Home CĐ Việt Xây Dựng CĐ Việt 35 Mùa Xuân: Cộng Đồng VN hải ngoạiI

35 Mùa Xuân: Cộng Đồng VN hải ngoạiI PDF Print E-mail
Tác Giả: NGUYỄN CHÂU (San Jose 2010)   
Thứ Sáu, 19 Tháng 2 Năm 2010 21:22

Trong viễn tượng đó, Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại đã nỗ lực thích ứng với hoàn cảnh mới và đang lớn mạnh về mọi mặt văn hóa, kinh tế, khoa học, kỹ thuật và chính trị.

 TỔNG QUAN

Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, người Việt đã hầu như có mặt khắp hoàn cầu, nơi đông nhất là Bắc Mỹ, nơi ít nhất là Châu Phi.

Nhìn chung, Cộng đồng người Việt hải ngoại hiện nay không thuần nhất. Lý do là vì cuộc di dân vĩ đại từ Việt Nam đến các nước Tự Do Âu, Mỹ, đại bộ phận là những người sống dưới thể chế tự do tại miền Nam Việt Nam, bỏ quê hương, chạy trốn chế độ độc tài của Cộng sản Bắc Việt, khi chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tại miền Nam bị đánh đổ năm 1975, một thiểu số (phần đông từ miền Bắc) ra đi để tìm đời sống kinh tế dễ dàng hơn ở trong nước, trong đó có một số người do Nhà nước Cộng sản cho đi định cư để buôn bán, kinh tài và xâm nhập vào cộng đồng tỵ nạn.

Một số khác, hàng trăm ngàn người, gốc là các “lao động xuất khẩu” từ Việt Nam tại các nước Đông Âu cũ và Nga, không chịu hồi hương khi mãn hạn lao nô, hiện sống trong tình trạng bất hợp pháp.

Một số người vì ham làm giầu nhanh chóng nên đã bị bọn môi giới lừa gạt đưa đến Anh Quốc một cách bất hợp pháp, để làm những nghề phi pháp (như trồng cần sa, chế biến ma túy, băng đảng vân vân). Số người này nhập cảnh lậu qua Pháp để đi Anh Quốc, hiện đã bị bắt và đang bị giam lỏng ở một khu rừng phía Bắc Pas-de-Calais, Pháp Quốc. Họ không có giấy tờ tùy thân nên chính phủ Pháp không thể giải giao những người Việt Nam này cho tòa Đại Sứ Việt Nam cộng sản tại Paris. Người ta gọi họ là “Những Người Rơm” vì không có gốc gác rõ ràng.

Chính vì những sự kiện này nên danh xưng Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại trở nên quá bao quát. Trong bài này, chỉ đề cập tới Cộng Đồng Việt Nam Tỵ Nạn Cộng sản, tức là những di dân rời Tổ quốc vì lý do chính trị, chứ không vì kinh tế. Họ ra đi vì không chấp nhận chế độ cộng sản và vì bị chế độ mới ngược đãi, phân biệt đối xử.

Đặc trưng làm nổi bật “căn cước” của Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn là không chấp nhận Chủ Nghĩa Cộng Sản, không chấp nhận định đề “Yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội” do nhà cầm quyền tại Việt Nam áp đặt lên dân chúng. Đặc trưng thứ hai là tinh thần và ý chí trường kỳ đấu tranh bằng mọi phương thức, nhằm giải trừ chế độ Cộng sản trên quê hương Việt Nam, để nhân dân trong nước được sống Tự Do, Dân Chủ và đầy đủ Quyền Làm Người.  

Trong viễn tượng đó, Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại đã nỗ lực thích ứng với hoàn cảnh mới và đang lớn mạnh về mọi mặt văn hóa, kinh tế, khoa học, kỹ thuật và chính trị.

SỰ PHÂN BỐ CỘNG ĐỒNG TỴ NẠN VIỆT NAM TRÊN THẾ GIỚI

Sau các đợt vượt biển, vượt biên “thập tử, nhất sinh”, số người Việt may mắn đã được Thế Giới Tự Do hào hiệp đón nhận, cưu mang và định cư khắp nơi.

Để dễ theo dõi, chúng tôi sẽ sắp xếp theo số lượng, từ vùng có cộng đồng lớn (có nhiều người) đến những cộng đồng nhỏ (nơi ít người Việt nhất).

1.- Tại Bắc Mỹ Châu: gồm Canada và Hoa Kỳ:

Theo số liệu thống kê năm 2001 thì số lượng người Việt định cư tại Canada là khoảng trên 151,416 người.
Tập trung tại các tỉnh bang lớn như: Ontario: 67,450 người; Québec: 28,310 người; Alberta:
21,490 người và Vancouver: 34,166 người, phần lớn là người Việt gốc Hoa Kiều, đến định cư từ 1980.

