Người dân biểu cô đơn của New Orleans |
Tác Giả: Giao Chỉ, San Jose | |||
Thứ Bảy, 14 Tháng 11 Năm 2009 09:10 | |||
Vì đâu nên nỗi: “Joseph Cao. Tên xấu xa bẩn thỉu, hãy cút về Saigon miền Nam Việt Nam... nơi xứ sở của bọn khốn nạn tụi bây. “ Trên đây là một trong nhiều lời phê bình bằng Anh ngữ của trang thông tin điện toán gửi cho ông Dân biểu Việt Nam duy nhất của Quốc hội Hoa Kỳ. Nguyên tác Anh ngữ còn mất dạy hơn nhiều, chúng tôi chỉ lược dịch cho nhẹ bớt. Tại sao Dân biểu Cao Quang Ánh của Lousiana lại bị sỉ vả điên cuồng như vậy ? Cuối tuần qua, ông dân biểu Việt Nam là người duy nhất thuộc đảng Cộng Hòa đã xé rào bỏ phiếu ủng hộ luật cải tổ y tế của Tổng thống Obama thuộc đảng Dân chủ. Tổng số 435 dân biểu đã họp phiên sóng gió để thông qua dự án luật HR 3962 vĩ đại hàng ngàn trang với chương trình cải tổ y tế 10 năm, chi phí hơn một ngàn tỷ Mỹ kim. Mặc dù dự án do phe dân chủ đưa ra nhưng trong số 258 ghế dân chủ chỉ có 219 dân biểu bỏ phiếu ủng hộ. Với tinh thần tự do, phóng khoáng và hơi coi thường kỷ luật đảng, đã có 39 dân biểu Dân Chủ xé rào trả lời NO với dự án luật lịch sử nhằm thay đổi toàn bộ đường lối bảo vệ sức khỏe cho 307 triệu dân Mỹ. Trong khi đó, phe Cộng Hòa bảo thủ hết sức tôn trọng đảng quy, một trăm phần trăm đảng viên gồm 176 vị bỏ phiếu chống. Trừ 1 ông dân biểu Cộng Hòa mới toanh, gốc Việt Nam. Tên Mỹ của ông là Anh’Joseph’Cao. Tên Việt Nam là Cao Quang Ánh, năm nay 42 tuổi, có vợ 2 con. Vừa mới được bầu vào quốc hội được 10 tháng, vóc dáng nhỏ bé nhất hạ viện. Tiếng nói lại còn nhỏ nhẹ hơn cả dáng người. Hình thức hết sức hiền lành, vốn là thầy tu xuất. Trông không có vẻ một chính trị gia cao cấp liên bang. Nhìn đi nhìn lại, chỉ thấy vẻ nho nhã của thầy giáo tiểu học. Ðó chính là nhân vật vào cuối năm 2008 đã được đảng Cộng Hòa tuyên dương là người hùng, biểu tượng tương lai của đảng (The Symbol of the future). Và bây giờ, sau 1 lá phiếu xé rào duy nhất, những tay Cộng Hòa bất mãn đã có ý kiến đuổi ông dân biểu anh hùng của đảng ta về lại Saigon, nơi mà ông đã theo hai chị ra đi với tư cách tỵ nạn lúc 8 tuổi. Năm đó cha còn ở tù, mẹ ở lại nuôi chồng và các em. Lạc đường vào chính trường, lạc đường vào lịch sử : Toàn thể thế giới tỵ nạn Việt Nam tại Hoa Kỳ, ai cũng nói rằng, nếu có 1 dân biểu liên bang tại thủ đô Washington thì người đó phải đến từ Orange County. New Orleans, Lousiana đời nào có được dân biểu gốc Việt. Tỷ lệ dân số Việt ở đây chưa đến 3%. Nếu có lọt vào con đường chính trị ở tiểu bang này thì cũng phải vô đảng Dân Chủ. Ðịa phương này là thế giới của Dân Chủ, mà phải là Dân Chủ da mầu. Hơn 100 năm qua, đảng Dân Chủ nhà nghèo đã trấn thủ Lousiana. Ðương kim dân biểu địa phương là ông Mỹ đen Jefferson đã ngự trị liên tiếp 9 nhiệm kỳ, hai năm bầu 1 lần, tổng cộng là 18 năm và nếu không có cơn gió