main billboard

Nếu làm hoa làm hoa hướng dương
Nếu làm đá làm đá hoa cương

 

Cứ mỗi lần tiếng chuông reo vang báo hiệu giờ học bắt đầu, giáo sư lục tục kéo nhau xuống lớp thì tôi đều bước ngang qua cái bảng phân phối giờ dạy thật to gắn trên tường của phòng hội, liếc qua coi buổi sáng nay phụ trách lớp mấy. Nếu không vậy thì thế nào tôi cũng đi lộn vào lớp của giáo sư khác. Cái tật xấu hay nhớ trước quên sau đó, thường bị học trò cười hoài. Nhiều khi lớp của người ta đã ổn định, thầy đang điểm danh, tôi từ từ đi vô như là lớp của mình, quên mất là còn có anh bạn giáo sư đang ngồi lù lù ở trên bàn viết. Những lúc đó, đám học trò có dịp làm ồn:

-Lộn tiệm rồi, thầy ơi !

Cứ năm ba tuần là tôi đi lộn lớp một lần. Một phần vì tánh đãng trí hay quên, một phần vì cái trường Hoàng Diệu nầy quá lớn. Trường có trên năm chục lớp với gần một trăm giáo sư. Hành lang cái nào cái nấy dài hun hút. Phòng học, cửa cái, cửa sổ, sơn cùng màu, bàn ghế sắp xếp giống hịch nhau. Không lộn sao được! Có lần thằng Sơn, trưởng lớp Đệ Nhị A7 nhắc khéo:

-Lớp của tụi em có anh Quì ngồi ở đầu bàn. Hễ thấy cái lưng của ảnh, thầy đi vô là trúng phóc.

Thằng Sơn thiệt là xéo xắc. Quì thì làm sao tôi quên được. Ở đầu bàn, nghe Sơn nói, Quì cười gượng gạo. Tôi chợt hiểu ra cái ý xỏ xiên. Ở lớp nầy, Quì nổi tiếng nhiều mặt nhưng cái vụ mập mạp thì nó đoạt giải nhứt. Nó mới có mười bảy tuổi mà sao lớn con quá! Cái lưng dài sọc, cái vai to sầm, còn cái bụng chang bang như đàn bà có thai ba bốn tháng. Nếu đem cân kí lô thì tôi thua nó rõ ràng. Lúc đó tôi mới ra trường, ốm nhách, nhỏ xíu, đen thui. Tụi học trò ở tỉnh nầy, đứa nào đứa nấy tuổi còn nhỏ mà thân thể bự con, dềnh dàng. Có anh bạn bàn rằng vì chiến tranh loạn lạc, ở thôn quê khai sanh bị thất lạc, phải làm lại, người ta sửa tuổi cho nhỏ hơn để tiện việc học hành, quân dịch. Câu nói đó chắc đúng ở trường hợp thằng Quì. So với vóc dáng to lớn đó, tôi không tin nó mười bảy tuổi.

Có lần ngồi coi văn nghệ học sinh trình diễn, Quì đang hát trên bục cao, tôi quay qua ông hiệu trưởng nói nhỏ:

-Thằng Quì nó mới mười bảy tuổi mà sao bự quá!

-Anh nhắm coi nó cỡ bao nhiêu?

-Ít ra cũng hai chục!

Rồi tôi tiếp:

-Thằng Quì nó học hát hồi nào mà hay như ca sĩ chuyên nghiệp. Nó mà về Sài gòn thì thế nào cũng nổi tiếng như Anh Ngọc, Nhật Trường...

-Thì cũng nhờ hát hay nên trường mình mới nhận vô. Chớ nó thì học dở lắm.

