main billboard

Thương em mong manh như một cành lan...

(Gọi Người Yêu Dấu. Nhạc Vũ Đức Nghiêm)

canh lan trong gio
1.-
Khải cầm cây đàn guitar từ người em cô cậu đưa cho, khảy vài nốt nhạc. Anh hỏi Thành:
- Anh thấy hình như Thành có bản nhạc mới nào đó, phải không?
Thành gật đầu:
- Dạ, bản Gọi Người Yêu Dấu của Vũ Đức Nghiêm, em mới lượm ngoài nhà sách Sông Đà sáng nay, anh dạo thử xem sao. Em nghe Thái Thanh hát trên đài Sài Gòn tuần trước.

Khải xốc lại cây đàn, đặt trên chân, khảy vài nốt nhạc, tằng hắng cố hát thử, rồi đọc khe khẽ lời hát. Vừa ư ử trong cổ họng, vừa gục gặt đầu:
- Thành này, bản này được lắm.
- Ờ, anh hát thử cho em nghe.
Khải dạo nhạc trở lại, cất giọng... ồ ồ. “Gọi... gọi... gọi người yêu dấu xa vời...” Thành bật cười:
- Nè anh Khải, đừng sửa lời ca của người ta chứ! Làm gì có gọi, gọi gọi đến ba lần!
Khải bỏ chiếc đàn xuống bàn, cười hô hố:
- Mày kê tủ đứng vào mồm tao thì hát hò cái con khỉ khô gì được nữa. Thôi để lúc khác. Bây giờ ra bao lơn ngồi nhìn trời mây, hoa lá và thiên hạ qua lại cho vui.
Vừa đi ra bao lơn Thành vừa cười khúc khích:
- Anh bây giờ nhìn cuộc đời toàn màu hồng! Tương lai của anh đang rộng mở. Anh đã có quyết định chi chưa, chọn cái học bổng Úc hay vào học Phú Thọ?
- Chắc anh chọn cái học bổng Úc. Đi cho biết đó biết đây, học được cái gì hữu ích, hầu mai sau đem về giúp đỡ quê hương. Chả lẽ quê hương mình cứ bị chiến tranh tàn phá, giết chóc nhau mãi sao?
- Hy vọng anh đi học bên Úc bốn năm, về nước thì chiến tranh cũng chấm dứt. Thanh bình trở lại trên quê hương này, chắc cần những kiến thức của những kẻ đi du học mang về. Anh mang trên vai cái trọng trách nặng lắm đó. Ráng học cho giỏi, thành tài. Về nước tái thiết quê hương anh Khải nhé. Qua bên đó thấy các cô gái Úc, da trắng, mắt xanh, tóc vàng, cũng đừng quên nơi chôn nhau cắt rốn khổ đau của mình nghe anh!
Nói xong Thành cười hô hố.
Khải chăm chú nhìn một cô gái đi xe đạp, áo dài trắng tung bay theo gió. Chiếc nón lá kẹp bên guidon xe. Cô gái xuống xe, dắt xe vào nhà Thành. Khải muốn buột miệng, la nho nhỏ, “cô bé nhà ai mà xinh quá.” Thành đi ra, đến bên Khải hỏi:
- Anh nhìn gì mà chăm chú quá vậy?
- Thành này, có cô bé nào vào nhà mày mà xinh quá vậy?
Thành nhìn xuống sân, thấy cô gái đi vào, nói:
- À, học trò lớp hè, học thêm Anh văn của mẹ em đó anh. Cô bé này tên là Hạnh, xinh lắm, nhưng ốm nhom, nên bạn bè của cô ta gọi là Hạnh “gầy”, Hạnh “cây tăm”. Anh chịu hả? Để em giới thiệu cho anh nhé. Anh bây giờ có giá lắm. Đậu Tú Tài II hạng bình này, chớp được học bổng đi Úc này. Đẹp trai, học giỏi, con nhà giàu này, tương lai thật rộng mở.
Nói xong, Thành chạy xuống nhà tìm nước uống. Khải trở vào, cầm lại cây đàn, mở bản nhạc “Gọi Người Yêu Dấu,” chăm chú xem các nốt nhạc và lời ca. Khải muốn la lên “tuyệt diệu quá,” cái anh nhạc sĩ này có lẽ làm bản nhạc này cho riêng ta đây. “Thương yêu tóc buông lơi dịu dàng... Thương đôi mắt sao trời lung linh... Thương yêu dáng vai gầy thanh thanh...” Ô là là, như viết dùm ta, cho cô bé mới nhìn thấy. Khải bấm và khảy lớn nốt nhạc, khi hát “Thương em mong manh như một cành lan...” Khải muốn bỏ cây đàn xuống, vỗ tay thật lớn. Đúng quá “thương em mong manh như một cành lan....” Đúng quá, như một cành lan. Có lẽ ta nên gọi cô bé là Hạnh Lan thì hay quá! Khải hát đi, hát lại bài nhạc nhiều lần. Để chiếc đàn xuống bàn, Khải với tay, lượm tờ giấy xanh trên bàn học của Thành, viết nén nót “Thương em mong manh như một cành lan...”, rồi gấp tờ giấy bỏ vào túi áo, đi lững thững xuống cầu thang để ra về. Bên phòng khách, mẹ của Thành đang nói chuyện với ba bốn nữ sinh, có lẽ đến xin học lớp hè như Thành vừa nói. Khải nghĩ, có lẽ trong số các cô bé đó, có Hạnh Lan. Bước ra cửa, không thấy ai, Khải đi rón rén lại chiếc xe đạp có treo chiếc nón lá, kẹp miếng giấy xanh xanh vào quai nón, rồi ra về nhẹ nhàng. Khải nghĩ chắc chẳng ai biết anh ta đã gởi một “thông điệp” cho cô bé Hạnh Lan.
