main billboard

“Thiệt sự tên tôi. Ngày xưa cả Thủ Đức gọi tôi là Jacqueline. Ngày nay cả tiểu đoàn gọi tôi là Jacqueline.”

goi nguoi yeu dauTôi trở về Đà Lạt để tựu trường sau hôm Quốc lộ 20 vừa được giải tỏa. Ngoài bến xe, hành khách chen chúc nhốn nháo, mãi tôi mới mua được cái vé xe đò. Thấy hai chị em sinh đôi Ngọc Ngà xách va-li lên cùng xe, tôi mừng thầm, suýt kêu tên, nghĩ sao lại thôi. Sự hiện diện của họ khiến cho không khí trong xe thoáng thay đổi, thân thuộc hơn. Có điều họ được nhiều người trong trường ái mộ, nên tôi đâm dè dặt, không chừng phải dè dặt hơn trước đây, như khi gặp nhau trên những con đường đầy hoa đào và hoa mimosa, trong những cuộc liên hoan sinh viên, pic-nic hay công tác xã hội.

“Tầm bậy nào!”

Tôi giật mình tưởng ai nhìn thấy những cảm nghĩ của mình. Mặc dù chẳng có gì. Thò đầu qua cửa sổ, tôi thấy anh lơ đang nói qua nói lại gì đó với một anh lính, anh lính quát lần nữa bằng một giọng hơi nghẹt mũi nhưng có uy:

“Tầm bậy!”

Rồi tôi thấy anh lơ nhượng bộ, chỉ cho anh lính lên ngồi cạnh chị em Ngọc Ngà. Thằng cha có phước, tôi nói thầm trong bụng và nhìn cổ áo anh xem có lon lá gì không. Không. Cũng yên tâm một phần. Xe chuyển bánh rời đường Petrus Ký, rời Sài Gòn nắng lửa dù ngay sau cơn mưa.

Tới Định Quán xe ngừng cho khách nghỉ và tài lơ ăn uống. Định Quán, ai đặt cái tên Thiền như thế? Một người lính canh ngồi trên cái chòi tí hon đậu cheo leo trên chồng đá trứng gà. Ông gồi im nhìn vào rừng sâu. Đây là một biên giới khí hậu lạ lùng: từ Đà Lạt xuống, tới đây bỗng nhiên thấy hực nóng; từ Sài Gòn đi lên, tới đây thấy không khí bỗng mát rượi. Lòng tôi cũng như thế. Tài lơ được nhà hàng dọn sẵn một mâm cơm có thịt kho tầu, canh chua cá lóc, thịt gà xào hẹ, một đĩa xà lát Đà Lạt và ba chai bia lớn. Đương nhiên miễn phí. Tôi thấy anh lính ngồi một mình ở cái bàn nhỏ nhất gần cửa. Chị em Ngọc Ngà rửa mặt rửa tay xong, chọn một bàn trống khác phía trong. Tôi lại chào, hỏi han chuyện tựu trường, chỗ ở trong cư xá Trinh Vương, vài câu về mùa hè và ông giáo sư Donini cô đơn mới chết; nói được vài câu khôi hài khiến hai cô cười khinh khích nhưng mãi không thấy hai cô mời ngồi chung, tôi rút lui trở lại bàn gần anh lính. Anh ta không có vẻ gì khâm phục tôi về pha biểu diễn vừa rồi. Tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy trên ngực áo anh bảng tên “Jacqueline.” Không lẽ đây là một nữ quân nhân? Nếu nữ quân nhân thì càng đáng ngạc nhiêu hơn: râu lún phún, môi nứt nẻ, và bàn tay gân guốc đang vuốt những giọt nước mướt ngoài ly bia. Tôi nghĩ chắc đây chỉ là anh lính ba-gai viết tên người yêu trên ngực. Nhưng sao nhà binh để cho anh như vậy? Và khi bác tài hô lên xe, tôi giật mình - tại sao anh ta dám mặc đồ lính mà đi trên đoạn đường nguy hiểm sắp tới?
Vì người hành khách ngồi bên tôi xuống ở Định Quán, “anh Jacqueline” nhảy xuống chỗ bên tôi.