Rồi ông cho tôi biết, năm trước Quì được nhận vào trường công không phải nhờ thi đậu, cũng không phải do học giỏi mà nhờ cái giọng ca đặc biệt. Nó học trường Trần Văn, một trường tư trong tỉnh. Nghe đâu nhà ở Cái Tắc, Chương Thiện gì đó. Nghèo lắm phải lên Sóc Trăng ăn đậu ở nhờ nhà một người quen để học. Năm ngoái các trường trong tỉnh có tổ chức một đại hội thi đua văn nghệ, Quì với giọng ca ấm áp, truyền cảm, ngọt ngào, đã chinh phục tất cả quan khách, thầy cô giáo, khiến cho mọi người có mặt hôm đó ngẩn ngơ. Tiếng vỗ tay không dứt. Nó đoạt giải dễ dàng. Trường Hoàng Diệu là trường công lớn nhứt tỉnh, không lẽ chịu thua trường tư. Anh em giáo sư bàn bạc với nhau vì nhu cầu sinh hoạt văn nghệ của trường, cần có một vài học sinh hát hay để làm nồng cốt cho các buổi trình diễn, nên cuối cùng Hội Đồng Giáo sư quyết định thâu nhận đặc biệt Quì vào trường. Thế là nó được học trường công nhờ cái tài năng thiên phú đó.

 

°°°

Riêng tôi, tôi biết Quì hơi trễ. Vài tuần sau khi tôi dạy lớp nó, tôi lật sổ điểm danh, cầm viết dò tên học trò từ trên xuống dưới. Đến tên Quì tôi thấy là lạ, bèn kêu lên để hỏi bài. Tôi nhìn xuống dưới các dãy bàn để coi đứa nào. Quì đứng lên phục phịch, để tập và sách giáo khoa lên bàn rồi khoanh tay chờ hỏi, dáng lo lắng. Tôi cười nhìn nó:

-Đứng vậy được rồi, đừng có khoanh tay. Lên trả bài, chớ bộ đi hầu quan lớn sao!

Tập vở nó sạch sẽ, chữ viết đẹp, nét đều đặn ngay thẳng. Tôi lật tìm bài đang kiểm soát trong sách giáo khoa. Khi lật trang đầu, tôi đọc thấy hai câu thơ viết nắn nót ở phía dưới cái tên Trần Văn Quì;

Nếu làm hoa làm hoa hướng dương
Nếu làm đá làm đá hoa cương

Hai câu ý rất lạ, làm tôi ngạc nhiên. Tôi nghĩ thoáng trong đầu. Nó tên Quì mà dùng hai câu nầy để tỏ bày chí hướng cao xa thì khéo quá _ hoa quì một dạ hướng dương. Nhưng trình độ một học sinh đệ tam thì làm sao viết hay được như vậy. Tôi nhìn kỹ lại khuôn mặt Quì cho rõ hơn. Mặt nó hơi thô vì bề ngang to hơn bề dọc, thành ra cái trán, cái mũi, cái càm ngắn ngủn. Hai gò má bầu bĩnh, đầy thịt, khiến khi cười cặp mắt híp lại. Bình thường cặp mắt nhỏ dài, ánh mắt lanh. Tóc mọc lấn hai bên thái dương nên cái trán hẹp lép. Nó chỉ được có cái miệng đẹp. Đôi môi mỏng, đều đặn hồng hồng, hàm răng trắng bóng đều đặn. Nhìn chung con người nó thô, vóc dáng cục mịch, không phải là tướng học trò. Tôi đoán rằng hai câu thơ trên không phải do nó nghĩ ra. Tuy thắc mắc nhưng tôi không tiện hỏi, trong bụng nghĩ rằng nó tình cờ đọc được ở đâu đó rồi chép lại.

Từ đó, tôi càng chú ý tới nó hơn. Quì rất ngoan ngoãn, lễ phép, dễ thương, nói năng nhỏ nhẹ, tuy có điều học quá dở. Làm sao tôi quên được một buổi học về ca dao, tôi biểu nó đọc bài Trấn Thủ Lưu Đồn:

Ba năm trấn thủ lưu đồn
Ngày thì canh điếm, tối dồn việc quan.

-Em giải nghiã câu nầy ra văn xuôi cho tôi nghe!

