main billboard

Chị Mè còn trẻ lắm, chị khá đẹp, tóc ngắn ngang vai, kiểu tóc mà thời bấy giờ người ta gọi là tóc thề. Chị gốc người làng Trà-Kiệu, thuộc tỉnh Quảng-nam...

chi gai que

 Đầu năm tôi vào học lớp nhất trường tiểu học, gia-đình tôi có thêm một người giúp việc. Lúc bấy giờ gia đình tôi đã có một chị giúp việc lớn tuổi chuyên lo về công việc đi chợ, nấu ăn, giặt giũ quần áo, lo giữ nhà cửa sạch-sẽ.

 Cha mẹ tôi có tất cả năm người con, và trong tương lai gần mẹ tôi sẽ có thêm một đứa con nữa. Có lẽ vì vậy mẹ tôi đã thuê thêm chị Mè. Cha mẹ tôi có một cơ-sở làm ăn tương đối lớn, bận rộn công chuyện suốt ngày, mấy anh chị em chúng tôi thiếu người săn sóc, nên chị Mè được giao cho công việc nầy.

 Chị Mè còn trẻ lắm, chị khá đẹp, tóc ngắn ngang vai, kiểu tóc mà thời bấy giờ người ta gọi là tóc thề. Chị gốc người làng Trà-Kiệu, thuộc tỉnh Quảng-nam, cả làng theo đạo Thiên-chúa, nơi người ta nói đã có lần Đức Mẹ hiện ra.

 Hàng ngày chị Mè tắm rửa, thay quần áo, lo cho ăn uống và đưa đón anh chị em tôi đi học.

 Chị Mè không biết chữ, nhưng chị thuộc kinh Chúa, đêm nào chị cũng đọc kinh trước khi ngủ. Cha mẹ tôi gốc đạo Phật, nhưng tôi chưa có dịp đi chùa lần nào, cũng chưa biết ông Phật là ai, nhưng qua chị Mè, tuổi thơ tôi thấm nhuần rất nhiều về đạo lý của Thiên-chúa do chị kể. Chị đã dạy cho tôi thuộc kinh Kính Mừng, Kinh Lạy cha và tôi đã được nghe chuyện rước mình Thánh chúa, nếu ai nhận mình Thánh chúa không để tự tan trong miệng, nuốt liền vô bụng thì mình Thánh chúa sẽ biến thành lửa đốt cháy ruột để trừng phạt. Chị khuyên tôi làm điều tốt, không nên làm điều ác, làm điều tốt sẽ được lên Thiên-đàng gặp Đức-chúa Trời, làm điều ác sẽ bị đọa vào Hỏa-ngục, bị quỷ ăn thịt, bị đốt thành lửa.

 Mỗi sáng Chúa-nhật, chị được cha mẹ tôi cho phép đi dự thánh lễ ở nhà thờ Con gà. Khi trở về nhà, chị thường kể lại cho tôi nghe những gì chị được nghe cha xứ đã giảng. Có một buổi sáng Chúa nhật chị chuẩn bị đi lễ nhà thờ, lúc bước xuống cầu thang thì guốc chị bị đứt quai, chị không có guốc khác thay thế, chị không đi dự lễ nhà thờ được, chị ngồi khóc bên chân cầu thang. Tôi phải xin phép mẹ tôi cho chị mượn guốc thay thế. Chị mừng quá, ôm tôi hôn rất nhiều lần vào má và không quên lắp bắp lời cám ơn. Có lẽ nhìn cảnh chị mừng rỡ khi có guốc tạm thay thế vào buổi sáng hôm đó nên vào lúc chị từ nhà thờ về nhà, cha tôi bảo mẹ tôi cho tiền chị mua đôi guốc mới. Tôi nghe cha tôi nói với mẹ:

 - Mình cho con Mè tiền mua đôi guốc mới, guốc nó mòn và đứt quai không đi được".

 Tôi nghe tiếng mẹ tôi:

 - Cứ sáu tháng tôi trả tiền công cho nó một lần, tôi mới trả cho nó chưa tới năm ngày, nói nó lấy tiền đó mua".

 Cha tôi cười, nói:

 - Bà nầy hay thật, tiền đó nó nhờ tôi gởi hết về cho cha mẹ nó rồi, bà biết mà".

 Tôi không nghe mẹ tôi nói gì thêm.. Chiều hôm đó, mẹ tôi dẫn chị ra chợ mua guốc. Đôi guốc sơn màu đen rất đẹp. Khi chị đem đôi guốc bằng gỗ vông của chị vứt đi, tôi nhìn thấy đôi guốc của chị mòn đến nổi không có đủ bề dày để giữ chiếc đinh khi đóng quai.

 Chị Mè không biết chữ, thời đó chính quyền của ông Ngô-đình-Diệm khuyến khích dân chúng đi học trong kế khoạch xóa nạn mù chữ, vì vậy có những lớp học Bình-dân giáo-dục mở ban đêm cho dân chúng không biết chữ, bận công việc ban ngày, đêm có thời giờ đi học. Cha mẹ tôi cho chị đi học lớp Bình-dân giáo-dục trong đình của khu phố. Lúc đầu chị không chịu đi, tôi hỏi, chị nói: "chị lớn cái đầu rồi mà còn đi học, mắc cỡ chết đi dược".

