main billboard

Tôi đặt hoa lên mộ lão. Hoa cúc trắng.

Nhưng trước tiên tôi bỏ những bông cúc ấy xuống chân, dẫm cho nát bấy.


hoa cuc trangLời người dịch: J. G. Siebelink là tác giả Hòa Lan, sinh năm 1938. Năm 2005, ông viết cuốn tiểu thuyết Knielen op een bed violen (Quỳ Trên Luống Hoa Violets) bán được 700,000 bản, ông cũng đoạt Ferdinand Bordewijk Prijs, một giải thưởng cao quý về văn chương Hòa Lan cho tác phẩm De overkant van de river (Bờ Bên Kia Sông.)

 

“Trời ạ, Mình sẽ đấm lão gẫy răng, mình sẽ đánh văng cái ví phai màu, mối mọt ăn lủng ra khỏi bàn tay sần sùi, lông lá của lão; mình sẽ bóp lòi con mắt hoặc tạt xăng dầu vào mắt lão để mí mắt lão giật tanh tách và nước mắt ứa ra rồi đến chất lỏng xanh lè và nhãn cầu sưng phồng khiến lão không còn nhắm mắt được, rồi nó sẽ tan thành nước từ trong ra ngoài và tiêu tan… và bên dưới mí mắt của lão sẽ thối rữa… Mình sẽ giết lão, bằng hai tay của mình… Mình sẽ xé xác lão, mình sẽ ngắm nghía những sợi thịt màu mận chín của lão… Nếu lão chịu tiếp mình ngay lập tức thì giờ này mình đã về nhà rồi, bởi hôm nay mình không cần phải đi tới tiệm nào khác nữa; dạo này công ăn việc làm đã trì trệ như thế. Mình có thể đọc xong cuốn sách đang đọc dở dang, mình có thể đi xuống hồ bơi (mỗi lần mình phải tới gặp lão là trời lại hay nóng hừng hực), hoặc đến gặp Adya, cô bạn gái của mình, cũng ở gần đó.”

 

Tôi mười bảy tuổi. Hai thái dương phập phồng dồn dập như thể chúng đang càng lúc càng bị siết chặt bởi cái kềm vặn ốc. Nhưng cứ nghĩ đến chuyện trả thù là tôi lại nhớ ngay rằng làm cho lão mù hay chết có nghĩa là tôi sẽ làm ra ít tiền hơn mà dạo ấy cha tôi cũng đã quá vất vả để chạy đua với cuộc cạnh tranh cắt cổ.

Tôi ngước nhìn lão với vẻ ngưỡng mộ giả tạo, và với nước mắt trên mi.

“Bác Van M. à, bác là đại gia,” tôi nói. “Bác có thật nhiều tiền, tiền bác đếm không xuể, buôn bán trong cái khu nghèo nàn này mà bác vẫn làm ra nhiều tiền quả là một điều kỳ diệu, bác biết cách chinh phục khách hàng, bác nói được ngôn ngữ của họ và bác ngon lành hơn tất cả mọi người. Trong loại công việc này không ai làm ăn khấm khá bằng bác.”

 

Giọng mình vừa quả quyết vừa thành thật biết biết chừng nào. Và nó làm bao tử mình quặn lên! Quả là đáng sợ khi trước kia mình vẫn khinh miệt sự giả dối bề ngoài. Dạo này mình xem cái việc nghĩ một đàng nói một nẻo là chuyện làm ăn; mình cảm thấy hứng thú khi dùng ngôn ngữ ngọt ngào tán dương một đứa rằng nó đã làm được một việc gì đó tuyệt vời, trong khi đêm hôm trước giữa đám bạn bè, mình lại buông ra những lời khinh khi nhất, miệt thị nhất mà mình có thể nghĩ ra đối với thành quả mà đứa ấy đã đạt được.

“Hô, hô,” lão phì cười, tiếng cười phát xuất từ ruột già ruột non của lão, nên giọng cười ấy trầm đục. “Mày đoán xem trong cái ví này có bao nhiêu tiền?”

Lão nhìn thẳng vào hai con mắt đầy lo lắng của tôi và ve vẩy cái vật bằng da trước mặt tôi. “Đoán được không?” lão nhắc lại, bằng giọng nói bỗng dưng trở nên cộc cằn, hung bạo.

 

“Bố mày không biết cách làm ra tiền, ông ấy chả biết quái gì về tiền bạc!” Lão mở cái ví ra.

Chúng tôi đang đứng dưới tầng hầm. Lão đứng dựa lưng vào vách tường mọc đầy rêu xanh. Một ngọn đèn vàng ệch trên chiếc bàn làm việc hắt một tia sáng chéo góc trên vách. Dưới ánh sáng nhòe nhoẹt của ngọn đèn mốc meo ấy, tôi thấy xấp tiền giấy dơ bẩn. Tôi nhìn vóc dáng gồ ghề của lão, hàm dưới bạnh ra, hai xương thái dương gồ ra hai bên. Lão có vóc dáng của người thượng cổ Cro-Magnon. Những vết nhăn cày sâu trên mặt lão. Những dấu vết của tham vọng mà môn vị tướng học muốn người ta phải đặt niềm tin vào. Còn hai con mắt của lão nữa! Cái nét không bao giờ thỏa mãn đầy kỳ lạ của chúng, sự bày tỏ nóng bỏng và đầy thôi miên cùng với hàng lông mày rậm, xồm xoàm bên trên. Những ánh chớp đen tối hắt ra từ hai con mắt xám của lão.

