Home CĐ Việt Xây Dựng CĐ Việt Tết Hải Ngoại

Tết Hải Ngoại PDF Print E-mail
Tác Giả: Lâm Quỳnh Trâm (Phần Lan) / Diễm Trang (Canada)   
Thứ Ba, 01 Tháng 2 Năm 2011 16:45

 Tôi biết Tết này, sẽ không có bánh mứt, không có mai vàng, không bánh chưng, bánh tét. Để có chút hương vị quê nhà thì phải lên tận thủ đô xa xôi và số tiền không ít.

Tết ở Phần Lan, không bánh mứt

Tôi biết Tết này, sẽ không có bánh mứt, không có mai vàng, không bánh chưng, bánh tét. Để có chút hương vị quê nhà thì phải lên tận thủ đô xa xôi và số tiền không ít. (Lâm Quỳnh Trâm, Phần Lan)

           Ảnh minh họa  (Hoàng Hà)

Rời thành phố hơn 8 triệu dân với nắng ấm quanh năm, tôi đến với xứ sở của tuyết, của băng và vỏn vẹn hơn 5 triệu dân. Ngày tôi đi, thành phố mưa, ngập những con đường, trắng đất trắng trời. Cơn mưa tháng bảy – nước mắt vợ chồng Ngâu. Ở nơi này, dù có bao mùa tháng 7 qua đi thì tôi vẫn sẽ không có được những cơn mưa như thế nữa.

 Nơi tôi ở là một thành phố nhỏ chỉ khoảng 22.000 dân, một thành phố yên bình, tĩnh lặng, chỉ có tuyết, rừng và hồ. Nó không ồn ào, khói bụi, không nhộn nhịp, đông đúc. Không mệt mỏi vì chen lấn như Sài Gòn, nhưng tôi vẫn nhớ Sài Gòn tha thiết. “Tình yêu đối với quê hương là vô điều kiện”. Yêu là chấp nhận và nhớ da diết cả mặt tốt và mặt xấu. Tôi yêu Sài Gòn bằng tình yêu như thế - tình yêu vô điều kiện!

 Khi mùa xuân đang về trên quê hương thì cũng là lúc khắc nghiệt nhất của mùa đông nơi này, với cái rét -30 đến -32 độ. Tôi thèm cái se se lạnh của Sài Gòn đỏng đảnh, đủ để mặc thêm một cái áo, quàng nhẹ một cái khăn. Tôi nhớ cái ồn ào của tiếng còi xe mỗi chiều tan tầm. Nhớ những đường phố ngập tràn sắc hoa mỗi khi xuân về.

 Nơi này không có lịch âm để xem hôm nay là bao nhiêu tháng chạp, chỉ tính Tết qua từng cái đếm ngày trên facebook của bạn bè. Khác với các thành phố lớn, nơi tôi ở để có được những món đồ mang hương vị Việt là vô cùng khó khăn. Tôi biết Tết này, sẽ không có bánh mứt, không có mai vàng, không bánh chưng, bánh tét. Để có chút hương vị quê nhà thì phải lên tận thủ đô xa xôi và với một số tiền không hề rẻ. Đời du học sinh xa nhà, tôi phải tiết kiệm từng đồng nên có lẽ phải nhấm nháp hương vị Tết qua những bức ảnh bạn bè gửi.

 Một người bạn nói với tôi: “Khi mới đi nghĩ rằng mình sẽ không nhớ nhiều đâu, nhưng có đi rồi mới biết, quê hương luôn ở trong tim”. Mỗi khi nhớ nhà, nhất là những lúc gần Tết, tôi và bạn lại check vé máy bay về Việt Nam, để rồi hí hửng khi thấy giá vé rẻ, dù biết mình không về được… Khi biết mình sẽ không về thì Tết trở thành xa xỉ phẩm, chỉ để ao ước mà thôi. Ao ước được ngắm những con đường rực sắc đỏ, vàng của cờ và hoa, được chen lấn trong những ngày cuối năm, được mặc áo mới mừng tuổi ba mẹ, ông bà…