Tôi thấy nó suy nghĩ hồi lâu, rồi mặt đỏ rần, miệng ấp úng:

-Dạ thưa thầy, khó nói quá!

Tôi ngạc nhiên:
-Em hiểu sao cứ nói vậy. Có trật tôi sửa cho.

Nó ngần ngừ lựa lời:

-Dạ, hai câu nầy theo em hiểu, thì ban ngày mấy người lính phải canh gác, coi chừng mấy cô gái làm cái nghề... bậy bạ, ban đêm thì tụ tập lại để làm quan! chắc họ hát bội cho vui !.

Tụi bạn nó ngồi ở dưới, ban đầu chưa hiểu tại sao nó lại giải nghĩa như vậy, cả lớp lặng im. Bỗng có tiếng cười của một đứa, rồi hai đứa, rồi cả lớp xúm nhau cười rần rần. Đứa nầy lấy cùi chỏ thúc đứa kia, đứa kia lại ghé miệng vào tai giải nghĩa cho đứa nọ hiểu. Tôi ngồi ở trên, rán nín cười mà không kìm lại được, đành làm bộ đứng dậy, quay mặt vào bảng đen, cười đến chảy nước mắt. Tội nghiệp, thằng Quì đứng đó, mặt bơ bơ. Nó không hiểu tại sao cả lớp lại cười lăn nghiêng lăn ngửa. Nó đưa mắt nhìn tôi dò hỏi.

Tôi từ từ giải nghiã cho nó:

-Em hiểu như vậy là sai rồi ! Chữ "điếm" trong bài nầy là cái trạm canh, bây giờ người ta gọi là cái đồn hay cái bót gác, chớ không phải là mấy cái cô gì... bậy bạ đó đâu! Còn "dồn việc quan" là người lính thú phải gánh vác tất cả các việc vất vả trong doanh trại, cũng như bị các quan trên sai khiến làm việc cực nhọc, không được nghỉ ngơi.

Nó vừa ngồi xuống, vừa cười vừa mắc cỡ, mặt mày đỏ lơ đỏ lưởng. Đại khái sự hiểu biết của Quì rất giới hạn. Quì cũng biết mình kém cỏi nên rất chịu khó học hỏi, nhún nhường. Được một điều, các sinh hoạt xã hội, văn nghệ là nó xung phong đi đầu. Nó hoạt động hăng say không biết mệt. Bảy giờ sáng, năm giờ chiều, một hai giờ khuya, chỗ nào có đám đông là có mặt Quì. Bạn bè đứa nào cũng mến nó. Mấy cô bạn gái lúc nào cũng nhắc nhở tới tên nó luôn: -Anh Quì giúp em làm cái nầy. -Anh Quì giúp em làm cái kia. -Anh Quì hát cho em nghe cái bài gì hôm trước anh hát ở trong lớp đó!

Hình như chưa bao giờ Quì từ chối giúp ai điều gì. Nhiều khi nghĩ tới Quì, tôi ước ao phải chi nó học hành được khá thêm một chút thì hoàn hảo. Tôi có nói ý nghĩ nầy với ông Hiệu Trưởng. Ông ta cũng đồng ý với tôi. Anh Hiếu già, giáo sư Lý Hoá cũng góp ý:

-Chắc tại nó nghèo quá nên học không vô. Hay là mình xuất quỹ nhà trường để giúp thêm chút ít cho nó đủ tiền ăn học. Tiền bạc có thoải mái thì trí óc mới sáng suốt được. Thằng Quì cũng dễ thương, biết chịu khó...

