Những tô phở nóng bốc khói thơm lừng được bưng ra để trên bàn... Buổi chiều có cơn mưa nhỏ làm cho đường phố ẩm ướt, không gian dường như đặc lại. Bước chân vào đến sân đã nghe thơm mùi phở. Mùi phở ngập không gian, căn phòng ấm áp hơn, gần gủi hơn với mùi rau quế, mùi hành. Mọi người cởi bỏ áo khoát, ngồi quanh chiếc bàn lớn. Một bà mở đầu: - ở quê tui, có mưa rắc hột như vầy đổ bánh xèo là hết ý. - Ừ, bánh xèo. Nhắc đến bánh xèo làm tui phát thèm. Một người bạn khác biểu đồng tình. Người Việt có nhiều món ăn, và mỗi món ăn gắn liền với một không gian và thời gian khác nhau. Không ai hiểu do cảnh mà sanh món ăn hay do món ăn hợp với cảnh và thành thói quen. Không ai làm bánh xèo vào mùa nóng. Thông thường bánh xèo vào khoảng những tháng mưa, khi đó mùa màng đã gặt rồi và có những cơn mưa và gió bấc thổi lành lạnh. Bánh xèo là một xa xỉ đối với người nông dân, ăn bánh xèo chỉ để dặm cho đời sống thêm hương hoa, vì cơm gạo là lương thực chính của đời sống, không ai hoang phí xay gạo thành bột để làm bánh xẻo ăn chơi, ăn trừ cơm. -Nói như ông vậy thì ăn phở cũng ăn chơi thôi à? -Chớ gì nữa mà hỏi. Có ai ăn phở trừ cơm? -Sao không có. Sáng phở, trưa phở và chiều cũng phở nốt. -Có mà ở phố ở chợ chớ ở làng quê ai mà ăn phở trừ cơm? Những tô phở nóng bốc khói thơm lừng được bưng ra để trên bàn, mỗi người một tô…nào hành trần, giá sống, ngò gai, rau quế đầy đủ. “Ngồi trong nhà ăn tô phở nóng thấy ấm bụng, họp mặt bạn bè thì thấy vui…nhưng ăn phở tại nhà mất đi hương vị của một tô phở.” Một ông có ý kiến. Ông khác hỏi liền “Sao vậy? Phở nào chẳng là phở” -Không có không khí của tiệm phở. -Nhiều chuyện! Phở xuất phát từ miền Bắc đi vào miền Trung và miền Nam thập niên 1950. Nhưng phải đợi đến khi có cuộc di cư vào miền Nam năm 1954 mang theo món phở và phở đã bắt đầu có những sự khác biệt. Nhưng chẳng có nguồn tài liệu nào xác định được nguồn gốc của Phở. Có nhiều ý kiến trái ngược nhau về nguồn gốc của phở. Có người nói rằng phở bắt nguồn từ món thịt hầm của Pháp (pot-au-feu, đọc như "pô tô phơ"). Nhưng có người cho đó là tư tưởng vọng ngoại, cái gì ngon cũng gắn cho nguồn gốc ngoại quốc. Người ta nói rằng phở có nhiều gia vị và rau thơm là nguồn gốc Việt Nam. Tuy nhiên, muốn nói gì thì nói, Phở là một món ăn có thể nói là truyền thống của Việt Nam, là một trong những món ăn tiêu biểu của ẩm thực Việt. Phở thường dùng làm món ăn điểm tâm. Khi phở “di cư” vào Nam Việt Nam, phở được ăn thêm với rau thơm, hành, giá sống, rau quế, ngò gai. Phở thường là phở bò, phở gà. Câu chuyện xoay quanh tô phở…nào tái nạm gầu gân sách, nước béo hành trần…v.v. Bỗng có hai anh cười cười với gương mặt bí mật làm cho các bà nhìn nhau dò hỏi. -Các ông có chuyện gì mà bí mật như vậy? -Đâu có chuyện gì đâu. -Anh ấy thèm phở! -Thì cứ ăn thoải mái. Còn nhiều