Home CĐ Việt Xây Dựng CĐ Việt Mùa cưới tại nước Mỹ và phong tục Việt

Mùa cưới tại nước Mỹ và phong tục Việt PDF Print E-mail
Tác Giả: Lan Phương | Washington D.C   
Thứ Ba, 08 Tháng 6 Năm 2010 20:32

Kính thưa quí vị, mùa hè tại nước Mỹ là khoảng thời gian mà nhiều đám cưới được tổ chức.

 Và nói đến đám cưới thì phải nói đến áo cưới, bánh cưới và rất nhiều thứ khác. Trong phạm vi của mục Câu Chuyện Nước Mỹ hôm nay, chúng tôi sẽ trình bày cùng quí vị về dịch vụ may áo cưới, một nơi chuyên đặt bánh cưới của người gốc Việt trong khu vực phụ cận thủ đô Washington. Mời quí thính giả theo dõi với Lan Phương sau đây. 
 

Chủ nhân Bảo Kim của tiệm bánh cưới Le Bledo
Hình: VOA - Lan Phuong

Khăn cưới bằng hàng voan, chiếc áo cưới bằng lụa hay satin màu trắng tha thướt trên thân mình cô dâu tươi trẻ, xinh đẹp là hình ảnh mà người ta vẫn thấy ở mỗi đám cưới vào thời đại này, cho dù Âu Mỹ hay Á đông.

Trong cộng đồng người Việt hải ngoại, ngoài chiếc áo cưới Tây phương, hầu hết các cô dâu vẫn còn giữ truyền thống cũ, đó là trong vài tiếng đồng hồ làm lễ vu qui, các cô sẽ tạm thay chiếc áo đầm trắng để khoác lên người bộ y phục cổ truyền: áo dài, khăn vành dây.

Có điều tại Hoa Kỳ, khi tổ chức đám cưới, những gia đình người Việt không chỉ chọn ngày lành tháng tốt, mà còn theo lề lối ở đây, là phải vào ngày cuối tuần, thường là thứ bảy, mọi người được nghỉ, mới có thể tham dự đông đủ và đám cưới phải sắp đặt trước cả một năm hay hơn.

Thiệp mời cũng phải gửi đi rất sớm trước ít nhất cả hai hay ba tháng, đợi khách được mời hồi âm, và thường phải hồi âm trước ít nhất là một tháng để nhà trai, nhà gái biết số người tham dự để còn đặt nhà hàng.

 Tiệc cưới cũng phải đặt sớm, từ 6 tháng đến khoảng một năm trước, bằng không sẽ có đám khác đặt, nhà hàng không còn chỗ.

Cô dâu mua áo cưới theo kiểu tây phương nhiều khi vẫn phải sửa lại cho vừa vặn với thân hình, cũng phải mất nhiều thời giờ. Còn nếu đặt may thì cũng phải đặt sớm để còn chọn vải, thử áo có khi hai ba lần mới xong, và thợ phải bỏ rất nhiều thời giờ để trau chuốt chiếc áo cưới.

Một số cô dâu vẫn chọn đến đặt may áo hơn là mua sẵn

Uyên Đoàn

Cô Uyên Đoàn, sống tại vùng phụ cận thủ đô, vẫn nhận đặt may áo cưới. Cô đã vào nghề cắt may âu phục từ những năm 1990 tại Việt Nam, và khi đến Hoa Kỳ, cô làm cho một cửa hàng chuyên bán áo cưới ở một thương xá Mỹ.

Sau khi có con, cô nghỉ việc, ở nhà nhận đặt may mọi loại quần áo. Nhưng áo cưới kiểu tây phương là sở thích của cô.

Cô Uyên giải thích: "May áo cưới đòi hỏi nhiều kinh nghiệm cũng như sáng tạo của mình nên cháu thích may áo cưới hơn là những thứ quần áo bình thường khác như quần tây, suit, v..v.. người may chiếc áo cưới cần phải biết chọn kiểu như cho thích hợp với thân hình của khách, chưa kể lối cắt và những chuyện tỉ mỉ khác."

Những cửa hàng bán áo cưới tại Mỹ có đầy đủ mọi kiểu cho khách chọn lựa, giá hạ hơn là đặt thợ, tuy nhiên một số vẫn chọn đến đặt may áo hơn là mua sẵn.