 Rồi trước tết năm đó mấy ngày, cha mẹ tôi cho chị về quê thăm gia-đình và phải trở ra làm việc những ngày tết. Sau tết, chị xin được đi hoc lại lớp bình dân giáo dục. Cha mẹ tôi cũng không hỏi lý do tại sao trước đây chị từ chối nay lại đòi đi. Nhưng sau tối đầu tiên đi học trở về nhà, tôi cắc cớ hỏi chị: "Hôm nay chị Mè vào lớp có mắc cỡ không?"

 Chị đập khẽ vào đầu tôi nói: "Có mà ít ít thôi, không bằng hôm trước Tết chị về quê, khi vào làng, bị mấy thanh thiếu niên giăng giây chận đường xem giấy tờ, bắt đọc chữ trước khi cho vào làng. Chị đâu có đọc được, mấy đứa đó đưa chị vào trụ sở hội-đồng xã, họ bắt chị làm ký giấy cam kết phải đi học cho biết đọc biết viết. Nếu kỳ sau chị về làng mà bị kiểm soát, không đọc được chữ thì họ không cho vào làng. Hôm đó chị mắc cỡ muốn chun đầu xuống đất luôn. Gặp toàn mấy thanh niên thiếu nữ và người quen trong làng, họ khuyên chị nên theo lớp Bình-dân học vụ. Kỳ sau về làng, bị kiểm soát, không đọc chữ được chắc là họ không cho vô làng quá, xấu hổ lắm ! ".

 Bên cạnh nhà tôi có một hẻm nhỏ, đầu hẻm có một tiệm hớt tóc. Người hớt tóc thuê mái hiên của một căn nhà để mở tiệm. Mấy anh em trai tôi là thân chủ của anh chủ tiệm hớt tóc nầy. Mỗi một tháng rưỡi, anh em tôi được chị Mè dẫn ra đây giao cho anh chủ tiệm, rồi trở lại trả tiền để đón về. Chủ tiệm là anh Cường, người ta gọi anh Cường chay, bởi vì anh ăn chay, không ăn thịt cá. Theo lời của một bà bán rong bún ốc kể cho mẹ tôi nghe nhân một buổi sáng cả nhà tôi ăn bún của bà. Anh Cường chay ngoài việc hớt tóc anh còn biết nghề xem chỉ tay, được nhiều người tin cậy, trong đó có bà. Anh xem chỉ tay chứ không nhận tiền của một ai.. Anh là người cùng làng với bà ở An-cựu thành phố Huế.

 Anh Cường chay có một người cậu đi tu ở chùa Từ Hiếu. Anh học hết năm đệ lục trường Quốc-học thì bỏ học vì nhà quá nghèo. Anh là con trai một nên không bị đi lính. Anh học nghề hớt tóc của người cậu và được người dì em của mẹ đem vào Đà Nẵng hành nghề, vì ở An-cựu có nhiều người làm nghề hớt tóc nên khó kiếm sống. Do tiết lộ của bà bán bún, thỉnh thoảng mẹ tôi mời anh Cường qua nhà nhờ xem chỉ tay. Mẹ tôi thường khen anh Cường chay với cha tôi:

 - Thằng Cường chay xem chỉ tay hay thật, nó nói tôi trúng như gần hết".

 Tôi không nghe mẹ tôi nói anh Cường chay đã nói đúng những gì, nhưng mỗi lần nghe mẹ tôi nói như vậy cha tôi “hừ” lên một tiếng:

 - Bà toàn tin những điều "nhảm nhí".

 Mẹ tôi còn nhanh nhẩu mời mấy bà bạn đến nhà để nhờ anh Cường chay xem chỉ tay nữa. Những lúc như vậy, cha tôi không vui, mặt ông nhăn nhó, bỏ đi khỏi cửa hàng đang buôn bán. Tuy nhiên, những lúc cha tôi đi Sài-gòn mua hàng trở về đều có quà cho anh Cường chay, có lẽ để trả ơn những lúc anh đã xem chỉ tay cho mẹ tôi.

 Khi tôi bắt đầu vào năm học lớp đệ thất, chị Mè cũng đã biết đọc. Không biết ai cho chị quyển Thánh kinh, chị nâng niu, giữ gìn rất kỹ. Chị để quyển Thánh kinh trên đầu tủ, buổi tối, trước khi đi ngủ, chị rửa tay rồi mới lấy xuống đọc. Có lúc tò mò muốn biết trong Thánh kinh viết những gì, tôi hỏi mượn để xem, chị đồng ý cho mượn nhưng bất tôi phải rửa tay và nhiều lần nhắc tôi không được để sách trên ghế ngồi, như vậy sẽ bị Chúa phạt.

 Rồi có một thời gian, tự nhiên tôi nghe mẹ tôi hay la rầy chị Mè; mỗi lần bị la như vậy tôi thấy chị Mè đứng trong góc nhà bếp khóc, hai mắt đỏ hoe.

 Mẹ tôi la chị:

 - Sao lúc nầy mi cứ dở dở ương ương, y như người trên mặt trăng, làm trước quên sau, làm gì hư nấy, lúc nào cũng thẩn thờ như bị ai hớp hồn. Chỉ việc pha sữa tới giờ cho em bú mà cũng quên để cho thằng nhỏ khóc ầm cả lên."

