main billboard



“Thánh nhân đãi kẻ khù khờ”
(Đồng daoViệt Nam)

01 ong-Antoine

Tháng 5 năm 1974 tôi từ đảo Guam ngồi chuyến bay PanAm, đường bay số 741, về Việt Nam. Ra phi trường từ 4 giờ sáng. Một giờ sau thì lên phi cơ. Hành khách đến Guam chỉ có khoảng hai mươi người, còn đi thì có mình tôi. Lên tàu bay mới thấy tổng số hành khách chỉ độ chừng 50, tất cả có vẻ người Á đông: lòng máy bay trông trống vắng lạ lùng.

Tôi ngồi ở ghế sát hông bên mặt tại phần giữa máy bay. Nhìn ra cửa sổ tròn thấy trời đang bình minh trong khi máy bay chạy ra phi đạo rồi cất cánh, trong khi hai nữ tiếp viên chỉ cho hành khách biết cách mang áo phao, xử dụng dưỡng khí khi cần, lối đào thoát ra khỏi thân máy bay khi khẩn cấp.  Mặt trời từ phía sau chiếu sáng toàn bộ cánh bên mặt của máy bay sơn màu thạch nhũ. Trông đó giống như lưỡi kiếm khổng lồ in trên nền trời xanh lơ. Khoảng hai mươi phút sau thì máy bay bình phi ở cao độ theo phòng lái thông báo là 10 ngàn bộ. Thời tiết êm, chuyến đi về nước dự trù chiếm sáu giờ.

Vào khoảng hơn 7 giờ sáng thì máy bay giảm vận tốc. Đèn báo máy bay sắp đáp. Hành khách được yêu cầu dựng ghế mình ngồi vào vị trí đứng, đẩy bàn ăn vào chỗ cũ, buộc dây an toàn, tắt máy radio nếu đang mở. Tiếng của trưởng phi cơ vang lên trong máy nội thông: “… sẽ dừng lại phi trường Quốc Tế Manila trong vòng 60 phút. Yêu cầu hành khách có nhu cầu xuống máy bay thì về lại chỗ ngồi muộn nhất là 15 phút trước giờ cất cánh...”

Bánh xe chạm sân đáp rồi máy bay chạy vào bến đậu. Tôi định theo các hành khách xuống tìm mua một vài món lưu niệm, nhưng chợt thấy có tờ báo Readers’ Digest nằm ló ra từ cái túi ở lưng chiếc ghế trước mặt, tôi ngồi lại định mở sách ra xem .

Lúc đó có độ mười phụ nữ người địa phương từ dưới chen nhau lên máy bay.  Họ chia nhau đi dọc hai hành lang dọc theo thân máy bay, từ đầu đến cuối, thu dọn giấy gói kẹo, bao thuốc lá rổng, đồ vật linh tinh cho vào sọt rác. Máy hút bụi chỉ dùng tại những nơi thật cần, không thì lao công dùng khăn giấy để lau hay chổi  để quét. Qua cửa sổ tròn, tôi nhìn xéo xuống sân đáp. Một chiếc lô bồi (lowboy), loại xe tải có cái sàn rộng và thấp. Nó đang đổ sát thân máy bay. Chung quanh lố nhố vài nam lao công. Họ lấy hành lý và hàng hóa gửi đi Phi, mang chất lên xe. Bỗng tôi thấy trong số hành lý đi Manila có chiếc va-li của tôi với cái thẻ màu vàng, trong khi thẻ hành lý và hàng hóa đi Phi thì màu xanh đậm.

Vào giờ đó, chưa ăn sáng; liệu tôi có trông gà hóa cuốc? Nhìn lại một lần nữa thì thấy màu vàng là đúng rồi, và cái hình thù của chiếc va-li đó thật…giống như cái của tôi. Giống không thôi thì có gì bảo đảm đó là của mình? Chỉ mình tôi là hành khách về Việt Nam. Nếu đó không là của tôi thì là của ai. Lòng phân vân như giòng nước tại ngả ba con sông lớn. Trong chiếc va-li đó có một ít vật dụng bạn bè nhờ tôi mua. Để nó mất đi,  khi về sẽ nói sao cho xuôi chuyện. Còn chờ hãng máy bay bồi thường thì may ra đến Tết Congo. Lại còn phải làm tờ khai, đính kèm hóa đơn hàng hóa bị mất thì mới hợp lệ. Mà hóa đơn thì tôi không giữ cái nào cả! Suy tinh lợi hại, tôi quyết định đứng lên rồi đi  kiểm tra tại chỗ.

