Người Lính Việt Nam Cộng Hòa.
Tôi xin mạn phép trích câu thơ thứ 65 trong tác phẩm Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn qua bản dịch của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm làm tựa cho bài viết lần nầy để nhớ lại hành trình hơn nửa thế kỷ làm người lính Việt Nam Cộng Hòa của riêng tôi và những người bạn cùng trang lứa trong quân ngũ ngày đó. Người lính ấy, dù chưa hoàn hảo trong ý nghĩa uy dũng, can trường theo quan niệm văn hóa Đông phương, nhưng họ là những người lính bất khuất, biết hy sinh thân xác, máu xương và ước mơ tuổi trẻ để bảo vệ miền Nam. Người lính thua trận nhưng lẫm liệt trong lao tù của địch; hiên ngang, bất khuất trước kẻ thắng cuộc và luôn thể hiện tình yêu nước nồng nàn dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Bài viết nầy cũng lẩn quẩn trong vùng kỷ niệm đó. Kỷ niệm của những cựu sĩ quan Quân lực VNCH, một thời quân ngũ, một thuở hào hùng súng gươm giữ nước. Nhìn lại quá khứ, trong suốt cuộc chiến chống cộng sản trước 1975, đã có biết bao chiến hữu Khóa 2 Hiện dịch Trường Đại học Chiến Tranh Chính Trị thuộc các Quân Binh Chủng QL/VNCH, đã hy sinh thân xác, gởi tro cốt, xương tàn vào lòng đất Mẹ. Số lớn khác đã ướp máu đào trên biết bao chiến địa lừng danh để bảo vệ mảnh đất miền Nam. Chiến tranh đã qua đi nhưng vẫn còn biết bao hoang mộ của bạn bè trên khắp núi rừng Nam Bắc, sông biển xa xôi, bị vùi thây vì bị đòn thù hèn hạ của đối phương. Họ, những người lính Việt Nam Cộng Hòa mãi mãi không chết. Vì thân xác dù mất đi nhưng tên tuổi không bao giờ mất.
Mùa Thu 1968. Chúng tôi, 400 sinh viên Đại học dân sự toàn quốc, sau khi trúng tuyển vào Khóa 2 SVSQ Hiện Dịch, Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt, đã được chia làm 2 đợt và được gởi vào Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung 3 tháng để học căn bản quân sự của người Lính chiến trước khi trở thành Sinh viên Sĩ quan Trường Đại học/CTCT với thời gian thụ huấn từ 1968 đến 1971.
Giã từ mái ấm gia đình, trường học và ngậm ngùi chia tay người tình tuổi học trò. Buổi chiều cuối tuần đầu tiên ở Vườn Tao Ngộ, Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, có gã lính mới, không đi phép, lang thang trong mấy câu lạc bộ, bỗng nghe tiếng hát của ai sao giống tiếng lòng:
“Sao em không đến chiều nay thứ Bảy. Sao em không lại đường vắng em yêu. Sao em không lại, sao em không lại. Quân trường riêng tôi đứng đây, đếm từng chiếc lá thu bay. Sao em không đến, sao em không đến. Để nắng chiều tắt trên cây soan già. Quạnh vắng mình tôi bâng khuâng trông chờ. Nghe lòng thương thương nhớ nhớ. Nhớ thương người em trong ước mơ. Đời tôi, từ ngày khoác áo chiến y…”
(Sao Em không đến – Hoàng Nguyên)
Sau ba tháng ở thao trường nắng cháy, chúng tôi giã từ Quang Trung, mang theo quân trang đầu đời và tâm tư “Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt, Xếp bút nghiên theo việc đao cung” để lên cao nguyên, về Quân trường Đại học CTCT/Đà Lạt có gió lạnh sương mù. Mỗi năm, chúng tôi có một mùa Văn hóa học tại Trường Đại học CTCT và một mùa Quân sự theo học tại Trường Võ Bị Quốc Gia trên khu Chi Lăng. Suốt mùa văn hóa, mỗi chiều, chúng tôi đều phải tập quân hành mấy vòng quanh Doanh trại. Và riêng tôi, cho đến giờ vẫn còn nhớ nằm lòng lời ca hào hùng những hành khúc ngày ấy. Rất nhiều bài ca nhưng tôi vẫn nhớ và thích nhất lời hát vừa bi hùng vừa lãng mạn của bài ca tiễn đưa người lính chiến ra trận tiền.
