Hiển không đồng ý với tôi, rằng lớn lên người ta sẽ không còn tin vào chuyện cổ tích hay thần thoại nữa, giống như trẻ con tây phương sẽ không tin có Santa Claus hay Tooth Fairy khi bước vào tuổi mới lớn.
Hiển không đồng ý với tôi, rằng lớn lên người ta sẽ không còn tin vào chuyện cổ tích hay thần thoại nữa, giống như trẻ con tây phương sẽ không tin có Santa Claus hay Tooth Fairy khi bước vào tuổi mới lớn. Tôi đáp nhân loại sẽ còn nhắc tới cổ tích, thần thoại, Santa Claus hay Tooth Fairy cho tới muôn ngàn năm sau, nhưng một khi không còn là con nít, thì không còn ai tin vào cổ tích. Hiển ngó tôi, đáp chắc nịch một câu, lần tới gặp nhau, Hiển sẽ kể cho chị nghe một chuyện cổ tích. Tôi hỏi chuyện hay truyện. Hiển nói chị định chẻ sợi tóc làm tư hay làm tám. Tôi cười. Hiển bảo chị chờ đi, truyện hay chuyện thì chị sẽ rõ.
Đó là lần đầu tiên tôi gặp Hiển. Ở Âu châu. Vào buổi tối tụ nhau hát karaoke, với nhã ý của cháu tôi là để giới thiệu một số loại bia và xúc xích của Đức cho Hiển biết. Khi đã uống “sương sương”, cháu tôi nổi hứng hát “nàng tiên giáng trần” gì đó, bị tôi và vài đứa bạn trêu trên đời này đã hết cổ tích nên không còn tiên nữ nữa đâu, thì Hiển lên tiếng phản đối. Hiển nói thật ra cuộc đời vẫn còn có cổ tích, còn có chuyện thần kỳ.
Tôi và Hiển gần như đồng trang lứa dù Hiển nhỏ thua tôi một tuổi, học thua tôi hai lớp. Lúc còn ở Việt Nam, chúng tôi không quen nhau, cũng chưa bao giờ gặp mặt, nhưng gần như biết rõ về gia cảnh của nhau. Ba mẹ tôi là thông gia với bác Hiển, trước kia còn là bạn thân của ông nội Hiển nữa. Nhưng trong trí tưởng tượng của tôi, thì Hiển khác hẳn. Không những chỉ dung nhan tướng mạo, mà nhiều điều khác. Và mặc dầu từng có lần nghe ông anh họ tôi khen Hiển dễ thương, ít nói, trầm tĩnh, không giống như những đứa trẻ con nhà giàu anh từng dạy kèm, tôi vẫn “nhìn thấy” cậu công tử được nuông chiều từ bé ấy hẳn rất kênh kiệu, khó gần gũi và khó làm bạn được. Bởi từ những câu chuyện không đầu không đũa, không chính xác từ người nọ người kia về ba má, và về cả Hiển, tôi có muốn nghĩ khác đi cũng không được.
Khi con tôi lấy chồng sang Hoa Kỳ, cái trục lộ California - South Dakota - Munich rồi sau đó là Sydney trở thành quen thuộc với tôi, thì tôi và Hiển cũng trở thành bạn thân. Bao giờ đi thăm con bé, tôi cũng có dịp đi uống cà phê tán dóc với Hiển. Sau này định cư hẳn, ít xuống miền nam, ít gặp Hiển, nhưng thỉnh thoảng chúng tôi lại gọi cho nhau. Tuy nhiên cái câu chuyện cổ tích mà Hiển bảo sẽ kể cho tôi nghe phải năm lần bảy lượt, mỗi lúc một ít mới kết thúc.