Những ngày kế tiếp, Khải nhận được giấy tờ từ Nha Du Học, bảo phải vào Sài Gòn gấp, bổ túc giấy tờ hợp lệ quân dịch trong hồ sơ du học. Khải vội vàng đi Sài Gòn, mang theo hình ảnh cô bé áo trắng mảnh dẻ như một cành lan. Một tuần lễ ở Sài Gòn, lo giấy tờ hoàn tất, Khải nôn nóng trở về Đà Nẵng. Về đến nhà của người anh, chỉ kịp vất chiếc xách tay trong phòng học, chào anh chị, nói năm ba câu chuyện Sài Gòn, rồi nhảy lên xe đạp đến nhà Thành. Thành không có nhà, có lẽ đi chơi với bạn bè. Khải thất vọng, không biết ai để hỏi về cô bé Hạnh Lan. Ngồi nói chuyện với mẹ Thành, Khải thấp thỏm:
- Thành đi chơi đâu, khi nào về, thưa cô?
- Thật sự cô cũng không biết. Nghỉ hè và sang năm nó lên lớp 12, chuẩn bị thi tú tài II, nhưng nó ham chơi quá. Cô cũng muốn để cho nó nghỉ ngơi xả hơi, vài ba tuần nữa, sẽ cho cậu ta vào kỷ luật, chuẩn bị bài vở cho năm cuối của bậc trung học.
Khải thả quả bóng dò la:
- Hôm trước con thấy mấy nữ sinh đến xin cô học thêm Anh văn. Lớp dạy thêm của cô có được mấy học trò tất cả?
- Đến hôm nay, cô nhận được sáu em. Có lẽ như vậy đủ rồi. Ít học trò, việc kèm cho các em có kết quả hơn, nhất là về đàm thoại, luyện giọng, phát âm cho đúng và nghe cho quen.
- Sáu trò rồi à? Ai vậy cô?
- Ờ, thì có Thu Hà, Mỹ Anh, Duyên, Bích, Tố Nga và Hồng Hạnh.
Khải buộc miệng:
- Hồng Hạnh, chứ không phải Hạnh Lan, hả cô?
- Cô hỏi thật Khải nhé, có phải con viết cho Hồng Hạnh câu thơ, “thương em mong manh như một cành lan,” rồi kẹp trên vành nón của Hồng Hạnh, phải không?
Khải lúng tung, đỏ mặt, muốn chối. Mẹ Thành nói:
- Lúc đầu khi thấy mảnh giấy xanh xanh đó trên nón của Hồng Hạnh, cô không biết ai nghịch như vậy. Nhưng thấy nét chữ và nhất là hôm nay, cô nghe Khải gọi Hồng Hạnh là Hạnh Lan, thì con hết đường chối cãi rồi nhé.
Cô cười nhưng nét mặt thật nghiêm trang, Khải chỉ ngồi yên, nghe và dạ. Cô tiếp:
- Thật sự cô không ngăn cấm, nhưng cả con và Hồng Hạnh, tuổi bây giờ, phải đặt việc học trên hết. Không nên lãng mạn, mộng mơ mà làm hỏng con đường học vấn.
Khải dạ nhịp. Cô nhìn đồng hồ tay, Khải mừng thầm, đứng lên chào cô ra về.
Khải phóng xe chạy như bay, qua đường Quang Trung, xuống bờ sông, chạy lên Độc Lập, thấy phố phường nhộn nhịp, vui quá. Khải cảm thấy như mọi người, phố phường chia niềm vui với mình. Khải ước ao, phải chi mình là cánh chim biển, bay lên bầu trời xanh bao la, sõi mình trong biển trời mênh mông, bay về cuối trời, nơi đó có Hạnh Lan, đang mong chờ. Khải muốn la thật to cho thỏa thích, cô bé Hạnh Lan đã nhận được “thông điệp tình yêu” của ta rồi.

2.-
Còn hai tuần lễ nữa đến ngày tựu trường. Hồng Hạnh được ba mẹ thưởng, cho đi Sài Gòn chơi, thăm gia đình người anh cả đang ở trong đó. Nghe Thành tiết lộ nguồn tin đó, Khải tìm cách đi Sài Gòn với lý do liên lạc bên tòa đại sứ Úc, để xin thêm tài liệu về các chương trình học ở đại học Úc.
Đến Sài Gòn buổi trưa, Khải chỉ nghỉ ngơi chốc lát, rồi nhờ tên bạn thân chở bằng xe gắn máy đến địa chỉ của người anh Hồng Hạnh, Thành mới cho. Lửng thửng lội bộ qua lại trên những con đường nhiều cây lá, mát rượi, góc đường Trần Quí Cáp - Gia Long. Tìm đúng số nhà, Khải khựng lại, nhìn vào, không dám bấm chuông. May quá có chiếc xe vespa Ý chạy qua, rẻ vào cổng nhà. Khải nhận ra thầy Nhuận, dạy toán lớp 12 B của Khải năm kia, mới đổi về Sài Gòn hơn hai năm. Khải chào thầy. Thầy Nhuận vồn vã:
- Khải, em đi đâu đây? Thầy có nghe em được học bổng đi Úc. Như vậy tốt quá. Vô nhà thầy chơi cho biết.
