Nhớ người lòng suối Ða Mê gợn buồn. (Nhất Linh)
Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, chào đời năm1905 tại thị trấn Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, nguyên quán làng Cẩm Phô, huyện Ðiện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Thời học sinh trường Bưởi ở Hà Nội, Nguyễn Tường Tam đã đăng thơ và bài trên báo Trung Bắc Tân Văn và trên tạp chí Nam Phong. Năm 1923, kết hôn với Phạm Thị Nguyên. Năm 1924, học Y lẫn Mỹ thuật ở Hà Nội, nhưng chỉ thời gian ngắn thì bỏ. Ông đi nhiều nơi: vào Nam, qua Miên, sang Pháp… Năm 1930, tốt nghiệp cử nhân khoa học giáo khoa chuyên ngành Lý Hoá tại Pháp.
Trở về nước, Nguyễn Tường Tam dạy học tại các trường Thăng Long và Gia Long ở Hà Nội. Năm 1932, làm giám đốc báo Phong Hoá. Năm 1933, thành lập Tự Lực Văn Ðoàn gồm bản thân Nhất Linh và Khái Hưng (Trần Khánh Giư còn gọi Nhị Linh), Hoàng Ðạo (Nguyễn Tường Long), Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân), Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu), Thế Lữ (Nguyễn Thứ Lễ). Sau, Tự Lực Văn Ðoàn thêm Xuân Diệu và Trần Tiêu.
Năm 1936, tờ Phong Hoá bị đóng cửa, tờ Ngày Nay kế tục phong trào. Năm 1938, Nhất Linh lập Ðảng Hưng Việt, rồi đổi tên thành Ðảng Ðại Việt Dân Chính. Từ ấy, Tự Lực Văn Ðoàn công khai chống Pháp. Năm 1941, tờ Ngày Nay bị đóng cửa. Năm 1942, Nhất Linh dạt qua Quảng Châu, Trung Hoa, bị bắt giam 4 tháng, hoạt động trong Việt Nam Cách Mạng Ðồng Minh Hội, gọi tắt là Việt Cách. Năm 1945, Nhất Linh trở về nước, ở Hà Giang thời gian ngắn liền quay lại Trung Hoa, chỉ đạo Hoàng Ðạo, Khái Hưng, Nguyễn Gia Trí và Nguyễn Tường Bách tục bản báo Ngày Nay tại Hà Nội. Tháng 5-1945, tại Trùng Khánh, Trung Hoa, Nhất Linh sáp nhập Ðảng Ðại Việt Dân Chính và Ðảng Việt Nam Quốc Dân thành Ðảng Ðại Việt Quốc Dân, gọi tắt là Việt Quốc.
Ðầu năm 1946, trở về Hà Nội, Nhất Linh ra báo Việt Nam, giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao trong Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến, và được đặc cách tham gia Quốc Hội khoá I mà khỏi cần bầu cử. Cũng năm đó, dự Hội nghị Trù bị Ðà Lạt, Nhất Linh làm trưởng đoàn Việt Nam đàm phán với Pháp. Ðược cử đứng đầu phái đoàn Việt Nam dự Hội nghị Fontainebleau nhưng Nhất Linh không đi mà trốn qua Trung Hoa, tham gia thành lập Mặt trận Quốc gia Thống nhất Việt Nam nhằm ủng hộ Bảo Ðại.
Năm 1951, Nhất Linh về nước, mở Nhà xuất bản Phượng Giang, tái bản sách của Tự Lực Văn Ðoàn. Năm 1954, sang Pháp chữa bệnh. Năm 1955, lên Ðà Lạt sống, mê sưu tập phong lan. Năm 1958, xuống Sài Gòn, trở thành chủ tịch đầu tiên của Hội Văn bút Việt Nam. Cũng tại Sài Gòn, từ năm 1958, Nhất Linh thực hiện giai phẩm Văn Hoá Ngày Nay, phát hành được 11 số thì đình bản.
Năm 1960, Nhất Linh thành lập Mặt trận Quốc dân đoàn kết, ủng hộ đại tá Nguyễn Chánh Thi và trung tá Vương Văn Ðông đảo chính nhằm lật đổ chế độ độc tài Ngô Ðình Diệm. Ngày 11-11-1960, cuộc đảo chính thất bại, chính quyền đương thời giam lỏng Nhất Linh trong nhà riêng gần chợ An Ðông, dự định đưa ra toà án xét xử ngày 8-7-1963. Noi gương hoà thượng Thích Quảng Ðức, Nhất Linh dùng độc dược tự tử vào ngày 7-7-1963, lưu lại những dòng tuyệt mệnh:
“Ðời tôi để lịch sử xử. Tôi không chịu để ai xử tôi cả.”