Hiển là con một. Tương tự như những gia đình bận rộn chuyện làm ăn không có thì giờ lo cho con cái vẫn hay dùng tiền bạc, vật chất để thay thế, thì gần như Hiển muốn điều gì cũng được. Ngày xưa Hiển đi học bằng xe hơi có tài xế đưa rước, có thầy giáo dạy kèm đến nhà mỗi tuần hai buổi, có đàn dương cầm, có máy thu thanh đắt tiền để nghe nhạc giải khuây… Nói chung là có những thứ mà học trò bình thường thuở ấy không dám mơ ước, huống gì là sở hữu. Cả chuyện để Hiển có người bầu bạn, chuyện trò, chơi với nhau những lúc buồn chán, ba má Hiển còn mướn cả một cậu bé trạc tuổi về ở trong nhà. Tôi chỉ hơi ngạc nhiên khi thấy Hiển không học ở trường Tây như ông anh tôi, như phần lớn các “cậu ấm” thời ấy. Hỏi, Hiển cười:
- Chắc có thể vì ba Hiển từng đi kháng chiến, sau đó bỏ hàng ngũ Việt Minh chạy về phố làm việc cho người Mỹ, nên không muốn dính dáng gì đến Pháp.
Tôi cãi không dính dáng tới Việt Cộng thì đúng, chứ người Pháp mắc mớ gì. Hiển lại bật cười, giễu, tại Pháp và Mỹ “kỵ rơ” nhau. Tôi không biết Hiển nói về “Pháp, Mỹ” như vậy có đúng hay không, nhưng biết chắc chắn như đinh đóng cột một điều là những người từng tham gia kháng chiến, từng vỡ lẽ ra rồi trốn thoát khỏi “vùng tự do” của Việt Minh như ba Hiển, như ba tôi, thì có hay không dính dáng gì với người Mỹ, sau ba mươi tháng tư cũng đều… chạy trối chết khỏi miền trung giống như nhau. Gia đình Hiển dời vào Sàigòn, còn gia đình tôi thì về một huyện lỵ miền đông.
Lúc còn ở thị xã cũ, nhà ba má Hiển nằm trong một khu khá biệt lập, nhưng không gần phố vì ông bà muốn hạn chế sự đi lại, tụ tập bạn bè của cậu con trai cưng. Lúc đó tôi đi học bằng xe đưa rước của nhà trường, nên ngày nào cũng phải ngang qua căn nhà không hẳn là một biệt thự lộng lẫy nhưng lớn và đẹp ấy từ một đến hai lần. Sau khi bỏ miền trung, ba mẹ tôi ít có dịp gặp bên thông gia, tuy nhiên chúng tôi cũng biết nhà ba má Hiển bị ủy ban quân quản “tiếp thu” và sau đó thì bị “trưng dụng”, cấp cho một cán bộ thành ủy. Vào Sàigòn, ông anh họ tôi dạy kèm cho Hiển, kể gia đình Hiển lại ở trong một ngôi nhà cũng khá lớn và khá riêng biệt như ngày trước. Kể thêm họ cũng vẫn còn người làm cơm nước giặt giũ và vẫn có người lo cho cậu chủ nhỏ, chỉ khác một điều là Hiển hết còn đi học bằng xe hơi.
Tôi hay trêu, gọi Hiển là công tử. Hiển hỏi tôi có thường coi phim bộ Đại Hàn không mà nói như vậy. Hiển bảo “Hiển bình thường thôi”, nhưng theo cái nhìn của tôi, thì từ cách trang phục nhã nhặn, dáng vẻ đi đứng thong thả, cho đến cả giọng nói tiếng cười nhẹ nhàng của Hiển cũng đều toát ra cái hồn của một người từng được sống trong nhung lụa, được giáo dục để phù hợp với xã hội và giai cấp thượng lưu. Tôi rất thích những cử chỉ lịch thiệp tự nhiên, thân thiện và ôn hòa của người thanh niên này. Tôi nhớ anh họ tôi từng kể chắc có lẽ vì quen với lối sống khép kín, ít bạn bè, nên về đến nhà, Hiển thường chỉ vào ra chơi đàn và đọc sách như những thư sinh nho nhã ngày xưa.
Nhưng phải nói là na ná như phim bộ của Đại Hàn, Hiển đã lớn lên trong sự sang giàu, trong sự nuông chiều, và trong cả những trái ngang của cuộc đời. Ngày trước ba Hiển là một trong những người giám đốc điều hành công ty xăng dầu lớn nhất ở miền trung. Có tiền, có thế lực, và có rất nhiều kẻ không ưa ở chung quanh mình. Tôi nhớ một lần trong câu chuyện bàn ăn với người bạn già, không hiểu vì cớ gì ba tôi đã nhắc đến ba Hiển, bảo đó là người duy nhất trong tộc họ bên thông gia học hành đến nơi đến chốn, là người vừa lanh lợi lại vừa khôn ngoan. Tuy nhiên ông bạn của ba tôi có vẻ không đồng ý. Ông gay gắt nhận định, “giảo hoạt thì đúng hơn”. Hôm ấy đợi khách về, tôi đã hỏi ba tôi giảo hoạt là người như thế nào. Ba tôi đáp là người có lắm mưu gian, xảo quyệt. Tuy nhiên trả lời xong, ông bảo lần sau không nên nghe hóng chuyện người lớn. Tôi không dám cãi lại ba nhưng hơi phật ý, bởi vì tôi đâu có hóng hớt mà chỉ do “người lớn” đã tự nhiên phê phán, tỉnh bơ chỉ trích người khác trước mặt đám con nít một cách không e dè mà thôi. Sau này chơi thân với Hiển, tôi kể cho Hiển nghe điều này, Hiển bảo:
- Người lớn nhiều khi kỳ lạ như vậy đó. Vào cái thời mới lên ba lên năm, chưa bao giờ Hiển biết thắc mắc về thân phận, chưa bao giờ muốn biết cái thế giới này có bao nhiêu màu sắc, nhưng có rất nhiều người lớn đã gọi Hiển ra một chỗ nào đó để kể cho Hiển nghe về một sự thật, một màu sắc, đen hơn, tối hơn, xám hơn những gì mà Hiển đang nhìn thấy…
Cái sự thật, cái sắc màu u ám mà những người là bà con, là bạn bè quen biết của ba má Hiển, không hiểu vì ganh ghét tị hiềm, hay chỉ vì “bản tính tự nhiên” của kẻ ngồi lê đôi mách, đã muốn nói ra cho bằng được những điều mình biết, thậm chí chỉ là những điều chỉ “được nghe kể” như vậy, chẳng biết có làm cho họ cảm thấy hạnh phúc hay vui vẻ hơn không, nhưng đã để lại cho Hiển một vết thương rất đau đớn. Hiển bảo nhiều người lớn thường hay quên, hoặc không biết con nít vốn rất nhậy cảm và rất dễ bị xúc phạm, dễ bị tổn thương, nên vẫn thích “nói đùa cho vui”, đại loại như “ba mẹ nhặt con ngoài đường”, “con là con của ông ba bị”, vân vân… Họ không hề nghĩ những câu nói “cho vui” ấy, có lắm lúc đã làm nhiều đứa bé hoang mang, đến nỗi đã hoài nghi tình cảm của cha mẹ, hay cảm thấy mình bị đối xử bất công với anh chị em khác trong nhà và có khi còn tưởng mình không phải là con ruột.
Riêng Hiển thì rơi vào một trường hợp khác. Hiển hoàn toàn không bị đùa giỡn gì cả. Mà khi kể chuyện cho Hiển nghe rằng má không phải là người đã đẻ ra Hiển, nhiều người lớn còn sợ Hiển không tin đó là sự thật nên đã dùng một bộ mặt rất nghiêm nghị và nói những lời rất chắc chắn, chọn lựa kỹ lưỡng từng chữ, từng câu như để thuyết phục Hiển. Người khác còn thề thốt, “tôi mà nói láo thì trời đánh chết”. Năm tuổi, bảy tuổi, dù chưa bao giờ cảm thấy bị hất hủi, chưa bao giờ thấy má không lo lắng cho mình, nhưng khi nghe đến chuyện ấy lần thứ ba, thứ tư thì Hiển bắt đầu tin và bắt đầu lo sợ một ngày nào đó sẽ không còn được má thương, sẽ bị đuổi ra khỏi nhà… Làm bất cứ điều gì Hiển cũng do dự, cũng không biết có vừa ý má hay không.