Khải riu ríu đi vào, bụng mừng khấp khỡi và trống ngực đánh rộn ràng. Khải nghĩ “té ra thầy Nhuận là anh của Hạnh Lan à.” Thầy Nhuận gọi Khải vào phòng khách, bảo ngồi chơi, thầy cất chiếc cặp, rồi xuống nói chuyện Hội An, Đà Nẵng. Có tiếng trẻ em reo vang và tiếng cười trong trẻo chạy lên, Khải quay nhìn và khựng lại. Ồ Hạnh Lan đang dắt một bé trai, có lẽ con của thầy Nhuận chạy lên, thấy Khải, Hạnh Lan như chiếc xe đang chạy nhanh, thắng gấp, muốn té theo đà chạy của cậu bé. Khải buộc miệng:
- Hạnh Lan.
Hạnh có lẽ quá sững sờ, như Từ Hải bị quân Hồ Tôn Hiến phục kích, ngây người trong câm lặng. Thầy Nhuận quay lại, cười nói:
- Khải học ở Trần Quí Cáp, có biết Hồng Hạnh, em gái út của thầy học ở Phan Chu Trinh, Đà Nẵng không? Cô bé vào Sài Gòn chơi trong dịp cuối hè, tuần sau về lại Đà Nẵng, để chuẩn bị cho năm lớp 11 thi Tú Tài I.
Cả Khải và Hồng Hạnh đứng lớ ngớ như hai tên Mán trên rừng vừa xuống phố thị. Thầy Nhuận đi lên lầu, có lẽ để thay áo quần cho mát. Khải một lúc lâu mới mở nổi miệng:
- Hạnh Lan ở chơi bao lâu?
Hạnh muốn cười, hỏi vội:
- Xin lỗi anh Khải, Hạnh Lan là ai vậy?
Khải cũng bật cười xòa:
- Cái tên này đẹp quá, hợp quá, mong manh như tơ trời. Và không ngờ quả đất nhỏ bé thật, Hạnh Lan lại là em của thầy Nhuận, một vị thầy trẻ trung và rất gần với tuổi trẻ của bọn tôi ở Hội An trong hai, ba năm vừa qua.
Có đến trên mười lăm, hai mươi phút sau thầy Nhuận mới đi xuống, gọn gàng trong quần short, áo tennis, chuẩn bị đi chơi quần vợt. Khải và Hồng Hạnh chỉ trao đổi năm ba câu chuyện đâu đâu. Khải chào thầy ra về. Thầy Nhuận nói:
- Khải, em còn ở lại Sài Gòn chơi lâu không?
- Dạ, có lẽ... tuần sau em mới về lại Đà Nẵng.
- Thế thì thế này nhé. Chiều thứ bảy sắp đến, em đến đây chơi, nhân sinh nhật của thằng bé này, con trai thầy lên sáu. Và cũng rất đặc biệt, cũng là ngày sinh của Hồng Hạnh này. Hai cô cháu sinh cùng năm con Mèo, cùng tháng, cùng ngày, chỉ cách nhau một vòng con giáp thôi.
Khải nhìn Hạnh Lan mỉm cười, nói với thầy Nhuận:
- Dạ, em sẽ đến, cám ơn thầy.
Đi bộ lang thang các phố Sài Gòn, Khải cứ phân vân hoài, mua món quà gì cho sinh nhật Hạnh Lan. Quà cho thằng bé con thầy thì dễ quá rồi. Chắc cậu bé thích đồ chơi. Còn cho Hạnh Lan, Khải nghĩ mãi không ra. Cái vụ này, mình dốt thực tình, vì bấy lâu nay, mình chỉ vùi đầu vào sách vở. Chỉ đôi khi chạy chơi với bạn bè, đá banh, tắm sông, xi nê nhưng cũng chừng mực trong vài giờ, rồi về nhà, ngồi vào bàn học. Đôi khi cũng có trao đổi năm ba câu chuyện với các cô bạn cùng lớp, nhưng cũng chỉ trong bài vở mà thôi. Mấy tên bạn chịu chơi, đã thầm thì với nhau, cô bé này xinh, cô kia duyên dáng, Khải nghe qua rồi quên, không có thì giờ tham dự. Nay chọn một món quà sinh nhật cho người mình có cảm tình, quà gì đây? Một chiếc áo dài chăng? Màu gì? Vải gì? Kích thước ra sao? Một chiếc vòng đeo tay chăng? Lại những câu hỏi quanh quẩn trong đầu Khải, vòng gì, màu gì, to nhỏ thế nào? Một chai nước hoa? Một hộp các dụng cụ làm đẹp cho phái nữ? Khải chợt cười, phải chi mình biết kẻ lông mày như tụi bạn kháo nhau, Trương Vô Kỵ kẻ lông mi cho Triệu Minh. Khải lắc đầu, thôi mệt và rắc rối quá.
Ngày thứ bảy, Khải khệ nệ mang món quà sinh hật cho người bạn gái đầu tiên trong đời với nhiều e ngại, lúng túng. May quá, vừa bước vào góc sân nhà, Hạnh Lan vừa đi ra, tươi cười. Khải trao món quà, Hạnh Lan reo lên:
- Ồ, anh Khải, giò lan đẹp quá. Hạnh thích lắm. Cám ơn anh.
Khải nghe người nhẹ nhõm, đùa:
- Giò lan đẹp, mong manh như tên Hạnh Lan vậy.
- Anh Khải này, nghe anh Thành nói anh đàn hay, hát cũng hay. Nghe anh thích bản nhạc ”Gọi Người Yêu Dấu” lắm phải không? Hạnh mong có dịp nghe anh hát bản nhạc đó.