Tại Hoa Kỳ, theo thống kê năm 2007, tổng số người Mỹ gốc Việt có khoảng 1,642,950 người, chiếm hơn một nửa tổng số người Việt sống khắp nơi trên thế giới. Cộng đồng người Việt này lớn thứ 4 sau các cộng đồng Mỹ gốc Trung Hoa, gốc Ấn-Độ và gốc Philippines tại Hoa Kỳ.

Trong cuộc Điều Tra Dân Số Hoa Kỳ năm 2000 (U.S.A. Census 2000) có 1,122,528 người tự nhận là gốc Việt thuần túy. Nếu tính luôn cả những người Mỹ gốc Việt thuộc các sắc dân thiểu số khác thì tổng số là 1,223, 736 người Mỹ gốc Việt nói chung.

Đây là hai tập thể quan trọng của Người Việt Tỵ Nạn. Trước hết là về số lượng, với tổng dân số gần hai triệu người, thứ đến là về phẩm chất, trong số thuyền nhân vượt thoát này, đại đa số là các thành phần ưu hạng của Việt Nam Cộng Hòa gồm bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, giáo sư, sinh viên, nhà văn, nhà báo, nhà kinh doanh, các giới trí thức khác và những sĩ quan cao cấp trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vân vân.

 

Sau khoảng từ 3 đến 5 năm khó khăn để thích ứng với môi trường mới, người Việt Tỵ Nạn đã xây dựng được hai Cộng Đồng Tỵ Nạn vững mạnh trên các lãnh vực: văn hóa, giáo dục, tôn giáo, kinh doanh, truyền thông, chính trị và tranh đấu cho Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền tại Việt Nam.

Cộng đồng người Việt Canada và Cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ đã kiên trì, bền bỉ đấu tranh nhằm mục đích giải trừ chế độ Cộng sản cho Tổ Quốc Việt Nam. Hầu hết số người Việt này đều đã trở thành Công dân Canada và Hoa Kỳ, đang sống trong những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các tiềm năng để xây dựng cộng đồng và duy trì cuộc đấu tranh cho một Việt Nam Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền.

A/- CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TẠI CANADA

Từ tháng 5-1975, khoảng 4,000 người Việt tỵ nạn trong đợt di tản đầu tiên được phép nhập cư vào Canada; ngày 8-5-1975 những người Việt đầu tiên đến Canada, nhiều người được đưa đến Montréal. Nhu cầu sinh hoạt trên xứ lạ đòi hỏi phải thành hình một tổ chức Cộng Đồng để tương thân tương trợ. Năm 1976, Cộng Đồng Người Việt Canada được tổ chức lại tốt hơn. Từ năm 1978, sau cuộc biểu tình của Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn tại thủ đô Ottawa, chính phủ Canada nhận thêm 50,000 thuyền nhân. Ngoài ra, chương trình đoàn tụ đã nâng tổng số người Việt định cư tại Canada lên khá cao. Năm 1991 có khoảng 84,005 người, đến năm 1995 tổng số lên đến 180,000, được định cư tại các tỉnh bang như: New Foundland, Nova Scotia, New Brunswick, Québec (Monréal), Ontario (Toronto), Edmonton, Thủ đô Ottawa, Manitoba (Winnipeg), Saskatchewan (Saskatoon). Alberta (Calgary), Britsh Columbia, Northwest Territories. Nơi người Việt đông nhất tại Canada là thành phố Montréal hơn 40 ngàn, thứ hai là tỉnh bang Ontario gần 35 ngàn người (thành phố Toronto có hơn 22 ngàn). Thành phố đông người Việt thứ ba được nhiều người biết đến nhất đó là Vancouver thuộc tỉnh bang British Columbia, có khoảng trên 30 ngàn. Nơi ít nhất là New Foundland chỉ khoảng 100 người.

Thống kê năm 2001, thì số lượng người Việt định cư tại Canada là khoảng trên 151,416 người. Đến nay, có lẽ tổng số người Canada gốc Việt có thể lên đến 200,000 người (chỉ ước tính, chưa có thống kê chính thức).

