Home CĐ Việt Xây Dựng CĐ Việt Ban Việt ngữ đài BBC và Việt Nam -Kỳ 1

Ban Việt ngữ đài BBC và Việt Nam -Kỳ 1 PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Tường Tâm   
Thứ Tư, 26 Tháng 5 Năm 2010 12:00

Trong thời gian gần 10 năm trở lại đây, người Việt hải ngoại nhận xét với nhiều bất mãn cho rằng các nhân viên ban tiếng Việt của đài BBC là Việt Cộng,

 ý nói họ là nhân viên của nhà cầm quyền Việt nam, chuyên loan tin một chiều. Nhưng đó chỉ là những đồn đãi và bất mãn mà chưa ai nêu lên một bằng chứng nào. Nhưng qua dip tiếp xúc trực tiếp, một thành viên trong ban Việt Ngữ đài BBC đã vô tình hé lộ cho người viết rằng gần như họ làm việc khá chặt chẽ với sự chỉ đạo của nhà cầm quyền Cộng sản Việt nam.

Nghe giọng nói của các xướng ngôn viên trong ban tiếng Việt BBC trong gần 10 năm trở lại, người Việt hải ngoại nhận ra ngay đó là giọng nói của những người miền Bắc hay từ miền Bắc vào Nam sau 1975 hay con cháu của những người này dù được sinh đẻ trong Nam. Kể từ ngày 30/4/1975, cùng với hàng triệu người miền Bắc tràn vào Nam là giọng nói đặc biệt của họ, giọng của người Hà Nội hiện nay mà họ tự hào là một giọng nói chuẩn. Cộng đồng người Việt hải ngoại thì không cho rằng đó là giọng nói chuẩn của người Hà Nội trước 1954.

Tác giả và Ban Việt Ngữ đài BBC 2001.
Tác giả đứng thứ 3 từ bên phải - người đối đáp với tác giả đứng thứ 3 từ bên trái.
HÌNH DO TÁC GIẢ CUNG CẤP
Nhưng với chương trình phát thanh Việt Ngữ của một đài hải ngoại như đài VOA mà người viết có thời gian làm việc thì nhận định của người Việt hải ngoại về giọng nói của người miền Bắc hiện nay không thành vấn đề. Điều quan trọng là các chương trình đó đang nhắm tới các thính gỉa trong nước và họ thấy rằng người Việt hải ngoại xa nước lâu ngày rồi, giọng nói không còn dễ nghe đối với người trong nước nữa, vì thế về lâu về dài họ muốn tuyển các xướng ngôn viên và biên tập viên từ trong nước để dễ tiếp cận thính giả trong nước hơn.

Tuy nhiên hiện nay đại đa số nhân viên kỳ cựu của ban Việt ngữ đài VOA vẫn là người Việt hải ngoại thế hệ thứ nhất và cộng đồng người Việt hải ngoại thế hệ thứ nhất tại Hoa Kỳ, thông thạo cả tiếng Anh và tiếng Việt vẫn còn thừa khả năng cung ứng nhân lực cho nên ban Việt ngữ đài VOA chưa tuyển nhiều nhân viên từ trong nước.

Có lẽ đài BBC cũng có mục tiêu tuyển dụng nhân viên ban Việt ngữ từ trong nước như đài VOA. Đồng thời tại Anh quốc, đa số thuyền nhân thế hệ thứ nhất đều gốc miền Bắc, trình độ văn hóa thấp, lại không chịu và không có khả năng theo học đại học Anh quốc nên không cung cấp được đủ nhân lực thông thạo cả hai ngôn ngữ cho ban Việt ngữ đài BBC. Hai lý do vừa nêu khiến BBC phải tìm mướn những người trẻ tốt nghiệp đại học trong nước. Trong 10 năm qua, những giọng nói quen thuộc với thính giả từ trước 1975 của các xướng ngôn viên người miền Nam đã biến mất, chỉ còn các xướng ngôn viên gốc miền Bắc với giọng nói của đặc thù của họ.