- Vâng, tôi thích bản nhạc đó lắm. Lời, nhạc hay và thật trữ tình. Tôi nghĩ tác giả bản nhạc như viết dành riêng cho... tôi vậy! Và giò lan này cũng mang hình ảnh của cái đẹp nhẹ nhàng, mong manh... như một cành lan.

3.-
Chỉ còn mười ngày nữa, đến ngày Khải vào Sài Gòn, chuẩn bị đi Úc, du học trong bốn năm. Khải hẹn Hạnh Lan ra ngồi quán kem Diệp Hải Dung hay xuống bờ sông Bạch Đằng, ngồi ghế đá, nhìn ra sông Hàn, xem ghe thuyền qua lại. Hạnh Lan đều lắc đầu, ngại bạn bè thấy, xầm xì,,rồi ba mẹ không vui lòng. Chợt nhớ mẹ Thành đi Huế chưa về, Khải nói:
- Hay Hạnh Lan đến nhà Thành chơi, như đến thăm cô giáo.
- Nhưng em cũng sợ cô vì cô nghiêm lắm.
- Em khỏi lo vì cô đi Huế chưa về. Em lại chơi, anh đàn và hát bản “Gọi Người Yêu Dấu” cho em nghe nhé. “Thương yêu dáng em gầy thanh thanh...”
- Thôi, anh để dành hát có đàn đệm, nghe hay hơn, vì hát mà không có đàn, giống Sơn Đông mãi võ, bán thuốc dán quá. Anh biết không, hồi nhỏ ba mẹ và anh Nhuận gọi em là con bé út ròm. Cả nhà không ai dám động tới em cả, sợ Út Ròm khóc nhè!
- Thôi như vậy khi anh sang Úc học, xa em, anh sẽ nhớ Út Ròm, chứ không thèm nhớ cành lan mong manh nhé.
Hai tháng sau, Khải đến Sydney, vào học trường Kinh tế Nông Nghiệp. Những ngày tháng đầu tiên, xa nhà, cái gì cũng xa lạ, thử thách ý chí Khải đến tận cùng. Chương trình học và ngay cả khả năng Anh ngữ, cũng là những điều khó khăn chí mạng. Khải bận rộn tới tấp, không còn chút thì giờ rảnh rỗi nào để mơ mộng, nhớ về quê nhà vừa bỏ lại đằng sau lưng. Không thể quên Út Ròm hay Hạnh Lan, mong manh trong cô đơn ở Đà Nẵng. Khải chỉ kịp chạy lại văn phòng nhà trường, lựa tấm post card, viết vội vài câu nhớ thương, dán con tem gởi đi.
Nước Úc, nhất là vùng thôn quê, đất đai rộng mênh mông. Trong một dịp lớp học được đi về một nông trại, để khảo sát tại chỗ, một trang trại gần như kiểu mẫu. Ở Việt Nam, Khải sinh ra và lớn lên trong thời kỳ chến tranh, nên ít khi có dịp về một vùng quê an ninh và rộng lớn. Nay đến một xứ chưa hề bị chiến tranh tàn phá, đất đai trồng trọt rộng ngút ngàn, cò bay thẳng cánh, không còn ranh giới, chạy mãi đến cuối chân trời. Trước quan cảnh thanh bình, an lạc của họ, Khải đau lòng nhớ lại quê hương đã nghèo khổ, lại bị chiến tranh tàn phá, không biết đến lúc nào ngưng. Liệu những kiến thức mình học được, những kinh nghiệm lăn lộn thực sự khi đi thực tập ở các nông trại trong chương trình học, khi về lại Việt Nam có cơ hội xử dụng không?
Khải tự tin, luôn luôn giữ quan niệm, cái gì cũng do mình cả thôi. Nếu mình nhất quyết làm những gì mình nghĩ rằng đúng, hợp với lý tưởng của mình, thì trước sau gì cũng làm được.
Những lá thư đầy thương yêu nhớ nhung của Hạnh Lan càng mang cho anh cái cảm giác gần gũi với người yêu, gia đình, quê hương, dân tộc. Nhưng đôi khi, những bản tin tức trên đài truyền hình Úc, buổi chiều, về chiến tranh và cuộc hòa đàm ở Paris, để tìm một giải pháp chấm dứt chiến tranh, như vô vọng. Cuộc chiến càng ngày càng thảm khốc, có lẽ phải đi đến một giải pháp chiến thắng cho bên này hoặc bên kia. Nhưng cũng các bản tin tức thời sự quốc tế, các cuộc biểu tình, chống đối lại cuộc chiến tranh Việt Nam, của các phong trào phản chiến, ở Mỹ, ở Úc, ở các nước tây phương, càng ngày càng bất lợi cho Miền Nam Việt Nam.
Giữa năm cuối của chương trình học, một hôm ông Khoa trưởng cho gọi Khải lên văn phòng gặp ông nói chuyện về chuẩn bị ngày tốt nghiệp trong gần một tháng sắp tới.
