chửi mắng ghét bỏ con nhỏ chỉ là động tác giả để đánh lạc hướng bà vợ của ông!
Liên chép miệng:
– Ông này cũng ghê quá. Nghe mà mất hết lòng tin với đàn ông.
– Đâu phải đàn ông nào cũng vậy. Mấy bà này chuyên vơ đũa cả nắm hà.
Mấy ông mấy bà nhao nhao lên mỗi người một ý kiến. Không bên nào chịu nghe bên nào, ai cũng có lý lẽ riêng. Từ chuyện bê bối và háo sắc của mấy ông đến chuyện ăn diện làm đẹp của mấy bà, từ chuyện Lewinski của Clinton cho đến chuyện Dianna và người tình già Camilla của thái tử Charles.
Cho mãi đến khi khách khứa ra về hết, dọn dẹp buổi tiệc tàn xong, vẫn còn ảnh hưởng câu chuyện trong bữa tiệc, Liên bùi ngùi nhớ lại chuyện thưở nào.

***

Ngày xưa khi Bích Liên còn bé xíu gia đình nàng rất hạnh phúc. Cha nàng làm trong ngành giáo dục và được tôn kính trong xã hội, còn Mẹ thì xinh đẹp và rất khôn khéo. Cha rất yêu mẹ. Mỗi lần đi ngoại giao tiệc tùng ông đều đưa bà đi theo và không giấu niềm hãnh diện giới thiệu vợ mình là một người đàn bà hoàn mỹ mà ông đã may mắn cưới được.
Mẹ không những đẹp mà còn tài sắc vẹn toàn. Bà còn trẻ chưa đến 35 mà đã được thăng làm thanh tra ngân hàng, một địa vị khá cao trong xã hội bấy giờ. Nàng nhớ có lần được tới chỗ mẹ làm để ăn tất niên và đã thấy mẹ được rất nhiều người chào hỏi một cách kính nể. Mẹ giỏi nhưng không kiêu, lúc nào bà cũng kính trên nhường dưới nên được bạn đồng sự yêu mến, nể vì. Về nhà bà cũng lo cho gia đình chồng con được ăn ngon mặc ấm và nhà cửa được vén khéo sạch sẽ.

Bà làm thanh tra ngân hàng nên đôi khi phải xa nhà vài hôm để đi thanh tra các ngân hàng xa xôi. Vì tin vào tình yêu của chồng nên bà đã không bao giờ ngờ rằng có một ngày ông chồng dấu yêu đã không kìm hãm được dục vọng của mình mà làm chuyện có lỗi tày trời! Ông đã léng phéng tằng tịu với cô người làm trong nhà chỉ mới 17 tuổi! Thua ông đến 20 tuổi!

Mẹ nào có ngờ! Phải! Ông chồng của Mẹ là một người có tiếng đạo đức. Ông làm lớn trong phòng giáo dục mà! Ông có tư cách, đàng hoàng, là một tấm gương mẫu mực của mọi người. Ai cũng khen đây là một gia đình hạnh phúc, thuận thảo. Cả chồng lẫn vợ đều đẹp và tài giỏi, lúc nào cũng thương yêu tương kính nhau. Vậy mà chỉ vì chữ “dục” ông lại đành đoạn phá tan hạnh phúc gia đình và tự đạp đổ hình tượng của mình.

