Mấy năm trước, vào một buổi trưa cuối tuần khi ghé chơi khu thương mại Santana Row ở San Jose tôi tình cờ được coi một sô dạy nấu ăn do người phụ trách mục gia chánh của đài truyền hình địa phương NBC-BayArea biểu diễn giữa trung tâm thương mại. Hôm đó có đông khách đến xem, chờ đợi được nếm các món ăn. Món chính là thịt bò xào. Nhưng có một món phụ làm tôi chú ý và còn nhớ mãi là fruit salad, dịch nghĩa ra tiếng Việt thật khó vì không có trong văn hoá ẩm thực Việt Nam. Đại khái món này là nhiều thứ hoa quả cắt to chừng hơn đốt ngón tay trộn chung với dầu ăn - salad dressing. Trái cây có dưa hấu, dưa gang, dứa, đào, dâu đen đỏ, nho. Sau khi gọt, cắt các thứ cây trái xong, bỏ vào một tô lớn, rắc lên tí muối, rồi trộn với một loại dầu ăn, người đầu bếp tiết lộ cho khách đến xem là ông còn dùng một loại gia vị đặc biệt nêm vào để làm tăng thêm vị ngon. Đó là nước mắm. Nhưng ông cũng nhắc là chỉ bỏ tí xíu thôi. Bỏ nhiều lên mùi khó chịu lắm. Ăn thử fruit salad hôm đó tôi cũng thấy có vị ngon đặc biệt. Trước đây cũng có một đầu bếp gốc Việt đoạt giải nấu ăn quốc tế ở Mỹ, khi hỏi cách nêm gia vị, ông nói là nhờ có bỏ vào các món ăn chút xíu nước mắm. Thì ra nước mắm là bí quyết làm tăng hương vị cho nhiều món ăn. Đã quen ăn với loại gia vị này, nên trong gia đình tôi nấu các món ăn không phải món Việt cũng thêm chút nước mắm, từ spaghetti của Ý, súp cay chua của Tầu hay khi ướp các loại thịt để nướng BBQ hay xào. Văn hoá nước mắm theo tôi biết chỉ có ở hai quốc gia là Thái Lan và Việt Nam. Nổi tiếng có nước mắm Phú Quốc của ta. Nhưng ngày nay đang có chuyện cạnh tranh thương hiệu nước mắm này giữa các công ti sản xuất không chỉ trong nước và ngay cả giữa Việt Nam và Thái Lan. Trang mạng Hội Nước mắm Phú Quốc (www.nuocmamphuquoc.org) vào năm 2007 có đưa ra số liệu mỗi năm thế giới tiêu thụ gần 200 triệu lít nước mắm hiệu này, nhưng chỉ có khoảng từ 5 đến 8% là chính hiệu từ đảo Phú Quốc, còn lại là hàng dỏm. Không những dỏm ở trong nước mà trong thị trường Mỹ, nước mắm Phú Quốc cũng không phải hàng xịn, chẳng phải đặc sản Việt Nam. Ở Mỹ, những năm trước khi có hàng Việt nhập vào Hoa Kỳ thì các loại thức ăn quen miệng với người Việt hầu hết là hàng Thái, từ tôm cá, hoa quả cho đến nước mắm. Chai nước mắm hiệu con mực thân quen do Thái Lan sản xuất thường thấy trong bếp của gia đình Việt Nam từ ba chục năm qua. Khoảng mười năm trở lại đây, quan hệ thương mại Việt-Mỹ phát triển nên hàng Việt đã ào ạt vào thị trường Hoa Kỳ gồm hàng may mặc, hải sản và gia vị các loại. Gần đây, sau khi có thông tin về hàm lượng độc tố cao trong sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc được loan truyền, khi mua thực phẩm tôi đều để ý đến xuất xứ của mặt hàng. Nước mắm Phú Quốc, nước mắm Việt Hương là những mặt hàng đã quá quen thuộc trong sinh hoạt ăn uống của gia đình. Từ trước đến giờ tôi cứ đinh ninh đó là mặt hàng Việt. Nhưng tôi đã lầm. Cả hai loại nước mắm đóng chai này đều không phải là sản phẩm Việt. Bên ngoài chai “Nước mắm nhĩ Phú Quốc” có ghi rõ “Product of Thailand”, còn nước mắm Việt Hương hiệu ba con cua là “Product of Thailand, processed in Hong Kong” - sản phẩm Thái, chế biến tại Hồng Kông. Hôm qua vào một siêu thị Á đông nơi gia đình thường đi chợ, tôi cố tìm nhưng không thấy chai nước mắm nào sản xuất từ Việt Nam. “Nước mắm nguyên chất” là hàng Thái. “Nước mắm nhĩ thượng hạng, Vietnam Flavour” hiệu ba cua hai tôm cũng là sản phẩm Thái Lan luôn. Nghĩ mà buồn 5 phút.
|