Nhịn Đói Trên Xứ Mỹ |
Tác Giả: Cam Ly Ng. T. Mỹ Thanh | |||
Thứ Tư, 05 Tháng 8 Năm 2009 23:01 | |||
Hai người bạn gặp nhau lần đầu tại phi trường Hongkong. Xuân đi từ Sài Gòn. Thu đến từ Hà Nội. Việc hẹn nhau và cách thức nhận diện nhau cũng thật dễ dàng vì họ đã làm quen và dặn dò nhau nhiều lần qua điện thoại. Xuân lớn hơn Thu một vài tuổi. Hai người cùng ngạc nhiên khi thấy người kia có nét hao hao giống mình. Những e ngại hầu như đã biến đâu gần hết. Từ đó cho đến khi vượt đoạn đường bay mười mấy giờ đồng hồ đến San Francisco, họ đã trở nên đôi bạn. Thêm một đêm bay nữa, họ đến Atlanta, Georgia. Hai người không có thời gian nghỉ. Sáng hôm mới đến, lo xong chỗ ở là họ phải đến CDC (Centers for Disease Control and Prevention) trình diện ngay. Rồi thì bắt tay vào việc: học hành và làm việc trong phòng thí nghiệm. Tuy vậy, không phải mới đến trung tâm là đã thành "cư dân" của trung tâm ngay đâu! Mỗi người được phát một thẻ "visitor" (khách) để tạm thời được ra vào trung tâm. Họ được hẹn ngày hôm sau đi làm "fingerprint" (lấy dấu tay) ở một địa điểm khác, rồi sau đó sẽ được chụp ảnh để làm một cái badge (phù hiệu) để đeo trên áo, từ đó mới được coi như "nhân viên tạm" trong thời gian đi tu nghiệp, và thế có nghĩa là được quyền mang một thẻ "khóa magnetic" (khóa từ tính) để ra vào các cửa, đến phòng thí nghiệm; và rồi cũng như những nhân viên thực thụ của trung tâm, họ được ăn uống ở cafeteria, được tham dự các buổi báo cáo khoa học... Đối với Xuân, tuy chưa sống ở Hoa Kỳ nhưng Xuân đã tìm hiểu nhiều về xứ sở này qua người chị ruột đã sống ở California từ hơn hai mươi năm nay. Còn với Thu, tất cả đều mới lạ và đáng ngạc nhiên. Tiếng Anh của Thu không mấy lưu loát. Thu bảo Thu phải nhờ Xuân giúp nhiều. Không sao đâu! Xuân đã quen làm việc với các chuyên gia ngoại quốc. Xuân đã từng làm thông dịch viên cho các chương trình y tế. Xuân sẵn sàng giúp cô bạn mới từ nay sẽ sống với mình. Và như thế, mặc nhiên, họ đã coi nhau như hai người bạn, hai chị em. Ngày đi làm fingerprint, hai chị em được đưa đến một tòa nhà nằm trên một ngọn đồi. Nhiều người đã có mặt ở đó. Chờ đợi rồi cũng đến lượt mình. Xuân và Thu đã làm xong. Nhưng người tài xế lo việc đưa đón hai người bị một tai nạn nhỏ, không đến đón được. Thế nên Xuân và Thu phải đi lang thang trong sân, hết nhìn người đến kẻ đi rồi lại ngắm hoa cỏ. Ồ phải chi mình rành đường một chút thì chắc sẽ đi đón xe bus mà về. Hai chị em lại an ủi nhau "Không sao đâu!", rồi lại đi dạo chơi. Tòa nhà nằm trong một khuôn viên thơ mộng. Một nơi có thật nhiều hoa. Từ lúc đặt chân đến Hoa Kỳ tới nay, qua ngày thứ nhì, hai bạn mới có dịp ngắm một quang cảnh mới mẻ. Không khí trong lành và những bông hoa thắm tươi gợi Xuân nhớ nhiều đến Đà Lạt. Trên đỉnh đồi này nhìn xuống, thấy những con đường xinh xắn uốn lượn. Atlanta thật đẹp!!! Nhưng đó chỉ mới là vùng đồi núi vắng vẻ mà thôi, hai bạn vẫn chưa biết phố xá là như thế nào, chỉ nhớ lúc ở phi trường về có đi ngang qua khu downtown với những ngôi nhà cao trang trọng còn im ngủ trong sương sớm... Đến một lúc cảm thấy đói, không còn muốn đi dạo nữa, hai bạn bắt đầu nghĩ tới việc tìm nơi mua thức ăn. Nhưng thật