 Nếu hỏi tôi nhớ gì nhất vào ngày Tết ở Việt Nam? Tôi sẽ trả lời là tôi nhớ nhất những phiên chợ quê ngày cuối năm, với những người nông dân hồn hậu bên những quầy dưa hấu, những hàng hoa cúc vàng rực rỡ. Chợ ngày cuối năm đông đúc, ồn ào, người mua kẻ bán, ai cũng muốn chọn những thứ tốt nhất để đón năm mới thuận lợi may mắn. Lạ một điều là những phiên chợ tết dù đông đúc nhưng hiếm khi có chuyện cự cãi, kì kèo bớt một thêm hai như bình thường. Có lẽ ai cũng mong mình sẽ được thuận lợi, may mắn.

 Ngày xưa tôi hay đi chợ hoa vào đêm giao thừa, vào lúc này bạn sẽ cảm nhận được rõ hơn cái vất vả của người nông dân. Khi hoa không bán hết, dưa vẫn còn trên kệ, người có điều kiện thì thuê xe chở về quê, còn có người vẫn nán lại, bán giá rẻ bèo để mong có thêm chút tiền ngày mai mừng năm mới. Những người đi chợ lúc này phần lớn cũng là những người không đủ điều kiện để sắm cho mình những thứ tốt nhất vào những ngày trước tết, họ cũng hy vọng sẽ mua được gì đó tươm tất cho ba ngày tết mà giá không quá đắt.

 Tôi yêu cái không khí hồ hởi chuẩn bị Tết ở Việt Nam. Ngày xưa, Tết – với tôi bắt đầu khi mẹ gọi điện hỏi chừng nào về nhà để phụ bố dọn dẹp nhà cửa và phụ mẹ đi chợ mua bánh mứt. Tết là dịp sum họp gia đình, là ngày để nghỉ ngơi thư giãn sau một năm dài vất vả. Ngày bé, tôi thích nhất là được hái lá mai, thích được ngồi phụ mẹ làm đồ ăn và được sắm quần áo mới. Lớn lên rồi, chỉ ao ước được như ngày bé, nôn nao từng ngày mong đến tết. Bây giờ, mỗi lần nghĩ đến Tết lại thấy nhớ quê hương và Tết lại trở thành niềm mơ ước.

 Quê hương – hai tiếng rất đỗi thiêng liêng và luôn là ngọn lửa ấm áp trong tim mỗi người xa xứ. Quê hương là nơi gốc rễ của tâm hồn người dân Việt dù xa xứ hay không. Quê hương là nơi để mỗi khi tết về, lòng những người con đất Việt lại rưng rưng “Giờ này, quê nhà đang tết".

 Lâm Quỳnh Trân (từ Varkaus, Phần Lan)

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Ở Vancouver, nhớ Tết Đà Nẵng

Ngày tết quê ngoại với tôi, đó là phút giây hồi hộp chờ đón thời khắc giao thừa cùng với tiếng pháo nổ đì đùng. Cả đêm đó tôi không sao chợp mắt vì chỉ mong trời sáng mau mau. (Diễm Trang, Canada) 

Bánh kẹo, mứt Tết ở chợ của người Việt tại Canada.

Đã lâu rồi không về lại quê ngoại Đà Nẵng, kể từ ngày tôi đáp chuyến bay rời Sài Gòn đi Vancouver vào mùa đông năm ngoái.

 Đó là những ngày cận Tết âm lịch của Việt Nam, tôi háo hức với lần đầu tiên sẽ được đón Tết ở nước ngoài với má và mấy dì của tôi trong cái lạnh buốt đầu đông cùng tuyết rơi trắng xoá.

 Đây là lần thứ hai tôi lại đón Tết xa quê với những trãi nghiệm hoàn toàn mới lạ. Chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa là đến Tết, lòng tôi lại nôn nao một nỗi niềm nhớ quê khó tả dẫu rằng xung quanh tôi có nhiều gia đình người Việt.