B/- CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TẠI HOA KỲ

Hiện nay số Người Việt định cư tại Hoa Kỳ khoảng hơn 1,642,950 người, được phân bố tại hầu hết các tiểu bang. Sĩ số ước lượng như sau:

- California có hơn 447,032 người (chiếm 39.8% toàn quốc Hoa Kỳ). Đông nhất là tại Quận Cam (Orange County) với hơn 135,548 người, tập trung đông đảo tại các thành phố Westminster, Garden Grove và Little Saigon tức Sài Gòn Nhỏ một thành phố được xem là Thủ Đô của người Việt Tỵ Nạn cộng sản tại Hoa Kỳ. Cộng đồng người Việt Tỵ Nạn đông thứ hai tại California là San Jose và Santa Clara County với khoảng hơn 80,000 người;

- Texas có hơn 134,961 người (chiếm 12% số người Việt toàn quốc Hoa Kỳ);
- Washington khoảng 50 ngàn;
- New York: 35 ngàn;
- Minnesota: 34 ngàn;
- Massachusettes: 30 ngàn;
- Illinois: khoảng 30 ngàn;
- Pensylvania: 30 ngàn;
- Philadelphia: 25 ngàn,
- Virginia: 24 ngàn;
- Oregon: 22 ngàn, tập trung ở Portland;
- Colorado: 20 ngàn;
- Florida: 21 ngàn;
- Louisiana khoảng 16 ngàn người, tập trung tại New Orleans và Baton Rouge;
- New Jersey: khoảng 15 ngàn;
- Hawaii: khoảng 12 ngàn;
- Alaska: khoảng 300 người.

Theo thống kê năm 1990, trong số 854,725 Người Việt định cư tại Hoa Kỳ có 70% ở độ tuổi trung bình từ 28 đến 30; từ 1 đến 19 tuổi là 27% và người cao niên trên 65 khoảng 3%. Với tình hình dân số này, Người Việt Tỵ Nạn đã trực tiếp đóng góp vào lực lượng nhân dụng của Hoa Kỳ một cách đáng kể. Người Việt có khuynh hướng tìm về những vùng có khí hậu ấm áp và nhiều công việc làm. 

Về kinh tế, theo một thống kê thì mức thu nhập bình quân đầu người của người Mỹ gốc Việt là 20,074 Mỹ kim/ một năm (so với người Mỹ bản xứ là 26,688 MK/năm).

Đã có hai Tỷ phú người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ:

1.- Tỷ phú Trần Đình Trường, sinh năm 1932, người Việt Nam Cộng Hòa, di tản qua Mỹ năm 1975, hiện là chủ hai khách sạn lớn tại New York.

2.- Tỷ phú Trung Dũng, Tiến Sĩ Khoa Học Điện Toán, sinh năm 1967, đến Mỹ năm 1985. Ông đã thành lập công ty OnDisplay (Kỹ thuật cao cấp) trị giá 1 tỷ 800 triệu Mỹ kim vào năm 2000 khi chuyển giao cho Vignette Corp của Hoa Kỳ. Trung Dũng đã trở thành Tỷ phú sau 15 học và làm việc tại Mỹ.

Về Triệu phú, nếu chỉ tính dựa vào số tiền bác và bất động sản trung bình thì cộng đồng người Mỹ gốc Việt có tới hàng trăm ngàn triệu phú thầm lặng, nhưng ở đây chỉ đề cập đến một số ít Triệu phú gốcViệt nổi tiếng tại Hoa Kỳ với năng lực kinh doanh và sự hào hiệp từ thiện.

- Triệu phú nổi tiếng nhất hiện nay là Bill Nguyễn, 35 tuổi, đã được hệ thống truyền thông MSNBC bầu chọn là người trẻ số 1 trong số 10 người có triển vọng nhất năm 2001, với nhận xét “Có khả năng làm thay đổi bộ mặt kỹ nghệ thông tin toàn cầu”. Báo Forbes chọn là một trong 40 người dưới 40 tuổi giầu nhất nước Mỹ. Bill Nguyễn làm chủ trang Web lala.com là một Siêu Thị bán CD ca nhạc lớn nhất thế giới.

- Triệu phú Nước Hoa, Jacquelyn Trần, 30 tuổi, Chủ Tịch Công ty Perfume Bay – Huntington Beach, Nam California, đã đạt doanh thu năm 2005 là 13 triệu Mỹ kim.

- Chủ Công Ty Xe Đò Hoàng ở California: ông Nguyễn Hoàng Linh, là người có sáng kiến bắc nhịp cầu lưu thông tiện lợi nhất cho người Việt tại hai miền Nam-Bắc California và các vùng phụ cận. Ông Nguyễn Hoàng Linh là một người Việt Tỵ Nạn, một Triệu phú cần mẫn và hào hiệp đối với các sinh hoạt của Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn.

- Người Mỹ gốc Việt hiện có hơn 200 ngàn cơ sở kinh doanh thương mãi lớn, nhỏ trên toàn nước Mỹ (Thống kê năm 2000 – theo Báo Người Việt online).