Thơm danh liệt sĩ – nổi tiếng văn hào
Nhất Linh trút hơi thở cuối, để lại người vợ thân yêu Phạm Thị Nguyên cùng 7 con gồm 5 nam Nguyễn Tường Việt, Nguyễn Tường Triệu, Nguyễn Tường Thạch, Nguyễn Tường Thái, Nguyễn Tường Thiết, và 2 nữ Nguyễn Thị Kim Thư, Nguyễn Thị Kim Thoa. Nhất Linh còn lưu cho đời cả loạt tác phẩm văn học nghệ thuật giá trị, bao gồm các tập truyện ngắn Nho phong, Người quay tơ, Anh phải sống (viết chung với Khái Hưng), Ði Tây, Hai buổi chiều vàng, Thế rồi một buổi chiều, Thương chồng, các tiểu thuyết Gánh hàng hoa (viết chung với Khái Hưng), Ðời mưa gió (viết chung với Khái Hưng), Nắng thu, Ðoạn tuyệt, Lạnh lùng, Ðôi bạn, Bướm trắng, Xóm cầu mới, Dòng sông Thanh Thuỷ, tiểu luận Viết và đọc tiểu thuyết, cả bản dịch Ðỉnh gió hú của Emily Brontë (nguyên tác Wuthering Heights)
Năm 1954, gia đình Nhất Linh chuyển từ Hà Nội vào Sài Gòn, định cư ở chợ An Ðông. Một năm sau, Nhất Linh quyết định lên Ðà Lạt ở ẩn.(Tổng hợp từ Internet)
Trong các giai thoại và bút tích Nhất Linh vào thời kỳ này, có một địa danh được nhắc đi nhắc lại khá nhiều: Suối Ða Mê.
Về thời Nhất Linh sống ở Ða Mê, nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên ghi lại như sau:
Theo hồi ký của ông Nguyễn Tường Thiết, người con trai được theo chân nhà văn Nhất Linh trong giai đoạn này, thì cha ông chọn Ðà Lạt bởi khung cảnh nên thơ và khí hậu mát mẻ. Lúc mới đến Ðà Lạt, tác giả Ðoạn Tuyệt thuê một căn phòng trên lầu hai, nhà hàng Poinsard & Veyret, số 12 đường Yersin (nay là Trần Phú, từng là quán Le Café De La Poste). Phía sau dãy nhà mà Nhất Linh thuê trọ chính là Hotel Langbian Palace, nơi chính trị gia Nguyễn Tường Tam từng đóng vai trò là Trưởng đoàn Việt Nam trong Hội nghị Trù bị Ðà Lạt 9 năm về trước (5-1946).
Khung cảnh thanh bình của Ðà Lạt ấy được Nguyễn Tường Thiết kể trong cuốn hồi ký Nhất Linh cha tôi.
Nhất Linh sống giản đơn và thanh bạch, mỗi ngày ông thả bộ xuống khu Hòa Bình, ăn sáng ở quán phở bình dân trên đường Hàm Nghi, rồi đi vòng bên kia bờ hồ Xuân Hương, vượt mấy ngọn đồi phía cuối hồ, đến tận khu Chi Lăng gần hồ Than Thở. Ông thường ngồi uống rượu và ngắm sương mù phủ xuống những ngọn đồi trong tịch lặng.
Một lần đi dạo, ông đã bị mê hoặc trước vẻ đẹp một nhành phong lan nở hoa vàng bám trên cây thông già bên hồ Xuân Hương. Từ đó, ông bị loài hoa này khuyến dụ bước vào một cuộc chơi đầy tao nhã mà không kém nhọc nhằn. Nhất Linh băng rừng lội suối, sưu tầm nhiều loại lan quý và đặt tên cho từng chi, loài (nhiều tên lan rừng do Nhất Linh đặt, cho đến nay giới chơi lan Ðà Lạt vẫn còn dùng).
Khi “đẳng cấp” chơi lan ngày càng cao, bộ sưu tập lan rừng ngày càng phong phú, Nhất Linh đã phải rời ngôi nhà thuê ở 12 Yersin để chuyển đến căn biệt thự của người bạn thân (ông Lê Ðình Gioãn, chủ một garage tại Sài Gòn) ở 19 Ðặng Thái Thân (đường này nay vẫn giữ tên cũ). Ngôi biệt thự Pháp hình chữ A được xây khoảng thập niên 1930 có khoảng sân rộng là nơi Nhất Linh cùng các con ngày ngày săn sóc những giàn lan nở hoa thơm ngát. Khoảng sân biệt thự nhìn xuống những triền đồi hoang vu. Cũng tại căn biệt thự trên đồi cao, nhiều đêm Nhất Linh thổi hắc tiêu (clarinet) một mình và chong đèn hoàn thiện một phần bản dịch cuốn Wuthering Heights của nữ văn sĩ Anh văn người Anh, Emily Brontë với nhan đề tiếng Việt là Ðỉnh gió hú.