Ra biên cương. Ra biên cương. Thiết tha lòng gái, hôm nay nâng khăn hồng đưa chân anh hùng ngàn phương. Ra biên cương. Ra biên cương. Bóng hôn hoàng xuống ven rừng, qua non sông khuất mờ nẻo sương. Trăng non dị thường, ngựa tung vó bước hiu hiu lá rơi lối mòn tuyết sương…
…
Người ngàn trùng, quên niềm son phấn. Biên ải như đuốc thiêng. Ôi non nước linh truyền. Ôi tiếng hát câu nguyền. Đời gai chông, xin thề lưu luyến. Biên ải xin hiến thân, Thấm thoát đã bao lần. Bao người đi đền nợ máu xương. Người đi, không về. Chắc rằng có người nhớ…
(Phạm Duy – Đường ra biên ải)
Bao bằng hữu đã ra đi đền nợ núi sông. Ôi, lời ca lãng mạn và bi tráng vô cùng. Ra biên cương, ra tiền đồn thì đâu có hẹn ngày về. Nhưng trong sâu thẳm của tình yêu, gã lính trận vẫn còn niềm an ủi vô bờ là ở đâu đó, trong lòng hậu phương xa xăm nhưng yêu dấu, trong lòng thủ đô Sài Gòn lung linh ánh sáng về đêm, vẫn có người đêm đêm dõi mắt trông chờ, vẫn có người mong đợi và nhớ thương “Chàng từ đi vào nơi gió cát, Đêm trăng nầy nghỉ mát nơi nao”.
Nhớ ngày ấy, có nhiều lần tôi tự hỏi, nhạc sĩ Phạm Duy, cây cổ thụ trong khu vườn Âm nhạc Việt Nam, khi viết bài ca nầy năm xưa có cảm thán chút gì từ bài Đường thi “Xuất Tái” của Vương Chi Hoán (-742) thuở xưa không? Câu hỏi là chuyện của 50 năm trước khi tôi còn là Sinh Viên Sĩ Quan tại Quân trường. Ba mươi năm sau, khi định cư Hoa Kỳ, trong một lần được gặp lại nhạc sĩ Phạm Duy và Niên trưởng thi sĩ Nhất Tuấn Phạm Hậu tại Seattle (2002), vài năm trước khi nhạc sĩ đóng vai viễn khách hồi cư, về tìm lại Mẹ Việt Nam trong Trường Ca ông viết năm xưa. Trong lần gặp đó, tôi có đề cập đến thắc mắc của mình về nguyên nhân xuất xứ bài nhạc ông viết năm xưa. Ông xác nhận bài ca Đường Ra Biên Ải ông viết lúc ấy, đúng là do cảm xúc khi đọc bài Xuất Tái của Vương Chi Hoán và cả bài Lương Châu Từ của Vương Hàn, nó lãng mạn và hào hùng y hệt cái phong cách “tiểu tư sản” của chính ông, khiến ông đã có thời gian bỏ Hà Nội đi theo kháng chiến trong giai đoạn cao trào toàn dân vùng lên chống Pháp. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, ông lại phải bỏ kháng chiến trốn về Hà Nội vì những khác biệt về ý thức hệ đã trói buộc tư tưởng tự do của ông khiến ông không được thoải mái trong sáng tác. Tôi ghi lại chuyện cũ thay cho lời cảm ơn và tưởng nhớ đến nhạc sĩ lớn của miền Nam mà tác phẩm của ông đã là một gia tài đồ sộ cho văn học sử nước nhà. Tôi cũng xin được ghi lại bài thơ Xuất Tái để chúng ta cùng đọc.
