Cộng đồng người Việt ở Washington |
Tác Giả: Trịnh Hảo Tâm | |||
Thứ Tư, 28 Tháng 4 Năm 2010 18:37 | |||
Cộng đồng Việt Nam vùng thủ đô Washington DC là cộng đồng người Việt lớn thứ 4 ở Hoa Kỳ sau các cộng đồng Orange County (Nam California), San Jose (Bắc California) và Houston (Texas). Khu thương mại người Việt lớn nhất là khu thương xá Eden ở thành phố Falls Church (tiểu bang Virginia) với hơn 100 cửa hàng của người Việt Nam là nơi mua sắm, ăn uống của người Việt tại Virginia và các tiểu bang lân cận. Nhiều người Việt Nam làm việc trong các công sở ở thủ đô Washington nhưng thường có nhà ở các thành phố bên ngoài như Arlington, Falls Church. Ở ngay Washington cũng có hàng chục nhà hàng, quán ăn Việt Nam nhưng khách hàng đa số là người Mỹ và đặc biệt là khu Phố Tàu ở đây rất nhỏ và không có một cơ sở thương mại nào của người Việt. Phố Tàu tại Washington, D.C. “Ở đâu có khói là có người Hoa” nên khi đến thành phố lớn nào cũng tìm vào khu Phố Tàu (China Town) để xem sinh hoạt của họ luôn dịp tìm các cơ sở thương mại người Việt, gặp gỡ đồng hương xem đời sống người Việt địa phương như thế nào? Nhưng Phố Tàu ở đây không thấy một cửa hàng nào có tên Việt Nam. Phố Tàu Washington DC không xa công viên National Mall, từ Nhà Triển Lãm Nghệ Thuật Quốc Gia (National Gallery of Art) theo đường số 7 đi bộ vài block đường lên hướng Bắc gặp đường H Street thấy cổng chào mái cong kiểu Trung Hoa là tới Phố Tàu.
Khu Phố Tàu trước kia là vùng đất rất đông người di dân gốc Ðức cư ngụ, nơi đây có trụ sở mới của Viện Goethe là tổ chức văn hóa Ðức chi nhánh Washington. Dân Trung Hoa di cư về đây vào thập niên 1930 lập khu Phố Tàu mới thay thế khu cũ dọc theo đường Pennsylvania Avenue đã san bằng để xây những tòa nhà công quyền thuộc khu Federal Triangle. Người Hoa mới đến hay trang trí trước căn phố của mình bằng tấm lưới sắt trên đó gắn bảng hiệu chữ Tàu và bành trướng khu Phố Tàu từ G Street lên hướng Bắc đến đường Massachusetts Avenua và từ đường số 9 về hướng Ðông đến đường số 5. Sau vụ ám sát Mục Sư Luther King, Jr. vào năm 1968 hơn 110 thành phố trên nước Mỹ xảy ra bạo loạn của người da đen, Washington, Chicago và Baltimore là nơi thiệt hại nặng nhất. Cũng như các khu thương mại khác ở Washington, sinh hoạt mua bán khu Phố Tàu đi xuống và người gốc Hoa lần lượt bỏ trung tâm thành phố ra sinh sống ở vùng ngoại ô vừa an ninh khỏi sợ bạo động vừa đóng thuế rẻ hơn. Khi xây dựng hệ thống xe điện ngầm Metro vào năm 1976, trạm xe điện ngay tại Phố Tàu lấy tên là “Gallery Place” mà quên bẵng đi đây là China Town! Ðến năm 1986 chính quyền thành phố cho xây dựng Cổng Chào Hữu Nghị (Friendship Archway) theo kiểu truyền thống Trung Hoa với 7 tầng mái ngói cong trang trí hoa văn hình rồng đời Minh Thanh với phí tổn 1 triệu đồng để đánh dấu Washington kết nghĩa chị em với thành phố Bắc Kinh. Theo tấm bia đồng gắn nơi đây cho rằng: “Ðây là chiếc cổng có chiều ngang đơn (single-span) rộng nhất thế giới” (vì bắc ngang con đường lớn H Street gần ngã tư với đường số 7). Cũng trong năm này trạm xe điện ngầm ở đây được đổi tên lại là “Gallery Place-Chinatown' như hiện nay.