Bích Liên lúc ấy mới 11 tuổi. Chính là nàng từ hồi còn nhỏ đã khám phá ra sự léng phéng của cha và chị người làm. Ngày mẹ nàng đi công tác xa nhà, một đêm đang ngủ Liên bỗng thấy khát nước khô cả cổ và xuống nhà dưới tìm nước uống. Liên tình cờ thấy cha đi vào phòng ngủ của chị người làm và tiếng hai người giỡn hớt với nhau. Rồi nàng để ý thấy cha hay có cử chỉ quá thân mật với chị ấy những khi không có mẹ. Đôi khi ông còn thân mật với chỉ trước mắt mấy đứa con nhỏ của ông vì cha cứ nghĩ bọn nhóc còn nhỏ dại không hiểu được sự tình. Nhưng cha đã lầm! Cô bé con ấy đã biết được mọi sự và suy nghĩ tìm cách ly gián mối tình bất chánh này bằng cách giả viết một bức thư tình của một anh chàng nào đó với chị người làm rồi để cho cha đọc mà ghen tuông và bỏ rơi chị ta. Nhưng mưu kế không thành vì chẳng thấy động tĩnh gì cả, có lẽ lá thư tình đó đã không tới tay cha nàng. Sau này lớn lên nghĩ lại nàng tự cười mình đã quá thơ ngây. Chữ viết của đứa con nít 11 tuổi thì làm sao mà đánh lừa cha nàng được!
Sau đó Liên đã đem sự tình mách với Mẹ và Mẹ đã cho chị người làm nghỉ việc về quê. Liên không biết giữa cha mẹ nàng thu xếp và giải quyết chuyện này ra sao nhưng trong nhà vẫn êm ấm, không có chuyện ồn ào ghen tuông cãi cọ gì cả. Có thể vì nàng còn nhỏ quá không thể hiểu được những nổi đau khổ hoặc nhẫn nhịn của Mẹ để giữ cho gia đình khỏi bị tan vỡ.

Nhưng chuyện đó chưa kết thúc. Cha đã giấu Mẹ lén lút thuê nhà cho cô nhân tình ở và rất tình cờ nơi đó lại gần nhà một nhỏ bạn học của Liên. Liên nhớ lúc đó nàng mới học lớp 7. Một hôm đầu giờ học con nhỏ Hương ra vẻ bí mật và quan trọng, thì thầm:
– Liên ơi! Ba bạn có vợ bé. Bà này ở cạnh nhà Hương đó.
Liên ngỡ ngàng hỏi bạn:
– Sao Hương biết?
Hương đoan chắc:
– Bả khoe với Hương. Bả nói bả là Má hai của Liên. Bả đọc tên họ của Liên trúng chóc hà.
Liên hơi tin tin và hơi hồ nghi nên hỏi dò tới:
– Bả tên gì Hương có biết không?
– Tên Lý.
Liên không muốn Hương biết chuyện xấu của gia đình mình nên cố cãi:
– Chị Lý là người làm của nhà Liên mà. Chỉ giỡn đó.
Hương giáng một đòn chí mạng cuối cùng:
– Hương thấy ba Liên tới nhà bả mấy lần rồi. Trong xóm ai cũng nói bả là vợ bé của ba Liên.
Một nỗi giận dữ và tủi nhục trào dâng trong lòng cô bé. Liên không ngờ cha mình lại tệ đến thế. Ông đã tiếp tục lừa dối Mẹ mà liên lạc với nhân tình của ông. Đến đây thì Liên hết hồ nghi và hết dấu Hương được nữa nên hỏi nhỏ bạn:
– Ba Liên thường tới thăm bả giờ nào vậy?
– Hương thường gặp bác tới đó cỡ trưa trưa sau khi mình đi học về!
Vậy là đúng rồi, khoảng hai tuần nay Ba lấy cớ bận họp hành và công chuyện nên không về ăn cơm trưa với gia đình. Càng nghĩ Liên càng giận và càng mong mau tan trường để về kể lại với Mẹ. Mẹ đã lặng người đi và nói với Liên:
– Con biết nhà bạn Hương phải không? Trưa mai Mẹ sẽ đến trường đón con tới đó để xác thực chuyện này.
Buổi trưa đó, hai mẹ con ngồi đợi ở quán cà phê đầu ngõ nhà Hương một lúc thì thấy cha Liên chạy xe vào con hẻm đó. Mẹ nhìn theo bóng ông chồng, mặt thất sắc, nhưng vẫn ngồi yên. Liên nắm tay mẹ hỏi:
– Mình có vô đó kiếm cha không?
Giọng mẹ buồn hiu hắt:
– Thôi con ạ. Mẹ không muốn làm ầm ĩ chỉ xấu mặt mọi người.

