Kỷ niệm, trong tôi như là một dòng sông ký ức lặng lẽ chảy chầm chậm...
Thái Anh là bút hiệu của Quách Ngọc Ánh, cô đã có 2 bài viết. Saigon Echo nhận được bài viết thứ 3, nói về kỷ niệm thuở còn là giáo sinh Sư Phạm Sài Gòn và thời gian dạy học vùng biên. SaiGon Echo mong nhận thêm những sáng tác mới của Thái Anh.
*Thân mến tặng các Anh-Chị Cựu Giáo-Sinh SPSG / 73-75 nhất 9 nhị 15 mới biết tin nhau sau 38 năm bặt tin.
Kỷ niệm, trong tôi như là một dòng sông ký ức lặng lẽ chảy chầm chậm từ ngày tháng nầy qua ngày tháng khác, thật êm đềm và sâu lắng, có lúc tưởng như đã ngủ yên tới cuối đời. Nhưng kh ông phải thế, chỉ cần một sự kiện nào tương quan với dòng sông ký ức ấy là kỷ niệm lại bừng sống dậy ngay. Năm tôi đậu kỳ thi tốt nghiệp trung học, gọi là tú tài 2, nhưng tôi không giỏi về các môn khoa học để thi vào các trường Y Nha hay Dược khoa hoăc kỹ sư, mà tôi thi vào trường Sư phạm học 2 năm ra dạy tiểu học, thật ra thi vào chứ lúc đó tôi chưa hề có ý thích mình sẽ trở thành một cô giáo. Tôi đã thi đậu vào trường qua một kỳ thi viết.và một kỳ vấn đáp, và tôi đã trở thành một giáo sinh sư phạm. Suốt thời gian đi học có biết bao kỷ niệm vui buồn khó quên, chúng tôi đã học với những thầy cô từ người còn trẻ đến các vị lớn tuổi, người nào cũng tận tâm truyền dạy cho chúng tôi những kiến thức cùng kinh nghiệm quý báu mà các vị đã trải qua trong cuộc đời dạy học của từng người.
Qua sự nhiệt tình giảng dạy chỉ bảo của thầy cô, chúng tôi như thấm nhuần lòng nhiệt thành đó cũng hăng say học hỏi.Tôi đã trải qua hai năm học thật bổ ích và có ý nghĩa, làm hành trang sau nầy khi thực sự một mình đứng trên bục giảng, và tôi đã yêu thích nghề giáo từ lúc nào không hay. Chúng tội đã học rất nhiều môn học chuyên môn như nguồn gốc tiếng Việt, cách ráp vần, đánh vần xuôi vần ngược, đặt câu, văn phạm, ngữ pháp… đến những kiến thức tổng quát như nhạc lý, thể thao, sinh hoạt học đường; rồi còn có những buổi đi dự thính là vào lớp ngồi xem giáo viên dạy sau đó rút tỉa kinh nghiệm, hay là chính mỗi người chúng tôi cũng tự soạn bài đứng lớp dạy thật, trong khi bên dưới là bao nhiêu cặp mắt của bạn cùng học, của giáo viên phụ trách lớp , và của ngay cả giáo viên hướng dẫn chúng tôi nữa. Lúc đầu tụi tôi đứa nào cũng sợ run, nhưng rồi vài lần cũng quen đi và thấy việc lên lớp dạy không còn khó khăn nữa.