Lão lấy ra một cọc giấy bạc, bẻ cong một đầu, rồi nới lỏng để những tờ giấy bạc bật ra dưới ngón tay cái của lão. Giấy bạc kêu loạt xoạt như tiếng những cây bạch dương xạc xào trong gió. Rồi một cánh tay lão đặt trên mặt bàn; phần còn lại của những cành hoa nằm trên tay lão. Lão có thân hình to xù tỏa ra một ý chí mãnh liệt. Lão ở độ tuổi tứ tuần, kết hôn với một người đàn bà gầy nhom, xanh mướt. Bà ta thường đứng ở khung cửa ngăn cách nhà bếp và cửa tiệm, một nụ cười mờ nhạt lúc nào cũng vương trên môi. Một không gian uể oải bao phủ bà ta. Tôi vẫn nhớ cái kiểu bà ta đứng nghiêng sau lưng tôi và chạm vào người tôi. “Đêm nay lại đây nhé em trai, đêm nay lão ấy đi vắng.” Họ không có con cái gì hết.

 

“Đếm đi,” lão bảo tôi. Căn hầm ẩm và tối. Chung quanh chúng tôi đầy những chậu hoa, thược dược, lay-ơn, cẩm chướng và huệ tây, màu sắc chúng lẫn cả vào nhau. Tất cả đều nhợt nhạt. Ngọn đèn nằm trên những chân kệ chống bằng gỗ trên bàn. Sau lưng tôi là những bậc thang dẫn lên tầng trên, chỗ cửa tiệm. Cánh cửa ấy đóng kín. Lần nào xuống hầm, lão cũng luôn khóa cửa ấy lại. Tôi cầm tiền trong tay.

“Đếm,” lão lại nhắc, “mẹ kiếp, đếm đi.” Lão ném cho tôi một tia nhìn bén ngót.

Trong người tôi không ẩn khuất một sự kháng cự nào. Tôi sẵn sàng đếm tiền cho lão nếu như sau đó lão cho tôi về, nhưng đây mới chỉ là thủ tục mở đầu. Tôi đếm. Tiếng động mơ hồ của đường phố vọng đến tai tôi. Mặt trời vẫn chiếu bên ngoài. Và trời hẳn cũng đã nóng hơn nhiều. Đám bạn tôi chắc đang ở hồ bơi uống bia trên sân thượng của Riche-National hoặc trên Vesper Square. Tôi đếm… tôi đếm… nhưng tôi lạc mất con số… tôi nghĩ tới bao nhiêu thứ, tới Adya, tới đôi vú nhỏ và tròn của nàng, như những bó hoa, tôi có thể cầm gọn trong lòng bàn tay như những bông hoa, nàng hẳn đang chờ tôi, dưới tầng hầm trong chung cư nhà nàng (cha nàng cấm chúng tôi gặp nhau; ông có bằng tốt nghiệp môn luật Hòa Lan và Đông Ấn.) Lão chờ phản ứng của tôi. Làm như thể tôi được quyền lựa chọn không bằng, làm như thể tôi có thể đáp ứng khác hẳn không bằng! Tôi vẫn thường thắc mắc sức mạnh của lão nằm ở đâu. Nhưng rồi trăm ngàn lý do chen chúc, soắn suýt vào nhau trong óc tôi và cản trở dòng ý nghĩ của tôi; điều chắc chắn là lão có một ý chí sắt đá. Một ý chí như ý chí của một đấng Thần Linh. Một ý chí như Thượng Đế. Lão thống trị, lão tin tuyệt đối rằng tôi sẽ phải tán tụng lão, cho dù lão có thể cảm nhận ra rằng tôi kinh tởm lão, tôi muốn… biết chừng nào. Sau lưng tôi là những bậc thang, leo những bậc thang ấy là lên thẳng được cửa tiệm. Tôi sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để có thể chạy lên những bậc thang ấy, trốn tránh cái hầm âm u, ma quái, trốn tránh con mắt u tối đang gắn chặt lên tôi.

 

“Tiếp tục đếm đi,” lão nói bằng giọng khàn khàn, thứ khàn đục kỳ dị. Tôi chưa bao giờ nghe cái giọng khàn đục ấy của lão, nhất là với cái chất nhầy nhụa trong giọng nói khàn ấy.

“Bác giầu,” tôi nói. Tôi đưa tiền lại cho lão. “Có bốn chục. Bốn chục nhân với một trăm guilders. Cháu không hiểu. Cháu không hiểu bác làm ra tiền bằng cách nào, cháu chưa bao giờ thấy một số tiền lớn như thế, cả bố cháu cũng vậy, mà số tiền này bác lại làm ra được trong lúc ai cũng than là làm ăn khó khăn.”