Năm 2006 thành phố chi ra $200 triệu để tân trang khu Phố Tàu biến nơi đây thành khu mua sắm, giải trí, sinh hoạt về đêm với nhiều nhà hàng ăn, rạp chiếu phim hạng sang và một số tiệm buôn mới. Nhằm giữ nét phố Tàu luật thành phố buộc các cửa tiệm phải có bảng hiệu bằng 2 thứ tiếng Anh-Hoa. Buồn thay đa số các nhà hàng mới lại là hệ thống nhà hàng Mỹ như Starbucks, Hooters, CVS và Legal Sea Foods. Hiện nay cả Phố Tàu chỉ có khoảng 20 nhà hàng ăn Trung Hoa và Á Ðông phần lớn chủ nhân là những gia đình Mỹ gốc Á Châu, nổi tiếng là các nhà hàng Szechuan Gallery, Burma, Eat First, Full Key và Tony Cheng's. Phần còn lại là các tiệm tạp hóa, một số cơ sở văn hóa, tôn giáo, từ thiện. Có vài công ty xe đò hành khách hay chuyển vận hàng hóa chủ nhân người Hoa với những tuyến đường đi tới các Phố Tàu của Philadelphia, New York, ngay cả lên tới Boston như các hãng MVP Bus và New Century Travel, giá vé rẻ hơn xe buýt Greyhound. Theo thống kê dân số năm 2000 cả khu Phố Tàu chỉ có 700 người gốc Hoa sinh sống, ít hơn con số năm 1930 - 100 người! Phố Tàu ngày nay tuy có bảng hiệu bằng Hoa ngữ nhưng thực sự chỉ có vài người biết đọc. Người Hoa di chuyển ra các thành phố bên ngoài thủ đô giá nhà rẻ hơn khiến nơi đây là một trong những phố Tàu nhỏ nhất nước Mỹ. Mới đây ngôi chợ thực phẩm lớn nhất cũng đóng cửa, quản lý nhà hàng Full Key là người Hoa sinh trưởng ở Sài Gòn làm việc ở đây gần 10 năm nhưng nhà ở Virginia cho biết: “Nghe nói chợ này bán cho chủ mới giá $7.5 triệu, vì vậy khó có người Hoa nào mua nổi!” Ông người Hoa gốc Việt còn cho biết: “Cổng Hữu Nghị lẽ ra phải gọi là cổng... ô nhục vì bảng đồng ghi danh 2 Thị Trưởng Chen Xitong và Marion Barry của hai thành phố Bắc Kinh và Washington. Sau khi cổng hoàn thành cả 2 thị trưởng đều bị ở tù, một người vì tội thâm lạm công quỹ 16 triệu đồng nhân dân tệ, còn người kia vì tội buôn bán bạch phiến!”
