Lời Tác Giả (LTG): Thời gian trôi đi mau quá, mới đó mà đã năm hết Tết đến, để cùng chào đón năm Nhâm Dần 2022, mời bạn cùng tôi điểm qua vài điều thú vị về loài thú rừng này nhé.
Thời gian trôi đi mau quá, mới đó mà đã năm hết Tết đến, để cùng chào đón năm Nhâm Dần 2022, mời bạn cùng tôi điểm qua vài điều thú vị về loài thú rừng này nhé.
Con hổ hay con cọp là một loài thú khá gắn bó với đời sống xã hội, văn hóa và nghệ thuật của loài người. Trong 12 con giáp, cọp xứng đáng nhất để mang các danh hiệu như dũng mãnh, hùng cường, oai vệ... vì chúng khoẻ và dám tấn công những con thú to lớn hơn nó. Hổ được phong là chúa sơn lâm, là loài thú quý hiếm sống ở các miền núi rừng. Cũng vì thế cọp được nhiều quốc gia, đặc biệt là Việt Nam coi trọng như thần linh với các tên như “ông Ba Mươi”, "ông Hùm", "ông Mãnh"....
Chúng có trọng lượng từ 100 đến hơn 300 ký. Màu lông thường là vàng cam có vằn đen, trên ngực, cổ cũng như phần trong của bốn chân có màu trắng, cũng có khi lông cọp mang màu sắc khác như đỏ, xám, trắng hoặc đen tuyền.
Hổ nếu sống trong môi trường thiên nhiên có thể đếm tới 25 cái xuân xanh. Khi hổ 3 tuổi là khi chúng đủ lớn để giao phối và sinh sản. Thời gian cọp mẹ mang bầu từ 100 tới 108 ngày, mỗi lứa đẻ 2 đến 4 con. Con nhỏ sống với mẹ 1 tới 2 năm trước khi có thể tự đi kiếm mồi. Trung bình mỗi năm, một con hổ cần ăn khoảng 50 con nai hoặc lợn rừng. Hổ có thể nhảy cao đến 5 mét và nhảy xa hơn 6 mét. Hổ rất thích nước, chúng bơi giỏi có thể săn đuổi con mồi dưới sông. Người ta xếp cọp cùng chung giống với loài mèo, nhưng mèo nhỏ con lại sợ nước. Dòng họ hổ cũng rất gần với sư tử, nhưng hổ thường sống ở châu Á, trong khi sư tử sống ở châu Phi. Sư tử đực có bờm nổi bật, nhưng hổ đực thì không khác hổ cái bao nhiêu, không có bờm đẹp. Trong Kinh Thánh Công giáo có nhắc tới sư tử, mà không có câu nào nói đích danh tới hổ.
Tản mạn về cọp thì phải bắt đầu với câu chuyện trong văn chương. Đầu tiên mời bạn cùng đọc lại một số câu ca dao nhé:
“Tuổi Dần ông Cọp gớm ghê,
Bắt người móc họng tha về non cao".
Đàn ông tuổi Dần kinh khiếp như thế đấy, còn tử vi cho là phụ nữ tuổi dần rất cao số, hoặc nếu hung dữ sẽ bị xếp vào loại “sư tử Hà Đông” hay “cọp hai chân”. Như vậy thì cũng oan cho những người cầm tinh con cọp quá, vì tôi có quen vài chị tuổi dần nhưng rất hiền và số rất “thấp”, vượng phu ích tử.
Trong bói toán, người ta cũng hay nói “dần thân tỵ hợi tứ hành xung”, tức là những người sanh năm cọp, khỉ, rắn và heo rất kỵ rơ nhau, dễ bất hòa gây gỗ. Bây giờ mời bạn đọc tiếp nhé:
“Đồng Nai xứ sở lạ lùng,
Dưới sông sấu lội, trên giồng cọp um.”
Động từ “um” ở đây tôi không hiểu, chẳng lẽ ông bà ta “mean” um là cọp rống um…sùm! Vị nào túc nho xin giải đáp dùm nhé.
Bạn có còn thuộc câu đồng dao quen thuộc này không?:
“Bao giờ cho đến tháng ba,
Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng,
Hùm nằm cho lợn liếm lông,
Một chục quả hồng nuốt lão tám mươi….”
Để được lòng người đẹp, có ông đã từng thề độc:
“Nếu em còn ngần ngại,
Anh xin thề lại cho tường,
Đứa nào được Tấn quên Tần,
Xuống sông cọp ních, lên rừng sấu tha”.
Ngày nay không biết còn cô gái nào nhẹ dạ tin vào lời thề mà đem thân “cho không biếu không” để ôm bụng bầu nữa không. Tin đàn ông thì cũng có tin đó, nhưng không theo dõi, kiểm chứng thì dại lắm, chớ hề!