- NGÀNH BẢO HIỂM: nhiều người gốc Việt cũng rất thành công trong nghề bán bảo hiểm các loại, đặc biệt là Bảo Hiểm Nhân Thọ. Tại California, trong Công ty New York Life có hai người thành công lớn đó là ông Lâm Hữu Kính và ông Nguyễn Vũ Trụ. Hai ông này đã được Công Ty New York Life phong những chức vụ điều hành
cao cấp trong Công Ty và có thu nhập rất cao. 

- NGHỀ ĐỊA ỐC: Người Mỹ gốc Việt đã tham gia rất sớm vào ngành kinh doanh nhà đất tại Hoa Kỳ.

Theo báo San Jose Mercury News, trong danh sách những người có giấy phép hành nghề địa ốc tại California, có khoảng từ 11 ngàn đến 12 ngàn người mang tên họ gốc Việt Nam, chiến gần 20% tổng số người Kinh Doanh Địa Ốc tại tiểu bang này.

Riêng tại Vùng Vịnh, có khoảng 4,500 người làm địa ốc thì người gốc Việt làm toàn thời gian về Địa Ốc là từ 1,000 đến 1,200 người.

Tại tiểu bang Virginia (Miền Đông Bắc-Hoa Kỳ), ông Vinh Nguyễn, nhân viên của công ty địa ốc Westgate Realty Group, Inc, cho biết đây là công ty lớn nhất vùng Hoa Thịnh Đốn, có 175 nhân viên cộng tác mà một nửa là người Việt. Toàn tiểu bang này có khoảng 39 ngàn người kinh doanh địa ốc, ông Vinh Nguyễn đang giữ chức Treasurer/Secretary của Northern Virginia Association of Realtors. Năm 2009 ông là Chairman Elect của NVAR và năm 2010 ông là Chủ tịch chính thức. Hội có 1,300,000 hội viên.

Tại tiểu bang Texas, thành phố Houston, ngành Địa Ốc cũng phát triển khá mạnh. Công ty kinh doanh địa ốc lớn nhất là Century 21 Realty Solution, một trong 10 công ty địa ốc hàng đầu của Hoa Kỳ, người gốc Việt thành công nhất là bà Vicky Lam, được ban thưởng giải “Gương mặt điển hình ngành địa ốc 2007” do tạp chí Real Estate Executive bình chọn. Bà Vicky Lam định cư tại Mỹ năm 1980, tốt nghiệp Cử Nhân Kế Toán và làm về tài chánh tại Houston. Sau đó bà học về Kinh Doanh địa ốc và năm 2003 làm việc tại công ty Century 21 Realty Solution.

Tại miền Bắc California, ngành kinh doanh địa ốc cũng phát triển rầm rộ với những nhà địa ốc tên tuổi như Lan Robert, (24 tuổi) người Mỹ gốc Việt đầu tiên vào nghề năm 1976; Khổng Trọng Hinh từ năm 1984; Thảo Đặng (tức Đặng Ngọc Thảo) cộng tác với công ty địa ốc Mỹ Century 21 Alpha hơn 20 năm; Tony Đinh, Broker Consultant/President của Century 21 A-1 Network (từ San Jose đến Fremont, Santa Nella, Sacto, Rivebank, Stockton, Tracy, Fresno, Morgan Hill, Los Banos, Fairway Prk, Cadwallader, Brooktree, Brigadoon, Mt Eden,
Santa Clara) đã hơn 20 năm. 

Theo nhà kinh doanh địa ốc Thảo Đặng thì “Trong 100 người vào nghề chỉ có một đến hai người làm ăn khấm khá, khoảng 3% bám theo nghề, phần còn lại phải bỏ cuộc vì không chịu nổi sức ép. Số người thực sự thành công khoảng 10 người và 100 người đủ sống. Theo Thảo Đặng, thành công là có mức thu nhập từ 250,000 Mỹ kim trở lên.

- NGHỀ NAIL: Trong số các ngành kinh doanh, thương mãi của người Mỹ gốc Việt, có một ngành đã phát triển khá nhanh và đem lại thu nhập cao. Đó là nghề NAIL tức chăm sóc móng tay móng chân cho phái nữ. Thông thường người ta quen gọi là nghề Làm Neo (Nail) hoặc vắn tắt “Nghề Nail”, một nghề dễ học, tốn ít thời gian và
học phí, nhưng có thể kiếm được nhiều tiền.

Sau khi thi chuyên môn và đậu được bằng hành nghề (State Board), thợ Nail có thể đi làm việc ngay tại các tiệm có tên là “Nail salon”, “Beauty Center” hoặc “Nail and Hair”, “Beauty Care” vân vân là những nơi chuyên chăm sóc sắc đẹp cho phụ nữ từ tóc, da đến móng tay, móng chân. Mức lương có thể từ $24,000 đến $42,000 một năm cho người đi làm công hoặc làm ăn chia với chủ tiệm.

