Sự khác biệt |
Tác Giả: Hồng Ân | ||||
Thứ Năm, 02 Tháng 12 Năm 2010 05:36 | ||||
Sự khác biệt không chỉ nằm ở hình hài này, không nằm ở trong món ăn, quần áo hay phong tục mà còn nằm rất sâu nhưng rất to lớn trong những quan niệm về đau khổ, và hạnh phúc. Lời tòa soạn: Tác giả là một du học sinh Việt Nam, 20 tuổi, hiện đang học Anh Văn tại Brisbane. Trong một email , người bạn trẻ này đã viết như sau: (chúng tôi xin trích đăng lại với sự đồng ý của tác giả): “Tôi tên là Hồng Ân, hiện là du học sinh tại Úc. Qua internet và các báo đài của người Việt tại hải ngoại, tôi được may mắn biết về Quý Toà Soạn. Ngày trước, khi còn ở Việt Nam, tôi đã viết bài cho một số báo như Giác Ngộ, Áo Trắng, và một số tờ báo ở địa phương nơi mà tôi sinh sống. Trong khoảng thời gian ấy, tôi vẫn ấp ủ ý định xin viết bài gửi đóng góp cho các báo, các Toà Soạn của người Việt Nam tại Hải ngoại, vì con nghĩ đây mới thật sự là BÁO, thật sự là NGUỒN THÔNG TIN MỞ. Từ khi sang đây, tôi mới cảm nhận được hết thế nào là sống trong một thế giới tự do, có những luồng thông tin trái chiều tồn tại song song với nhau. Mỗi lần cầm trên tay một tờ báo, có chữ Tiếng Việt, của người Việt Nam làm chủ bút, tôi lại cảm thấy hết sức hạnh phúc tự hào và ngưỡng mộ những người không ngại khó khăn để mang đến món ăn tinh thần cho người Việt xa xứ. Phát xuất từ tấm lòng ấy, nay tôi viết thư này, xin được phép viết bài gửi cộng tác với Quý Toà Soạn. Các báo ở Việt Nam, con thường gửi bài cộng tác ở các mảng văn xuôi, truyện ngắn, tản văn về cuộc sống, suy nghĩ, xu hướng của xã hội và nhất là của giới Trẻ”. Sau khi đọc qua bài viết dưới đây, chúng tôi khá ngạc nhiên về khả năng viết văn của người bạn trẻ này. Tác giả dù tuổi mới 20 và chỉ định cư tại Úc trong một thời gian rất ngắn nhưng lại có những suy nghĩ sâu sắc về xã hội, con người và đất nước… Việt Luận xin chào đón và giới thiệu đến độc giả một thành viên mới của báo nhà. Chiều thứ 6, thành phố Brisbane đón những cơn mưa bụi bất chợt. Lang thang giữa xứ lạ, có đôi lần lòng sao mà nhớ quá! “quê nhà” với nỗi nhớ “mênh mông”. Nhớ ở quê, bạn “cày” từ sáng tinh mơ đến chiều tối mịt với đồng lương khoảng $200/ tháng. Tôi không dám nói rằng đó là ít ỏi, nhỏ bé nhưng so với công sức bạn bỏ ra, đáng lẽ bạn xứng đáng được hưởng nhiều hơn như thế. Mưa bụi đã thôi lất phất… tôi rảo bước về phía quảng trường Vua George đối diện Toà thị chính của thành phố Brisbane. Lẫn trong dòng người, lẫn trong màu chiều mưa nhá nhem và ẩm ướt, tôi chợt bắt gặp những dáng người ngồi xếp bằng trong tư thế tĩnh toạ, an nhiên ở một góc quảng trường. Đối diện mỗi người là một ngọn nến trắng được đặt trong chiếc lồng kính nhỏ xíu. Phía sau, tấm băng–rôn (banner) kêu gọi về tự do tính ngưỡng cho Pháp Luân Công ở Trung Quốc (TQ). Tôi đã đứng rất lâu, để nghe anh chàng tình nguyện viên người gốc Trung Quốc nói về những bắt bớ vô lý, những trấn áp của chính quyền TQ đối với pháp môn này. Anh nói về sự thiền định có thể mang lại hoà bình không chỉ cho một đất nước mà còn là cả thế giới. Bản thân tôi hoàn toàn không biết gì về pháp môn này, nhưng khi nhìn những bà cụ tóc bạc trắng đứng phát giấy và xin chữ ký của mọi người. Lòng tôi, lại dâng lên một cảm xúc khó tả. sao mà thương quá, tội quá! những người Trung Quốc thầm lặng ngồi Thiền, thầm lặng căng băng-rôn và chậm rã Tôi cũng lặng lẽ tặng anh một chữ ký. Tôi bảo với anh: Tôi hy vọng, chữ ký bé nhỏ này sẽ giúp cho gương mặt của bà cụ đứng bên cạnh anh sẽ vơi bớt một vài nếp nhăn, và anh sẽ không phải bận tâm về những vấn đề này nữa. Hy vọng mọi thứ sẽ đổi thay… những ngọn nến bé xíu vẫn âm thầm cháy sáng, dáng người ngồi tịnh toạ lưng vẫn thẳng và mặt vẫn bình an… Đi tiếp một đỗi, tôi lại gặp một ban nhạc người ngoại quốc. Họ đang biểu diễn giữa phố. Kèn, trống và ghi-ta, người phụ nữ rất cao và đẹp với mái tóc xoăn vòng đang đứng hát. Cô có giọng hát ấm, hay và những giai điệu luyến láy vui tươi như chảy tràn ra trên phố. Từng tốp người xúm xít quay quanh ban nhạc, và tươi cười nhún nhảy theo từng điệu nhạc. Thậm chí, có người phụ nữ còn nhảy múa theo từng điệu nhạc, có cặp vợ chồng khuyến khích đứa con trai nhún nhảy theo nhịp điệu rồi đứa trẻ trong nôi cũng nhịp nhịp đôi tay. Sao mà bình yên và hạnh phúc đến thế. Có lần, tôi hỏi một người bạn ngoại quốc rằng: “Sao tôi thấy người nước ngoài, họ không ngại chút nào khi hôn nhau, hay khiêu vũ giữa phố vậy?”, người bạn suy nghĩ một lát, và nói rằng: “Tôi cũng chẳng biết nữa. Đơn giản vì đó là cuộc sống của chúng tôi, chúng tôi tận hưởng nó…”. Câu nói ấy đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Để một cá nhân có thể tận hưởng cuộc sống của chính họ, không phải lo lắng về sự đồng tình của đám đông, không phải hoang man về sự quản lý của người cầm quyền, không phải suy tư về những dư luận… thì phải làm thế nào? bản thân mình có thể tận hưởng cuộc sống của mình hay không? hay mình phải sống như thế này, như thế kia… vì đám đông muốn thế, phải sống như thế nọ vì chánh quyền muốn vậy? Người Á Đông đã bao giờ có cuộc sống riêng và tận hưởng nó như món quà của Thượng Đế hay chưa? Chỉ trên một đoạn đường rất ngắn, tôi bắt gặp sự khác biệt quá rõ rệt giữa hai chủng tộc, giữa hai nền văn hoá. Làm sao đây giữa những khuôn mặt lầm lũi, cam chịu của những Trung Quốc đứng phát truyền đơn ban nãy và những nụ cười hạnh phúc, ánh mắt hân hoa của những người phương Tây đứng thưởng thức âm nhạc trên phố? Giá trị của sự tận hưởng cuộc sống khó đạt được đến như vậy sao? Những lớp người ông, người cha và người anh Á Châu vẫn mải miết tìm một con đường làm sao để cho người ở quê nhà bớt khổ. Một số người có khổ gì đâu, họ có thể rất hạnh phúc… cũng nhà lầu, cũng xe hơi, cũng vàng vòng… nhưng cái khổ ấy lẩn khuất ở bên trong mỗi con người. Khi phải hối lộ, phải nịnh nọt, phải tâng bốc và phải học những thứ không đáng để học, phải ngợi ca những thứ không xứng đáng để ca ngợi. Khi mình có thể nói dối với mọi người về một lý tưởng, một vĩ nhân thì đó cũng chính là lúc mình đánh mất chính mình một cách tồi tệ nhất. Muốn thay đổi một tập quán của xã hội thì chính trong mỗi con người phải thay đổi. Ý thức từng cá nhân phải thay đổi, phải thấy xấu hổ vì đã, đang và sẽ nói dối về quan niệm, về niềm tin. Sự xấu hổ lắng đọng và tích tụ nhiều bao nhiêu thì sự thay đổi sẽ rõ rệt hơn chừng ấy. Khi người Á Châu vẫn cứ luẩn quẩn, loanh quanh giữa lợi ích cá nhân (thiểu số) và lợi ích của cộng đồng (đa số) phải cân đong, đo đếm, phải chắt chiu từng điều này, khoản nọ. Phải khi thì bắt chị này, lúc lại thả anh kia. Người Phương Tây lại tận hưởng cuộc sống của họ một cách trọn vẹn nhất. Sự khác biệt không chỉ nằm ở hình hài này, không nằm ở trong món ăn, quần áo hay phong tục mà còn nằm rất sâu nhưng rất to lớn trong những quan niệm về đau khổ, và hạnh phúc. Hãy làm chủ cuộc sống của chính mình đó là bài học mà có lẽ người Á Châu còn phải học, học để thay đổi. Hồng Ân
|