Đó là những lời mà lão chờ tôi nói ra. Thỉnh thoảng tôi thay đổi ít nhiều, nhưng tựu chung thì cũng chỉ nói ra một điều. Đã không biết bao nhiêu lần tôi nắm bốn mươi tờ giấy bạc như thế này trong tay và ngay cả lúc này, sau bao nhiêu năm tháng, mắt trái của tôi vẫn co giật khi tôi nghe nhắc tới con số bốn mươi.

“Bác là nhà nghệ sĩ trong nghệ thuật làm vòng hoa,” tôi tiếp, bởi tôi sẽ phải nói thẳng ra cái điều phải nói. “Cháu chưa bao giờ thấy ai làm vòng hoa đám tang nhanh mà đẹp tuyệt như thế.”

 

Lão bỏ tiền vào ví, đóng lại rồi nhét vào túi trong của chiếc áo khoác dài.

“Lại đây coi,” lão ra lệnh và đẩy hông tôi. Tôi đứng dựa vào bàn. Lão gỡ một tấm bảng chữ nhật nhỏ móc ở cái đinh treo trên vách tường. Chỗ cầm tay khắc vào một cạnh tấm bảng. Trên đỉnh là một cụm rêu nước, buộc dính vào bằng dây thép, một nhánh nhiều lá nguyệt quế màu nâu đã ướp gắn trên đó.

“Bây giờ tao sẽ chỉ cho mày cái cách ráp vòng hoa đám ma chuyên nghiệp. Khỏi cần dao, khỏi cần kéo, Chỉ bằng hai bàn tay.”

Lãi rảo bước tới chỗ để cái sô. Lão tóm chỗ này vài bông hoa chỗ kia vài bông hoa, nắm đầu cánh hoa kéo ra. Lão quăng chúng lên bàn.

“Mở mắt ra mà xem, làm như thế này này.” Lão túm hai bông hoa một, bẻ bớt cành và nhét vào cụm rêu. Những đóa thược dược trắng, kế đó lão nắm bông huệ tây, lay-ơn và dúi chúng vào với vẻ nhanh nhẹn đầy hung bạo. Lão gầm gừ, thỉnh thoảng lão ném về tôi cái nhìn vênh váo; nước miếng chảy ra từ miệng lão, mặt lão xanh nhợt, hai má ửng đỏ như úng máu, một nụ cười ma mãnh lấp ló quanh môi lão; tôi biết điều gì đang ngóng chờ tôi, ít ra đó là điều tôi nghĩ. Không lâu sau đó sẽ là một sự bùng nổ, với miệng lão giận dỗi gọi tên người đàn bà quá cố mà vòng hoa tang được gửi tới, tiếp đó là tràng nguyền rủa hoảng loạn pha lẫn trách móc đầy thô tục. Đại loại như: “Mày biết con nhỏ này bao nhiêu tuổi không? Chưa tới ba mươi. Gặp người đàn ông nào chị ta cũng nằm ngửa ra, mày sẽ bảo đó là quyền chọn lựa của nó, mọi người trong khu xóm tránh xa con nhỏ đó, chẳng ai biết vì sao mà nó chết.”

Khi nghe những câu nói lăng nhăng đầy mâu thuẫn của lão, tôi luôn phải cố ra vẻ chú ý. Thỉnh thoảng lão nói: “Mẹ kiếp! Đừng nhìn tao trừng trừng như thế.” Tôi chờ lão gắn đóa hoa cuối cùng. Đó là vòng hoa tang chật ních những bông hoa chắc chắn sẽ được đám người ở nghĩa trang trầm trồ khen ngợi. Lão lấy cái bình, tưới nước lạnh lên những đóa hoa.

 

Không khí nóng bức trong gian hầm, không có lỗ thông gió; ngoại trừ cánh cửa đóng kín phía trên những bậc thang, không còn chỗ nào tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Tôi nhìn chiếc bóng kỳ dị của lão vạch trên vách tường. Có một vẻ gì đó thái quá nơi chúng, nồng nhiệt và ma quỷ.

Ngay lúc ấy lão nắm lấy cổ tay tôi, kéo lại chỗ tay cầm – tôi cảm thấy những ngón tay thô của lão siết chặt làm đau nhói tận xương tôi, tôi cảm thấy da thịt ẩm ướt trơn tuột của bàn tay lão – tay kia lão giúi mặt tôi vào đống hoa, đầu tôi như chìm sâu vào vũng rêu phong ẩm mốc, nhựa của những cọng cây và bông hoa bầm giập trào vào miệng tôi, môi lão hút chặt lấy cổ tôi… lão đu đưa thân thể lão trên người tôi… lão phì phò thở… lão ép hai chân vào người tôi… tôi úp trên mặt bàn như con bò rừng cong cuốn với vết thương chí mạng, chảy máu và chờ đợi nhát đâm giải thoát… xương bả vai lão cày vào lưng tôi…

Chúng tôi nghe tiếng vợ lão hét: “Có khách! Tiên sư nó, điếc rồi hở lão kia!”