“Ngồi với bạn cho vui,” anh nói, người tỏa ra một mùi nồng ngái của thuốc lá và đồ lính.

“Chứ không phải nhát gái à?” tôi nói.

“Ngồi đó ngại hút thuốc.”

Làm như tôi đây không biết khó chịu mùi khói thuốc vậy! Anh rút thuốc, mời tôi, tôi từ chối, anh châm thuốc hút tỉnh bơ. Khi anh nhét bao thuốc lại trong cái túi áo có gắn bảng tên, tôi hỏi:

“Jacqueline, tên ai vậy?”

“Tên tôi.”

“Anh chỉ khéo đùa.”

“Thiệt sự tên tôi. Ngày xưa cả Thủ Đức gọi tôi là Jacqueline. Ngày nay cả tiểu đoàn gọi tôi là Jacqueline.”

“Tên cha mẹ đặt?”

“Không. Nhưng bạn muốn nghe chuyện thì tôi kể. Đang hứng...”

“Anh kể đi. Nhưng tôi không thích anh gọi tôi bằng bạn.”

“Bậy nhỉ. Anh là sinh viên Đà Lạt?”

“Phải. Sao anh biết?”

“Thấy anh đấu với hai người đẹp ở Định Quán, tôi đã định đổi chỗ cho anh... Cuối cùng không xơ múi gì à?”

“Đâu có định xơ múi gì.”

Tôi nhấn mạnh hai chữ tôi lấy làm khó chịu, xơ múi, và tiếp: “Bạn cùng trường gặp nhau không lẽ làm ngơ?”

“Anh chịu cô nào, tôi dứt điểm cho,” anh nói. “Tôi dứt nhanh lắm.”

“Bỏ đi! Anh nói chuyện Jacqueline của anh nghe có lý hơn.”

“Có lý? Có chuyện tình nào mà lại có lý? Nhưng tôi kể cho anh chuyện của tôi để anh tin tôi dứt nhanh thế nào: Tôi quê Nha Trang, vì vậy khi vào trường Bộ binh Thủ Đức học, không quen ai cả, cuối tuần bơ vơ lắm, không có ai thăm mà cũng không có chỗ đi thăm. Ra khu tiếp tân mà nghía bóng hồng, đêm về chỉ tổ mộng tinh. Mà con gái đi thăm Thủ Đức sao lắm cô đẹp thế, yến oanh dập dìu, lả lướt, ôi thôi... Chỉ làm khổ tôi. May có thằng cùng quê Nha Trang vào khóa sau, nó cho tôi nhập bọn với nhóm bạn của nó ở Sài Gòn, toàn con nhà giầu, trong đó có năm sáu cô gái, đẹp cả. Nhưng dưới mắt tôi, đẹp nhất là một cô đầm lai bố tây mẹ ta, lên Jacqueline. Đồn điền của cha mẹ ở Di Linh, cô xuống Sài Gòn học Marie Curie.”

Anh chợt ngưng nói, chỉ tay qua cửa xe:

“Ê! Con chim gì màu đỏ vừa bay lên, anh thấy không?”

“Tôi chỉ thấy toàn cây là cây... Chắc con chim lửa,” tôi nói.

“Có con chim tên như thế à?”

Anh tiếp:

“Tụi nó bày trò văn nghệ, thay phiên nhau lên ca hát đờn địch, ra lệ đứa nào làm xong nhiệm vụ có quyền chỉ định đứa kế tiếp. Nhiều đứa hát hay lắm, nhưng có nhiều đứa cũng khò khè mèo hen vịt đực, thành thử tôi không lo, chỉ nhẩm vài bài tủ xem có thuộc lời hết không. Tới phiên Jacqueline, nàng hát bài Người đi qua đời tôi. Tiếng hát cô ta đục, rền rền như hơi nóng thổi vào ống tre luồng, anh bảo làm sao tôi... chịu thấu.”