Một cô tiếp viên người da trắng đoán tôi có vấn đề, bèn hỏi:

    ” Tôi có thể giúp ông việc gì?.”

Tôi nói tôi thấy chiếc va-li của tôi bị để lầm cho vào số hành lý đi Manila. Tôi muốn lấy nó lại.
Nghe thế,cô hỏi:

    ” Ông có chắc không?”

Tôi khẳng định với cô rồi đi ra cầu thang để xuống sân.
Lúc đó thì chiếc xe lô bồi bắt đầu chuyển bánh chạy hướng vào tầng dưới của phi cảng nằm xa chừng 50 thước. Ở tầng trên có cả hằng trăm người đưa đón người thân. Họ đứng nhìn xuống, chắc phải thấy một nữ tiếp viên hàng không dáng người Tây phương, chạy theo một ông người Á đông mà chắc chắn không ai trên đó biết chuyện gì đã xảy ra giữa hai người.

Chiếc lô bồi đi số chậm nhưng nói thật, tôi phải chạy lúp súp sau nó với khoảng cách độ 20 thước phía sau. Thình lình nghe tiếng cô tiếp viên:

    ” Trời ơi, chiếc giày của tôi!”

Nhìn lui thấy cô đang cúi xuống lượm chiếc giày của cô bị đứt dây, rồi tháo luôn chiếc còn lại, cầm ở tay, đứng lên tiếp tục chạy chân không. Tôi dừng lại chờ, lòng cảm thấy bất nhẫn. Việc của mình, chưa biết đúng sai, mà bắt người đẹp phải phóng theo, bị sút cả giày rồi chạy chân không. Nhìn lại phía trước thì chiếc xe quái quỉ đó đã chui vào tầng dưới của nhà đợi, nhìn vào thấy hun hút, ánh sáng lờ mờ. Cô tiếp viên và tôi vào theo. Cô thở không ra hơi, cố gắng nói:

    “Bây giờ ông và tôi lên quày nhận hành lý (caroussel) chờ khi thấy  nó thì ông lấy là xong.”

Trên đời có khi vì nghe lời người đẹp gặp giữa đường nhiều khi mang lụy vào thân. Nhưng ở trường hợp tôi lúc bấy giờ thì đâu còn cách nào khác hơn là bước theo cô tiếp viên duyên dáng đó.

Tại quày nhận hành lý từ Hoa Kỳ, tôi đứng lòi mắt nhìn từng cái thùng giấy, từng va-li, cái nào cũng có móc theo tấm giấy màu xanh. Cô tiếp viên đứng gần đó, môi trên cắn môi dưới, một tay sờ càm Cô hỏi tôi:

    ” Cái va-li của ông có giấy màu vàng, phải không?”

Tôi đáp bắng cử chỉ gật đầu, rồi đứng đó cho đến khi không còn cái va-li nào khác. Thế là tôi thua cuộc! Bỗng tôi nhớ anh bạn tôi trước kia có lần nói, trong đạo Công giáo có ông thánh Antoine là chủ quản việc giúp tìm lại đồ vật bị thất lạc. Nếu ai bị mất đồ đạc mà thật lòng khấn ông thì sẽ được toại nguyện. Tôi lúc đó như đang chới với trên biển động bốn bề. Còn gì nữa mà không khấn.  Tôi vái thầm:

    ” Thưa ông Antoine. Tình cảnh tôi giờ đây như thế nào thì Thánh đã biết rồi. Trong va-li tôi có những thứ tôi mua dùm cho bạn ở Việt Nam. Nếu những món đó bị mất thì tôi sẽ nói sao để không ai nghi oan tôi giữ lấy đề dùng rồi tìm cách đổ thừa này nọ. Và thiên hạ người Phi chung quanh đây nữa. Nếu tôi không tìm thấy chiếc va-li thì họ sẽ nghĩ gì về tôi, về đất nước tôi, về người Việt Nam. Một con sâu làm rầu nồi canh! Xin Thánh thương giúp. ”

Cô tiếp viên đứng bên cạnh, hai tay buông thỏng, nhìn tôi với vẻ thông cảm. Trong khi có việc khẩn, thời gian cứ như qua vùn vụt. Chỉ còn tin cậy ở ông Antoine, tôi bước tới mà chưa biết đi đâu. Bỗng cô tiếp viên lên tiếng:

    ” Giờ thì ông định đi đâu?”

