Một người Việt tâm thần thiệt mạng sau đụng độ cảnh sát |
Tác Giả: Hà Giang/Người Việt | |||||
Thứ Ba, 19 Tháng 6 Năm 2012 05:06 | |||||
“Em rất hối hận vì đã gọi 911, em tưởng họ đến là để giúp, ai ngờ anh không hề có vũ khí, mà họ quá hung dữ.” EL MONTE (NV) - “Cảnh sát đã giết anh của em!” Nhắc đến cái chết vô cùng bất ngờ của người anh ruột bị bệnh tâm thần phân liệt là Khoa Anh Lê, cô Diane Như Lê nức nở nói với phóng viên nhật báo Người Việt như thế qua điện thoại.
Ngừng một chút, Diane nghẹn ngào: “Em rất hối hận vì đã gọi 911, em tưởng họ đến là để giúp, ai ngờ anh không hề có vũ khí, mà họ quá hung dữ.” Tuấn Lê, anh ruột của Khoa, người chứng kiến mọi việc từ lúc cảnh sát El Monte kéo đến nhà họ lúc hơn 11 giờ đêm Thứ Năm, sau khi nhận được điện thoại gọi 911 của Diane, cho biết đã trông thấy cảnh sát dùng flashlight đánh Khoa khoảng 20 lần, bóp cổ, đá, và bắn súng taser 4 lần, cho đến khi anh hoàn toàn bất động, và cảnh sát phải gọi xe cứu thương đến đưa đi. Vào lúc 12:21AM Thứ Sáu, Khoa Anh Lê 36 tuổi, dân cư El Monte, chết tại bệnh viện Greater El Monte Community Hospital, sau khi xô xát với cảnh sát, khi họ được cảnh sát gọi xe cứu thương đưa đi cấp cứu. Cho đến giờ, nguyên nhân gây ra cái chết của Khoa vẫn chưa được công bố, và các cơ quan công quyền đều im lặng từ chối trả lời. Miễn bình luận Tiếp xúc với phóng viên nhật báo Người Việt qua điện thoại, văn phòng pháp y quận Los Angeles bảo họ “không thể tiết lộ gì”, vì sở Sheriff quận hạt Los Angeles đã “niêm phong hồ sơ”, với lý do họ đang tiến hành cuộc điều tra. Trung úy cảnh sát Richard Cano, thuộc sở cảnh sát El Monte, nói với Người Việt là “không thể nói gì về vụ này” và muốn gì thì hỏi văn phòng Sheriff. Ðược hỏi gặn là tại sao vào 9:45AM sáng Thứ Sáu, sau khi tin Khoa Lê qua đời được công bố, sở cảnh sát El Monte đã gửi đi một bản tường trình nói rằng “không có việc dùng taser gun”, sau đó lại nói là họ không muốn bình luận gì về việc dùng vũ khí, trung úy Cano nói, thật ra “câu không bình luận gì là đúng hơn”, vì mọi sự đang trong vòng điều tra. Thám tử Frank Salerno của sở Sheriff, người lãnh đạo cuộc điều tra không trả lời điện thoại, mặc dù báo Người Việt đã để lại nhiều lời nhắn. Bà Joann Roset, Corporate Risk Manager của nhà thương Greater El Monte Community Hospital, cũng nói với Người Việt là hiện còn đang chờ quyết định của luật sư cố vấn của nhà thương, và không thể tiết lộ gì với ai, kể cả việc Khoa Lê được đưa nhà thương lúc mấy giờ, và khi đưa đến đã tử nạn chưa. Sheriff đồng ý nói Trong khi đó, tại sở Sheriff, Trung Úy Holly Francisco khi tiếp xúc với phóng viên Người Việt cho biết bà có mặt ở hiện trường, ngay sau khi sở cảnh sát El Monte gọi sở Sheriff để “yêu cầu tiến hành điều tra vì có vụ tử nạn trong khi bị tạm giữ”. Khác với câu trả lời rập khuôn là “không thể nói gì” của các giới chức khác, trung úy Francisco trả lời một hơi dài. Về nguyên nhân cái chết, trung úy Francisco nói là “Văn phòng pháp y đã làm xong giải nghiệm tử thi, nhưng bây giờ còn chờ kết quả thử độc tố.” Về đầu đuôi câu chuyện, trung úy Francisco nói: “Tối Thứ Năm, gia đình nạn nhân gọi sở cảnh sát El Monte cầu cứu vì có cuộc cãi lộn trong nhà. Khi cảnh sát đến họ được gia đình nạn nhân bảo là nạn nhân đã tấn công bố mình. Cảnh sát hỏi nạn nhân đâu, họ chỉ vào một căn phòng ở garage. Khi cảnh sát mở cửa phòng, nạn nhân bắt đầu tấn công cảnh sát. Cảnh sát phải dùng vũ khí (trong đó có súng điện