 Tôi chưa bao giờ nghe chị trả lời mẹ tôi khi bị la mắng như vậy. Chỉ im lặng và khóc. Khác với những kỳ đi hớt tóc trước, kỳ nầy chị Mè tự nhiên nhắc tôi đi hớt tóc từ ba ngày trước. Đến hôm chị dẫn tôi vừa ra đến cửa thì cha tôi bảo:

 "Nó lớn rồi tự đi hớt tóc một mình, khỏi cần đưa đi."

 Chị Mè quay lui vào nhà, mặt chị xịu xuống và buồn. Khi tôi bước vào tiệm hớt tóc, anh Cường chay thay vì chào tôi như trước đây, anh bước ra khỏi tiệm nhìn trước nhìn sau con hẻm rồi đi trở vào hỏi tôi:
>
 - Sao nay chị Mè không đưa em đi?"

 Tôi trả lời:

 - Cha em nói em lớn rồi không cần chị Mè đưa đi...

 Tôi nghe anh Cường thở dài. Suốt buổi hớt tóc hôm đó, anh Cường không nói thêm với tôi một lờI nào... Khi từ tiệm hớt tóc về nhà, chị Mè gội đầu cho tôi, chị hỏi:

 - Anh Cường có hỏi gì chị không? . Tôi lắc đầu. Chị lại hỏi lần nữa:

 - Bộ anh ấy không hỏi gì chị sao?".

 Tôi lại lắc đầu. Tôi lại nghe chị thở dài và chờ mãi không thấy chị dội nước lên đầu khiến tôi phải nhắc chị. Mãi đến tối hôm đó tự nhiên tôi nhớ lại lời anh Cường có hỏi tôi vừa lúc tôi đến hớt tóc. Tôi xuống bếp tìm chị. Chị đang đọc quyển kinh thánh.

 Tôi nói với chị:

 - Bữa ni anh Cường có hỏi, sao chị Mè không dẫn em đến hớt tóc, em trả lời cha em nói em lớn rồi đi một mình được, không cần chị Mè đưa đi

 Tôi thấy mặt chị rạng rỡ lên, chị nâng quyển Thánh-kinh lên hôn. Lúc tôi ra khỏi bếp, tôi nghe chị nói vọng theo:

 - Lần sau đừng quên như vậy nghe em, tội chị lắm!.

 Mấy hôm sau, ngày Chúa-nhật, sau khi chơi đá banh trở về, lúc đi ngang nhà thờ Con Gà, chen lẫn giữa những người dự Thánh lễ ra về, trên đường đi, tôi nhìn thấy anh Cường chở chị Mè sau xe đạp. Buổi trưa khi chị Mè gọi cửa để vô nhà, tôi mở cửa. Chị vừa vào trong cửa, tôi cười và nói lớn:

 - Lúc nãy, em thấy anh Cường chở chị sau xe đạp !".

 Chị nhào tới đưa tay bịt miệng tôi, nhưng cha mẹ tôi đã nghe và đã thấy. Mặt chị đỏ gay, cúi đầu đi một mạch vào trong. Vừa lúc đó mẹ tôi nói với cha tôi:

 - Hèn chi mấy tháng ni nó cứ thẩn thờ, quên trước, quên sau, nó thương thằng Cường chay rồi... mới có bấy nhiêu tuổi!

 Cha tôi cắt ngang lời mẹ tôi, nói diễu:

 - Hay ghê! chớ bà yêu tôi lúc bao nhiêu tuổi ? Con Mè năm ni nó mười bảy tuổi rồi, lúc đó bà còn nhỏ thua nó một tuổi... bộ quên rồi sao ?

 Tôi chỉ nghe mẹ tôi "hừ” một tiếng rồi bỏ lên lầu.

 Chuyện anh Cường chay và chị Mè thương nhau những ai ở trong hẽm gần tiệm hớt tóc của anh Cường đều biết. Bà chủ nhà cho anh Cường thuê mái hiên trước nhà để làm tiệm hớt tóc đã có lần kể cho mẹ tôi nghe lúc đó có tôi bên cạnh. Mấy ngày trước đó, ông thầy tu, cậu anh Cường ngoài Huế vào thăm anh Cường, có đến tiêm hớt tóc chơi, bà nghe người cậu nói chuyện với anh Cường: "Cậu và có thể cả mẹ cháu cũng không chấp nhận cuộc hôn nhân nầy. Cháu, con nhà thờ Phật bao nhiêu đời nay rồi mà cưới con Mè gốc đạo Thiên chúa đến khi cháu chết thì ai cúng cơm cho, bộ cháu muốn làm ma đói?”

 Anh Cường phân trần:

 - Đâu có sao, lấy chồng thì phải theo đạo chồng, cùng quá thì đạo ai nấy giữ, cậu nói giúp cháu để bà chấp thuận hai cháu cưới nhau".

 Người cậu lắc đầu lia lịa:

 - Cậu biết là không được đâu, nhưng cậu sẽ cố nói giúp cho cháu, được hay không thì cậu chưa biết. Rồi ông gằn giọng:

 - Hết người thương sao lại thương con nhà theo đạo Chúa!.

 Ông hỏi anh Cường tuổi của chị Mè, bấm đốt ngón tay, miệng lẩm nhẩm: "Tuổi hai đứa không có gì xung khắc, nhưng cái đạo của ông Chúa và ông Phật xung khắc... không biết tính sao đây ?"