Hai mẹ con ngồi đó như hóa đá. Tay mẹ lạnh ngắt, mặt xanh xao, lâu lâu lại hít vào một hơi thở thật sâu. Cha ở trong đó đến gần hai tiếng đồng hồ mới ra về, mặt mày phơi phới không biết vợ con ông đang đau khổ ngồi trong quán nước cách đó không xa. Sau này lớn lên Liên cứ nghĩ tới lúc đó mà thương mẹ vô cùng. Bà chắc phải đau khổ lắm để dằn cơn ghen tuông trong lúc ông chồng đang hú hí với nhân tình gần đó.
Mẹ đã đàm phán êm dịu với cha nên trong nhà vẫn sóng lặng gió tờ, và vài ngày sau Liên nghe Hương nói chị Lý đã dọn đi mất. Cha Liên lại trưa trưa chiều chiều về nhà cơm nước như xưa. Người giúp việc trong nhà giờ đây là một bà bác đã có tuổi vì Mẹ đã thề là không bao giờ thuê những cô giúp việc trẻ tuổi nữa. Nhưng đã muộn!

Bề ngoài Mẹ Liên tha thứ cho chồng để giữ một mái ấm cho các con nhưng trong mẹ như có một gì đó tan vỡ. Mẹ nàng không còn chút tin tưởng nào dành cho ông chồng yêu quí của mình cả. Mà cũng đúng, khi người ta đã ăn ngon được một lần thì cái lòng nó cứ thèm thuồng và tìm cách để được nếm thêm lần thứ hai, lần thứ ba…Ông chồng của Mẹ cũng không ngoài cái thế thường đó và đã làm cho bà đau khổ hết lần này đến lần khác. Từ cái lần vượt rào đó ông bắt đầu cho những bữa trốn cơm tìm phở, bún bò, bún riêu, bún ốc…cho đến cuối đời.
Mẹ nàng hay tâm sự những đau khổ của bà cho con gái lớn biết. Bích Liên rất bất nhẫn nói:
– Tại sao Mẹ không ly dị Ba quách cho xong. Nếu sau này chồng con mà phản bội là con chia tay ngay!
– Mẹ không muốn các con mất cha. Thà là Mẹ mất chồng!
Bích Liên lại quan niệm khác. Đối với nàng, vợ chồng là phải tuyệt đối trao cho nhau cả tâm hồn lẫn thể xác. Nàng tâm niệm nếu chồng mình mà phản bội thì a-lê-hấp! Chia tay ngay! Có con rồi cũng mặc! Con cái có thể có thêm một người cha hoặc một người mẹ khác, rồi cũng quen thôi. Không thể hy sinh cả một đời để gắn bó với một con người bạc tình như thế được. Nhưng tốt hơn cả là đừng để tình trạng đó xảy ra!

Mẹ Bích Liên chỉ cảnh báo nàng về việc “lùa cọp về nhà”, “nuôi ong tay áo”. Nhưng Bích Liên còn lo xa đến “vịt trời”, đến “yêu nhền nhện” nhan nhãn đầy đường phố ở Việt nam nên nàng rất hạn chế về thăm quê hương vì thứ nhất tốn tiền, thứ hai dễ mất chồng. Ở Việt nam ngày nay, nghe nói càng ngày càng có nhiều kiểu ăn chơi lạ đời, hấp dẫn để câu khách như nhất dạ đế vương, massage Thái, bia ôm, cà phê võng, tắm tiên, hớt tóc thanh nữ…Mấy người đàn ông Việt kiều cứ thì thầm chuyền miệng những gì họ đã nếm được sau những ngày thăm viếng quê hương cho bạn bè nghe và mấy ông bạn thì cứ vừa nghe vừa nuốt nước miếng mơ màng. Có nhiều ông mỗi lần về có vợ tháp tùng theo nhưng vẫn tìm cách vượt rào đi thử món lạ, có ông còn khoe vừa tới sân bay Tân sơn Nhất đã tìm cách tàng hình. Nghe mà chán.
Nói sơ sơ vài trường hợp thôi chứ ngồi mà kể ra hết những trường hợp Bích Liên biết thì ôi thôi sao thấy đàn ông tệ quá xá tệ. Nàng cũng không muốn vơ đũa cả nắm nhưng nói chung thì đừng có dại mà tin đàn ông. Phải lo đề phòng và giữ chồng cho kỹ vì chồng nàng cũng là một con người bình thường với đầy đủ các ái tình lục dục, cũng tham sân si, cũng hỉ nộ ái ố, và luôn ca tụng “tứ khoái” của cuộc đời. Gia đình nàng đến ngày nay vẫn còn hạnh phúc vui vẻ không có nghĩa là sẽ mãi mãi mà mất đi cảnh giác. Rủi ro bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra, giữ chồng được lúc nào hay lúc nấy, và nếu số trời đã định ông chồng của mình có chạy theo người đàn bà khác thì Liên cũng không tiếc nuối vì mình đã làm hết sức rồi.

