Đấu trường chính trị San Jose đã mở màn |
Tác Giả: Bùi Văn Phú | |||
Thứ Bảy, 20 Tháng 3 Năm 2010 21:52 | |||
Ngày 12.03 vừa qua là hạn chót để nạp đơn tranh cử vòng đầu tại San Jose và nhiều nơi khác trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ. Bầu sơ bộ sẽ diễn ra vào ngày 08.06 tới đây, trước khi bầu chọn chung kết vào tháng 11 năm nay. Thị trưởng San Jose Chuck Reed (trái) và Nghị Viên Madison Nguyễn Vòng sơ bộ là để hai đảng lớn ở Hoa Kỳ - Dân Chủ và Cộng Hòa - tiến cử người cho cuộc tranh đua, nhất là vào Quốc Hội, vào cuối năm. Tháng Sáu cũng là thời gian bầu chọn nhiều chức vụ địa phương, như thị trưởng, hội đồng thành phố, quận hạt là những chức vụ không cần sự tiến cử của đảng. Những cuộc bầu cử này thường có nhiều ứng viên ra tranh, nếu không ai được quá bán số phiếu thì vòng bầu thứ nhì giữa hai ứng viên đạt nhiều phiếu nhất sẽ diễn ra vào tháng 11. Tại vùng San Jose, sôi nổi nhất là bầu chọn thị trưởng thành phố và nghị viên khu vực 7. Thị trưởng San Jose hiện nay là ông Chuck Reed đang giữ chức trong nhiệm kì đầu 4 năm và ông sẽ tái tranh cử. Tham gia tranh đua với ông Reed lần này có bà Susan Barragan, ông Bill Chew và ông Thomas Tuấn Nguyễn, một người gốc Việt. Ứng viên Thomas Nguyễn là người quen thuộc với cộng đồng Việt ở San Jose, kể từ sau vụ việc Nghị Viên Madison Nguyễn khởi xướng việc đặt tên cho khu phố Việt ở San Jose là Saigon Business District - thay vì Little Saigon - và đã tạo nên một làn sóng phản đối từ nhiều người gốc Việt. Ông Thomas Nguyễn là một trong những người lãnh đạo phong trào phản đối Nghị Viên Madison, đã thu thập đủ chữ kí để buộc văn phòng bầu cử tổ chức một kì bầu cử đặc biệt cho cử tri quyết định có nên bãi nhiệm Nghị Viên Madison hay không. Tháng Ba năm ngoái cuộc bầu cử đặc biệt đã diễn ra và 55% cử tri không muốn bãi nhiệm Nghị Viên Madison. Tuy thất bại trong việc bãi chức Nghị Viên Madison, một số người Việt vẫn tiếp tục bất hợp tác và muốn đưa cô ra khỏi chính trường San Jose. Ông Thomas Nguyễn là người năng nổ trong việc này. Sự việc ông ra ứng cử thị trưởng - để thắng đương kim thị trưởng Chuck Reed là một điều khó - là hành động phản đối chính sách hiện thời của thị trưởng nhiều hơn, vì dù vụ việc đặt tên cho khu phố Việt lỗi chính là của Nghị Viên Madison Nguyễn, nhưng Thị Trưởng Reed cũng có trách nhiệm vì đã để nó kéo dài và làm tê liệt nhiều sinh hoạt trong thành phố, náo động nghị trường một cách không cần thiết. Vì thế trong cuộc bầu chọn thị trưởng sắp đến, một lá phiếu cho Thomas Nguyễn là một lá phiếu phản đối Thị Trưởng Chuck Reed. Tùy theo kết quả ứng viên Thomas Nguyễn được bao nhiêu phần trăm số phiếu, nếu khá cao ông sẽ dùng nó để thương lượng quyền lợi chính trị của người Việt với lãnh đạo thành phố. Nghị viên đương nhiệm Madison Nguyễn cũng tái tranh cử. Là người gây nhiều sóng gió trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt trong hai năm qua nên cuộc bầu chọn người đại diện cho khu vực 7 cũng lại sôi nổi và được nhiều người chú ý. Đã có nhiều bong bóng thăm dò được thả ra trước ngày hết hạn ghi danh tranh cử để đối đầu với cô Madison. Sau cùng có 4 ứng viên muốn giành ghế của cô Madison, trong đó có ba người gốc Việt là các ông Patrick Phú Lê, Minh Dương, Vietnam Nguyễn và người thứ tư là ông Rudy Rodriquez, gốc Mỹ-Latinh.