Tiếng cô nói nghe như xoáy sâu vào tim, thúc vào hông tôi, gây nhức nhối. Tôi nói tôi muốn trở lại nơi chiếc lô bồi chui vào lúc ban nãy, nơi có mấy ngọn đèn ống tù mù. Cô tiếp viên nói:

    “ Ông đã đến đó rồi, phải không?”

Đúng là tôi đã đến  đó mà không thấy gì hết. Bấy giờ trở lại để làm gì! Tôi không biết để làm gì, nhưng khi tôi đã khấn thì tôi tin tôi sẽ được như nguyện. Thế là vì không thể nào đứng lì một chỗ, tôi tiếp tục đi. Cô tiếp viên nhẫn nhục theo sau. Khi đến nơi tôi vừa đến trước đó, tự nhiên như nó ai cầm tay tôi mà dẫn đến một hành lang trước mặt rồi rẽ sang trái. Đi thêm một khoảng ngắn, nhìn xuống một góc cột gần bên thì thấy chiếc va-li của tôi đang nằm chờ! Tấm thẻ màu vàng khi nãy còn mà lúc bấy giờ đã bị ai rứt đi mất [1]. Qua trực giác tôi biết nó đúng là của tôi. Nỗi mừng khiến tôi như sắp ngộp thở.

Lúc bấy giờ thì một người có vẻ nhân viên quản lý phi trường, một ông người Phi, mặt nọng, nước da bánh mật, bộ tóc dầy như chiếc mũ sắt. Tay cầm một máy radio hiệu Motorola có thòi cột ăng-teng, ông ta bương bương từ ngoài đi vào nơi hai tôi đang đứng. Hai tay chống nạnh, giọng uy quyền, hỏi lớn tiếng:

    ” Cái quái gì đang xảy ra ở đây?”

Cô tiếp viên lùi phía sau, đưa tay chỉ vào tôi. Tôi nói:

    ” Cái va-li của tôi từ Guam đi Việt Nam  bị mang lầm vào đây. Bây giờ tôi nhận lại.”
    “Tại sao nó ở đây?” ông ta hỏi tiếp, mặt hầm hầm.
    “Nó ở đây là vì….nó đang ở đây, thưa ông,” tôi nói trả.
    “Sao chắc đó là của ông?” ông ta hỏi vặn.

Lúc đó thì bên ngoài có tiếng từ bộ phóng thanh của phi cảng gọi hành khách chuyến bay 741 trở lên phi cơ. Họ gọi mặc họ. Tôi nói:

    “Tôi có chìa khóa; sẽ mở ra cho ông thấy,” vừa nói tôi vừa cho tay vào túi quần lấy chìa khóa.

Khi tôi mở khóa chiếc va-li xong thì ông ta kêu khóa lại, rồi yêu cầu tôi mang nó ra máy bay đang chờ. Một giờ đổ bến lâu hơn hạn định phải trả $500 USD tiền phạt!
Tôi nói giọng khẳng định:

    “Ai mang nó vào đây thì phải mang nó ra máy bay. Tôi là sĩ quan Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa. Quân chủng tôi qui định sĩ quan mặc quân phục khi ra đường thì không cầm vật gì ở tay mình.”

Nghe tôi nói thế, cô tiếp viên cúi xuống định nâng chiếc va-li lên để mang đi. Tôi xua tay rồi nói ông người Phi:

    “Văn hóa nước tôi có truyền thống phụ nữ không phải làm việc nặng nhọc như khuân vác. Xin ông miễn cho tôi thấy điều cấm kỵ đó ở đây.”
    “Nhưng đây là đất của Phi,” ông ta quạt lại.
    “Đúng là đất nước Phi nhưng đây là phi cảng quốc tế, và cô nữ tiếp viên với tôi là khách, thưa ông,” tôi nói dứt khoát.