Ngoài ra còn có các câu nói lên nghịch lý ở đời: “Cáo bắt gà, cả nhà ra đuổi. Cọp bắt bò, cả nhà hốt hoảng chạy mau”. Hoặc câu “Mèo tha miếng thịt xôn xao, hùm tha con lợn thì nào thấy chi”!
"Hổ ăn chay" là chuyện không có thật, nên người ta dùng 3 chữ này để chỉ người độc ác giả bộ nhân từ, đánh lừa thiên hạ.
Ngoài giờ Tý canh Ba, giờ Dần cũng là một mốc thời gian quan trọng:
“Một năm là mấy tháng xuân,
Một ngày là mấy giờ Dần sớm mai”
Trong kho tàng văn hóa dân gian cũng còn nhiều câu khác như: “Hổ dữ không ăn thịt con”, “Rừng nào cọp nấy”, “Lỡ cưỡi lên lưng cọp”, “Con gái lấy phải chồng già, cũng bằng con lợn cọp tha vào rừng”… nói lên kinh nghiệm sống rất chí lý. Bản thân tôi cũng từng lỡ cỡi trên lưng cọp nhiều lần, bỏ thì thương, vương thì tội “tiến thoái lưỡng nan” thật là khó xử.
Khi con cái thành đạt, người ta tấm tắc “Hổ phụ sinh hổ tử” để ca tụng sự giáo dục, truyền thống của gia đình. Để khuyến khích mình đừng sợ hãi trì trệ, ông bà ta khuyên “Phải vào hang hùm mới bắt được cọp”. Khi đá banh bị hậu vệ bao vây, hay khi một mình phải chiến đấu, ông bà ta chép miệng “Mãnh Hổ Nan Địch Quần Hồ”. Nếu hai bên tài năng một chín một mười giao tranh với nhau, người ta ví là “Long Tranh Hổ Đấu”. Còn lúc được người tài giỏi cộng tác thì thành ngữ “Hổ Mọc Thêm Cánh" hoặc "Cọp Thêm Vây” được dùng. Nếu có ai lấn lướt “Làm hùm làm hổ” nhưng “Miệng hùm gan sứa” chỉ hù dọa người khác thì sẽ bị chê cười ngay. Để chỉ những kẻ vô tài bất tướng chuyên lợi dụng tiếng tăm của người khác để thủ lợi cho mình, người ta nói đó là những tên "Cáo mượn oai hùm". Ông bà mình cũng ví von “Nam thực như hổ, nữ thực như miêu” để chỉ đàn ông ăn nhiều, đàn bà ăn ít.
Trong từ điển Việt đã có những chữ bắt đầu với chữ hổ như sau: Hổ Lang nghĩa là Hùm sói, Hổ Cốt tức là xương cọp, Hổ Bì là da cọp, Hổ Huyệt là hang cọp, Hổ Bộ ý nói bộ tướng nhanh khỏe của cọp. Ngoài ra còn phải kể tới chữ xấu hổ, hổ thẹn, hổ ngươi, tủi hổ, tuy chẳng liên quan gì đến con cọp nhưng rất cần mọi người quan tâm, tự biết lỗi và sửa sai kẻo “xấu thiếp hổ chàng”, không trơ trơ vô cảm.
Bây giờ xin bàn tới truyện Kiều, mà cố thi hào Nguyễn Du cũng đã nhắc tới cọp 6 lần qua các câu: “Trướng Hùm mở giữa trung quân”. Trướng Hùm là chỉ nơi ở của Từ Hải, hùm cũng là tên khác của loài cọp. Con tôm với hai càng to là loại hải sản mắc tiền cũng được gọi là tôm hùm.
Rồi để tả tướng mạo của Từ Hải, thi hào hạ bút: “Râu hùm, hàm én, mày ngài. Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao”. Hoặc các câu “Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn”, “Kề lưng Hùm sói, gửi thân tôi đòi”, “Miệng hùm nọc rắn ở đâu chốn này”, “Bán hùm, buôn sói, chắc vào lưng đâu”, đủ để thấy con cọp ảnh hưởng nhiều trong đời sống, vì có rất nhiều con thú khác không được nhắc tên trong chuyện Kiều.
Tiếp tới trong tác phẩm Lục Vân Tiên, cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu đã kể lại việc kẻ bất nhân, phản bạn là Trịnh Hâm đã gạt người đầy tớ trung thành của Lục Vân Tiên vào rừng, trói vào gốc cây để làm mồi cho cọp. Nhưng chúa tể sơn lâm khôn linh không hại người ngay, cắn đứt dây trói giải thoát Tiểu Đồng. Chú bé này chắc hẳn đã trải qua một phen khiếp vía.
Ông bà mình cũng có nhiều câu đố, mà giải đáp là con cọp qua các câu như: "Lông vằn lông vện mắt xanh, dáng đi uyển chuyển nhe nanh tìm mồi", "Thỏ nai gặp phải hỡi ôi, Muông thú khiếp sợ tôn ngôi chúa rừng" hoặc câu "Là chúa tể, Họ nhà mèo, Gầm một lèo, Muôn loài sợ".
