Dẫu biết rằng “Tu là cõi phúc”…
Chú tiểu Diệu Vinh
Nhà tôi có một quán nước ở mặt đường, và căn nhà trong hẻm, nằm giữa Xóm Chùa và Xóm Ðạo, gần chợ Ðồng Tâm.
Năm ấy, ở xóm trên có một gia đình, vợ vừa mất, chồng đi bước nữa, có đứa con gái chừng 9-10 tuổi, được nhà người bác ruột đem về nuôi, rồi sau đó nghĩ sao, đem nó vào gửi trong Chùa, hy vọng nó sẽ có đường tu, tránh xa khổ ải trần đời. Rồi nó được cạo đầu, chừa 3 chỏm tóc, mặc áo nâu, có tên pháp danh là Diệu Vinh, xóm chúng tôi cứ gọi nó là Tiểu Vinh.
Cô (tiểu) Vinh này thiệt là lí lắc và sôi động. Không biết thời khoá biểu trong chùa của tiểu ra sao, mà hầu như cả ngày tôi thấy tiểu ở ngoài đường, lúc thì nhí nhố đi học với lũ trẻ trong xóm, lúc thì chơi nhảy dây, chơi tạt lon….Cái tà áo nâu của nhà Chùa chưa bao giờ làm tiểu vướng bận, khi chơi bịt mắt bắt dê, tiểu cột hai tà áo lại trước bụng cho chặt để tha hồ chạy nhảy. Chơi tạt lon, tiểu xắn quần lên tận đùi, và khi chơi nhảy dây, mái tóc “ba vá” của tiểu cứ lắc lư theo cái đầu và đôi mắt lanh lợi, láo liên của tiểu thật dễ thương. Cho nên màu da của TiểuVinh ngày càng ngăm ngăm, rám nắng, với hàm răng trắng tươi có chiếc răng khểnh lồ lộ, chưa kể cái miệng nói “không lành da non” của tiểu làm ríu rít, ồn ào bất cứ nơi đâu tiểu có mặt. Không biết nó tu tập tới đâu, mà nghe trẻ con trong xóm kể rằng, hầu như ngày nào tiểu cũng bị Sư Bà phạt quỳ nhang (tức là quỳ trước chánh điện, cho đến khi cây nhang tàn thì thôi). Quỳ đau gối, tiểu khóc nức nở, nhưng ngày mai… đâu lại vào đấy, vẫn mải chơi say mê, quên cả lời Sư Bà dặn dò.
Một sáng Chúa Nhật, tôi thấy tiểu tung tăng hớn hở đi từ phía chợ về xóm, trên tay lủng lẳng con khô lóc, tôi chạy lại hỏi: “Tiểu Vinh ơi, đi tu Chùa đâu được ăn thịt cá”, tiểu trả lời ngon ơ: “Dạ tiểu biết, mà lâu quá hổng ăn nên thèm quá, bữa nay ghé nhà bác cho tiền, tiểu muốn ăn miếng cá khô chiên”. Chẳng biết hôm đó tiểu có được ăn cá hay bị quỳ nhang gì không, chỉ biết một thời gian sau, gia đình người bác đến xin Chùa được mang tiểu về nhà, hoàn tục, trở về cuộc sống đời thường …
Thế là từ đó, Tiểu Diệu Vinh, hay đúng hơn là cô bé Trần Hoa Hồng, mặc chiếc áo đầm xanh, cột tóc đuôi gà, đeo cặp táp, tươi tắn bước chân sáo với đám bạn trên đường đi học, nhăn mặt ăn cóc ngâm hay xuýt xoa nhai khô bò, toác miệng cười, mới chính là hình ảnh của một cô bé, đang sống đúng với tuổi thơ của mình.
Dẫu biết rằng “Tu là cõi phúc”…
Sư cô Diệu Huyền
Thực ra, trước khi tiểu Vinh có mặt, thì ngôi Chùa không phải lúc nào cũng êm ả như dòng sông, mà có lúc, bỗng nổi sóng ba đào.
Chùa chỉ có hai người, là Sư Bà Ðàm Nhung và Sư Cô Diệu Huyền. Cô Huyền cũng được gia đình, là dân ở xóm bên, đưa đến Chùa tu lúc bé xíu. Khi tôi lớn lên thì Sư Cô Huyền là một Sư Cô xinh đẹp, nhan sắc nổi bật dù khoác áo chàm, đầu đội khăn tu. Khuôn mặt trái xoan, nước da trắng, đôi mắt đen hình hạt dẻ, lông mày đậm trên sóng mũi cao thanh tú, cùng nụ cười duyên và giọng nói ngọt ngào thánh thót, làm bất cứ người đối diện nào cũng đem lòng cảm mến.