Anh quay sang nhìn tôi cười, nói tiếp:

“Tôi cứ ngây tàn tán ra thôi. Đến khi Jacqueline dứt tiếng hát, tôi đứng bật lên vỗ tay. Vừa ngồi xuống, tôi nghe nàng gọi anh Linh! Mời anh Linh tiếp theo! Hai tiếng “Anh Linh!” trên môi nàng lúc đó là âm thanh tuyệt diệu nhất tôi nghe trên đời; không ngờ nó cũng bắt đầu cho một bài hát khác ngọt ngào nhất trên môi tôi: bài hát tên người yêu. Bị gọi tên bất ngờ, tôi lúng túng, nhưng được Jacqueline gọi tên, tôi cảm động quá, như bị thôi miên đứng dậy. Tôi ấp úng nói tôi chưa bao giờ được nghe tiếng hát hay như hôm nay. Vì thế dù muốn đáp lễ bằng bài hát tôi cũng không dám; có thể nào tôi được... dựa hơi cô? Tụi nó cười rộ lên vì sự ngổ ngáo của tôi, nhưng riêng nàng mỉm cười hiền từ hỏi dựa thế nào? Song ca à? Tôi nói muốn... ôm tiếng hát để hát. Là thế nào? Tiếng nàng nói nhẹ hơn tiếng hát. Tôi nói với thằng chơi ghi-ta đệm giùm cho tôi hát bài Thành phố buồn, và cúi đầu mời nàng nhảy. Cả bọn vỗ tay hỗ trợ. Nàng đưa tay ra một cách quí phái. Bàn tay mềm mát và sự tự nhiên gần như dửng dưng khiến niềm hân hoan trong tôi giảm xuống một chút. Nhưng vẫn là niềm hân hoan rất lớn khi tôi ôm Jacqueline và bắt đầu hát. Tim tôi đập rộn ràng đến nỗi phải lấy hơi nhiều hơn khi hát, và tôi biết giọng mình run thay vì rung như thường lệ. Anh thuộc bài đó không?”

Không chờ tôi trả lời, anh hát khẽ:

“Thành phố nào nhớ không em, nơi chúng mình tìm phút êm đềm...”

Thỉnh thoảng anh ngưng lại để bình:

“Câu này tôi chịu nhất Chiều chủ nhật chiều của riêng mình... Tôi thấy tay Jacqueline ấm lên và vành tai đỏ gần như viên hồng ngọc nàng đang đeo. Dứt bài hát, tụi nó vỗ tay dữ lắm, và tôi đưa nàng về chỗ ngồi. Tôi mừng quýnh, quên đề nghị người giúp vui kế tiếp. Khi chúng nó nhắc, tôi mới đề nghị thằng bạn đồng hương. Nó ghé tai nói thằng quỉ lỏi, mày đi xì-lô, không có điệu nào khác sao? Tao có biết điệu nào khác đâu, tôi thành thật trả lời...”

Thấy anh ta ngưng, tôi gạ:

“Có vậy thôi?”

“Chư...a!”

“Anh mới nhập bọn mà hớt tay trên cô đẹp nhất, mấy ông kia ghen, rồi anh... húc chứ gì?”

“Không cần, thánh nhân đãi kẻ khù khờ: giữa những thằng con nhà giầu ăn chơi, lanh lợi, cái vẻ chân chỉ hạt bột của tôi, làm cho nàng thương hại. Khi chia tay, Jacqueline nói cuối tuần anh không biết đi đâu thì... em cũng không biết đi đâu. Từ đó Jacqueline là người đi thăm tôi trong quân trường, và người tôi hẹn hò những ngày đi phép. Tôi tin trên đời có kỳ duyên, nhưng không hiểu tại sao kỳ duyên lại xẩy đến với tôi như thế được. Tôi gắn tên Jacqueline trên áo. Mấy lần bị củ tôi vẫn không chừa... À, anh tên gì? Tôi cũng có mấy thằng bạn học chính trị kinh doanh.”