Ông Hiệu Trưởng cũng đồng một ý nhưng theo nguyên tắc, không thể lấy tiền quỹ của Hiệu Đoàn để cho riêng một học sinh được. Chúng tôi bàn nhau, mỗi tháng đóng góp người một ít để giúp cho Quì một số tiền nhỏ, phụ giúp nó các khoản ăn mặc, chi tiêu. Còn nhà ở thì dễ quá. Ông Tổng Giám Thị dọn dẹp cho nó một cái phòng trống cạnh kho chứa vật liệu cũ của trường. Có điện, có nước đầy đủ. Nó vừa ở học, vừa phụ với ông gác dan, coi sóc trường sở! Anh em giáo sư cũng hết lòng hướng dẫn nó học tập. Nhiều ngày chủ nhựt có dịp đi ngang trường, tôi thường thấy xe của Hiếu già đậu trước cửa phòng nó. Hiếu già rảnh rỗi, ế vợ nên chưa có con, nhà cửa khá giả, lấy việc dạy học thêm cho Quì làm niềm vui. Anh thường khoe với tôi:

-Lúc nầy Quì học tiến bộ lắm đó. Làm bài không còn lụp chụp như trước nữa đâu !

Tôi tin anh Hiếu già. Tôi tin Quì nó tiến bộ môn Lý Hoá. Nhưng môn Việt Văn của tôi thì Quì càng học càng dở, không khá được hơn chút nào! Tôi kiên nhẫn, tìm đủ mọi cách giải nghiã thật đơn giản cho Quì hiểu, nhưng rốt cuộc rồi hoài công vô ích. Chưa một bài luận nào của nó mà tôi cho trên năm điểm. Câu văn dài dòng, lê thê, không tìm thấy dấu chấm phết. Phần nhiều thì lạc đề ! Nó viết lan man trên trời dưới đất, không ăn nhập gì với đầu bài. Ý tưởng lộn xộn, lạ lùng. Xen vào đó là những danh từ rất đặc biệt, tôi ít khi nghe. Nhưng cái điều làm tôi bực mình nhứt là nó thường viết chữ " f " thay cho chữ "ph". Mỗi lần bắt gặp chữ nầy, tôi lấy viết đỏ khoanh tròn nhiều vòng, ghi lớn bên cạnh câu nhận xét "chữ quốc ngữ không bao giờ có mẫu tự nầy ". Nó nghe lời sửa chữa được vài lần nhưng sau đó thì chữ " f " ngứa mắt nầy lại thấy nhan nhản trong các bài luận. Nhiều đêm chấm xong bài của nó, tôi tức phát mệt. Tuy vậy tôi cũng rán sửa từng chữ, từng câu hy vọng một ngày đẹp trời nào đó nó sẽ khá hơn. Nhưng ngày đó còn xa vời quá.

Cho đến một ngày gần cuối niên học, buổi trưa trời nắng gắt, tôi dạy xong ra khỏi lớp nhưng chưa về liền, đến ngồi ở băng đá, cạnh hồ nước có trồng sen thì Quì đến ngồi kế bên, tâm sự:

-Thầy ơi ! Sao nghĩ tới tương lai, em buồn quá!

Tôi ân cần hỏi lại:

-Em có gặp chuyện gì rắc rối không ? Có khó khăn gì cho tôi biết với !

Nó trả lời, giọng buồn buồn:

-Năm nay em tới tuổi quân dịch. Chuyện thi cử thì quá khó khăn đối với em. Làm sao mà thoát được kỳ nầy. Đi lính thì phải bỏ học. Lỡ dở hết...

Tôi an ủi nó bằng một câu thật tầm thường, không nói thì thiếu, mà nói ra thì hơi...dư:

-Em rán hết sức từ giờ đến khi thi, thì sẽ đậu được. Không có gì khó khăn lắm đâu. Đừng nản lòng. Tôi hồi nhỏ học còn dở hơn em nhiều lắm, lần hồi rồi cũng xong!

Khuôn mặt của Quì chiều hôm đó, ảm đạm quá. Tôi thương nó mà đành bất lực. Quì ngồi hồi lâu, khe khẽ nói:

-Chẳng thà em vô bưng, còn hơn đi lính quốc gia đánh mướn cho Mỹ !