Cũng may là Trân có vẻ như không để ý đến những người đàn bà đẹp và cũng không có bao nhiêu bạn phái nữ. Chàng chỉ thỉnh thoảng liên lạc với vài người bạn học thời trung học hoặc đại học còn ở trong nước hay ở rãi rác khắp bốn phương trời. Một hôm Trân nói với Liên:
– Anh mới liên lạc được một thằng bạn nối khố đang ở bên Pháp. Nghe nói hắn đang tính nghỉ phép bốn tuần bên Mỹ nên anh muốn mời hắn tới nhà mình ở em thấy có tiện không?
– Ai vậy? em có biết không?
– Thằng Huy! Hồi xưa vào thành phố học Đại học anh hay ăn dầm nằm dề ở nhà nó lắm. Rất thân. Tiếc rằng đã chục năm nay hắn đi vượt biên nghe nói qua được Pháp và tụi anh bị mất liên lạc.
– À, em nhớ anh chàng này, rất to con như ông khổng lồ vậy. Hồi đám cưới của mình ảnh làm phù rể phải không? Ảnh qua một mình hay đi với vợ con?
Trân chép miệng:
– Huy vẫn còn độc thân! Hắn giỏi, thông minh mà sao đến giờ vẫn chưa lập gia đình mới lạ.
Liên nghĩ đến việc nhà có thêm một người thì hơi phiền toái, nhưng dù gì cũng là bạn thân ngày xa xưa của chồng và nhất là không phải đàn bà, tức không phải là điều cấm kỵ của nàng thì chắc không sao nên gật đầu nói với chồng:
– Khi nào ảnh qua anh báo trước để em chuẩn bị phòng ốc cho người ta. Để ảnh ở phòng dưới basement có kỳ không?
Trân vui ra mặt:
– Phòng đó thì ngon quá rồi. Nó ở riêng biệt bên dưới cũng được tự nhiên và thoải mái.
Rồi cũng đến ngày Huy bay qua, hai vợ chồng Trân Liên cùng ra phi trường đón khách. Huy trông vẫn to lớn vạm vỡ, và rất rắn rỏi với từng bắp thịt cuồn cuộn. Hai người bạn ôm nhau mừng rỡ. Huy chào Liên:
– Chào Madam. Cả chục năm rồi mà vẫn không thay đổi bao nhiêu nhỉ?
Liên cười:
– Anh khéo nói, đúng là dân Pháp có khác.
– Chị khéo nuôi chồng quá. Trân giờ trông khỏe mạnh bô trai hơn xưa đó nhen.
Trân vỗ vai bạn:
– Ngày xưa đói ăn thì làm sao khỏe mạnh như bây giờ được. Nay có điều kiện đồ ăn thừa mứa thì không dám ăn vì sợ béo, sợ mỡ trong máu cao. Bà xã tôi cho ăn uống cẩn thận lắm. Còn bạn, độc thân mà sao trông vẫn tươm tất và ngó bảnh hết sức.
Huy cười buồn buồn:
– Một thân một mình thì càng phải tập luyện lo cho sức khỏe để nếu đổ bịnh thì đâu ai lo.
Liên thấy mến mến anh bạn cũ của chồng này. Huy có một nụ cười rất ấm áp, quyến rũ. Nhưng ngược lại đôi mắt của anh lại thăm thẳm, man dại như của một người đang cô đơn, đang lạc lõng và đang tìm kiếm một điều gì không bình thường. Nàng thầm hỏi tại sao một anh chàng đẹp trai, đầy nam tính và quyến rũ như vậy lại sống độc thân? Khó tính chăng? Điều kiện tốt như anh ta phải có cả trăm phụ nữ nộp đơn xin nâng khăn sửa túi là cái chắc. Như nàng, đã có chồng và mới gặp không bao lâu mà nhìn anh ta lại phát sinh một cảm giác muốn gần gũi, và muốn làm cho đôi mắt thăm thẳm buồn kia mất đi vẻ cô đơn lạc lỏng.
Tiếng của Trân lôi Liên trở về thực tại và như nhắc nhở nàng:
– Vậy là bạn phải lấy vợ. Có khỏe cho lắm cũng có lúc bịnh và cần có người chăm sóc.
Cả ba ra bãi đậu xe, Trân loay hoay mở cốp xe bỏ hành lý bạn vào, còn Huy đến xe lịch sự mở cửa xe mời nàng:
– Mời người đẹp!
Một sự ga lăng nho nhỏ của Huy cũng làm Liên như bâng khuâng trở lại thuở con gái ngày nào. Từ ngày quen và lấy Trân, chàng ít khi để ý chìu chuộng và ga lăng cho nàng. Bản tính của chàng không thích màu mè kiểu cọ, không thích lấy lòng vợ bằng những chuyện chàng cho là dư thừa, không thực tế. Trân thường nói:
– Mắc mớ gì phải mở cửa xe cho đàn bà, chuyện đó dễ ợt con nít còn làm được. Chỉ là để trình diễn thôi, chẳng có nghĩa gì hết!