Tôi nói tên tôi và nhìn khuôn mặt vuông của anh, mắt sáng quắc, đã dịu đi nhiều lắm vì lớp sương si mê. Tôi vừa ngạc nhiên vì câu chuyện tình vừa ngạc nhiên vì sự cởi mở lúc này của anh. Mới gặp nàng, anh đã mê và... dứt điểm được ngay; bây giờ mới gặp tôi, anh đã phơi hết tâm sự.

Tôi cảm thấy gần gũi anh, và đâm lo ngại.

“Anh có biết con đường này mất an ninh không?” tôi hỏi.

“Biết chứ,” anh trả lời.

“Sao anh không mặc thường phục cho chắc ăn, lỡ ra...”

“Ai lại mặc thường phục với bảng tên?” anh cười.

“Cũng đúng, nhưng anh có nhớ Chu Mạnh Trinh thêu tên Kiều vào gấu áo... thường phục?” tôi cũng cười.

“Nhớ, nhưng thêu tên vào thường phục có cái gì không ổn...”

“Cái gì?”

“Ủy mị.”

Tôi thầm đồng ý với anh, hỏi tiếp:

“Anh không thể rời tên nàng một ngày?”

“Một giờ cũng không được. Vì thế có cái này nữa...”

Anh luồn tay vào ngực lôi ra tấm thẻ bài trong đó, bên cạnh tên anh, số quân, loại máu, còn khắc tên Jacqueline, “Để lúc đi tắm và lúc ngủ.”

“Nàng có biết tên nàng quan trọng như thế đối với anh không?” tôi hỏi.

“Biết,” anh trả lời “những lúc tôi gọi tha thiết quá, nàng linh cảm được.”

Anh im lặng, nhìn sâu vào rừng. Thấy một gia đình người Thượng dừng chân bên đường để đề phòng xe, anh nói:

“Chồng, vợ, con, con dê... theo đội hình hàng dọc.”

“Họ đi đâu nhỉ?”

“Lang thang kiếm ăn vậy thôi,” anh đáp, rồi trở về đề tài bỏ dở:

“Anh đã yêu bao giờ chưa? Anh có biết triệu chứng yêu không?”

Tôi không thích cách anh trắc nghiệm tôi như thế, nên trả lời một cách hững hờ:

“Thiếu gì triệu chứng khác nhau.”

“Triệu chứng đơn giản nhất...” anh không để ý thái độ của tôi, vẫn nhiệt thành “là khi nào anh gọi tên một người mà ngọt trong miệng, ấy là yêu. Yêu thầm cũng ngọt. Anh thử coi!”

Lại thử nữa. Kệ, tôi làm bộ lim dim, máy môi gọi tên một cô rõ xinh ở Trại Hầm, cái tên gắn liền với thổ sản nổi tiếng ở đó, rồi báo cáo kết quả:

“Chua lè.”

“Vậy là chưa yêu.” Và như đọc được môi tôi, anh ta quả quyết. “Đã yêu thì mận, chanh gì cũng thành ngọt và anh sẽ thèm gọi từng giây, từng phút, ban ngày và trong mơ. Anh ạ, tên người yêu là âm thanh ngọt ngào nhất, màu nhiệm nhất. Mở miệng ra anh thốt tên nàng như con chim bật lên tiếng hót trời cho. Mở tai ra anh nghe tên nàng; nó u trầm giữa chốn đô hội, nó văng vẳng giữa nơi thanh vắng. Mở mắt ra anh thấy tên nàng; nó chồng lên tên các đồ vật, ngự trị trên các biểu ngữ, xóa nhòa các nhan sắc khác...”