Xuất Tái
Hoàng Hà viễn thượng bạch vân gian
Nhất phiến cô thành vạn nhận san
Khương địch hà tu oán dương liễu
Xuân phong bất độ Ngọc môn quan.
(Vương Chi Hoán)
Tôi mạo muội tạm dịch
Ra Biên Ải
Hoàng Hà in bóng mây cao
Núi xa vạn trượng, thành hào cô đơn
Tiêu Khương đừng oán liễu hờn
Đường ra biên ải gió Xuân chưa về.
Ghi chú: Chữ “nhận” trong câu thứ 2 có nghĩa là “trượng”, đơn vị đo chiều dài đời nhà Chu bên Tàu.
Tháng giêng 1971, khi mùa Xuân chưa mọc cỏ non, hoa lá Đà Lạt còn xôn xao chờ đợi nắng Xuân. Thì 387 tân Thiếu Úy Hiện dịch Khóa 2 Trường Đại học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt, sau hơn 2 năm thụ huấn, đã mãn khóa ra trường và xuống núi nhập vào lửa khói chiến trường Việt Nam. Từ Đông Hà xuống Phương Nam. Từ Ái Từ đến vùng Bảy Núi. Từ Khe Sanh về mũi Cà Mau. Suốt một giài chiến trường miền Nam ngút ngàn khói lửa, không địa danh nào thiếu bước chân Khóa 2 ĐH/CTCT. Từ Tiền đồn biên giới đến địa đầu trấn ải mịt mờ chân mây. Với chúng tôi, những người lính chiến VNCH, thì hình ảnh của bài thơ “Xuất Tái” là chuyện có thực của chiến chinh. Năm mươi năm đã qua, tôi vẫn nghe vang vang bài ca ngày ấy như kỷ niệm một thuở chinh yên.
Tâm tư Người Lính chiến VNCH.
Ngày hôm qua, trước khi viết bài bút ký nầy, tôi ngồi đọc sách trong bóng chiều nhạt nhòa của miền Tây Bắc mùa Thu. Tôi mạn phép mượn hai câu thơ trong bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hộ thời thịnh Đường bên Trung Hoa qua bản dịch của Thi sĩ Tản Đà để thi vị hóa cho kỷ niệm một đời quân ngũ của chúng ta. Nhìn khói sóng trên dòng sông xanh thẩm, lòng người tha hương càng đậm sầu trong nỗi nhớ quê nhà.
“Quê hương khuất bóng hoàng hôn.
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai”.
Hiện tại Tây Bắc đang vào đầu Thu, ngọn Rainier Mountain vẫn phủ đầy tuyết trắng nhưng chưa có mưa dầm thấm đất. Lá những cây phong đã bắt đầu đổi màu. Tôi ngồi trong bóng chiều, đọc lại bộ Lục Tiểu Phụng của Cổ Long:
Tháng Chín, vào Thu, gã Lục Tiểu Phụng đang gõ đũa vào chén rượu vừa nghêu ngao hát bài Xuất Tái của Vương Chi Hoán (mà tôi vừa dịch phần trên) vì họ Lục biết rất rõ tay kiếm khách Bạch Vân Thành Chủ Diệp Cô Thành đang trên đường đến Vạn Mai Sơn Trang để hẹn ước ấn chứng võ công với Tây Môn Xuy Tuyết trên đỉnh Tử Cấm Thành. Vì cả hai đều là bằng hữu của Lục Tiểu Phụng, nên gã biết rất rõ một khi hai tay kiếm khách đệ nhất võ lâm so tài thì cả hai đều có thể bị chết dưới lưỡi kiếm của nhau. Danh dự một kiếm khách không cho phép họ nương tay. Khi đã vào mê hồn kiếm trận thì kiếm với người chỉ là một. Giai đoạn cao nhất của kiếm pháp là “vô tình, vô ảnh”. Chỉ những kiếm khách vượt qua những hệ lụy nầy mới có cơ hội chiến thắng.