Vào những ngày lễ tình nhân, ngày phụ nữ hoặc sinh nhật vợ, Trân cũng không bao giờ mua quà hoặc ngay cả một đóa hoa hồng cho nàng. Chàng nói:
– Phi thực tế. Cả nhà đưa nhau đi ăn tiệm có vui hơn không! Anh thương và yêu em 365 ngày như nhau, ngày nào cũng là ngày đặc biệt mà, bộ em không thấy sao?
– Anh khô khan thì có. 365 ngày đặc biệt nhưng không có ngày nào lãng mạn hết trơn.
Từ ngày Huy đến ở chung, Liên như thấy có một cái gì lâng lâng, lãng mạn len lỏi vào tâm hồn mình. Huy thật khác hẳn với Trân, chàng tỉ mỉ săn sóc, chú ý từng ly từng tí đến nàng. Mỗi sáng Liên thức dậy đi làm đã thấy Huy lúi húi trong bếp pha sẵn cho nàng một ly cà phê nóng hổi, thơm phức và ân cần hỏi han. Còn Trân chồng nàng thì vẫn ngủ say trong chăn không màng gì đến vợ. Trân có rất nhiều ngày phép nên lấy bốn tuần phép để tiếp bạn và đưa bạn đi đây đi đó. Buổi tối đôi bạn thường thức đến khuya lắc khuya lơ để tâm sự và nhắc lại chuyện ngày xưa, nhưng trong khi Huy thức dậy sớm để pha ly cà phê cho nàng thì chồng nàng lại vô tình ngủ kỹ. Mỗi chiều đi làm về, Huy lại pha sẵn cho nàng ly nước chanh hoặc ly cam vắt và cũng ân cần hỏi han đến công việc của nàng ở hãng, trong khi Trân tỉnh bơ ngồi xem ti vi.
Liên dạo này thấy mình cũng có chút thay đổi, nàng ăn diện kỹ hơn, thấy đời nên thơ hơn…và chỉ có Huy nhận ra sự thay đổi đó:
– Chị chải tóc kiểu này xinh lắm đấy!
Hoặc:
– Bộ đồ màu này hợp với nước da của chị lắm…
Trân thì đâu có để ý gì đến tóc tai hay quần áo của vợ, chàng buông một câu khi thấy bạn khen vợ mình:
– Liên lúc nào cũng đẹp, không cần trang điểm hoặc ăn mặc cũng đẹp luôn. Bạn khỏi cần khen.
Trong khi Liên đỏ mặt vì câu nói của chồng thì Trân lại tỉnh bơ như quên mất chàng đã nói gì. Trước nay, Liên cũng ít để ý đến sự quan tâm của chồng đối với mình. Trân lúc nào cũng là một người chồng mẫu mực, không lăng nhăng bậy bạ, không cờ bạc rượu chè, ngoài giờ làm việc chỉ thích ở nhà vui với vợ con. Trân thương vợ nhưng như đa số đàn ông Việt nam, chàng bảo là yêu thì để trong lòng chứ cứ nói ra hoặc tỏ vẻ âu yếm chìu chuộng thì trông rất tuồng. Ngược lại Huy như bù trừ vào những thiếu sót đó, chàng thật nam tính, nồng nàn, lãng mạn. Trong cặp mắt man dại thăm thẳm đó lâu lâu lại lóe lên một tia lửa như muốn thiêu cháy lòng nàng. Thân hình cao to vạm vỡ nhưng tướng đi lại nhẹ nhàng uyển chuyển như một con beo, chàng như có một từ trường rất mạnh xung quanh khiến Liên ngây ngất tê dại cả người và thầm mơ ước được vòng tay đó xiết chặt, được tan loãng trong cái sức mạnh tiềm tàng kia.
Liên chưa bao giờ có một niềm đam mê kỳ lạ như thế. Chưa bao giờ nàng bị tình cảm xung động và giận cái bản ngã của mình như vậy. Đêm nàng ngủ không ngon, nhiều khi thức dậy thao thức vì một bên là lý trí, đạo đức, tình yêu và tình nghĩa với chồng; bên kia là một tình cảm lãng mạn không tên cứ càng ngày càng lấn chiếm tâm tình của nàng. Càng xua đuổi nó đi, nó lại cứ tràn vào, cứ như một loại vi khuẩn khó trị. Liên vận dụng hết lý trí và hình ảnh chồng con để chiến đấu và xua đuổi hình bóng của Huy trong tim nàng. Nàng đang có một gia đình hạnh phúc, chồng tốt con ngoan nên không bao giờ muốn đánh mất. Hơn nữa qua kinh nghiệm đau thương của Mẹ nàng và của những người quen biết, Liên rất ghét những kẻ bạc tình. Liên biết cái thứ tình cảm lãng mạn bồng bột này chẳng bao giờ đi đến đâu, là một thứ tình cảm tội lỗi không đáng dung thứ. Cũng may, Huy lúc nào cũng giữ một khoảng cách với Liên. Chàng vẫn tôn trọng và đối xử với Liên như một người bạn thân, không hơn. Còn Trân thì tỉnh bơ như không thấy và không bao giờ nghi ngờ vợ mình đã chao lòng.