mà. -Không, anh ấy muốn ăn…phở ngoài tiệm. Người bạn nói xong kèm theo tiếng cười ha hả. Những chị vợ nhìn nhau…một bà đập hai tay vào nhau…nhíu mày: -Thôi tôi biết rồi. Mấy ông này quá quắc lắm! -Chuyện gì vậy? -Mấy ổng nghĩ bậy đó. -Là sao? -Mấy cha già mắc dịch kháo với nhau như vầy: Vợ là “cơm” bồ là “phở” …khi thèm phở thì chán cơm đó mà. Bỗng có ông la toáng lên oai oái…”Tui làm gì mà bà nhéo tôi. Có còn là thanh niên nữa đâu….” Một cái liếc sắc như dao cau “Ông léng phéng thì chết với tui” Thì ra đàn ông thèm "phở" vì ít được ăn phở. Muốn ăn phở, nhất là phở đặc biệt, thì phải có tiền trong khi cơm ngày nào cũng được ăn và phải ăn. Cái khung cảnh cũng thêm phần hấp dẫn hơn vì đàn ông ăn cơm ở nhà trong không khí quen thuộc, dù có ấm áp riết cũng nhàm, còn dùng “phở” có trang trí lạ mắt, đôi khi đẹp mắt và có cả âm nhạc. Hơn nữa khi “no” thì rất khó ăn thêm cơm. Còn phở, no tới mấy cũng có thể làm thêm một tô nho nhỏ. Ăn phở xong có thể đứng dậy, đi hoặc ngồi, nằm một chút. Còn ăn “cơm” xong nhiều khi phải thu dọn và rửa chén. "Phở" thì không “quán” nào giống “quán” nào, thậm chí là không “tô” nào giống “tô” nào. Còn cơm thì có khi bao nhiêu năm vẫn thế, chỉ có nguội hơn mà thôi. "Phở" có thể ăn chung với bạn bè. "Cơm" thì phần lớn là ăn chung với... bà nấu cơm. Lúc ăn phở, có thể dễ dàng yêu cầu thêm tí hành, tí bánh hoặc thêm tí ớt cho mặn nồng. Còn cơm, có gì trên mâm ăn nấy, yêu sách lôi thôi còn bị mắng hoặc bị gắt gỏng "không ăn thì thôi". Phở tuy cùng một chỗ nhưng có thể ăn tái, chín, nạm, gân.. tùy “thực khách”. Cơm thì do người nấu cơm quyết định. Ăn “phở” có thể ăn... nợ. Còn nếu không đưa tiền lương, "cơm" sẽ dừng ngay. Bỏ tiệm "phở" này, có thể dễ dàng tìm tiệm khác. Còn bỏ "cơm" thì phức tạp vô cùng ....cho nên cái cảnh “Sáng đèo cơm đi ăn phở.Trưa hăm hở rước phở đi ăn cơm. Chiều cơm về nhà cơm, phở về nhà phở. Tối nằm với cơm, nghe thơm thơm mùi phở” đã và đang xảy ra khắp nơi. Thế cho nên có những câu thơ thời “hiện đại”, hoặc có thể kéo dài đến thời “hậu hiện đại” như vầy. “Vợ là địch, Bồ bịch là ta. Khi chiến sự xảy ra, Ta lui về với địch, Nằm trong lòng địch, Rục rịch ta nhớ ta.” Các bà mà nghe chuyện này thì các ông có thể “tán gia bại sản”, hy vọng ôm gối nằm “ga-ra” là cái chắc. Trở lại tô phở, từ ngày người Việt Nam đi tị nạn cộng sản đến ở nhiều nơi trên thế giới, tại các nước phương Tây đã có nhiều tiệm phở ở Mỹ, Pháp, Úc và Canada và thực khách là Mỹ, Mễ, Tàu, Phi, Nhật…v.v. Nói đến hương vị Phở Bắc, người ta không thể nào quên Nguyễn Tuân, Vũ Bằng từ vài thập niên trước…Tuy nhiên các ông nhà văn đó bây giờ mà ghé ngang qua San Jose chắc hẳn các ông sẽ có cái nhìn khác về phở. Phở ở Mỹ đã “nhập cảng” trở lại Việt Nam và chiếm được cảm tình của “dân bản xứ” Nhắc đến những món ăn mang tính truyền thống, hoặc