ngược thì ông sẽ ở lại cho đến khi mãn chiều xế bóng. Kỳ bầu cử 2008, phe Cộng Hòa địa phương chẳng có ai màng ra tranh cử với ông Mỹ đương nhiệm, chắc như bàn thạch. Bao nhiêu năm qua, đây vẫn là tảng đá đen không nhúc nhích. Anh chàng họ Cao đóng 900 Mỹ kim cho ủy ban bầu cử để nhận tư cách ứng viên của đãng Cộng Hòa. Từ chi bộ Cộng Hòa địa phương cho đến trung ương không ai ngó ngàng gì đến anh chàng đảng viên gốc Việt to gan lớn mật. Mấy cụ già đi lễ nhà thờ buổi sáng cầu nguyện cho thầy Cao, nhưng cũng biết rằng chỉ ứng cử cho vui vậy thôi. Mình là người ngoài, qua đến Hoa Kỳ ăn gạo Mỹ hột dài là quá sức rồi. Dễ gì mà thành quan dân biểu được. Cơn bão dữ tràn đến Lousiana đã thay đổi tất cả. Văn phòng luật sư Cao bị tàn phá phải di tản rồi trở về cùng người dân New Orleans xây dựng lại. Trung ương duyệt lại cấp cho ông ứng cử viên da vàng 50 ngàn gọi là khích lệ. Trong khi đó ứng cử Cộng Hòa đơn vị bên cạnh được cấp 1 triệu Mỹ kim để tranh cử. Gần ngày bỏ phiếu, ông dân biểu đương nhiệm Jefferson bị truy tố về tội tham nhũng 100 ngàn mỹ kim. FBI còn tìm thấy100 ngàn tiền mặt dấu trong văn phòng. Kết quả trận gió ngược làm ông ứng cử viên Cộng Hòa thắng cử hơn 2000 phiếu. Với 33,132 phiếu tức 49.54% ông Cao thắng ông Jefferson 31,318 phiếu chiếm 46.83% . Thành quả gây ngạc nhiên tất cả mọi người là số tiền chi tiêu tranh cử của thầy Cao chỉ có 49,000 Mỹ kim. Tờ Washington Post tại thủ đô của phe Dân Chủ đưa hình ông Cao lên trang nhất để giới thiệu người anh hùng mới của Cộng Hòa tại Lousiana. Tờ Post viết rằng:” Với thành công ngoạn mục, Cộng Hòa lật lại thế cờ mà phe Dân Chủ da đen đã ngự trị gần 2 thập niên. Người từ đâu đến : Là con trai của 1 sỹ quan Việt Nam Cộng Hòa đi tù cộng sản sau 75. Gia đình cho 3 chị em di tản lúc Cao Quang Ánh 8 tuổi. Từ cậu bé tỵ nạn, trưởng thành trong niềm tin công giáo và thụ huấn các đại học Hoa Kỳ. Tốt nghiệp ngành triết và lấy cao học tại Fordham rồi về New Orleans dạy học. Với tinh thần hiếu học tìm cách giúp đời, ông theo học tiếp và tốt nghiệp tiến sĩ luật khoa tại đại học Loyla. Ra trường ông làm cố vấn cho tổ chức Boat People SOS và cũng tham dự vào Hội đồng cố vấn cho tổ chức các giám mục Hoa Kỳ. Trong suốt thời gian qua, thiên tai tại New Orleans đã đem luật sư Cao Quang Ánh lại gần với người dân địa phương. Ông tham dự vào nhiều công tác xã hội để có đủ nghị lực ra tranh cử dân biểu. Nhưng chính ông cũng không có nhiều hy vọng. Ông tin rằng Thiên Chúa đã cho ông cơ hội. Ngày 6/1/2009 vị dân biểu Việt Nam đầu tiên của quốc hội Mỹ đứng lên tuyên thệ để trở thành một nhà lập pháp của hạ viện Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Vợ ông là dược sĩ và ông bà đã có 2 con gái. Vị trí mong manh : Với thành quả chiến thắng hết sức may mắn, cậu bé di tản 34 năm trước đã lạc đường vào lịch