Thầy Châu Trần - Teaching Excellence Award 2010 Ðại Học Coastline |
Tác Giả: Ngọc Lan/Người Việt | |||
Chúa Nhật, 30 Tháng 5 Năm 2010 20:58 | |||
‘Chưa từng thấy thầy giáo nào dạy hết lòng như vậy!’ WESTMINSTER (NV) - “Tất cả bạn bè tôi đều nói, ‘chưa từng thấy ông thầy nào dạy hết lòng như vậy!’” là lời nhận xét của một trong những sinh viên trường Coastline Community College về một thầy giáo dạy toán mang tên Châu Trần. Mỗi năm, trường đại học cộng đồng Coastline đều chọn ra hai thầy cô giáo nổi bật nhất để trao giải “Teacher of the Year” (dành cho giảng viên toàn thời gian) và “Teaching Excellence Award” (dành cho người dạy bán thời gian). Giải thưởng “Teaching Excellence Award” năm nay đã thuộc về thầy Châu Trần, một người đến Mỹ chỉ vừa được bốn năm. Một thầy giáo dạy toán tận tâm Bà Michelle Ma, đại diện Public Relation & Marketing của trường Coastline đánh giá, “Châu Trần là thầy giáo dạy Toán bán thời gian được vài năm. Ông phụ trách môn Toán và dạy đa số sinh viên Việt Nam. Ông xứng đáng được đề cử giải ‘Giảng dạy xuất sắc’ năm 2010 bởi những kết quả mà ông đã mang lại cho sinh viên. Ông là người rất năng động, và cũng là người tham gia vào tiểu ban tiếp thị của tôi.” Thầy Châu Trần, người nhận giải “Teaching Excellence Award 2010” của trường Ðại Học Cộng Ðồng Coastline. “Sinh ra trong một gia đình có truyền thống 3 đời dạy học nên năm 1973, sau khi đỗ tú tài đôi, tôi may mắn có được công việc làm gia sư cho hai em bé người Mỹ ở Sài Gòn, và tôi xem đó như là cơ duyên đưa mình đến với nghề dạy học sau này,” thầy Châu kể. Sau 5 năm dạy toán ở trường đại học kinh tế ở Sài Gòn, thầy Châu tham dự một kỳ thi do chính phủ Pháp tổ chức và được chọn sang Pháp học. Sau khi xong chương trình thạc sĩ, với sự động viên của các giáo sư hướng dẫn, thầy Châu quyết định ở lại Pháp để học tiếp chương trình tiến sĩ, đồng thời tham gia giảng dạy tại một trường đại học ở miền Nam nước Pháp. Ðến năm 2006, thầy Châu sang Mỹ và được mời dạy Toán Cơ Bản tại trường Coastline Community College. “Tôi không hề mong đợi giải thưởng này bởi tôi là người rất mới ở Coastline. Thêm nữa là tôi ở Pháp mới sang, mà truyền thống ở Pháp không có những giải thưởng như vậy nên tôi không bao giờ nghĩ đến giải thưởng đó.” Thầy giáo “Giảng dạy xuất sắc 2010” nói. Chính vì thế, khi biết mình được chọn nhận giải “Teaching Excellence Award,” thầy Châu cảm thấy “ngạc nhiên và vui sướng.” Thầy Châu chia sẻ, “Tôi sung sướng bởi công việc của mình làm được người ta công nhận, không phải là công nhận cho bản thân tôi mà những sự công nhận như vậy sẽ giúp cho cộng đồng Việt Nam dễ làm việc hơn, cũng như khuyến khích tôi có thêm năng lực thúc đẩy những sinh viên gốc Việt đi tới.” Sự thành công trong việc dạy toán của thầy Châu Trần là ở chỗ thầy nhận ra cảm giác “sợ Toán” của sinh viên ở Mỹ quá lớn. Nhận ra được điều đó, đồng nghĩa với việc thầy đã “tìm ra cách xóa bỏ được nỗi sợ đó để các sinh viên, dù ở lứa tuổi nào, cũng cảm thấy toán không hề khó học như họ vẫn nghĩ.” Ông Lê Thanh Nghĩa, một sinh viên từng học thầy Châu Trần, nhận xét, “Thầy Châu là một người