Home CĐ Việt Xây Dựng CĐ Việt Bốn nhà chính trị gốc Việt tâm sự nhân Ngày Dành Cho Cha, kỳ 2

Bốn nhà chính trị gốc Việt tâm sự nhân Ngày Dành Cho Cha, kỳ 2 PDF Print E-mail
Tác Giả: Ngọc Lan/Người Việt   
Thứ Bảy, 20 Tháng 6 Năm 2009 14:51
Cả bốn ông bố Andrew Ðỗ, Joseph Cao, Quang Phạm và Văn Trần đều không giấu được gương mặt rạng rỡ.

 

Hình 1: Dân biểu Liên Bang Cao Quang Ánh, “giờ đây dù bận rộn ba, bốn ngày ở DC nhưng khi trở về nhà thì tôi cũng phụ vợ cho con ăn uống, thay tã, tắm rửa cho con, như một người cha bình thường.”

 

Hình 2: Là người khá nổi tiếng trong lãnh vực sinh hoạt chính trị ngoài xã hội, nhưng khi trở về nhà thì Dân Biểu Tiểu Bang California Trần Thái Văn lại là “phụ tá đắc lực cho vợ trong việc chăm con, một bé 2 tuổi, một bé 9 tháng.”

 

Hình 3: Nghị viên thành phố Garden Grove Andrew Ðỗ, “Người cha phải luôn có sự cảm thông, chấp nhận con cái ở tất cả mặt mạnh cũng như như mặt yếu của nó, hãy để cho con được sống thỏa lòng với những đam mê của con, nếu như điều đó là vô hại.”

 

Hình 4: Ứng cử viên dân biểu liên bang Phạm Xuân Quang, “Sẽ dạy con nói tiếng Việt và hướng con đến văn hóa Việt, bởi trong gương mặt, hình hài, tên tuổi của con tôi có một nửa là Việt Nam. Ðiều đó không bao giờ thay đổi.”

 ‘Có con vui nhưng cũng rất cực bởi không có đủ thời gian để ngủ’

Lời tòa soạn: Trên tinh thần muốn đi tìm hiểu thêm về những khía cạnh đời thường của bốn nhân vật hoạt động chính trị xã hội người Mỹ gốc Việt được mọi người quan tâm, nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông báo chí, chúng tôi đã có được những góc nhìn mới mẻ về những suy nghĩ riêng tư của họ trong mối quan hệ gia đình với cha mẹ và con cái.

Trong bài viết thứ nhất được đăng ngày Thứ Sáu, Dân Biểu Liên Bang Cao Quang Ánh, Dân Biểu Tiểu Bang Trần Thái Văn, Nghị Viên Thành Phố Andrew Ðỗ, và ứng cử viên dân biểu liên bang Phạm Xuân Quang đã nói về cha của họ. Trong bài viết thứ nhì đăng ngày Thứ Bảy hôm nay, quí độc giả được nghe họ kể thêm về cha và đồng thời nói đến các con nhân ngày Father's Day 2009.

 Sự gặp gỡ và những khoảng cách vô hình 

Di chứng và hậu quả của chiến tranh ngoài những hoang tàn và đổ nát, kẻ thắng người thua, ai còn ai mất, thiết nghĩ còn một điều lớn lao hơn, đó chính là sự trống vắng và hụt hẫng, trong một chừng mực nào đó, hình ảnh và sự tác động của người cha đến những đứa con còn thơ dại của mình. Nhìn lại những suy nghĩ cũng như những gì mà Andrew Ðỗ, Joseph Cao, Quang Phạm và Văn Trần đã trải qua để cảm thấy trân trọng hơn biết bao, sự nỗ lực và phấn đấu của họ, cũng là tiêu biểu cho một thế hệ tự bươn chải và vươn lên để có một vị trí nhất định như ngày hôm nay.

Dân Biểu Cao Quang Ánh nói, “Sự thân mật, khắng khít giữa cha con phần lớn có từ thuở nhỏ và phát triển theo năm tháng.” Nhưng do sinh ra và lớn lên trong một bối cảnh khá đặc biệt của một đất nước đang chìm trong nội chiến, nên ngay từ thuở nhỏ anh đã rất ít có cơ hội để gần gũi và nhận sự chăm sóc trực tiếp từ bố.

“Khi còn nhỏ ở Việt Nam thì ba tôi ở trong quân đội. Một năm tôi chỉ gặp ba tôi được hai, ba lần trong thời gian khoảng hai, ba tuần nên tình bố con trong tám năm đó rất giới hạn,” ông Cao nói và đồng thời cũng khẳng định, “Nhưng tôi hiểu sự giới hạn đó là do hoàn cảnh ba tôi phải vào quân đội chứ không phải vì ba không thương tôi hay lo lắng cho tôi.”