lạ, nhìn quanh không có một tiệm ăn nào, cũng không có một cái máy bán bánh kẹo tự động nào. Hai bạn bảo nhau: - Giá mà có được một tiếng rao hàng nhỉ! - Đúng rồi! Phải chi có một gánh hàng rong... Nói như thế rồi cùng nhìn nhau cười thú vị. Và rồi đến một lúc không thể cười được nữa, hai bạn cùng ngồi xuống ghế. Xuân nhìn Thu, thấy nét mặt bạn không còn vẻ hồng hào như sáng nay. Và chợt Xuân nghe tay chân mình bủn rủn. Ôi, đói quá! Mỗi đứa một tô sữa với cereal buổi sáng sớm, giờ đây nghe bụng trống rỗng. Mình lại vô ý không mang theo chút bánh kẹo gì để dằn bụng, cứ tưởng đi một chút rồi về ăn trưa. Ở đây là cơ sở thuộc cảnh sát, mình đâu có thể vào bên trong tòa nhà. Xung quanh cũng không có một ngôi nhà nào khác nữa. Không chợ búa, không tiệm tùng. Hai bạn thất vọng, cùng cầu mong có ai thay cho người tài xế để đến đón họ về. Nhưng hoàn toàn im lặng. Không có chiếc xe nào mang dấu hiệu của CDC xuất hiện như họ mong. Xuân đề nghị: - Thôi mình nói chuyện vậy. Đi không nổi vì sẽ hao năng lượng. Nhưng ngồi mong ngóng thì mệt mỏi lắm! Thu cười nhẹ: - Phải chị ạ! Nói chuyện cho quên đói. - Hồi còn bé, mỗi khi đói mà chưa được ăn... thì chị hát. - Ô, vậy à? Em thì ít khi chịu nhịn đói. Nhưng em nghe bố em kể về nạn đói năm 1945. - Chị cũng nghe ba má mình kể lại. Đó là trận đói khủng khiếp nhất của nước mình. Lúc ấy chị và em đều chưa sinh ra. Thu đưa tay vuốt nhẹ một bông hoa, giọng lâng lâng: - Nghĩ cũng lạ chị nhỉ! Hai chị em mình có duyên với nhau thật, học khác ngành mà rồi được đi tu nghiệp cùng một nơi. Ở hai miền xa lắc mà bỗng thấy gần như hai chị em một nhà. - Vâng, thì bây giờ mình đã ở cùng một phòng, ăn cùng một mâm nữa. Thu hãy nói cho chị biết vì sao em được chọn qua đây học. - Em ấy à? Em được cho đi tu nghiệp ở đây là vì bố em làm chức lớn trong ngành, việc đề nghị cho em đi rất dễ dàng. Còn chị? - Chị ư? ...Chị không có thân thế gì cả. Chị được cho đi là vì... chị qua được những vòng tuyển chọn, có chấm điểm, có bằng chứng hẳn hòi. - Vậy là chị may đấy! Có nhiều người làm giấy tờ xong vẫn hụt đi. - ...Thì chị đã từng.... Xuân ngưng lại, không muốn nói tiếp. Vì Xuân nhận thấy nét mặt của Thu thật dễ mến. Thu chắc cũng đã biết nhiều những mẩu chuyện như vậy, mình kể thêm một chuyện nữa mà làm gì! Kinh nghiệm về những lần bị dìm hồ sơ, bị cướp học bổng đi tu nghiệp, đi học, vẫn còn rõ ràng với Xuân lắm. Đơn giản chỉ vì Xuân là người sống trong miền nam, không có thân thế. Xuân tự hỏi không biết rồi với cái bề ngoài dễ mến của Thu và tính nhẫn nhịn của Xuân, hai người bạn này có thể sống hòa đồng được với nhau trong một thời gian khá dài hay không? Hai hoàn cảnh thật khác biệt, cả về nguồn gốc gia đình lẫn bối cảnh xã hội. Xuân chợt thở dài. Xuân cũng không ngờ mình đang ngồi ở đây, và rồi sẽ được học hành, làm việc ở trên xứ Mỹ trong một thời gian ngắn. Xứ Mỹ, quê hương thứ hai của gia đình người chị ruột, những người đã đến bến bờ này bằng mồ hôi và nước mắt, trên con thuyền tả tơi dập vùi trong sóng gió. Hơn hai mươi năm sau, em của chị đi sang xứ Mỹ bằng máy bay, tất cả đã thật khác. Chỉ có một điều không khác: đó là hoàn cảnh của đất nước vẫn không thay đổi bao