Trong cuốn sách mang tựa đề ‘Memory Is Another Country: Women of Vietnamese Diaspora’,
Tiến sĩ người Úc gốc Việt Nathalie Huỳnh Châu Nguyễn dành một chương để nói về một số cuộc hôn nhân giữa hai nền văn hóa khác nhau của những phụ nữ di dân gốc Việt. Tiến sĩ Nathalie Nguyễn tìm hiểu về những điều đã được mô tả trong các tác phẩm văn học và phỏng vấn 4 phụ nữ gốc Việt để so sánh sự khác biệt giữa văn chương và thực tại trong những cuộc hôn nhân này.
|
Một chương trong cuốn sách, TS. Nathalie Nguyễn dành để nói về những cuộc hôn nhân của những người phụ nữ gốc Việt lấy chồng ngoại quốc
|
Trong chương sách có tựa đề “Narratives of Cross-Cultural Marriage”, xin tạm dịch là “Chuyện kể về Hôn nhân giữa hai nền văn hóa”, tiến sĩ Nathalie Nguyễn đặt ra hai câu hỏi lớn, một là những sự mô tả về cuộc hôn nhân của họ nói gì về mối liên hệ giữa họ với quá khứ và với ký ức; thứ hai, sự lựa chọn một người hôn phối không phải là người Việt phản ánh mong muốn bỏ lại đằng sau quá khứ cũng như những nỗi đau và mất mát do lịch sử để lại của họ ở mức độ nào?
Tiến sĩ Nathalie Nguyễn nói bà quan tâm đến những cuộc hôn nhân giữa hai nền văn hóa khác nhau, bởi theo truyền thống trước đây, những cuộc hôn nhân giữa một người phụ nữ Việt Nam và một người nước ngoài gần như là một điều cấm kỵ trong văn hóa của người Việt.
Bà cho biết trong chương sách này bà tìm hiểu về 4 cuộc hôn nhân của 4 phụ nữ gốc Việt lấy chồng người nước ngoài. Đó là những cuộc hôn nhân trong nhiều giai đoạn khác nhau, từ trước và sau cuộc chiến tranh cho tới hiện tại.
Trong phần đầu bà tìm hiểu một số tác phẩm văn học mô tả về những cuộc hôn nhân này, mặc dù không phải tất cả đều tiêu cực, nhưng phần lớn đều là những thái độ thiếu thiện cảm.
Ví dụ tác giả trong cuốn Understanding Vietnam viết rằng “khi một cô gái Việt lấy một người nước ngoài, cô gái ấy cảm thấy xấu hổ cho dù vị thế xã hội của cô ta ra sao, và hành động lấy chồng ‘Tây’ là môt hành động mất gốc, và là một hành động lầm lạc của một người đã hủy hoại nguồn cội của mình”
Hay cách gọi mỉa mai của tác giả Vũ Trọng Phụng đối với việc lấy chồng người nước ngoài là “Kỹ Nghệ lấy Tây”.
Vậy theo tìm hiểu của tiến sĩ Nathalie Nguyễn và kết quả của cuộc nghiên cứu đối với những người trong cuộc này ra sao?
|
Một trong số những phụ nữ gốc Việt được tác giả phỏng vấn, bà Kiều và chồng hồi còn ở Việt Nam năm 1973 |
“Những người phụ nữ trong cuộc nghiên cứu của tôi là những người phụ nữ rất độc lập. Họ có suy nghĩ rất độc lập. Họ tự chọn cho mình một cuộc hôn nhân khác biệt so với truyền thống. Mặc dù sự thực là quyết định yêu và lấy một người ngoại quốc là một quyết định khác thường. Nếu nhìn vào giai đoạn khoảng những năm 1950 và 1960, họ đều là những người phụ nữ có học, họ sinh ra trong những gia đình danh giá, họ học ở trường của Pháp và một số trường hợp đã đi du học ở nước ngoài. Đó là bối cảnh của những cuộc hôn nhân cụ thể này.”
Tác giả cũng đã gặp gỡ một người phụ nữ mà gia đình bà đã bị tác động nặng nề bởi cuộc chiến tranh, và hoàn cảnh đó đã đưa bà đến với một cựu binh Australia. Sự hiểu biết và đồng cảm giữa hai con người cùng trải qua những giai đoạn sóng gió của cuộc chiến đã đưa họ đến với nhau. Đối với bà việc kết hôn với một cựu binh người Australia đã mang lại một cuộc sống mới, một bản sắc mới.