Việc tuyển dụng người từ trong nước chính là đầu mối để nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thực hiện 2 mục tiêu:
 1-Lợi ích cá nhân: Chỉ cho phép các con cái những cấp lớn được thu dụng vào BBC.
 2-Lợi ích tình báo: Thực hiện chiến thuật cổ điển về tình báo của miền bắc là “Nằm sâu, leo cao” để thu thập tin tức của nước ngoài và dần dần tiến tới khuynh đảo cơ quan truyền thông nước ngoài, biến cơ quan truyền thông nước ngoài thành cái loa tại hải ngoại của truyền thông “lề phải” ở trong nước. Chiến thuật tình báo “nằm sâu, leo cao” đã được chính quyền miền Bắc áp dụng thành công trong rất nhiều trường hợp trong chiến tranh Việt nam, ví dụ họ đã cài được cả nhân viên tình báo làm cố vấn tổng thống miền Nam (điệp viên Huỳnh Văn Trọng) và cài được một nhà báo có uy tín trong giới báo chí quốc tế (điệp viên Phạm Xuân Ẩn.)

Việc đòi hỏi văn bản qui định trọng trách đảng giao cho các nhân viên ban Việt ngữ đài BBC gốc miền Bắc sẽ không bao giờ có. Nhưng tất cả những ai từng làm việc trong đảng hay chính quyền cộng sản đều biết một qui luật bất thành văn là đảng cộng sản có thói quen và khả năng lãnh đạo hữu hiệu không cần văn bản. Ví dụ mới nhất của lối cai trị không cần văn bản là vụ cấp trên (không biết là ai) chỉ thị miệng cho nhà thơ Phạm Sĩ Sáu, trưởng ban Giám Khảo phải hủy bỏ giải nhất mà Liên Chi Hội Nhà Văn Đồng Bằng Sông Cửu Long đã trao cho bài thơ “Trăng Nghẹn” của Hoài Tường Phong (1)

Chính quyền Việt nam hiện nay có cơ quan chuyên quản lý những người làm việc cho cơ quan nước ngoài. Về mặt hành chánh không chính phủ ngoại quốc nào có thể chê trách việc nhà nước Việt Nam tổ chức một cơ quan như thế. Nhưng các cơ quan nước ngoài, với truyền thống tự do và trong sáng (transparency) , họ không biết rằng nhiệm vụ chính thức của cơ quan này thực là đáng lên án. Với quyền điều tra lý lịch những người trong nước trước khi được cơ quan nước ngoài thuê mướn, trên danh nghĩa là để bảo vệ cơ quan nước ngoài, cơ quan an ninh & tình báo của nhà nước đã có quyền tuyệt đối trong việc quyết định ai được BBC tuyển dụng.

Thật dễ dàng nhận ra rằng cơ quan an ninh Việt nam sẽ lợi dụng quyền tuyển dụng tối thượng này để gài đặt, ép buộc những người này phải làm thêm nhiệm vụ tình báo, thu thập các tin tức liên quan tới cơ quan nước ngoài để báo cáo về cơ quan an ninh trong nước.

Ở những văn phòng tại Việt Nam của nước ngoài hay cơ quan quốc tế, ngay cả những nhân viên thường như nhân viên hành chánh, hay lao công cũng bị ép buộc nhận thêm nhiệm vụ báo cáo định kỳ những tin tức của cơ quan họ làm việc. Đối với những cơ quan quan trọng về chính trị, truyền thông như Phòng thông tin Hoa Kỳ ở Hà Nội hay BBC, thì việc cơ quan an ninh Việt Nam cài người và ép buộc người được thu nhận phải làm thêm việc thu thập tin tức cho cơ quan an ninh là điều đương nhiên.

