Home CĐ Việt Xây Dựng CĐ Việt Chương trình đêm thánh nhạc “ Hai Dòng Máu”

Chương trình đêm thánh nhạc “ Hai Dòng Máu” PDF Print E-mail
Tác Giả: Đỗ Hiếu, phóng viên RFA   
Thứ Năm, 04 Tháng 11 Năm 2010 11:37

Nổi niềm của những người con lai mang hai dòng máu Việt- Mỹ đến nay vẫn là trăn trở của chính bản thân họ và những ai quan tâm đến đối tượng đó trong cộng đồng.

 

 Cùng hát thánh ca tại Hội Thánh Tin Lành Báp Tít Phục Hưng đêm Chủ Nhật 24 tháng 10, 2010 (nhà thờ Columbia, thành phố Falls Church, Virginia)  Photo Đỗ Hiếu RFA

Trong suốt những năm tháng qua, có nhiều nổ lực giúp loại trừ những mặc cảm, thiên kiến đối với những người con sinh ra từ những bậc cha mẹ không cùng một dòng máu, một chủng tộc.

Gần đây nhất đã có một sinh hoạt nằm trong chiều hướng đó diễn ra tại bang Virginia, Hoa Kỳ.

Đó là “Đêm Thánh Nhạc Hai Dòng Máu” do Hội Thánh Tin Lành Báp Tít Phục Hưng tổ chức đêm Chủ Nhật 24 tháng 10, 2010 tại nhà thờ Columbia, thành phố Falls Church, Virginia , Hoa Kỳ.

Vì sao chủ đề “Hai Dòng Máu”  được đề ra cho buổi trình diễn đó?  Đây là đề tài Đỗ Hiếu gửi đến quí thính giả trong Câu Chuyện Hàng Tuần kỳ này.

Quê hương mới cho những người con hai dòng máu
Mục sư Trần Nhựt Thăng, vị quản nhiệm của Hội Thánh Tin Lành Báp Tít Phục Hưng cho biết về buổi trình diễn ca nhạc,  với sự tham dự của trên 300 khán giả, tín hữu, trong gần 5 tiếng đồng hồ:

“Diễn giả là người 2 dòng máu, ca sĩ cũng là người 2 dòng máu, đặc biệt tôi thấy những người Việt Nam ở vùng này, là người 2 dòng máu bị bỏ rơi, không được đồng hương của chúng ta hay những tổ chức cộng đồng ở đây, để ý đến.

 Mục sư Trần Nhựt Thăng:

Ở Việt Nam, họ sống cuộc đời tủi nhục, và khi họ đến Hoa Kỳ những đau đớn, tủi nhục đó hình như tan biến đi. Tại sao như vậy, vì Hoa Kỳ là Đất Thánh của Chúa, nơi đây người dân đầy yêu thương, cho nên người hai dòng máu được đến một quốc gia yêu thương họ, tất cả những gì đau đớn, tủi nhục của một con người 2 dòng máu, không còn nửa. Họ là những thành phần được xã hội chấp nhận có đầy đủ vật chất, nhưng họ lại thiếu về đời sống tâm linh. Chúng ta phải cung cấp cho họ một cuộc sống tâm linh vững vàng hơn, đưa họ đến với Chúa.”

Nghệ sĩ Thanh Hà, một người mang 2 dòng máu Việt-Mỹ được mời đến đóng góp tiếng hát trong buổi trình diễn thuật lại những nổi niềm cay đắng mà cô từng mang nặng, thời thơ ấu nơi quê nhà:

“Kỷ niệm mà Thanh Hà có,  cũng như cái tình cảm sắp nói ra đây, buồn chứ không có gì hay đẹp. Trước đây, khi còn ở Việt Nam, mình có gia đình như không, vì không ai chấp nhận mình hết, nhưng nhờ điều đó làm cho Thanh Hà mạnh mẽ hơn.
 Ông bà ngoại, dì của mình không nhận mình, bao nhiêu tiệc tùng không được tới. Ngày hôm nay, bất cứ nơi nào mình đến cất tiếng hát, Thanh Hà đều được mọi người thương mến. Ở trên cao có một đấng thiêng liêng
 Chương Trình Đêm Thánh Nhạc nào đó đã chọn Thanh Hà để bù đắp cho những thiếu thốn mà hai mươi mấy, ba mươi mấy năm qua, mình không có.

Đó là lý do mà khi được Mục sư Thăng gọi đến đây hát cho chuơng trình “Hai Dòng Máu”, Thanh Hà rất vui mừng được góp phần hôm nay. Đây là cơ hội để được chia sẻ với quý vị về niềm tin là khi nhìn có thể không thấy,  nhưng có người trên cao nhìn xuống, che chở, nên việc đầu tiên là Thanh Hà được đến Mỹ, được sung sướng nhất là làm việc mình yêu thích, đi khắp mọi nơi, đặc biệt là hôm nay được hát bài thánh ca để đóng góp trong chương trình hôm nay.”