Hay như Phạm Xuân Quang, cũng trong hoàn cảnh tương tự. Những chuyến bay nối tiếp chuyến bay đã khiến sự vắng mặt của bố trong gia đình Phạm Xuân Quang trở thành sự thường trực. Nhưng anh cũng không lấy đó làm sự thua thiệt, bởi theo anh thì “khi đó tôi ở trong cư xá không quân ở Tân Sơn Nhất, nhìn quanh tất cả các gia đình khác cũng như thế, chỉ có bóng dáng người mẹ, rất vắng hình bóng người cha.”

Anh Quang chỉ cảm thấy chút gì như ngậm ngùi khi sang Mỹ, vào trường học, nhìn những đứa bạn có bố làm huấn luyện viên cho chúng khi tham gia trong các đội basketball, nhìn chúng bạn có bố reo hò tán thưởng trước mỗi sự cố gắng của chúng thì anh cũng thầm ao ước “phải chi mình cũng có bố ở đây.”

Trẻ con có bố có mẹ bên cạnh tưởng như phải là một lẽ tất yếu trong cuộc đời, thế nhưng khao khát “phải chi mình cũng có bố ở đây” không chỉ của riêng Quang Phạm mà còn là của biết bao người con khác trong thời điểm đó nghe sao mà mặn đắng. Chiến tranh và hệ quả của nó đã cướp đi những quyền thiêng liêng nhất của tuổi thơ. Ðể rồi sau một thời gian đằng đẵng của sự xa cách, ngày hội ngộ cũng không trọn vẹn như ước mơ.

Joseph Cao chia sẻ, “Ba tôi sang đến Mỹ năm 1991, nghĩa là sau 16 năm xa cách, khi đó tôi đã 24 tuổi, đang ở trong dòng tu, cho nên cũng đã không có cơ hội nối lại tình cha con như lẽ thông thường. Tôi thương ba tôi nhưng giữa hai bố con có sự ngăn cách khó nói chuyện.”

Theo anh thì có lẽ “Do ở tù khá lâu, nên ba tôi rất ít nói, tôi hỏi gì thì ông nói đó. Không biết có phải đó là do triệu chứng ở tù lâu năm hay không. Nhưng tôi biết là ba tôi rất hãnh diện khi tôi thắng cử. Ông có lên DC dự lễ tuyên thệ của tôi. Dù không nói gì cả, nhưng tôi biết ba tôi hãnh diện về tôi.” Joseph Cao nhắc đến cha mình trong một giọng nói trìu mến như thế.

Với Phạm Xuân Quang thì dường như vẫn còn điều gì đó rất bùi ngùi khi anh kể về ngày hội ngộ của hai cha con. “Tôi gặp lại ba tôi năm 1992, khi đó tôi được 28 tuổi, đang là đại úy của thủy quân lục chiến Mỹ. Trong đầu tôi vẫn nhớ hình ảnh của hai cha con trong thời gian khoảng một năm rưỡi trước khi mất nước. Khi ấy ba tôi đã dành rất nhiều thời gian cho tôi và gia đình, đưa tôi đi chơi, đi câu cá. Thế nên tôi đã những tưởng rằng ngày xưa ba đi bay, giờ mình cũng đi bay; ba đi lính, mình cũng đi lính; giờ gặp lại, hai cha con cũng sẽ có nhiều điều để nói cùng nhau, đi câu với nhau... Thế nhưng sự đời không dễ dàng như vậy.”

Giữa hai cha con dường như có một khoảng cách vô hình. Biết bao câu hỏi anh muốn nhưng không thể nào dám mở lời. Anh sợ chạm đến trong ba anh một nỗi đau, một điều thầm kín gì đó mà anh không hiểu và cũng không tự lý giải được. Thêm vào đó, anh muốn ông có thời gian chữa lành những vết thương kí ức.

Nghị Viên Andrew Ðỗ không phải chứng kiến cảnh chia ly nhưng như anh tâm sự thì “tuy có nhiều thời giờ với ba nhưng vẫn không gắn bó gần gũi và tâm sự nhiều. Cha con tôi không thường ngồi xuống nói chuyện.”

Kỷ niệm ngọt ngào nhất mà anh vẫn giữ mãi trong lòng về ba mình trong những năm tháng thơ ấu là khi anh đậu vào trung học đệ nhất cấp Võ Trường Toản. Khi ấy, ba anh đã thưởng cho anh một chuyến đi Vũng Tàu trong khoảng bốn, năm ngày. Phần thưởng đó đã để lại trong anh một ấn tượng khó phai.