Tiếng loa nhắc lại lần thứ hai yêu cầu hành khách chuyến bay 741 về chỗ ngồi. Máy bay sẽ cất cánh trong vòng 5 phút.

Người quản lý và cô tiếp viên nhìn nhau. Cô như muốn nói, “Thì ông vác nó chứ ai vào đây?” Còn lão quản lý thì như muốn nói theo kiểu bình dân Việt Nam : “Mụ nội tôi ơi! Sao phải như thế này cà!”

Thế là ông quản lý bấm máy nói, yêu cầu đài kiểm lưu giữ chuyến bay số 741 lại chờ lệnh. Ông trao cho cô tiếp viên chiếc radio của ông cho ông rảnh tay vác chiếc va-li khổ nạn đó lên vai, theo hai tôi ra phi đạo. Cô tiếp viên một tay cầm cái máy điện thoại, một tay xách đôi giày, quay nhìn tôi hỏi:

    “ Ông ưng cầm hộ máy radio hay cầm giúp tôi đôi giày?”

Cầm hai thứ đó trên hai tay thì đâu có gì trở ngại cho cô. Nhưng cô lên tiếng tức là cô muốn tôi chia xẻ với cô chút gì đó. Nhớ mình đang mặc quân phục, tôi nói:

    “ Túi áo vết của ông ta khá to. Cô bỏ máy vào đó thì tiện!”

Nghe thế cô đến gần ông quản lý phi trường, nhét cái Motorola vào túi áo vết của ông ta, rồi vỗ vỗ vào đó vài cái để bảo đảm nó đã an vị. Ông quản lý được người đẹp dùng bàn tay mỹ miều vỗ vào bụng mình, bèn nhăn mặt mà cười như cọp mếu.

Từ xa tôi thấy xe “rờ móc” (remorque) của phi trường đã kéo cầu thang lên xuống chiếc Boeing 747 ra xa. Bỗng nó ngừng, rồi đẩy thang vào chỗ cũ. Khi chúng tôi đến nơi, ông quản lý mang chiếc va-li lên máy bay, nhẹ nhàng đặt nó cạnh chiếc ghế tôi chỉ cho ông ta. Xong ông bắt tay hai chúng tôi, rồi lật đật chạy xuống thang trong khi bốn động cơ phản lực của máy bay rít lên trong không khí.  Qua ô cửa, tôi nhìn xéo xuống sân bay, thấy cầu thang được từ từ kéo ra, cạnh đó có ông quản lý vừa đi vừa kéo lưng quần lên, rồi đưa tay vuốt vuốt mái tóc....

Máy bay bắt đầu chuyển bánh. Cô tiếp viên đi vào phòng bếp mang ra một cái túi xách tay. Đến ngồi trên chiếc ghế cạnh tôi, cô lấy trong đó ra một đôi giày mới rồi mang vào chân. Trong khi lòng trí tôi đang nghĩ đến ông Antoine với lời cám ơn ông còn chưa dứt. Bỗng nghe tiếng cô tiếp viên nói bên tai như để an ủi tôi:

    “ Mất đồ tại phi cảng là chuyện thường xảy ra. Khi bay, chúng tôi phải mang theo giày dự trữ, phòng khi bị mất thì có mà mang. Tôi bị mất nhiều giày rồi, nên tôi mang giày thứ rẻ tiền như ông thấy đây. Chúng tôi có phòng nghỉ riêng trên máy bay, nhưng cũng có khi bị mất cả áo choàng, và phấn sáp.”
    “Phấn sáp? Tôi thấy nước da cô đẹp tự nhiên. Cô có dùng chúng đâu.”
    “Có chứ. Có chút ít, nên ông tưởng là không có. Phụ nữ tụi này mà ông. Làm đẹp là công việc đầu tiên trong ngày của phụ nữ ngày nay.”

Tôi nói vuốt theo:

    “Đôi giày của cô màu nâu đậm. Màu này hợp với nước da của cô. Mang nó vào, người cô tự nhiên nổi hẳn lên. Tôi nói thật đó.”

Nghe lời tâng bốc rẻ tiền, cô liền đáp lễ một câu khiến tôi cảm thấy choáng:

    “Giá chỉ có $300 USD thôi mà! Giày của Ý thường là $700 đến $1,500.”