Rồi trong thời gian săn tìm lan rừng từ Ðà Lạt về Ðịnh Quán, rừng B’lao, đèo Ngoạn Mục cho đến Phan Rang… Nhất Linh “phải lòng” địa thế một khu đất ở Fim-Nôm (Phi Nôm ngày nay). Năm 1957, ông bàn với vợ mua lô đất ấy có ý định cất nhà ở. Một thời gian ngắn, trên lô đất đứng tên vợ mình, ông cất ngôi nhà gỗ lợp tranh khá đơn sơ, lấy tên Thanh Ngọc Ðình.
Thời gian sống tại đây, ông thường mắc võng bên suối Ða Mê tập trung viết trường thiên tiểu thuyết Xóm Cầu Mới. Nhưng rồi giấc mộng đẹp về đời ẩn sĩ không kéo dài bao lâu. Năm 1958, một cơn bão quét qua, khiến ngôi nhà ông đổ sập. Từ sau trận thiên tai này, Nhất Linh quay về Sài Gòn, khép lại khoảng thời gian ở ẩn ngắn ngủi trên miền cao nguyên…
Vẫn lời Nguyễn Vĩnh Nguyên: Tôi nhiều lần ấp ủ thực hiện chuyến hành trình tìm suối Ða Mê trên thực địa. Rồi cái duyên ấy cũng đến. Một hôm tôi nhận được email từ ông Nguyễn Tường Việt (con trai đầu của nhà văn Nhất Linh) chia sẻ những tài liệu, hồ sơ đất đai của gia đình, cậy nhờ đi thực địa, xem lại hiện trạng lô đất năm xưa cha ông dựng Thanh Ngọc Ðình.
Ðà Lạt một chiều se lạnh và nhiều mây, tôi cùng đồng nghiệp làm nghề báo tại Lâm Ðồng xuôi đèo xuống Ðức Trọng. Trong tay là bản sao tư liệu “bằng khoán điền thổ số 7B”, thể hiện “khu đất có diện tích 15,900 thước vuông thuộc làng Phú Thạnh, Quận D’ran, tỉnh Ðồng Nai Thượng”. Bản lược đồ kèm theo cho thấy lô đất này kéo dài từ mép quốc lộ 20 đến suối Damé chừng nửa cây số, tiếp giáp với khúc quanh dòng suối.
Từ các văn kiện địa bạ đó, chúng tôi xác định được vị trí lô đất cần tìm, ngày nay nằm trên địa giới của thôn Phú Thạnh, xã Hiệp Thạnh, huyện Ðức Trọng, Lâm Ðồng; khoảng giữa đoạn ngã ba Phi Nôm và ngã ba Liên Khương.
Một Ða Mê hẻo lánh hoang vu trên trang sách dần bị gỡ bỏ khỏi hình dung khi chúng tôi theo hướng chỉ dẫn của người dân, tiến dần đến bờ suối. Trước mắt chúng tôi, một tịnh xá đang được xây dựng bề thế, hoành tráng là cơ ngơi của sư T.G.N (xin viết tắt). Có một con mương bề ngang chừng hai mét chảy len lỏi qua những khu dân cư đông đúc, vườn tược rau hoa rồi luồn xuống chân cầu bê tông kiên cố, xuyên qua nền ngôi tịnh xá.
“Suối Ða Mê đó”, một thợ xây là người địa phương nói với chúng tôi.
Dòng suối có lẽ đã bị thu hẹp nhiều. Ngày nay không còn dấu vết gì về khung cảnh hoang vu mà Nhất Linh từng gợi tả trong các bức ký họa, hình ảnh 60 năm trước.
Tôi đi men theo bờ cỏ um tùm, ngược lên dòng chảy một đoạn và cố nhắm mắt hình dung nơi đây từng là rừng cây vắng vẻ, nơi nhà văn, chính trị gia lừng lẫy đã dừng chân và ước mơ một cuộc sống thanh bạch, chấp nhận lãng quên, lánh xa cuộc thế ngổn ngang nếu như không có cơn bão định mệnh đi qua…
Người đi lâu chửa thấy về
Nhớ người lòng suối Ða Mê gợn buồn. (Nhất Linh)
Phần trích dẫn Nguyễn Vĩnh Nguyên ngừng ở đây.
Ôi, một thời của văn chương và suối Ða Mê.
NGUYỄN & BẠN HỮU
(theo Nguyễn Vĩnh Nguyên. Nguồn: Tuổi Trẻ)