Hoa quả |
Tác Giả: Saigon Echo sưu tầm | |||
Thứ Hai, 24 Tháng 11 Năm 2008 09:21 | |||
Quả xanh hóa chín chỉ sau 1 đêm HÀ NỘI 23/11 (TH) - “Chỉ vài lọ thuốc nhỏ pha lẫn với nước để nhúng quả xanh vào, sau một đêm những loại hoa quả từ xanh tươi sẽ biến thành chín vàng, chín đỏ rất bắt mắt...” Bản tin ký sự của báo Tiền Phong ngày Chủ Nhật 23 Tháng Mười Một 2008 cho biết. “Công nghệ” này đã tồn tại vài năm nay tại làng Thu Quế (Phùng, huyện Ðan Phượng) ngoại thành Hà Nội nhưng bây giờ mới được tiết lộ trên báo dù cơ quan thanh tra về thuốc bảo vệ thực vật của nhà nước CSVN đã biết. Phù phép Dù là chuyện không có gì mới lạ đối với dân buôn bán hoa quả nhưng lại mới đối với người tiêu thụ nếu không có ai cho biết. Rất nhiều loại thực phẩm tươi và trái cây tại Việt Nam đã được ướp với nhiều loại hóa chất độc hại vừa giữ cho tươi lâu, vừa bắt mắt bất chấp đến hệ quả lâu dài cho cơ thể con người. Phân bón được dùng để ướp cá, phóc-môn (thuốc ướp xác chết) được pha trộn trong bánh phở, bún, bánh cuốn, từng được nêu ra tại Việt Nam trước đây và nhiều phần hiện nay còn thấy rải rác tin tức trên báo chí. Phóng viên Tiền Phong đến điều tra tại làng Thu Quế kể chuyện như sau: “Lần theo con đường làng, chúng tôi ra cánh đồng trồng đu đủ của người dân thôn Thống Nhất, xã Song Phượng. Trong vai dân buôn chúng tôi thắc mắc về các loại đu đủ quá xanh nên không thể lấy hàng, lập tức một người cười khẩy: ‘Dân buôn mà không biết cách biến xanh thành chín thì nên vào làng tìm đến các quán bán thuốc bảo vệ thực vật mà hỏi rồi ra đây trả giá’. Thấy chúng tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, một người khác nhanh nhảu: ‘Trước đây người dân chúng tôi trồng đu đủ bán cho người tiêu dùng trong làng và phải chờ quả chín cây gần rụng mới hái hoặc hái sớm một vài ngày về dấm hương chờ chín mang ra chợ. Mấy năm nay thấy đu đủ ở đây quả to nên người ta kéo nhau về đây mua và còn đặt hàng nhiều, họ mua các loại quả xanh rồi về dùng một loại thuốc ngâm quả chín nhanh và tươi’. Tại làng Thu Quế có hơn một nửa người dân trồng và buôn bán đu đủ, chuối ra các chợ đầu mối rồi từ đây đưa vào nội thành. Mỗi ngày Thu Quế cung cấp cho thị trường hàng tấn hoa quả, nhiều gia đình là đầu mối tập trung hàng cho người bán buôn các nơi. Thấy chúng tôi chê quả xanh, chị M. cười: ‘Tất cả các hộ kinh doanh đu đủ, chuối ở đây đều sử dụng loại thuốc làm chín hoa quả. Sau khi thu mua về họ mang về nhúng vào một thùng nước đã pha sẵn thuốc, sau đó xếp gọn gàng lại và phủ nilon hoặc bì tải, sáng hôm sau là có đu đủ, chuối... chín vàng. Với công nghệ siêu nhanh đó người dân trong làng không dám ăn hoa quả chín bằng thuốc này và chỉ sản xuất để bán. Theo chị M., hoa quả sau khi ngâm qua loại thuốc này không chỉ màu tươi mà ngay cả cuống lúc nào cũng xanh tươi, hoa quả giữ được rất lâu. Thấy chúng tôi muốn ngỏ ý cần mua loại thuốc này, chị M. nhanh nhảu chỉ ra đầu làng, nơi các cửa hàng bán phân đạm, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) với giá ‘rẻ như bèo’: 800 đồng/lọ. Thấy khách lạ, ông chủ một cửa hàng chất vấn vài câu rồi vào mở tủ lấy ra một hộp giấy. Chúng tôi ngỏ ý lấy nhiều vì nhà ở xa. Ông chủ thành thật: ‘10 lọ giá 8,000 đồng sẽ dùng cho một tạ hoa quả, thuốc này đảm bảo chín nhanh, tươi, đều... và để được lâu’. Sau khi thanh toán tiền, ông chủ này cho công thức, một lọ thuốc pha với 2-3 lít