Hồi đó trường Sư Phạm Thực Hành thuộc Trung Tâm Học Liệu ở đường Trần Bình Trọng là nơi thực tập hàng ngày, năm thứ nhất chúng tôi chỉ dự thính; qua năm thứ hai mới bắt đầu đứng lớp dạy nhiều buổi; chúng tôi dạy đủ các cấp lớp và các môn học trừ lớp 5 là lớp cuối cùng của bậc tiểu học, cuối năm lớp 5 các em phải thi vào lớp 6 trường công lập; cho nên các thầy cô không dám giao lớp 5 cho giáo sinh thực tập vì sợ các em không hiểu bài cuối năm sẽ thi rớt.Tôi có một kỷ niệm thật đáng nhớ đáng yêu là hôm đó tôi có giờ dạy lớp 2 ở trường Sư Phạm Thực Hành tiết học đầu tiên viết chính tả. Sáng sớm tôi đạp xe từ nhà vào lớp thực tập ngay, chuông reo tới giờ học tôi bước vào lớp đã thấy học sinh ngồi đầy đủ, thấy tôi các em đứng lên nghiêm chào thật lễ phép, rồi em trưởng lớp hô to bắt nhịp 2, 3 , cả lớp đồng thanh hát lên thật đều “ Đây trời bao la ánh nắng mai hé đầu cành lan dần tới đồng xanh…Các em say sưa hát trọn bài“ Nắng đẹp miền Nam” của nhạc sĩ Lam Phương, một bài hát mà tôi rất thích và thuộc lòng.
Trong khi hát các em vẫn đứng nghiêm chỉnh, hát xong các em cúi đầu chào rồi ngồi xuống .Tôi nhìn từng gương mặt của các em lúc đang hát, thể hiện rõ nét ngây thơ hồn nhiên khiến lòng tôi vô cùng xúc động. Có thể các em chưa hiểu hết ý nghĩa của bài hát vì các em mới học lớp hai, nhưng để tập cho các em thuộc hết cả bài và hát đều giọng không phải là dễ, tôi thật khâm phục công khó nầy của cô giáo phụ trách lớp. Buổi thực hành hôm ấy của tôi được các bạn , giáo sư hướng dẫn và ngay cả cô giáo phụ trách lớp khen ngợi và nhận xét tốt, cho điểm cao; chẳng phải tôi là một giáo sinh xuất sắc mà vì hôm ấy tôi đã dạy các em bằng sự xúc cảm thật lòng khi nghe lại bài hát quá hay.Cho tới bây giờ mấy chục năm qua rồi nhưng mỗi khi chợt nhớ lại kỷ niệm lần thực tập đó tôi không bao giờ lãng quên.Lúc đó tôi đã tự nhủ khi ra trường dù nhiệm sở ở đâu tôi vẫn nhận mà không ngại xa xôi hay khó khăn, tôi nhất định sẽ tới với các em học sinh của tôi.
Khoá học của chúng tôi thi tốt nghiệp vào đầu năm 75, thi xong chúng tôi có rất nhiều thời gian rãnh rỗi vì các trường tiểu học cũng sắp đến kỳ nghỉ hè, chúng tôi sẽ được phân công nhiệm sở vào niên học tháng 9 năm sau. Thời gian nầy cả miền Nam đang sôi động vì chiến cuộc gia tăng mãnh liệt từng ngày, cuối cùng rồi miền Nam cũng mất vào tay những người miền Bắc, khóa Sư phạm chúng tôi là khóa cuối cùng của trường còn mang tên trường Sư phạm Sài gòn, vì sau đó người ta đã đổi tên khác cho trường. Ban lãnh đạo mới của trường đã phân nhiệm sở cho chúng tôi ra tận các tỉnh miền xa thay vì chỉ trong phạm vi 6 tỉnh miền đông Sài gòn. Một số các bạn của tôi đã bỏ trường không thấy vào lớp từ sau ngày 30/4, số còn lại có tôi được phân đi các vùng Bình tuy, Phan thiết, Phan rang ở các trường tiểu học ven biển hay ở chân núi đất đai khô cằn sỏi đá hoặc xuống tận vùng Cà mau đất mũi tận cùng tổ quốc, hay chốn cao nguyên gió núi mưa rừng.