Thấy chồng tuyệt đối tin tưởng mình như vậy, Liên vừa mừng, vừa hổ thẹn và cũng vừa giận. Mừng là vì chàng không nhận ra mà ghen tuông trách móc vợ; hổ thẹn vì mình đã có máu đa tình giống cha, có chồng mà lại đi cảm động để ý đến một người đàn ông khác; và giận vì Trân quá vô tình không để ý gì đến sự thay đổi trong lòng nàng.
Hai tuần lễ đầu, Trân bận bịu đưa Huy đi thăm viếng những danh lam thắng cảnh của tiểu bang hoặc thăm bạn bè xưa. Đến tối hai người bạn lại thức khuya cà phê cà pháo hoặc sương sương nên khi chàng vào phòng ngủ thì Liên đã ngủ khò tự lúc nào và chàng cũng mệt quá lăn ra ngủ vùi.

Đến tuần thứ ba thì Liên thấy thái độ Trân có vẻ khác lạ. Chàng hay nhìn Liên một cách dò xét và khi Liên nhìn lại thì chàng giả lơ quay đi chỗ khác. Chàng không còn muốn ân ái với nàng như xưa và cứ tránh né không muốn gần gũi với nàng nữa. Có phải Trân sinh lòng hồ nghi và giận nàng? Liên đã cố gắng đè nén và giấu đi tình cảm của mình đối với Huy nhưng có khi nào nàng đã để lộ trong một ánh mắt nhìn, hoặc trong một cử chỉ âu yếm, hoặc trong lúc mớ ngủ. Liên giận mình lắm, nàng khi không lại làm cho chồng mình giận và đau khổ. Một bên là tình yêu gia đình và lý trí, một bên là nỗi đam mê khờ dại cứ làm nàng ray rứt khó chịu khôn nguôi. Liên nghĩ chỉ có cách ráng tỉnh táo và tránh xa Huy chừng nào hay chừng nấy, chờ đến khi Huy về nước thì mọi việc sẽ từ từ qua đi.