sử. Chức vụ dân biểu 2 năm bầu lại 1 lần và không giới hạn nhiệm kỳ. Nếu xây dựng nền móng cho kỹ, có thể sẽ được tái cử suốt đời. Ðó là nói những tay có gốc rễ, có hậu thuẫn rất mạnh. Chuyện lật ngược thế cờ nhờ may mắn chỉ xảy ra 1 lần. Các ứng cử viên của cả 2 đảng Dân Chủ và Cộng Hòa tại New Orleans, Lousiana bây giờ không còn bất ngờ nữa. Vị trí của dân biểu họ Cao rất mong manh. Ông phải tiếp tục cầu nguyện. Ông phải vận động tranh cử ngay từ lúc vừa tuyên thệ. Ông phải sống 1 ngày 48 giờ để làm việc cho cử tri da đen, da trắng và da vàng tại địa phương. Chúng ta đọc bản dự trù công tác và thành tích 10 tháng qua thì có thể yên tâm là tất cả những gì một dân biểu gốc Việt có thể làm cho dân Việt tỵ nạn trên thế giới, ông đều ghi vào nghị trình công tác. Cho đến nay, ông đã làm nhiều hơn những gì mà lá phiếu Việt Nam nhỏ bé bỏ cho ông. Ông cũng đã làm nhiều hơn số tiền quyên góp của bà con dành cho quỹ tranh cử. Nhưng lần này không phải chỉ cần $50,000 Mỹ kim. Phải có một triệu và $50,000 Mỹ kim, nếu chúng ta muốn giữ lại 1 dân biểu không phải cho riêng New Orleans mà cho cả cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là dân biểu Cao phải có võ riêng của ông. Xé rào Cộng hòa, dùng lá phiếu duy nhất của con Voi, đem trao tặng cho con Lừa nên ông bị thiên hạ gọi là đồ con Bò. Vì tên ông Cao dễ bị đọc nhầm thành Cow. Một cách nhẹ nhàng, ông xin nhà báo đừng mất công hỏi cách đọc tên ông cho đúng. “Xin gọi tôi là Joseph.” Rồi ông Joseph của chúng ta đã đi thế võ hết sức lăng ba vi bộ, liều lĩnh một cách có tính toán. Cậu Cao Quang Ánh 8 tuổi vào năm di tản 75 ngày nay đã nói gì với báo chí Hoa Kỳ: “ Tôi đã đọc bản dự luật. Tôi lắng nghe vô số câu chuyện của cử tri Orleans. Ða số dân ở đây không có bảo hiểm sức khỏe. Lousiana cần mở rộng bảo hiểm sức khỏe cho người già và trẻ em. Tôi luôn luôn nói rằng đành phải bỏ các đòi hỏi của đảng qua 1 bên khi phục vụ cho dân chúng. Tôi đã nhận được sự cam kết của tổng thống Obama sẽ giải quyết những khó khăn liên quan vấn đề bảo hiểm sức khỏe của người dân Lousiana, bao gồm cả việc tài trợ dành cho nạn nhân thiên tai. Lá phiếu của tôi đêm nay căn cứ vào những ưu tiên phục vụ hữu hiệu cho người dân của tôi“ Ðó là lý do đảng viên Cộng Hòa bỏ phiếu cho phe Dân Chủ chỉ nhằm phục vụ cho cử tri tại địa phương. Ván bài duy nhất, trong một cơ hội duy nhất để ông dân biểu ra tay là vấn đề bảo hiểm sức khỏe sẽ dành cho mọi người. Ông đã chọn đúng lúc để bầy tỏ thái độ bằng một lá phiếu. Tất cả báo chí, TV Hoa Kỳ chiếu đèn vào dân biểu Cao. Phần lớn muốn biết rỏ ông đã nghĩ gì với lá phiếu can đảm và ngoạn mục của ông. Với thái độ mềm mỏng và hiền lành cố hữu, khi được nhà báo hỏi là ông có bị đảng Cộng hòa làm khó dễ không, ông đã trả lời là không thấy gì. Mọi người vẫn tôn trọng ý kiến của tôi. Hỏi