Nghe xong tôi muốn á khẩu, lỗ tai lùng bùng. Trời đất ơi ! Thằng Quì ngoan ngoãn, hiền lành, nó có được ý nghĩ kỳ lạ vậy sao? Trong đầu tôi, một tia sáng lóe ra. À, cái chữ " f " thường bắt gặp trong các bài luận văn với hai câu thơ lạ viết trên bìa sách giáo khoa của nó, bây giờ trở nên dễ hiểu quá. Rõ ràng có người hướng dẫn, dạy dỗ nó ngoài anh em giáo sư tụi tôi.

Nếu làm hoa làm hoa hướng dương
Nếu làm đá làm đá hoa cương

Thằng Quì muốn làm đá hoa cương. Được lắm! Thứ đá xanh cứng rắn nầy, người ta sẽ dùng búa thầu để đập nhỏ nó ra để lót đường đi. Rồi nó sẽ bị thứ xe hủ lô chủ nghiã nghiền nát, cán dẹp. Không kịp suy nghĩ, tôi buột miệng:

-Đừng, đừng, em sẽ đậu trong kỳ thi nầy. Còn nếu không may, thì em cũng đừng theo họ. Tôi không thích cái chủ nghiã coi con người như con vật nô lệ, tự động nhắm mắt tuân theo những định luật vật chất, kinh tế như cái răng trong một bánh xe, con ốc trong bộ máy. Con người phải được tự do trong tư tưởng, trong hành động...

Quì ngắt lời tôi:

-Em thì không thích cái xã hội bất công, giàu nghèo xa cách quá. Thầy nghĩ thế nào khi thấy người thì lên xe xuống ngựa, kẻ thì cơm không có ăn, áo không có mặc !

-Tôi cũng đồng ý với em, chúng ta không thể chấp nhận sự bất công. Nhưng hiện tại đâu có nơi nào có sự công bằng tuyệt đối. Có thiên đường là nơi lý tưởng nhứt nhưng chỉ dành riêng cho người đã chết rồi ! Còn trên trái đất nầy thì chỉ có cái hạnh phúc tương đối thôi. Để so sánh hai chế độ, tôi nhắc cho em nhớ câu nói nầy của ông Churchill -"Chế độ tư bản bất công ở chỗ phân chia sự giàu có không đồng đều, còn chế độ cộng sản rất công bình vì nó chia rất đều sự nghèo đói. "

Nó ngồi trầm ngâm hồi lâu:

-Thầy không biết mới nói vậy chớ trong đó có tới mười hai cái tự do, tám thứ quyền lợi. Mấy ảnh nói với em khi cách mạng thành công, mình sẽ được sung sướng lắm !

Tôi nghe xong, biết ý nó đã quyết, nhưng cố vớt vát:

-Em phải biết ở dưới miếng mồi thơm, luôn luôn có cái lưỡi câu thiệt bén! Đừng để bị dối gạt bằng những lời hứa hẹn mơ hồ...

Nó cắn chặt môi, mắt chớp chớp không nói. Tôi nắm lấy tay nó, thiết tha:

-Nếu ở trong lớp, tôi biết có đứa nào nghĩ như em vừa rồi thì không cản đâu! Riêng Quì, tôi coi như mấy đứa em ruột trong nhà, tôi thấy có bổn phận phải nhắc nhở. Nghe tôi nói, Quì ơi, đừng có dại dột phiêu lưu. Tuổi trẻ máu nóng lắm, phải suy nghĩ kỹ trước khi dấn thân. Kẹt vô rồi là ra không được. Cái gì mình sắp làm phải nghĩ tới hậu quả. Đừng để lỡ lầm rồi mới nói câu -" phải chi hồi đó ..."

Nó ngồi bất động, ánh mắt xa xôi, diệu vợi. Rồi nó cúi xuống, lượm một cục sỏi, chọi mạnh xuống mặt hồ, phủi tay đứng dậy:

-Cám ơn thầy thương mà chỉ dẫn, em sẽ nghe lời...