Rồi cô tiếp:

    “ Giờ thì chúng tôi phải lo cho hành khách và phi hành đoàn ăn sáng.”

Nói thế xong, cô đứng dậy rồi đi. Quanh đấy, bao nhiêu cặp mắt hành khách chỉa về tôi,  miệng cười tủm, ý như muốn tôi kể lại việc gì đã xảy ra giữa cô tiếp viên và tôi. Nhưng có biết họ nói tiếng gì đâu mà kể.

Nhìn mục lục các tựa trong báo Readers’ Digest tôi thấy có nhiều bài hấp dẫn. Nhưng tâm trí tôi đang bị dính chặt vào vị Thánh Antoine. Ông từng là người thật, hay chỉ là một trong những vị thần Hi Lạp như Apollo, Artemis, Ares, Demeter, Hera, Poseidon, Hermes... Hay ông là một trong những vị Thần tinh (astral deities) như Phật Arahat, Bodisattva, Kannon, Amida, Hóa Sinh, Di Lặc, Dược Sư, Cổ Âm đến từ hàng triệu, hàng tỉ vũ trụ khác trong đại vũ trụ càn khôn mà trí con người không hiểu nổi? Nhưng dù sao thì rõ ràng ông Antoine có giúp tôi qua cơn lên ruột sinh tử vừa rồi. Cao điểm của sự việc là lúc đang tuyệt vọng, không hiểu sao tôi nhớ đến ông, khấn ông, rồi đưa chân bước vào cái hành lang tối tăm đó để tìm thầy ánh sánh nhiệm mầu? Những người theo thuyết vô thần hay phi thần vào hạng chính cống thì cho đó là do tình cờ. Đó là chuyện của họ, không phải của tôi.

Mấy cô tiếp viên trên máy bay mang thức ăn sáng đến từng hành khách. Riêng tôi bị bỏ quên! Hề chi! Cơn vui vừa qua đã làm tôi không thấy đói. Việt Nam không mấy xa trước mặt. Đến nơi ra phố làm bát phở tái gầu là tỉnh người ngay. Bỗng cô tiếp viên lực sĩ marathon khi nãy, bấy giờ mang hai hộp giấy bìa màu hồng đến ngồi ở chiếc ghế cạnh tôi. Cô nói:

    “ Sáng giờ ông và tôi chưa ăn gì. Giờ thì tôi mang ra đây hai phần…. dành riêng cho phi công và phi hành đoàn. Ông một, tôi một cùng ăn cho vui.”

Tôi nhận hộp thức ăn…dành riêng cho phi hành đoàn, nói cám ơn cô rồi hỏi:

    “Xin lỗi, cô tên ….?”
    “Rosalie Mae Richter, ba mẹ tôi là người Đức. Ông có thể gọi tôi là Roxy. Tôi vừa xem qua danh sách người đi Việt Nam thì biết tên ông rồi.”
    “Thưa cô Roxy, buổi sáng này tôi đã làm phiền cô đến mức khiến tôi phải ân hận đến bây giờ và còn mãi về sau.”

Cô cười, nói:

    ” Không nên thế. Bổn phận của chúng tôi là làm hành khách được vui và yên lòng khi di chuyển bằng phương tiện của hãng chúng tôi. Chuyện ban sáng thật là hi hữu. E khi tôi nói lại chuyện lạ lùng đó thì không ai tin.”

Tôi nghĩ chuyện Thánh làm thì ai hiểu nổi để mà tin, nhưng cũng gật đầu, nghe cô tiếp:

    ” Thật ra khi nghe ông nói chiếc va-li của ông bị thất lạc thì tôi chưa mấy tin. Rồi khi thấy ông chạy theo chiếc  lô bồi, không hiểu sao tôi cũng chạy theo vì e rằng ông bị lạc đường. Mà thật thì tôi cũng không biết chi về đường xá ở phi cảng này cả. Nghĩa là tôi liều mà chạy theo ông vậy thôi. Nhưng giờ mọi sự đã xong rồi. Tôi chờ giờ phút này để nói với ông thật tình chúng ta hôm nay đã gặp phép lạ mới tìm lại được cái va-li đó.”
    “Thưa cô, đúng là phép lạ. Lúc đứng ở quày nhận hành lý mà không thấy chiếc va-li của tôi, tôi đã tuyệt vọng, rồi khấn ông Thánh Antoine xin ông giúp tôi.”