Để thắng một nghị viên đương nhiệm như cô Madison Nguyễn thì không dễ vì dù sao cô cũng đã có thành tích, tên tuổi trong sinh hoạt chính trường thành phố. Đánh bại một dân cử đương nhiệm thường rất khó, trừ khi người đó có những thành tích quá xấu. Như trường hợp Luật Sư Cao Quang Ánh cuối năm 2008 đã đánh bại một dân biểu kì cựu bị cáo buộc tham nhũng và đang chờ ra tòa. Hay trường hợp dân biểu tiểu bang Texas là Hubert Võ mấy năm trước thắng một dân cử đương nhiệm vì ông này đã xa lánh cư dân trong một thời gian dài. Trong số các ứng viên Việt tranh cử tại khu vực 7, ứng viên Patrick Phú Lê đã được nhiều người Việt biết đến trong nhiều năm qua những sinh hoạt với ban đại diện cộng đồng, trong vụ việc đặt tên Little Saigon. Minh Dương mới bước vào sinh hoạt cộng đồng đôi ba năm, năm 2008 anh tranh cử nghị viên khu vực 8, chưa có thành tích nhưng đã khoe khoang không đúng sự thật. Trong một tâm thư gửi cử tri, ứng viên Minh Dương, 31 tuổi, ghi rằng anh là người gốc Việt đầu tiên được bầu chọn làm đại diện (Senator) vào ban đại diện sinh viên U.C. Berkeley (ASUC) và đã giúp thành lập Hội Sinh Viên Việt Nam ở đây. Người Việt đầu tiên được bầu vào ban đại diện sinh viên trường U.C. Berkeley (ASUC) là anh Phạm Hoàng Tánh vào đầu thập niên 1980. Anh Tánh hiện là bác sĩ giải phẫu mắt đang hành nghề ở San Jose. Còn Hội Sinh Viên Việt Nam tại U.C. Berkeley (VSA-UCB) được thành lập từ đầu năm 1979 và đã sinh hoạt liên tục từ đó đến nay. Không rõ ứng viên Minh Dương sinh hoạt với VSA-UCB vào những năm nào mà đã tự nhận như thế. Ứng viên gốc Việt thứ ba là Vietnam Nguyễn. Một cái tên rất mới. Việc chọn tên Vietnam mang ý nghĩa phổ thông, dễ nhớ, dễ cho người không có gốc Việt nhận ra, nhưng không chắc sẽ được nhiều ủng hộ vì cử tri chưa được biết đến những thành tích và hoạt động của ứng viên này. Ông Rudy Rodriquez đã ra tranh cử một lần với Madison Nguyễn vào năm 2005, nhưng thua xa hai ứng viên gốc Việt về đầu trong kì bầu cử năm đó là Madison Nguyễn và Linda Nguyễn, dù khu vực 7 cũng có đông người gốc Mỹ-Latinh. Với đông ứng viên trong khu vực 7, số phiếu sẽ bị chia ra. Điều này có thể dẫn đến việc Nghị Viên Madison Nguyễn không đạt được hơn 50% số phiếu trong kì bầu cử tháng Sáu. Khi đó sẽ có bầu chung kết vào tháng Mười Một. Nếu như thế, một điều gần như chắc chắn xảy ra là cử tri khu vực 7 sẽ lại phải chọn một trong hai ứng viên gốc Việt đạt nhiều phiếu nhất. Lúc đó cuộc vận động kéo dài từ tháng Sáu đến tháng Mười Một hứa hẹn nhiều sôi nổi với đủ các trò chơi, thủ thuật chính trị.
|