Phần tôi và vài bạn cả nam cả nữ về một trường nhỏ ở sát bờ biển rất gần khu nước suối Vĩnh Hảo. Tôi dạy lớp 4,nam nữ học chung, các em học sinh của tôi gia đình hầu hết sống bằng nghề đi biển đánh cá, bởi thế có bữa vào lớp thấy vắng hoe, hỏi ra thì mới biết hôm ấy ghe gia đình đi biển về, các em phải phụ cha mẹ gỡ cá mang lên bờ đem bán. Dù không thích những bài dạy nặng mùi tuyên truyền của chế độ mới, nhưng tôi thương các em học sinh nhỏ của tôi, đời sống của các em dù ở chế độ nào cũng rất cơ cực, khó khăn, việc đến trường của các em không phải là điều quan trọng trong khi cha mẹ phải chạy kiếm ăn hàng ngày.
Trong lớp có em trưởng lớp là trai còn phó lớp là gái, hai em học rất giỏi, siêng năng, và chăm học. Có bữa hai em cũng nghỉ học giúp cha mẹ, nhưng khi trở lại lớp bài vở vẫn đầy đủ, tôi vẫn nhớ mãi trong đầu hình ảnh của hai em nầy, Phụng là tên em trai và Ba là tên em gái. Trường học ở sát bờ biển nên có những buổi sáng vào trường thấy bãi cát bên hông trường lầy lội nước, tôi thắc mắc hỏi các thầy cô người địa phương thì được biết đêm qua nước lớn tràn vào sát sân trường, hiện tượng nầy xảy ra rất thường tại các trường học ven biển; có khi nước còn tràn vào ướt cả các lớp học, hôm sau học sinh vào trường không học được phải về. Có đôi khi trong đêm nước triều lên cao vào sâu bờ quá, sáng hôm sau mới hay tin có nhà của em học sinh nào bị nước tràn vào làm sập mất, may là không có thiệt hại nhân mạng.
Ở vùng biển ngoài những cơn sóng to hung dữ cuốn trôi nhà cửa, còn có những nét đáng yêu của biển. Có những sáng sớm chủ nhật, trời mới mờ sáng đám nữ giáo viên chúng tôi hẹn nhau thả bộ theo vòng cong của bờ biển ra tận Phan rí cửa, chỉ khoảng 5 cây số, vừa hít thở không khí trong lành của biển vào sáng sớm, vừa nhìn cảnh người dân chài đang chuẩn bị ra khợi hay ghe cá cập bến về. Rồi có những đêm trăng sáng chúng tôi đi dạy lớp bổ túc văn hóa về, bờ biển rợp ánh trăng sáng thật nên thơ. Có những sáng chủ nhật trời nắng đẹp, cả thầy trò rủ nhau xuống biển nhặt vỏ ốc, các em đã tìm cho tôi những vỏ sò vỏ ốc biển thật lạ và đẹp, các em học sinh miền biển của tôi thật ngây thơ, chân thật, giản dị dễ thương.
Thời gian đó tôi chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ bỏ nghề và bỏ các em học sinh của tôi. Vậy mà một thầy giáo lớn tuổi người địa phương trong một lần họp mặt các thầy cô với nhau, thầy nhìn chữ ký tên của tôi và nói liền bảo đảm tôi sẽ bỏ nghề dạy học nầy không lâu đâu, lúc nghe thầy nói tôi chỉ mỉm cười không tin. Vậy mà thế đấy tôi đã bỏ trường bỏ các học sinh miền biển của tôi sau lần về thăm nhà ở Sài gòn, gia đình tôi đã liên tiếp xảy ra nhiều chuyện buồn mất mát người thân, ba tôi khuyên tôi nên ở lại nhà đừng trở ra miền trung dạy học nữa, thêm một đứa đi xa ba lo. Thương ba quá khi thấy ông lo buồn chuyện nhà, một mình ba vừa làm cha vừa làm mẹ vì mẹ tôi đã mất rồi, thế là tôi bỏ dạy mà lòng vô cùng tiếc nuối, nhớ trường, nhớ lớp, nhớ học sinh vô cùng.