nước, rồi cho quả vào ngâm hoặc quét lên phía ngoài của quả. Sau đó, dùng nilon hoặc bao tải phủ lên, sáng hôm sau hoa quả sẽ chín. Ông này cho biết, loại thuốc này có tác dụng với hầu hết các loại hoa quả: chuối, đu đủ, xoài, hồng... Tuy nhiên, ông cũng lưu ý khi sử dụng nhớ đeo găng tay cho an toàn. Cầm trên tay một hộp gồm 10 lọ có màu vẩn đục, bên ngoài bao bì có tên là Ethrel, do công ty hữu hạn hóa chất Phùng Xuân, Quảng Tây, Trung Quốc sản xuất. Trên bao bì cả ghi cả tiếng Trung Quốc, tiếng Việt sai lỗi chính tả với những ‘chiêu’ quảng cáo kiểu ‘thần dược’ cho hoa quả và cả rau xanh. Làm cho quả có màu sắc chín đẹp tự nhiên, dùng với đa dạng các loại quả táo, cam, quýt, đào, lê... Ðáng lưu ý, ngoài bao bì của thuốc có ghi rõ, loại thuốc này có thể thông qua lá cây hoặc vỏ cây ngấm vào thân thực vật... Mặc dù bao bì cũng ghi ‘ít độc’ nhưng lại lưu ý người dùng ‘chất này có thể ăn mòn kim loại, kích thích da và mắt, không tiếp xúc trực tiếp’. Có thể gây ngộ độc Mang 10 lọ thuốc trên xuống Cục Bảo Vệ Thực Vật, ông Trịnh Công Toản, chánh thanh tra Cục Bảo Vệ Thực Vật cho biết: ‘Loại thuốc này nằm ngoài danh mục các loại thuốc Bảo Vệ Thực Vật được sử dụng ở Việt Nam. Ðây là một trong những loại thuộc nhóm thuốc điều hòa sinh trưởng’. Theo ông Toản, 3-4 tháng trước đây, Cục Bảo Vệ Thực Vật đã mang loại thuốc này đi giám định nhưng không phân tích được, bởi là hàng nhập lậu, ngoài bao bì không có thành phần các hoạt chất được sử dụng nên không thể phân tích trong thuốc trên có những hoạt chất gì, ảnh hưởng ra sao tới sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài tác dụng làm quả chín nhanh thì loại thuốc trên còn khiến hoa quả có màu sắc đẹp, bắt mắt, vỏ trơn nhẵn. Về tác dụng này, ông Toản cho rằng, cần phải phân tích tìm hiểu thêm, còn đến thời điểm này cục đã mang đi giám định nhưng chưa giám định được. ‘Thời gian gần đây, thuốc điều hòa sinh trưởng nhập lậu từ Trung Quốc lại rộ lên ở khu vực Hà Nội, dù các chi cục địa phương đã kiểm tra gắt gao, đồng thời chúng tôi cũng phối hợp với PC36 Bộ Công An để điều tra trên địa bàn Hà Tây cũ (Hà Tây cũ thời gian đầu năm 2008 là 1 trong những điểm đầu mối về loại thuốc này) nhưng cũng không mang lại kết quả’, ông Toản cho biết. Cũng theo ông Toản, những loại thuốc điều hòa sinh trưởng và đặc biệt là thuốc Ethrel được vận chuyển lậu qua đường biên giới nên rất khó kiểm soát. Việc người dân Thu Quế sử dụng loại hóa chất kể trên để làm chín hoa quả đã từ khá lâu, khoảng 2-3 năm nay, cơ quan chức năng biết sự có mặt của loại thuốc này trên thị trường nhưng đến giờ vẫn không ai biết được tác dụng của nó ra sao đối với sức khỏe con người. Theo phân tích của một chuyên gia trong ngành Bảo Vệ Thực Vật, loại thuốc thúc chín hoa quả có thành phần chính là Ethrel. Hoạt chất này có trong danh mục thuốc điều hòa sinh trưởng nhưng chỉ được dùng để kích thích mủ cao su. Cũng theo chuyên gia này, hoạt chất Ethrel hay Ethenol đều có chung gốc là Etylen, một loại chất độc, hàm lượng cho phép sử dụng rất nhỏ. Ở nhiều nước trên thế giới, chất này đã bị cấm sử dụng trong việc chế biến, bảo quản trái cây. Nếu phun hoặc nhúng hoa quả vào chất này sẽ tạo ra dư lượng, dễ gây ngộ độc cho người ăn. Nguy hiểm hơn, Etylen tác dụng với thành phần Nitơrat trong quả sẽ tạo ra chất Etylenglycol dinitrat, một chất rất độc, hàm lượng cho phép là dưới 0.3mg/m3.”
|