Người ta nói, thanh niên xóm chợ và xóm chùa, thường không phải…dạng vừa. Xóm tôi, vừa là Xóm Chợ vừa là Xóm Chùa nữa cơ, nên có đám thanh niên rảnh rỗi, hoặc làm ít chơi nhiều, thường hay tụ tập ngay gò mả cạnh Chùa, đờn ca hát xướng, ăn nhậu và chọc ghẹo những thiếu nữ nào đi ngang qua khu này. Nhiều buổi tối đi học thêm về, chạy xe vào đầu ngõ Chùa, tôi cũng bị mấy anh thả lời đùa giỡn là chuyện bình thường, nhưng với Sư cô Huyền, mấy ảnh cũng…không tha. Hễ thấy bóng cô, là các anh trổ tài hát nhạc bolero (có sửa chút lời) đại loại như: “Em tôi xinh đẹp hơn người tưởng, không áo xanh áo đỏ thơm hương, nhưng khi vườn Chùa lá thu rơi, ôi dịu dàng đôi mắt em tôi …”, có khi còn cao hứng lên sáu câu vọng cổ tha thiết chuyện tình Lan và Ðiệp, “Sao em nỡ cắt dây chuông, để anh mang một nỗi buồn thiên thu?”… Lần nào sư cô cũng nhẹ nhàng mỉm cười, bởi dù sao cũng toàn là người cùng xóm, chớ có xa lạ gì đâu nà. Thành ra mỗi khi Chùa có dịp lễ lớn như Tết nhứt, Vu Lan, Phật Ðản là bà con thấy mấy anh có chút máu giang hồ, “phá làng phá xóm” đó hì hục dọn dẹp sân Chùa, cắt cỏ, quét lá, tưới cây dưới sự chỉ đạo của Sư cô Huyền. Trời nắng chang chang, mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt, và đôi má ửng hồng của Sư Cô thiệt là duyên dáng. Còn mấy anh, thì khỏi nói, lao động hăng say, chạy qua chạy lại như con thoi, có nụ cười của Sư cô thì… hổng biết mệt là gì hết á! (Bởi ta nói, dù ở bất cứ nơi đâu, ngoài xã hội, công sở, xưởng thợ, hay ngay chốn cửa Phật này, có chút nhan sắc là khác liền hà!)
Một buổi tối, khi cả xóm đang chuẩn bị đi ngủ, thì nghe bên Chùa có tiếng la mắng rất lớn của Sư Bà, kèm theo tiếng khóc thút thít của Sư Cô sau mỗi làn roi đánh của Sư Bà. Tôi cũng nhanh chân hoà nhập vào nhóm người có mặt ngay cánh cổng sắt của Chùa, dòm qua khe hở, thấy xa xa, Sư Cô quỳ chắp tay van xin, trả lời lí nhí những câu chất vấn của Sư Bà:
– Tại sao xài kem Hoa Lan?
– Dạ …dạ …
– Tu hành không cần làm đẹp, nghe chưa? Mà muốn dưỡng da, sao không xin tiền nhà Chùa đi mua mà lấy của người ta! Ai cho?!…
Bên ngoài, nghe câu được câu không, chỉ nghe rõ tiếng khóc của Sư Cô và giọng hét như lệnh vỡ của Sư Bà. Không cần chờ đợi lâu, một chị lớn tuổi đã giải toả thắc mắc của đám đông tò mò:
– Biết ai tặng mấy hộp kem Hoa Lan cho cô Huyền không? Hùng Ðại Ca đó!
Thì ra là Hùng Ðại Ca, nhà ngay sát bên hông Chùa. Sau năm 1975, gia đình Hùng đi vùng kinh tế mới, còn anh gia nhập Thanh Niên Xung Phong theo lời kêu gọi đi tìm “lý tưởng” của ông Võ Văn Kiệt. Chẳng bao lâu, gia đình anh bồng bế nhau trở lại vì chẳng thấy “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” gì ráo, mà ba anh còn để lại xác thân nơi đồng khô cỏ cháy. Anh cũng bỏ Thanh Niên Xung Phong về nhà, làm nghề “mánh mung chợ trời”, hay theo như lý lịch ngoài phường là “nghề nghiệp không ổn định”. Chiều tối thì tụ tập đám thanh niên trong xóm ngồi đàn ca giải sầu. Công bằng mà nói, Hùng Ðại Ca không phải là người xấu. Ở đâu không biết, chớ ở cái xóm Chùa này, anh sống có tình, hành động nghĩa hiệp, giúp đỡ hàng xóm khi có ai cần nhờ vả những chuyện tay chân đàn ông. Có lần tôi đi học về khuya, ngang qua “ban nhạc” của anh, bị mấy thanh niên trêu ghẹo, tôi vừa bối rối vừa run, làm rớt chiếc kẹp tóc. Sáng hôm sau, anh sai người mang đến tận quán nước nhà tôi trả lại. Hùng, chàng Ðại Ca vì thời cuộc, Lục Viên Tiên không gặp thời, và trận đòn của Sư cô Huyền tối nay, cho chúng tôi biết thêm, anh còn là chàng lãng tử, lãng mạn… không đúng chỗ!
Sau đêm đó, cư dân Xóm Chùa đợi chờ ngày Cô Huyền khăn gói ra khỏi Chùa, về đời thường trần tục, nhưng chỉ thấy Sư Cô vẫn đều đặn đạp xe đi tu học hàng ngày trên Chùa Vĩnh Nghiêm, rồi về Chùa sinh hoạt kinh kệ, gõ mõ, thỉnh chuông đều đặn. Chỉ có điều, Hùng Ðại Ca bỏ đi biệt xứ, nghe đâu lên tận Bảo Lộc trồng cà phê giúp người quen.
Giờ đây, ở tuổi xấp xỉ 60, Sư Cô Huyền đang là trụ trì của Chùa, sau khi Sư Bà qua đời. Vậy là Cô Huyền có căn tu, dù trên con đường ấy, có lần Cô thoáng chút vấn vương nhẹ nhàng với luyến ái. Và như cơn gió chợt đến rồi đi, Sư Cô đã vượt qua được cái quyến rũ phù du của “Tình Là dây Oan”
KL