Dường như Trân hiểu và muốn giúp nàng mà chiều hôm đó khi Liên đi làm về, chàng nói:
– Còn khoảng chục ngày nữa anh Huy về Pháp. Bọn anh tính ngày mốt hai đứa anh sẽ bay qua California dự buổi họp bạn. Có thể ảnh sẽ đổi vé về Pháp từ California luôn.
Liên cảm thấy buồn buồn vì chắc sẽ không gặp lại Huy nữa, nhưng nàng cũng mừng vì đây là cơ hội để quên và không bị yếu đuối để làm điều lầm lỗi với chồng con. Liên nghĩ chồng mình chắc chắn đã nghi ngờ về cảm tình của mình đối với Huy nên đã tìm cách đưa bạn đi sớm để nàng khỏi phải sa ngã. Liên nói một câu thật lòng:
– Thế cũng tốt. Rồi mọi chuyện sẽ qua.
Trân nhìn nàng với ánh mắt kỳ lạ và lặp lại:
– Ừ, rồi mọi chuyện sẽ qua!
Hôm sau, Trân và Huy loay hoay sửa sang lại tất cả những vật dụng hư hỏng trong nhà như cái cửa bị long bản lề, cái đèn bị đứt bóng, rồi cắt cỏ, tỉa cây… Liên ngày đó cũng xin phép nghỉ tính ở nhà thu xếp hành lý cho Trân và làm bữa cơm tiễn biệt nhưng Huy nói:
– Madam! Bữa nay chị được ưu tiên làm nữ hoàng có chúng tôi hầu hạ. Chị cứ đi mua sắm thoải mái đi. Chúng tôi sẽ lo bữa ăn để phục vụ madam.
Liên đùa:
– Phải chi ngày nào cũng được như vậy thì thích quá!
Trân nói giọng ngậm ngùi:
– Anh chỉ mong làm em vui được chừng nào hay chừng đó.
Liên cảm nhận được nỗi buồn trong giọng nói của Trân. Nàng càng thấy áy náy và thương chồng vô cùng. Nàng nghĩ:
“Anh ấy thương mình biết bao. Khi anh trở về, mình sẽ là một người vợ thật tốt để gia đình mình luôn hạnh phúc vui vẻ.”
Buổi cơm chiều cũng xong, Trân ôm con trai vào lòng dặn dò:
– Ngày mai Ba và chú Huy đi sớm, Ba không chở con tới trường được nên con phải thức dậy sớm hơn và ra đón school bus chung với mấy bạn nhé.
Thằng nhỏ gật gù:
– Dạ! Con cũng thích đi school bus với mấy bạn. Ba yên tâm đi chơi đi, nhớ mua quà cho con nghe.
Huy nói với Liên:
– Cảm ơn chị đã tiếp đãi tôi bấy lâu nay. Nếu có gì lầm lỗi xin chị tha thứ.
Liên kêu lên:
– Anh này khách khí quá. Có gì đâu mà phải nói đến tha thứ.
– Thì tôi đã mượn ông xã của chị mấy tuần nay…
Liên đùa:
– Tôi cho anh mượn luôn đó! Nhớ luyện cho ảnh biết cách ga lăng như anh rồi trả lại tôi nghe!
Trân nhìn Liên đăm đăm tính nói gì lại thôi. Tối đó chàng vào nằm bên cạnh vợ mà mặt cứ dàu dàu không vui. Liên rúc vào lòng chồng nhưng Trân chỉ ôm vợ siết chặt và nói:
– Thôi ngủ đi em. Mai anh còn đi sớm.
Cho là Trân vẫn còn giận mình nên Liên thở dài, nằm im và lần lần chìm vào giấc ngủ. Trong mơ, nàng thấy Trân và Huy cùng phi ngựa trên một cánh đồng bất tận, còn nàng cứ chạy bộ theo và gọi hoài, gọi mãi nhưng cả hai cùng không quay lại…