Đổi lòng hận thù thành lòng yêu thương
Một diễn giả khác trong đêm thánh nhạc, người từng có một quá khứ lầm lạc vì đã rơi vào con đường nghiện ngập, trộm cắp, băng đảng, phạm pháp, tù tội, một người mang 2 dòng máu Việt-Ý, nay là Mục sư Tâm Conetto nhắc lại hoàn cảnh nào đã đưa ông đến với Chúa:

“Những nơi hút sách, giang hồ thì thỏa mãn cuộc sống của thanh niên, nhưng cuối cùng khi tôi vào tù, nơi đó tôi tìm kiếm được một ánh sáng thật sự đó là chân lý của Phúc Âm cho nên tôi đã tin vào Chúa Giêsu. Sau khi tin Chúa,  tôi đã dấn thân để học hành và cố hết sức mình trong ơn Chúa, trở thành một đầy tớ của Chúa, đem Phúc Âm của Ngài đến cho giới thanh niên cũng như là cho đồng bào Việt Nam chúng ta tại Hoa Kỳ.” 

Dịp này, mục sư Tâm Conetto cũng tâm tình với các bạn trẻ:

“Xin các bạn hãy nhớ rằng dù trong bất cứ tình trạng nào, thì không nên nghĩ  đó là bước đường cùng, vì chắc chắn sẽ có một cánh cửa mở ra cho tương lai. Mỗi một con người đều có một quá khứ , nhưng ngày mai của chúng ta sẽ như thế nào, chính mỗi con người phải quyết định ngay trong lúc này, để ngày mai sẽ tốt hơn những gì đã qua. Tôi ước ao là các bạn trẻ đừng tin những gì mà thế giới đem đến cho mình để hưởng thụ, mà phải nghĩ  đến bậc cha mẹ đang lo lắng cho mình, và sẽ đau lòng nếu mình làm điều gì sai trật.

Theo như lời giới thiệu của Ban Tổ chức đêm trình diễn thánh nhạc thì vị diễn giả cũng như ca nghệ sĩ là những người mang hai dòng máu, về phía khán giả hiện diện, có rất đông người được đến định cư tại Hoa Kỳ thuộc diện con lai, một nữ tín hữu là người Việt lai Mỹ da màu, đến từ bang Pensylvania cho biết vì sao chị đến với  buổi sinh hoạt tôn giáo và văn nghệ  hôm nay:

“Nghe nói chương trình thánh nhạc 2 dòng máu hay nên đến dự , vì đúng như cảm tưởng của mình. Em cũng muốn đi nhiều hội thánh để học hỏi, hiểu biết, để về làm việc tại hội thánh của mình. Em tên là Phước Bùi, đã cảm nhận được Chúa từ lâu, được đến đây là do chương trình của Chúa.
 Ở Việt Nam, em cũng không có được một gia đình, rồi con cái lớn lên để biết Chúa. Em rất nhút nhát nên không bao giờ dám đi vượt biên, Chúa tạo em ra là con lai,  cho em cơ hội đến đây một cách dễ dàng. Chúa chọn mình chứ không phải là mình chọn Chúa, và Chúa đã chọn em.”

 Các anh chị em cầu nguyện trước buổi trình diễn ca nhạc với chủ đề Hai Dòng Máu. Photo Đỗ Hiếu RFA

 Một nghệ sĩ đến từ vùng Tây Nguyên, anh Hagim Klong, thuộc sắc tộc Kơ Hor, nhân dịp sang Hoa Kỳ tham dự hội nghị Tin Lành quốc tế, cũng  có mặt trong chương trình ‘Đêm Thánh nhạc, Hai Dòng Máu’.
 Dịp này, anh Hagim kể lại về những thay đổi trong con người mình từ khi tin Chúa:

“Theo em thì nơi đâu cũng có những người chưa biết về Chúa, về tình yêu thương của Chúa dành cho nhân loại.

 Xin được chia sẻ về tình yêu của Chúa đã biến đổi đời sống của mình như thế nào, cho những người chưa biết về Chúa.

Ba mẹ em đã tin Chúa từ khi em chưa sinh ra, từ khi  tiếp nhận Chúa thì được thay đổi rất nhiều, từ một con người xấu xa trở nên con người tốt. Trước đây tôi cũng có hút thuốc, uống rượu, chữi thề, bây giờ Chúa đã thay đổi tất cả, những điều đó không còn dính dấp gì tới mình. Trong lòng mình cũng có cay đắng và hận thù, Chúa đã thay đổi lòng hận thù đó thành lòng yêu thương như Chúa yêu nhân loại.”

Ngày mai đây, khi trở về xứ sở của mình ở Việt Nam, anh Hagim ôm ấp một hoài bảo là:
“Ở khu vực em có được một nhà thờ, có được Cơ Đốc giáo dục, những con dân Chúa được học lời Chúa. Thật sự thấy ở đây có đầy đủ hết mọi thứ, nhưng ở nơi quê mình thì chưa có những điều kiện như vậy, nếu như không có được Cơ Đốc giáo dục, không có sân vui chơi lành mạnh cho giới trẻ thì rất dễ dẫn đến sự hư hỏng.”

Đêm thánh nhạc “Hai Dòng Máu” với những lời tâm tình, tiếng hát, chia sẻ nổi niềm, ước mơ từ những người con Việt mang hai dòng máu, bày tỏ niềm tin nơi Thiên Chúa và từ đó đã thấy được ơn phước trong cuộc sống.