 

°°°

Cũng may mà thằng Quì không nghe theo tôi nên khi tôi gặp lại thì nó đang bắt đầu bước thẳng trên con đường tương lai sáng trưng. Mới có mấy năm xa cách, Quì thay đổi hẵn ra. Đầu đội nón tai bèo, chân mang dép râu, bên hông đeo khẩu súng ngắn, vai mang chiếc bóp da. Nó ngồi tại cái bàn của ông Hiệu Trưởng, thân thể có hơi ốm hơn lúc trước, cộng thêm nét dày dạn, đen đúa, phong sương. Duy cặp môi và ánh mắt thì khác nhiều. Cặp môi thâm hơn. Vẻ trưởng thành, già giặn hiện rõ trên khuôn mặt. Những ngày đầu tháng năm, biểu ngữ cờ sao đầy phố. Trường tôi cũng đỏ rực một màu cờ máu. Ông Hiệu Trưởng, vốn đã nhỏ con, bây giờ gầy tóp lại. Cái cà-vạt thường ngày không còn. Ông lại bỏ áo ra ngoài, chưn mang dép, coi cũng có vẻ giác ngộ cách mạng. Duy có Hiếu già, vẫn áo bỏ trong quần, chưn mang giày da, tay cầm cặp sách như lúc còn đi dạy. Mặt anh bình thản, không buồn không vui. Anh em chúng tôi, buổi sáng đó, đến ghi danh trình diện với Quì. Nó đại diện Ty đến tiếp thu trường sở. Ông Hiệu Trưởng kề tai tôi nói nhỏ như tự trấn tỉnh:

-Cũng may Quì nó đến tiếp thâu trường mình, người lạ thì mệt hơn. Dầu sao thì cũng là học trò cũ, anh em mình cũng không có làm gì bậy...

Quì thấy chúng tôi lục tục kéo đến, chạy ra chào hỏi niềm nỡ. Nó gật đầu chào tôi, thái độ cũng y như xưa:

-Em cũng có ý trông thầy nãy giờ. Lâu quá gặp lại mấy thầy, em mừng lắm. Không ngờ ngày nay đất nước lại độc lập, thanh bình. Thầy Điền hơi khá hơn lúc trước, còn thầy Hiếu thì y như xưa, không có gì thay đổi...

Tôi cảm thấy hơi yên tâm. Ông Hiệu Trưởng dè dặt:

-Anh Quì chỉ cho tôi biết cách thức làm sổ sách giấy tờ cho đúng cách...

-Thầy đừng lo. Sổ sách trường thì cũng đơn giản, không có gì khó khăn đâu. Để em làm cho mỗi thầy giấy trình diện để tiện việc đi lại

Anh bạn giáo sư nhạc, người đỡ đầu cho Quì ngày xưa, sung sướng hớn hở ra mặt. Anh coi cái vinh dự của Quì như của chính anh.. Anh khoa tay giữa đám đông giáo sư, nói bô bô:

-Hồi Mậu Thân, tôi xúi nó theo cách mạng đó. Phải nghe lời người ta theo "nguỵ " thì bây giờ chết ngắc rồi !

Anh nói trơn tru, gọn lỏn. Tay chống nạnh, mặt nghinh nghinh qua tôi. Tôi cảm thấy nhột quá.

Anh ngó ngang ngó dọc, thấy Hiếu già quần áo chỉnh tề, đi dọc theo hành lang, vẫn từ tốn, chững chạc, anh lẩm bẩm cốt để Quì nghe:

-Mẹ, giờ nầy mà còn khệnh khạng, cái bịnh tiểu tư sản vẫn không chừa !

