Vũ Phương Anh - sao vẫn nặng những niềm riêng |
Tác Giả: Ngọc Lan/Người Việt | |||
Chúa Nhật, 01 Tháng 8 Năm 2010 01:10 | |||
Câu chuyện đời một nạn nhân ‘xuất khẩu lao động’ WESTMINSTER (NV) - “Cảm nghĩ của em cũng như của những người đã vượt thoát khỏi Việt Nam. Ðó là một cảm giác rất khó tả, vừa vui mừng, vừa hồi hộp, vừa lo lắng.” Ðó là cảm nhận của cô Vũ Phương Anh khi đặt những bước chân tị nạn đầu tiên đến Hoa Kỳ dưới sự giúp đỡ của Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển (BP.SOS). Cô Vũ Phương Anh, hình chụp trong những ngày còn tị nạn tại Thái Lan. (Hình: Vũ Phương Anh cung cấp) Những suy nghĩ đầu tiên Khoảng 10 ngày sau khi làm quen với cuộc sống ở Mỹ, Phương Anh, nạn nhân của chương trình “xuất khẩu lao động” vẫn còn cảm thấy “ngỡ ngàng, ngỡ ngàng vô cùng” với những tình cảm mà cô nhận được trên mảnh đất tự do này. “Ðầu tiên em chỉ nghĩ Hoa Kỳ là một nơi cho mình tự do, chứ không nghĩ chính phủ Hoa Kỳ, những người Việt hải ngoại, những tổ chức đã bảo trợ, giúp đỡ cho em rất tận tình, đến em không ngờ nổi luôn. Họ lo cho đủ mọi thứ.” Phương Anh kể, sau một chặng đường bay dài hơn 30 tiếng, khi xuống sân bay Mỹ, các anh chị ở tổ chức SOS và tổ chức IOM ra đón cô, và cho cô cảm giác “cứ như bước chân về nhà, vừa đến nhà đã có hàng xóm nghe thấy có người Việt đã ra đón ngoài cổng.” Tình cảm của những người xa xứ dành cho đồng hương mới đến đã khiến Phương Anh “không nói được câu nào hết, em nhớ em chỉ nói được câu ‘cám ơn’ và khóc không thôi.” Theo Phương Anh, phần đông hàng xóm nơi Phương Anh ở là “các bác H.O.” “Lúc đầu họ không biết em là ai, nhưng khi thấy các anh chị bên tổ chức SOS quay phim, nên họ hỏi. Ðến lúc biết em là nạn nhân Cộng Sản, các bác H.O. ở đó coi em như con gái luôn.” Những điều đó đã khiến Phương Anh nghĩ rằng có lẽ cô sẽ chẳng còn mong muốn dọn đi đâu nữa, bởi “bước chân đầu tiên của em đến đất nước Hoa Kỳ mà em đã nhận được những tình cảm như vậy thì làm sao mà quên được. Em chỉ biết nói cám ơn và sẽ cố gắng sống sao cho tốt với những tình cảm mà mọi người đã dành cho em.” Hành trình “lao động xuất khẩu” Phương Anh cho biết, cô xuất thân trong gia đình “không có được may mắn như mọi người.” Nhà ở Lào Cai, bố mất sớm, mẹ bị tim, chị gái sang Trung Quốc tìm việc rồi mất tích, bản thân Phương Anh cũng chỉ được học hết lớp 5, và bắt đầu lao vào cuộc bươn chải mưu sinh kiếm tiền phụ mẹ từ năm 12 tuổi. “Do nhà ở mạn Lào Cai nên em theo chủ hàng đi lấy bia, vải rồi xách hàng thuê cho người ta bỏ xuống thuyền và đẩy qua sông cho họ. Xong, họ cho tiền, khi 10 ngàn, khi 15 ngàn, nhiều nhất là 20 ngàn.” Phương Anh nhớ lại những năm tháng tuổi thơ lăn lộn kiếm tiền. Theo người ta buôn gỗ, buôn gạo, buôn hàng may, rồi đi may giày, rồi đi bán quần áo... “Bao nhiêu các tỉnh miền Bắc em đã đi qua gần hết rồi, đi làm hết để kiếm thêm tiền thuốc trị bệnh tim cho mẹ.” Cô kể tiếp. Ðến năm 2008, ở xã cho biết có chương trình đi “xuất khẩu lao động” sang may giày ở Jordan dành cho người thuộc diện “xóa đói giảm nghèo,” Phương Anh cũng như nhiều cô gái khác ở quê mình cũng cầm cố nhà cửa, ruộng vườn để vay ngân hàng số tiền