Thẩm phán Sandra Day O'Connor |
Tác Giả: SAigon Echo sưu tầm | |||||
Thứ Sáu, 24 Tháng 9 Năm 2010 08:21 | |||||
Một vị thẩm phán từ nhiệm thì lẽ ra chẳng có gì đáng nói, nếu đó không phải là một trong 9 thẩm phán quyền lực nhất của Tòa án tối cao Mỹ. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1994, Toà tối cao có một người rời ghế thẩm phán về nghỉ hưu.
Câu phát biểu "hôm nay tôi chính thức tuyên bố nghỉ hưu và sẽ không còn tiếp tục công việc tại tòa án tối cao nữa" của bà đưa ra hôm thứ sáu đã đem lại cho Tổng thống George Bush cơ hội đầu tiên để bổ nhiệm một thẩm phán cho tòa tối cao. Đây là cơ hội rất quan trọng, quyết định đến cán cân công lý giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Bởi tòa án tối cao cũng chính là nơi phân xử những vụ tranh chấp giữa hai đảng. Trong bài diễn văn chia tay bà O"Connor tại Nhà Trắng, ông Bush hết lời khen ngợi bà là một thẩm phán "mẫn cán và sáng suốt", được cả thế giới nể trọng. Ông Bush cũng cho biết sẽ thảo luận kỹ với các thượng nghị sĩ để chọn người thay thế và người tổng thống đề cử phải được Thượng viện thông qua. Quyết định của bà O"Connor cũng đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 1994, tòa tối cao mới có một thẩm phán nghỉ hưu. Trước khi được Tổng thống Ronald Reagan bổ nhiệm thành vị thẩm phán nữ đầu tiên của tòa án tối cao, Sandra O"Connor đã từng là một cô gái thôn dã, tập cưỡi ngựa, tập bắn súng trường 22 ly và thậm chí, học để biết cả cách chữa bệnh cho bò trong một nông trại của gia đình ở sa mạc Arizona, giáp ranh biên giới Mexico. Cái nông trại 250 dặm vuông, tiếp giáp con sông Gila, rộng đến nỗi O"Connor có cảm giác như mình đang sống ở một quốc gia riêng biệt. Mỗi lần đi lễ, cả nhà phải mất một tiếng rưỡi mới đến được nhà thờ. Cha O"Connor - ông Harry - một nông dân đúng nghĩa, tự học và tự làm tất cả mọi thứ trong gia đình, tự xây nhà cho đến việc tự sửa tất cả mọi thứ - từ sửa xe đến chữa cái chân gãy cho con bò. Ông dạy O"Cornor cùng mấy đứa em cách sống, cách cư xử như một người lớn. Ông kỳ vọng đám con mình sẽ làm việc cật lực trong tất cả công việc - từ chuyện học hành đến việc vặt vãnh như sửa cái bản lề cửa. Mẹ O"Connor - bà Ada Mae - một phụ nữ đầy cá tính, dám cãi cha mẹ để cưới một gã nông dân như Harry để sống hẳn cuộc đời trong trang trại. O"Connor lớn lên phải tự làm lụng mọi thứ, tự biết cả cách chống chọi với các loại rắn, chuột, bò cạp lúc nào cũng sẵn sàng bò lổm ngổm trên nền nhà. Và trong những chuyến cưỡi ngựa ra ngoài cùng cha, O"Connor đã làm quen với những toán cao bồi, uống rượu như uống nước lã. Chính những tay cao bồi này đã tập cho O"Connor quen với thế giới đàn ông mà rất ít chàng trai trẻ ở thập niên 1940 hiểu được tường tận. Đến tuổi đi học, cha mẹ gửi O"Connor đến trường ở El Paso và sống với ông bà ngoại. Dù bà than rằng rất nhớ nông trại, song bà vẫn học đủ giỏi để đậu vào Trường luật Stanford. Tại đây bà gặp và cưới người bạn học John năm 1952 