Hiển cứ sống phập phồng như vậy mãi cho đến một ngày chịu không nổi nữa, thu hết can đảm Hiển quyết định kể cho má nghe và hỏi nếu như không phải là con ruột thì má có còn thương Hiển hay không. Hiển nói:
- Chị không thể tưởng tượng được là má Hiển đã giận dữ như thế nào đâu. Bà là một người rất điềm tĩnh, ít quát tháo, la mắng kể cả những lúc bị chọc giận, nhưng hôm ấy mặt bà đanh lại, trừng trừng nhìn Hiển, rồi cuối cùng bà quát Hiển thật lớn, “ai kể cho con nghe và ai cho phép con hỏi những câu tầm xàm bá láp như vậy?”.
Hiển không dám nói ra ai đã kể, và cũng không dám hỏi những câu “tầm xàm bá láp” ấy nữa, tuy nhiên không thể nào bỏ ra khỏi tâm trí những gì mình đã nghe, và vẫn khát khao chờ đợi một câu khẳng định từ má. Hiển cười buồn:
- Cái câu mà Hiển muốn nghe má bảo, “má là má ruột của con” để Hiển khỏi lo âu hay nghi ngờ nữa, thì má Hiển chỉ nói “má thương con”. Rồi thôi…
Hiển đã sống trong sự nuông chiều gần như không giới hạn của má từ thuở sơ sinh cho đến tận khi trưởng thành, nên vẫn thường nhủ lòng không nên tin những chuyện người ngoài đã nói với mình, nhưng trong Hiển vẫn có điều nào đó thật trúc trắc. Hiển kể Hiển thường nằm mơ, thấy mình chạy đi tìm mẹ, gọi mẹ ơi mẹ ơi thảng thốt, mà không bao giờ có hai tiếng má ơi. Ở ngoài đời thật, những lúc trượt chân ngã té, hay bị trầy xướt gì đó, má lo lắng chạy đến ẵm bồng, nựng nịu, thì đâu đó trong trí Hiển lại có một tiếng nói khác vang lên “mẹ đây, mẹ đây…, con có sao không?”. Hiển bảo dường như đã sống, đã gần gũi với người vô hình ấy nhiều hơn là với má. Hiển luôn luôn thèm được úp mặt vào bờ vai ấm áp của con người vô hình ấy hơn là tựa vào một bờ vai thật ở cạnh mình.
Người vô hình, cho đến khi lớn thêm lên một đôi tuổi, thì Hiển nghe từ một người cô:
- Là người ở đợ cho ba má con…
Lúc ấy Hiển cứ tưởng chừng như trời đất đã sụp xuống trước mặt mình. Tưởng có thể điên lên được vì câu chuyện đã nghe, vì nghẹn ngào, vì tủi hổ, vì giận ba má và cuối cùng là vì không biết phản ứng như thế nào. Người kể chuyện, sau khi kết thúc, còn dặn dò thêm một câu nhưng như thể đâm một nhát vào tim Hiển:
- Nghe cho biết vậy thôi nha, chứ đừng hỏi lại ba má mà thành chuyện lớn.
Bị “nghe cho biết” một sự thật trong khi không hề muốn biết. Bị “nghe cho biết” một câu chuyện đau lòng như chỉ có thể diễn ra trong phim ảnh, tiểu thuyết, Hiển bảo ngoài nước mắt, Hiển hoàn toàn chẳng biết phải làm gì. Người bà con ấy kể, mẹ Hiển đã bị đuổi ra khỏi nhà sau khi sanh Hiển được vài ngày. “Nhận một số tiền rồi đi biệt xứ”. Cũng không được trở lại quê cũ vì là người cùng quê với ba má Hiển.