Kết quả cuối cùng ra sao. Lẽ ra Tây Môn Xuy Tuyết phải chết vì kiếm của gã đã vướng chữ Tình. Gã vừa mới có tình yêu với một giai nhân. Vướng chữ Tình thì tâm sẽ giao động, đường kiếm không còn là linh kiếm. Nhưng gã không chết, trái lại, Diệp Cô Thành đã chết vì tham vọng đi quá giới hạn trong âm mưu thôn tính võ lâm. Gã thất bại nên trở thành tay kiếm khách cô đơn. Vì thất vọng và cô đơn, gã phải đi tìm cái chết và niềm mong ước cuối cùng là được chết dưới lưỡi kiếm của đối thủ ngang tầm. Trong đường kiếm cuối cùng đang thắng thế. Đột nhiên gã chuyển lệch mũi kiếm của mình khỏi tử huyệt đối thủ và nhận lãnh mũi kiếm của Tây Môn Xuy Tuyết để tự dành cái chết cho chính mình. Tình huống khác nào gã đã tự sát. Vâng, gã đã tự tìm cái chết vì không muốn sống cô đơn không bằng hữu.
Khi viết đến ba chữ Tử Cấm Thành (Forbidden City of China), tôi lại nhớ, vào ngày 8 tháng 11 năm 2017, chiếc chuyên cơ “Không Lực số Một” của Tổng Thống Hoa Kỳ thứ 45 đã đáp xuống Bắc Kinh nhân hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Tàu. Cựu Tổng thống thứ 45 Donald Trump là vị nguyên thủ đầu tiên của Hoa Kỳ được Trung Hoa mời vào thăm Tử Cấm Thành, nơi vua Tàu và vương gia trú ngụ thuở xưa. Nơi bí mật nhất của triều đình vua chúa nước Tàu và là nơi được bảo vệ an toàn nhất trong những toà nhà được bảo vệ.
Tử Cấm Thành được xây dựng dưới thời nhà Minh bên Tàu (1368-1644), một thời kỳ được coi là hoàng kim về sức mạnh kinh tế, kiểm soát lãnh thổ và thành tựu văn hóa của Tàu. Chính trong triều đại này, Trịnh Hòa, một Đô đốc tài ba thuộc hạm đội hải quân nhà Minh, đã thực hiện nhiều chuyến đi vòng quanh Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, hơn nửa thế kỷ trước khi Christopher Columbus ra khơi khám phá miền đất mới là châu Mỹ (Tân thế giới).
Tôi nghĩ vui, không biết Tổng Thống thứ 45 của Hoa Kỳ Donald Trump khi bước đi trên những lối mòn trong Tử Cấm Thành, ông có nghe tiếng giày khua nhẹ từng bước chân của các hoàng hậu, hoàng phi, công chúa, cung tần mỹ nữ trong hoàng cung nước Tàu ngày ấy hay không? Tổng Thống Hoa Kỳ, theo như tôi biết, ngoài cương vị chủ nhân của nhiều khu khách sạn tân kỳ, và nhiều khu vui chơi giải trí trên thế giới, Ông cũng là một tay chơi sành sỏi có hạng trong “thế giới quần thoa”, tôi nghĩ là nhận xét của ông trong lãnh vực nầy chắc sẽ có trọng lượng hơn nhiều người khác. Và nhất là khi nhìn những lâu đài tráng lệ trong Tử Cấm Thành, ông có khi nào tự hỏi ai là người đã vẽ và góp phần xây dựng nên Tử Cấm Thành cho các triều đại Trung Hoa sử dụng cả gần bảy trăm năm nay.
Xin thưa, trong số những kiến trúc sư vẽ ra đổ án Tử Cấm Thành, có kiến trúc sư trưởng Nguyễn An, người Việt Nam. Vâng, một người Việt Nam. Trong đồ án xây dựng Tử Cấm Thành, kiến trúc sư Nguyễn An là người trách nhiệm về thiết kế chịu lực của những tòa lâu đài trong hoàng thành. Sử sách Trung Hoa cho đến giờ vẫn cố tình lãng tránh, dấu diếm, không dám đưa tên người đã vẽ và xây dựng nên Tử Cấm Thành. Họ chỉ nói kiến trúc đó là của họ. Thế thôi.