Sau đó tôi đọc thư bạn tôi viết gửi về kể lúc bạn tôi được ông hiệu trưởng nhờ dạy thế lớp tôi trong khi chờ đợi giáo viên mới, ngày bạn gặp cả lớp báo tin tôi ở luôn trong Sài gòn không trở ra dạy các em nữa, có một số em đã khóc khi nghe tin nầy chứng tỏ các em đã thương mến cô giáo Sài gòn nầy rồi, các em đâu biết rằng cô giáo của các em cũng đã bật khóc khi biết tin trên. Nỗi buồn rồi cũng nguôi ngoai theo thời gian, và đúng như lời bói của ông giáo già ngày nào, tôi đã không bao giờ trở lại nghề dạy học mà làm những việc khác không liên quan chút nào đến nghề giáo.Thỉnh thoảng tôi chạnh nhớ lại lớp học ở ven biển năm xưa , không biết trong số các học sinh cũ có em nào học hành thành đạt vươn lên khỏi cái xóm chài nghèo nàn cực khổ để có một đời sống khá hơn, hay lại vì hoàn cảnh phải bỏ học giữa chừng để vẫn cưu mang cái nghiệp chài lưới bữa đói bữa no chạy cơm từng bữa, mỗi lần nghĩ đến là thấy thương tuổi thơ Việt Nam ở các vùng quê xa xôi trải qua nhiều chế độ vẫn nghèo nàn lam lũ, vẫn chân lấm tay bùn ,các em đến trường bằng muôn ngàn điều kiện thiếu thốn khó khăn.
……………………
Bẵng đi nhiều năm sau tôi đến Hoa kỳ, trước khi đi định cư, tôi vẫn mang trong đầu ý nghĩ là khi đến Mỹ sau khi ổn định cuộc sống, tôi sẽ tìm cơ hội trở lại cái nghề dạy học lúc xưa. Nhưng rồi hoàn cảnh sinh sống đưa đẩy, ngày qua ngày hai vợ chồng lo đi làm suốt, tối về ăn vội vã rồi đi ngủ lấy sức để hôm sau lại bắt đầu một ngày làm việc mới với nhiều vất vã lo toan, bên Mỹ nầy người ta phải chạy đua với thời gian nhiều quá. Tôi không tự biện hộ cho mình, vì đâu phải chỉ có mình tôi gặp khó khăn; còn có nhiếu người hoàn cảnh cũng đâu phải chỉ toàn thuận buồm xuôi gió, tục ngữ há chẳng phải đã nói “Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả, Anh hùng hào kiệt có hơn ai!”.
Tôi đã nhiều lần tự trách mình không có ý chí can đảm cương quyết vượt qua những khó khăn sẽ xảy đến cho tôi nếu tôi chọn lựa cái nghề theo ý thích của mình. Cuối cùng tuổi tôi hiện tại đã muộn cho một sự bắt đầu lại, thời gian qua đâu bao giờ chờ đợi ai!! Tôi có con và bây giờ tôi phải sống vì con, vì tương lai của con chứ không thể chỉ nghĩ cho mình hoài được nữa. Tôi đi làm ít giờ hơn, thời gian còn lại đưa đón con đi học, chăm chút miếng ăn giấc ngủ cho con. Tuổi thơ ở vùng quê nghèo Việt Nam không được sung sướng đầy đủ như tuổi thơ bên Mỹ. Lúc con tôi học cấp một, rất nhiều lần đứng ở cổng trường chờ đón con, nhìn các em vô tư chạy nhảy trong sân trường, tôi đã chạnh lòng nhớ lại mái trường ven biển năm xưa và hình ảnh các em học sinh chất phác hiền lành mỗi sáng đi bộ đến trường, nhiều em đi chân đất không có được đôi dép, quần áo có khi vá nhiều chỗ, màu áo trắng đã bạc, chiếc quần xanh cũ kỹ phai màu.