Quì nghe rõ nhưng không nói. Tôi không biết nó nghĩ gì trong đầu. Bảy năm không tiếp xúc làm sao tôi đoán được những đổi thay. Tôi nhìn lại cái bàn viết, cái tủ đựng hồ sơ, mấy cái ghế dành cho khách vẫn y chỗ cũ. Cái bản đồ Việt Nam vẫn treo trên tường. Cái cờ hiệu đoàn Hoàng Diệu ngày xưa tôi đặt thêu ở Sài Gòn vẫn còn đó. Duy có một sự thay đổi nhỏ. Ông Hiệu Trường đứng ở dưới, còn thằng Quì thì ngồi ở trên. Tôi đứng sau lưng ông Hiệu Trưởng nghĩ quẩn nghĩ quanh, sực nhớ tới câu nói của một chánh trị gia -"sau bất cứ một cuộc cách mạng nào chỉ có thành phần lãnh đạo thay đổi, còn nhân dân cũng hoàn là nhân dân". Như vậy ở trường Hoàng Diệu nầy, ai thuộc thành phần lãnh đạo ? Ai là nhân dân?

Tôi, Hiếu già, các bạn giáo sư nam nữ được sắp hạng ở cái chỗ nào ?

Còn chỗ nào nữa, tụi tôi đâu phải là nhân dân. Quì lại gần tôi:

-Thầy đừng có lo. Chánh sách bảy điểm của chánh phủ lâm thời đã ghi rõ ràng, người ta phải thi hành cho đúng. Hơn nữa, nếu gì thì còn có em. Hỗng lẽ em lại không giúp được cho mấy thầy chút ít gì sao !

Sau đó gần một tháng, quả nhiên Quì đã giúp cho anh em giáo sư chúng tôi. Nó khiêng dùm cho ông Hiệu Trưởng cái ba lô bự, tay xách thêm cái xắc tay dùm cho Hiếu già, đưa tụi tôi thẳng lên xe nhà binh để đến trại học tập. Nó nắm tay tôi từ giã:

-Thầy đi bình yên ! Học tập một thời gian ngắn rồi về ! Ở trại đầy đủ tiện nghi, thầy đừng sợ thiếu thốn. Nếu có dịp, em sẽ đến thăm...

Nó móc túi trên túi dưới, cuối cùng lôi ra gói Vàm Cỏ còn phân nửa, nhét vào túi áo tôi, nói ngập ngừng:

-Thầy hút cho ấm khi đi đường... Tiếc quá, em chỉ có bấy nhiêu !

Tôi không biết hút thuốc nhưng vẫn lấy cho nó vui. Cái bao thuốc dẹp lép nằm trong túi áo sát bên ngực, lòng tôi chừng ấm lại. Lúc xe gần chạy, chợt nhớ lại khung trường thân yêu tôi đã gần mười năm dạy ở đó, dặn vói với Quì:

-Ở trước thư viện, tôi mới trồng bốn cây bông điệp, mùa nắng nầy nếu không tưới, sợ nó khó sống, em nhớ dặn chú Cân nhớ chăm sóc, coi chừng dùm thầy...

Khi xe đã chạy, một anh sĩ quan ngồi bên cạnh nói với tôi:

-Thầy giáo lo xa quá, đất trống bây giờ dùng để trồng khoai lang, khoai mì, rau muống, ...còn chỗ nào mà trồng bông...

 

°°°

Thằng cha nói bậy vậy mà trúng quá. Sáu tháng sau, tôi được trở về với miếng giấy phóng thích nhỏ bằng bàn tay có ghi câu: " Không thời hạn quản chế " Phước đức ông bà mười đời còn sót lại. Số tôi còn hơi đo đỏ sau cuộc bể dâu. Tôi đi trên con đường từ nhà đến trường, thấy người ta đông như ngày hội. Thiên hạ túa ra đường để bán quần áo cũ, chén dĩa, giày dép. Tôi không tìm thấy nụ cười trên các gương mặt xanh xao, héo úa đó. Mặt tôi thì cũng không hơn gì, tàn tạ, thê lương. Trong đầu tôi nhớ đến Hoàng Diệu rõ nét. Cái cổng trường có giàn bông giấy, cái hồ nước trồng sen trước phòng ông Hiệu Trưởng, các dãy hành lang dài hun hút... và nhứt là Quì, cái phao hy vọng mà tôi sẽ phải bám vào.