 Tôi vẫn thường đi chợ Việt Nam vào mỗi cuối tuần. Đó là những siêu thị do người Việt làm chủ, nơi này bán gần như không thiếu món gì mà ở Việt Nam tôi vẫn thường ăn. Nào là rau muống, rau thơm, tần ô, bắp chuối. Đằng kia là một góc trưng bày các loại trái cây như măng cụt, mãng cầu, chuối sứ và chôm chôm.... Tôi dừng chân ở gian hàng bánh mứt Tết với đầy đủ các hộp mứt nhiều màu sắc và cả bánh Tét, bánh chưng, xôi gấc...

 Có thể nói đối với những người Việt xa xứ, dù không thật sự đầy đủ hay trọn vẹn nhưng với những siêu thị như Đông Thành, Mỹ Tho... ở Vancouver này cũng làm chúng tôi ấm lòng hơn với chút hương vị quê hương. Thật ra, tôi đã có những tháng ngày lạc lõng và cô đơn đến não lòng dù rằng tôi vẫn thường gặp gỡ và tiếp xúc với người Việt ở đây và được ăn món ăn Việt Nam do má tôi nấu hàng ngày. Mấy hôm nay, lòng tôi lại như dậy sóng khi bạn bè ở Việt Nam bắt đầu râm ran không khí nhộn nhịp chuẩn bị đón Tết của Sài Gòn, Hà Nội.... đến các vùng miền xa xôi và quê ngoại Đà Nẵng.

Với tôi, ngày Tết ở quê ngoại vẫn là những tháng ngày êm ả. Tôi thật sự thích không khí nhộn nhịp trong những ngày cận Tết. Bắt đầu từ ngày 20 tháng 12 âm lịch trở đi, hết nhà này đến nhà kia, nhà nhà, người người chuẩn bị cúng tất niên và mua sắm Tết. Gần như năm nào cũng vậy, nhà ngoại thường cúng tất niên vào ngày 28 âm lịch, trước đó ngày 25, ngoại đã chuẩn bị gói bánh Tét. Bà ngoại mất khi tôi còn nhỏ nên tôi gần như không có nhiều kỷ niệm với bà ngoại.

Với ông ngoại, tôi lại là đứa cháu gần gũi nhiều hơn vì má tôi, mấy cậu, mấy dì bận công việc buôn bán ở chợ và càng bận rộn hơn với phiên chợ ngày Tết. Hồi đó tuy còn nhỏ nhưng tôi cũng đã biết phụ ngoại lau lá chuối và được ngoại chỉ cho cách gói bánh tét truyền thống. Nhân bánh tét làm từ hạt đậu xanh không vỏ, ngoại hông trên bếp cho đậu nở ra, mềm; sau đó tán nhuyễn, thêm một chút muối, mỡ heo, tiêu và bột ngọt. Ngoại vắt đậu xanh thành từng nắm và đặt vào giữa sau khi bỏ nếp đã ngâm sẵn ra lá chuối, ngoại cột một dây lạt ở giữa và hai dây ở hai đầu đòn bánh, rồi ngoại đưa tôi cột những dây tiếp theo.

 Ngoại chỉ cho tôi cách dùng đầu ngón trỏ và ngón cái của bàn tay này giữ dây lạt ép sát đòn bánh tét; ngón trỏ và ngón cái của tay kia cầm đầu dây lạt để xoay, siết dần, gập lại và gút vào dây lạt tiếp theo. Cũng chính trong thời gian được ngoại dạy cách gói bánh tét mà sau này tôi hiểu được câu thành ngữ "lạt mềm buộc chặt". Cái khó khi gói bánh tét là phải cột thật chặt sao cho lá chuối không bị rách, nếp không bị đổ ra mà đòn bánh vẫn bánh thon đều, đẹp và hạt nếp nở đều khi nấu chín. Buổi chiều, sau khi bánh tét được gói xong, ngoại bỏ bánh vô nồi, lấy ba cục gạch làm cái bếp gần gốc dừa và đặt nồi bánh lên nấu.