 

Lão buông tôi ra. Lão bước lên cầu thang. Tôi chùi nhựa cây dính trên mặt. Tôi nhìn nhựa tím dính trên bàn tay, tím không thể tưởng tượng được, rất đặm, rất sâu. Chắc phải là từ hoa lay-ơn. Tôi đứng thừ người ra đó. Rồi tôi cũng bước lên những bậc thang. Theo chân lão. Như con chó dù bị đánh đập vẫn lết theo chân chủ. Vợ lão đứng ở đầu cầu thang. Gầy không thể tưởng tượng được, không bụng, cũng chẳng có hông. Tóc vàng úa búi thành chỏm kim tự tháp. Hai má hõm nhuộm đỏ thẫm màu của sự kích động. Hai con mắt lõm sâu có phết màu xanh lục. Bà ta có cái vẻ mỏi mệt đã bị vấy bẩn. Một cô nàng Legeia thô thiển.

Có thêm nhiều khách hàng bước vào tiệm. Lão bước đi nghênh ngang, tung hứng những bó hoa. Lão cười nói, chửi thề rộn ràng. Trong cơn kích động nồng nhiệt lão gói một cây hoa huệ chuông tặng một người khách già. Lão chẳng để ý gì đến tôi. Lão bắt đầu nhảy nhót trên một đóa thu hải đường, dẫm nát nó dưới chân. Rồi lão quăng chỗ hoa còn lại vào góc cửa sổ trưng bày, cạnh những cây khác. Khách hàng cười vang. Lão được tiếng là có cá tính riêng và không bán hàng cắt cổ. Một sinh vật nhỏ màu đen trong bó hải đường nhanh chân thoát được bàn chân của lão trong gang tấc, nó xòe đôi cánh bóng loáng để bay lên, nhưng nó cũng bị dẫm nát, nghiến vụn, phát ra âm thanh vỡ dòn. Trong lúc đó mụ đàn bà lùa tay vào lưng áo tôi vuốt ve và thì thầm những lời khiêu gợi.

Khi khách hàng đã ra về lão nói chuyện tiền bạc. Lão trả tiền chỗ hoa tôi đem đến cho lão.

 

“Ngày mai đem thêm hai mươi lăm cây dương xỉ nữa nhé,” lão nói.

Tôi bước ra khỏi cửa. Nhìn ánh nắng tôi biết đã gần năm giờ chiều. Lão đã cầm chân tôi trong tiệm hơn hai tiếng đồng hồ. Mất của tôi một buổi chiều có chút thời gian rảnh rỗi. Nghĩ đến đó tôi bật khóc.

Những tuần lễ sau đó cha tôi đem hoa đến giao hàng cho lão.

Cha tôi có một vườn ương ở V., rất gần thành phố. Tiệm nằm giữa ngôi làng, vây bọc bốn phía bởi những cây trăn cao với những bụi gai mọc xuyên qua. Viền một bên cái chốn thơ mộng ấy của ông là một nghĩa trang Công Giáo. Một pho tượng Chúa Jesus, một phần che phủ bởi những cành bạch dương, nhô cao phía trên bờ rào. Lúc còn bé tôi hay lấy dàn thung nhắm cái đầu u uẩn của pho tượng, từ chỗ bể nước dọc theo lối đi chính, và đôi lúc tôi còn mơ tưởng bắn bay những giọt nước mắt trên má pho tượng khổ hình ấy. Cha tôi ghét cay ghét đắng pho tượng. “Các con đừng tạo dựng bất cứ hình tượng nào, hoặc mô phỏng bất cứ thứ gì trên trời, dưới đất hoặc dưới nước: rồi tôn thờ và phục vụ chúng,” như tôi thường nghe ông lẩm bẩm lúc ghim những cây hoa tím trên luống đất. Bởi vì nếu đang quỳ gối làm việc mà ngước lên nhìn ông sẽ phải trông thấy pho tượng.

 

Làm việc trong vườn ương là điều ông thích nhất. Ban đầu ông trồng dương xỉ. Đủ cách, đủ loại. Từ hạt mầm tới cây lớn. Tôi vẫn nhớ tên của chúng, những cái tên dịu dàng như adiatum fragans, tremula wimsetti, pellea rondiflora. Những tiệm hoa dùng chúng để làm vòng hoa. Chúng không dài quá mười hai phân Anh. Nhưng đôi khi chúng mọc cao tới năm bộ và cao tới gần những kệ để hoa trong nhà kiếng – những chiếc lá cắt sâu, lưng lá đính đầy hạt mầm màu vàng nâu treo nặng nề trên những cành mướt – chẳng bán cho ai được. Ông cắt bỏ chúng. Nghĩa là những cây mà ông đã chăm sóc hơn một năm trời lại phải làm lại từ đầu.

 

Chính cha tôi cũng nhận ra rằng có điều gì đó không ổn trong chuyện làm ăn của ông, nhưng ông là loại người đủ cương quyết và cũng không có tiền bạc để thay đổi. Ông không mất tư cách đến độ đem hoa mẫu của ông đi chào hàng. “Nếu họ không tự ý tìm đến mình,” ông nói, “thì cũng đáng tiếc thật, nhưng chuyện như thế thì cứ chịu như thế thôi.” Ông là người nặng lòng với tín ngưỡng và không đòi hỏi điều gì ở người khác. “Đừng đặt niềm tin nơi những ông hoàng” ông ca hát rộn ràng trong phòng khách thật sớm, lúc tám giờ những sáng Chủ Nhật, khi tôi vẫn còn nằm trong giường đeo nặng cảm giác bần thần vì đã trải qua một buổi tập huấn giáo viên nhàm chán một cách đáng tiếc.