Người Tàu đã cố tình dấu diếm, nhưng bí mật đã được “bật mí”. Sự thực đã được phơi bày khi các nhà sưu tầm, khảo cổ thế giới đã có công tìm ra sự thật. Nhất là từ khi những nhà làm phim nước Đức tung ra một bộ phim để công bố cho toàn thế giới thấy và hiểu được sự thật về công trinh xây dựng Tử Cấm Thành ở Trung Hoa do một kiến trúc sư Việt Nam và 4 kiến trúc sư khác, vẽ kiểu và trực tiếp trông coi việc xây dựng từ đầu cho đến lúc hoàn tất công trình kiến trúc đồ sộ nầy.
Người Lính VNCH nghĩ gì trước tham vọng của Trung quốc
Nhân ngày kỷ niệm 50 năm Tốt nghiệp Khóa 2 Trường Đại học CTCT/Đà Lạt, tôi hơi dông dài về Tử Cấm Thành bên Tàu một chút để thấy sức sáng tạo và tài hoa của người Việt Nam là không nhỏ dù là ở bất cứ nơi đâu. Dĩ nhiên, kiến trúc sư Nguyễn An đã chết gần sáu trăm năm trước bên Tàu sau khi hoàn tất công trình, nhưng suốt thời gian đó, người Tàu vẫn mặc nhiên ngậm tăm, vẫn “vô tư” nhận đại công trình xây dựng Tử Cấm Thành là do họ sáng tạo. Nói cho ngay, qua lịch sử thế giới, chúng ta cũng đã biết người Tàu đã là chủ nhân của nhiều công trình rất to lớn và nổi tiếng trong nước, có cái đã trở thành kỳ quan của nhân loại như Vạn Lý Trường Thành chẳng hạn. Nhưng Tử Cấm Thành thì không. Không phải hoàn toàn do họ sáng tạo ra. Họ làm chủ công trình xây dựng đồ sộ đó, thực hiện công trình theo bản vẽ đồ họa của các kiến trúc sư. Dĩ nhiên hồ sơ mạo phạm đã được họ (người Tàu) dấu kín như bưng kể từ ngày ấy.
Vụ án “sót hoặc xóa” tên người thiết kế thi công Tử Cấm Thành hầu như đã chìm vào lịch sử. Nhưng có một điều rất rõ là từ trước đến nay, người Tàu và các chính quyền Trung hoa đã nổi tiếng toàn thế giới về tài chôm chỉa sáng tạo của người khác, vi phạm bản quyền của các tập đoàn kỹ nghệ thế giới và “tài nghệ” làm đồ giả, hàng nhái của họ thì ở đâu cũng có. Phải nhìn nhận người Tàu làm hàng giả, hàng gian, hàng nhái rất giỏi. Họ tuyệt giỏi trong nghề bắt chước và từng nổi tiếng là “thánh thủ thư sinh” chuyên nghề đánh cắp tài sản của thiên hạ.
Mấy chục năm nay, họ giả câm, giả điếc vì sống bên kia bức màn sắt nên cứ tưởng thiên hạ không ai biết. Lịch sử cho thấy, nước Tàu luôn nuôi mộng bá chủ thế giới nên tham vọng bành trướng lúc nào cũng có. Tôi xin dẫn chứng một vài điển hình:
1-Con đường Tơ Lụa.
Là một hệ thống các con đường buôn bán nổi tiếng đã có từ hàng nghìn năm trước, kết nối châu Á với châu Âu (Đông và Tây). Điểm khởi đầu của Con đường tơ lụa là từ các khu vực dệt lụa ở Phúc Châu, Hàng Châu, Thượng Hải, Bắc Kinh… xuyên qua Mông Cổ, Ấn Độ, Afghanistan, Kazakhstan, Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp. Vượt qua vùng Địa Trung Hải và đến tận châu Âu. Về phía Đông Á, con đường tơ lụa cũng đi đến cả Triều Tiên và Nhật Bản. Con đường tơ lụa là một con đường giao lưu nối liền nước Tàu rộng lớn với vùng Tây Á kỳ bí, gắn liền với hàng ngàn câu chuyện truyền thuyết xa xưa. Không đơn thuần chỉ là huyết mạch thông thương buôn bán của những "thương nhân lạc đà", Con đường tơ lụa còn là một hành trình văn hóa, tôn giáo đa dạng được hòa trộn trong tham vọng mở rộng biên cương của Tàu.
