main billboard

 

Hãy hội nhập không khí rộn ràng để đón mừng đêm Noel với nhiều điều ước...

01 tranh xmas
Trước năm 1975 nhà thơ Nhất Tuấn được biết đến nhiều qua những tập thơ "Truyện chúng mình". Thơ thuở xa xưa đầy những hình ảnh thân thương về thành phố Đà Lạt, nhất là về Mùa Giáng Sinh. Trong đời lính, khi phải rời xa Đà Lạt, từ nơi tiền đồn biên giới nhà thơ gửi lòng nhung nhớ về thành phố ngàn hoa nhân ngày cuối năm khi viết bài "Niềm tin":


"Lại một Noël nữa
Mấy mùa Giáng Sinh rồi
Anh ở đồn biên giới
Thương về một khung trời.

Chắc Đà lạt vui lắm
Mimosa nở vàng
Anh đào khoe sắc thắm
Hương ngào ngạt không gian."...


Trong suốt cả một năm thời Mùa Giáng Sinh thường là thời điểm kỳ diệu nhất với tiếng chuông nhà thờ ngân nga trong đêm vắng, với ánh nến lung linh huyền ảo và giọng thánh ca trầm bổng gợi lên những cảm xúc thanh thoát, êm đềm và thánh thiện trong lòng người. Bên giáo đường hoa mimosa Đà Lạt khoe sắc vàng tươi thắm, nhưng trong lòng nhà thơ lại chỉ nổi lên kỷ niệm buồn bã với bài "Mimosa thôi nở":


"Noël xưa anh nhớ
Khi hãy còn yêu nhau
Nhà thờ nơi cuối phố
Thấp thoáng sau ngàn dâu
Anh chờ em đi lễ
Chung dâng lời nguyện cầu
Mimosa... bừng nở
Đẹp như tình ban đầu
Đà lạt mờ trăng lạnh
Đường về ta bước mau.

Rồi anh hỏi khẽ em
Đã xin gì với Chúa
Trong đêm lễ Noël
Em lắc đầu chả nhớ
Nhưng hồng lên đôi má
Nắm tay anh đợi chờ
Trông em sao xinh quá
Và ngoan như nàng thơ."...


Một ngôi giáo đường nhỏ bé cũng lưu lại kỷ niệm một mùa Giáng Sinh với hoa anh đào khoe sắc thắm. Nhà thơ viết bài "Nhà thờ đường Cô Giang":


"Đà Lạt vào Giáng Sinh
Anh-Đào reo mở hội
Tan lễ em và anh
Đường hoa về chung lối
Họ thấy em hôn anh
Vội làm dấu Thánh Giá
Các sơ... và sư huynh
Muốn là thiên thần cả!
Em hỏi:
Họ có yêu ? ?
Anh đáp:
Khi khấn hứa,
Họ xin yêu rất nhiều
Yêu hết... con cái Chúa"...


***
Nhân mùa Giáng Sinh còn biết bao nhà thơ khác cũng đã từng... "tức cảnh mà sinh tình" rồi sáng tác ra những vần thơ lả lướt. Nhưng "thơ" thường đi với "rượu". Vì "bầu rượu" thường luôn kèm theo với cái "túi thơ" nhất là nhân mùa lễ lạc nữa. Cứ có dịp là có cái cớ để... lai rai ba sợi rồi.

Dẫn chứng điển hình nhất là nhà thơ Nguyễn Vỹ. Ông này làm một bài thơ lấy đầu đề là "Gửi Trương Tửu", dưới đầu bài ông cẩn thận ghi "Viết trong lúc say", rồi sau khi chấm dứt bài thơ, trước khi ký tên ông lại nhấn mạnh "Viết rồi hãy còn say". Nguyễn Vỹ khẳng định "chân lý" "rượu vào... thơ ra" như sau:


"Nay ta thèm rượu nhớ mong ai!
Một mình rót uống chẳng buồn say!
Trước kia hai thằng hết một nậm,
Trò chuyện dông dài mặt đỏ xẫm
Nay một mình ta, một be con:
Cạn rượu rồi thơ mới véo von!"