Tôi gặp ngay chú Cân ngồi ở băng đá thảnh thơi. Sân trường được chia ra nhiều khoảng nhỏ trồng rau lang, trồng cải. Cái giàn bông giấy bây giờ là giàn mướp lá xác xơ. Ngôi trường vẫn như xưa nhưng có gì xa lạ quá.

-Thay đổi nhiều quá hả chú Cân ?

-Thầy có biết tin ông Hiệu Trưởng mình bây giờ ở đâu ?

-Khi đi tôi với thầy Hiếu ở chung trại. Ông Hiệu Trưởng được đưa đi nơi khác xa hơn, từ đó tới giờ không gặp nữa.

Tôi đi vào câu hỏi chánh:

-Quì làm việc có dễ chịu không chú Cân ? Sáng nay tôi muốn gặp nó có chút việc. Mới được về bỡ ngỡ quá, cái gì cũng xa lạ..

Chú Cân trố mắt nhìn tôi, ngạc nhiên:

-Thầy không biết gì sao ? Quì đã nghỉ việc, về Cái Tắc làm ruộng. Tội nghiệp anh Quì, tuổi trẻ nhưng đàng hoàng, có tình có nghiã. Nghe đâu không đủ bằng cấp để làm Hiệu Trưởng, Ty kêu về cho làm việc văn phòng, bị chèn ép hoài, nên buồn xin thôi. À, thầy có cần vô văn phòng gặp anh Chuyên, Hiệu Trưởng mới không ? Ông nầy ở ngoài Bắc vô, tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Thanh Hoá, mười mấy tuổi đảng rồi đó !

Sau màn giới thiệu lý lịch xếp mới, chú chép miệng:

-Gốc mạnh lắm, em ruột anh Hồng, Trưởng Ty mà...

Tôi lắc đầu, từ giã chú Cân, đưa mắt nhìn lướt qua sân trường lần cuối. Mấy cây bông điệp trước thư viện có được vài lá non nhưng èo uột quá. tôi tự hỏi chừng nào nó mới trổ bông. Tôi thèm thấy những cánh hoa đỏ rực trên cành vào những mùa bãi trường. Cái ước ao có chút xíu đó mà cũng không đạt được. Chắc là vĩnh viễn tôi không thể đi dạy lại. Quì nó cách mạng như vậy còn bị bỏ rơi, huống chi tôi. Cũng may là còn đầy đủ đầu, mình, tay chưn mà về cày ruộng ở Chương Thiện. Trong khi đó hằng triệu, triệu thằng Quì khác đã phơi xương trắng hếu ở dọc Trường Sơn, ở rải rác khắp nơi trên đất nước...

Tôi miên man nhớ đến những đêm văn nghệ học sinh, Quì mập mạp với giọng ca nồng nàn. Tôi nhớ đến hai câu thơ nó đã viết trong cuốn sách giáo khoa. Tôi muốn gặp lại nó không phải để nói chuyện văn chương chữ nghiã như kiểu "Ba năm trấn thủ lưu đồn " mà là nói với nó một chân lý tầm thường nhứt:

-Quì ơi, Em đừng có buồn ! Đừng mong làm hoa hướng dương, suốt ngày ngước nhìn mặt trời hoài, mỏi cổ lắm. Cũng đừng thèm làm đá xanh cứ phải lót đường cho người ta đi. Em phải nhớ một điều, vì lý tưởng cao cả, chúng ta có thể chấp nhận hy sinh thân xác để bón lúa, chớ đừng bao giờ dùng nó để làm phân bón cho thứ cỏ dại sinh sôi nẩy nở. Em là người có lòng đối với đất nước, hãy giữ vững niềm tin, đừng để lầm lạc lần nữa trong đời. Ngày nào toàn dân đứng lên phát cỏ dại, hy vọng lúc đó thầy trò mình sẽ có mặt ở tuyến đầu, nhớ nghe Quì !