Lúc mới sang Mỹ, nhiều lần nghe các cô bác nói “người Mỹ không biết thương con, nên con mười tám tuổi là đuổi ra khỏi nhà”, Hiển đã tự hỏi không biết vì không rành về văn hóa của người Mỹ, hay do chứng kiến những câu chuyện đau lòng nào đó, nên các cô bác đã có nhận định như vậy, nhưng Hiển vẫn thường buồn khi nghĩ đến hoàn cảnh của mình. Hiển biết có những anh chàng thanh niên mười tám tuổi người da trắng, cùng học chung college, khi “bị đuổi ra khỏi nhà” thì rất dễ dàng đứng vững một mình vì được trang bị, được dạy dỗ sống độc lập từ lúc nhỏ, còn ngược lại, thậm chí đến cả một tô mì gói Hiển cũng không biết nấu cho nên thân. Tuy nhiên những chuyện như vậy không làm cho Hiển suy nghĩ nhiều cho bằng lúc nhìn thấy những người bạn Mỹ mười tám tuổi ấy, nếu là con nuôi, hay là con ngoài giá thú, đều biết rất rõ về thân phận của mình. Hầu hết họ đều biết được mình đã ra đời ở nơi đâu, tại sao lại trở thành con nuôi, hay ai đã sinh ra họ. Trong khi Hiển thì không bao giờ được nghe ba má kể bất cứ một chi tiết nào… Hiển nói:
- Hiển đã sống trong những tâm lý hết sức phức tạp. Ba má Hiển không có con với nhau, nên sự có mặt của Hiển là một cái gì đó không bình thường. Hiển chưa bao giờ phủ nhận công ơn, sự chăm sóc và thương yêu của má dành cho mình, nhưng Hiển biết chắc Hiển đã không được yêu theo lẽ tự nhiên, cách thường tình. Với má, Hiển được kể như là một “tang chứng, vật chứng”, là một “phương tiện, cứu cánh” để má giữ chân người đàn ông của mình. Về phía ba, thì chắc chắn Hiển đã ra đời hoàn toàn không phải do ước muốn, không được hoan nghinh chào đón, cho dù ba Hiển hay nhắc đến chuyện Hiển là người nối dõi duy nhất, là người sẽ phải làm chuyện nọ chuyện kia cho giòng họ về sau…
Vào những ngày đầu đặt chân đến Hoa Kỳ, vừa phải học hành, vừa phải tập sống một mình, vừa loay hoay để thích nghi với cuộc sống mới, có nhiều đêm Hiển không thể nào chợp mắt. Sự cô đơn và khó khăn ở chung quanh làm Hiển chỉ khát khao có một người nào đó ở cạnh mình. Nhưng không bao giờ là ba, không là má, không là một cô bạn gái hay một người bạn học cùng trường. Hiển đã cố gắng gạt bỏ hết tất cả những suy tư về thân phận, về những chuyện đã nghe về người mẹ ruột, nhưng có những đêm Hiển chỉ ngồi nhìn mãi tấm hình chân dung của chính mình, cố tìm ra những nét khác với khuôn mặt của ba mà thầm hỏi mình đã giống “người ấy” ở điểm nào.
Khác với những ngày còn bé, Hiển thường cầu mong mình sẽ gặp được một người bà con, một người bạn nào đó của ba má, những kẻ mách lẻo, những người lắm chuyện như thuở trước, để hỏi cặn kẽ hơn, để tìm kiếm ra điều gì đó khác hơn là câu chuyện “bị đuổi ra khỏi nhà”. Lòng Hiển ngổn ngang những suy tư, ba có phải là người đã làm hại đời cô gái trẻ, hay giữa hai người đã có một mối tình? Má có phải là người đã quyết định đuổi người ấy đi nhưng ba cũng đồng tình để sạch nợ? Hay là chính người ấy quyết định ra đi và bỏ Hiển ở lại?