 Trong khi nấu bánh, có lần tôi hỏi vì sao nhà mình có tới hai cái giếng. Ngoại nói lúc dọn nhà về đây, ngoại định xây một cái giếng phía sau nhưng thấy một số gia đình trong xóm không có nước, ngoại mới cho xây thêm một cái ở sân trước cho ai cần thì xài.

 Xung quanh câu chuyện gói bánh tét với ngoại, ông cháu tôi còn nói đủ thứ chuyện mà đầu óc trẻ con của tôi hồi đó vẫn chưa thể hiểu hết, nhưng ngoại vẫn say sưa kể cho tôi nghe. Sáng hôm sau khi nồi bánh đã chín cũng là một đêm ngoại không chợp mắt cho một giấc ngủ dài. Năm này qua năm kia, ngoại lúc nào cũng lo một nồi bánh tét thiệt nhiều để con cháu ăn trong mấy ngày Tết.

 Xong nồi bánh tét, ngoại đón xe đò đi về quê Non Nước để chặt một nhánh mai đem về nhà trưng. Hồi đó, nói là trưng cây mai ngày tết nhưng thật ra chỉ là một nhánh mai chứ không phải như bây giờ, người ta sẵn sàng bỏ tiền ra để mua được những cây mai rất lớn và đẹp để trưng trong nhà. Chuyện trưng mai của ngoại cũng gợi lại một hoài niệm buồn. Đó là mùa xuân năm ấy cũng như mọi năm, nhánh mai mà ngoại đem ở quê về vẫn bình thường nhưng ngay sáng mồng một Tết thì cành mai lại héo đi và những bông mai từ từ rụng xuống. Dường như đấy là điềm báo chuyện chẳng lành, và tôi cũng không biết có chắc vậy không nhưng đến gần cuối năm ấy thì bà ngoại qua đời. Kể từ năm đó, ngoại không muốn trưng mai trong ngày Tết nữa vì sợ thấy điềm chẳng lành qua cây mai. Cũng phải qua ba năm sau ngày bà ngoại mất thì ngoại mới trở lại thú vui trưng mai trong ngày Tết của mình.

Ngày tết quê ngoại, tôi không phải là đứa trẻ chỉ biết mong đợi quần áo mới và tiền lì xì mà tôi còn biết phụ ngoại gọt đu đủ, củ cải trắng, cà rốt và củ kiệu để làm dưa món. Dưa món là thứ không thể thiếu khi ăn kèm với bánh tét trong những ngày Tết. Dưa món phải được phơi nắng cho hơi héo rồi rửa sạch, ngâm với nước mắm và đường. Hôm nào hên gặp trời nắng to thì coi như dưa món được phơi vừa đủ héo thì chắc chắn món dưa món sẽ ngon và dòn. Gặp ngày không có nắng thì coi như dưa món không được ngon như ý muốn. Tôi cũng rất thích khi được phụ ngoại rửa trái cây để chưng lên bàn thờ. Mâm trái cây của ngoại nhìn rất đẹp với đủ màu sắc của các loại như cam, quýt, thơm, đu đủ, dưa hấu và bao giờ cũng có một quầy chuối sứ cùng với hai bình hoa lay nhơn đỏ thắm trên bàn thờ.

Nhà ngoại có sạp bán hàng công nghệ phẩm ở chợ Hàn nên năm nào cũng vậy, ngoại cũng dặn mấy dì tôi phải đem các loại hạt dưa, bánh, mứt, rượu, trà về nhà sớm vì ngoại sợ để cận Tết thì không còn đồ ngon. Mứt thì có rất nhiều loại, nào là mứt gừng, mứt dừa, mứt bí, mứt khoai, mứt me, mứt mãng cầu…. nhưng tôi rất thích ăn mứt dừa với đủ màu sắc trắng, vàng, hồng, xanh… Những sợi mứt dừa vừa béo, vừa ngọt và thơm đã theo tôi trong suốt mấy ngày Tết dù cổ họng tôi có lúc bị khô khốc vì ăn quá nhiều mứt . Cho đến bây giờ, khi tôi đã trưởng thành, tôi được biết đến nhiều món bánh mứt ngon hơn, lạ hơn nhưng mứt dừa vẫn là món mứt tôi luôn thèm thuồng khi nghĩ về nó.