Người ta cũng thường nói "rượu vào lời ra". Xổ Nho là "tửu nhập ngôn xuất". Điều này quả là "chân lý". Rượu vào các nhà thơ thời vừa có "lời hay ý đẹp" ra, lại có cả "thơ" ra nữa. Nhưng rượu vào Lý Bạch, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Vỹ hay Nhất Tuấn v.v... thì ra thơ chứ vào vô số người khác lại chỉ thấy văng ra toàn những... tiếng Đức hay Đan Mạch. Tục tằn lắm!

Nhà thơ Bùi Giáng của chúng ta khi uống rượu vào thời tỏ ra rất... dễ thương như lời thơ của ông trong bài "Uống xong về ngủ chiêm bao thấy gì":


"Uống xong chén rượu nồng nàn
Về vườn nằm võng dịu dàng ngủ say"
Nhưng đôi khi nhà thơ cũng tự thú "Biến thể do rượu mà ra":
"Bình minh chưa nốc rượu vào
Lời ăn tiếng nói điệu chào hào hoa
Về sau nốc cạn ly bôi
Trở thành bê bối by lôi nghìn nghìn."


Người ta thường trách người say rượu là hay quậy phá, làm mất trật tự an ninh làng xóm. Đúng ra thì nên trách cả người bán rượu, vì có cô bán rượu mới có anh uống rượu say sưa, có người bán mới có người mua chứ! Ta hãy nghe câu ca dao:


"Còn Trời, còn nước còn non,
Còn cô bán rượu anh còn say sưa."


Với người biết uống rượu thì gặp rượu, nếu lại là thứ rượu ngon nữa ai lại nỡ chối từ. Nếu được say với rượu ngon thì lại càng hay. Rượu đào là một loại rượu ngon mà nếu được thêm người đẹp tận tay bưng chuốc tận miệng thì dù không biết uống rượu người ta cũng vẫn... say:


"Hai tay bưng chén rượu đào,
Bỏ ra thì tiếc uống vào thì say."
"Hai tay bưng chén rượu đào,
Xin mời quân tử uống vào cho say."


Các bợm nhậu khi có chút rượu vào thường hứng chí tự xưng là con Trời tức là các ông vua ở nơi trần thế vì vua tự xưng là "thiên tử". Các bợm nhậu cũng kém gì vua đâu. Ca dao có câu:


"Hiu hiu gió thổi đầu non,
Những người uống rượu là con Ngọc Hoàng."


Thi hào Nguyễn Du cũng từng đặt bút viết bài "Đối Tửu":


"Phù tọa nhàn song túy nhãn khai
Lạc hoa vô số hạ thương đài
Sinh tiền bất tận tôn trung tửu
Tử hậu thùy kiêu mộ thượng bôi
Xuân sắc tiệm thiên hoàng điểu khứ
Niên quang ám trục bạch đầu lai
Bách kỳ đãn đắc chung triêu tuý
Thế sự phù vân chân khả ai."
Xin tạm dịch thành bài thơ "Trước Chén Rượu":
"Bên song nhàn nhàn nhã mắt say
Thềm rêu hoa rụng rơi đầy biết bao
Sống không cạn hết rượu bầu
Chết rồi ai tưới rượu vào mộ đây ?
Sắc xuân đổi, chim vàng bay
Tháng năm ngầm nhuộm tóc này mãi thêm
Ước trăm năm cứ say mèm
Việc đời mây nổi triền miên gợi buồn."
(Tâm Minh dịch thơ)


Còn Cao Bá Quát có câu thơ sau gửi Đỗ Phủ (là một thi nhân nổi tiếng đời nhà Đường bên Trung Hoa). Lời thơ nghe thật là... "hoành tráng":
"Lắc bầu rượu dốc nghiêng non nước lại, chén tiếu đàm mời mọc trích tiên.
Hóng túi thơ nong hết gió trăng vào, cơn xướng họa hẹn hò Lão Đỗ."


***

Thông thường thì "rượu vào thơ ra". Thế nhưng lại có người cả đời uống rượu rồi bỗng chốc ngoảnh nhìn lại mới thấy cái tai hại của rượu chè be bét bèn ngưng uống rồi hứng chí... "mần" thơ. Trong trưòng hợp này thì "rượu ngưng vào thơ mới ra". Nếu ai đó còn không tin, xin hãy nhớ lại lời của một nhà thơ Nga lừng danh: "thơ chỉ bắt đầu khi lý trí đã im lặng".

