Home Đời Sống Danh Nhân Niels Bohr ( 1885 – 1962 )

Niels Bohr ( 1885 – 1962 ) PDF Print E-mail
Tác Giả: Saigon Echo sưu tầm   
Thứ Năm, 07 Tháng 10 Năm 2010 10:02

Niels (Henrik David) Bohr [nels ˈb̥oɐ̯ˀ] (7 tháng 10 năm 1885 – 18 tháng 11 năm 1962) là một nhà vật lý học người Đan Mạch. Ông đã nhận giải Nobel vật lý năm 1922 vì những đóng góp quan trọng trong việc nghiên cứu cấu trúc của nguyên tử và trong cơ học lượng tử.

 
                 Niels Bohr
 
 Niels Bohr và Albert Einstein đang tranh
luận về quy luật lượng tử ở nhà của Paul
Ehrenfest tại Leiden (tháng 12 năm 1925)
Niels Bohr

Ông đã từng tham gia Dự án Manhattan. Bohr đã cưới Margrethe Nørlund năm 1912. Một trong các con trai của họ là Aage Niels Bohr đã trở thành một nhà vật lý nổi tiếng và cũng đã được nhận giải Nobel. Niels Bohr được xem như một trong những nhà vật lý nổi tiếng nhất thế kỷ 20.

Cuộc đời

Niels Bohr là con của nhà sinh lý học Christian Bohr và bà Ellen Adler. Niels cũng là anh của nhà toán học Harald Bohr (giáo sư trường Đại học Copenhagen). Niels Bohr được đào tạo tại trường Đại học Copenhagen. Năm 1911, được cấp bằng tiến sĩ với luận án Studier over Metallernes Elektronteori (Nghiên cứu về lý thuyết điện tử của các kim loại), sau đó Bohr sang Đại học Manchester nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của nhà hóa học nổi tiếng Ernest Rutherford.

Sự nghiệp

Năm 1913, Bohr công bố bản mô tả cấu trúc của nguyên tử trên tạp chí Philosophical Magazine, bản mô tả này sau đó được gọi là mô hình Bohr.

Năm 1916 Bohr được bổ nhiệm làm giáo sư Đại học Copenhagen. Điều kiện làm việc lúc đó hơi kém, vì vậy người ta đã quyên tiền để thành lập một cơ sở tương đối hiện đại hơn. Cơ sở mới được khánh thành năm 1921 do Bohr lãnh đạo, được đặt tên là Viện Vật lý lý thuyết của Đại học Copenhagen, nhưng thường có tên thông dụng là Viện Niels Bohr (đến năm 1965, được đổi tên chính thức là Viện Niels Bohr).

Bohr luôn mơ ước về một sự hợp tác quốc tế trong lãnh vực khoa học. Với cơ sở mới này, đã có thể thực hiện chút mơ ước như vậy tại Đan Mạch. Nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài đã tới viện này trao đổi quan điểm cùng các ý tưởng với Bohr, nhiều người trong số họ sau này đã được giải Nobel về các công trình của mình.

Trong thời Đệ nhị thế chiến, viện này đã là một cơ sở khá lớn trong ngành vật lý lý thuyết. Người ta đã nói đến trường phái Copenhagen và đã có nhiều tên tuổi rất lớn trong ngành vật lý thời đó tới thăm và làm việc, trong số đó có Erwin Schrödinger, nhà vật lý người Áo (giải Nobel Vật lý năm 1933). Werner Heisenberg - nhà vật lý người Đức, đứng đầu chương trình vũ khí nguyên tử của Đức, giải Nobel Vật lý năm 1932 - đã làm phụ tá cho Niels Bohr trong một thời gian tại đây. Kết quả nghiên cứu của trường phái này đã đóng góp chủ yếu cho một trong các lý thuyết vật lý tiên tiến của thế kỷ 20: môn cơ học lượng tử.

Năm 1922 Niels Bohr được giải Nobel Vật lý cho việc làm tiên phong của mình.

Lúc đầu Bohr không quan tâm tới chính trị, nhưng sau khi Đức quốc xã lên nắm quyền ở Đức năm 1933 thì Bohr đã thay đổi thái độ, trong các năm tiếp theo Bohr đã giúp cho nhiều khoa học gia ra khỏi nước Đức. Sau khi Đan Mạch bị Đức chiếm đóng vào năm 1940, Bohr đã chọn ở lại quê hương vì cho rằng mình có thể làm điều có ích tại đây; nhưng tới tháng 9 năm 1943 có tin tình báo cho biết là Bohr sẽ bị bắt giải sang Đức, nên Bohr đã chạy sang Thụy Điển và đầu tháng 10 năm 1943 đi tiếp sang Anh. Tại đây Bohr dược cho biết các bí mật quanh Dự án Manhattan, nhằm chế tạo vũ khí nguyên tử, Bohr được yêu cầu tham gia dự án này và ngày 6 tháng 12 năm 1943 Bohr tới làm việc tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos, bang New Mexico, Hoa Kỳ (cùng với Robert Oppenheimer).

Sau Đệ nhị thế chiến Bohr trở thành người truyền bá say sưa việc sử dụng năng lượng nguyên tử cho mục đích hòa bình và việc giải tỏa căng thẳng giữa các quốc gia trong việc công khai hóa kiến thức về vũ khí nguyên tử mà nhiều nước đã thu lượm được.
Năm 1955, do tác động của Bohr, Đan Mạch đã lập trung tâm nghiên cứu ở Risø để nghiên cứu việc áp dụng năng lượng nguyên tử cho mục đích hòa bình.

Gia đình

Niels Bohr kết hôn với Margrethe Nørlund năm 1912. Họ có 6 con trai, trong đó 2 người chết trẻ, còn lại 4 người là Hans Henrik Bohr, Erik Bohr, Aage Niels Bohr (con thứ tư, giáo sư Đại học Copenhagen, giải Nobel Vật lý năm 1975) và Ernest Bohr.

Vinh dự

Ngoài giải Nobel Vật lý, Niels Bohr còn được các phần thưởng sau:
• Huân chương Hughes năm 1921 của Royal Society (Hội Khoa học Hoàng gia London)
• Huân chương Franklin năm 1926 của Viện Benjamin Franklin (Hoa Kỳ)
• Huân chương Faraday lectureship năm 1930 của Royal Society
• Huân chương Copley năm 1938 của Royal Society
• Giải nguyên tử vì mục đích hòa bình năm 1957 của Viện Ford (Hoa Kỳ)
Niels Bohr cũng là một trong 4 người không thuộc hoàng gia Đan Mạch được tặng thưởng Huân chương hiệp sĩ Con Voi (huân chương cao quí nhất của Đan Mạch) và cũng là một trong số rất hiếm người Đan Mạch được in hình trên tiền tệ (đồng 500 kr. Đan Mạch) và trên tem thư Đan Mạch.
Nguyên tố Bohrium (số nguyên tử 107) cũng được gọi theo tên Bohr.
Niels Bohr được an táng tại nghĩa trang Assistans ở Copenhagen.