Chủ tiệm thì thu nhập cao hơn vì họ đã đầu tư cơ sở nên có thể từ $72,000 đến $150,000 một năm tùy theo số bàn trong tiệm và số khách thường xuyên. Thợ Nail đi làm xuyên bang (đặc biệt là các tiểu bang miền Đông Bắc Hoa Kỳ) thường có thu nhập cao mà ít có cơ hội để tiêu pha nên dễ dành dụm được một số tiền lớn và trở nên giầu có. Nhiều chủ tiệm Nail cũng đã trở thành triệu phú và tiêu xài rất thoải mái.

Nghề Nail do người gốc Việt làm đã phát triển mạnh tại Hoa Kỳ. Đă có nhiều trung tâm dạy nghề và các trường Thẩm Mỹ do người Việt thành lập và điều hành để đào tạo thợ làm Nail, cắt tóc, chăm sóc da vân vân. Chẳng hạn như Trường Thẩm Mỹ ABC, đã thành lập trên 20 năm, tại Nam California, do Tâm Nguyễn (Marketing Director) và Ms. Linh (Education Director) điều hành, đã đào tạo hàng ngàn thợ Nail, mỗi năm.

Ngoài ra, người Việt cũng thành lập ra các công ty để thiết kế và cung cấp trang bị cho các tiệm Nail & Spa theo tiêu chuẩn thị trường Hoa Kỳ, chẳng hạn Công Ty T4 Spa Concept & Design tại California, đại diện là Michael Ngô. Công ty T4 Spa của Michael Ngô đã nghiên cứu thành công một kỹ thuật mới cho ghế Spa, bảo đảm an toàn vệ sinh, đó là Sanismart System. Trong nghề Nail và Tóc vấn đề vệ sinh phải đặt lên hàng đầu. Tiệm Nail thường phải sử dụng một số hóa chất có hại cho sức khỏe của thợ làm Nail, do đó, người Việt cũng đã lập ra các Công ty “Nail Supply” để cung ứng các thiết bị và hóa chất đời mới cho các tiệm Nail nhằm giảm thiểu sự độc hại.

Theo một tạp chí Nail Tech chuyên về Nail, xuất bản tại Nam California năm 2007, thì trên toàn quốc Hoa Kỳ có khoảng 80 ngàn thợ làm Nail với hàng chục ngàn tiệm Nail lớn nhỏ. Do cạnh tranh, hiện tượng phá giá để giành khách đã xẩy ra tại nhiều nơi, làm cho quyền lợi của thợ Nail bị ảnh hưởng xấu. Vì vậy, nhiều người đã mong muốn thành lập một Hiệp Hội Ngành Nail để có dịp ngồi lại với nhau, trao đổi kinh nghiệm và học hỏi lận nhau trong nghề nghiệp và bảo vệ quyền lợi của người làm Nail.

- Về học hành, cộng đồng Mỹ gốc Việt có 26.7% người chưa tốt nghiệp High School (Trung Học) và có 19.1% có bằng Cử Nhân (BA, BS), con số tốt nghiệp Cao Học (Master) và Tiến sĩ (Doctor, Ph.D) có thể lên tới hơn 100,000 người đang tham dự vào lực hượng các chuyên viên và chuyên gia trong các ngành khoa học, kỹ thuật Hòa Kỳ, nhiều người đã nắm giữ các chức vụ quan trọng về quản trị kinh doanh, sản xuất. Sau đây là một số người Mỹ gốc Việt thành công trong lãnh vực khoa học và kỹ thuật cao.

1. - Võ Đình Tuấn, sinh năm 1948, du học tại Thụy Sĩ, Tốt nghiệp Tiến sĩ Lý-Hóa-Sinh tại Đại Học Zurich. Sau 30-4-1975 ông qua Mỹ và trở thành một nhà khoa học và phát minh gốc Việt với 32 bằng phát minh trong các lãnh vực môi trường, Sinh Học và Y Học, được xếp hạng thứ 43 trong 100 thiên tài khoa học đương thời của thế giới, một trong bốn khoa học gia gốc Á có phát minh lớn và thiết thực.

2. - Bùi Tường Phong, sinh năm 1942 tại Việt Nam, qua Mỹ năm 1975 (gốc Bắc Việt di cư 1954), Tiến Sĩ Điện Toán Đại Học Utah với luận án “Illumination for Computer Generated Images” (Minh họa cho hinh ảnh trong máy điện toán) và sáng chế ra phương pháp “Phong Shading” thông dụng trong các chương trình đồ họa trên thế giới.