Tuy vậy, cũng có những lúc, thường là vào đầu mùa hạ, những cái khay tràn ngập hoa phong lữ mượt như nhung và những cây hoa mọng nước đủ sắc màu, bán rất được giá.

 

Thỉnh thoảng mẹ tôi và tôi lựa lời thuyết phục ông điện thoại cho một tiệm bán hoa hỏi xem họ muốn mua hoa của mình không. Tình trạng nghiêm trọng xảy ra bởi vì có một đợt hàng ngàn cây trồng trổ bông cùng một lúc. Cắt hết đem về là chuyện không thể được. Những cú điện thoại sau khi bị thúc giục thường không đem lại kết quả gì; ông nói nhỏ nhẹ, sợ làm phiền người khác qua chuyện chào hàng của mình. Đặt cái ống nghe điện thoại xuống sau khi không bán được một cây nào, ông thường nói bằng giọng xuề xòa: “Ít ra mình cũng đã thử. Mình chỉ có thể làm bấy nhiêu thôi, phần còn lại nằm trong tay Chúa.”

Tôi không chịu nổi ý nghĩ có những cây ngưng trổ hoa dù ông đã chăm sóc chúng đến trầy da tróc vẩy. Dạo đó ngồi trong lớp mà đầu óc tôi cứ nghĩ tới chuyện ấy suốt giờ học. Lúc có thời gian, tôi giúp ông. Sau giờ học tôi nhanh chóng đạp xe về nhà, rồi lại tất tả đạp xe đi, đèo theo cái thùng hình chữ nhật buộc ở sau xe, chứa đầy hàng mẫu. Tôi đem lại tất cả những tiệm bán hoa trong thành phố và tôi vẫn thường được khách đặt trước một lố hàng nhỏ nhoi. Tôi lại chạy về nhà, chọn hàng cùng với ba tôi, bỏ vào thùng và lần này đạp chiếc xe ba bánh chở hàng vào thành phố, đôi khi phải qua cầu sông Rhine nữa. Tôi không hề mỏi mệt. Công việc này phải hoàn tất càng nhanh càng tốt, trước sáu giờ, trong khi đó các cửa tiệm lại ở cách nhau rất xa. Nội trong một buổi chiều nhiều khi tôi đạp xe đi hết sáu bảy chục cây số.

 

Buổi tối tôi học bài. Cha tôi quý trọng tôi. Một lần ông đã nói thẳng ra điều đó. Chúng tôi đứng bên bể nước. Tôi lùa bàn tay dưới nước. Những con chuồn chuồn cánh trong lượn lờ trên mặt nước hoặc lơ lửng trong không gian. Chúng tôi nhìn về phía vườn ương cây, nơi sự hủy hoại đang càng lúc càng rõ nét. Những cây bạch dương non mọc len ra ngoài những kẽ nứt trên tường nhà nóng ươm cây; dạo đó cha tôi lại ốm nặng mà tôi không biết. Cổ và hai bàn tay ông thường đau nhói và ông mệt đuối người.

 

“Lúc nào con cũng là đứa con ngoan,” ông nói. Nước mắt ứa đầy hai mắt ông. Đó là lần thứ nhì tôi thấy cha tôi khóc.

Lão là một trong những chủ tiệm mua hàng của chúng tôi. Không biết bao nhiêu lần tôi đã mơ mình có hai bàn tay to lớn, với những ngón tay có sức mạnh phi thường? Rằng thân thể tôi cao lớn và mạnh mẽ như lão ta? Bao nhiêu lần tôi đã nghe tiếng thở hụt hơi và giọng van nài khàn đục, đứt đoạn, khi cái ví rơi từ hai bàn tay đã tiêu tan hết sinh lực của lão… nhưng lão là người đặt mua rất nhiều hoa, chúng tôi không thể xoay sở nếu không có lão.

Mọi thứ tôi phải chịu đựng dưới căn hầm đáng sợ ấy chẳng là gì so với điều mà có một lần lão làm cho cha tôi. Một hành vi cực kỳ tàn bạo, vô cùng gian ác, hết sức đê tiện một cách vô tâm, mà tôi chỉ có thể ghi nhận bằng những dòng nước mắt của riêng mình. Nhưng tôi không muốn ghi lại chuyện ấy. Ban đầu tôi nghĩ: tôi sẽ giữ cho riêng mình mà thôi, tôi sẽ chôn kín nó trong lòng. Hình ảnh trong tâm trí tôi vẫn rõ nét. Tôi làm khổ chính tôi khi kéo những thứ tra tấn này trở về trong tâm trí, nhưng đó là điều cần thiết. Sự trả thù vấy độc tâm tư. Và tôi cũng không muốn che giấu lâu thêm nữa chuyện lão là ai và nơi lão sống.

