Người Việt ở Mỹ nghĩ gì về vụ Loretta Sanchez – Trần Thái Văn |
Tác Giả: Khánh An, phóng viên RFA | |||
Thứ Tư, 29 Tháng 9 Năm 2010 09:43 | |||
Người Việt ở California nghĩ gì về cuộc tranh luận của hai vị dân biểu Loretta Sanchez – Trần Thái Văn? Vụ việc có ảnh hưởng đến quyết định bỏ phiếu của họ trong tháng 11 tới?
Câu nói bằng tiếng Spanish “Người Việt Nam và phe Cộng Hòa đang cố gắng giành lấy chiếc ghế của tôi ở Quốc Hội” của Dân biểu Liên bang Loretta Sanchez trên đài truyền hình Univision đã mở màn cho một cuộc chiến trên truyền thông giữa hai ứng cử viên vị trí Dân biểu Liên bang trong nhiệm kỳ tới là bà Loretta Sanchez và ông Trần Thái Văn. Bà Loretta Sanchez còn bị chỉ trích về câu nói của bà rằng ông Trần Thái Văn là người “chống dân nhập cư và người châu Mỹ gốc Latin”. Không ai hoàn hảo? “Trong cuộc sống, đôi khi mình nói có điều sai điều đúng, không thể là con người perfect, lúc nào mình cũng phải nói đúng. / Chị Ái Quyên Ngay sau khi tờ Orange County Register đưa bản tin kèm đoạn băng đã phát lên, đối thủ của bà Loretta Sanchez là dân biểu Trần Thái Văn đã lên tiếng yêu cầu bà Sanchez phải chính thức xin lỗi về những gì bà đã phát biểu về ông Trần Thái Văn và đảng viên Cộng Hòa ủng hộ ông. Vụ việc sau đó tiếp tục được các báo đài địa phương và các trang web cộng đồng đưa lên, gây ra các cuộc tranh cãi sôi nổi không chỉ ở địa phương. Tuy nhiên, sôi động nhất vẫn là cộng đồng người Việt tại tiểu bang California, nơi hai vị dân biểu sẽ trực tiếp đối đầu trong kỳ bầu cử tháng 11 sắp tới. Nói về phát biểu của bà Sanchez, chị Ái Quyên, 38 tuổi, cư dân ở Santa Ana cho rằng đây là một sơ suất mà ai cũng có thể vấp phải. “Trong cuộc sống, đôi khi mình nói có điều sai điều đúng, không thể là con người perfect, lúc nào mình cũng phải nói đúng. Trừ khi mình nói rất đúng nhưng mình không làm gì hết, cái đó mới quan trọng. Còn đây bà Sanchez đã làm rất nhiều điều cho cộng đồng, ngay chính gia đình em, một trong những điển hình mà bà giúp rất nhiều. Thực sự khi em nghe những lời mà bà phát biểu trên đài Spanish, đối với em, em cảm thấy bình thường tại vì đôi khi trong lúc mình nói chuyện mình có những điều sơ suất không tránh khỏi. Vấn đề là sau khi nói mình nghĩ lại là bà đã làm được rất nhiều cho cộng đồng mình.” Cùng một nhận xét về tính phóng đại của sự việc, nhưng anh Ngọc Anh, cũng cư ngụ tại Santa Ana, cho đây là một phát biểu bình thường, không liên quan gì đến vấn đề kỳ thị chủng tộc.
“Đúng ra người Việt mình cũng không nên làm quá lớn vấn đề khi mà người ta nói đến vấn đề người Việt tranh giành ghế của bà ấy, thứ nhất. Thứ hai, nếu mà mình có ra tranh cử thì mình cũng nói là có một ông người Mễ cũng đang tranh giành chiếc ghế này. Đó là chuyện “fairly” quá, đâu có gì sai trái đâu. Tại vì người Việt mình cứ hơi tí xíu kiếm chỗ yếu của người ta vì người ta là người có tiếng trong xã hội, hoặc ông Trần Thái Văn cũng là người có tiếng trong xã hội. Mình cứ vặt là tìm sâu thôi chứ thật ra câu nói đó đâu có quan trọng gì đâu.” Một trong những lý do mà một số người Việt tại tiểu bang California bênh vực cho bà Loretta Sanchez là vì bà đã nhiều lần xuất hiện hay góp tiếng nói trong những vấn đề liên quan đến cộng đồng Việt Nam. Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình để bỏ qua nhận xét trên của bà Sanchez. Bà Bích Vân, 57 tuổi, cư dân Garden Grove, cho rằng những phát biểu của Dân biểu Sanchez là không chấp nhận được. “Thực sự, đêm đó tôi không có được nghe nhưng sau đó tôi có xem thì tôi thấy là bà ta phát biểu những câu như vậy là không đúng đối với ông Trần Thái Văn. Đương nhiên, ông ấy là người Việt Nam thì ổng hết sức giúp đỡ cho người Việt Nam trước, đương nhiên, nhưng ổng giúp đỡ trong những chuyện mà người Việt Nam mình đòi hỏi đúng và phải lý, chứ không có gì mà kỳ thị đối với những chủng tộc khác trên đất nước này. Thế nên tôi thấy là bà ấy quá đáng! Bà ấy làm như vậy là bà tự mất phiếu đối với cộng đồng mình thôi.” Quan tâm phúc lợi “Nếu mà mình có ra tranh cử thì mình cũng nói là có một ông người Mễ cũng đang tranh giành chiếc ghế này. Đó là chuyện “fairly” quá, đâu có gì sai trái đâu./ Ô. Ngọc Anh Sau khi vụ việc nhận được nhiều phản hồi từ khán giả và người dân địa phương, đài truyền hình Univision đã mời dân biểu Trần Thái Văn xuất hiện trong một chương trình tiếp theo để phản hồi lại những nhận xét của bà Sanchez. Trong lần xuất hiện này, người host chương trình Jorge Ramos đã xoáy vào vấn đề chống người di dân lậu mà bà dân biểu Sanchez đã đề cập trước đó. Tuy nhiên, dân biểu Trần Thái Văn đã không trực tiếp trả lời thẳng vào vấn đề này mà theo ông, đây là một vấn đề “không đơn giản”. Dân biểu Trần Thái Văn đồng thời cũng đề cập đến việc bà Loretta Sanchez đã không làm được gì trong suốt 14 năm ở cương vị dân biểu liên bang. Đây cũng là vấn đề gây tranh cãi đối với nhiều cử tri gốc Việt. Nhiều người cho rằng Dân biểu Sanchez là người có công với cộng đồng Việt Nam nhưng một số lại đồng quan điểm với dân biểu Trần Thái Văn. Tuy nhiên, điều mà nhiều cử tri gốc Việt quan tâm nhiều hiện nay là các phúc lợi mà các ứng cử viên có thể đem lại cho bản thân họ. Nhà thơ Vũ Hoài Mỹ, cư ngụ tại quận Cam, cho biết: “Bây giờ mình phải nghĩ đến một điều khác, đó là cái quyền lợi và cái phúc lợi của mình. Cái quyền của mình là người đi bầu và những phúc lợi mà mình nhận được bởi cái quyền đó, thì mình phải xem kỹ lại xem thử là mình ở trong nhóm nào và mình bầu cho những người mà họ có những dự định mà nó có trở thành mối phúc lợi cho mình hay không, thay vì nó chỉ là một cái có tiếng mà không có miếng.” Từ những mối quan tâm rất thiết thực của cử tri gốc Việt, có thể thấy, không phải ai cũng giữ quan niệm “người Việt bầu cho người Việt” như trước đây, nhưng điều đó tùy thuộc vào phúc lợi của bản thân và gia đình họ. Đó cũng là lý do tại sao nhà thơ Vũ Hoài Mỹ dù là người của Đảng Cộng Hòa nhưng vẫn chưa quyết định bỏ phiếu cho ai.
“Mình là người Đảng Cộng Hòa. Từ trước đến nay thì cứ nghĩ mình là người Việt thì bầu cho người Việt và Đảng thì giữ ở trong Đảng. Thế nhưng mà sau một vài cuộc tranh cử trước đây thì nó cho Hoài Mỹ một sự suy nghĩ khác. Bây giờ ngay trong giai đoạn này, Hoài Mỹ là người đang còn rất phân vân, chưa quyết định được là mình sẽ bầu cho ai và mình sẽ đi theo đường lối nào.” Riêng với vụ việc tranh cãi giữa hai dân biểu, nhà thơ Vũ Hoài Mỹ cho rằng đây chỉ là một kỹ thuật trong chiến dịch tranh cử. “Cá nhân Hoài Mỹ không nghĩ đó là một vấn đề kỳ thị mà đó chỉ là những “kỹ thuật” để mà họ tranh cử thôi. Tại vì nếu nói kỳ thị thì bà ấy không kỳ thị vì khi đến với người Việt Nam, bà mặc những chiếc áo dài hay là nói tiếng Việt Nam, cá nhân Hoài Mỹ không nghĩ là bà thực sự yêu người Việt Nam hay thực sự muốn mặc chiếc áo dài Việt Nam, muốn nói những câu ngắn gọn của người Việt Nam nhưng đó chỉ là những “kỹ thuật” để vận động trong mùa tranh cử này. Nếu mà bà có nói câu đó thì mình không nên vin vào đó để nói là bà kỳ thị người Việt Nam.” Nói tóm lại, một lần nữa, vụ việc tranh cãi giữa hai ứng cử viên cho vị trí Dân biểu Liên bang tại tiểu bang California một cách nào đó giúp cho người Mỹ gốc Việt ý thức và nhận định rõ hơn về quyền công dân của mình trên đất Mỹ. Vấn đề còn lại là họ sử dụng quyền đó như thế nào để mưu cầu lợi ích tốt nhất cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
|