Mỗi chúng ta chỉ có một lần để sống. Chúng ta cần sống sao để cuối đời nhìn lại mà không hối tiếc..
(Bài nói chuyện ở Hội Nghị Các Sinh Viên Á Châu Vùng Đông Nam Hoa Kỳ, tổ chức tại Đại Học Florida, Gainesville, ngày 23/10/2010).
Các bạn sinh viên thân mến,
|
Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng |
Từ sáng đến giờ các bạn đã nghe nhiều người thuyết trình. Qua đó các bạn học được nhiều điều quý báu để chuẩn bị cho tương lai. Ban tổ chức năm nay thật chu đáo và giỏi. Xin các bạn cho họ một tràng pháo tay khen thưởng. Và các bạn cũng nên tự vỗ tay cho chính mình vì đã dậy từ sớm để tham gia tích cực các buổi thuyết trình kéo dài cả ngày. Sáng nay và chiều nay, tôi có dịp tiếp xúc với một số trong các bạn để hỏi han. Nhiều bạn cho biết là không thích thú lắm với ngành học nhưng phải theo đuổi vì áp lực của cha mẹ. Tôi lại biết có bạn học hai ngành song song, một ngành là để chiều lòng gia đình và ngành kia là ngành mình ưa thích. Phải không nào? Mỗi chúng ta chỉ có một lần để sống. Chúng ta cần sống sao để cuối đời nhìn lại mà không hối tiếc..
Các bạn có thể yên tâm nói thật vì cha mẹ các bạn không có mặt ở đây [Hội trường cười rộ.]
Đề tài của hội nghị năm nay xoay quanh vấn đề chọn hướng đi trong cuộc đời. Tôi muốn chia sẻ với các bạn một bài học mà tôi đã học được bằng chính cuộc đời của mình: sống theo sở nguyện và đối phó với ràng buộc, thay vì ngược lại. Để dẫn vào bài học này, trước hết tôi xin có đôi lời về chính mình. Ở lứa tuổi của các bạn, tôi không được may mắn như các bạn. Năm tôi 17 tuổi, tương lai tưởng chừng như sụp đổ khi đất nước của tôi bị cộng sản xâm chiếm. Năm 18 tuổi thay vì được yên ổn học hành như các bạn thì tôi bắt đầu tìm đường đi vượt biên tìm tự do. Năm 20 tuổi tôi rời bỏ quê hương để làm một thuyền nhân vô tổ quốc. Gia đình tôi đặt chân đến Malaysia đúng vào đêm Giáng Sinh. Khi còn bé tôi nuôi giấc mơ lớn lên tranh đấu cho cuộc đời, cho con người. Tôi không để ý đến trường lớp mà bỏ những ngày dài quan sát cuộc sống ở quanh tôi. Nhà của tôi ở ngay ranh giới giữa khu thượng lưu gần mặt đường diễm lệ và xóm nghèo cất trên dòng sông hôi hám. Thấy tôi cứ lang bang ở ngoài đường, bố mẹ tôi lo sợ là tôi giao du với nhóm trẻ con đường phố không tốt. Thực ra là tôi thường ở ngoài đường trầm tư nhìn cuộc sống trôi qua, nhận định về quan hệ giữa các con người với nhau, và mơ về một xã hội công bằng và nhân ái hơn. Ở trại tị nạn, có lần bố mẹ tôi bàn về những dự tính cho tương lai khi đến Hoa Kỳ định cư. Tôi góp ý là muốn sang Hoa Kỳ để tranh đấu cho công lý của những người dân thiểu số da mầu bị kỳ thị. Bố mẹ tôi yên lặng không nói gì. Tôi đọc được nỗi âu lo và ngán ngẩm trong ánh mắt của bố mẹ tôi. Khi đến Hoa Kỳ, tôi theo học ngành kỹ sư. Có lẽ lúc ấy bố mẹ tôi thở phào nhẹ nhõm, giống như phụ huynh của các bạn vậy thôi. [Cả hội trường cười rộ.] Thực ra tôi học ngành kỹ sư không phải do áp lực của