Xin mời coi mục giải đáp tâm sự lòng thòng của tờ báo lớn của thủ đô Mỹ quốc, đó là tờ Washington Post. Một độc giả tâm sự với Ann Landers (người phụ trách mục giải đáp) đại khái rằng sau gần 40 năm xỉn lên xỉn xuống ông ta quyết định cai rượu vì thấy rượu tai hại quá. Một bạn cai rượu khác "mần" thơ và gửi tặng cho ông. Ông thấy thơ "chưa tới" nên ông nổi hứng bèn "nhuận sắc" lại và kết quả là một bài thơ "bất hủ" ra đời. Ông độc giả khoái chí với tài "mần" thơ của mình và với sáng tác văn nghệ của mình, thay vì ra tranh nhau chức vụ chủ tịch trong một hội... tao đàn hay "dzăng bút" nào đó thì ông lại khiêm tốn chỉ nghĩ cách gửi thơ của mình tới cho nhà báo để "cảnh tỉnh" các bợm nhậu khác rằng "alcohol is poison", rượu là thuốc độc.

Bài thơ như sau với tiêu đề là "Why I Drank":
"I drank to be witty - and I became a boor.
I drank to relax - and I couldn't stop my hands from shaking.
I drank to feel good - and I suffered through sickening hangovers.
I drank to be happy - and it made me depressed.
I drank to be a good dancer - and it made me stagger.
I drank to be a good conversationalist - and I couldn't pronounce my words.
I drank to be sociable - and I became angry and resentful.
I drank to help my appetite - and cheated my body of nutrition by not eating right.
I drank to be a good lover - and I couldn't perform.
I drank to show I was a man - and became a slobbering, bawling baby.
I drank to be popular - and lost my friends.
I drank to enjoy life - and contemplated suicide.
I drank for camaraderie - and drove everyone away from me.
I drank to escape - and built a prison for myself.
I drank to find peace - and I found hell."


Để chuyển ngữ bài thơ trên sang tiếng Việt ta có thể viết đại khái như sau, với tiêu đề "Tại Sao Tôi Đã Uống":


"Uống vào tưởng sẽ khôn lanh,
Ai ngờ lại biến thành anh cù lần.
Uống xả hơi tưởng khỏe thân,
Ai ngờ run rẩy tay chân thế này.
Uống mong thoải mái tốt thay,
Ai ngờ nó kéo mấy ngày ngất ngư.
Uống vào tưởng sướng như Vua,
Ai ngờ chán nản, sật sừ mãi thôi.
Uống mong nhảy nhót tuyệt vời,
Đạp chân, loạng choạng dân chơi kêu trời.
Nhờ men duyên dáng nói cười,
Miệng say lắp bắp, thốt lời chẳng ra.
Nhờ men thân thiện chan hòa,
Ai ngờ hờn giận, gần xa buồn lòng.
Nhờ đưa cay chắc ăn ngon,
Lai rai tầm bậy, héo hon thân mình.
Nhờ men thăng tiến dục tình,
Ai ngờ xuôi xị, bực mình, tào lao.
Uống cho rạng mặt anh hào,
Lòng thòng dãi chảy, ồn ào trẻ la.
Uống bình dân với phe ta,
Ngờ đâu bạn nhậu tà tà rút lui.
Rượu vào đời hưởng cuộc vui,
Cớ sao đôi lúc muốn rời thế gian.
Rượu tình, rượu nghĩa nhậu tràn,
Nhậu sao cô bác xóm làng lánh xa.
Uống mong thoát cõi ta bà,
Ai ngờ lại dựng quanh ta vách tù.
Uống mong an lạc tâm từ,
Ai ngờ địa ngục lù lù hiện ra."
(Tâm Minh dịch thơ)


Thôi thì xin tạm ngưng tán chuyện thơ thẩn và rượu chè nơi đây vì bên tai đã vang lên lời ca: "Oh, jingle bells, jingle bells... Jingle all the way" rồi kìa. Hãy lắng nghe ca khúc vui tươi. Hãy hội nhập không khí rộn ràng để đón mừng đêm Noel với nhiều điều ước. Chúc mọi người sẽ có một mùa Giáng Sinh thật an lành và hạnh phúc.