Người miền Nam không gọi con đầu lòng là con "cả" mà gọi là anh Hai, vì sợ đụng chạm đến ông "Cả Cọp". Ở Điện Hòn Chén xứ Huế có động thờ ông Hạ Ban, tức ông Hổ. Tại nhiều nơi, người dân quá sợ cọp nên không ai dám gọi là "con" mà phải cung kính gọi là "ông Thầy", "ông Hổ", "Hai Cọp", hoặc "Hương quản cọp". Vùng Cà Mau xưa kia là khu rừng rậm nhiều thú hoang, nên câu lục bát này đã được truyền tụng: "Cà Mau khỉ khọt trên bưng, Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um". Không hiểu lý do sao mà ông bà mình đặt tên cho nhiều địa danh bằng những chữ rất lạ. Tôi thì thích tên tỉnh Cần Thơ, vì dân xứ này hẳn thích thơ, cần thơ, là nơi thi sĩ sống được, thơ được sắp vào loại “in demand”. Còn Cà Mau thì các ông chồng chắc không thích chút nào, vì sợ quý bà cứ cà mau cái thẻ tín dụng Visa mua các đồ tốn nhiều tiền mà lại không thật sự cần thiết.
Bây giờ xin mời bạn quay lại thời Tam Quốc Chí, khi ấy nổi tiếng có tướng Triệu Vân tự là Tử Long. Ông đã từng một mình một ngựa xông pha giữa hằng vạn quân của Tào Tháo, nên được ví như "hổ vào đàn dê". Quả thế, Triệu Vân đã dũng mãnh như chúa Sơn Lâm trong “mission” bảo vệ con trai Lưu Huyền Đức là A Đẩu. Ngoài ra thời Tam Quốc Chí còn có Ngũ Hổ Tướng tạo nhiều chiến công rất nổi tiếng.
Sách vở cũng đã có nhiều truyện ngụ ngôn nói về cọp, như truyện con cọp và trí khôn loài người. Chi tiết chắc ai cũng biết rồi nên thôi khỏi nhắc lại.
Giai thoại về nữ sĩ Hồ Xuân Hương với Phạm đình Hổ tức Chiêu Hổ cũng rất thú vị. Chuyện là ngày nọ khi thấy một mình cô Hương ở nhà, ông Hổ giở trò dê xồm trêu ghẹo, liền bị cô xuất khẩu thành thi mắng:
“Anh đồ tỉnh, anh đồ say
Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày
Này này chị bảo cho mà biết
Chốn ấy hang hùm chớ mó tay”
Chiêu Hổ cũng không chịu thua họa lại:
“Này ông tỉnh, này ông say
Nay ông ghẹo nguyệt giữa ban ngày
Hang hùm ví bằng không ai mó,
Sao có hùm con bỗng chốc tay”?
Còn cảnh con cọp trong bài thơ Nhớ Rừng của thi sĩ Thế Lữ thì luôn ghi đậm nét trong mọi người, miêu tả tâm trạng bi hùng:
“Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già,
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng buồn hét núi,
Với khi thét khúc trường ca dữ dội,
Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng.
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng....”
Nhưng cuối cùng, con cọp xa rừng đã phải rống lên rằng:
“Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu”!
Nếu tuổi bạn cũng khá cao giống như tôi, tức là 6 bó trở lên, bạn có từng tiếc quãng đời xưa trẻ đã qua đi rồi không? Thời son trẻ của tôi chẳng “oanh liệt” gì cả, nên tôi vẫn tiếc và ân hận, giá mà ngày ấy…. Riêng các quân nhân trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa, khi bị Mỹ rút quân y như chuyện mới xảy ra năm nay ở Afghanistan, lúc trong tù “Cải Tạo”, lúc phải rời quê hương đi lưu vong xứ người, chắc hẳn rất thấm thía tâm trạng trong bài thơ này.
Nữ thần Durga
Bây giờ mời bạn đi một vòng châu Á nhé. Trong Ấn Độ giáo, hổ là con thú mà nữ hung thần Durga đã cỡi như ngựa để đánh lại ác quỷ Parvati. Dân Ấn tin rằng hổ có thể trấn áp được quỷ quái, vì vậy các lãnh chúa thường ngồi trên một tấm da hổ khi tiếp khách. Trẻ em nhà giàu được cho đeo răng hổ như một loại bùa phép và tăng sức mạnh. Người Campuchia cũng lấy nanh hổ đánh bóng làm vật trừ tà ma. Người Tàu ở Bắc Giang hay đeo vòng có đính móng hổ để được hộ mệnh. Râu cọp là thành phần luyện ngải của các thầy phù thủy.
