Mừng mà không vui |
Tác Giả: Bùi Trọng Liễu | |||
Thứ Ba, 05 Tháng 1 Năm 2010 13:40 | |||
Từ một thời gian nay, báo chí thường đăng những thông in về sự thành đạt của người (gốc) Việt Nam ở nước ngoài. Sự thành đạt này ở nhiều lĩnh vực. Tôi đặc biệt chú ý tới lĩnh vục giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, là lĩnh vực nghề cũ của tôi. Chức vụ lớn cũng có, giải thưởng khoa học to nhỏ cũng có, học hành thành công cũng có, càng ngày càng nhiều. Vì vậy mà tôi mừng : mừng cho các đương sự, mà cũng mừng vì nhận xét rằng người gốc Việt Nam cũng có thể thành công « như ai ». Nhưng tôi lại không vui, vì nghĩ tới gốc của vấn đề, qua tích « Quất chua », thời Chiến quốc bên Tàu (1) – mà tôi đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần, thí dụ như trong cuốn sách « Chung quanh việc Học » của tôi, nxb Thanh Niên, 2004, cũng có trên trang mạng của tôi http://www.buitrong lieu.net: Án Tử nước Tề, đi sứ sang nước Sở. Vua Sở muốn làm nhục, sai lính giả trói người mang đến trước tiệc ; lính thưa rằng đó là người Tề ngụ cư ở Sở, vì ăn trộm nên bị bắt. Vua Sở bảo Án Tử: « Người Tề hay trộm cắp lắm nhỉ ». Án Tử đứng dậy thưa rằng: « Quất ở đất Hoài Nam là quất ngọt, đem sang giồng ở Hoài Bắc thì thành quất chua; người Tề ở Tề thì lương thiện, sang Sở thì thành trộm cắp, thế là tại thuỷ thổ mà biến ra ». Vua Sở đành khen Án Tử là người có tài đối đáp, vua Sở định đùa để hạ nhục, mà chính vua Sở lại bị thua trong cuộc đấu lý này. Suy rộng câu trả lời của Án Tử, thì hiểu rằng : trái với lý luận của tư tưởng kỳ thị chủng tộc, vấn đề khung cảnh/môi trường mới là quan trọng, chứ vấn đề giống nòi, huyết thống, màu da, thậm chí có người nêu chuyện… di truyền (« gien »), là thứ yếu. Vậy thì người Việt Nam, khi ở trong nước, việc học và việc làm khi vào đời, không/chưa đạt, mà khi ra nước ngoài thì lại thành công, phải chăng cũng là do việc tổ chức giáo dục đào tạo và cách sử dụng người của xứ sở người ta tốt hơn, chứ đâu chỉ do tài của người Việt Nam! Trở lại chuyện mừng. Tôi mừng vì – (loại trừ một số trường hợp cá biệt) – thấy sự thành đạt càng ngày càng nhiều của mấy thế hệ trẻ là có thật, khác với mấy thế hệ trước, phần thì do điều kiện bản thân, phần thì do luật lệ nơi định cư trước kia chặt chẽ khép kín hơn (2). Hình như sự tiếm xưng, ngộ nhận, khoe mẽ, thành tích ảo, tuy vẫn tồn tại, nhưng có giảm phần nào (3). Nhưng tôi vẫn không vui vì : Học nhờ, sống nhờ, làm việc nhờ; đâu có phải hoàn toàn tự mình, tự người mình, tự nước mình; vậy thì sao lại « gáy » (4) dữ thế ? Đương sự « gáy » chưa đủ, một số báo, truyền thông, lại phụ họa « gáy » thêm! Lại dẫn chuyện Án Tử (mà tôi đã có dịp nhắc nhiều lần, thí dụ như bài “Vênh váo” đăng trong báo Đoàn Kết, số 405, 1988, cũng có trong cuốn sách «Tự sự » của tôi, nxb Đại học Quốc gia Hà Nội 2005, cũng có trên trang mạng của tôi http://www.buitrong lieu.net): Án Tử làm tướng quốc nước Tề, có người đánh xe rất tự đắc. Vợ người đánh xe xin bỏ ra đi, không chung sống nữa. Chồng ngạc nhiên hỏi tại sao. Người vợ trả lời rằng: “Quan tướng quốc [Án Tử] quyền cao chức trọng, danh tiếng lẫy lừng, thân hình thì nhỏ bé, thái độ thì khiêm tốn; còn anh thì cao lớn vạm vỡ, làm người hầu đánh xe, mà luôn luôn vênh váo; tôi thấy xấu hổ, nên xin đi, không ở chung nữa”. Người chồng biết thẹn, từ đó nén mình. Án Tử hỏi biết chuyện, cho là người biết phục thiện, cất nhắc lên làm quan đại phu... Thuở đó, khi nhắc lại chuyện này (5), tôi có luận như sau: Tôi cũng không vui khi nghĩ rằng quan chức Việt Nam không thể không biết những bất cập trong xã hội nói chung, trong giáo dục đào tạo, trong khoa học, nói riêng. Đã giải thích mãi rồi, đến người ù lì cũng còn có thể hiểu, huống hồ mấy quan chức này đâu có kém thông minh. Biết mà không sửa, tất nhiên có lý do. Phải chăng vì bị ràng buộc bởi những gì đó, thí dụ như ràng buộc với những nhóm quyền lợi? Chính người mình, trong và ngoài nước, đã cảnh báo