Ông đã từng làm việc tại Sài Gòn trong hai năm với cương vị Tùy Viên Văn Hóa tòa Đại Sứ Úc, tại Việt Nam. Bây giờ trở về lãnh vực giáo dục, ông vẫn theo dõi tình hình chiến sự và giữ thiện cảm với Miền Nam Việt Nam, nhưng càng ngày ông càng bi quan cho số phận Việt Nam. Ông nói, đó là trên phương diện chính trị, ông không muốn chen chân vào. Ông rất tha thiết muốn giúp những người trẻ, có kiến thức về Kinh Tế Nông Nghiệp như Khải, tiếp tục việc học hỏi và nghiên cứu, hầu sau này hữu dụng hơn cho đất nước Việt Nam. Hiện phân khoa Kinh Tế Nông Nghiệp dưới quyền điều khiển và giảng dạy của ông, còn vài học bổng Cao Học, sẵn sàng giúp cho những sinh viên xuất sắc như Khải tiếp tục học. Ông nói nếu Khải muốn, ông sẵn sàng giúp. Quyết định là do Khải và ông sẽ can thiệp với chính phủ Úc và Việt Nam, qua các văn thư chính thức.
Khải rất phân vân, thưa với ông:
- Thưa Giáo Sư, có thể nói, đây là một ước mơ rất lớn cho bất kỳ sinh viên nào trong cuộc đời của mình. Điều khó khăn của tôi là, tôi luôn luôn tự hứa với chính mình, là đi du học ở Úc trong bốn năm, một khi đã thủ đắc được kiến thức căn bản về nền kinh tế nông nghiệp, một lãnh vực quan trong của nền kinh tế Việt Nam, tôi sẽ về nước, để phục vụ cho quê hương tôi, đang bị chiến tranh tàn phá, mà vùng thôn quê là nơi bị tàn phá nhiều nhất. Hơn nữa một vấn đề tình cảm riêng tư khác, là tôi có hứa với người yêu, tôi phải về càng sớm càng tốt. Chúng tôi đã xa nhau bốn năm rồi. Đối với chúng tôi, tuổi trẻ, tình yêu là điều quan trọng và nếu xa nhau mãi, tình yêu sẽ phôi phai, và đi đến chỗ quên nhau, làm cho hạnh phúc đang chờ đón, vụt bay ra khỏi vòng tay của mình.
Vị khoa trưởng cười vui vẻ:
- Này người bạn trẻ của tôi. Tôi rất nể phục những ý kiến chân thành và đáng kính của anh. Nhưng hai điểm anh nêu ra, tôi có ý kiến cũng rất chân thật như thế này. Theo tin tức quốc tế, chiến cuộc Việt Nam đang ở hồi khốc liệt nhất, trong lúc hòa đàm để đi đến một ký kết, tìm một con đường rút lui cho người Hoa Kỳ, ra khỏi thế bế tắt về chính trị cả quốc tế và quốc nội của họ, nên Việt Nam Cộng Hòa, sẽ đi vào con đường rất khó khăn, không biết tương lai đi về đâu. Đây không phải là lúc thuận tiện anh mang kiến thức vừa học được trên nhà trường về nước phục vụ. Điểm này anh nên thảo luận nhiều hơn với bạn bè, thân quyến của anh ở Việt Nam. Về điểm thứ hai, thật tế nhị, tôi chia xẻ với anh hoàn toàn, đó là người yêu của anh đã đợi chờ anh trong bốn năm, nay đang mong chờ anh về từng ngày, từng giờ. Tuy nhiên nếu nàng biết rằng, hy sinh thêm một thời gian ngắn nữa, để giúp anh bước thêm vững chắc trên đường học vấn và chọn một thời điểm tốt để trở về, chắc nàng sẽ gật đầu với anh vì nàng yêu anh và sẵn sàng chiều ý người yêu. Với lại khi anh tốt ngiệp xong văn bằng cử nhân Kinh Tế, anh có một thời hạn sáu đến bảy tuần lễ nghỉ ngơi, trước khi vào học Cao Học. Nghĩa là anh vẫn có đủ thời gian để về Việt Nam một chuyến thăm gia đình, thăm người yêu.
Trong một lá thư dài gởi về Việt Nam cho ba mẹ, ở Hội An, Khải nêu lên những nhận xét và đề nghị của vị khoa trưởng, để xin ba mẹ giúp Khải có một quyết định sáng suốt, nên về hay nên ở lại Úc học thêm hai năm nữa. Những lá thư đầy nhớ nhung, băn khoăn cho Hạnh Lan, làm Khải xót xa, suy nghĩ mãi, mới viết xong.
Khải biết rằng ba mẹ sẽ khuyên như những lời khuyên của vị khoa trưởng, chọn sự học vấn và an toàn cho bản thân cho con. Ba mẹ vì quá thương con mà quên rằng, khi được đi du học trong một thời chinh chiến, trong lúc bạn bè đều phải ra chiến trường, đối diện với cái chết trong từng phút, từng giây, là một đặc ân, một món nợ với mọi người, xã hội, quốc gia. Khải như bị xâu xé trong việc chọn lựa này.
Những lá thư Hạnh Lan gởi từ Huế, bên cạnh cuộc sống bình thường của một sinh viên Văn Khoa, còn hai năm nữa xong Cử Nhân Nhân Văn. Hạnh Lan mong ước rằng, khi ra trường, nàng sẽ chọn nghề giáo tại một trường trung học nào đó ở Đà Nẵng, hoặc Sài Gòn, bên cạnh người yêu, người chồng tương lai ở ngoại quốc về. Đôi khi Hạnh Lan kể cho Khải nghe những nỗi sợ hãi trong những ngày Huế bị pháo kích, đánh phá và con đường thông thương giữa Huế Đà Nẵng bị mìn bẫy, chết chóc thường xuyên. Thành phố Huế về đêm, sau biến cố thảm khốc Tết Mậu Thân, 1968, như một bóng ma, luôn luôn ám ảnh mọi người. Hạnh Lan kể rằng, trong mùa hè năm 72,khi chiền trường sôi động dữ dội, Hạnh Lan cùng một người bạn gái thân, ra bến xe An Cựu về Đà Nẵng, bên gia đình ba mẹ. Chiếc xe đò bị nằm đúng trong tầm đạn phục kích và giao tranh giữa hai toán quân hai bên. Mọi người trên xe nhảy đại xuống hai bên, nằm lăn, tránh đạn. Khi tiếng súng im, áo quần Hạnh Lan đầy bùn đất và máu. Có lẽ do mấy người trên xe bị trúng đạn. Lúc đó tự nhiên Hạnh Lan hết sợ, chạy lại dìu mấy người bị thương tìm y tá băng bó, cầm máu. Hạnh Lan nghĩ đến Khải, mong Khải đừng về nước lúc này. Nơi quê hương này đang là địa ngục trần gian, anh đừng về anh nhé. Đọc thư Hạnh Lan anh thấy tim mình quặn đau.