Con tôi sinh ở Mỹ nên tiếng Mỹ đối với nó như là ngôn ngữ chính. Vì không muốn con mình quên tiếng mẹ đẻ nên lúc nó bắt đầu vào lớp một trường Mỹ thì tôi cũng cho nó vào lớp một của một trường Việt ngữ tại Cali, vì thế tuy sinh trưởng ở Mỹ, sống trong môi trường giáo dục Mỹ, nhưng con tôi nói được tiếng Việt rành rẽ, đọc được các sách báo Việt ngữ và viết được tiếng Việt, tất nhiên là sẽ không thông thạo nhiều như trẻ em ở trong nước. Một số cựu giáo chức của miền Nam Việt Nam ngày trước nặng lòng với thế hệ tuổi trẻ Việt Nam ở hải ngoại, ưu tư với sự tồn tại của tiếng Việt, không muốn các em quên tiếng Việt để thành người mất gốc, nên đã tập hợp thành những trung tâm dạy Việt ngữ vào những ngày cuối tuần với thời gian học thật ít ỏi, chỉ khoảng 2 hay 3 giờ học mỗi tuần; tất cả đều phát sinh từ những tấm lòng tự nguyện với ý muốn tha thiết bảo tồn tiếng Việt không để bị mai một nơi xứ người.
Con tôi đã theo học tiếng Việt suốt mấy năm dài, dù chỉ là mỗi tuần ngày chủ nhật vài giờ. Ngày bãi trường của niên học cuối cùng, con tôi đã trình diễn độc tấu bài “Trường làng tôi”, bằng một giọng tiếng Việt rõ ràng thằng bé nói xin kính tặng bài nhạc cho tất cả các thầy cô mà nó đã học qua. Tôi đứng bên dưới sân khấu thấy rõ nét xúc động của các thầy cô con tôi đã nêu tên, chắc các quý vị đó cũng cảm thấy mãn nguyện phần nào vì đứa học trò sinh ra lớn lên ở Mỹ đã nói cám ơn thầy cô bằng chính tiếng mẹ đẻ mến yêu của nó.
Bây giờ dù đang ở Mỹ nhưng những kỷ niệm cũ suốt hai năm sư phạm, những buổi đứng lớp thực tập; rồi lúc ra trường đi dạy ở cái trường ven biển xa xôi với các em học sinh đi học bằng chân đất, quần áo đôi khi lấm lem mằn mặn mùi muối biển, tất cả vẫn in sâu trong tôi không bao giờ phai nhạt. Con tôi sắp học xong trung học, nó đang chọn lựa một ngành học khi vào đại học; không biết do sự ngẫu nhiên trùng hợp nào hay do bàn tay xếp đặt của Thượng Đế mà con tôi lại chọn ngành dạy học, môn lịch sử Mỹ ,dù khả năng học của nó có thể theo đuổi những ngành khoa học kỹ thuật để khi ra trường với mảnh bằng tốt nghiệp nó có thể tìm được việc làm không khó khăn lắm; còn với nghề giáo ở Việt Nam ngày xưa người ta vẫn ví von là nghề bán cháo phổi dù trong xã hội vốn ảnh hưởng Nho giáo từ xưa thì chữ SƯ (trong ba từ Quân-Sư-Phụ) vẫn được mọi người kính trọng, nhưng nói một cách thực tế thì lợi tức kiếm được thật khiêm nhường, cuộc sống có phần đạm bạc hơn các nghề khác. Bây giờ có quá sớm chăng khi tôi gửi chút hành trang vào đời cho con tôi bằng câu nói từ ngàn xưa “‘Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, và tận đáy lòng tôi muốn nói tiếng cám ơn con tôi đã thực hiện dùm tôi niềm mơ ước mà nửa chừng tôi đã buông bỏ.