 Không bao lâu sau khi nghe lõm được chuyện anh Cường chay muốn cưới chị Mè, chị xin phép cha mẹ tôi nghỉ vài hôm để về Trà-kiệu chờ ngày gia-đình anh Cường từ Huế vào xin lễ hỏi. Thời gian đó anh Cường cũng nghỉ hớt tóc.

 Ngày trở lại làm việc, chị Mè buồn thiu, chị không nói chuyện với ai, ngay cả tôi chị cũng không nói một lời. Ngày Chúa-nhật chị cũng không đi lễ nhà thờ. Càng ngày chị càng thẩn thờ hơn. Mẹ tôi cũng la rầy chị nhiều hơn vì chị lơ là công việc hàng ngày, đến nỗi cha tôi phải ngăn mẹ tôi nặng lời với chị:

 "Mình hãy thông cảm cho con Mè, gia-đình nó không cho thằng Cường chay cưới nó vì thằng Cường chay không chấp nhận bỏ Phật theo Chúa, nó mất tinh thần nên sao lãng công việc nhà, lần hồi tinh thần nó sẽ ổn định, làm việc bình thường trở lại.

 Định kỳ hớt tóc của tôi tháng đó bị gián đoạn, anh Cường chay đóng cửa tiệm không rõ lý do. Ngày anh mở cửa làm việc trở lại cũng là ngày bà chủ nhà cho anh Cường chay thuê mái hiên làm tiệm hớt tóc qua nhà nói chuyện với mẹ tôi và tối hôm đó mẹ tôi kể lại cho cha tôi trong bữa cơm: "Thằng Cường chay đã đổi ý, chịu bỏ Phật theo Chúa để được cưới con Mè. Mẹ thằng Cường chay không chịu, đòi cắn lưỡi tự tử và bà ta đã làm thật. Gia-đình thằng Cường chay phải chở bà vào nhà thương Huế cấp cứu, may mà cứu kịp."

 Rồi không hiểu sao, chị Mè vui vẻ trở lại, công việc nhà chị làm không còn bị mẹ tôi quở trách nữa. Chị tiếp tục đi lễ nhà thờ mỗi Chúa nhật, anh Cường chay chở chị đi lễ và đón chị trở về bằng chiếc xe đạp đầm mới mua. Chị Mè tiết lộ cho tôi biết, buổi tối hết công việc, chị sẽ xin phép cha mẹ tôi tập đi xe đạp, chị nhờ tôi: "Tối nào chị tập đi xe đạp, em giúp chị đóng cửa và mở cửa cho chị được không ?"

 Tôi đồng-ý, hỏi chị: "Xe đạp đâu mà chị tập ?"

 Chị trả lời không đắn đo: "Xe đạp anh Cường mới mua".

 Biết được chuyện chị Mè được anh Cường chay đưa đón đi lễ nhà thờ mỗi sáng chúa nhật bằng xe đạp, mẹ tôi nói với cha tôi:

 - Từ đây ra nhà thờ Con gà chỉ có hai trăm thước mà đưa với đón, bày đặt!

 Cha tôi lại cười:

 - Nguời ta yêu nhau mà em !"

 Tôi học chưa hết năm đệ lục, chị Mè xin nghỉ việc vì giao ước làm việc ba năm chấm dứt. Cha mẹ tôi đồng ý.

 Lúc bấy giờ mấy anh chị em tôi đã lớn, đứa em nhỏ nhất ba tuối đã có chị hai tôi săn sóc những khi nghỉ học hay những lúc rảnh rỗi. Cha mẹ tôi cũng không còn cần chị Mè. Mùa hè năm đó tôi lang thang cùng lũ bạn nơi họ đạo Tam-tòa, tình cờ tôi gặp chị Mè, chị cho tôi biết đang cùng chung với người bạn mở một tiệm may quần áo tại đây. Chị đưa tôi và lũ bạn về tiệm may của chị và pha nước chanh cho uống. Đang uống thì anh Cường chay đạp xe đến, vứt xe bên vệ đường, đi nhanh vào tiệm may, mặt anh cau có có vẻ bực bội.

 Anh nắm tay chị Mè kéo vào sau nhà. Thấy không khí lúc đó không vui, tôi và lũ bạn im lặng rời tiệm may.

 Về gần đến nhà, ngang qua hẻm có tiệm hớt tóc của anh Cường chay, nhìn thấy có vài người tụ tập trước tiệm hớt tóc, tò mò tôi dừng lại, tôi biết anh Cường chay không có trong tiệm, anh đang ở tiệm may của chị Mè.

 Một người đàn bà tóc đã bạc đang ngồi bệt dưới đất trong tiệm hớt tóc, mặt mày bơ phờ, tóc tai rũ rượi, hai tay đập vào nền đất, miêng rên ư ử: "Con ơi là con ! Mè ơi là Mè ! con ở đâu mà mấy tháng ni không về với cha mẹ? Cường ơi là Cường ! mi giấu con gái tau ở mô ? hãy đem nó trả lại cho tau... không thì tau đập đầu chết ở đây cho mi hả dạ..."