Khi sang Mỹ, như Andrew Ðỗ đã nói, “Ba tôi không rành về xã hội này, tất cả mọi cái đều mới mẻ, vì thế ba tôi như những người lớn tuổi khác dường như mất đi vai trò hướng dẫn cho con cái, chỉ còn lại vai trò thương yêu chăm sóc cho cái ăn cái mặc.” Nhưng theo anh, đó chính biểu hiện của tình yêu thương mà ba anh đã dành cho các con mình.

Trong khi đó, Dân Biểu Trần Thái Văn có lẽ may mắn hơn bởi ba anh là một giáo sư dạy tiếng Anh, nên khi đến Mỹ, sự bất đồng ngôn ngữ không là vấn đề lớn, và chỉ cần như vậy, ông đã có thể hội nhập nhanh với cuộc sống, đi dạy học lại và tiếp tục làm chỗ dựa tinh thần vững chắc cho Trần Thái Văn trong suốt thời gian qua, để có thể chia sẻ với anh nhiều những vấn đề về chính trị, về cuộc sống, giúp anh tự tin và như cảm thấy sự hỗ trợ đắc lực từ phía gia đình. 

Từ kinh nghiệm bản thân đến việc làm một người cha Mỹ gốc Việt

Cho dù có những lỗ hổng, có những khoảng trống hay khoảng lặng trong mối quan hệ giữa những người bố và con trai trong một giai đoạn khá đặc biệt của lịch sử dân tộc nói chung và đời sống mỗi cá nhân nói riêng, những cậu con trai ngày nào giờ đây đều đã là những ông bố với đầy đủ bổn phận và trách nhiệm của một người cha, người Mỹ gốc Việt.

Tuổi thơ của Andrew Ðỗ, Joseph Cao, Quang Phạm, và Văn Trần hoàn toàn khác tuổi thơ con cái họ. Cả bốn người đều trải qua tuổi thơ trong bối cảnh đất nước còn chìm trong chiến tranh, mối quan hệ gia đình còn nhuốm nhiều sự ảnh hưởng của văn hóa Á Ðông.

Họ lớn lên, hấp thụ một nền văn hóa mới, giáo dục mới. Cả bốn người đều nhìn nhận “người Việt có cái hay trong văn hóa Việt, người Mỹ có cái hay trong văn hóa Mỹ,” những mối quan hệ gia đình xã hội hoàn toàn khác nhau, do đó quan niệm làm cha của họ cũng có nhiều thay đổi so với khuôn mẫu của cha mình.

Có một điều khác nhau cơ bản nhất giữa những ông bố thuần Việt ngày xưa và các ông bố gốc Việt cởi mở ngày nay là “ba tôi không bao giờ thay tã cho con,” trong khi đó thì cả bốn vị đều có thể làm tốt nhiệm vụ này!

“Chức vụ của một dân biểu thì thật là quan trọng. Nhưng chức vụ của một người cha thì cũng quan trọng không kém. Cho nên giờ đây dù bận rộn ba, bốn ngày ở DC nhưng khi trở về nhà thì tôi cũng phụ vợ cho con ăn uống, thay tã, tắm rửa cho con, như một người cha bình thường,” Cao Quang Ánh vui vẻ nói về vai trò làm cha của mình. Rút kinh nghiệm bản thân, anh hiểu rằng tình cha con phải có sự gắn bó và liên tục, cho nên khi có thời gian, anh vẫn sắp xếp để đưa con đi học vũ ballet, dạy con học đàn, học toán. Khi không có mặt ở nhà thì hằng đêm anh vẫn gọi điện về hỏi thăm chuyện học hành của các con.

Còn Quang Phạm thì cho rằng, “Thái độ của tôi đối với con tôi trong hiện tại chính là sự kiên nhẫn,” bởi đối với một đứa bé chưa đầy một tuổi thì việc lắng nghe để hiểu con cần gì đã làm một sự cố gắng rồi. Anh cũng băn khoăn, “Sự lựa chọn giữa thời gian dành cho vợ con và hoạt động chính trị rất là khó, bởi lẽ các sinh hoạt của cộng đồng thường rơi vào các ngày cuối tuần.” Nói là như vậy, nhưng anh tin rằng mình sẽ “có sự sắp xếp thời gian sao cho hợp lý,” để có thể vừa làm tròn trách nhiệm của một người đại diện cho cộng đồng vừa làm tròn vai trò của người chồng người cha trong gia đình.

Bây giờ thì bé còn quá nhỏ, nhưng anh vẫn tâm niệm “sẽ dạy con nói tiếng Việt và hướng con đến văn hóa Việt, bởi trong gương mặt, hình hài, tên tuổi của con tôi có một nửa là Việt Nam. Ðiều đó không bao giờ thay đổi.”