“Xóa nhòa các nhan sắc khác? Đã hẳn Jacqueline đối với anh là đẹp nhất trên đời. Nhưng...”

Tôi nghĩ tình mù đây, định nói một câu mỉa mai, nhưng sợ làm anh cụt hứng, tôi bỏ lửng.

Nhưng anh ta tinh lắm:

“Tầm bậy nào, tôi không định nói nàng đẹp át những người khác. Tôi từng thấy nhiều cô gái đẹp hơn Jacqueline chứ, nhưng khi nhìn họ tôi hình dung ra Jacqueline. Đôi khi gặp một cô gái đưa tay vén tóc giống cử chỉ Jacqueline, một đứa bé trề môi nũng nịu giống môi Jacqueline, hay một người đàn bà đưa tay khép vạt áo mà giống dáng của Jacqueline, tôi thấy họ bỗng đẹp hẳn lên.”

Đến một khu rừng cháy, anh nói tiếp:

“Nếu anh nhắm mắt, ngậm miệng, bưng tai, anh sẽ nghe trái tim đập tên nàng, vì tên đó ở trong máu anh.”

Anh ngưng một lát, châm thuốc mới, quay lại nhìn vào mắt tôi như xoi mói xem có tia nghi ngờ nào không. Tôi chỉ tỏ vẻ chờ nghe.

“Có lần nó cứu sống tôi, anh ạ...” anh tiếp.

“Cứu sống ra sao?” tôi hỏi.

Anh luồn tay vào ngực lôi ra một cái “bùa” thứ ba: một cái mề-đai bằng bạch kim lộng hình nàng một bên, tên một bên. Anh lại cởi một nút áo ngực chỉ một vết sẹo:

“Coi này... Trong trận đánh ở Ngã Ba Dầu Dây, tôi bị trúng đạn AK, nhưng viên đạn gặp cái tên Jacqueline, phải né, thành ra không trúng tim.”

“Đạn biết né!” tôi cười.

“Vâng, tôi cho rằng việc gọi tên nàng không những chỉ đem lại hạnh phúc, mà còn là một phép lạ. Phép lạ của tình yêu. Anh để ý coi, tôn giáo nào cũng thế, niệm danh vị giáo chủ là kêu gọi phép mầu.”

Thành thực mà nói, tôi cũng đã có vài mối tình, trong đó có tên tôi từng nắn nót viết trên những tập chép bài, có tên tôi gọi trong đêm; nhưng gọi tên người yêu như... tụng niệm kiểu anh ta thì tôi chưa từng kinh nghiệm qua. Dù sao tôi vẫn như bị lây tấm lòng si mê của anh.

Tuy nhiên tôi vẫn làm như dửng dưng, bông đùa nhẹ:

“Tôi sẽ tập... niệm tên người yêu như anh.”

“Phải có người yêu trước đã, ông nội ạ. Nhưng các ông sinh viên thiếu gì mối, phải không?”

“Sao tự nhiên xe đi chậm lại nhỉ?”

“Lên đèo... Với lại chắc còn hầm hố, công binh chưa lấp xong. Mẹ kiếp! Đừng đắp mô lúc này đấy nhá.”

Nghe anh nói, tôi chợt lo lắng, im lặng. Vì xe đi chậm lại, mùi dầu nhớt quẩn vào xe làm vẩn đục làn khí rừng mát lạnh. Tôi thử thầm gọi tên một cô gái tôi quen, nhưng cảm thấy gượng gạo, bèn quay sang hỏi anh để xua đi nỗi bực bội xen với sợ hãi mới xâm nhập:

“Hồi nãy anh nói đang hứng... Tại sao hứng được trong cái xe chật chội này?”