gia đình mà là do tôi thích thú về toán, về vật lý, về giải quyết vấn đề. Tôi học khá nhanh. Ba năm xong cử nhân. Ba tháng xong cao học. Thêm một năm hoàn tất các môn học cấp tiến sĩ. Tất cả thuộc ngành kỹ sư cơ khí. Sau đó tôi bỏ ngang đi dậy vật lý và điện toán ở một đại học cộng đồng một năm; rồi qua trường khác học lấy bằng cao học kỹ sư điện và điện tử, thêm một năm nữa. Rồi tôi trở lại trường cũ hoàn tất luận án tiến sĩ kỹ sư cơ khí trong ba tháng hè. Sau đó tôi đi làm tại một trung tâm nghiên cứu của hải quân Hoa Kỳ. Các bạn có lẽ thắc mắc, thế còn giấc mơ tranh đấu cho công lý thì sao? Chỉ vài tuần sau khi đến Hoa Kỳ, vùng Bắc Virginia, tôi liên lạc được với một số bạn cũ và lao mình vào các sinh hoạt thanh niên, xã hội. Và tôi tiếp tục sinh hoạt như vậy trong suốt thời gian còn là sinh viên. Vài năm sau khi ra trường đi làm thì tôi bắt đầu tham gia tổ chức BPSOS. Lúc ấy tôi hoạt động tình nguyện sau giờ làm việc với số giờ thường là 50, 60 giờ một tuần. Công việc nghiên cứu của tôi rất uyển chuyển về thời gian nên tôi có thể đi công tác cho BPSOS nhiều chuyến một năm. Nhưng như vậy hoá ra là biến giấc mơ đời người thành giấc mơ cuối đời người. Thế rồi cách đây 10 năm, một hôm ở sở làm tôi tự hỏi mình: liệu tôi có muốn tiếp tục mỗi ngày đến sở nhìn vào máy tính và chỉ theo đuổi giấc mơ ở bên lề? Tôi biết rõ điều mình muốn trong thâm tâm nhưng lòng cứ giùng giằng. Một đằng tôi thấy tiếc. Tiếc cho 15 năm xây dựng sự nghiệp nghiên cứu, chân đứng đã vững trong ngành nghề. Một đằng tôi thấy lo. Lo là bỏ công việc ổn định rồi thì sinh kế sẽ bấp bênh. Tôi đã tự nhủ: Hay là cứ đi làm cho đến khi về hưu rồi làm những gì theo sở nguyện. Nhưng như vậy hoá ra là biến giấc mơ đời người thành giấc mơ cuối đời người. Tôi sực nhớ lại tuổi 20 lênh đênh giữa biển khơi, tương lai vô định, không nghề nghiệp trong tay mà nào có sợ gì. Còn bây giờ thi vững chãi hơn nhiều thì có gì phải lo sợ? Trong khoảnh khắc tôi viết lá thư từ chức. Lòng nhẹ lâng lâng. Ngày hôm ấy mọi cảnh vật thật đẹp. Tôi đã quyết định sống đúng theo sở nguyện. Nhưng để giải quyết sinh kế, thay vì nghỉ luôn, tôi điều đình cắt giảm giờ làm trong khi sở tìm người thay thế. Trong thời gian hai năm tôi cố gắng phát triển BPSOS về quy củ và quy mô để có ngân sách trả lương cho nhân viên. Tôi cũng thu vén lại đời sống cho phù hợp với thu nhập thấp hơn trước nhiều. Rồi từng bước tôi chuyển mình sang một lãnh vực hoạt động khác. Tôi đã tìm cách đối phó với các ràng buộc của cuộc sống. Trước đây, có lúc tôi đã sống theo ràng buộc và đối phó với sở nguyện. Đừng bao giờ làm vậy. Mỗi chúng ta chỉ có một lần để sống. Chúng ta cần sống sao để cuối đời nhìn lại mà không hối tiếc. Hãy sống theo sở nguyện. Hãy đeo đuổi những giấc mơ. Live by desire; then manage life’s constraints. Tôi tin rằng các bạn sẽ có một tương lai rất đẹp. Xin chào các bạn và chúc các bạn một đêm yên lành. Từ machsong.org
|