Ảnh hưởng môi sinh là ‘điều phải suy nghĩ’ |
Tác Giả: Nguyễn Hoàng / BBC | |||
Thứ Ba, 15 Tháng 6 Năm 2010 15:46 | |||
Ông Truất nói người Việt vừa cần cù và vừa chịu đựng được những cái khổ nên khắc phục không mấy khó khăn. Trong chuyến đi tới Louisiana và gặp một số người trong cộng đồng người gốc Việt, Nguyễn Hoàng của ban Việt ngữ đã phỏng vấn ông Trần Truất, một trong số vài chục người Việt đầu tiên tới Louisiana vào năm 1975. Ông Trần Truất: Có thể nói cảm giác lúc ban đầu rất bỡ ngỡ và buồn. Gia đình bị chia ly. Trong gia đình tôi chẳng hạn thì tôi đi cùng với hai người con thôi, còn những người khác ở lại. Tức là không biết những người còn ở lại sẽ sống ra sao. Nhất là trong chế độ cộng sản. Và đối với những người mới tới Hoa Kỳ thì cũng có nhiều khó khăn, bỡ ngỡ, mọi thứ đều khác với sinh hoạt ở Việt Nam. Thế nhưng dần dần thì mọi thứ đi vào ổn định. BBC: Ông có thể tả những gì xảy ra khi cơn bão Katrina đổ tới khu vực này? Thực ra đối với người Mỹ thì đó là điều khủng khiếp. Nhưng người Việt mình đã trải qua nhiều đau khổ rồi nên không đến mức độ không chịu đựng được. Cái đau khổ xảy ra vào thời điểm đó nó có phương tiện để giúp mình nên cũng không đến nỗi. Thiệt hại về nhà cửa cũng nhiều nhưng không phải mất luôn mà thiệt hại đó có sự đền bù. Chẳng hạn bên này mình mua nhà thì có bảo hiểm nhà. Cho nên người Việt mình vừa cần cù và vừa chịu đựng được những cái khổ nên khắc phục không mấy khó khăn. Chẳng hạn khi tôi trở về sau cơn bão thì nhà tôi không có điện. Chẳng hạn như người Mỹ thì họ sẽ không ở đâu. Động lực để trở về theo tôi là hầu hết những người Việt ở đây đều làm chủ nhà của họ. Đó là động lực chính, kể cả họ trả hết rồi hay còn trả góp thì họ vẫn là chủ ngôi nhà. Sự cố không chỉ ảnh hưởng riêng đối với những người đi biển mà ảnh hưởng chung đối với những người sinh sống ở đây. BBC:Sau cơn bão Katrina, nhiều người Việt đã xây dựng lại được cuộc sống. Không may là nay lại xảy ra sự cố tràn dầu và có không ít người Việt trong cộng đồng tại đây sống bằng nghề đi biển đánh bắt tôm cá. Vậy sự cố này ảnh hưởng ở mức độ nào thưa ông? Tôi không biết nhiều về cuộc sống của những người đi biển. Tuy nhiên sự cố này không chỉ ảnh hưởng riêng đối với những người đi biển mà ảnh hưởng chung đối với những người sinh sống ở đây. Ngư phủ không đưa thuyền ra được thì hải sản sẽ bị hạn chế, phải đưa từ nơi khác về. Tôi nói chuyện với một số người thì họ cũng rất trăn trở vào lúc này. Làm thì không được, còn nếu đưa tàu đi xa ở nơi khác để đánh bắt thì tiền dầu để chạy tàu lại mắc. Rồi còn có vấn đề môi sinh, nên có thể nói sự cố này ảnh hưởng chung tới cả vùng này. BBC:Khi xảy ra bão Katrina, được biết cũng có các hội đoàn giúp đỡ các nạn nhân. Vậy với sự cố dầu loang này thì liệu có các tổ chức như vậy giúp đỡ hay không? Tôi nghĩ là có. Thứ nhất là từ phía chính phủ, họ bằng cách nào đó sẽ buộc công ty dầu phải sòng phẳng đối với những người bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ vụ tràn dầu này. Đối với các đoàn thể, chẳng hạn như cơ quan từ thiện bác ái thì chắc chắn họ sẽ giúp đỡ. Người ta có thể khắc phục những gì đang xảy ra vào thời điểm này, tuy nhiên những ảnh hưởng về môi sinh trong tương lai là điều mà chúng tôi nghĩ là cần phải suy nghĩ. BBC:Được biết đại bộ phận người gốc Việt tại đây là người theo Công giáo Lã Mã, vậy giáo hội hỗ trợ được gì trong những lúc thế này? Có thể nói tiêu chuẩn của Giáo hội Công giáo là bác ái. Cho nên cơ quan từ thiện bác ái quan tâm tới mọi thành phần chịu đựng đau khổ chứ không phải chỉ những người theo Công giáo mà thôi. Có nhiều cách để giúp trong lúc khó khăn, chẳng hạn như lo cho công ăn việc làm, rồi phương tiện di chuyển đây đó, hay hỗ trợ về khó khăn trong thủ tục đòi bồi thường… Đức Tổng giám mục giáo phận tại đây cũng đã nhiều lần kêu gọi quyên góp.
|