Trong Phật giáo, hổ được Văn Thù Bồ Tát ngồi trên lưng. Quan Âm Diệu Thiện cũng từng được một con cọp trắng xông ra giải cứu rồi cõng đến chùa Hương. Trong kinh Dịch, bạch hổ được dùng để tượng trưng cho mùa Thu và phương Tây. Người Đại Hàn cũng đặc biệt thần phục loài hổ trắng, cho là giống vật thiêng không bao giờ hại người. Bạch hổ chỉ hung tợn với kẻ cầm quyền gây tội ác, như vậy cầu trời cho có nhiều ông Bạch Hổ xuất hiện để diệt kể ác, cứu nước cứu dân. Tại Âu Mỹ bây giờ chính trị cũng rối beng, các đảng phái cầm quyền không vì lợi ích thật sự của quốc gia mà đấu đá lẫn nhau cho sức mạnh đảng mình, thật đáng đem ra làm mồi cho cọp trắng.
Trong chuyện chưởng của Kim Dung, bộ Thần Điêu Đại Hiệp đã mô tả rất kỹ cảnh nhân vật chính Dương Qua gặp phải hai con cọp. Chúng đen tuyền từ đầu đến chân và to khoẻ chưa từng thấy. Xui thay, lúc đó Dương Qua lại không có cây gươm nào trong tay, nhưng mạng chàng họ Dương này cũng lớn, nên có một người tên là Tiểu Tương Tử bất ngờ giải cứu. Dị nhân họ Tiểu này cao lêu nghêu nhưng mạnh như thần, đã nhào ra tung chưởng làm hai con cọp đen phải nằm bẹp xuống đất đầu phục. Dương Qua cũng phải kính phục tài năng của vị cao nhân này. Trong chốn giang hồ ngày xưa hay có nhiều dị nhân xuất hiện giúp người với võ công cao cường. Ngày nay cả thế giới nhất là Việt Nam lại bị vấn nạn thiếu người tài, thiếu lãnh đạo tốt. Cầu mong sao cho vấn nạn này chấm dứt, nhiều người tài đức xuất hiện để góp phần thay đổi thế giới tốt đẹp hơn.
Dân miền quê tin là người khi bị hổ ăn thịt thì biến thành tinh của hổ, chết xong lại dẫn đường cho hổ đi bắt người thân quen, gọi là ma Trành. Người ta cũng truyền tụng câu chuyện nhiều con cọp đã thành tinh. “Tinh” ở đây còn có nghĩa đen là tinh khôn vì chúng có thể thoát khỏi các cái bẫy một cách tài tình. Tiện đang nói tới bẫy, tôi cũng xin mở ngoặc câu chuyện chú cọp nhỏ đã một lần tha mạng cho chàng chuột nhắt. Sau đó chính chú cọp này lại bị mắc bẫy, chuột con biết ơn nên gọi cả đàn tới cắn nát lưới, giúp cọp con chạy thoát. Con chuột bé tí mà biết trả ơn cách hữu hiệu, biết dùng sức mạnh đoàn kết, còn loài người chúng ta thì sao?
Bây giờ xin trở lại chuyện cọp ở Việt Nam. Tại vùng Bửu Long có sự tích của hàm Rồng hàm Hổ. Tích xưa bắt đầu khi một nhà sư đến đây lập chùa, thì liền có con cọp trắng xuất hiện. Dân làng khiếp sợ nhưng lạ thay cọp chẳng hại ai, mà còn giúp đỡ những người lên núi viếng chùa. Trên núi Bửu Long lúc đó có hai tảng đá nằm chồng lên nhau, nhìn giống như dáng con cọp đang há miệng. Con hùm trắng này thường đến nằm trên đó nên dân gọi tảng đá này là Hổ Đầu Thạch. Từ khi có cọp trắng, không loài thú dữ nào dám về quấy nhiễu dân làng nữa, người dân quý mến đặt cho bạch hổ chức Hương Cả trong làng.
Trong các buổi nhậu ngày xưa, quý ông thường uống bia tức là la-de hiệu Con Cọp rất nổi tiếng thời đó. Nếu bạn đã từng được uống la-de hiệu này, thì nay tuổi bạn cũng khá cao rồi phải không? Nếu so với Bớt-bơ-vơ (Budweiser) bây giờ, cái nào ngon hơn? Tôi thì luôn ca bài “Thăng Long hoài cổ”, cái gì thời Việt Nam Cộng Hòa, cái gì kỷ niệm ngoan hiền ngày xưa đều trân quý đặc biệt, dù biết rằng mình hơi gàn bướng. Ngoài la-de Con Cọp, nhiều thương hiệu khắp nơi trên thế giới cũng dùng hình ảnh con mãnh hổ này để quảng cáo. Phải thế chứ, chẳng lẽ lại xài hình ảnh con giun, con dế, con cung quăng bé tí xíu yếu xìu, ai thèm mua!