Kinh đô Trường An ở Hàm Dương, (nay là Tây An) là nơi các thương gia người Hoa tập kết hàng hóa, tơ lụa để chuẩn bị cho những chuyến buôn bán lớn qua các nước lân bang. Thời ấy, Lạc đà là phương tiện vận chuyển chủ yếu trên con đường thiên lý này. Thực ra, con đường tơ lụa được hình thành từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, nhưng ban đầu, nó được thành lập với ý định quân sự nhiều hơn mục tiêu thương mại. Đến triều đại nhà Đường thì Con đường tơ lụa mới trở thành một chính sách rõ ràng trong đường hướng thương mại của Tàu đối với thế giới bên ngoài. Con đường tơ lụa được coi là một hệ thống những con đường thương mại lớn nhất thế giới thời cổ đại và được xem như cầu nối giữa hai nền văn minh Đông Tây.
2-Sáng kiến Một Vành Đai, Một Con Đường (Nhất Đái, Nhất Lộ).
Sáng kiến Nhất Đái, Nhất Lộ của Trung cộng hiện nay do ông Tập Cận Bình khởi xướng, lấy cảm hứng từ Con đường Tơ lụa năm xưa, nuôi tham vọng tái thực hiện hệ thống các tuyến đường buôn bán cách đây nhiều thế kỷ giữa châu Âu và châu Á, giữa Đông và Tây. Thực chất nó không phải là con đường thương mại thuần túy theo nghĩa đen mà là con đường bành trướng thế chính trị bá quyền của Trung cộng trong thời kỳ sung mãn của nhà cầm quyền cộng sản Bắc Kinh.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Bắc Kinh của diễn đàn Vành đai và Con đường từ ngày 12 đến 14 tháng 5 năm 2017 về dự án cơ sở hạ tầng liên lục địa "Một vành đai, Một con đường" có đại diện từ nhiều quốc gia tham dự. Chủ tịch Trung cộng, ông Tập Cận Bình nói sẽ dành ngân khoản gần một ngàn tỉ đô la tài trợ cho các nước đồng thuận với dự án nầy. Họ Tập mang ảo tưởng một ngàn tỷ $US là số tiền lớn có thể quyến rũ các nước khác vào cuộc chơi. Thực tế, số tiền đó không là bao nhiêu nếu đem so sánh với chi tiêu của những cường quốc khác. Đơn cử trường hợp của Hoa Kỳ, chỉ 1 năm bị tai họa với nạn dịch Covid-19, từ tháng 3/2020 đến tháng 3/2021, nước Mỹ đã chi ra số tiền gần 5,000 tỷ $US (năm ngàn tỷ) để cứu nguy cho Kinh tế Mỹ và tặng tiền cho dân chúng Hoa Kỳ trong đường hướng phục hồi kinh tế.
Nhất đái, Nhất Lộ được coi là đứa con tinh thần của Tập Cận Bình và là chính sách đối ngoại quan trọng nhất của nhà lãnh đạo này cho tới nay. Ông Tập Cận Bình gọi đây là “dự án thế kỷ”. Qua sáng kiến này có thể thấy ông Tập theo đuổi đường lối đối ngoại chủ động đầy tham vọng và có phần liều lĩnh. Tôi cho là liều lĩnh vì thực tế ông Tập cũng chưa nắm chắc được ý đồ của các nước khác. Ông Tập chỉ muốn thoát khỏi tư tưởng đối ngoại kiểu giấu mình chờ thời cơ của Đặng Tiểu Bình trước đây mà thôi.