Taser), trước khi chế ngự được và còng tay nạn nhân. Khi cảnh sát thấy nạn nhân có biến chứng y khoa (medical implications), họ gọi xe cứu thương chở vào Greater El Monte Hospital, nơi nạn nhân qua đời.” Cũng theo lời trung úy Francisco, hai cảnh sát chế ngự nạn nhân Khoa Lê cũng bị thương và phải đến nhà thương, nhưng đã được cho về ngay sau đó. Gia đình: Cảnh sát bạo hành Gia đình Khoa Lê cho rằng người thân của họ là nạn nhân của việc cảnh sát bạo hành, và có những lời khai khác với bản tường trình của sở Sheriff. Cô Diane Lê kể: “Em nhìn thấy rõ một người cảnh sát đá vào anh Khoa, lúc đó anh đang quỳ xuống đất, mặt ngửa lên ngước nhìn ông cảnh sát. Lúc đó em chỉ đứng cách anh chừng 4, 5 bước chân. Anh em lúc đó chưa bị còng, hai tay bấu vào nhau để khỏi ngã xuống.” Sau khi bị bắt đứng xa ra, Diane kể chỉ nghe thấy tiếng súng điện bắn vào người anh, rồi sau đó 15 hay 20 phút, thấy Khoa bị mang ra khỏi garage. Diane kể thêm: “Lúc họ mang anh ra khỏi garage anh không hề tỉnh, rồi sau khi làm CPR anh cũng không hề tỉnh lại nữa. Gia đình đến gần hỏi, họ bắt mọi người đi lên lầu hết. Sau khi cảnh sát cho đưa anh lên xe cứu thương mang đi thì họ ở lại canh gác mọi người, một người ngồi trong nhà, một người canh ngoài cửa, không cho ai bước ra khỏi nhà.” Ông Tuấn Lê, người đứng gần Khoa hơn, và chứng kiến mọi việc từ đầu đến đuôi cho biết khi cảnh sát mở cửa phòng, họ bắt Khoa đưa tay ra, rồi họ chụp lấy tay Khoa, kéo Khoa xuống đất, Khoa vùng vằng nói “don't touch me”. Tuấn kể: “Tôi thấy rõ một người ôm lấy khoa, người kia dùng flashlight đánh liên tục vào người Khoa khoảng 20 chục cái. Khoa vùng vẫy, họ dùng taser gun bắn vào Khoa 3 lần, dùng tay xiết cổ Khoa, Khoa đã nằm xuống đất, nói thều thào don't hurt me, một người lại gần dùng Taser gun bắn thêm 1 lần nữa vào chân Khoa. Tôi la lên là đừng đánh anh nữa. Cảnh sát đuổi tôi ra xa. Bỗng nhiên cảnh sát nhờ mở của garage để khiêng anh ra bên ngoài, một người sờ cổ sờ mặt Khoa rồi lắc đầu, và bắt đầu làm CPR, người kia gọi xe cứu thương.” Tuấn kể lể: “Ðến 3 giờ sáng Thứ Sáu thì 4 người cảnh sát không mặc đồng phục và một cảnh sát nữ mặc đồng phục là thông dịch viên đến, họ chia nhau để phỏng vấn mọi người trong nhà, họ hỏi em liên tục 3 tiếng đồng hồ, cứ hỏi đi hỏi lại chuyện gì xảy ra, và em kể lại từ đầu như vừa kể cho chị nghe.” Ðại diện gia đình, Tuấn nói: “Gia đình tôi chỉ muốn lấy lại công bình cho Khoa, kêu cảnh sát tới để giúp cho gia đình, không ngờ họ tàn bạo quá. Anh tôi là một người bị bệnh tâm thần, anh hoàn toàn vô hại, trong tay không hề có vũ khí.” Trả lời câu hỏi của Người Việt là nguyên nhân cái chết, sau khi có kết quả, sẽ ảnh hưởng đến vụ kiện như thế nào, Luật Sư Từ Huy Hoàng, đại diện cho gia đình nạn nhân nói: “Tôi không quan tâm đến vụ kiện, cảnh sát họ đã dùng cụm từ 'biến chứng y khoa' rồi. Tôi chỉ muốn đòi công lý cho Khoa và gia đình. Theo tôi mọi việc sẽ diễn tiến như vụ Kelly Thomas của Fullerton. Nếu người dân không biết lên tiếng đòi công lý, đòi cảnh sát phải trả lời, đòi thành phố phải trả lời, đòi sự việc mang ra tòa án, thì còn nhiều nạn nhân như vậy nữa.” “Tôi chỉ không muốn nhìn thấy những vụ cảnh sát bạo hành như vậy nữa xảy ra cho bất cứ ai.” Trong tiếng thở dài, Tuấn Lê tâm sự: “Ngày mai lẽ ra là sinh nhật của Khoa, nhưng em tôi không ăn mừng sinh nhật với gia đình, mà chết tức tưởi, nằm một mình trong nhà xác.” Cho đến giờ gia đình Khoa Lê vẫn chưa nhìn thấy xác người thân.
|