Về địa danh, phải kể tới đảo Hòn Cọp (Tiger Island) nằm ở ngoài khơi Cửa Việt, cách đất liền chừng 30 hải lý ngay trên vĩ tuyến 17. Tại Tiền Giang, có vùng đất miệt vườn gọi là Cù lao Ông Hổ. Những nơi nguy hiểm thì dân gian gọi là “chốn hang hùm”, khi đã bị thất thế thì bị gọi là "Hổ đồng bằng". Hổ không được ở rừng, phải sống ở đồng bằng tức là hổ trong chuồng, thì dọa được ai. Vì dũng mãnh, nên người ta cũng lấy tên Cọp mà đặt kèm cho một số loài thú khác, chẳng hạn có loại cá mập mang tên "Tiger Shark" (cá Mập Cọp) vì giống này có răng nanh to và sắc như nanh cọp. Một loại rắn độc được mang tên là rắn Hổ. Bươm bướm Jersey Tiger, Plain Tiger, Wood Tiger có tên dính với “tiger” vì hai cánh có vằn rực rỡ như lông cọp.
Tại Ngũ Hành Sơn ở Đà Nẵng có loại cây hạt tròn, tên khoa học là Tigridiest, tiếng Việt là Hổ Vĩ Thảo vì nhìn rất giống đuôi cọp.
Các vũ khúc cung đình Long Hổ Hội là điệu múa được dựa trên cơ sở tứ linh múa mình chuyển động. Trong võ thuật cổ truyền Việt Nam, có các bộ môn như Mãnh hổ xuất sơn, Hắc hổ xuyên tâm, Long hổ quyền, Phục hổ công, Mãnh hổ quyền, Hồng hổ quyền ... rất lợi hại, vì dựa theo bộ dạng của cọp khi bắt mồi, xòe móng vuốt ra chụp thì thường nạn nhân khó thoát.
Trong lịch sử, từ thời nhà Đinh sử sách có chép lại việc các vua cho nuôi hổ để giải trí và trừng phạt các phạm nhân. Chết vì bị cọp xé xác thật là một cái chết kinh khủng. Rồi đến chuyện Tả quân Lê Văn Duyệt đã cùng với sứ thần Thái Lan ngồi trên đài cao để xem các võ sĩ tử chiến với hổ. Trong các tay đấu cọp lừng danh lúc ấy có Lê Văn Khôi mình trần, tay cầm đùi heo không cần vũ khí nào khác đã đánh chết con cọp dữ dằn. Sứ thần Xiêm La tấm tắc khen ngợi, nhưng Tả Quân cho phạt Lê Văn Khôi vì ông đánh chết cọp mà không thể bắt sống. Lê Văn Khôi tạ tội, xin được thử sức lần nữa. Lần này ông cũng chiến thắng vẻ vang mà cọp không chết. Thì ra đây là cách phô trương nhân tài An Nam với võ nghệ cao cường để dằn mặt quân Xiêm, khiến họ không dám sang quấy phá nước ta.
Các võ tướng ngày xưa có ấn tín khắc đầu con hổ, gọi là hổ phù. Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cũng lấy hình ảnh cọp để vẽ nên phù hiệu của binh chủng hay đơn vị, như Biệt Động Quân mang phù hiệu đầu cọp. Phía Không Quân có phi đoàn Phi Hổ, tức là cọp bay rất oai hùng. Lực lượng đặc biệt có “Lôi hổ”. Nếu lính mà tái phạm kỷ luật nặng nề có thể bị nhốt vào “chuồng cọp”. Lính ba gai bị nhốt thì chỉ có thể nằm và bò mà thôi, không thể đứng được vì chuồng cọp chỉ mang chiều cao của …. con cọp!
Ngũ Hổ
Hình ảnh ông Hùm cũng có mặt nhiều nơi như trên các phù điêu, đền đài, lăng miếu. Đặc biệt tranh Đông Hồ và các đồ thủ công mỹ nghệ cũng không thể thiếu hình ảnh của loài mãnh thú này. Tranh vẽ được biết đến nhiều nhất là bức Ngũ Hổ với con thì đứng, con thì ngồi, con lướt gió... rất mỹ thuật. Màu sắc của 5 con cọp này là Hoàng hổ, tức là cọp vàng tượng trưng cho hành Thổ. Kế tới là Thanh hổ, tức là cọp xanh tượng trưng hành Mộc, rồi tới Bạch hổ tượng trưng hành Kim, tiếp theo là Xích hổ: Cọp đỏ tượng trưng hành Hỏa và cuối cùng là Hắc hổ: Cọp đen tượng trưng hành Thủy.