3. - Trịnh Xuân Thuận, sinh năm 1948 tại Hà Nội, một chuyên gia người Mỹ gốc Việt về Vật Lý Thiên Văn, được nhiều giải thưởng khoa học của Hàn Lâm Viện Pháp và của cơ quan UNESCO (Văn Hóa Khoa Học Liên Hiệp Quốc), hiện là giáo sư khoa học tại Đại Học Virginia, Hoa Kỳ. Ông vừa là nhà khoa học, nhà văn và triết gia với rất nhiều tác phẩm chuyên đề.

4. - Nguyễn Hữu Xương, sinh năm 1943, tại Việt Nam, Tốt nghiệp Bằng Kỹ Nghệ Điện Toán tại Marseille-Pháp năm 1955. Năm 1962, đậu Tiến Sĩ Vật Lý tại Đại Học Berkeley-California và về dạy tại Đại Học San Diego California. Ông đã phát minh ra máy “Xuong’s X-Ray Machine” dùng trong các bệnh viện Mỹ.

6. - Hồ Thành Việt, sinh năm 1955 tại Nha trang, qua Mỹ năm 1975, tên Mỹ là John Ho, tốt nghiệp Kỹ Sư Điện Toán. Ông thành lập Công Ty VNI (Vietnam International), sáng chế phần mềm bộ chữ VNI, đưa tiếng Việt vào computer tạo điều kiện dễ dàng và tinh vi cho ngành báo chí Việt ngữ, giúp ngành in ấn tiếng Việt nhiều thuận lợi. VNI là một đóng góp quan trọng trong việc duy trì và phát huy văn hóa Việt Nam. Ông Hồ Thành Việt là một sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam Cộng Hòa, thuộc tiểu đoàn 7. Ông từ trần tại Mỹ ngày 28-8-2003.

7. - Eugene Trịnh Hữu Châu, (Eugene Trinh) sinh năm 1950 tại Sài Gòn, qua Pháp năm 1953 (lúc 2 tuổi), con út của kỹ sư Trịnh Ngọc Sang. Từ năm 1968, gia đình ông qua định cư tại Mỹ. Ông Eugene Trịnh tốt nghiệp Đại Học Columbia năm 1972, hoàn thành Cao Học Vật Lý và Triết Học các năm 1974 và 1975. Năm 1977, đậu
Tiến Sĩ Vật Lý Ứng Dụng Đại Học Yale và năm 1979 vào làm việc tại cơ quan NASA, phòng thí nghiệm Sức Đẩy Phản Lực.
 

Ngày 25-6-1992 nhà Vật Lý Thiên Văn Eugene Trịnh Hữu Châu tham gia chuyến bay STS-50 của NASA vào không gian. Ông là người Mỹ gốc Việt đầu tiên chính thức bay vào vũ trụ trong chuyến bay dài 13 ngày 19 giờ 30 phút. Eugene Trịnh Hữu Châu hiện phục vụ tại cơ quan NASA, ở Thủ Đô Washington, Giám đốc phân ngành Khoa Học Tự Nhiên. 

8. - Nguyễn Xuân Vinh, sinh tháng 1 năm 1930, tại Yên Báy, Bắc Việt Nam. Một nhà Toán Học và Khoa Học Không Gian xuất sắc người Mỹ gốc Việt. Hiện là Giáo sư Danh Dự về Khoa Học Không Gian của Đại Học Michigan, Hoa Kỳ.

Đã được các giải thưởng:

1994: “Mechanics and Control of Flight” của American Institute of Aeronautics and Astronautics”

1996: “Excellence 2000 Award” của Pan Asian American Chamber of Commerce

2006: “Dirk Brouwer Prize về Cơ Học Du Hành Không Gian của Hội American Astronautics Society.

Nguyễn Xuân Vinh từng là Tư Lệnh Không Quân Việt Nam Cộng Hòa thời chính phủ Ngô Đình Diệm, ông cũng là một nhà văn bút hiệu Toàn Phong với các tác phẩm “Đời Phi Công”; “Theo Ánh Tinh Cầu”; “Gương Danh Tướng”... 

9.- Dương Nguyệt Ánh, sinh năm 1960 tại Việt Nam, tỵ nạn tại Mỹ năm 1975. Tốt nghiệp Kỹ Sư Hóa Học Đại Học Maryland, Khoa Học Điện Toán và Hành Chính Quốc Gia. Làm việc tại Bộ Quốc Phòng Mỹ với chức vụ Tổng Giám Đốc Khoa Học và Kỹ Thuật của Trung Tâm Vũ Khí Hải Quân (Naval Surface Warfare Center) Maryland, tiểu ban Chất Nổ. Bà là tác giả của Bom Áp Nhiệt “Thermobaric Bomb” rất hữu hiệu trong chiến tranh chống khủng bố tại Trung Đông.