nhiêu. Không biết lặng yên bao lâu, rồi cả Xuân và Thu cùng ôm bụng. Cái đói lại đến! Xuân chợt nhớ thật rõ một bài văn được học hồi trung học, bài "Đói" của Thạch Lam. Thuở nhỏ Xuân không mường tượng ra cái đói là ghê gớm thế nào mà ông Thạch Lam mô tả hay đến thế. Một bài văn ngắn đã đi vào chương trình giáo khoa. Có đoạn Xuân đọc gần như thuộc nằm lòng: "Sinh rùng mình khi nghĩ đến trước cái mãnh liệt của sự đói, chàng cảm thấy sự cần dùng của thân thể trấn áp đuợc hết cả những lệ luật của tinh thần... Mùi xào nấu đồ ăn ở dưới sân nhà đưa lên làm cho chàng khó chịu vô cùng. Sinh cúi đầu trên bao lơn nhìn xuống xem họ làm bữa cơm chiều. Các thức ăn tuy tầm thường, nhưng Sinh lấy làm lạ rằng chàng chưa bao giờ thèm muốn những cái đó như chàng thèm muốn bây giờ". Bây giờ thì có thể tưởng tượng được rồi đây! Không biết là do đói hay do ánh nắng chiều sắp tắt chiếu thẳng vào mặt làm cho mắt hai bạn như mờ đi. Ôi! Qua Mỹ, đi tu nghiệp, có xe đưa đón, mà lại nhịn đói như thế này! Chuyện này mà kể ra chắc không ai tin. Không hẹn mà cả hai lại cùng đứng lên. Nhưng Xuân cảm thấy không còn sức. Còn Thu kêu lên nho nhỏ: - Ôi giời ơi! Xuân đang ỉu xìu nhưng cũng bật cười khi nghe tiếng than đó. Vừa lúc ấy chiếc xe mang dấu hiệu CDC hiện ra. Xuân vỗ tay. Còn Thu reo lên thất thanh: - Sống rồi!!! * Từ hôm sau đôi bạn luôn nhắc nhau đừng coi thường chuyện ăn uống. Mỗi sáng khi ăn điểm tâm Xuân đều bảo Thu: - Ăn nhiều nhiều một chút, trưa lỡ có ráng làm việc không có thì giờ nghỉ để ăn, thì cũng không bị đói. Còn Thu thì cẩn thận hơn, mỗi ngày đều tự tay gói ghém một ít bánh cookies, chips hay chocolate đem theo cho cả hai chị em. Nhìn những thức ăn đó, hai bạn nhớ đến buổi chiều khi đi làm fingerprint về đến nhà, người lả đi, hai bạn kịp thấy hai túi quà của người thư ký nhà trọ đưa cho hôm qua, chưa kịp mở. A, thì ra là "túi thức ăn cứu đói"! Nhà trọ đã dành cho mỗi người khách mới đến một túi như thế, bên trong có một phong bánh đậu phọng, một phong kẹo, một gói mì ăn liền, một gói trà, một gói cà phê và một gói đường. Hai bạn nhìn nhau rưng rưng nước mắt. Người ta thật chu đáo. Thế mà mình đã không biết đến điều này. Gọi là nhà trọ cho gọn, thật ra nơi Xuân và Thu cư ngụ trong suốt nửa năm ở Atlanta là một tòa nhà gần giống như khách sạn, nhưng trả tiền ở từng tháng, phòng ngủ riêng, còn thì sử dụng nhà bếp và phòng ăn chung nên có được bầu không khí như ở gia đình. Villa International, tên của nhà trọ là thế. Xuân và Thu hay gọi tắt tên nhà là "Villa". Dần dần Xuân và Thu có dịp tìm hiểu thêm về Villa mới biết đây là nhà trọ lập ra do Hội Thánh Tin Lành để giúp đỡ những người đi học và tu nghiệp, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, có nơi ăn ở rẻ và thân mật... Villa International là một khu nhà hai tầng nằm ngay dưới chân đường đồi, hơi khuất sau một ngõ quanh. Có một khu đậu xe rộng rãi, rồi đến một khoảng sân xinh xắn với những bàn ghế nho nhỏ để mọi người có thể ngồi nghỉ chân. "Đi về Villa"! Sống nửa năm ở đó, nghe cũng thân ái khi gọi như vậy, giống như "đi về nhà". Sáng dậy sớm, chuẩn bị ăn nhẹ rồi đi bộ qua CDC chỉ mất 5 phút. Trưa ăn tại cafeteria của trung