Bằng chứng của việc nhà cầm quyền Việt nam đã thành công trong việc gài các con ông cháu cha của họ vào ban Việt ngữ đài BBC thật dễ thấy khi thính gỉa còn nhớ cách nay khoảng hơn một năm, trong cuộc phỏng vấn một bộ trưởng trong nước, thay vì trả lời lịch sự với một phóng viên của cơ quan truyền thông có uy tín quốc tế như BBC, ông bộ trưởng nọ lại ăn nói với người phóng viên đó như với chính con em của ông ta. Ông ta dõng dạc lên tiếng dậy dỗ người phóng viên BBC phỏng vấn ông là, “Này, cần phải học hỏi thêm về văn hóa Việt nam đi nhá!” Tôi không nhớ chính xác câu “dậy dỗ” của ông ta, nhưng đại khái là như vừa trích dẫn. Rõ ràng vì anh phóng viên nọ là người của chính quyền cài vào cho nên vị lãnh đạo trong chính quyền mới coi thường và dám có giọng kẻ cả như vậy.

Việc muốn được Phòng thông tin Hoa Kỳ tại Hà Nội hay BBC thu dụng, thì người trong nước phải bị điều tra lý lịch và thi hành nhiệm vụ gián điệp do cơ quan an ninh trao phó đã được một thanh niên làm việc cho Phòng thông tin Hoa Kỳ tại Hà Nội và một thành viên trong ban Việt ngữ đài BBC xác nhận với tôi.

Năm 2000, khi tôi còn làm việc tại đài VOA ở Washington D.C., chợt thấy một thanh niên trẻ tới thăm đài tôi hỏi anh ta ở đâu tới thì anh ta cho biết làm việc tại Phòng thông tin Hoa Kỳ tại Hà Nội cho nên được cho sang Hoa Kỳ tham quan. Tò mò tôi hỏi trước khi vào làm cho Phòng thông tin Hoa Kỳ anh ta có bị điều tra lý lịch không thì anh ta nói là không. Tôi không tin nên nói với anh ta rằng trước 1975, ở miền Nam, rất là tự do, nhưng cho dù chỉ xin vào làm quét dọn cho các căn cứ Mỹ cũng phải qua cơ quan cảnh sát điều tra lý lịch, huống chi là ngày nay với đảng cộng sản mà anh lại được Phòng thông tin Hoa Kỳ tuyển dụng thì làm sao không khỏi bị cơ quan an ninh điều tra lý lịch.

Anh ta cười thật thà cho biết, “Với em thì mấy bác ấy không phải điều tra nữa vì trước kia em làm ở cơ quan khác các bác ấy đã điều tra lý lịch của em rồi.” Tôi không hỏi trước kia anh ta làm cơ quan gì. Nhưng tôi hỏi tiếp, “Thế vào làm ở Phòng thông tin Hoa Kỳ tại Hà Nội anh có phải báo cáo thường xuyên cho cơ quan an ninh không?” Lần này thì anh ta không cố dấu nữa mà thú thật ngay, “Khi nào có gì thì mới báo cáo.” 

Như thế là đã quá rõ, và tôi không hỏi tiếp nữa. Vài tháng sau, năm 2001, khi đi du lịch London, tôi ghé thăm ban Việt Ngữ đài BBC. Anh trưởng ban và các anh chị em trong ban tiếp tôi với thái độ niềm nở. Lúc bấy giờ trưởng ban là con em miền Nam và là một tiến sĩ ở Úc. Anh này rất trẻ, có lẽ mới ngoài 30, công dân Úc nhưng là thường trú nhân Hoa Kỳ. Anh cho biết sau khi hết khế ước với BBC anh sẽ tới sinh sống tại Nam California. Tất cả 8 nhân viên còn lại gồm có 5 nam và 3 nữ, đều rất trẻ.

Tôi không thấy một nhân viên phát thanh nào người miền Nam trước kia mà tên tuổi đã được độc giả biết tới. Người miền Nam duy nhất tôi gặp là chị Lê Phan, con bác sĩ Phan Huy Quát. Nhưng lúc đó tôi thấy chị không làm phần hành phát thanh mà lại đang lo về mặt kỹ thuật, tức là cắt và lắp ráp các cuốn băng thu trước để chuẩn bị cho phát thanh.