Người ta cũng ví các nước có nền kinh tế phát triển như Đài Loan, Đại Hàn, Hong Kong, Singapore trong khu vực Đông Á như bốn con rồng. Còn các nước như Mã Lai, Thái Lan, Indonesia… được ví là những con Hổ, tức là hạng nhì. Sau 1975, Việt Nam bị áp dụng chủ nghĩa Xã Hội nên đất nước “tụt hậu”, phải luồn cúi anh Ba Tàu, không biết sắp hạng mấy và nên xài cái con chi chi để ví von – Rõ chán! Nếu quê hương không rơi vào Cộng Sản, thì xứ Việt mình bây giờ đã văn minh, phát triển cỡ nào rồi, dân Việt cũng đâu phải lưu vong hết thuyền nhân tới thùng nhân. Ngày nay nhờ ngoại quốc bắt đầu can thiệp, đầu tư, nước ta bò lóp ngóp lên khá hơn xưa, nhiều người tưởng lầm là nhờ ơn Bác và Đảng nên đã bớt khổ hơn thời bao cấp. Xin nhìn kỹ lại quý vị nhé.
Sẵn đây cũng xin kể lại chuyện đức Khổng Tử khi dẫn học trò tới nước Tề, đã gặp một người đàn bà ngồi khóc thảm thiết. Thì ra bố chồng, chồng và con trai của bà đều bị hổ ăn thịt. Học trò Khổng Tử khuyên bà dọn đi chỗ khác, vì khu này rất nhiều cọp nguy hiểm. Bà trả lời dù có thú dữ nhưng quan lại nơi đây không đến nỗi quá tệ, sợ là dọn đi nơi mới có tham quan thì còn khổ hơn là nạn hổ ăn thịt nữa. Đức Khổng Tử nghe xong nói với các học trò rằng: Chính sách hà khắc còn làm hại muôn dân hơn là cọp beo. Bạn nghĩ sao về chính sách của Cộng Sản hiện nay, nhất là sau khi Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Năng Tĩnh… mới bị kết án hằng chục năm chỉ vì muốn cải tổ đất nước. Còn biết bao nhà dân chủ đã và sẽ bị đi "mò tôm" vì dám "mồm to", dám “vuốt râu hùm”, những anh hùng anh thư thời đại này thật đáng thương và đáng ca tụng.
Có người thắc mắc Đảng ta tuyên truyền rằng quân đội nhân dân Việt Nam rất anh hùng, đã đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào, thế thì tại sao họ lại sợ Trung Cộng còn hơn sợ cọp. Bạn có trả lời được không? Ngày nay, bọn cầm quyền đang nuôi những con “cọp Trung Cộng” ở khắp nước, để chúng hoành hành có khu tự trị cấm dân Việt bước vào, thật đáng buồn tủi.
Nói tới Cộng Sản, tôi cũng xin mở ngoặc lần nữa kể một câu chuyện riêng của gia đình. Chuyện là bố chồng tôi thời ấy nuôi vịt để kiếm sống, ông thường lùa đàn vịt lên vùng núi Quảng Ngãi để chúng tự kiếm ăn, chiều lùa về nhà, tiện thể kiếm củi đốt hoặc câu thêm cá. Có lần đang câu ông bị một con cọp nhảy ra định giành lấy con cá. Ông bình tĩnh cầm cứng cần câu nhìn trừng trừng vào mắt cọp, cuối cùng nó sợ bỏ đi. Theo lời ông kể, con cọp lúc đó đảo mắt nhìn kỹ cần câu bằng tầm vông rất cứng của ông, lượng định xem đó là vũ khí gì. Dám đối đầu với cọp, nhưng ông cụ lại sợ Việt Cộng hơn cả sợ cọp. Ông từng run sợ trốn vào rẫy mía khi du kích tới nhà, hoặc phải bỏ cả nhà cửa tài sản, dắt vợ con đi trốn Việt cộng mấy lần từ Trung vào Nam. Nghĩ cũng khổ, một số đông dân Việt mình năm 1954 phải bỏ miền Bắc vào Nam trốn Việt Cộng, tưởng là sẽ yên nhưng 1975 một lần nữa phải ra đi. Bây giờ ở hải ngoại nhưng bọn Việt gian, dư luận viên vẫn trà trộn vào quấy phá cộng đồng Tị Nạn, cờ Đỏ treo ở vài nơi làm xáo trộn tâm lý mọi người, do đó mình phải rất tỉnh táo và giữ vững lập trường chống Cộng.
Đầu năm đầu tháng mà cứ nói chuyện kẻ ác Cộng Sản hoài xui quá, bây giờ mời bạn điểm qua vài nhân vật nổi tiếng cầm tinh con cọp nhé. Đầu tiên phải kể tới nhà toán học Euclide sinh năm Canh Dần 330 trước Công Nguyên. Kế tới là vua Trần Thái Tông sinh năm Mậu Dần 1218. Ngô Thời Nhiệm là nhà văn đời hậu Lê - Tây Sơn sinh năm Bính Dần 1746. Đinh Công Tráng sinh năm Nhâm Dần 1842 là danh tướng kháng Pháp. Thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám được mệnh danh là “Hùm thiêng Yên Thế”. Trong lịch sử cũng có nhiều danh thần, võ tướng có tên gọi gắn với con hổ như: Phạm Bạch Hổ, Lê Như Hổ, Hoàng Đình Hổ, Tăng Bạt Hổ... Tổng thống Pháp De Gaulle sinh năm Canh Dần 1890. Bên Mỹ thì có Lady Gaga sinh năm Bính Dần 1986, là một ca sĩ nổi tiếng thế giới.