Khoa Học Gia Dương Nguyệt Ánh đã được các giải thưởng sau đây:
Năm 2000: “Dr. Arthur Bisson Award for Naval Technology Achievement”.
Năm 2001: “Civilian Meritorious Medal”.
Năm 2007: “Service to America Medal for National Security”.
Bà từng là Đại Diện của Hoa Kỳ tại NATO (Liên Minh Quân Sự Đại Tây Dương).
Lập trường quốc.gia, triệt để chống cộng sản. Bà là cháu ruột của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, thuộc dòng họ của Vân Đình Dương Khuê (bạn thân của cụ Nguyễn Khuyến, thế kỷ 19).

Về Quân Sự, người Mỹ gốc Việt đã có những sĩ quan ưu tú trong các binh chủng Hoa Kỳ như:

1. - Đại Tá Việt Lương, Tư Lệnh Lữ Đoàn 3 Tác chiến, Sư Đoàn 101 Nhảy Dù Hoa Kỳ. Ông Việt Lương đến Mỹ năm 1975. Tên Việt Nam đầy đủ là Lương Quốc Việt.

2. - Hải Quân Trung Tá Lê Bá Hùng, Hạm Trưởng Khu Truc Hạm USS Lassen (DG 82) đóng tại Nhật Bản. Nhậm chức ngày 23-4-2009. Lê Bá Hùng là con trai của Hải Quân Thiếu Tá Việt Nam Cộng Hòa Lê Bá Thông. 

3. - Thiếu Tá Phạm Trần Anh Tuấn, Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ. Ông là con của Đại Úy Lực Lượng Đặc Biệt Việt Nam Cộng Hòa Phạm Ngọc Châu, đã hy sinh tại Núi Nhọn, Bà Rịa, khi Anh Tuấn mới 18 tháng. 

4. - Elizabeth Phạm, nữ Đại Úy Phi công Phản Lực Chiến Đấu Quân Lực Hoa Kỳ.

5. - Nguyễn Cẩm Vân, nữ Đại Úy Bác sĩ phục vụ trên chiến hạm Hoa Kỳ Kitty Hawk.

Và rất nhiều sĩ quan các cấp trong các ngành khác như cảnh sát, bộ binh vân vân. Về Chính Trị Dòng Chính (Main Stream) Hoa Kỳ: người Mỹ gốc Việt cũng đã bắt đầu tích cực dấn thân. Với sự thống kê chưa đầy đủ, chúng tôi có thể nhắc đến một số người như sau:

1. - Đinh Đồng Phụng Việt, sinh ngày 22-2-1968 tại Sài Gòn. Tên thường gọi ở Mỹ  là Viet Dinh hoặc Viet D. Dinh hoặc Đinh Việt. Tỵ nạn tại Mỹ năm 1978. Đỗ Tiến Sĩ Luật Đại Học Harvard – 1993. Đã giữ các chức vụ: Giám đốc Chương Trình Nghiên Cứu Chính Trị và Luật Pháp Á Châu; Thứ Trưởng Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ (chính phủ George W. Bush) từ 31-5-2001 đến 2003, đặc trách “Office of Legal Policy”. Việt Đinh là tác giả của “Patriot Act” một đạo luật chống khủng bố (sau vụ 11 tháng 9-2000). Hiện là Giáo Sư, Phó Khoa Trưởng Luật Khoa Đại Học Georgetown tại Thủ đô Washington D.C.
 

2. - Minna Nguyễn (Bộ Lao Động).

3. - Trần Thái Văn (Dân Biểu Tiểu Bang CA) đang ứng cử vào Quốc Hội Liên Bang.

4. - Hubert Võ (Dân biểu Tiểu bang Texas).

5. - Luật sư Joseph Cao Quang Ánh (Dân biểu Liên Bang gốc Việt đầu tiên tại Quốc Hội Hoa Kỳ) đại diện Louisiana.

6.- Nữ luật sư Trần Thị Bích Hồng: Ứng cử vào Thượng Viện Hoa Kỳ.

7. - Jacqueline Nguyễn được cử làm Thẩm Phán Liên Bang.

8. - Luật sư Tâm Bùi: ứng cử Thẩm phán Washington State.

9. - Phạm Xuân Quang, ứng cử Dân Biểu Liên Bang (đơn vị tại Nam Cali). Gốc là Thiếu Úy Phi công Hoa Kỳ, con của Thiếu tá Phi công Phạm Văn Hòa.

