Home CĐ Việt Xây Dựng CĐ Việt Tìm hiểu về Dự Luật HR 3359

Tìm hiểu về Dự Luật HR 3359 PDF Print E-mail
Tác Giả: Thanh Trúc, phóng viên RFA   
Thứ Ba, 06 Tháng 7 Năm 2010 16:25

Dự Luật Giáo Dục Tương Giao Giữa Hoa Kỳ Và Thế Giới có mục đích giúp học sinh trong các hệ thống trường công lập ở Hoa Kỳ, từ mẫu giáo đến lớp Mười Hai, cơ hội phát triển khả năng ngoại ngữ cũng như kiến thức về thế giới trên phương diện giáo dục cũng như giao thương.

 

2010-07-04

Dự Luật Giáo Dục Tương Giao Giữa Hoa Kỳ Và Thế Giới HR 3359, đang trong tiến trình vận động tại quốc hội, có ý nghĩa và mục đích như thế nào, đặc biệt nếu thành luật thì sẽ có ảnh hưởng ra sao đến việc dạy và học ngôn ngữ Việt Nam cho học sinh Mỹ gốc Việt ở Hoa Kỳ?

 
        Photo Vũ Đình Trọng/Viet Herald Daily News
Những sinh viên, học sinh là con em của cộng đồng người Việt ở Nam California, thực hiện các nghi thức khai mạc hội chợ “Xuân yêu thương”do chính họ tổ chức.

Mời quí vị cùng Thanh Trúc tìm hiểu sau đây.

Ý nghĩa và mục đích

Tác giả của HR 3359, The US And World Education Act, tạm dịch là Dự Luật Giáo Dục Tương Giao Giữa Hoa Kỳ Và Thế Giới, là dân biểu liên bang Loretta Sanchez, vị đại diện dân cử được nhiều người Mỹ gốc Việt ủng hộ.

Dự Luật Giáo Dục Tương Giao Giữa Hoa Kỳ Và Thế Giới có mục đích giúp học sinh trong các hệ thống trường công lập ở Hoa Kỳ, từ mẫu giáo đến lớp Mười Hai, cơ hội phát triển khả năng ngoại ngữ cũng như kiến thức về thế giới trên phương diện giáo dục cũng như giao thương.

Dự luật cũng giúp đẩy mạnh việc đào tạo các giáo viên tiểu học và trung học để có thể hướng dẫn cho học sinh đạt mục đích trên.

Bên cạnh đó, dự luật cũng đề nghị tài trợ cho các trung tâm dạy tiếng mẹ đẻ của các cộng đồng thiểu số ở Hoa Kỳ, trong đó có các trung tâm Việt ngữ của các cộng đồng Mỹ gốc Việt.

Tiến sĩ Nguyễn Lâm Kim Oanh, giám đốc điều hành Chương Trình Ngôn Ngữ Chiến Lược của hệ thống California State University gồm 23 trường đại học, ủy viên giáo dục học khu Garden Grove có nhiều học sinh Việt Nam tại tiểu bang California, cho biết:

Dự định là sẽ có khoảng hai trăm triệu đô la trong năm đầu tiên để giúp các học khu trong vấn đề tạo cho học sinh thêm khả năng ngoại ngữ.

GS Nguyễn Lâm Kim Oanh

“Đây là dự luật sẽ có ảnh hưởng rất tốt đến các cộng đồng thiểu số trong đó có cộng đồng Việt Nam.

Dự định là sẽ có khoảng hai trăm triệu đô la trong năm đầu tiên để giúp các học khu trong vấn đề tạo cho học sinh thêm khả năng ngoại ngữ. Thứ nhất là thầy cô giáo sẽ được tu nghiệp và huấn luyện để biết cách hướng dẫn bộ môn này. Thứ hai là tạo cơ hội cho học sinh học ngoại ngữ.

Một điều có đưa ra trong chương trình đã được chấp thuận là hiện tại các học khu không đủ giáo chức có bằng chuyên môn để dạy ngoại ngữ, do đó học khu có quyền dùng ngân khoản này để tạo sự hợp tác với các trung tâm Việt ngữ hoặc các trung tâm dạy các ngôn ngữ mẹ đẻ khác hiện đang có ở khắp nơi.”

Theo các báo cáo gần đây ở Hoa Kỳ, học sinh Mỹ khi tốt nghiệp thì rất có khả năng về kỹ thuật, ngược lại kiến thức về thế giới, về văn hóa các nước thì nghèo nàn, trong lúc một ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh cũng rất hạn chế.

Tất cả những điều đó, giáo sư Nguyễn Lâm Kim Oanh nói tiếp, khiến Hoa Kỳ rơi vào tình trạng thiếu người hợp tác để các cơ quan, các công ty thương mại có thể làm việc hữu hiệu với các quốc gia khác:

“Mỗi năm ước lượng Hoa Kỳ mất hai tỷ đô la chỉ vì mất đi cơ hội hợp tác với các quốc gia khác, vì thiếu người có khả năng ngoại ngữ ở những cấp bậc cần thiết. Ngoài ra họ cũng mất rất nhiều mối lợi vì những sai lầm khi không hiểu văn hóa của các quốc gia mà họ muốn mở rộng thị trường ở đó.”