 Mấy người hiếu kỳ đứng xem nói với nhau:

 "Cường chay với con Mè thương nhau, xin cưới nhau nhưng hai bên cha mẹ không thuận vì khác đạo nên hai đứa nó lén lút sống chung. Bữa ni mẹ con Mè từ quê ra tìm nó, đến đây nằm vạ đòi con gái."

 Tôi rời đám đông, ra đến đầu hẻm thì vừa lúc anh Cường chay đạp xe chở chị Mè chạy vào hẻm.

 Tối hôm đó chị Mè đưa mẹ qua xin phép cha mẹ tôi cho ngủ nhờ để sáng hôm sau trở lại quê. Anh Cường chay đứng ngoài cửa, tôi nghe anh thở dài, còn chị Mè hai mắt đỏ hoe.

 Mấy ngày liên tiếp sau đó tiệm hớt tóc của anh Cường chay đóng cửa, bà chủ nhà lại qua nói chuyện với mẹ tôi:

 "Hôm con Mè đưa mẹ về quê, khi qua đò, con Mè nhảy sông tự tử, nhờ nước sông cạn nên con Mè được vớt lên, chở vô bịnh xá quận Điện-bàn cứu chữa. Bác sĩ nói cái thai trong bụng con Mè không bị ảnh hưởng gì. Thằng Cường chay không làm việc mấy bữa ni, nó đi thăm con Mè ở bịnh xá."

 Bà lại thở ra: "Trai gái thời nầy loạn rồi, chưa thành vợ thành chồng mà đã ăn nằm với nhau để có chửa!".

 Từ đó, tôi không còn được gặp hay được nghe tin tức nào liên hệ đến anh Cường chay và chị Mè.

 *****

 Sau những năm tháng chiến tranh ác liệt Quốc Cộng, miền Nam Việt-nam thua cuộc. Chiến tranh chấm dứt, nhưng lòng người lại ly-tán. Đất nước như nồi canh chay bị vỡ, người dân xông xáo khắp nơi, tìm đường ra khỏi biên giới, làm người Do-Thái lang-thang, tạo lập cuộc sống mới nơi xứ người. Trong dòng người nầy có gia-đình tôi. Qua những năm tháng tạo lập đời sống mới, lần lượt cha mẹ tôi qua đời, linh-vị được thờ tại một ngôi chùa nhỏ phía Nam thành phố Paris nước Pháp. Chùa có tên là Tây-Phương. Vị sư Trụ-trì chùa, Thượng-tọa Như-Hóa mới đây đã viên-tịch, một thầy khác, Thuợng Toạ Giác-Miên, được mời từ Népal qua thay thế, nhưng tôi chưa có dịp diện-kiến.

 Rằm tháng bảy âm-lịch trong năm 2000, tôi điện thoại đến chùa xin ghi danh lễ cầu siêu cho cha mẹ nhân ngày xá tội vong nhân. Hôm đó, tôi vừa đến chùa thì lễ cũng đã bắt đầu.Tiêng đọc kinh, tiếng chuông mõ hòa quyện cùng khói nhang thơm làm tâm thần tôi thanh-thản, tôi cố lắng nghe âm thanh tên, tuổi cùng pháp-danh của cha mẹ tôi sẽ được đọc lên trong buổi lễ...tôi đang chờ... tên của cha mẹ cùng Pháp-danh của một phật-tử nào đó được đọc lên, kế tiếp... và kế tiếp...

 Tôi giật mình, không tin vào tai tôi... Théresa Hứa-thị Mè, sinh ngày 12 tháng ba năm 1943 tại làng Trà-kiệu tỉnh Quảng năm, tạ thế ngày 10 tháng 2 năm 1999 tại thành phố Marseille nước Pháp... thầy chủ trì chánh lễ vừa đọc đến đây thì tiếng chuông mõ bỗng ngừng lại, hàng Phật-tử dự lễ sát chánh điện ngơ ngác, lao xao. Một tăng sinh còn trẻ nhưng vốn quen việc nghi lễ trong chùa vội vàng thay thế Thầy đọc tiếp danh sách cầu siêu trong tiếng xì xào mất trật tự... rồi có tiếng yêu cầu gọi xe cấp cứu.

 Khi biết thầy Giác-Miên bị ngất xỉu, phản ứng theo thói quen của một bác-sĩ, tôi bước nhanh đến bàn thờ Phật. Thượng-tọa Giác-Miên đang quỳ, nhưng cả phần thân người bên trên gục xuống hàng chuông mõ phía trước. Tôi nâng mặt thầy lên, quàng tay sau lưng thầy, đỡ nhẹ thầy nằm xuống mặt thảm trước chánh-điện. Tôi thực hiện những tác động cấp cứu dành cho một người bị ngất xiủ. Vài phút sau thầy bắt đầu tỉnh lại. Một vài Phật-tử giúp tôi dìu thầy về phòng riêng. Tôi tiếp tục theo dõi huyết áp và nhịp tim của Thầy. Tôi nghe hơi thở của thầy dần dần bình thường trở lại, nhưng hai mắt của thầy vẫn nhắm như ngủ. Tôi căn dặn vị thị-giả những điều cần thiết phải săn sóc khi thầy tỉnh hẳn. Vừa quay người định ra khỏi phòng, tôi nghe tiếng thầy Giác-Miên thều thào: "Bác sĩ, bác sĩ có phải là chú Kính ở Đà Nẵng không?"