gần 30 triệu đồng đóng thế chân để mong kiếm được một công việc sáng sủa hơn. Lời hứa hẹn “mức lương $220/tháng, nếu không nghỉ ngày nào thì sẽ nhận thêm $20 tiền chuyên cần, $20 tiền trợ cấp xa nhà, thêm tiền này tiền kia cũng sẽ vào khoảng $280 đến $300/tháng, với thời gian 8 tiếng/ngày” quả là một số tiền mơ ước cho những người nghèo như Phương Anh. Thế nhưng khi đặt chân lên xứ người, thì mọi việc đã trở nên tồi tệ hơn rất nhiều so với tất cả những gì được vẽ lên trong đầu cô, từ chuyện tiếp đón đến nơi ăn chốn ở, thiếu thốn tất cả mọi thứ. “Họ thu hết tất cả hộ chiếu, giấy tờ, và yêu cầu mọi người bắt tay vào làm việc ngay.” Có điều, Phương Anh cũng như tất cả những công nhân khác không phải làm 8 tiếng mỗi ngày như lời nói lúc còn ở Việt Nam, mà mọi người phải làm việc mười mấy tiếng. Tuy nhiên, ai cũng cảm thấy rất vui, vì nghĩ rằng mình sẽ kiếm thêm nhiều tiền. Cô kể, “Không ngờ sau 10 làm việc, em chỉ lãnh được $10 với lý do em mới sang, và trong thời gian thử việc. Ðiều này, trước đó không ai nói cả.” Hỏi ra, những bạn bè khác cũng đều lãnh những mức lương vô lý như Phương Anh. Cô nhớ lại, “Sau buổi tối hôm đó, tụi em cảm thấy bực tức, buồn bã, chán nản, và thất vọng vô cùng.” Sau khi gọi về Việt Nam hỏi cơ quan chủ quản đưa người đi lao động và nhận được những lời giải thích không thỏa đáng, “tụi em, hơn 270 công nhân, quyết định đình công yêu cầu điều chỉnh mức lương.” Ðỉnh điểm của cuộc đình công đó, các nữ công nhân Việt Nam đã bị cảnh sát Jordan đàn áp một cách dã man bằng dùi cui, Phương Anh đã dùng điện thoại di động của mình để quay lại hình ảnh đẫm máu đó. Phương Anh lại gọi về Việt Nam cầu cứu với nơi đã đưa những người như Phương Anh đi lao động, những họ chỉ bảo “hãy cứ đi làm và tắt máy.” Thế nhưng khi phái đoàn đại diện phía Việt Nam sang Jordan, các công nhân cũng không nhận được bất kỳ sự trợ giúp gì. Cuối cùng, theo yêu cầu, các nữ công nhân trở về nước. Riêng Phương Anh đã trốn ở lại với sự giúp đỡ của tổ chức SOS bởi những lời hăm dọa: “Phương Anh sẽ bị bắt khi đặt chân xuống sân bay Việt Nam vì Phương Anh đã đứng lên vận động cuộc đình công này; tiếp tay cho bọn phi chính phủ, phá hoại tài sản công ty, đình công bất hợp pháp...” Hành trình đến bến tự do Trong thời gian ở lại Thái Lan, từ ngày 28 tháng 3 năm 1008, Phương Anh đã nhiều lần nhận được những cú điện thoại hăm dọa của những người xưng là đại diện cho phía nhà nước Việt Nam. “Họ mang cả gia đình, nhất là mẹ Phương Anh ra làm áp lực buộc Phương Anh trở về.” Phương Anh tâm sự, “Khi sang đến đây em cảm thấy mình rất may mắn, và cảm thấy đau lòng khi nghĩ đến cảnh mẹ và những người thân còn kẹt lại. Em ước gì có phép màu nào để cả gia đình em được đoàn tụ ở đây thì em không còn ước mong gì hơn. Nhưng đó chỉ là ước mơ.” Có lẽ, nhiều người Việt hải ngoại biết đến Phương Anh là biết đến một cô gái, nạn nhân của cái gọi là “xuất khẩu lao động” của nhà nước Việt Nam, người đã mạnh dạn lên tiếng tố cáo sự vô trách nhiệm của nhà nước đối với công dân của mình, như một kiểu “mang con bỏ chợ.” Nhưng, ít ai biết đến những nỗi riêng tư mà cô gái ấy phải đánh đổi cho sự lên tiếng