Những năm Dần đáng chú ý là năm Nhâm Dần 42, khi quân Đông Hán từ Tàu kéo sang nước ta đã bị Hai Bà Trưng chặn đánh mãnh liệt. Năm Giáp Dần 1614 là năm chữ quốc ngữ Việt Nam bắt đầu hình thành.
Sang tới lợi ích của cọp, thì trong Đông Y, tròng mắt cọp được dùng để chữa bệnh động kinh, đuôi cọp trị bệnh ngoài da, mật để chữa trẻ em bị sài đẹn. Râu cọp chấm vào răng có thể chữa cho răng bớt đau, sưng tấy, nhưng khi nghiền thành bột lại là thứ kịch độc. Người Indonesia tin rằng râu cọp có thể trị bệnh bất lực, nếu có xài thì bạn nên nghiên cứu công thức kỹ lưỡng nhé, đừng uống bột râu cọp nguyên chất kẻo chỉ cường dương ở kiếp sau! Nếu ăn phải một cụm măng rừng mà có râu cọp cắm vào sẽ bị xuất huyết bụng mà chết lần mòn. Tại Ấn Độ, mỡ cọp được dùng để chữa bệnh cùi và phong thấp. Óc cọp ăn vào bổ óc, chữa bệnh lười biếng hoặc bị khờ khạo. Chà, nếu vậy tôi cũng ước gì có một miếng để làm “booster”, chứ hai năm nay sống chung với Covid tinh thần lẫn thể xác rất xuống, vừa lười vừa chậm vừa lên cân đáng kể. Xương cọp là vị thuốc trong món cao hổ cốt rất quý, còn da thì nhồi bông để chưng bày hoặc làm các sản phẩm áo khoác, giày dép từ da: “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”. Ngày nay vì nạn săn bắn bừa bãi, số lượng cọp còn sống ở núi rừng giảm thiểu rất nhiều. Việc tìm hiểu và bảo tồn thiên nhiên cần được quan trọng hóa, kẻo cọp và nhiều giống khác chỉ còn xuất hiện trong cổ tích hay được trưng bày ở các cửa hàng mà thôi.
Khi mua cao hổ cốt, rất khó để mua được thứ thật. Chuyện lừa dối xưa nay vẫn xảy ra khắp nơi hư thật lẫn lộn. Bạn có nghe qua chuyện ông Ðạo Hổ và ông Ðạo Chuối không? Rằng thì là hai vị này ở hai bên núi, được nhiều lợi nhuận do dân chúng tin tưởng cúng dường. Ông Ðạo Hổ mỗi lần thuyết pháp đều có một con hổ nằm phủ phục dưới chân để nghe lời thày giảng. Còn vị Ðạo Chuối mỗi ngày chỉ “thọ trai” một quả chuối vào đúng ngọ, thế mà trời ban ơn lạ vẫn đỏ da thắm thịt, giọng giảng hùng hồn vang dội. Hai bên giành khách, giành tiếng tăm với nhau nên đã “phục kích” lẫn nhau, sự thật sau đó đã bị phơi bày là cọp giả và chuối giả. Thầy không những “thọ trai” mà còn “thọ gái” nữa. Vậy mình phải tỉnh táo kẻo bị lừa, vướng vào vòng mê tín dị đoan nhé.
Ngày Tết mà chơi và thắng "Bầu Cua Cá Cọp" thì hên biết mấy. Trò lắc xúc xắc này còn có nai, gà, tôm mà người ta chỉ chọn 4 tên tiêu biểu, trong đó có cọp. Đầu xuân năm nay nếu có thử thời vận lắc bầu cua cho vui, tôi sẽ đặt con cọp xem sao. Còn nếu chơi đề, khi chiêm bao thấy cọp con nên đánh ngay cặp số 98 hoặc 45. Ngủ mộng thấy hổ xám thì mua số 94 hoặc 57, còn nằm mơ thấy hổ đang ăn thịt thì chọn con số 51. Chiêm bao thấy cọp gầm thì đánh số 2 hoặc 35. Không chiêm bao mà vẫn nghe tiếng cọp gầm thì phải chi ngay ra số tiền càng lớn càng tốt, để mua quà đút lót cho bà xã bớt giận, bớt gầm thét vì mình đã lỡ làm điều gì sai. Đầu năm bàn đề cho vui vậy thôi, bạn chớ mê đề và bài bạc mà tán gia bại sản nhé.
Cũng ngộ là khi đi xem lén đá banh hay các chương trình ca nhạc, chiếu phim mà không mua vé người ta gọi là “xem cọp”. Những nụ cười ngượng ngùng không tự nhiên bị chọc quê là “cười mím chi cọp”. Khi copy bắt chước người khác thì gọi là cọp dê.