 Tôi quay người lại, thầy thều thào tiếp:

 - Chú không nhớ thầy sao ? Nghe cái giọng đặc biệt Quảng-nam Đà-nẵng của chú, thầy nhận ra ngay... Thầy là Cường chay, ngày xưa hớt tóc cho chú đó.

 Tôi cúi xuống nhìn kỹ mặt thầy: hai mắt đã mở, hai bên khóe mắt có vài giọt nước chảy dọc theo hai bên sóng mũi. Tôi nhận ra được thầy Giác-Miên là anh Cường chay. Tôi ngồi xuống bên cạnh thầy, hai tay nắm tay của thầy... Xúc động làm tôi ứa nước mắt... mới đó mà đã hơn hai mươi lăm năm. Cái âm thanh Theresa Hứa thị-Mè vừa được đọc lên trong lễ cầu siêu lại hiện trong đầu tôi... và tôi chợt hiểu, có thể đó là lý do thầy Giác-Miên ngất xỉu!

 Những tháng năm sau đó tôi viếng chùa Tây-Phương thường xuyên hơn, có lẽ vì anh Cường chay là Thuợng Toạ Giác-Miên trụ trì. Một hôm, tôi gặp thầy xin nhận một lễ quy-y cho toàn gia-đình của tôi. Nhân lúc trong phòng làm việc chỉ còn mình thầy, tôi đánh bạo hỏi:

 - Chắc thầy còn nghĩ đến chị Mè phải không?

 Thầy không trả lời, mặt trở nên suy-tư, xa vắng. Tôi hỏi tiếp:

 - Hồi đó, sau khi chị Mè nhảy sông tự-tử, thầy có găp được chị ấy không?

 Thầy bối rối và do dự khá lâu rồi mới bắt đầu nói chuyện của thầy với giọng buồn rầu:

 - Mô Phật! Mấy mươi năm nay thầy đã chôn quá khứ của thầy trong lời kinh, tiếng chuông tiếng mõ mà hình như nghiệp vẫn chưa dứt được, còn theo mãi cho đến ngày nay...

 .... Trước khi Mè nhảy sông tự vẫn, thầy và Mè đã chuẩn bị sẵn sàng vào Lâm-đồng sinh-sống. Lúc bấy giờ Mè đã có thai. Chú biết, thầy và Mè thương nhau. Sự ngăn cản của hai bên gia-đình không cho hai đứa cưới nhau càng quyết liệt thì hai đứa càng bất chấp tai tiếng. Sau khi được cứu chữa bình-phục, Mè trở về quê. Hai đứa đã quyết định ngày giờ gặp nhau để bỏ xứ ra đi.. Ngày hẹn đã đến, thầy chờ không gặp được Mè.

 Ngày hôm đó đồng bào trong quê gồng gánh cùng gia-súc lũ lượt từ trong xóm làng xa xôi tràn ra quốc lộ. Người ta kể cho nhau nghe trận chiến đã xẩy ra đêm hôm trước ở làng Trà-kiệu. Giải-phóng quân Cộng-sản Việt-nam đã tấn công làng, đốt phá cơ sở chính-quyền địa-phương bắt dẫn đi chỉ điểm những viên chức chính quyền. Đạn pháo binh từ trong đồn địa phương quân cũng như từ quận bắn vào làng. Gần sáng, máy bay từ Đà-nẵng bay vào yểm trợ. Bom đạn quân đội hai bên làm làng Trà-kiệu tan-hoang... Không biết dân làng ai chết ai sống, mạnh ai nấy chạy. Cái gì lấy được thì mang theo. Cả mấy ngày tiếp theo, thầy đi đến các làng xã quanh làng Trà-kiệu, vào các bịnh-viện lớn, bịnh-xá nhỏ tìm Mè, Mè vẫn biệt tăm. Nửa tháng sau thầy theo chân dân làng được cho phép trở về đến trước nhà Mè, ngôi nhà đã bị cháy rụi. Mấy tháng chờ đợi sau đó, tin-túc về sự sống của Mè vô vọng, thầy trở về Huế và thầy xin xuất gia với người cậu...

 Sau khi tốt nghiệp Phật-học viện Nha-trang năm 1970 thầy được học bỗng đi học bên Ấn-độ... rồi ở tu luôn tại bên ấy. Cách đây vài tháng thượng-tọa Như-Hoá viên-tịch, thầy được chuyển về đây thay thế.

 Tôi hỏi thầy:

 - Danh sách lập để được cầu siêu hôm rồi không phải do thầy lập sao?

 "Không !.Do một phật-tử chuyên trách từ thời còn thầy Như-Hóa."

 Tôi nói tiếp:

 - Như vậy thì chị Mè không bị chết trong hôm làng Trà kiệu bị giặc tấn công và người xin lễ cầu siêu xưng là con gái của chị Mè... nhưng không rõ có phải là con chị Mè với thầy hay con sau nầy với người khác...."

 Thầy không trả lời câu hỏi của tôi, thầy chỉ gật đầu... rồi lắc đầu... rồi thở dài.

 Tôi hỏi tiếp:

 - Thầy có muốn tìm sự thật về chị Mè những tháng năm sau này nầy không?