4.-
Chuyến về thăm quê hương trong bốn tuần lễ, thật vui mừng, sum họp với gia đình, ba mẹ, các anh chị em. Thành phố Hội An như co cụm lại trong im vắng, cũ kỹ và rêu phong. Trên chiếc xe đạp mượn của đứa cháu, Khải đi vòng hết các đường phố vẫn còn chật hẹp, thưa thớt người qua lại. Đến cổng trường Trần Quí Cáp, đang mùa nghỉ hè, cửa trường khép kín, xích khóa to lớn, rỉ sét chắn ngang. Các cây phượng ngày trước còn nhỏ, nay đã to lớn, thân cây sần sùi. Hoa phượng đỏ rợp một khoảng sân trường. Khải dựa xe đạp vào bức tường, đẩy cửa hông bước vào trong sân. Các lớp học vẫn như xưa, vôi trên các bức tường ngả qua màu trắng đục. Khải bước lại ngồi xuống bệ xi măng bên cạnh trụ cờ, nhìn mông lung toàn cảnh ngôi trường. Khải đã trải bảy năm học hành trên ngôi trường thân yêu này. Các thầy, cô giáo, bạn học nay tản mát khắp nơi, Khải đi tìm để thăm viếng, chỉ gặp được các thầy, cô lớn tuổi.
Sau bốn năm sống trên một xứ sở rộng lớn, thanh bình, nay trở về nơi chôn nhau cắt rốn, gặp lại con người, cảnh vật thân quen, Khải nhận ra sự cam chịu cái nhỏ bé, truyền đời từ bao nhiêu thế hệ. Sự cam chịu đôi khi pha trộn một chút hoài cổ, hãnh diện ngầm về một quá khứ huy hoàng về những ngày xa xưa. Lần trở về này, Khải tìm thấy mảnh quá khứ hãnh diện ẩn hiện trên các chùa cổ, từ ngôi chùa Bà Mụ một thời đã được xử dụng làm trường học tiểu học, nay trở lại cảnh tịch liêu. Chùa Cầu vẫn buồn cô quạnh trên rạch nước nhỏ chảy ra sông Thu Bồn. Các ngôi chùa, miếu khác cũng đượm nét phong sương cùng năm tháng buồn hiu của một thành phố nhỏ bé, cổ kính, còn in đậm dấu ấn của một nền văn hóa đa dạng một thời phồn thịnh.
Khải đạp xe loanh quanh thành phố một hồi lâu, rồi trở về nhà, ngồi bên mẹ, nghe mẹ kể chuyện ngày xưa. Cái cảm giác êm ấm, quên tất cả buồn lo chung quanh, mỗi khi ngồi bên mẹ, Khải tìm thấy lại. Thế giới trong mẹ chỉ vỏn vẹn bên gia đình, chồng, con, cháu chắt và sự thương yêu, đùm bọc. Không có hận thù, không có chiến tranh, giết hại nhau.
Trở ra Đà Nẵng, mượn chiếc xe gắn máy của người anh, đưa Hạnh Lan chạy quanh các phố phường tương đối đông đúc, vui nhộn hơn Hội An. Vào Viện Bảo Tàng Chàm xem các bức tượng và các di tích lịch sử của một dân tộc bị mất đất nước, mất quê hương. Khải chỉ các bức tượng trưng bày, hỏi Hạnh Lan:
- Em xem trong các bức tượng này, bức nào là tượng của vua Chàm Chế Mân, vị vua đa tình, đã cắt đất của quốc gia, dâng cho Việt Nam mình, để cưới được người đẹp Huyền Trân?
Hạnh Lan lắc đầu, cười:
- Em không biết. Nhưng em hỏi lại anh nhé: Nếu anh là Chế Mân, anh có hành xử như vậy không? Vì tình yêu hay vì đất nước?
Khải cười thật lớn, lắc đầu:
- Nếu anh đi thi mà gặp một vị giám khảo như em, hỏi những câu hóc búa như thế này, anh chắc rớt mất. Để có thể trả lời được, anh muốn tách hai câu hỏi rời ra nhau. Hai câu hỏi nằm trong hai lãnh vực, hai phạm trù riêng biệt và xung khắc nhau. Về tình yêu, đây là một chuyện tình đẹp, bước qua được những rào cản chủng tộc, quyền lợi quốc gia. Khi yêu, Chế Mân chỉ nghĩ đến tình yêu, đến hy sinh và chiếm đoạt người mình yêu. Ông có lẽ đã quên quyền lợi vật chất của quốc gia, dân tộc. Có thể trong tâm thức, ông ta nghĩ rằng, ông đã mang lại cho dân tộc Chàm niềm hãnh diện và mang lại cảnh hòa bình cho hai quốc gia lân bang. Nhưng lịch sử và dân tộc Chàm sau này, nhìn ông như là kẻ tiên phong ký bản án bán nước, xóa bỏ vương quốc Chàm trên bản đồ thế giới. Nói chung anh muốn nhìn Chế Mân như một con người bình thường, thăng hoa trong tình yêu. Cái bi kịch của Chế Mân là, ông ta là một vì vua, phải đặt quyền lợi đất nước trên hết và đôi khi phải hy sinh tình yêu. Anh may mắn hơn ông ta, vì anh không là chi cả. Như anh được về bên em thế này là chúng ta đang có hạnh phúc trong tay.