Cô Uyên cho biết lý do: "Ở ngoài rẻ hơn nhưng có những người vẫn đến cháu may vì họ...mập quá, kiếm không ra size (kích thước ) của họ. Họ đến cháu đặt may thì mặc vừa vặn, đẹp hơn. Rồi có những người có vết chàm, vết sẹo trên cánh tay, trên cổ, nhưng họ kiếm không ra những áo cưới bán sẵn có tay mà cũng không biết làm cách gì để che vết sẹo, vết chàm trên cổ (vì mùa cưới thường vào mùa hè, áo cưới là loại hở vai) Họ tới cháu thì cháu sẽ may có tay, và thiết kế thêm để có thể che được các vết sẹo hay vết chàm. Có nhiều người trẻ còn thích xâm tùm lum trên cánh tay, khi mặc áo cưới vào nhà thờ, họ muốn che hết đi, nên cháu sẽ may áo có tay và tạo mẫu thế nào để có thể che những vết xâm của họ."

Cô Uyên cho biết so một chiếc áo cưới đặt cô may với một chiếc áo mua ngoài tiệm, loại hàng vải tương đương, thì giá đặt cô may chỉ đắt hơn khoảng 100 đô la, và thường khách đi mua áo may sẵn cũng lại phải sửa, tốn thêm từ 100 đến 200 đô la nữa.

Theo như cô cho hay, năm nay trung bình một chiếc áo cưới vào khoảng từ 600 đôla đến 800 đô la.

Bên cạnh áo cưới theo kiểu Tây phương, cô Uyên Đoàn còn nhận may áo dài cô dâu và những kiểu Âu phục khác.

Ngoài chuyện quần áo, chiếc bánh cưới cũng là điều không thể thiếu trong nghi lễ. Và từ lâu người Việt tỵ nạn ở đây cũng đã chen chân được vào lãnh vực này. Điển hình là tiệm bánh Le Bledo, còn mang tên là Đà Lạt, tại thành phố Springfield, bang Virginia, chuyên cung cấp bánh cưới. Bà chủ, người Đà Lạt, đến Mỹ vào đầu thập niên 1990. Chỉ một năm sau bà mở một cửa hàng nhỏ, nhận đặt bánh cưới, bánh sinh nhật, các loại bánh ngọt và các món ăn để khách mua đem đi ăn trưa.

Cách nay mấy năm, bà dọn sang một cửa hàng rộng rãi hơn nhiều, trong cùng một thương xá. Le Bledo nhận đặt các loại bánh cưới, cỡ lớn nhất có thể phục vụ cho 600 người ăn, giá vào khoảng từ 800 đến 1,000 đô la tùy loại thường hay đặc biệt. Khách hàng của bà thuộc đủ sắc dân, từ người gốc Việt, ngừơi Mỹ đến những người gốc châu Mỹ Latin.

Chủ nhân Bảo Kim của tiệm bánh cưới Le Bledo cho biết mùa cưới từ tháng 5 đến tháng 10 là khoảng thời gian bận rộn hơn nhiều so với những tháng khác trong năm.

Nhưng không phải chỉ nhận đặt bánh cưới theo kiểu Tây phương, Le Bledo còn có các dịch vụ đặc biệt dành cho đám hỏi, đám cưới theo phong tục của người Việt.

Bà Kim cho biết: "Thường thường một đám cưới người ta hay đặt thức ăn cho buổi trưa để đãi đằng trai tới đằng gái. Em có những món mặn tùy theo khách yêu cầu món gì thì em làm món đó."

Nhà hàng còn có những dịch vụ cho thuê những đồ dùng cho đám cưới cổ truyền Việt Nam.

Bà Kim nói: "Có mâm quả đầy đủ, em có khay rượu, khay đựng nữ trang, các quả lớn để người ta đựng trái cây hoặc bánh mang qua nhà gái em đều có cả."

Bà Bảo Kim cho biết khách thuê mâm quả năm nay có phần chậm hơn, trước đây mỗi tuần thường có ít nhất hai đám cưới đến thuê, nhưng mấy lúc sau này khách bớt dần. Theo bà có lẽ là vì kinh tế không mấy khá nên người ta cũng bớt chi tiêu. Người viết bài này cũng hy vọng như thế chứ không phải vì sống trên đất Mỹ đã lâu, người gốc Việt dần dần bỏ mất những phong tục cũ mà họ đã mang theo từ quê nhà và đã cố công gìn giữ trong suốt hơn 30 năm qua.