Với Trần Thái Văn thì “có con cảm thấy rất vui, cảm thấy gia đình hạnh phúc hơn, bởi con cái là biểu hiện cho sự toàn vẹn của gia đình. Nhưng cũng phải thừa nhận là có con rất cực bởi tôi không có đủ thời gian để ngủ!”

Là người khá nổi tiếng trong lãnh vực sinh hoạt chính trị ngoài xã hội, nhưng khi trở về nhà thì anh lại là “phụ tá đắc lực cho vợ trong việc chăm con, một bé 2 tuổi, một bé 9 tháng.”

Phụ tá đắc lực theo anh là “vợ sai gì làm đó! Rửa chén, hâm sữa, hâm đồ ăn, dọn dẹp, đổ rác. Ban đêm con thức thì mình cũng phải thức, và bất đắc dĩ thì cũng thay tã cho con. Nói chung là tôi làm tất cả công việc của một phụ tá nội trợ, không thắc mắc hay phiền hà về điều đó, bởi theo tôi đó là trách nhiệm của một người cha như bao người cha khác thôi,” Trần Thái Văn cười rất sảng khoái khi nhìn nhận về vai trò phụ tá của mình trong việc thể hiện trách nhiệm của một người bố.

Với “ông bố” Andrew Ðỗ thì từ kinh nghiệm bản thân, từ những rút tỉa trong cuộc đời, anh đưa ra ba nguyên tắc cho việc làm chồng làm cha trong gia đình, đó là “Có Mặt, Khuyến khích và Cảm thông.”

Anh tâm sự, “Con nít sống ở Mỹ phức tạp hơn ở Việt Nam. Cách sống của người Việt Nam là có thể chỉ dạy lẫn nhau. Ở Mỹ khác. Mỗi người có sự tự do riêng. Cha mẹ phải cố gắng thâm nhập vào đời sống con cái. Dù mình không hiểu nhưng sự có mặt của cha mẹ trong mọi hoạt động của con chính là nguồn động viên. Phải tạo cho con sự tự tin. Những câu nói rất đơn giản như 'You did a good job' sẽ có sự tác động rất lớn đến với con cái bởi lúc nào con cũng sẽ thấy mình ở sau lưng nó, khuyến khích, động viên, ủng hộ nó.”

Andrew Ðỗ tâm niệm “không bao giờ ép buộc con phải làm cái này cái kia. Chỉ có một yêu cầu đối với con, đã chọn làm điều gì thì phải làm bằng tất cả đam mê.” Người cha phải luôn có sự cảm thông, chấp nhận con cái ở tất cả mặt mạnh cũng như như mặt yếu của nó, hãy để cho con được sống thỏa lòng với những đam mê của con, nếu như điều đó là vô hại. Cũng do suy nghĩ đó mà anh cảm thấy thú vị khi nghe con gái mình nói “khi lớn lên con muốn trở thành người lính cứu hỏa!”

Cho dù công lao của cha không được ghi nhận như sự vất vả hy sinh của mẹ; cha có thể không dịu dàng và tỉ mỉ như mẹ, nhưng quả thật bóng dáng người cha, những tư tưởng và quan điểm của họ có tác động rất lớn và sâu đến tâm hồn của những đứa con, nhất là những người con trai.

Và như tâm sự của Trần Thái Văn, “Khi ẵm con trên tay, tôi nghĩ về tương lai của con tôi cũng như những đứa bé khác. Từ bổn phận và trách nhiệm làm cha mà tôi thấy mình có thêm kinh nghiệm và sự già dặn cho thái độ và trách nhiệm đối với công việc mình đang làm, thấy mình có thêm những trọng trách bởi những điều mình làm hôm nay sẽ có ảnh hưởng đến đời sau.”

Vâng, suy nghĩ đó sẽ quyết định thái độ làm cha của mỗi người, hơn nữa đó lại là những cha có những vị trí khá quan trọng trong cộng đồng. Nhưng ngay lúc này, khi con còn nhỏ, đưa đón được các con đến trường, đến các lớp học thể thao, hướng dẫn con làm các bài tập ở nhà, hay “con khóc đòi sữa, pha được cho con bình sữa là đã cảm thấy vui lắm rồi!”

Cả bốn ông bố Andrew Ðỗ, Joseph Cao, Quang Phạm và Văn Trần đều không giấu được gương mặt rạng rỡ và những nụ cười thật tươi khi nhắc đến những đứa con thân yêu của mình.

Chúc tất cả các ông bố một ngày lễ Cha thật nhiều niềm vui và hạnh phúc! (N.L)