“Bởi vì hôm nay là lần đầu tiên tôi tới nhà Jacqueline. Tụi nó mà đắp mô cản trở là tôi đục chết cha tụi nó... Nàng đang về nghỉ hè với cha mẹ và hẹn tôi lên. Vui quá, muốn... chia sẻ với anh vậy mà.”

Bỗng xe dừng lại. Tôi thấy đằng trước là một đoàn xe dài. Linh ghé tai tôi:

“Bỏ mẹ rồi! Việt cộng chận đường thật. Nếu tôi có bề gì, anh tìm cách gặp Jacqueline nói cho nàng nghe trước khi chết tôi cũng gọi tên nàng.”

“Cầu Trời Phật phù hộ anh. Nhà cô ấy ở đâu?”

“Đồn điền trà Quivereau ở Di Linh.”

Linh vừa dứt lời đã có hai tên cầm súng sáp lại bên chúng tôi, ra lệnh mọi người xuống xe. Chúng lên đạn lách cách hai ba lần và hô hoán nhặng lên khi thấy Linh trong quân phục. Chúng giải Linh đi, rồi nghĩ sao, một tên quay lại bắt tôi theo, tới một nơi riêng biệt cách xa những hành khách khác.

“Đoàng” một tiếng. Một người Thượng toan bỏ chạy bị bắn chết tại chỗ; hai tên Việt cộng mỗi tên cầm một chân xác chết lôi vào rừng sâu. Cỏ dính máu rạp xuống như luống cầy.

Một tên tới chĩa súng vào ngực tôi trong khi tên khác khám xét. Tôi đưa thẻ sinh viên ra, hắn cho tôi ngồi trở lại với các hành khách “thường dân” khác.

Linh bị giữ riêng với nhóm “nguy hiểm.” Tôi thương anh quá, trái tim anh đang nao nức, miệng vừa thao thao, và người yêu anh đang chờ đợi. Có khi nào Jacqueline cứu anh một lần nữa?

Chúng tôi được lệnh ngồi quanh một tấm hình Hồ Chí Minh treo trên thân cây có hai lá cờ xanh đỏ hai bên.

Chị em Ngọc Ngà mặt tái xanh, tới ngồi bên tôi. Tôi thoáng nghĩ tới sự thay đổi tương quan giữa chúng tôi qua những không gian khác nhau, trong trường, trên xe, và bây giờ trong rừng.

Một tên cán bộ nói giọng Bắc, bắt đầu tuyên truyền. Không biết hắn ăn uống gì mà giọng có thể chát chúa như thế, nó buốt lên tận óc.

“Giải phóng... Chống Mỹ cứu nước... Độc lập... Tự do...”

Thấp thoáng trong rừng, nhiều mũi súng chĩa ra. Tôi để ý một tên mặt non nớt như con nít, tên duy nhất có sắc hồng trên má, hắn đờ đẫn nhìn chị em Ngọc Ngà.

Xong bài tuyên truyền, khu rừng êm như tờ. Một cành khô kêu rắc, rớt xuống đám cỏ nhuốm máu của anh thanh niên Thượng.

“Bây giờ đồng bào hãy cùng tôi hô...”

Tên cán bộ nổi giây chão cổ:

“Hồ chủ tịch muôn năm!”

Im lặng.

Hắn hô to một lần nữa cái tên có lẽ thân yêu nhất đời của hắn:

“Hồ chủ tịch muôn năm!”

Vẫn im lặng. Bỗng có một tiếng hưởng ứng:

“Muôn năm!” Tiếng hô rụt rè, lơ lớ.

Mọi người dồn mắt về phía vừa phát ra tiếng hô: một người đàn bà Thượng. Trước sự im lặng của mọi người, chị đè tiếng nấc, nghẹn ngào:

“Muôn năm! Cái giải phóng cho tao xin xác thằng chồng về chôn!”

Không ai trả lời chị. Chị đứng trơ ra như vừa nói một lời sai quấy lắm lắm.