 

Tiệm Bán Hoa Van Manen, góc đường Rozendaal và đại lộ Hof. Từ cửa tiệm, nơi có hai cửa sổ trưng bày, mỗi cái ở một bên góc đường

Tuần lễ cuối cùng của tháng Mười. Đêm qua có một trận tuyết giá nhẹ. Ngoài cánh đồng, đám hoa thược dược ngả màu đen. Một đám sương mù trắng đục phủ kín nhà ấp nóng, lò ủ phân và chòi trồng tỉa.

Thứ Sáu. Hai ngày nữa nhà thờ Công Giáo sẽ cử hành lễ Các Thánh và lễ Cầu Hồn. Đã mười một giờ sáng.

“Đem hết đống hoa khốn kiếp lại đây càng sớm càng tốt,” lão rống lên trong điện thoại. “Mẹ kiếp, khách hàng đang cuống cả lên đây.”

Cha tôi dời ống nghe điện thoại xa tai ông một chút và nhướng cặp lông mày. Con mắt xanh của ông sáng lên hơn lúc thường.

“… thế còn giá cả thế nào ông Van Manen,” cha tôi nói bằng giọng nhỏ nhẹ, rụt rè. Hiển nhiên là cha tôi sợ cái hung bạo võ biền đang bộc lộ ở đầu dây kia.

“Giá cả, mẹ kiếp, hô, hô, giá cả, mình sẽ bàn sau, không ai bị xử ép ở tiệm của Van Manen hết. Van Manen lúc nào cũng chơi đẹp.”

Mẹ tôi với tôi, đứng bên chậu rửa tay, nghe rõ cái giọng lớn lối và thô lỗ lão dùng để nói với cha tôi.

Cha tôi cảm ơn lão đã đặt hàng, cúp điện thoại, giận vì quá nhiều sự xúc phạm và gần như lo sợ chính ông sẽ bị trừng phạt vì sự lỗ mãng của lão ta. Dù sao, cha tôi là người đã điện thoại cho cái người đáng ghê tởm kia, nhưng ông cũng tự thú nhận rằng đó không phải ý kiến của một mình ông. Vợ và con trai ông đã thúc đẩy ông làm chuyện đó; ý nghĩ lẩn quẩn trong đầu ông như thế. Cha tôi là một người ngụy biện khá thông minh.

Chúng tôi nhìn ông, thở phào.

 

“Ông thấy đó,” mẹ tôi nói. “Thời buổi này mình phải đến với khách hàng, chứ họ chẳng tìm đến mình như ngày xưa nữa đâu. Mình phải chỉ cho họ thấy mình có những mặt hàng mà họ muốn, bằng không hàng hóa mình sẽ ứ đọng tại chỗ rồi mình cũng đành đổ chúng nó vào đống phân ủ thôi.”

“Ừ, tôi cũng nghĩ bị như vậy thì buồn chết,” cha tôi nói, “năm nay hoa đẹp quá. Chắc, dầy, nhiều lá và, quan trọng nhất là ra hoa đúng lúc, không sớm quá cũng chẳng muộn quá. Bởi vì mình chỉ có thể bán được vào tuần lễ cuối tháng Mười.”

“Để con giúp ba xếp vào thùng,” tôi nói. “Nhưng ba phải đi giao hàng một mình, bởi vì chiều nay con có lớp.”

Tôi theo chân cha tôi vào nhà ủ nóng. Hai bên lối đi giữa nhà, những cây hoa cúc trắng xếp hàng tăm tắp cạnh nhau trên mặt bàn. Thật trắng, trắng đến chói mắt, đến mức bạn thấy phải nhắm mắt lại một lúc. Những cụm hoa to bản đu đưa trên những cành mềm.

Thời điểm này là lúc hoa cúc trắng bán được nhất. Dù năm nay chúng không nở đồng loạt đúng thời điểm như mong ước. Và cũng chưa ai mua một bó nào hết. Người ta đặt cúc trắng trên mộ trong ngày Lễ Các Thánh. Cha tôi cũng thấy khó chịu vì trồng hoa cho cái mục đích thờ phượng nặng mùi trần tục như thế. Tuy nhiên năm nay, một lần thôi, chuyện làm ăn đã lấn lướt lương tri của ông.

 

“Mình cứ hái vào thôi,” cha tôi nói. “Ông ta chẳng cần thứ tốt nhất, vả lại ông ta trả rẻ như bèo.”

Tôi ôm từng bó cây vào phòng làm việc, ôm chúng sát vào ngực để cành không bị gẫy. Một sô nước nguội chờ sẵn. Hai cha con cẩn thận rửa bình hoa và dùng bàn chải gỡ sạch đám mốc xanh. Tôi giữ cây cúc cho cha tôi lau chùi. Mọi cử động mạnh tay đều có thể làm gẫy cành cây.

“Mình chưa bao giờ trồng được hoa đẹp như năm nay,” tôi nói. “Phẩm chất tuyệt vời.” Hai cha con thích thú trong công việc. Thường thì chúng tôi ít chuyện trò. Chúng tôi bọc giấy báo chung quanh bó hoa và đặt chúng lên bàn.

“Ba nghĩ mình nên bọc hai lớp giấy báo,” tôi nhớ cha tôi nói vậy. “Ba không muốn cánh hoa phơi ra tuyết giá. Chúng nó quá mỏng manh, không khéo là chúng nó tím bầm lại ngay thôi.”