tâm. Chiều về Villa nấu nướng với nhau và ăn tối. Đêm thì xem TV chung dưới phòng sinh hoạt, hoặc chơi bi-da, hoặc đọc sách trong thư viện. Và cũng có một nhà nguyện nho nhỏ dành cho những ai muốn vào cầu nguyện. Những cư dân của Villa đến từ khắp năm châu. Họ dễ hòa nhập với nhau trong bầu không khí thân thiện một "home-away-from-home". Ngày ngày họ tỏa ra hai nơi để học và làm việc: CDC và trường đại học Emory. Cả hai nơi này đều gần Villa nên tất cả cư dân đều không phải sắm xe hơi hay bận tâm về các lộ trình xe bus. Rồi thì băng qua một con đường nhỏ, lên dốc một ngọn đồi khác là họ có thể đến một siêu thị để mua sắm thức ăn về dự trữ và nấu ăn hàng ngày. Cuối tuần lại có những tình nguyện viên làm việc trong Hội Thánh đến để lái xe đưa họ đi phố mua sắm hoặc du ngoạn các danh lam thắng cảnh. Muốn đi đâu khác nữa thì mọi người đã có xe lửa, xe bus. Và những chuyến xe bus của vùng này, đến và đi rất đúng giờ, mà cũng rất đặc biệt: rất vắng khách, ngoại trừ lúc giờ tan sở thì có hơi đông một chút, còn thường thì chỉ có một hay hai người khách là cùng, nếu không muốn nói là nhiều lúc chỉ có người tài xế trên xe. Những tháng ngày học hành và làm việc cũng khá bận rộn. Tuy vậy, Xuân và Thu cũng dành thời gian những dịp lễ để đi thăm bà con. Xuân có khá nhiều thân nhân ở rải rác khắp Hoa Kỳ, còn Thu chỉ có một người dì trước kia đi học ở Đông Đức rồi sau khi nước Đức thống nhất đã xin qua Mỹ ở lại. Xuân ít khi bàn đến chuỵên thời sự với Thu. Xuân không muốn những điều tế nhị ấy làm ảnh hưởng đến hòa khí tốt đẹp giữa hai bạn. Những người có duyên với nhau mới gặp được nhau. Cùng làm việc trong khoa học, thế là đủ rồi! Xuân tự dặn mình như thế và cảm thấy tâm yên ổn. Hằng đêm, hai chị em cùng ôn bài, bàn luận về công việc làm trong ngày, và rảnh rang thì cùng chia xẻ những câu chuyện về gia đình, chồng con. Xuân có hai cô cậu nhóc đang học trung học, còn Thu mới có một con trai hai tuổi. Nói chuyện về con cái bao giờ cũng là những đề tài vui và chẳng có gì để né tránh cả. * Một buổi trưa, khi Xuân và Thu đang đứng trong hành lang, một người đến trước mặt hai bạn, nhìn đăm đăm một chút rồi bỏ đi. Xuân kịp nhận ra chị là một phụ nữ đứng tuổi người Việt Nam. Chị đẩy một chiếc xe trên có một cái thùng to và các dụng cụ quét dọn cùng các chai hóa chất tẩy rửa. Bóng chị khuất sau khúc quanh dẫn đến khu nhà vệ sinh. Xuân và Thu hơi băn khoăn nhìn theo. Thu thắc mắc hỏi: - Nơi đây có nhân viên người Việt sao chị? Em tưởng chỉ có người đi học như chị và em.... Thu bỏ lửng câu nói. Xuân im lặng. Chính Xuân cũng tự hỏi không biết người công nhân vệ sinh ấy là ai, gia cảnh thế nào. Trong đầu của Xuân vẽ ra nhiều giả thuyết. Bẵng đi vài tuần lễ, có một em trai nét mặt sáng sủa đến tìm hai bạn trong lab, ngỏ lời thay cha mẹ em mời hai bạn cuối tuần đến nhà em dùng cơm. Em cũng là người Việt, đang thực tập trong CDC chuẩn bị ra trường đại học. Tuy có hơi ngần ngại nhưng Xuân nhận lời, Thu thấy thế cũng đồng ý theo. Ngày gặp gỡ tại nhà của em trai sinh viên cũng là ngày hai bạn được biết mẹ của em chính là người phụ nữ trong hành lang hôm nọ. Những lạ lùng bỡ ngỡ nhanh chóng qua đi. Xuân và Thu được tiếp