Hiển bảo nghĩ đến điều nào, lòng Hiển cũng buồn. Điều nào cũng khiến Hiển suy sụp. Nhưng có một điều kỳ lạ là không hiểu sao trong những ngày sống như chỉ có xác mà không có hồn ấy, có một hôm Hiển đã chảy nước mắt tự hỏi, “biệt xứ, là xứ nào trên đất nước Việt Nam, là xứ nào trên thế giới?”, và thân phận của người phụ nữ ấy đã nổi trôi ra sao rồi. Nên bỗng dưng trong nỗi u hoài, cái mơ ước gặp được mẹ bất giác hiện ra với Hiển một cách rất rõ ràng. Hơn bao giờ hết, Hiển bắt đầu nghĩ đến chuyện mình sẽ được gặp mẹ vào một ngày nào đó rất gần.
Rồi Hiển quyết định vào college, học hết sức mình với hoài bão là sẽ thành danh, sẽ kiếm được việc làm, và sẽ có tiền để có thể thực hiện việc tìm kiếm mẹ. Hiển nói mình đã không bị rớt xuống tận cùng, đã sống một cách vững vàng chỉ vì niềm hy vọng, vì cái ước ao ấy. Bằng mọi cách, Hiển cố gắng nghe ngóng, biết nơi nào có sự giúp đỡ tìm kiếm thân nhân là Hiển vội vã viết thư, gọi điện thoại đến.
Tuy nhiên từ hội Hồng Thập Tự, nhà thờ, Ủy Ban Cứu Trợ Thuyền Nhân…, đều không thể làm gì hơn do Hiển không cung cấp được những chi tiết cụ thể. Vì ngay cả đến tên tuổi của mẹ mình, Hiển cũng không hề biết. Hiển bảo:
- Lúc nhỏ, Hiển nghĩ ai cũng giống nhau ở cái ước mơ sẽ được gặp bà tiên, hay ông bụt giúp mình thực hiện được điều mình mong muốn. Có người ước mơ giàu sang. Người ước mơ được trở thành vợ thành chồng của công chúa, hoàng tử. Người ước mơ thành danh. Riêng Hiển thì chỉ là gặp được mẹ. Khi lớn lên, như chị nói, không ai còn tin ở cổ tích, không còn đợi chuyện thần kỳ xảy ra nữa. Thật ra Hiển cũng vậy thôi. Nhưng buồn cười ở chỗ là sau khi làm hết bằng sức mình mà không được, thì bỗng dưng Hiển lại bắt đầu chờ đợi, bắt đầu mong những chuyện thần kỳ, chuyện cổ tích sẽ xảy ra.
Ba má Hiển đã vượt biên và được định cư ở Hoa Kỳ vài năm sau ngày Hiển rời Việt Nam. Khi đi, họ mang theo một người bà con, cũng là người làm công cho ba má Hiển mà Hiển chưa từng gặp trước đây. Anh được cho đi theo vì tính cách hiền lành, chân thật, và vì ba má Hiển nghĩ đến chuyện anh sẽ giúp được cho họ nhiều việc nếu thoát ra được nước ngoài. Hiển nói:
- Chị từng bảo có người nhận xét ba Hiển là người giảo hoạt, nhưng có lẽ không ai biết ba Hiển giảo hoạt như thế nào mà đã giấu được nhiều ngoại tệ, nhiều của cải khác trước khi miền nam sụp đổ và cả sau này, trong thời kỳ “đánh tư sản”. Rồi chuyện ông chuyển tiền ra nước ngoài. Sang đến bên này, khi nghe ông dự định mua nhà và tính chuyện làm ăn, chính Hiển còn lùng bùng cả tai nói gì đến người ngoài.
