Có nhiều học bổng nhất |
Tác Giả: Lê Tâm | |||
Thứ Ba, 17 Tháng 5 Năm 2011 09:02 | |||
Những lời khuyên từ chính các đại học Sau thời gian chờ đợi, bạn nay có giấy của đại học nhận vào học niên khóa tới, và tiếp theo đó là tập hồ sơ về trợ giúp tài chánh (financial aid). Xin chúc mừng bạn! Nhưng nếu bạn đọc đi đọc lại mà vẫn có những điều không hiểu rõ, với những từ ngữ bạn chưa từng thấy bao giờ, một loại ngôn ngữ rất xa lạ, thì bạn cũng chớ lo. Bởi vì, cũng có nhiều người khác trong hoàn cảnh tương tự. Khả năng học vấn và tham gia hoạt động ngoài lớp học Kiếm đủ tiền để theo đuổi đại học có thể là điều khó khăn nhất với nhiều bạn sinh viên. Ðiều quan trọng là bạn và gia đình bạn phải ngồi xuống xem cho kỹ là khả năng tài chánh của mình như thế nào và chọn những trường nào ở trong khả năng tài chánh đó. Nếu bạn học giỏi ở trung học (kể cả qua các kỳ thi SAT, ACT và điểm trung bình trong học bạ) và tham gia hoạt động trong cũng như ngoài trường điều đó có thể giúp bạn rất nhiều trong việc đạt được tối đa khả năng nhận trợ giúp tài chánh. Nếu đề nghị trợ giúp tài chánh của nhà trường không đủ để trang trải mọi thứ, bạn có thể tìm các nguồn tài trợ khác. Bạn có thể tìm hiểu các tổ chức trong cộng đồng mình (như các hội đồng hương), các hội giúp học sinh xuất sắc, và ngay cả các học bổng dành cho một bộ môn thể thao hoặc một thú tiêu khiển nào đó. Bạn cũng nên tìm cách liên lạc với các sinh viên đang theo học vì thường họ có lời khuyên tốt nhất dựa trên chính kinh nghiệm của mình vốn chỉ học được sau khi vào trường. (Theo Steve Loflin, sáng lập và chủ tịch National Society of Collegiate Scholars) Hãy mạnh dạn tự tìm hiểu cho chính mình Bạn đừng quá lo ngại nếu nhìn thấy một xấp giấy tờ mà không hiểu gì cả. Nhiều người khác cũng có khó khăn giống như bạn. Phần lớn các học sinh (và bậc cha mẹ) thấy tiến trình xin trợ giúp tài chánh để đi học quá phức tạp vì điều này thật sự là phức tạp! Nhưng đừng để điều này ngăn cản bạn trong việc bỏ ra thời giờ để tìm hiểu kỹ càng hơn về việc xin trợ giúp và những từ ngữ bạn sẽ gặp trong khi làm hồ sơ. Bạn có hai nguồn hỗ trợ quý giá trong nỗ lực này. Ðầu tiên là trang web của College Board, miễn phí và dễ dàng sử dụng. Bạn sẽ hiểu được tiến trình và định nghĩa của các từ ngữ sử dụng. Kế đó, bạn hãy liên lạc với các giới chức lo về trợ giúp tài chánh ở những trường bạn xin vào. Bạn đừng ngần ngại mà cứ gọi thẳng cho họ để hỏi những điều mình không biết rõ. Hãy mạnh dạn nắm thế chủ động trong tiến trình này và đừng ngồi đó chờ đợi. Bạn sẽ thấy mình ở một vị thế tốt hơn trong cả thời gian ở đại học sau này. (Theo James Montoya, phó tổng giám đốc, The College Board) Hãy nhìn số tiền hứa cho, đừng ngần ngại thương thảo Bạn hãy nhìn số tiền cho không trước hết: như học bổng, tiền tặng dữ (grants) và tiền cho dựa trên khả năng học vấn hay gia cảnh của bạn. Sau đó, nhìn tới tiền kiếm từ công việc làm trong trường (work study), kể cả những công việc ở cộng đồng có liên hệ đến nhà trường. Và sau cùng mới xem đến tiền mượn nợ: các món tiền bạn có thể mượn cùng số tiền lời bạn sẽ phải hoàn trả sau này. Một khi bạn đã được nhận vào thì trường nào cũng có ý muốn bạn vào học trong trường họ. Hãy để cho cha mẹ bạn liên lạc với văn phòng financial aid của trường. Hãy cho họ thấy rõ ràng tình hình tài chánh của gia đình bạn, kể cả những gì mới thay đổi. Hãy hỏi trường mà bạn muốn vào học nhất (first choice) cho bạn sự trợ giúp tài chánh mà một trường khác hứa hẹn dành cho bạn. Nên nhớ là khi chọn một trường để theo học phải nhìn cả ba lãnh vực là học vấn, sinh hoạt trong trường và tài chánh xem có phù hợp với mình hay không. (Theo Katherine Cohen, sáng lập và tổng giám đốc, IvyWise và ApplyWise.com) Ðể ý toàn thể số chi phí, không chỉ các món riêng lẻ Bạn phải để ý toàn thể số tiền mình phải chi ra cho việc đi học. Không chỉ nhìn số tiền học bổng mà còn phải biết những chi phí nào tính vào hóa đơn như tiền học, tiền ăn ở cũng như những số tiền bạn phải tự trả trong suốt năm học. Tùy theo địa điểm nhà trường, các chi phí cá nhân này có thể thay đổi rất nhiều. Bạn cũng nên để ý đến số tiền dành cho việc di chuyển từ trường về nhà và ngược lại. Cần biết rõ đâu là tiền cho không (grants/scholarships) và đâu là tiền nợ - vốn sẽ phải hoàn trả cùng với tiền lời. Ðối với các học bổng, bạn cần phải biết là liệu có được tái cấp hàng năm hay không và điều kiện là gì. Sau cùng, bạn cũng cần biết là không phải trường nào cũng có thể thương thảo với bạn. Có nhiều trường công lập, vì hạn chế ngân sách, không thể nào thay đổi bản đề nghị trợ giúp tài chánh trừ khi nguồn lợi tức của gia đình/cá nhân bạn có thay đổi. (Theo Stacey Kostell, giám đốc thu nhận sinh viên, Ðại Học Illinois-Urbana-Champaign)
|