Qua tới văn chương, có cuốn sách Battle Hymn of the Tiger Mother của nữ tác giả Trung Hoa tên là Amy Chua đã gây nhiều tranh cãi. Bà viết lại việc huấn luyện 2 con gái theo kỹ luật sắt vì bà là Mẹ Cọp. Sau đó là các chương trình trên TV như show Tiger Mum của Singapore, Tiger Mom của Trung Hoa hoặc Tiger Mom Blues của Hồng Kông cũng rất nổi tiếng.
Tản mạn về cọp trong phim ảnh thì nhớ tới bộ phim xưa là Tây Du Ký. Trong phim, cảnh Đường Tăng hóa hổ là một màn quay hết sức khó khăn, vì lúc bấy giờ chưa có “animation”. Ban đầu đoàn làm phim chọn một chú hổ trong vườn bách thú, nhưng vì bị nhốt lâu năm trong chuồng nên chú không “nhập vai” được, chỉ ló đầu ra ăn rồi lại chui vào nằm ngáp. Đạo diễn cuối cùng phải mướn con cọp trong đoàn xiếc Thượng Hải, may quá đoạn phim thành tựu khá linh động.
Tài tử Châu Nhuận Phát nổi tiếng cho từ thiện rất nhiều tiền, đã đóng nhiều phim mang tên ‘hổ’ như Long Hổ Phong Vân, Giang Hổ Tinh. Đặc biệt trong phim Ngọa Hổ Tàng Long, anh đóng cùng nữ tài tử trẻ Chương Tử Di đã giành được tới 4 giải Oscar. Hàng loạt phim Mỹ như Tiger Warsaw, Tiger and the Snow, Go Tiggers, Eyes of Tiger, Dragon Tiger Gate… cũng là phim có liên hệ tới cọp thu được nhiều tiền và tiếng tăm. Cậu bé rừng xanh - The Jungle Book - là câu chuyện nói về chuyến phiêu lưu của Mowgli – một cậu bé mồ côi được đàn chó sói nuôi dưỡng trong rừng già Ấn Độ, làm bạn với cọp beo thân thiết. Sách này được làm thành phim và vẽ thành hoạt họa rất sinh động, già trẻ đều yêu thích. Life Of Pi cũng là một trong những cuốn phim về loài hổ được khán giả yêu thích. Câu chuyện xoay quanh anh chàng tên Pi đưa cả gia đình cùng những con vật trong sở thú vượt biển Canada. Trên đường đi, con tàu của anh bị nhấn chìm trong cơn bão lớn. Pi đã may mắn sống sót cùng một vài con vật như linh cẩu, ngựa vằn, chuột, đười ươi và đặc biệt là một con hổ.
Nói chuyện linh tinh nãy giờ đã dài, tôi xin kết thúc chuyện cọp ở đây. Năm nay đã là năm 2022, nhớ lúc đầu năm 2000 còn sợ hệ thống vi tính bị sai lỗi, làm mất điện nước, thức ăn, mà nay đã 22 năm rồi. Nhớ mới bắt đầu đại dịch Covid-19 phải cấm cung, làm việc tại nhà, mà nay cũng đã 2 năm trôi qua, dịch vẫn chưa hết. Thời gian cứ trôi đi vùn vụt, việc muốn làm vẫn chưa xong được bao nhiêu. Riêng với phát triển của khoa học hiện đại, ngày nay đã có xe điện, đủ thứ máy móc tự động không cần người điểu khiển, người ta có thể lên hoả tiễn bay thăm không gian dễ dàng, không biết 200 năm nữa vào năm 2222 thế giới sẽ ra sao, công nghệ sẽ làm tới những gì. Mà thôi, hiện tại còn chưa nắm vững, lo gì tới tương lai. Tôi luôn nhủ lòng phải cố gắng để chu toàn bổn phận, trong lòng luôn muốn lưu giữ các giá trị tinh thần tốt đẹp xưa cũ, không muốn các thay đổi của xã hội làm sai lệch giá trị truyền thống của tinh thần. Hổ chết để da, người ta chết để tiếng, tôi chỉ mong mình là một người bình thường, không dám mong có tiếng thơm lưu danh, chỉ mong đừng làm điều sai để con cháu chê cười, mang tiếng xấu.
Xuân mới đang đến, chúc bạn một năm Nhâm Dần thật vui, thật khỏe, giọng tốt như cọp gầm, thức ăn đầy mâm như hoàng đế, tự chế bản thân như thầy tu, chu du khắp nơi không còn Covid, luôn về tới đích trong thành công, trông mong gì thì được đó, cái gì khó cũng vượt qua, tính tình thật thà như đếm, mà nhớ đừng đếm … lộn!
Chúc Mừng Năm Mới
Nguyễn Ngọc Duy Hân
(Đặc San Lâm Viên)