sau khi ra trường, tốt nghiệp đứng hạng 3 toàn khóa, xếp 2 bậc sau William Rehnquist - hiện là Chánh án Tòa tối cao. Nhưng khi ra trường, bà nhận ra rằng chẳng có công ty luật nào ở California thèm nhận và trả lương cho một nữ luật sư quá mức lương của một cô thư ký, vì thế bà viết đơn xin làm việc không ăn lương trong vai trò thư ký tòa ở hạt San Mateo, California cho đến khi tìm được việc làm có lương. Cùng lúc, John nhập ngũ và được chuyển đến Đức, O"Connor cũng đi theo và trở thành luật sư quân đội. Về nước, hai người trở về Arizona lập nghiệp và bắt đầu gia nhập chính trường. Năm 1969, bà trở thành trợ lý của Chưởng lý Arizona và được bổ nhiệm vào Thượng viện bang. Trước khi bà được Tổng thống Ronald Reagan bổ nhiệm lên tòa tối cao vào năm 1981, tức năm bà 51 tuổi, O"Connor đã là Chánh án Tòa Phúc thẩm bang Arizona. Nhiều người cho rằng quyết định bổ nhiệm của ông Reagan chẳng qua là vì thực thi lời hứa trong chiến dịch tranh cử tổng thống, rằng sẽ tiến cử một thẩm phán nữ vào tòa tối cao. Nhưng vai trò của bà trong tòa đã xóa sạch những nghi ngờ đó. Những quyết định của bà rất khó tiên đoán. Thái độ hòa giải của bà đứng ở giữa - một nửa bảo thủ và một nửa tự do. Chính vì thế, bà được mô tả là người giữ lá phiếu quyết định trong những phiên tòa đang ở thế giằng co. Quyết định nghỉ hưu của bà O"Connor sẽ dấy lên một "cuộc chiến thế chỗ" giữa hai phe tự do và thủ cựu, vốn đã chuẩn bị cho cuộc chiến chỉ định tân thẩm phán từ nhiều năm qua. Bởi trong hệ thống luật pháp ở Mỹ, quan tòa chứ không phải các chính trị gia là người có quyền nói lời cuối cùng. Vụ phân xử đáng nhớ gần đây nhất diễn ra vào ngày 11/12/2000 khi 9 vị quan tòa của tòa tối cao lắng nghe những ý kiến tranh cãi xoay quanh kết quả bầu cử tổng thống của hai ứng viên George Bush và Al Gore. Phiên tòa này sẽ quyết định ai sẽ trở thành tổng thống của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ trong vòng 4 năm tới. Tranh cãi trong phiên tòa, đó là việc xem xét việc kiểm phiếu ở Florida đúng hay sai và có phải kiểm lại hay không. Cuộc đấu khẩu kéo dài trong 1 tiếng rưỡi đồng hồ, mọi sự tập trung dồn hết vào 8 vị thẩm phán và các vị luật sư của Phó tổng thống Al Gore và Thống đốc George Bush. Ngày hôm sau, tòa ra phán quyết không kiểm phiếu lại. Và Thống đốc Bush đã trở thành Tổng thống Bush. Tòa tối cao (Supreme Court) là tòa án cấp cao nhất ở Mỹ. Phán quyết của tòa sẽ không bị kháng cáo và chỉ có thể bị thay đổi bằng một quyết định khác, cũng của tòa tối cao, hoặc có sự sửa đổi hiến pháp. Số lượng thẩm phán của tòa được quyết định bởi Quốc hội, nhưng từ năm 1869, số lượng thường xuyên là 9 vị, bao gồm 8 thẩm phán và 1 chánh án tòa tối cao. Tất cả 9 vị này đều do tổng thống tiến cử, được Thượng viện thông qua và công việc của họ kéo dài suốt đời trừ phi họ tự ý từ chức hoặc nghỉ hưu. Nhiệm vụ chủ yếu của tòa án tối cao là xem xét các điều luật và những hành động của chính phủ để đảm bảo không vi hiến.
|