Lang thang dưới bóng các cây cao, tỏa đầy bóng mát ngoài vườn Viện Bảo Tàng, Khải cầm tay Hạnh Lan trong tay mình, Khải nói:
- Thật sự anh muốn ở lại quê nhà với em trong lúc này. Trở qua Úc học tiếp là cái mộng anh ấp ủ từ lâu, nhưng anh nghĩ, tình thế Việt Nam sắp có nhiều biến chuyển quan trọng, thật sự anh không muốn xa em chút nào. Anh muốn ở bên cạnh em, chia xẻ với em trong mọi hoàn cảnh. Sống chết bên nhau, em ạ!
Xúc động trước những lời chân tình của Khải, nhưng có lẽ để đánh trống lãng, Hạnh Lan cười :
- Đừng có làm biếng học hành. Hãy nghĩ đến tương lai. Em luôn luôn ghi nhớ những điều anh nói, dù xa nhau nhưng em vẫn nghĩ như có anh bên cạnh và mong ngày anh sớm về với em.

5.-
Những môn thi cuối cùng vừa xong, Khải lên gặp ông Khoa Trưởng, để xin về Việt Nam:
- Thưa ông Khoa Trưởng, tôi đến gặp để xin ông một đặc ân.
Ông Khoa Trưởng mời Khải ngồi, ân cần hỏi:
- Nếu có thể giúp gì được cho anh trong thẫm quyền của tôi, tôi sẵn sàng. Xin anh cho tôi biết, tôi có thể giúp gì được.
Khải trình bày :
- Như ông Khoa Trưởng biết, tình hình tại Việt Nam rất khó khăn cho Miền Nam. Qua tin tức báo chí, truyền hình thế giới, đến ngày hôm nay, gần cuối tháng 3 năm 75, Việt Nam Cộng Hòa đã mất vùng Cao Nguyên, các tỉnh giới tuyến, cũng như các tỉnh, thành phố Bình Định, Qui Nhơn, Phú Yên, Quãng Ngãi, Quãng Nam, Hội An, Huế, Quảng Trị và Đà Nẵng cũng gần như sắp rơi vào lực lượng Bắc quân Cộng sản.
Ông Khoa Trưởng gật đầu:
- Vâng, tôi cũng biết những tin tức này qua đài truyền hình. Tôi... tôi... giúp...
Khải nói nhanh:
- Tôi chỉ xin ông Khoa Trưởng cho tôi được về Việt Nam ngay. Có thể ngày mai, hay bất cứ lúc nào tôi lấy được vé máy bay về Việt Nam.
Ông Khoa Trưởng khoát khoát tay như hoảng hốt:
- Không thể về Việt Nam lúc này được. Tôi thành thật khuyên anh nên bình tĩnh. Tôi hiểu và chia xẻ với anh những lo lắng của anh về gia đình, người yêu của anh tại Đà Nẵng và Sài Gòn. Nhưng... nhưng như anh cũng biết, tại Việt Nam lúc này, nhất là ở Sài Gòn, mọi người đều muốn ra đi, nếu có thể và có phương tiện hay liên lạc được với các sứ quán. Anh trở về Việt Nam là một điều ngược đời, dù hợp tình. Anh nên bình tĩnh.
Khải ngồi gục đầu. Ông Khoa Trưởng lưỡng lự, rồi tiếp:
- Giả sử trong trường hợp tệ hại nhất, Miền Nam Việt Nam rơi vào tay Cộng Sản, tôi sẵn sàng giúp anh trong việc tìm công việc làm hợp với khả năng học vấn, nghề nghiệp. Trong lúc đó anh tìm mọi cách liên lạc với thân nhân tại Việt Nam.
Khải chán nản đứng lên, chào ông Khoa Trưởng, thất thểu bước ra. Ông Khoa Trưởng nói theo:
- Khải, anh nên liên lạc với tôi hằng ngày. Văn phòng tôi luôn luôn mở cửa và anh cũng biết số điện thoại của tôi, phải không? Dù anh quyết định thế nào đi nữa, tôi mong anh gọi cho tôi biết. Tôi nhắc lại, tôi sẵn sàng giúp đỡ anh.
Buổi chiều, ngồi xem tin tức, thấy cảnh Đà Nẵng hỗn loạn và phi trường không còn an toàn cho máy bay đáp xuống hay cất cánh, Khải biết rằng cơn hấp hối của quê hương đang xảy ra. Tối đó, trong cơn khắc khoải và các ác mộng trong giấc ngủ chập chờn, Khải quyết định ngày hôm sau điện thoại cho hãng máy bay, lấy vé về Việt Nam.
Buổi sáng Khải gọi cho ông Khoa Trưởng thật sớm. Nghe giọng chào hỏi của Khải, ông hỏi ngay như hoảng hốt:
- Khải, anh có quyết định gì?