Cô kêu lớn:

    “ Whoa!”

Rồi liền tiếp:

    “ Ông cũng biết Thánh Antoine nữa sao? Đúng vậy. Ai bị mất đồ đạc gì mà khấn ông thì sẽ được ông giúp. Chúng tôi còn tin Thánh Christopher là vị Thánh phù hộ người đi xa. Tôi thường đi xa nên có hình Thánh Christopher trong bóp của tôi đây này. Ngoài ra tôi còn có ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp (Mother of Perpetual Help). Tôi có đến ba cái. Tôi xin tặng ông một, nếu ông thích.”

Nghe thế, tôi liền xòe tay xin, một cử chỉ cho cô vui lòng.
Bức ảnh MHCG chỉ to bằng một nửa bàn tay người lớn. Tôi nhận bức ảnh rồi kính cẩn cho đó vào túi áo bên trái, phía trái tim. Cô nói sang đề tài khác:

    “ Còn một điều tôi muốn hỏi ông có phải phụ nữ Việt Nam đều không phải làm việc nặng nhọc, hay chỉ có một số nào thôi?”
    “ Thưa cô Roxy, trong đầu mỗi đàn ông Việt Nam nào có chút ăn học cũng nghĩ như thế cả. Chúng tôi quan niệm Thượng đế sinh ra người nữ với dụng ý riêng của Ngài là sinh sản, nuôi dạy con, và hỗ trợ tinh thần cho đàn ông trong cuộc sống hàng ngày. Trong chiến tranh giữ nước thì người nữ có quyền đầu quân nhưng  không phải ra mặt trận. Một người nữ lỡ bị thương tích hay vong mạng vì súng đạn là chuyện bất công đáng nguyền rũa. Những ai nghĩ khác thì là quyền của họ.”

Nghe tôi nói, cô cười rồi tiếp:

    “Nếu ban sáng này ông không mặc quân phục thì ông có nhận mang cái va-li của ông ra máy bay hay không?”
    “ Không, thưa cô. Tôi có là phu khuân vác phi cảng thuê làm việc cho họ đâu.”

Cô tiếp:

    “Ông có cho nghề của tôi hiện nay là nặng nhọc?”
    “Cô làm việc như đi du lịch miễn phí thì cô là tiên nữ rồi. Nặng nhọc ở chỗ nào?”
    “Như vậy thì người Việt Nam cũng văn minh lắm đó chứ. Thật ra ban sáng này tôi rất xúc động khi thấy ông biện bạch để cho tôi  không phải mang cái va-li đi trước mắt hàng nhiều trăm người đang nhìn chúng ta. Ba mẹ tôi nếu thấy tôi vác hành lý mà đi ngờ ngờ tại phi trường thì chắc buồn lắm. Tôi xin thay mặt cha mẹ tôi mà cám ơn ông lắm lắm.”

Chưa kịp nói gì thì cô thêm:

    “ Dạo này hành khách ít quá nên bếp trên máy bay còn dư đến mấy trăm gà quay. Không tiêu thụ hết trong tuần sau là phải trả lại hãng vì sấp hết hạn trong hai tuần lễ nữa. Nay mai đến New York, chúng tôi phải nhận thêm tiếp tế. Tôi là trưởng toán nữ tiếp viên ở đây. Khi đến Tân Sơn Nhất tôi biếu ông năm chục con mang về làm quà cho bà con lối xóm. Mong ông không từ chối.”
    “ Tôi nào dám từ chối cô điều gì. Nhưng làm sao tôi mang số gà đó ra bên ngoài phi cảng. Nó cồng kềnh và nặng lắm chứ! Còn nếu người của Quan thuế xét hỏi thì tôi sao có thể trả lời?”
    “ Số gà đó chỉ nặng đô trăm cân Anh, bằng hai phần ba (sức nặng của) tôi thôi mà. Nhưng ông trông tôi đâu có nặng, phải không?”
    “Đồng ý là cô không nặng. Nhưng gà quay thì nặng.”