Ba Hiển quả thật là một con người như vậy. Vừa đặt chân đến nơi an toàn là ông nhảy ra kinh doanh liền. Với vốn liếng có sẵn, vừa tiền bạc, vừa biết cả hai ngoại ngữ Anh Pháp, lại vừa có kinh nghiệm làm việc với người Mỹ trước đây, ba Hiển hoàn toàn chẳng gặp khó khăn nào như những người vừa mới được định cư. Ông mở nhà hàng, mở tiệm giặt ủi, thuê mướn công nhân và sống rất thảnh thơi. Ông đầu tư cả chứng khoán, mua nhà chỗ này, bán đất chỗ kia… Nói chung là ông rất thành công. Nhưng khi ông bảo Hiển bỏ việc công chức về làm với ông thì Hiển không bằng lòng nên mâu thuẫn giữa hai cha con nổ bùng ra như chiến trận. Đã không muốn phụ thuộc vào ông, Hiển lại còn ước ao đi tìm mẹ, nên từ chối lời rất dứt khoát. Rạn nứt mỗi lúc một tăng, gần như ngày nào về đến nhà, hai cha con cũng xảy ra chuyện gây gổ, bực bội nhau.
Hiển hoàn toàn đơn độc và lạc lõng. Bởi má Hiển, từ khi qua đến Mỹ, như một con thuyền đã mất lái, một cành cổ thụ đã cỗi rễ, mất hết uy quyền, mất hết thế mạnh vì phải dựa dẫm vào ba một cách hoàn toàn, và nhất là không còn có thể nắm giữ tiền bạc, tài sản như trước nữa, bà ngã về phía chồng. Sống buồn bã quá, Hiển chỉ muốn dọn ra khỏi nhà nhưng lại sợ má cô đơn. Và rồi cuộc sống cứ trôi như vậy cho đến ngày người anh họ hiền lành nhờ Hiển dạy thêm tiếng Anh mỗi tối. Thoát được vài tiếng đồng hồ cãi vả với ba, làm được chút công việc hữu ích, Hiển chỉ còn biết trò chuyện với anh. Một lần tình cờ kể chuyện quê nhà, Hiển nhớ ra anh ở cùng xứ với mẹ mình nên thăm hỏi, không ngờ anh lại biết về cô gái làm công phải “lãnh cái án biệt xứ” vì có con với ông chủ ấy. Anh kể bà có về quê một lần chịu tang mẹ, và có nói với anh đang sống ở Củ Chi khi anh đến giúp dựng rạp, khiêng quan tài.
Chỉ với một chi tiết mơ hồ như thế, và một cái tên không rõ họ là gì, nhưng đã tựa như một quả bom dội xuống với Hiển. Ngay lập tức, Hiển vào sở xin nghỉ làm hai tuần để chuẩn bị về Việt Nam. Tôi hỏi sao Hiển gan quá, dám về vào những năm Mỹ vẫn còn lịnh cấm vận, và Việt Nam thì vẫn chửi ra rả người vượt biên bằng đủ loại ngôn từ thấp kém, mạt hạng. Từ những bài báo rủa sả “phường bán nước cầu vinh”, “lũ ôm chân đế quốc” không tiếc lời, cho đến phim ảnh, nhạc, kịch tuyên truyền, đâu đâu cũng có thể thấy chân dung của người Việt hải ngoại bị tô vẽ, bôi bác một cách hết sức thảm hại và rẻ tiền. Hiển đáp:
- Khi có một động lực nào đó thúc đẩy, thì người ta sẽ không bao giờ biết sợ là gì chị ạ...