 

Chúng tôi gài kim ghim trên ngọn. Chúng tôi đặt chúng vào két gỗ. Để giữ chúng khỏi di chuyển, chúng tôi chêm thêm giấy báo để ngăn cách chúng. Tôi đẩy chiếc xe giao hàng ra khỏi nhà, xếp những két gỗ lên trên. Bốn két, mỗi két có mười cây. Nếu may mắn chúng sẽ bán được với giá hai guilders mỗi cây. Tính ra cũng khá nhiều. Cha tôi mặc thật ấm: áo khoác, mũ, đồ che tai. Trước khi lên đường, cha mồi một điếu xì gà nhỏ. Ông đang lên tinh thần. Ông cười với tôi. Con mắt xanh của cha đầy tin yêu. Tôi nhớ mẹ tôi bước ra cửa nhìn theo cha tôi lúc ông đạp xe đi…

Một tiếng đồng hồ sau tôi lặn lội đến trường. Lần này ra khỏi chu vi thành phố, đến O., nơi tôi thực tập dạy học và theo đuổi một dự án sinh học với đám học trò mười ba tuổi. Trời bắt đầu mưa. Tôi gò lưng đạp xe. Mắt kính ướt và mờ đục. Tôi tới Insula Dei – Hải Đảo của Chúa – một nhà trọ Công Giáo dành cho người tàn tật, ốm đau và những người cao niên nơi họ quây quần bên nhau trong một tòa nhà cổ (bây giờ đã bị phá hủy) của triều đại xưa. Tôi không trông thấy gì hết. Tôi chùi mắt kính lên tay áo. Và tôi thấy cha tôi. Phía bên kia đường, trên đường về nhà. Những mảnh giấy báo rách bị gió thổi bay khỏi xe. Những mảnh sũng nước dính vào hai cạnh xe. Những cây hoa chen chúc trong những két gỗ, hoa và lá mỏng manh tả tơi trước gió mưa. Một bó xem chừng như mới được gói vội. Tôi băng qua đường. Hầu hết những cành đều đã gẫy và những cánh hoa lắc lư tàn tạ. Tôi nhìn ông. Tôi thấy nước mắt đầy trong mắt cha tôi. Tôi không nói. Mãi sau cha tôi mới nói, khi xe cộ vùn vụt chạy qua và mưa đã thêm nặng hạt cùng những cơn gió lốc:

“Ba mở ra hết. Tiệm ông ta đông khách và ông ta chộp lấy một chậu, túm cánh hoa kéo lên, cánh hoa gẫy rời, chậu hoa rơi xuống đất, đất đen văng đầy sàn nhà lẫn những mảnh vỡ màu đỏ. ‘Cút xéo!’ ông ta hét, ‘Đem hết chỗ rác rưởi của ông đi ngay, đem mớ rác ấy ra khỏi nhà tôi, tôi không phải đứa lấy rác!’ Khách hàng của ông ấy cười vang, ba phải xếp tất cả mấy cái két lên xe, chẳng người nào thèm mở cánh cửa giùm ba lúc ba đẩy chiếc xe nặng trĩu ra ngoài.”

 

“Còn bà vợ ông ấy?” tôi nói.

“Ba chỉ thấy bà ta đứng ở cửa bếp, như mọi khi.”

“Bà ấy có nói gì không?” tôi cố hỏi thêm.

“Không, bà ấy không nói gì hết, dường như bà ta cười, nhưng không xía vào chuyện này.”

Tôi bước tới nghiêng người hôn lên trán cha tôi. Và tôi đạp xe về nhà với cha tôi.

Tối hôm ấy cả nhà không ai nhắc tới Van M. Cha tôi ngồi ở bàn đọc cuốn “Làm Theo Lời Chúa” của Thomas à Kempis. Không thấy ông lật trang nào; tôi chồm tới nhìn qua vai ông và tôi thấy tia nhìn của ông quẩn quanh ở đoạn cuối của chương 8, Cuốn Thứ Nhất: “Hãy khao khát trở nên thân thuộc với Chúa và các thiên thần của Ngài, đừng tìm cách làm quen với con người.”

 

Rồi tôi cũng lớn khôn. Cha tôi mất nhưng tôi may mắn vẫn còn mẹ. Tôi có công ăn việc làm và thỉnh thoảng tôi làm thơ. Trong vòng thân hữu, tôi được tán tụng qua một bài tự sự về nỗi bất bình được nồng nhiệt đón nhận. “Rất có nét,” một nhà phê bình viết trong một bài điểm sách ngắn nhưng đầy thích thú.