đãi với một bữa cơm Việt Nam thật ngon lành và... khá thịnh soạn. Trong ngôi nhà gọn gàng và đầm ấm, cha mẹ của em sinh viên không e ngại khi tâm tình cùng hai bạn. - Chúng tôi sang Mỹ theo diện H.O. Hai cô thấy đó, chúng tôi rất khó khăn trong hoàn cảnh mới. Nhưng chúng tôi không ngại. Ông xã tôi bao năm tháng ở trong "tù cải tạo", tự học nghề mộc, nay xin làm công nhân trong một xưởng đóng bàn ghế. Tôi không có vốn liếng Anh văn, nên chấp nhận làm "nghề janitor". Làm gì cũng được, miễn được sống lương thiện và có tiền. Chúng tôi vất vả kiếm tiền nuôi các cháu học lên tới đại học và dành dụm mua nhà, mua xe. Đâu có gì phải xấu hổ, phải không các cô? Xuân không nói gì, chỉ gật đầu cảm động. Nhưng Thu đang thấm nước mắt và nói hơi nghẹn ngào: - Em cảm phục anh chị lắm. Đồng tiền anh chị làm ra, thật quý báu. Bởi vì... nó thật sạch sẽ. * Thu theo Xuân đi đến thăm nhà những người thân của Xuân thường hơn. Hai bạn siêng ra phố, vào ăn tiệm Việt Nam và đem những tờ báo về đọc. Thu càng ngày càng tỏ ra đăm chiêu, trầm mặc. Nhiều khi hai bạn nhắc lại cái ngày bị nhịn đói và cười ngặt nghẽo. Có hôm đứng lại trước một shelter, Xuân chỉ vào những người đang sắp hàng nhận thức ăn và bảo bạn: - Thật ra bảo là qua Mỹ nhịn đói cho nó lâm ly ai oán, chứ ở Mỹ không lo đói, phải không Thu? Tụi mình đói có một bữa, đâu thấm gì so với cái đói của những người trong tù, cái đói của những em bé thất học lang thang ở đầu đường xó chợ, cái đói triền miên của những người dân, đói không chỉ miếng ăn, mà còn đói nhiều thứ khác, đói tự do, đói sự thật.... Xuân nghẹn lời. Xuân không muốn nói thêm nữa... Thời gian thấm thoát qua nhanh. Hai bạn trở về Việt Nam. Những quyến luyến với các thành viên của Villa từ nhân viên cho đến người trọ học thật sâu sắc làm Xuân và Thu thấy rất bùi ngùi. Xuân cũng bịn rịn chia tay với gia đình người chị ruột qua cuộc thăm ngắn tại Cali. Rồi từ đó, Xuân và Thu, hai người bạn, hai chị em khác họ, cũng nói lời tạm biệt để sau đó kẻ nam, người bắc. Xuân đã có một quyết định. Nhìn tận mắt đất nước và con người tự do ở Hoa Kỳ, Xuân đã nhờ chị xúc tiến giấy tờ bảo lãnh đang chờ đợi. Xuân hiểu rằng ra đi đồng nghĩa với việc bỏ tất cả để làm lại từ số không. Cũng như những người bất chấp nguy hiểm đi trên sóng gió ngày trước vậy. Cũng như cha mẹ của em sinh viên kia vậy. Vợ chồng Xuân cũng sẽ như thế. Nhưng các con của Xuân sẽ có cả một chân trời của cơ hội. Hơn năm năm sau, vào cái ngày gia đình Xuân sắp rời Việt Nam, Xuân gọi điện thoại ra Hà Nội thăm Thu và vắn tắt báo tin. Đầu giây bên kia, giọng của Thu ướt sũng như chìm trong nước mắt: - Em chúc mừng chị, chúc mừng gia đình chị. Chị biết không, từ ngày đi tu nghiệp về, em đã có một cái nhìn khác đối với cuộc đời mà em vẫn sống. Ở đây, em sống trong một tầng lớp danh vọng, chức quyền, no đủ đến thừa mứa. Nhưng em ao ước mình cũng được ra đi như chị, để cho con em được sống trong một xã hội tốt đẹp hơn cái xã hội gian dối này. Chị ơi! Nếu được ban cho một điều ước, em xin ước rằng: "Em ước được là một "người làm nghề janitor" như người phụ nữ mình gặp trong CDC, chỉ để cho con em được giống như con của chị ấy, chỉ thế mà thôi!".
|