Ngày tết quê ngoại với tôi, đó là phút giây hồi hộp chờ đón thời khắc giao thừa cùng với tiếng pháo nổ đì đùng, rồi cả đêm đó tôi không sao chợp mắt vì chỉ mong trời sáng mau mau. Tôi vẫn còn nhớ như in cái buổi sáng sớm mồng một trời hơi se lạnh, đâu đó lại văng vẳng tiếng pháo trong ngày đầu năm và trước sân nhà ngoại xác pháo bay lả tả. Anh em tụi tôi diện bồ quần áo của ngày mồng một - đó là bộ xịn nhất trong ba bộ quần áo Tết mà má tôi đã sắm cho anh em tôi mặc trong ba ngày Tết.

 Trước tiên, chúng tôi đến mừng tuổi ngoại và được ngoại lì xì. Sau đó, anh em tụi tôi được ba má và mấy cậu, mấy dì lì xì những tờ tiền giấy mới sau khi con nít lần lượt mừng tuổi người lớn trong nhà. Đó là những món tiền khiến chúng tôi mê mẩn và vui rất lâu vì chỉ có dịp Tết thì tụi tôi mới có nhiều tiền đến như vậy. Xong, ngoại biểu mấy dì tét bánh tét cho cả nhà ăn cùng với những lát dưa món mà ông cháu tôi làm mấy hôm trước. Dụng cụ để tét bánh là một cọng dây cước dài chừng hai gang tay, một đầu được cột vô chiếc đũa tre cầm trên tay quay một vòng và đầu dây kia ngậm trong miệng. Cứ như vậy, từng lát bánh tét rớt ra và chúng tôi được no bụng cho hành trình đi chơi ngày Tết.

 Ngày Tết quê ngoại, gần như ngày nào tôi cũng được ăn nhiều món ăn ngon mà cả năm tôi mới được ăn một lần. Đó là món thịt heo dầm nước mắm, xắt lát mỏng, cuốn với bánh tráng, rau sống và chấm nước mắm. Gian nhà bếp nhà ngoại dường như chật chội hơn với bánh tét, bánh tráng nướng, nem, chả, tré và các loại lạp xưởng và khô bò. Tuổi thơ tôi cứ vậy mà trôi qua, lớn dần lên với một năm mới đầy đủ hương vị của món ăn ngày Tết mà đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ trong những tháng ngày xa quê.

 Thỉnh thoảng, trong cái xô bồ và hối hả của cuộc sống hôm nay, từ Hà Nội - Huế - Sài Gòn hay những miền quê xa xôi nào đó, vẫn còn xuất hiện những nồi bánh tét như của ngoại ngày xưa và những hũ dưa món như tôi đã từng phụ làm với ngoại. Biết rằng, thật không khó để tôi có thể mua được bánh tét, dưa món, củ kiệu và nhiều thứ khác nữa để đón Tết Việt trên mảnh đất này nhưng tôi vẫn muốn được trở về những tháng ngày xa xưa với những ký ức tuổi thơ nơi quê ngoại.

 Tôi ao ước được cùng ngoại ngồi gói bánh tét bên cái giếng nước trước sân nhà, nhưng lần này sẽ khác nghe ngoại! Thay vì nghe ngoại kể những câu chuyện ngày xưa của ngoại, con sẽ kể cho ngoại nghe những câu chuyện ngày nay của con. Con sẽ cột ba dây lạt chính và ngoại sẽ cột dây lạt phụ cho đòn bánh tét. Con sẽ là đứa thức canh nồi bánh để ngoại có một giấc ngủ sâu, con là đứa mừng tuổi và lì xì cho ngoại thay vì nhận tiền lì xì, nghe ngoại.

Khi tôi thấy lòng mình thắt lại thì cũng là lúc tôi đã thấm thía nỗi lòng nhớ về ngày Tết trên quê hương.

 Diễm Trang (từ Vancouver, Canada)