Cô lắc đầu, vừa cười vừa nói:

    “Ông không phải lo. Sẽ có người mang số gà còn trong hộp ra đến tận xe của ông. Sĩ quan Hải Quân ra đường không được phép cầm vật gì trên tay mà. Ngoài ra chúng tôi quen với Quan thuế phi trường nơi ông sấp đến. Có chuyến nào mà chúng tôi chẳng mua giúp họ hàng từ nước ngoài. Còn báo Readers’ Digest ông chưa đọc thì tôi cũng xin chuyển ký tặng ông luôn.”

Tôi nghe thế đành nín thinh. Cô đưa cho tôi tấm thương nghiệp phiếu (business card) của cô, nói:

    “ Đây là địa chỉ và số điện thoại chung với của cha mẹ tôi tại Philadelphia. Tôi sẽ kể chuyện ông Thánh Antoine đã giúp ông ra sao cho ba mẹ tôi và bạn bè tôi nghe, được chứ? Chúng tôi theo đạo dòng từ nhiều đời.”

Tôi gật đầu đồng ý, lòng hỗ thẹn khi thấy mình không tiện cho cô biết địa chỉ nhà mình: lý do là muốn tránh phiền phức về sau. Máy bay sắp đáp. Cô đưa tôi xấp giấy khai tiền và quí kim nếu có. Kèm theo là một giấy cho hành khách quá độ Sài Gòn lưu ý. Trong đó, hàng chữ đầu tiên in màu đỏ ghi rõ ràng:” Quý hành khách lưu ý nạn cướp giựt và móc túi tại Saigon là phổ thông. Ngoài ra không nên uống bất cứ loại nước giải khác nào tại địa phương. Bệnh sốt rét và tiêu chảy cũng được báo cáo thường hoành hành—Thành thật cám ơn!”

Rồi chúng tôi bắt tay từ giã, không có cảnh ôm nhau, người này đưa tay vỗ vỗ vào vai người nọ. Tôi quay lưng đi mà sao thấy gáy mình như có cái gì đang xoáy vào nhè nhẹ, dễ thương.

Về đến sở làm, trình diện báo cáo xong công tác cho xếp nhỏ rồi xếp lớn. Sau đó thì về nhà mang số gà quay chia cho hàng xóm mỗi nhà một con dùng lấy thảo.  Thời đó ai xuất ngoại về cũng mua thuốc lá, nước hoa, hàng vải thứ thượng hạng. Mọi người thắc mắc thấy tôi chỉ mang ngần ấy gà quay nhập cảng lậu từ Mỹ về.  Thật chẳng giống ai!

Ngay buổi chiều cùng ngày, tôi gói một cặp gà quay từ trời rơi xuống và hai bánh mì loại to đến biếu ông bạn từng nói với tôi về Thánh Antoine. Đến nơi thấy ông đang ngồi chờ cơm chiều, chai bia Larue khui rồi để trước mặt với một ly cối. Nhìn gà quay và cặp bánh mì còn nóng, ông nói:
1“ Hèn gì con mắt bên trái từ giờ Thìn bỗng thinh không mà giựt giựt nhiều lần. Biết sắp có “viễn khách lai,” nhưng nào ngờ lại là  anh bạn quí của tôi. Ở bển về khi nào vậy?”
“Hồi sáng này,” rồi nói:
“ À này, anh còn nhớ có lần anh nói với tôi về ông Antoine không?”
Ông ta tròn mắt, hỏi:
“ Bị mất đồ hay đau ốm gì mà cầu ông ấy? [2]”
“Ban sáng này, lúc máy bay đáp phi trường quốc tế Manilla để cho hành khách xuống, cái va-li của tôi bị người ta lấy mang đi, kể như bị mất, nhưng nhờ Thánh giúp tìm lại được.”
Anh ta nói to:

    “Đấy, tôi đã bảo mà. Người cứng lòng nói mình tin dị đoan. Nhưng dị đoan hay không dị đoan, miễn là mình tin Thánh và Thánh giúp mình thì là tốt. Ai nói gì mặc họ. Chuyện huyền bí thì tôn giáo nào cũng có. Khác nhau là có nhiều hay ít mà thôi. Phúc cho ai không thấy mà tin. Lúc tôi nói về ông Antoine thì anh đâu tin vì chưa thấy, phải không? Bây giờ thấy rồi đó. Thượng Đế giải quyết giúp ta những vấn đề khi ta biết ta ngu dại khù khờ và đặt niềm tin nơi Ngài.  Khi ta cho rằng mình đã giỏi rồi, không cần đến Ngài nữa thì Thượng Đế không giải quyết những vấn đề của ta,  vì Ngài tin ta có thừa khả năng để tự giải quyết mọi thứ. Nhưng  cũng đừng quên rằng còn cái phúc của ông bà và của chính mình nữa nha. Đừng có ỉ vào Thánh, tiếp tục phạm đức công bình trong thiên hạ thì không được đâu.”