Và một số Nghị viên gốc Việt tại các Hội Đồng Thành Phố ở Orange County như Dina Nguyễn, Tạ Đức Trí, Andrew Đỗ, Andy Quách, Diệp Miên Trường, Giám sát quận hạt, Jannet Nguyễn .vân.vân.; San Jose (Madison Nguyễn), Houston (Hoàng Duy Hùng). Đặc biệt tại Little Saigon, nghị viên Andy Quách đã vận động được Hội Đồng bỏ phiếu thành lập “No Communist Zone” (Khu vực cấm người cộng sản vào) để ngăn các
phái đoàn Việt cộng không được đến Little Saigon. 

TỔNG LUẬN

Qua những thành công của người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ được trình bày sơ lược trên đây, có thể nói hiện tại khối người Việt Hải Ngoại có rất nhiều tiềm năng và tiềm lực đối với hoài bão đem sức tài kiến thiết lại đất Tổ, đem ấm no hạnh phúc lại cho đại bộ phận dân tộc bằng các phương tiện bất bạo động. Họ mong chờ một ngày đẹp trời nào đó, những người theo chủ nghĩa Cộng sản nhìn ra thế giới, mở rộng tầm mắt và tỉnh cơn mê Xã Hội Chủ Nghĩa như nhân dân Liên Xô đã thức dậy cùng với Gorbachov, Yetsin... và các dân tộc Đông Âu để chế độ Cộng sản cáo chung trên giang sơn nòi giống Việt.

Căn cứ vào xu thế của lịch sử toàn cầu, đây không phải là một giấc mơ khó thành sự thật. Ai cũng thấy hiện nay Cộng sản Việt Nam đang tìm cách đi vào quỹ đạo Tư bản xanh qua ngõ Hoa Kỳ [sau khi ký Hiệp Ước Thương Mãi Song Phương với Mỹ, Cộng sản Việt Nam ra sức vận động để được gia nhập WTO: Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới].  

Như vậy sớm hay muộn nền kinh tế thị trường mà Cộng sản Việt Nam bị buộc phải lựa chọn sẽ mặc nhiên từng bước đẩy lùi cái gọi là Định hướng xã hội chủ nghĩa vào quá khứ.

Trong mùa Xuân mới, những người Việt còn thao thức về dân tộc và quê hương đều có quyền hy vọng và cầu mong cho toàn dân Việt sớm có ngày ấm no, hạnh phúc với đầy đủ các quyền làm người như Tự Do, Dân Chủ.

Theo truyền thống dân tộc, ngày Xuân, chúng ta không nhắc đến những khuyết điểm vì sẽ mất vui. Tuy nhiên, chúng ta không thể nào không nói đến sự thiếu đoàn kết của các phong trào quốc gia tại hải ngoại. Với những tiềm năng về tài chánh, chuyên gia và trí thức lớn lao của người Việt hải ngoại, nếu chúng ta có sự đoàn kết trong lý tưởng đấu tranh cho Dân Chủ và Nhân Quyền tại quê nhà, để có sự thống nhất về tư tưởng và hành động, thì chắc chắn sẽ gây được ảnh hưởng hữu hiệu đối với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.

Chẳng hạn nếu cộng đồng người Việt hải ngoại cùng một lòng, quyết không để cho từ tâm bị lợi dụng qua các tổ chức gọi là từ thiện về lo làm trường học, giúp người nghèo, nuôi trẻ mồ côi, khuyết tật, chữa bệnh mù lòa, bệnh tim, bệnh thận vân vân, trong lúc các cơ quan nhà nước cộng sản có chức năng và bổn phận thì lại không quan tâm đến nhân dân của họ. Về vấn đề trẻ mồ côi, thử đặt câu hỏi “Trong thời đại không có chiến tranh, làm sao có thể có hàng trăm ngàn trẻ mồ côi?” Vì trong thời bình, không thể có hàng ngàn cha mẹ chết hàng loạt sau khi sinh con! Vậy thì nguồn trẻ mồ côi lấy đâu ra để người hải ngoại gửi tiền về nuôi nấng?

Từ hơn 30 năm qua, người Việt hải ngoại đã gửi về nước một ngân khoản khổng lồ từ 3 đến 7 tỷ Mỹ kim mỗi năm, đây là một thu nhập lớn lao của nhà nước cộng sản. Số tiền này đã góp phần nuôi dưỡng chế độ và tạo thêm tham nhũng. Nếu hạn chế số “ngoại hối” này thì chắc chắn cộng sản sẽ lúng túng ngay.  

Do đó, nếu muốn đặt điều kiện đòi hỏi cộng sản Việt Nam thay đổi thể chế, cộng đồng hải ngoại phải khắc phục khuyết điểm “thiếu đoàn kết” và “đầu óc anh hùng cá nhân”.