Và trường hợp cuối cùng tác giả nhìn nhận một cuộc hôn nhân trong bối cảnh xã hội đương đại. Một cô gái trẻ di cư sang Australia, cô đã gặp gỡ một người Ai Cập trong một lớp học tiếng Anh. Bà mô tả đây là một mối tình đẹp và lãng mạn bởi người đàn ông Ai Cập đó đã phải kiên trì để thuyết phục gia đình cô gái, vốn không đồng tình với mối quan hệ đó, rằng tình cảm của anh rất chân thành. Mặc dù đó là cuộc hôn nhân giữa hai tôn giáo khác biệt, nhưng cô vẫn duy trì được tín ngưỡng tôn giáo và truyền thống văn hóa Việt Nam của mình sau khi kết hôn.
Tuy tất cả những cuộc hôn nhân trong cuộc nghiên cứu này đều được nhìn nhận ở khía cạnh tích cực, trái ngược với những gì được thể hiện trong đa số các tác phẩm văn học mà bà nghiên cứu, nhưng dĩ nhiên những cặp vợ chồng này vẫn gặp những rào cản và thách thức. Theo tiến sĩ Nathalie Nguyễn những rào cản về văn hóa và ngôn ngữ là thách thức lớn nhất cần có sự nỗ lực từ cả hai phía:
“Nhiều người phụ nữ Việt Nam nói rằng khi một người đàn ông cưới một người phụ nữ Việt Nam thì anh ta kết hôn với cả gia đình cô ấy, nghĩa là trong mối quan hệ đó có cả gia đình cô gái, và vì vậy mà người đàn ông phải học hỏi và thích ứng với điều đó. Cũng có những phụ nữ chọn cách tách biệt cuộc hôn nhân ra khỏi những mối quan hệ họ hàng này. Tôi nghĩ người phụ nữ sẽ phải thương lượng theo cách riêng của mình. Và cách mà họ làm điều này cũng phụ thuộc vào hoàn cảnh của từng người. Ví dụ như họ sống ở Việt Nam trong thời chiến hay họ di cư ra nước ngoài sinh sống, cũng như kinh nghiệm của họ trong quá trình di cư, sau cuộc chiến, liệu họ có ổn định được cuộc sống một cách dễ dàng hay họ gặp khó khăn trong việc này.”
|
Tiến sĩ Nathalie Huỳnh Châu Nguyễn
|
Theo tác giả bốn cuộc hôn nhân trong nghiên cứu này cho thấy sự phát triển của những mối kết hợp giao thoa văn hóa của những phụ nữ người Việt. Với họ, thậm chí cả những người đã chịu nhiều đau thương và mất mát trong cuộc chiến, phần lớn đó là những mối quan hệ tích cực và mang hướng chuyển đổi. Những người phụ nữ này đã đi những con đường khác so với hầu hết những người cùng thời đại bằng việc lựa chọn một người hôn phối có nền tảng văn hóa khác họ.
Câu chuyện của những người phụ nữ này không chỉ mô tả quan điểm và kinh nghiệm của họ về hôn nhân giữa hai người đến từ hai nền văn hóa khác biệt nhau, mà còn đóng vai trò bảo vệ cho quyết định lựa chọn một cuộc hôn nhân không theo truyền thống của họ. Những người phụ nữ này sẵn sàng phản đối lại những khuôn mẫu dập khuôn về văn hóa và không chỉ chọn người hôn phối là người ngoại quốc mà còn đưa ra những lựa chọn đó trong bối cảnh giao thoa văn hóa.
Tiến sĩ Nathalie Huỳnh Châu Nguyễn hiện là nhà nghiên cứu tại đại học Melbourne ở Australia. Bà đặc biệt quan tâm đến việc nghiên cứu về những phụ nữ Việt Nam sống ở nước ngoài, bà cũng chú trọng đến việc nghiên cứu về ký ức, về lý do tại sao mọi người nhớ về quá khứ và họ nhớ về quá khứ bằng cách nào. Đối với phụ nữ Việt Nam, bà muốn tìm hiểu ký ức của họ về cuộc chiến, và cuộc sống của họ ra sao khi sống và làm lại cuộc đời ở một đất nước mới. Cuốn sách ‘Memory Is Another Country: Women of the Vietnamese Diaspora’ được nhà xuất bản Praeger phát hành vào tháng 8 năm 2009.
23/01/2010