Điều mà lão khốn nạn làm cho cha tôi thì tôi không bao giờ quên, chuyện ấy còn mãi trong đầu tôi; từ đó tôi không còn mấy để tâm đến người khác. Tôi rút lui vào chính mình và sống với tâm tư của riêng mình. Những linh cảm đen tối vướng vít trong đầu tôi từ đó. Buồn thảm, u ám và bất ổn; chúng len lỏi vào trí não tôi. Tôi không nhớ bao nhiêu lần tôi đã đậu xe, để máy chạy, trên đại lộ Hof. Một viên gạch trong tay, tôi chờ, trong bóng tối, phía sau hàng giậu rậm lá cây thủy lạp, nuôi trong đầu niềm ham muốn trả thù. Tôi soi mói, tôi tính toán, rồi trì hoãn. Đôi khi tôi thoáng thấy bóng lão và bà vợ. Một cái bóng với một cái bóng của cái bóng khác. Rồi tim tôi náo động, tôi đứng chết trân, viên gạch bốc lửa trong tay tôi. Tôi nhát, tôi chần chừ hay đúng hơn tôi để thời gian làm nhiệm vụ của nó.

 

Một lần tôi đến đó vào ban ngày. Tôi mặc bộ vét sang trọng màu nhạt – tôi thích quần áo đẹp, tôi ưa chuộng việc thay trang phục nhiều lần vào buổi tối, một mình và cho riêng tôi, tôi yêu tôi hơi nhiều, tôi mặc áo sơ mi đắt tiền, đeo mắt kính gọng lớn. Như thế lão sẽ chẳng nhận ra tôi được. Tôi bước tới cửa sổ trưng bày và nhận ra tiệm đã đổi tên. Một thiếu phụ bước ra với một sô đựng hoa cúc, những bông cúc trắng với trái tim màu vàng, trông như lòng đỏ trứng. Tôi hỏi thăm. Cô ta bảo lão đã mất cách đây một năm. Tôi hỏi thêm chi tiết.

Một ngày nọ lão không bước xuống giường được, hai chân lão bị liệt. Người ta đem lão đến bệnh viện và phát hiện ra lão bị xuất huyết não cùng với chứng co giật bắp thịt gì đó.

 

Trạng thái sững sờ do kích động, tôi hy vọng là thế, dù chứng ấy có thể chữa được. Nhưng thần may mắn còn cười tươi hơn tôi nghĩ.

“Nửa thân dưới ông ấy bị liệt,” người thiếu nữ nói (ánh nắng làm ánh lên cái màu vàng óng trên tóc cô ta), “dù bình phục dần nhưng ông ấy nói năng một cách khó khăn. Ông ấy phải đi xe lăn. Lúc trước thỉnh thoảng ông ấy vẫn lại đây.”

“Trước khi cô kể tiếp, cho tôi hỏi thế còn vợ ông ấy thì sao,” tôi ngắt lời cô gái. Cô nhún vai. “Tôi không biết rõ về bà ấy; nghe nói bà ấy bỏ đi biệt tích một tháng trước khi ông ấy ngã bệnh. Người này thì nói bà ấy héo mòn vì đau khổ chuyện gì đó, người khác nói bà ấy về ở với người em trai; có người còn cho là bà ấy tự tử, chẳng biết tin ai.”

“Cuối cùng chuyện gì xảy ra cho ông ấy?” tôi hỏi.

“Có một lần ông ấy gọi em trai ông ấy, anh ta sống ở đâu đó trên kia” – cô ta chỉ ra phía sau – “ông ta chạy xe xuống Hoflaan, thắng xe hình như không ăn, ông ta lủi vào một máy cày. Một thanh sắt đâm vào trán ông ta. Ông ta chết tại chỗ.”

 

Tôi cố kiềm chế, nhưng trong thâm tâm tôi muốn reo lên mừng rỡ. Tôi bước vào ngôi giáo đường Cổ Điển Âu Châu rộng thênh thang, tôi lớn tiếng cầu nguyện, bên dưới cây cột khổng lồ. Tôi ôm chầm lấy cây cột ép chặt nó vào người vì mừng vui. Đêm hôm ấy, ôi cái đêm hôm ấy, tôi về nhà trong hoan lạc, rực rỡ cơn say. Tôi được bao phủ bởi vòng hào quang và tôi trôi bồng bềnh trên những nếp nhà, những căn nhà không còn mái che, và như Asmodeus, tôi có thể nhìn vào những căn phòng và tôi thấy những người đàn bà xanh xao, gầy yếu với tóc vàng màu rơm rạ, đi những chiếc giầy có đế cao, những người hít hà những bộ đồ lót nhăn nhúm, tôi thấy cái thô lỗ của những cuộc chung đụng lứa đôi, những ý nghĩ nhỏ nhen, lòng tham và sự trả thù, điều ác, những giấc mơ nồng cháy, đám người nam và nữ thủ dâm, và khắp nơi tôi thấy những phụ nữ gầy trơ xương, xanh xao, trong suốt, suy nhược và mong ước trở về, nhưng chứa đầy những khát khao… đây hẳn phải là phóng ảnh của sự giải ảo phổ quát và không khoan nhượng… nhưng tôi vô cùng trầm lặng, không sợ hãi, không thù hằn… vòng tròn ánh sáng quanh tôi sáng chói hơn bao giờ… tôi thấy mọi thứ đều tốt đẹp…

Sáng hôm sau tôi thức dậy sớm. Đầu tôi chồng chéo những vạch đau nhức.

Tôi đặt hoa lên mộ lão. Hoa cúc trắng.

Nhưng trước tiên tôi bỏ những bông cúc ấy xuống chân, dẫm cho nát bấy.