 Thầy trả lời dè dặt:

 - Chú Kính giúp thầy việc nầy thì quý hoá lắm. Từ hôm đó đến nay, thầy suy nghĩ hoài mà không biết làm gì và làm như thế nào.

 Tôi vừa thương thầy vừa ái-ngại cho thầy, đoán biết trong thầy cơn sóng tình cảm xa xưa trở về đang làm thầy giao-động.

 Nhờ vào số điện-thoại lưu trong phiếu xin lễ cầu siêu, tôi liên lạc với con gái chị Mè. Không khó khăn lắm khi tôi tự giới thiệu với con gái chị Mè, ngày xưa, rằng thời chiến tranh chị Mè làm việc trong gia-đình tôi ba năm, từ khi chị Mè thôi việc, tôi không có tin tức của chị... Vừa qua, nhân dự lễ cầu-siêu tại chùa Tây phương, có nghe tên của chị Mè được đọc trong buổi lễ, nên nay liên lạc để hỏi thăm. Đầu giây, cô gái tự nhận là con gái duy nhất của chị Mè, đang cùng chồng và con cái sống ở một làng vùng ngoại ô Bắc Paris. Qua trao đổi nhận biết nhau, con gái chị Mè mời tôi đến thăm nhà nhân dịp cuối tuần.

 Một tuần sau đó tôi đến thăm con gái chị Mè. Nhà nằm trong một trang trại nuôi gà công-nghiệp. Con gái chị Mè tự giới thiệu tên là Michelle, có chồng là người Pháp chủ trại gà và có ba con. Sau những bỡ ngỡ ban đầu hai chúng tôi trở nên thân thiện rất nhanh. Tôi đã kể cho Michelle kỷ niệm giữa tôi và chị Mè ngày xưa lúc chị giúp việc cho gia-đình tôi. Tôi cũng đã giới thiệu cuộc sống hiện tại của tôi... và cả buổi sáng ngày cuối tuần hôm đó tôi đã được nghe Michelle kể về mẹ của mình, chị Mè.

 Michelle sống với mẹ vùng Chợ Đệm Thủ-Đức, mẹ có một quán may nhỏ chuyên sửa quần áo lính cho các sinh-viên sĩ quan Trường bộ binh Thủ-Đức nên cuộc sống của hai mẹ con rất ổn-định. Những năm tháng đó, Michelle không bao giờ được mẹ kể cho biết gia-đình thân thuộc có ai và ở đâu.

 Khi hỏi về cha của mình, chị được mẹ nói là thất lạc trong chiến tranh không biết chết sống thế nào. Tên cha được ghi trong giấy khai-sinh là Lê-chí-Cường, sinh-quán tại Huế... Năm 1975, khi miền Nam Việt-nam bị thay đổi chính quyền, mẹ chị vẫn sống bằng nghề may. Michelle được nhận làm tiếp-viên cho khách-sạn Caravelle nhờ thông thạo Pháp ngữ. Tại đây, Michelle quen biết với một du-khách Pháp và một năm sau hai người cưới nhau. Chồng của Michelle là đảng-viên đảng Xã-hội Pháp, làm xã trưởng của một xã nhỏ vùng ngoại ô thành-phố Marseille.

 Michelle và mẹ cùng qua Pháp một ngày. Mẹ được nhận phụ giúp việc săn sóc các nữ tu Thiên chúa giáo về hưu tại địa phương. Năm 1999, mẹ chị bị phát hiện ra bịnh ung-thư lá lách ở giai đoạn cuối. Trong chống chọi với căn bịnh ngặt nghèo, biết là mình không thoát khỏi sự chết, mẹ đã kể lại một phần đoạn đời của mẹ...

 Sau cái đêm làng Trà-Kiệu bị giặc tấn công chiếm đóng, gia-đình mẹ tản-cư vào tạm trú nhà một người bà con tại thị-xã Tam-kỳ. Cuộc chiến trở nên ác-liệt, gia-đình mẹ không trở về làng cũ. Cháu được mẹ sinh ra vài tháng sau đó. Cuộc sống cơ cực, hai mẹ con bị gia-đình đối xử lạnh nhạt vì mẹ sinh con trước khi có phép cưới. Quá đau khổ, quẩn-trí, một đêm mẹ định để cháu lại cho bà ngoại, lén ra sông tìm cái chết. Trên đường đi khi ngang qua một căn nhà trong một xóm nhỏ, mẹ nghe tiếng khóc, tiếng của một đứa trẻ: “Mẹ ơi! mẹ đâu rồi ?. Mę đi đâu rồi? Con sợ quá..." Trong đêm khuya, tiếng khóc đòi mẹ của đứa trẻ như xé lòng mẹ, đánh thức lương tâm và trách nhiệm của mẹ mà trong một phút giây nông nổi mẹ đã định làm chuyện dại dột... Và mẹ đã quay trở về nhà.

 Trong cùng cực của cuộc sống, một may mắn đến với mẹ... người bạn cùng may chung với mẹ ở Đà-nẵng trước đây, vừa có chồng là lính phục vụ trong quân-trường Sĩ-quan trừ bị Thủ-Đức, gặp lại mẹ, rủ mẹ cùng hợp tác may chung tại quán may ở Chợ Nhỏ mà bạn mẹ theo chồng dọn về đây. Cuộc sống bắt đầu ổn-định,mẹ đã nhiều lần về Đà-nẵng, về Huế tìm ba, nghe nói ba đã đi tu ở nơi xa và ba đã như một cánh chim lạc trong bốn phương trời vô-định....