rằng có bị cắt ngân khoản hay các công việc yểm trợ không. Dân biểu Joseph trả lời là cũng không thấy gì cả. Mọi thứ vẫn như thường. Trên thực tế thì ông đang bị mệt với đảng Cộng Hòa. Ngay từ khi bước chân vào hạ viện, ông đã là một dân biểu cô đơn. Ðứa bé đi tìm tự do lúc 8 tuổi, suốt đời cũng chỉ có một mình. Năm nay, 42 tuổi vác thánh giá lạc bước vào chính trường, hình như ông vẫn cô đơn. Dù đọc được rất nhiều ý kiến tán thưởng hành động can đảm khi ông đơn phương bỏ phiếu theo lương tâm chứ không theo lệnh đảng, nhưng ai cũng lo ngại rằng ông khó tồn tại khi mới bước vào chính trị đã sớm đi ra ngoài khuôn phép. Riêng phần Joseph, với tinh thần tôn giáo mạnh mẽ, ông rất quan tâm đến việc bảo vệ thai nhi. Ông chỉ yên tâm bỏ phiếu thuận cho dự luật HR 3962 sau khi quốc hội thông qua tu chính án cấm dùng tiền của liên bang để tài trợ việc phá thai. Lá phiếu lịch sử. Thật ra, với kết quả sai biệt 5 lá phiếu thì lá phiếu thứ 5 của ông Cao là lá phiếu duy nhất của đảng Cộng Hòa sẽ là 1 lá phiếu lịch sử. Tổng thống Obama về Lousiana nói chuyện đã lịch sự giới thiệu vợ chồng dân biểu Cao với cử tọa và khen con gái của ông xinh đẹp. Trong khi toàn đảng Cộng Hòa suốt 6 tháng chống đối dự luật của Tổng thống Dân Chủ thì hình ảnh xé rào của 1 ông dân biểu da vàng, rất ngây thơ vô tội là hình ảnh rất đặc thù của bức tranh chính trị tại Hoa Thịnh Ðốn. Với thế võ xé rào xem như cung đàn lạc điệu của 1 thầy tu xuất Việt Nam tại New Orleans có thể hy vọng làm cho cả đảng Cộng hòa và Dân chủ đều phải giữ lại cho ông cái ghế đang ở thế mong manh. Nhưng mà niềm hy vọng này cũng lại rất mong manh. Ðiều quan trọng nhất là làm sao cho cử tri Lousiana sớm được nhận phúc lợi của chính phủ liên bang. Từ 1 dân biểu vô danh gốc Việt, ông Cao ngày nay có thể đặt vấn đề với cả 2 phe Dân Chủ và Cộng Hòa, và có thể tìm thấy sự yểm trợ từ tổng thống của Hiệp chủng Quốc Hoa Kỳ. Ông Obama có thể không muốn mất liên lạc với vị dân biểu duy nhất Việt Nam mang màu áo Cộng Hòa bỏ phiếu cho Health Care Bill HR 3962. Thái độ của đảng Cộng Hòa dành cho ông vào kỳ tranh cử 2010 sau vụ bỏ phiếu này cũng còn là một ẩn số. Sẽ có thêm ứng cử viên mới của cả Cộng Hòa lẫn Dân Chủ. Và trận đấu sẽ rất gay go. Hero or Villain Trong một bài tường thuật bằng Anh ngữ dưới tựa đề Hero or Villain, bà Jackie Bong-Wright đã tiết lộ giây phút bỏ phiếu rất thú vị. Cho đến giờ chót, phe Cộng Hòa vẫn chưa biết chắc lá phiếu của Joseph sẽ đi về đâu. Dân biểu Eric Canton (R.VA) nhân vật số 2 của đảng Cộng Hòa ngồi cạnh ông Cao và tiếp tục thuyết phục. Hai người vừa nói chuyện vừa theo dõi kết quả bỏ phiếu tại hạ viện. Khi phe Dân Chủ đạt được gần số phiếu thắng lợi, ông Cao là một trong 5 phiếu sau cùng. Joseph Cao trả lời Yea đã gây ngạc nhiên cho cả nghị trường. Dân biểu Cộng Hòa Cantor lập tức