Cái động lực vượt lên trên nhiều điều ấy, không chỉ làm Hiển không cảm thấy sợ sẽ bị làm khó dễ do cán bộ, hay do nhà cầm quyền trong nước, mà lần đầu tiên trong đời, Hiển đã nói chuyện một cách rất thẳng thắn với ba má về mẹ của mình, cũng như bày tỏ ý định sẽ làm gì. Hiển kể:
- Má Hiển khóc nhiều lắm, bà bảo Hiển không có tình nghĩa gì với bà. Bà nuôi nấng bao nhiêu năm vẫn không thể coi bà là mẹ ruột được sao mà còn đi tìm người ấy. Về phía ba Hiển, ông giận dữ và tuyên bố sẽ không để lại cho Hiển một xu nếu Hiển “ngoan cố” chạy về trong nước đi tìm mẹ…
Hiển buồn như không còn có thể điều gì làm Hiển buồn hơn được. Chuyện có một hay nhiều xu, chẳng là chuyện Hiển để tâm, nhưng câu nói của má làm Hiển thấy bứt rứt. Hiển có cảm giác như mình là người phản bội lại lòng yêu thương và sự chăm sóc của má. Hiển buồn bã:
- Hiển phải suy nghĩ rất nhiều ngày, phải đấu tranh với chính mình nhiều ngày. Nhưng cuối cùng thì Hiển quyết định là phải về để nhìn thấy mẹ. Một lần thôi cũng được. Bởi vì Hiển muốn nhìn gương mặt của mẹ, muốn nắm lấy bàn tay, và tựa lên vai mẹ…
Hiển rời Nam Cali, về lại Sàigòn mà không có ai ra phi trường đón. Hiển chẳng có người bạn nào. Cũng không có người thân. Và không cả một thông tin rõ ràng nào hơn vì ba má Hiển đã từ chối không chịu nói thêm những điều họ biết về bà. Hiển nói với tôi:
- Hiển đã đi vì Hiển tin ở cổ tích. Tin trên đời này còn có những chuyện thần kỳ. Và tin hơn, ở một điều thiêng liêng mà người ta vẫn gọi là tình mẫu tử.
Chuyện cổ tích, chuyện thần kỳ… Chỉ với một mảnh giấy trên tay, người bạn tôi về đến Tân Sơn Nhất, chưa biết làm cách nào để gọi xe về khách sạn thì một bà tiên hiện ra với Hiển thật. Cổ tích mở màn ra thật. Hiển đã gặp một người bạn học cùng lớp đang làm việc tại phi trường. Nhận ra nhau, trò chuyện với nhau xong, bạn Hiển tìm mọi cách giúp Hiển về tận làng quê, nơi chưa bao giờ Hiển nghĩ đến huống gì là thực hiện một chuyến đi. Sau khi thăm hỏi người nọ người kia, biết thêm chút thông tin, dù rất ít nhưng cũng đủ để hy vọng, bạn tôi vào lại miền nam, rồi đi Củ Chi. Hiển kể:
- Trời tháng Chạp ở quê hương mình có những vạt nắng rất vàng chị ạ. Nắng chảy trên những hàng cây, những tàu lá chuối, những đọt dừa và trên cả những cánh đồng khô hạn... Cái xã Hiển tìm đến còn vàng hơn như vậy, vì có những mảnh vườn đầy hoa cải, những bông hoa mai trổ sớm… Hiển vốn vẫn ít khi có dịp về vùng quê, nhưng có cái gì đó rất thân quen, rất gần gũi hiện ra trong lòng Hiển. Hiển đã đứng nhìn mãi những khóm tre, nhìn mãi bãi cỏ loe hoe bên vệ đường, rồi nhìn con đường đất dẫn vào nhà một người mà Hiển chờ đợi được thấy tận mặt bao năm… Hiển lao xao như lần đầu tiên hẹn hò với một người con gái. Tim Hiển đập lên liên hồi và hai bàn tay ướt mồ hôi. Chị biết không, cổ họng Hiển khô rát đến độ Hiển đã tự hỏi, không biết mình có thể thốt lên được tiếng gọi mẹ hay không…
Tháng chạp vàng nắng trên miền đất nghèo nàn nơi bạn tôi về. Tháng chạp ở nơi có những cánh đồng khô cỏ cháy, nhưng nắng tháng chạp năm ấy không làm khô nổi hai tiếng mẹ ơi mà bạn tôi thiết tha muốn được gọi lên bằng lời. Cuộc đời, quả đúng như lời bạn tôi nói, dẫu còn có rất nhiều điều không trọn vẹn tuyệt vời như cổ tích, nhưng thật là cổ tích vẫn còn tồn tại…