 Michelle ngừng một chốc, thở ra, kể tiếp:

 “Mẹ cũng có kể cho cháu về mối tình ngang trái của mẹ... mẹ không còn kỳ-vọng gặp ba trước khi nhắm mắt mẹ đã căn dặn cháu phải làm theo lời mẹ, sau khi mẹ chết... mẹ nói:

 - Khi mẹ chết rồi, cháu phải thờ mẹ trong một ngôi chùa nào đó... ngày xưa, vì vấn đề tín-ngưỡng mà tình duyên của mẹ ngang trái. Ba của cháu đã xin từ bỏ đạo Phật của mình theo đạo Thiên-chúa để được cưới mẹ, nhưng gia-đình của ba không thuận, bà nội, tức mẹ của ba cháu đòi tự vẫn nếu ba con quyết định bỏ Phật. Nay vì tấm lòng của ba, ba bỏ đạo của mình để được cưới mẹ, tuy chuyện không thành. Tôn giáo thường dạy con người có linh-hồn sau khi chết sẽ về an nghỉ ở một nơi nào đó, thì như vậy, Phật sẽ che chở linh hồn mẹ và mẹ sẽ gặp được ba cháu, không còn bị giới luật của tôn giáo ràng buộc, ngăn cấm.”

 “Cháu đã làm theo lời mẹ, đem di-ảnh của mẹ thờ tại chùa Tây-Phương mấy năm nay, từ khi cha mẹ chồng cháu nghỉ hưu, giao cơ-sở chăn nuôi cho chồng cháu quản lý vừa lúc chồng cháu hết nhiệm-kỳ xã trưởng."

 Tôi đã kể lại cho thầy Giác-Miên câu chuyện gặp gỡ Michelle ngày hôm đó. Qua điện thoại giọng thầy đầy khích-động. Tôi cho thầy biết, Michelle chưa biết thầy là thân sinh của cháu vì lý do tôi chưa xin sự chấp thuận của thầy... thầy nói: “Phải cho Michelle biết... làm thế nào để tạo sự thuận-tiện thầy cũng chưa biết... thôi chờ vài hôm nữa mình bàn tính lại."

 Sự bàn tính tạo thuận tiện cho cha con thượng-tọa Giác Miên và Michelle gặp nhau đang trong dự trù thì một buổi sáng tôi đang còn ngủ có tiếng reo điện thoại đánh thức tôi dậy. Một người nào đó từ chùa Tây-Phương báo cho biết tin thượng-tọa Giác-Miên đang công phu sáng đã bị đột quỵ, được xe cứu thương chở vô bịnh viên cấp cứu. Thay vì vào nơi làm việc, tôi lái xe chạy thẳng vào bịnh viện thăm thượng-tọa Giác Miên; nhân viên tại đây báo cho biết Thượng-tọa đã ra đi, bác-sĩ không cứu kịp.

 Sau lễ an-táng thượng-tọa Giác Miên, tôi đến thăm Michelle một ngày cuối tuần. Tôi chuyển cho Michelle một bao thơ của thượng-toạ Giác Miên đã viết sẵn. Bao thơ được tìm thấy trên bàn làm việc của thầy, nhờ tôi trao lai. Michelle nhìn tôi vẻ bối rối khi nhận thơ. Tôi yên lặng ngồi nhìn Michelle e-dè mở thư ra đọc. Tôi thoáng thấy có những tấm hình đen trắng kèm theo thư cùng bản sao một thẻ căn cước... Mặt Michelle càng lúc càng trở nên căng thẩng đầy xúc động... những giọt nước mắt chảy ra từ hai khóe mắt, lan dài trên má. Tôi đứng dậy đến gần cửa sổ nhìn ra ngoài, tránh nhìn các hình ảnh cảm động đang diễn ra trước mặt...

 Một tiếng nấc, rồi những tiếng thổn thức tiếp nối. Tôi quay lại, mặt của Michelle cúi xuống, hai tay ôm đầu, hai vai run-rẩy.

 Chờ Michelle bớt xúc động, tôi đến ngồi bên cạnh, giúp nhặt lên thư và hình ảnh bị rơi xuống đất. Trong một tấm hình, tôi nhìn thấy anh Cường chay và chị Mè chụp chung bên bờ con sông Hàn ở Đà-nẵng, hai người âu yếm choàng vai nhau... và bản sao thẻ căn-cước bằng tiếng Pháp có in hình anh Cường chay ghi: Lê-chí-Cường sinh năm 1940 tại Huế... Việt-nam...

 Michelle nhận thư và hình ảnh từ tay tôi, ôm tất cả vào ngực... lại thổn thức: “Mẹ ơi ! Ba ơi !”.

 Tôi từ giã ra về.

 Michelle tiễn tôi ra cổng trang trại. Tôi nghe có tiếng gà gáy trong một góc nào đó từ bên trong xa.. Nắng buổi chiều vàng vọt trãi dài trên các ngọn cây. Tôi thoáng nhìn thấy anh Cường chay đang chở chị Mè trên xe đạp chạy từ nhà thờ Con Gà về xóm chùa Hải-Châu, nơi anh Cường chay có tiệm hớt tóc.