Một thanh niên trẻ đang làm việc bên computer cho tôi biết anh đang theo học đại học tại London. Tôi không biết ai là sinh viên du học được BBC thu nhận ai là người được BBC thuê từ trong nước.

Trong câu chuyện, chị nhiều tuổi nhất có vẻ lanh lợi tiếp chuyện nhiều với tôi. Nhân đó tôi hỏi chị một câu như trước kia tôi đã hỏi anh thanh niên làm việc cho Phòng thông tin Hoa Kỳ tại Hà Nội, “Khi vào làm cho BBC anh chị có phải thường xuyên báo cáo cho công an không?” Tôi hỏi rất nhỏ nhẹ vì tò mò. Nhưng khi nghe câu hỏi, dường như chị bị sốc, bèn lên giọng “tấn công” tôi: “Báo cáo thì cũng như các anh phải báo cáo với CIA vậy.” Các anh chị khác nghe vậy không nói gì.

Với tôi, câu nói của chị cũng là quá đủ để xác nhận “Quí anh chị làm cho ban Việt ngữ đài BBC đều phải thường xuyên báo cáo cho công an.”  Tôi không giải thích sự hiểu lầm của chị về CIA mà chuyển sang đề tài khác vui vẻ hơn.

Các anh chị trong ban Việt ngữ đài BBC không biết rằng, tại Hoa Kỳ, một xứ sở tự do, không một cơ quan an ninh nào (CIA hay FBI) có thể cưỡng ép một người nào làm việc cho họ. Thêm nữa tất cả các anh chị trong ban Việt Ngữ đài VOA trưởng thành trong nền giáo dục tự do của miền Nam, tương tự của mọi quốc gia tiền tiến phương tây, nên hiểu rõ đạo đức nghề nghiệp của người làm truyền thông cũng như hiểu rõ quyền tự do cá nhân trong một xã hội dân chủ Hoa Kỳ nên họ không bị đảng phái hay chính quyền nào ép buộc phải báo cáo mà chỉ chú tâm làm tròn nhiệm vụ truyền thông trung thực khách quan theo hướng dẫn của đài mà thôi.

Với quyền sưu tra an ninh, đảng cộng sản Việt nam đã thủ đắc một quyền tối thượng trong việc quyết định sự tuyển dụng người của BBC để khuynh đảo ban Việt ngữ đài này. Điều này thật dễ hiểu bởi vì lâu nay bằng biên pháp tương tự nhà cầm quyền Hà Nội đã khuynh đảo hàng giáo phẩm lãnh đạo giáo hội Thiên chúa tại Việt nam. Bài “Vatican, Việt Nam hy sinh một con người của chúa” của the Hanoist đăng trên trang mạng Asia Times Online ngày mùng 7-5-2010 viết,

“Hà Nội chỉ cho phép một giáo hội Thiên chúa dưới sự kiểm soát của toà Thánh Vatican trên danh nghĩa. Trên thực tế nhà cầm quyền hạn chế việc phong chức các linh mục và chấp thuận tất cả mọi bổ nhiệm các tu sĩ. Điều này đưa tới việc hình thành một hàng giáo phẩm lãnh đạo giáo hội Thiên Chúa dễ bị khuynh loát tại Việt nam" (Hanoi allowed a Catholic church to exist under nominal Vatican control. In practice, Vietnamese authorities restricted the ordainment of clergy and cleared all appointments. This led to a generally pliant Catholic church leadership in Vietnam.-Nguồn: Vatican, Vietnam sacrifice a holy man, Asia Times Online, by the Hanoist, 7 May 2010)

Một khi đã là công cụ của nhà cầm quyền Việt nam thì việc loan tin một chiều có lợi cho cộng sản Việt nam là điều đương nhiên.
(1) Đọc ‘Trăng nghẹn’, nhớ ‘Lời mẹ dặn’ Trùng Dương Thứ Ba, 09 tháng 3 2010 (VOA) http://www1. voanews.com/ vietnamese/ news/arts/ Doc-Trang- nghen-nho -Loi-me-dan- 03-09-10- 87153522. html