Bỗng trong rừng có tiếng hô lớn:

“Jacqueline muôn năm!”

Có tiếng súng nổ chát chúa và đám đông trở nên hỗn loạn. Rồi nhiều tiếng súng nổ nữa, kèm theo tiếng hô hoán xa dần. Ngọc hoảng hốt chộp cánh tay tôi; bàn tay cô lạnh ngắt; nghĩ sao cô lại buông ra.

“Lạy Chúa, Linh Húc!” tôi than thầm.

Qua kinh nghiệm người khác kể lại, tôi biết khi lùa hành khách vào rừng tuyên truyền kiểu này, thường Việt cộng làm rất chớp nhoáng, sợ bị lộ mục tiêu. Vì thế vừa có tiếng súng nổ, họ vội vàng rút nhanh vào rừng sâu, bỏ mặc chúng tôi. Chúng tôi túa ra đường, ai về xe nấy. Tôi đi sau Ngọc Ngà trong tư thế hộ vệ, tuy tôi biết là thừa thãi, nhưng tôi tự cho rằng trong hoàn cảnh này làm thế mới coi được.

Tôi quay lại thấy bà người Thượng đứng ngơ ngác một lúc như con nghé lạc đàn rồi men theo vết cỏ rạp mà đi.

Đoàn xe rồ máy rầm rầm mà không nhúc nhích được, lại theo nhau tắt máy. Chừng giờ sau hành khách bàn nhau phải đi bộ. Tôi đi thăm dò tình hình, thấy đoạn đường đằng trước đã bị phá bằng mìn, có những cái hố ngập nước to bằng cái hồ con. Tôi trở lại xe bàn với Ngọc Ngà, rồi ba người quyết định lấy hành lý theo đoàn người đi bộ. Một bà đi buôn không thể na theo hàng hóa, ngồi vệ đường khóc, kể lể:

“Thằng Hùng không biết nấu cơm, thể nào cũng cháy nhà.”

Người thông thạo nói đi chừng bốn tiếng đồng hồ thì tới Bảo Lộc. Nhưng đoạn đường vất vả ngoài dự tưởng. Gặp hố phải đi vòng vào rừng đầy gai góc sình lầy; gặp mô thì sợ mìn, phải ngừng lại thăm dò cho tới khi có một người liều lĩnh mở đường, hoặc đành đi vòng thật xa.

Lúc đầu tôi còn đủ sức xách hộ hai cô một cái va-ly, sau tôi phải chế một cái đai để đeo trên lưng một cái, đội trên đầu một cái. Nhưng rất mau mệt, cứ đi chừng vài trăm thước lại liệng hành lý xuống, nằm xoài ra đường nhựa mà thở. Về sau, chỉ chừng một trăm bước là phải nghỉ. Tôi muốn trút bỏ tất cả để đi tay không cho khỏe, nhưng vướng hai cô tiểu thư, lại phải trỗi dậy.

Thỉnh thoảng hai cô nói một lời thân ái, nhưng không làm nhẹ bớt chút nào sức nặng của hai cái va-li.

Tôi thiếu cả sức mạnh thể chất lẫn tinh thần và sự đam mê của Linh để cất nhắc đời sống.

Chúng tôi phải theo sát đoàn lữ hành, sợ đi lẻ loi bị cọp vồ. Không có tên nào thực sự linh nghiệm trong lúc này, tôi đành gọi tên... tôi mà lết đi.

Hai giờ sáng thì chúng tôi gặp một xe vận tải chở mắm đậu chờ hết giờ giới nghiêm. Được chủ xe bằng lòng cho quá giang, tôi và Ngọc Ngà nhào lên những thùng nước mắm và ngủ thiếp đi cho tới khi xe nổ máy chạy về Bảo Lộc.