tiêu biểu cho nền ẩm thực Việt, không thể không nhắc đến Hủ Tíu Mỹ Tho của đất Định Tường – được xem là món ăn ngon, ăn no bụng thay cơm và bây giờ có thể nói nó là một trong những món phổ biến, chu du khắp mọi nơi và ra cả nước ngoài! Hủ Tíu Mỹ Tho hiền hòa như đồng bằng sông Cửu, như trái Mận Mỹ Tho, trái dừa Bến Tre…nó không hăng hắc như phở. Hủ tíu Mỹ Tho gồm có sợi bánh bằng bột gạo, thịt heo và nước lèo. Cái hấp dẫn của hủ tíu Mỹ Tho tùy thuộc vào đó. Không thể nào có được một tô hủ tíu ngon lành khi mà sợi hủ tíu và thịt thì ngon mà nước lèo lại lạt phèo, lạt nhách được. Nước lèo hủ tíu phải ngọt thanh dìu dịu mà đậm đà, thịt mềm ngọt và thơm. Để có một tô hủ tíu Mỹ Tho ngon lành cần phải hội đủ các điều kiện: Hủ tíu và nước lèo. Người ta nói trước đây, bánh hủ tíu Mỹ Tho được làm từ gạo thơm Gò Cát, Mỹ Phong. Hủ tíu thường là bánh khô. Khi nấu, trụng qua nước sôi cho mềm sợi bánh hơi dai, hương thơm vị béo. Hủ tíu ngon hay không là tùy thuộc nước lèo. Thùng nước lèo chứng tỏ tài nghệ của người đầu bếp. Người cố cựu Mỹ Tho không thể quên Phánh Ký, Nam Sơn, Tuyền Ký…Mới đầu, hủ tíu Mỹ Tho chỉ có thịt và lòng heo thêm con tôm, có người thêm một miếng thịt heo quay. Sau này người ta cho thêm thịt cua, sườn, trứng cút. Hủ tíu Mỹ Tho nêm nếm bằng nước tương ăn với rau cần và giá sống. Các quán ăn Việt Nam ngày xưa thường treo bảng trước cửa hàng: Cơm, Phở, Hủ Tíu…vì đây là 3 món ăn chính của khách hàng. Người lỡ đường ăn cơm đường cháo chợ không thể thiếu Cơm, Phở hoặc Hủ Tíu. Thung lũng Silicon bao gồm 11 thành phố từ Gilroy cực nam, đến Palo Alto cực tây đến Milpitas cực bắc …đông nhất vẫn là San Jose thì không thể thiếu Cơm, Phở, Hủ Tíu. Người Việt xa quê nhớ nhà có thể tìm thấy hương vị quê hương ở các hàng quán Việt Nam. Người bản xứ biết đến Việt Nam cũng qua các món ăn mang nặng hương vị độc đáo của giòng giống Việt. Cơm Phở Hủ Tíu không thể giống bất cứ món ăn nào của các nước khác trên thế giới. Tiệm phở ngon đúng hương vị hợp gu mọi người có thể dễ tìm tại San Jose; nhưng, tìm một to hủ tíu Mỹ Tho đúng gout đúng điệu…thì hơi khó tìm ở San Jose. -Đến quán Phở Nguyễn trên Milpitas thử tô hủ tíu Mỹ Tho xem sao. -Quán phở? -Ừ, phở cũng độc chiêu mà hủ tíu thì số dách. Buổi trưa đến đó không có chỗ ngồi. Nhưng các ông Việt Nam thì…ví von Cơm với Phở ở một lãnh vực khác dễ “cháy nhà” quá đi thôi. Đúng là người Việt mình phong phú lắm… Tuy nhiên, cũng đừng quên…nhìn Cơm Phở ở một góc độ khác. Tỷ như: “Vợ là…"cơm nguội" của ta, Nhưng là…"phở tái" của cha láng giềng!!!” Cuộc đời con người có thể được phân định qua 4 giai đoạn: Sinh, Trụ, Hoại, Diệt…hoặc sinh, già, bịnh…chết. Khi chưa đậy nắp áo quan, người ta chưa thể định phận được ai. Nếu đã ví von “Vợ là cơm” thì: “ Ai ơi bưng bát cơm đầy, Dẻo thơm một hột, đắng cay muôn phần.”
|