bỏ đi, trong khi dân biểu Mike Honda (D.San Jose CA.) chạy lại bắt tay và chào mừng Joseph. Ông Cao cho biết đã bỏ phiếu theo lương tâm và vì người dân Lousiana, dù có thể lá phiếu này sẽ chấm dứt sự nghiệp chính trị của ông qua một nhiệm kỳ ngắn ngủi. HR 3962 : Dự luật mà dân biểu Cao đã xé rào ủng hộ ông Obama là 1 đạo luật hiện còn chờ thượng viện thông qua sẽ trở thành 1 dấu mốc của lịch sử. Thế giới hiện nay cho rằng siêu cường Hoa kỳ là 1 quốc gia lạc hậu nhất về bảo hiểm y tế. Nước Mỹ vẫn có 50 triệu dân không có bảo hiểm sức khỏe. Lý do tại sao. Phần lớn là không đủ sức đóng và đành thả trôi như lục bình. Khi nào nặng thì vào khu cấp cứu để các bệnh viện công cố gắng chữa và đòi tiền chính phủ. Hệ thống hành chánh với vấn nạn ngân sách xã hội cứ rối tung lên, không biết đằng nào mà mò. Ngay từ đầu năm 1970, thượng nghị sĩ Ted Kennedy đã báo động về việc cải tổ. Cho đến nay ông đã qua đời gần 40 năm sau, nước Mỹ chưa có được 1 bộ luật bảo hiểm y tế cho rõ ràng. Tám năm cầm quyền của dòng họ Clinton, bà đệ nhất phu nhân định mở đường lịch sử nhưng thất bại. Tám năm của dòng họ Bush không đi đến đâu. Tiền đóng bảo hiểm của người Mỹ nhiều hơn dân Canada 10 lần. Tại Hoa Kỳ, từ bệnh nhân cho đến thầy thuốc qua các hãng bảo hiểm, qua các nhà thương và tất cả các dịch vụ liên quan đến y tế đều đồng tâm hiệp lực đua nhau làm cho giá thành của công cuộc bảo hiểm y tế lên cao. Ðể có được bảo hiểm y tế, người dân Mỹ phải chi ra mỗi tháng từ $500 đến $1000 mỹ kim cho một gia đình. Dù rằng dự luật mới sẽ không phải là 1 phép lạ giải quyết ngay mọi khó khăn một lần, nhưng xem ra đây chỉ mới là bước đầu. Trên 50% người Mỹ lợi tức thấp tại Lousiana không có bảo hiểm y tế trong nhiều thập niên qua. Nếu mọi chuyện xẩy ra cứ như thật thì tương lai, cử tri vùng New Orleans sẽ có được các chương trình bảo hiểm y tế căn bản. Ðó là điều mà các dân biểu của thập niên 70, 80 và 90 đã hứa hẹn nhưng không làm được. Phải chờ cậu bé tỵ nạn da vàng gặp may trở thành dân biểu mới đem lại những tờ giấy đi khám bệnh miễn phí khi nhân loại bước chân vào thập niên 2010. Ðó cũng là niềm hãnh diện để các bà già Việt Nam bàn tán trong lúc bán rau buổi sáng ở chợ chồm hổm New Orleans, trước khi về nhà chuẩn bị đi xem lễ buổi chiều. Năm 2010 ghi dấu 35 năm nhìn lại công việc định cư của người Việt tại Hoa Kỳ. Duyên may từ ông trời đã đưa vị dân biểu Việt Nam vào quốc hội. Cậu bé di cư 8 tuổi năm 75, ngày nay đóng vai lữ khách cô đơn nhưng hãnh diện trong chính trường Hoa thịnh Ðốn. Thưa quý vị, chúng ta có thể làm được gì để giữ lại lâu dài niềm hãnh diện Việt Nam “nhỏ bé” tại New Orleans. Xin liên lạc về văn phòng IRCC, Inc.địa chỉ : 1445 Koll Circle, #110 San Jose, CA. 95112. Ðiện thoại : ( 408 ) 392 9923 Email: This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it
|