Ði khắp Phố Tàu Washington DC các tiệm buôn đều bày trí như khu phố Mỹ, sạch sẽ, ngăn nắp, vỉa hè, đường phố sạch tươm không một cọng rác, sạch còn hơn khu phố Mỹ trung bình. Không có cảnh buôn bán quán sạp trái cây, rau cải, quần áo trên vỉa hè như Phố Tàu New York, Toronto. Các nhà hàng Tàu đều là những nhà hàng sang trọng, khách Mỹ thường là công chức văn phòng ăn mặc lịch sự. Không thấy một tiệm Phở, quán cà phê bánh mì của người Việt cũng như không có một chợ bán thực phẩm Việt Nam nào! Hỏi bạn bè người Việt ở đây vậy chứ muốn mua thực phẩm Việt Nam như rau muống, cải cúc, khổ qua, bầu bí, sầu riêng, nước mắm, mắm tôm thì đi chợ ở đâu? Bạn bè đều trả lời là khu thương xá Eden của người Việt ở thành phố Falls Church cách trung tâm Washington DC khoảng 7 miles về phía Tây. Thương xá Eden ở Falls Church Thương xá Eden tọa lạc ngay tại Ngã Bảy (Seven Corners) nơi 2 con đường lớn Arlington và Wilson Boulevard gặp nhau, địa chỉ là 6763 Wilson Blvd., Falls Church, Virginia 22044. Là một khu thương mại lớn với các dãy phố trệt (không lầu) bao quanh 3 mặt, chỉ còn mặt phía Nam là trống nhìn ra đường Wilson với cổng tam quan theo kiểu Á Ðông 3 tầng mái ngói đỏ có hàng chữ “Eden Center” ở giữa. Bãi đậu xe rộng lớn chứa được gần 1,000 xe giữa khu thương xá với 3 đường ra vào thông ra đại lộ Wilson Avenue. Khu thương xá chính ở giữa là khu lâu đời nhất khoảng 40 năm về trước với tên “Plaza Seven Shopping Center” đến năm 1984 đổi thành “Eden Center” cho người Việt Nam mướn và xây thêm tháp đồng hồ cao theo kiểu tháp Chợ Bến Thành Sài Gòn. Năm 1996 chủ nhân khu thương xá bỏ ra hàng triệu đồng xây thêm dãy thương xá phía Tây gọi là “Saigon West” rộng 32,400 feet vuông đồng thời cũng tân trang lại “Eden Center” chính. Mới đây là khu phố “Saigon Garden” trước kia là hiệu bán vỏ xe hơi “Just Tires” được thêm vào khu thương xá Eden. Những con đường chạy qua khu đậu xe được chủ nhân thương xá cho kẻ bảng tên đường bằng tên những vị tướng tuẫn tiết khi Miền Nam Việt Nam sụp đổ. Tên đường là tên những vị tướng tuẫn tiết năm 1975 khi chính thể VNCH (1954-1975) một giai đoạn lịch sử cáo chung. Bước vào trong khu Eden là các cơ sở thương mại như tiệm vàng (toàn khu Eden có 21 tiệm), nhà hàng, tiệm phở (22 tiệm), chợ thực phẩm (2 chợ là Saigon và Eden), quán cà phê (7 tiệm), bánh mì (Bakery & Deli, 9 tiệm), tiệm tóc và trang điểm (12 tiệm), quần áo, mỹ phẩm (7 tiệm), du lịch, bán vé máy bay (6 văn phòng), dịch vụ chuyên môn như khai thuế, di trú, bảo lãnh, quốc tịch, địa ốc, chuyển tiền (9 văn phòng), thuốc Bắc (2 tiệm) và bán dĩa DVD âm nhạc, máy móc điện tử (khoảng 10 tiệm). Thương xá mở cửa quanh năm từ 9 giờ sáng đến 8 giờ tối. Thương xá Eden là khu thương mại phục vụ cho người Việt Nam nhưng khách Mỹ cũng tò mò tìm tới ăn uống. Cuối tuần và những ngày lễ đồng hương từ các tiểu bang khác như Maryland, West Virginia, Delaware, Pennsylvania hội tụ về đây ăn uống, mua sắm thực phẩm Việt Nam, nữ trang, đồng hồ, dĩa phim, dĩa nhạc hoặc làm tóc, săn sóc da mặt v.v... nên thương xá lúc nào cũng đông nhất là vào những tháng Hè. Thương xá cũng là nơi sinh hoạt văn hóa, chính trị: mỗi năm Tết Nguyên Ðán có múa lân, đốt pháo, ca nhạc. Tết Trung Thu có văn