Ba chúng tôi lên xe Bảo Lộc - Đà Lạt, nhưng tới Di Linh tôi tạm biệt hai cô bạn, xuống tìm đường tới đồn điền Quivereau. Đi bộ trên con đường đất đỏ chạy giữa những đồi trà xanh mướt đẫm sương mai, tôi nghĩ người lẽ ra qua đây lúc này phải là Linh, và chắc chắn mỗi bước chân anh chàng đa tình đó lại gọi tên người yêu. Phần tôi, lát nữa đây, tôi sẽ phải nói gì với Jacqueline?

Tôi không thích làm người báo tin dữ. Vậy tôi sẽ chỉ báo tin Linh bị Việt cộng bắt? Có kể tiếng hô của anh không? Có kể tiếng súng không? Và nếu cô hỏi thêm, ví dụ có hy vọng gì Linh sống sót, tôi có nên viện tới các thánh danh hay làm phép lạ không?

Ý chưa tới, chân đã tới. Từ cổng, tôi đã thấy bóng một người con gái đứng bên cửa sổ trong ngôi nhà trắng, dáng đợi chờ. Tôi nhấn chuông và cái bóng kia vội vàng chạy ra. Một người giúp việc cũng chạy ra, thấy cô chủ đi trước, bèn quay lại. Một cô gái cực đẹp -phải là Jacqueline- đuổi đàn chó ngầu ngầu, và khi thấy tôi, khựng lại thất vọng, nhưng vẫn hỏi việc gì.

“Tôi là bạn của Linh.”

Da mặt cô vốn trắng, bạch ra như cẩm thạch.

“Tôi biết mà, tôi có linh cảm...”

Trong phòng khách, tôi vào đề thẳng, quên những so đo ban nãy, cứ một mạch thuật lại thật chính xác những điều mắt thấy tai nghe, kể cả lời cuối cùng của Linh “Jacqueline muôn năm” và tiếng súng nổ, tiếng quát tháo, rượt đuổi. Cô gái ôm mặt rên:

“Linh ơi! Linh ơi! Chiều qua em nghe anh gọi tên em...”

Tôi ngồi nhìn đôi vai cô gái run rẩy dưới làn tóc nâu mượt. Một lúc lâu không biết làm gì, tôi im lặng ra về. Vả lại tôi hơi bực bội vì từ khi bước vào phòng khách, tôi thấy quần áo mình xông mùi nước mắm nồng nặc quá.

Sáng ngày tựu trường, tôi tình cờ gặp Ngọc Ngà trên lối lên giảng đường. Họ chào hỏi tôi qua loa nhưng không nhắc gì tới việc đã xảy ra, làm như chúng tôi chưa bao giờ cùng trải qua một hoạn nạn trong rừng.

Giờ ăn trưa trong câu-lạc-bộ, tôi được phát một lá thư đề người gởi Jacqueline. Thực là thư của Linh! Tôi sung sướng tới bàng hoàng khi biết anh còn sống. Anh kể về cuộc đào thoát khởi đầu bằng hô tên người yêu khiến hai tên lính gác bỡ ngỡ tưởng anh điên, và trong lúc chúng lúng túng, anh có một giây lăn xuống suối chạy trốn. Anh cho rằng cái đòn hô đó rất nguy hiểm, có thể đưa tới cái chết, nhưng anh đã sống. “Đó chẳng phải là một phép lạ nữa hay sao?” anh viết. Anh kể về cuộc băng rừng tới một buôn Thượng, và mướn ngựa chạy về Bảo Lộc. Anh kể lại những chi tiết căng thẳng một cách bình tĩnh lạ lùng. Thư dài bốn trang đến nay tôi còn giữ, giấy đã vàng úa, tôi chẳng chép lại làm gì.

Phần tái bút anh viết: “Lần này tôi chưa thăm Jacqueline tại nhà được, vì phải trở lại đơn vị liền, hết phép rồi. Tầm bậy thật!” Ký tên thêm một lần nữa “Jacqueline,” chữ “J” vẽ thành hình trái tim, rất điệu.