Thấy bà chị từ bếp bưng mâm cơm lên. Tôi đứng dậy giúp bày bát đĩa thức ăn ra bàn. Nhà chỉ hai người mà có đến ba cái chén ăn cơm với ba đôi đũa và thêm một ly cối. Nghĩ nhà đang chờ khách, tôi xin phép cáo lui. Ông chủ nhà giơ tay ngăn lại, nói:

“ Ở dùng cơm với tụi này . Đến chơi nhà mà anh làm như đi thăm bẩy không bằng. Cơm Việt Nam chỉ có thêm bát thêm đũa chớ tốn gì đâu. Cũng như mình tin theo dị đoan thì có làm con ma nào mất dù cho là một đồng xu teng.

Rồi nói như ra lệnh:

    “Ngồi xuống cái đã. Vô vài ly cho nó ấm bụng . Chuyện ông Thánh giúp ra sao để lúc nào rảnh thì kể lại cho nghe từ đầu, nghe. ”

2Ông bạn tôi là người bên lương. Thời lên tám, chín tuổi ông được cha mẹ ông gửi học trường Bà Xơ gần nhà. Mỗi ngày khi vào lớp sáng trưa gì thì học sinh cũng quỳ gối đọc kinh xin ơn trên ban trí tuệ để học bài cho thông. Đó là thói quen  cho rằng trong học vấn ở trường hay ngoài đời, bước khó khăn nhất là tập tính khiêm nhượng trước khi tiếp thu ý tưởng mới. Những kinh nhật tụng sớm hôm của Công giáo đều dạy tín hữu biết nhận mình là yếu đuối, là ngu dốt, là tội lỗi cần được có ánh sáng soi đường trong mọi việc. Lúc lớn lên thì bài học vở lòng đó mãi mãi theo ông. Cũng như những bài ca đạo như Silent Night của Joseph Mohr, Halleluia của Leonard Cohen, Ave Maria của Schubert, hay nhạc nổi danh như Serenata của Strauss, Tristesse của Chopin và những bài nhạc cổ điển Tây phương khác ông nghe hồi bé là hay hơn tất cả những bài hát ông nghe về sau. Đó là hiện tượng tâm lý phổ thông. Những gì thuộc về “cái thuở ban đầu lưu luyến đó” không ai dễ gì mà quên. Có lẽ ông được biết chuyện Thánh Antoine giúp người từ hồi đó  rồi nói lại cho tôi.   

Còn về ơn lạ giúp tôi tìm lại được  chiếc va li bị thất lạc không là hi hữu.  Tại thành phố Santa Fé, bang New Mexico, Hoa Kỳ, có nhà nguyện tên Loretta xây năm 1878 [3]. Khi xây xong thì thấy còn thiếu cây thang lên tầng thượng. Các vị nữ tu họp nhau cầu nguyện trong vòng một tuần thì sau đó có một người đến giúp thực hiện chiếc thang xong thì  biến mất. Ông thợ mộc này một mình làm công việc đó với kỷ thuật lạ lùng là chiếc thang hình xoáy ốc mà không có cột chính để giữ cho thang đứng vững cho đến ngày nay, 135 năm sau!

*****
[1] Kẻ gian rất …nhà nghề. Họ rứt bỏ tấm thẻ màu vàng để rủi có bị bắt tại trận thì nói vì va-li không có thẻ màu nên họ lấy lầm.
[2] À partir du XVII siecle, saint Antoine de Padoue fut également invoqué pour retrouver les objets perdus, puis pour recouvrer la santé, et enfin pour exaucer un vœux - Google (Từ thế kỷ thứ 17, khi vật bị thất lạc, sức khỏe bị suy yếu , người ta khấn Thánh Antoine.)
[3] Xin vào Google, gõ Loretta chapel để biết thêm.