nghệ, phát bánh Trung Thu, phát lồng đèn cho trẻ em. Nơi đây nhiều hội đoàn Việt Nam vùng Washington DC, Arlington, Falls Church cũng thường mượn bãi đậu xe trước thương xá để làm lễ kỷ niệm 30 Tháng Tư là ngày miền Nam thất thủ, ngày Quân Lực cũng như các cuộc tập trung đòi hỏi nhân quyền, tự do cho Việt Nam. Phía ngoài khu thương xá Eden, các con đường lân cận cũng có vài chợ Việt Nam, vài đại lý bán xe hơi cũ với nhãn hiệu sang trọng đắt tiền, tiệm sửa xe, làm đồng, phòng mạch bác sĩ v.v... Ðiều ít ai để ý là phía sau khu thương xá Eden là một nghĩa trang lâu đời của người Mỹ địa phương được xây tường cao nên ít ai thấy cũng như có một bồn nước tròn ở cạnh đó. Cộng đồng người Việt vùng Wasington, D.C. Sau khi chính quyền miền Nam Việt Nam thất thủ, làn sóng người Việt đầu tiên sang định cư tại Hoa Kỳ, một số khoảng 3,000 người tái lập cuộc đời mới ở vùng Washington DC. Cuối năm 1975 khu thương mại người Việt đầu tiên tập trung ở vùng Clarendon thuộc thành phố Arlington cách trung tâm Washington DC về phía Tây khoảng 4 miles trên đường Wilson Boulevard. Clarendon ngày xưa là “downtown” của quận (county) Arlington, thập niên 1920 là khu thương mại phồn thịnh nhất của vùng Bắc tiểu bang Virginia với nhiều đại lý xe hơi, các cửa hàng lớn như Sears, J.C. Penny đều có mặt tại đây. Ðến đầu thập niên 1970 thương vụ khu Clarendon đi xuống vì bị các khu thương xá mới rộng lớn có nhiều bãi đậu xe ở gần các xa lộ cạnh tranh. Cuối năm 1975 để phục vụ cộng đồng người Việt mới định cư tại Washington DC, tại Clarendon đầu tiên có 2 tiệm tạp hóa của người Việt là “Saigon Market” chủ nhân là một cựu viên chức trong tòa đại sứ VNCH trước kia và “Vietnam Center” được điều hành bởi một phụ nữ Việt có chồng làm cho CIA. Cùng trong thời gian này, để xây trạm xe điện ngầm Clarendon và đường rây dưới đất người ta phải đào nhiều con đường, giao thông tắt nghẽn khiến các cơ sở thương mại người Mỹ di chuyển đi nới khác. Kết quả là chủ nhân các khu phố hạ giá thuê mướn và nhiều người Việt trám vào mở các nhà hàng tiệm buôn khiến khu Clarendon không lâu trở thành “Little Saigon” của vùng Washington DC. Năm 1977 người ta còn nhớ cửa hàng “Pacific” với 2 tầng lầu bán thực phẩm Á Châu, đồ trang trí nhà cửa theo kiểu Á Ðông, vải vóc, quà cưới ở tầng dưới. Tầng trên là quán cà phê, phòng bi da, ban đêm có ban nhạc trẻ lấy tên là “Uptights” chơi nhạc rock. Thời ấy “Pacific” được gọi là trung tâm sinh hoạt của người Việt, nhớ nhà người ta tìm đến đây để thấy lại khung cảnh Sài Gòn ngày trước. Năm 1978 có thêm tiệm “Kim Long Gift Shop” (vị trí của nhà hàng “Café Dalat” sau này). Những năm sau đó có thêm nhiều cửa hàng như “Lotus Import” bán đồ gỗ Á Châu, tiệm vàng “Ðạt Hưng,” “Saigon Souvenir,” “Mekong Center” v.v... Năm 1979 Hội Xuân Việt Nam đầu tiên được tổ chức trong khuôn viên trường Jefferson Intermediate School thu hút nhiều người Việt từ các tiểu bang xa xôi như Florida cho tới Maine về tham dự. Hàng năm vẫn thường tổ chức ngày “Phụ Nữ Việt Nam” để kỷ niệm ngày lễ Hai Bà Trưng đánh đưổi quân Tàu khoảng năm 40 sau Tây lịch. Năm 1982 khu Clarendon phát triển khả quan, các nhà hàng quán nước nhộn nhịp với khách của trạm xe điện ngầm, chính quyền biến con đường