***

Tính ra Trân đi California đã hơn một tuần rồi nhưng vẫn chưa về. Email và phone cũng không liên lạc được. Quái, chàng có đem điện thoại di động theo mà. Liên lo sợ không biết có chuyện gì xảy ra hoặc chàng gặp tai nạn gì không nên nàng gọi hỏi người bà con và một số bạn bè ở đó xem Trân có ghé đến không nhưng tất cả đều bảo không gặp chàng. Trân và Huy như biến mất. Liên tính chờ thêm vài ngày nữa rồi báo cảnh sát nhưng rồi nàng nhận được một lá thư qua đường bưu điện với tên người gửi là Trân. Lá thư không đề địa chỉ của Trân nhưng con dấu bưu điện từ Massachusetts. Thư viết bằng nét chữ quen thuộc của chàng:

Liên em.
Lẽ ra anh phải báo cái tin này cho em lúc anh còn ở nhà nhưng khó nói ra lời vì anh đã không đè nén được mình mà đi yêu một người đồng phái là Huy. Phải, một tình yêu thật kỳ lạ anh đã không bao giờ ngờ được, nó cuồng nhiệt quá khiến anh phải từ bỏ bổn phận làm cha, làm chồng.
Từ khi mới lớn, anh thấy mình dễ thân với bạn cùng giới hơn phái nữ. Nhưng anh không dám nghĩ mình là gay vì hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ lên án đồng tính luyến ái và chính anh cũng vậy. Anh muốn chứng tỏ mình là đàn ông nên đã rất mừng vì quen biết được với em, cưới em và có con của chúng ta. Anh rất quí gia đình mình, mong rằng có thể sống với em đến răng long đầu bạc. Nhưng từ khi có sự xuất hiện của Huy, anh không thể khống chế được mình nữa. Anh ấy có sức mạnh mãnh liệt đầy nam tính cả về thể chất lẫn tinh thần, lại có sự quan tâm chu đáo tỉ mỉ của người phụ nữ, và thật là quyến rũ. Anh cảm thấy được gần gũi với Huy, bây giờ mình mới thật sự là mình. Anh không mong em tha thứ cũng không mong em thông cảm, chỉ mong em sớm dịu lại để chúng ta có thể ngồi lại với nhau cùng thu dọn những hậu quả do chuyện đáng tiếc này mà thôi.
Anh sẽ liên lạc điện thoại với em sau, hy vọng lúc đó em sẽ bình tỉnh hơn để chúng ta có thể nói chuyện nhiều. Chúc em an lành.
Trân.

Liên đọc xong lá thơ mà đầu óc nàng như mụ đi. Người chồng yêu quí của nàng bỗng dưng trở thành người yêu kẻ đồng phái! Anh ấy có phải là kẻ bạc tình chăng? Anh đã bỏ gia đình, trách nhiệm mà chạy theo một mối tình anh cho là bản ngã của mình. Đạo đức và lương tâm của anh để đâu? Còn nàng? lên án sự phản bội, đa tình của cha và của những người khác, nhưng đứng trước một cám dỗ mãnh liệt vẫn có thể sa ngã. Nếu Huy không phải là người yêu đồng tính mà tỏ tình với Liên thì liệu nàng có dùng lý trí của mình mà không ngã vào vòng tay của Huy không? Nàng cũng là một kẻ phản bội không hơn gì người khác, chỉ là chưa đến lúc mà thôi.
Tới đây đường ngắn ngõ dài

Đón ngăn nhau lại, hỏi ai bạc tình?