 
 Nữ Dân biểu Hoa Kỳ Loretta Sanchez.
Photo courtesy of lorettasanchez. house.gov
Một điểm tế nhị khác, là từ sau biến cố 911, chính phủ Hoa Kỳ mới nhận thấy là có nhiều tin tức bắt được mà lại không có người thông dịch. Từ đó nẩy sinh khái niệm ngôn ngữ không chỉ giúp học sinh cơ hội đi du lịch hay cơ hội tìm hiểu thế giới mà còn có tầm ảnh hưởng thiết thực đến an ninh quốc gia, kinh tế toàn cầu cũng như an ninh xã hội vào khi Hoa Kỳ càng ngày càng trở thành một quốc gia đa chủng tộc đúng nghĩa.

“Ngoại ngữ có nghĩa là bất cứ ngôn ngữ nào không phải tiếng Anh. Đối với người Việt thì tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ, là heritage language, ngôn ngữ của gia đình. Dự luật này cũng khuyến khích nhà trường hợp tác với cộng đồng để giúp cho các em duy trì cũng như phát triển ngôn ngữ mẹ đẻ, mà các em đã có và mang tới trường, thay vì đợi các em lên trung học hay đại học rồi phải học lại ngôn ngữ đó tại vì trong suốt thời gian mẫu giáo tới lớp Mười Hai không có cơ hội để học.”

Được biết đã có một trăm lẻ sáu dân biểu Mỹ ký tên vào dự luật HR3359, đa số thuộc đảng Dân Chủ. Điều này cho thấy trong lãnh vực giáo dục giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa vẫn còn nhiều tranh cãi cần vượt qua.

Giúp bảo tồn văn hóa và ngôn ngữ tiếng Việt tại hải ngoại
Nếu thành luật thì tác dụng trực tiếp của HR3359 trong việc dạy tiếng mẹ đẻ cho học sinh Mỹ gốc Việt sẽ như thế nào? Giáo sư kiêm ủy viên giáo dục học khu Garden Grove Nguyễn Lâm Kim Oanh nêu hai vấn đề cần lưu ý:

"Thứ nhất, khi dự luật này được thông qua thì các học khu có ngân khoản chính thức để đẩy mạnh chương trình Việt ngữ ở cấp trung học mà hiện thời một số trung học trong tiểu bang California đã có.

Các học sinh trung học có quyền lựa chọn môn Việt ngữ là một ngoại ngữ để học thêm thay vì chọn tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp, tiếng Đức. Và khi đưa bộ môn Việt ngữ vào hệ thống trung học thì không chỉ học sinh gốc Việt mà học sinh Hoa Kỳ hoặc bất cứ học sinh nào cũng có thể chọn và chuyện đó đang xảy ra. Đây là một điểm son vì tiếng Việt sẽ được đưa vào giòng chính.

Các em ở lại thêm một tiếng đồng hồ trong trường lớp của các em, được hưởng tất cả những giáo trình những cách dạy cập nhật nhất chứ không phải như bây giờ là đa số thầy cô có thiện chí nhưng thiếu khả năng sư phạm chuyên môn.

 
GS Nguyễn Lâm Kim Oanh
Photo courtesy of
www.smartvoter. org. 
 
Điểm thứ hai, ở cấp tiểu học thì rất khó có người đủ bằng cấp để dạy môn tiếng Việt. Ngân khoảng này sẽ giúp học khu cơ hội hợp tác chính thức với các trường và trung tâm Việt ngữ. Cha mẹ, thay vì phải đưa con đến các trung tâm Việt ngữ mỗi cuối tuần thì chỉ cần, nếu mà được ngân khoảng này, họ sẽ mở ngay những lớp ngôn ngữ sau giờ học. Các em ở lại thêm một tiếng đồng hồ trong trường lớp của các em, được hưởng tất cả những giáo trình những cách dạy cập nhật nhất chứ không phải như bây giờ là đa số thầy cô có thiện chí nhưng thiếu khả năng sư phạm chuyên môn.”

Là giám đốc điều hành Chương Trình Ngôn Ngữ Chiến Lược của hệ thống đại học tiểu bang California gồm hai mươi ba trường, giáo sư Nguyễn Lâm Kim Oanh cho biết tiếng Việt không nằm trong danh sách năm ngôn ngữ chiến lược được chính phủ Mỹ tài trợ. Đó là tiếng Ả Rập, tiếng Ba Tư, tiếng Đại Hàn, tiếng Nga, tiếng Hoa:

“Có những phương thức rất hay mà sinh viên Hoa Kỳ, trong một thời gian ngắn, đã học và đạt được một trình độ là dùng ngôn ngữ đó trong môi trường làm việc. Mong rằng qua ngân khoảng này tiếng Việt sẽ có được cơ hội như thế.”

Dưới con mắt phân tích của ủy viên giáo dục Nguyễn Lâm Kim Oanh, thực tế thì các trường tiếng Việt hay các trung tâm Việt ngữ trên đất Mỹ đang hoạt động một cách tích cực song kết quả lại rất ít:

“Tại vì mỗi tuần một giờ hai giờ thì không thấm vào đâu. Các em cuối tuần đi học, rồi nguyên một tuần nói tiếng Anh thì lại quên hết, cuối tuần học lại, coi như chơi nhiều hơn học.”

Do đó, nếu dự luật được thông qua, tiếng Việt được đưa vào hệ thống giáo dục ngoại ngữ của giòng chính, được dạy mỗi ngày sau giờ học, thì hiệu quả bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa Việt của người Mỹ gốc Việt sẽ tăng rất cao.

Đó cũng là mơ ước của số đông các nhà giáo dục Mỹ gốc Việt vốn nặng lòng với trách nhiệm duy trì và bảo tồn ngôn ngữ Việt Nam trên xứ người.