Wilson thành khu thương mại và phía trong là khu nhà ở hạng sang với kế hoạch xây những tòa chung cư cao ốc nhiều tầng. Chủ phố bắt đầu tăng tiền phố và tạo khó khăn khi ký hợp đồng thuê mướn dài hạn nên nhiều cơ sở Việt không kham nổi phải dời đi nơi khác. Ðó là lúc thương xá Eden Center về phía Tây thêm 3 miles nữa bắt đầu thành hình năm 1984 và nhiều nhà hàng, tiệm buôn dời về đây cũng như mở thêm nhiều cửa hàng mới theo đà phát triển của cộng đồng người Việt. Khu Phố Việt đầu tiên Clarendon chỉ còn lại một vài nhà hàng bám trụ, Queen Bee và Café Dalat đóng cửa năm 2005, 2008 thêm Little Viet Garden âm thầm lui bước, nay chỉ còn nhà hàng Nam Việt lâu năm còn một mình ở lại bán cho khách Mỹ quen biết. Nam Việt còn một nhà hàng nữa ở gần Sở Thú Washington DC. Theo trang tự điển bách khoa trên mạng Wikipedia: vùng phía Bắc tiểu bang Virginia tức Arlington, Falls Church, Annandale, Alexandria là ngoại ô phía Tây của Washington DC có cộng đồng Việt Nam đông nhất vùng bờ biển phía Ðông nước Mỹ, năm 2007 có 48,000 người Việt sinh sống (www.en.wikipedia.org/wiki/Demographic_of_Virginia). Chưa kể vùng ngoại ô phía Ðông thuộc tiểu bang Maryland, cộng đồng người Việt tại thủ đô Washington DC phải gần 60,000 người. Số người định cư năm 1975 là sĩ quan, công chức cao cấp VNCH, những đợt người tỵ nạn đến sau gồm đủ mọi thành phần nhưng đa số người vượt biên đều là thành phần có học, khá giả bị chế độ CS trù dập, ngược đãi. Cộng đồng người Việt ở đây gồm nhiều giáo sư, học giả, trí thức nổi tiếng, họ thành lập nhiều hội đoàn chính trị vận động chính giới Hoa Kỳ nhận người tỵ nạn, những cựu tù cải tạo sang định cư theo chương trình HO v.v... Các hội đoàn văn hóa, tôn giáo cũng sinh hoạt rầm rộ tổ chức những lễ Tết truyền thống để duy trì văn hóa Việt Nam trên xứ người. Một linh mục Việt ở đây đã nói với báo chí Mỹ: “Tục ngữ Việt có câu “bắt cá hai tay” để chỉ việc làm khó khăn và người Việt vùng Virginia đã làm như vậy, mỗi tay bắt một con cá, nghĩa là vừa hội nhập vào xã hội Mỹ xa lạ, vừa bảo tồn phong tục, văn hóa dân tộc mình trên xứ người.” Bài này cũng xin được kết thúc loạt ký sự du lịch qua các thành phố Canada và miền Ðông nước Mỹ. Có luận cổ mới suy kim, có tìm hiểu lịch sử, quan sát về đất nước, con người xứ sở thứ hai đã bao dung chấp nhận cho mình sinh sống mới thấy đây là một đất nước tươi đẹp, rộng lớn và là một dân tộc can đảm, hào hùng tương tự như người Việt Nam đã liều chết ra đi để tìm tự do, lẽ sống cho con cháu sau này. Ðến miền Ðông nhìn tận mắt những di tích, hiểu lịch sử về xứ sở nhân ái đã cưu mang mình, mới thấy tình yêu dạt dào dành cho miền đất mới này. Cầu Trời phù hộ cho nước Mỹ để mãi là một miền đất dân chủ, tự do, tôn trọng quyền của con người. “God Bless America!”. Cùng ngòi bút lãng du Trịnh Hảo Tâm, đã phát hành 5 quyển ký sự du lịch: “Trên Những Nẻo Ðường Việt Nam”, “Miền Tây Hoa Kỳ”, “Trung Quốc”, “Mùa Thu Ðông Âu”, “Tây Âu Cổ Kính” và sắp xuất bản “Miền Ðông Nước Mỹ và Canada”. Ðộc giả từng thích thú theo dõi các chuyến đi của tác giả trên Người Việt có thể tìm mua tại các nhà sách, đồng giá 15 USD mỗi quyển. Ở xa gởi ngân phiếu 15 USD về tác giả, sách có chữ ký sẽ được gởi đến tận nhà (bao cước phí):
|