Mục đích thực sự của nó là đặt nước Tàu vào trung tâm của các tuyến thương mại và mạng lưới truyền thông thế giới. Mặc dù ban đầu sáng kiến này được sự đón nhận nhiệt tình từ các quốc gia kém phát triển, kể cả vài nước đã và đang phát triển ở Âu châu khi những nước nầy nhìn thấy cơ hội tăng trưởng kinh tế cho nước họ thông qua dự án của Tàu. Nhưng rồi, qua thời gian rất ngắn, nhiều quốc gia trong số đó đã sớm nhận ra rằng đầu tư của Trung Quốc luôn đi kèm theo những sợi dây trói buộc về sau gây bất lợi cho nước họ nên một số quốc gia đã rút khỏi dự án của Tập. Mới đây nhất là tháng 4/2021, Australia và Tiểu bang Victoria đã chính thức hủy bỏ hợp đồng kinh tế với Trung quốc.
3-Bản vẽ đường lưỡi bò trên biển Đông
Bản vẽ đường lưỡi bò trên biển Đông của Trung hoa, xâm phạm chủ quyền biển đảo các nước Đông Nam Á là một điển hình rõ nét cho tham vọng bành trướng của Tàu trong khu vực lân cận trước khi vươn tầm ảnh hưởng ra thế giới. Việt Nam cũng đã nằm trong âm mưu Hán hóa thâm độc của các triều đại Trung hoa từ cả ngàn năm nay chứ không phải bây giờ. Vấn đề là tập đoàn đảng trị cộng sản Việt nam hiện nay hèn nhát quá nên thằng bành trướng Bắc Kinh cứ lấn lướt làm càn.
Cả ngàn năm đó, Tàu đã thấy Việt Nam là một trái đắng quyến rũ nhưng khó nuốt, khó chơi. Mặc dầu biết khó nuốt, khó chơi, nhưng vì lòng tham, vẫn nhiều lần cắn thử. Cuối cùng rồi phải nhả ra vì khó nuốt quá. Lịch sử mấy ngàn năm nay đã chứng minh điều đó.
Đừng quên. Người Hoa sống ở Chợ Lớn Việt Nam từ bao đời nay vẫn nổi tiếng với câu nói dân gian của người Sài Gòn trước 1975 “Đồ Hồng Kông bên hông Chợ Lớn”.
Lê Tấn Dương - Sept. 2021
(Đặc San Lâm Viên)
Tài liệu Tham khảo:
Nguyễn An
From Wikipedia, the Encyclopedia
1-Nguyễn An (Sino-Vietnamese 阮安; 1381 - 1453), known in Chinese as Ruan An (pinyin) or Juan An (Wade-Giles), was a Ming dynasty eunuch, architect, and hydraulics specialist between the first and fifth decades of the 15th century. Born in Sơn Tây, Vietnam, he was a repairer engineer for Thăng Long palace and was taken as tribute from Vietnam to China and later became a eunuch and architect in service to the Chinese emperors. He, along with numerous architects, such as master designers and planners Cai Xin (蔡信), Chen Gui (陳珪), and Wu Zhong (吳中), master carpenter Kuai Xiang (蒯祥), and master mason Lu Xiang (陸祥), was an important builder of the Forbidden City in Beijing.
Under the reign of the Zhengtong Emperor, Nguyen An had a role in the reconstruction of the wall of Beijing. He was also a hydraulics specialist, and was involved in at least three hydraulic projects and had a flawless record. He died in 1453.
2-Nguyễn An: The Man Who Built the Forbidden City.
3-Le Thanh Hoa, Du Mien. Vietnam: The Springhead of Eastern Cultural Civilization. Trans. Joseph M. Vo. San Jose: The Vietnam Library Publications, 2010.
4-Mote, Frederick W. & Denis Twitchett. The Cambridge History of China, Volume 7, Part 1. Cambridge: Press Syndicate of the University of Cambridge, 1988.
5-Tử Cấm Thành: Bản Di chúc của một Bạo Chúa