rất tốt. Không những dạy trên lớp mà gặp bất cứ ở đâu hỏi bài thầy cũng tận tình chỉ dẫn, với một phong cách hết sức bình dân. Tất cả bạn bè tôi đều nói, ‘chưa từng thấy ông thầy nào dạy hết lòng như vậy!’” Sinh viên Nghĩa còn cho biết thêm về cách dạy của thầy Châu là “dạy từ đầu đến đuôi, nên tui không cần phải đọc sách khi làm bài tập.” Là người học thầy Châu Trần được 2 học kỳ, anh Châu Quang Liêm cảm thấy “thầy Châu là một thầy giáo gần gũi, thân thiện và hay giúp đỡ học sinh. Những sinh viên nào gặp khó khăn trong việc học thầy đều tận tình giúp đỡ trong lớp cũng như ngoài lớp. Học sinh quý thầy không chỉ vì kiến thức rộng rãi của thầy mà còn vì cách thầy đối với mọi người.” Với anh Liêm, thầy Châu không chỉ dạy anh môn toán, mà còn hướng dẫn anh cả về máy tính, và anh Liêm “cảm thấy xúc động khi nghe thầy được nhận giải thưởng này.” Hiện tại, thầy Châu đã hình thành được câu lạc bộ Toán học ở trường Coastline, bởi “chuyện dạy toán ở Mỹ còn rất nhiều chuyện phải làm” và “tham vọng” của thầy Châu là “Muốn tạo nên một phong trào học toán, học toán như thế nào cho thông minh và sáng tạo.” Người thầy đam mê với chuyện dạy toán cho rằng, “Học bất kỳ ngành nào, muốn đi xa cũng đều cần có toán. Do đó phụ huynh nên khuyên con em mình đừng sợ toán, phải bỏ đi cảm giác sợ toán, bởi toán không chỉ đơn giản là chuyện tính toán bình thường mà nó còn là nền tảng đào tạo suy nghĩ con người. Với toán, cần ‘enjoy’ với nó, nắm quy luật của nó thì mình sẽ ‘chơi’ được với nó dễ dàng.” Hết lòng với “international students” Bên cạnh công việc của một thầy giáo dạy toán, thầy Châu Trần còn nhận lời làm cố vấn cho các sinh viên du học, đặc biệt là các du học sinh Việt Nam, tại trường Coastline. Theo thầy Châu, phần lớn các em học sinh sinh viên sang Mỹ du học gặp nhiều khó khăn trong việc “không dám thừa nhận mình là ‘international students’” bởi “dường như chưa có cái nhìn thông cảm của cộng đồng Việt Nam ở đây đối với các em. Họ cho rằng các em đa số đều là con em gia đình ‘tư sản đỏ.’ Nhưng bằng kinh nghiệm giảng dạy và tiếp xúc với các em, tôi hiểu đó không phải là sự thật.” Trong vị trí một người cố vấn cho sinh viên du học, thầy Châu Trần cho rằng, “Nếu chúng ta biết hướng dẫn, giúp đỡ các em đúng cách, các em du học sinh sẽ chính là thành phần tích cực góp tay vào việc thay đổi quê hương. Chính vì vậy mà tôi muốn tạo sự thông cảm giữa cộng đồng Việt Nam với các em, để các em không ngại chuyện sẽ phải chịu đựng những cái nhìn thiếu thiện cảm tại đây khi thừa nhận mình là một sinh viên du học.” Thầy Châu tâm sự, “Tôi thường nói với sinh viên rằng tôi sang đây tôi nói tiếng Anh có ‘accent’. Nếu như ở Pháp tôi nói tiếng Pháp có ‘accent’ như vậy thì khó mà có cơ hội để đi vào những môi trường đại học. Thế nhưng Mỹ lại chấp nhận tất cả những cách phát âm như vậy. Ðiều này tạo nên tính đa dạng và cũng khiến tôi mạnh dạn khuyến khích sinh viên đừng bao giờ ngại nói tiếng Anh với ‘accent’, vì cái đó chính là đặc điểm của nước Mỹ.” “Và những đặc điểm đó đã khiến Mỹ trở thành vĩ đại.” Thầy giáo “giảng dạy xuất sắc 2010” của Coastline gật gù.
|