của mình. Ngày Phương Anh đi “xuất khẩu lao động,” cô để lại nhà người mẹ mang bệnh tim, đứa con gái lên 3 và 2 đứa con nuôi do chị cô mất tích, để lại. Trong thời gian trốn lại ở Thái Lan chờ tổ chức BPSOS giúp sang Mỹ định cư, Phương Anh nhận được tin con gái 3 tuổi của mình “bị điện giật chết.” “Ðó là ngày 1 tháng 8 năm 2008.” Người mẹ trẻ nghẹn ngào. “Khi nghe tin, em không còn biết gì nữa hết. Em đã định chạy đường bộ trở về, nhưng bị mọi người chặn lại, sợ nguy hiểm cho chính em.” Trong cơn tuyệt vọng, Phương Anh đã dùng đến thuốc ngủ để mong tìm cái chết. Tuy nhiên, người hàng xóm đã kịp thời cứu cô. “Cảm xúc Phương Anh như thế nào trong khoảng thời gian đó?” Tôi hỏi. Cô nhỏ giọng, “Là người theo đạo Công Giáo, em chỉ tin vào Chúa. Khi đó em chỉ biết cầu nguyện và nghĩ Chúa cho điều gì thì mình nhận, Chúa lấy đi cái gì mình cũng xin vâng. Chỉ biết như vậy thôi.” Sau hơn một tuần vật vã, lúc tỉnh lại, cô lại nghĩ đến mẹ, đến hai đứa con nuôi, “nếu bây giờ mình chết đi thì mẹ mình sao đây, rồi 2 đứa con còn lại sao đây, mà mình chết đi thì coi như mình đầu hàng bọn Cộng Sản rồi. Do đó em lại nghĩ mình cần phải sống để cất lên tiếng nói tố cáo.” Nghĩ vậy, và Phương Anh gắng gượng khuyên mình cần phải sống. “Ðau lắm chị, điều đó sẽ ray rứt em cả cuộc đời. Chuyện tình cảm đã gãy đổ. Mình chỉ còn lại có đứa con. Nhưng vì cái khó, cái nghèo, mình mới phải để con lại đi làm kiếm tiền, để rồi con phải chết tức tưởi như vậy. Cả đời em sẽ không quên.” Người mẹ mất con thổn thức. Tôi hỏi tiếp, “Biết Phương Anh sang Mỹ, mẹ có vui không?” Giọng cô gái chùng xuống, “Mẹ em là người dân tộc, nên chẳng vui gì khi em xa quê. Suy nghĩ của một người phụ nữ dân tộc không giống đa số người Kinh đâu. Lại thêm mẹ em được người ta nói cho biết rằng, ‘Con bà là người theo bọn phi chính phủ, phản động’ thì sao mà vui được hả chị?” Ôm ấp nỗi niềm làm “đứa con bất hiếu, mẹ ốm đau bệnh tật mà con không có bên cạnh để chăm sóc, lại để lại tất cả mọi công việc nhà cho mẹ gánh vác,” Phương Anh, sau giọng nói mạnh mẽ tố cáo những gì mà “bọn Cộng Sản đã gây ra” đã bật khóc khi nói về gia đình. Có điều, cô gái đang được nhiều người biết đến trên các diễn đàn đấu tranh vì quyền lợi của người công nhân làm việc trên xứ người đó, lại đang mang nặng thêm nỗi đau của người mẹ không được con cái cảm thông. “Em còn hai đứa con nuôi, một đứa 18 tuổi, một đứa 16 tuổi. Có người nói với nó là mẹ nó là ‘phản động,’ nên nó rất giận em. Em nói mãi nhưng nó vẫn không chịu hiểu, nó chuyển vào trường ở vùng sâu vùng xa đi học. Nó giận em nhiều lắm. Nó nói, “Con không muốn nói chuyện với mẹ nữa, mẹ đừng gọi cho con. Mẹ đã làm cho con xấu hổ, con thất vọng về mẹ.” Phương Anh nói bằng giọng thảng thốt: “Em có tội gì để con mình nói với mình như thế chứ?” Sau những khoảnh khắc bộc bạch nỗi lòng, Phương Anh cho biết, “Ai cũng bảo em đang ở thiên đường, nhưng thực lòng em vẫn chưa bao giờ vui, khi nghĩ về cảnh nhà của mình. Với Phương Anh, khi nào mẹ mình còn bên đó, khi nào con mình còn bên đó, và bao nhiêu bạn bè mình còn bên đó, sống dưới sự kềm kẹp đó thì lòng Phương Anh vẫn mãi không thanh thản.”
|