nhiều rồi và đã nói trong nhiều năm. Và kinh nghiệm nước khác người ta làm như thế nào, thì cũng đã quá rõ, đâu có phải là thiếu thông tin. Cho nên tôi xin dẫn câu của một tác giả Việt Nam đầu thế kỉ thế kỉ 20 (khi luận về việc không chịu canh tân, để đến nỗi mất nước hồi thế kỉ 19): « Không hiểu tình thế ngoại quốc mà không theo [việc canh tân], lỗi ấy còn là lỗi nhỏ; đã hiểu tình thế ngoại quốc mà không chịu theo, lỗi ấy mới là lỗi to ». Tôi là kẻ định cư và yên phận đã lâu ở nước ngoài, sao lại còn bàn chuyện mừng hay không ? Có lẽ chỉ vì : Bùi Trọng Liễu, Chú thích: (1) Từ khoảng thế kỉ thứ 5 trước Công nguyên đến khoảng năm 221 trước Công nguyên, khi Tần Thủy hoàng thống nhất Trung quốc. (2) Lấy thí dụ nước Pháp, nơi tôi định cư. Vào khoảng những năm cuối thập niên 40,đầu thập niên 50 của thế kỉ 20, cuộc sống của đa số Việt kiều ở Pháp rất là cơ cực. Ngoại trừ những con em gia đình thật khá giả, một số gia đình gửi được con đi Pháp du học tự túc thuở ấy, là nhờ ở việc đổi tiền. Nhờ sự buôn tiền này mà một số gia đình vốn nghèo hay đã khánh kiệt, gửi được con sang Pháp học : vì hàng tháng mỗi người (thường dân) chỉ được chuyển một số tiền giới hạn, có những nhà nghèo huy động cả gia đình họ hàng gửi hộ tiền cho nhà giàu (bằng bưu phiếu, mandat-poste) , rồi được trả lãi và dùng cái tiền lãi đó mà gửi cho con em mình du học ở Pháp sống. (Tôi có kể chi tiết trong một chú thích của bài « Cố nhân » http://www.diendan. org/nhung- con-nguoi/ co-nhan/, và toàn bản trong cuốn sách « Học một sàng khôn » của tôi, nxb Tri thức 2007, cũng có trên mạng http://www.buitrong lieu.net). Thuở ấy, những du học sinh sống bằng cách này cơ cực lắm ; có cảnh sống chung năm, sáu người trong một buồng trọ – thuở ấy ở Pháp còn đầy dãy những khách sạn cho thuê phòng ngủ hàng tháng, không có nước ; vòi nước và cầu tiêu chung ở cầu thang ; có khi mùa rét không có sưởi – ăn uống rất kham khổ, một tuần mới đi tắm gội một lần ở các hiệu tắm công cộng lúc đó còn tồn tại. Nghèo đến cái mức đi thi còn có trường hợp không có đồng hồ đeo tay, phải mang theo trong cặp cái đồng hồ báo thức to bằng cái bát ! Cũng có trường hợp tối về phải giặt áo phơi cho kịp khô để ngày mai còn mặc, vì chỉ có một cái áo, nếu áo không khô thì đành mặc rồi đợi cho nó khô trên chính thân mình. Kham khổ là một phần lý do tại sao có nhiều người bị bệnh lao, và nhiều sinh viên Việt Nam, trong đó có tôi, trải qua nhiều năm tháng sống trong các sanatoriums của sinh viên Pháp. Vì đã phải trải qua và chứng kiến những giai đoạn đó và những giai đoạn khó khăn khác, nên tôi rất thông cảm với những ai không gặp may trong việc học hành và trong địa vị xã hội ; đồng thời tôi cũng rất trân trọng với những ai đã may mắn thành công ; khi người ta phải sống, ăn, ở, học trong những hoàn cảnh như kể trên, thì đi thi đỗ được cũng là chuyện mừng rồi, nói gì đến chuyện tranh đua với người khác ! Việc làm ở Pháp, ngày xưa qui định cũng chặt chẽ hơn. Thí dụ như ứng viên giáo sư đại học, ngoài những tiêu chuẩn bằng cấp và công trình khoa học, còn buộc phải có quốc tịch Pháp. Những năm sau này, mới bỏ lệ quốc tịch. Những huyền thoại về một số người Việt Nam (chưa có đến cái bằng tiến sĩ nhà nước!) được kể là được mời làm giáo sư ở đại học có danh tiếng nhưng từ chối để về nước, chỉ là chuyện kể lăng nhăng của/cho những người không biết. (3) Những vụ mạo xưng viện sĩ, giáo sư đại học – được thuê dạy ké vài giờ bài tập trong đại học , chưa được bằng một phụ giảng viên, mà cũng tiếm xưng giáo sư – tiến sĩ, nội trú y khoa, giải thưởng hão, thành tích ảo, ..., dần dần rồi cũng bị lật tẩy, vì dư luận cũng mỗi ngày một tinh hơn. (4) Tôi nhớ, một thời, « gáy » là tiếng lóng, dùng theo nghĩa khoe khoang, tôn vinh quá đáng. Tôi không biết thời nay, từ này còn thông dụng không. (5) Viết bài này, tôi cũng không vui, vì tôi không tìm được một tích Việt Nam để minh họa ý của mình ,mà phải mượn điển tích của tàu
|