Khải nói:
- Thưa ông Khoa Trưởng, tôi đã lấy vé máy bay về Việt Nam ngày mốt. Tôi xin chào từ giã ông và cám ơn thịnh tình của ông dành cho tôi. Đà Nẵng đã rơi vào tay Cộng Sản và tôi không thể bỏ gia đình tôi, người yêu tôi trong lúc này được. Tôi cũng biết tôi về cũng chẳng làm gì giúp được các người thân yêu, nhưng nếu tôi sống ở đây mà không biết số phận người mình yêu thương, sống chết ra sao, tôi cũng như người chết rồi, còn tệ hại hơn là về Việt Nam.
Khải nghẹn ngào. Ông Khoa Trưởng cũng cố gắng giữ cơn xúc động, nói:
- Tôi không có cách nào khác ngoài việc cầu chúc anh an bình, may mắn khi về Việt Nam, gặp lại được gia đình, người yêu. Tuy nhiên ngày mai anh cần đến văn phòng Học Vụ để nhận các giấy tờ chứng chỉ học vấn vì văn bằng tốt nghiệp chưa được duyệt ký. Và tôi cũng sẽ viết cho anh một giấy giới thiệu, anh là cựu sinh viên du học tại Úc, để khi cần thết, anh đến tòa Đại Sứ Úc ở Sài Gòn, gặp ông Tùy Viên Văn Hóa là bạn thân của tôi, giúp đỡ anh khi cần thiết. Chúc anh may mắn, Khải.
Trên chiếc máy bay to lớn, chỉ có sáu hành khách đi Việt Nam. Khải là người Việt Nam duy nhất. Năm người còn lại, ba người da trắng, có lẽ là những nhà báo Tây phương. Hai người kia gốc Á Châu, cũng có vẻ nhà báo hay nhân viên truyền hình của các hãng truyền hình quốc tế. Trong chuyến bay dài gần sáu giờ, Khải chập chờn trong các giấc ngủ ngắn. Có lẽ mấy đêm nay Khải không thể ngủ ngon giấc. Những cơn ác mộng cứ lảng vảng, có khi Khải nghe tiếng kêu thảng thốt của Hạnh Lan, như thật bên tai. Khải vùng dậy, nhìn ra cửa sổ, những áng mây đen hình thù kỳ quái, giống các bóng ma đang kêu khóc. Khải ôm đầu trong hai tay, nghe tim quặn thắt.
Máy bay hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất vào một buổi chiều, trong cơn mưa tầm tã miền nhiệt đới. Phòng khách phi trường vắng lặng. Sân bay bên cạnh dành cho quân sự, máy bay vận tải lớn, lên xuống nhộn nhịp. Xa xa tiếng súng lớn nổ vang dội khá gần.
Có lẽ Sài Gòn đang giờ giới nghiêm, chỉ có xe đưa rước của hãng hàng không, đón khách mới đến, về trạm dưới đường Tự Do. Thành phố nhộn nhịp về đêm năm nào, nay như đắm chìm trong yên lặng, ngột ngạt. May quá, Khải thấy một chiếc xe gắn máy, do một người đàn ông mặc áo quần nhà binh chạy qua. Khải đưa tay xin cho về đường Trần Quí Cáp, góc Hiền Vương, nhà của thầy Nhuận, anh của Hạnh Lan.
Kêu cửa một lúc khá lâu, thầy Nhuận mới ra mở cửa, sau khi hỏi vọng ra:
- Ai kêu cửa vậy?
Khải nói thật lớn:
- Thầy Nhuận ơi, em là Khải, ở Úc về đây.
Thầy Nhuận mở cửa, mắt mở lớn ngạc nhiên cực độ:
- Khải, sao em về lúc này!
Khải bước vào nhà, hỏi vội:
- Gia đình em, gia đình thầy, Hồng Hạnh có vào được không thầy?
Thầy Nhuận lặng yên, lắc đầu:
- Kẹt hết ngoài đó, em ơi! Mà tại sao, em lại về trong lúc này? Mọi người đang tìm mọi cách ra đi, em lại về.
Khải cảm thấy chiếc túi đeo sau lưng nặng trĩu. Khải ngồi xuống chiếc ghế, ôm đầu, thổn tức:
- Làm sao bây giờ thầy? Em tìm cách về Đà Nẵng, được không?
- Chịu thôi, em ạ. Đi lạng quạng là mất xác ngay. Hai bên đang đánh nhau dữ dội, tình thế nguy cập lắm rồi. Thầy cũng đang liên lạc với bạn bè bên hải quân, có gì xảy ra cho Sài Gòn, thì đưa vợ con xuống tàu, ra đi. Khổ quá, em đang ở bên Úc, lại về. Em lựa chọn một quyết định sai lầm quá. Sao không suy nghĩ cho đúng?
Khải khóc ấm ức:
- Em không thể ở lại bên ấy, an toàn cho em, trong lúc gia đình,ba mẹ, Hồng Hạnh, không biết sống chết ra sao!
Bên ngoài cơn mưa càng nặng hạt, tiếng sét nổ thật lớn, ánh sáng chớp tắt qua cửa sổ. Một cánh cửa gương bật mở, gió tạt mạnh, đưa nước mưa vào phòng khách. Tiếng một chậu hoa ngoài sân đổ nhào, vỡ tan. Qua ánh đèn trước cửa, Khải nhìn thấy những cành hoa lăn lóc trong gió cuốn. Khải nghĩ, không biết có phải chậu hoa lan, anh tặng Hạnh Lan trước đây, nhân ngày sinh nhật của Hạnh, lần đầu tiên gặp nhau.
Tim Khải đau quặn thắt.