Thương người phụ nữ Việt Nam |
Tác Giả: Thành Tâm/Người Việt | |||||||
Chúa Nhật, 15 Tháng 8 Năm 2010 20:35 | |||||||
Không thương sao được khi mà mới đây, tháng 7, 2010, cô dâu Thạch Thị Hồng Ngọc, 20 tuổi, vừa trở về quê nhà Việt Nam từ đất nước Ðại Hàn bằng nắm tro tàn trong chiếc bình lạnh lẽo trong tay cha cô. Lý do của cái chết này là cô bị ông chồng lớn hơn cô mấy chục tuổi đâm chết sau đúng “một tuần trăng mật,” chân ướt chân ráo về làm dâu xứ kim chi. Nguyên nhân vụ thảm sát này là ông chồng cô bị bệnh tâm thần!
Nhớ lại, năm 2007, cô dâu Huỳnh Mai 21 tuổi cũng đã bị ông chồng người xứ củ sâm giết chết. Cô này may mắn hơn cô Hồng Ngọc vì thời gian “chồng vợ” giữa hai người kéo dài đến hai tháng. Cái chết của Huỳnh Mai làm nhiều người căm phẫn vì cô bị ông chồng đánh gãy đến mười tám cái xương sườn. Trong cơn hấp hối, cô viết niềm ao ước cuối cùng: “Em muốn về lại Việt Nam...” Nhưng Huỳnh Mai, nếu còn sống, được về lại Việt Nam, sẽ để làm gì? Ba mươi lăm năm trôi qua rồi, kể từ khi đất nước không còn chiến tranh nhưng thân phận người phụ nữ trên đất nước Việt Nam vẫn còn “nhiều nỗi truân chuyên.” Từ sau năm 1975, chính quyền VN tuyên bố sẽ làm tiếp cuộc cách mạng mới lật đổ thói xem trọng bằng cấp, bất công xã hội, nhất là thói “trọng nam khinh nữ.” Với phương châm đó, chính quyền VN đã ra sức tạo lập một đất nước đặc biệt đề cao vai trò người phụ nữ ngang bằng với nam giới bằng một hội Liên Hợp Phụ Nữ Việt Nam với chân rết từ trung ương đến tỉnh, huyện, xã... Tiếc rằng, tổ chức hội là thế nhưng thực chất hoạt động thì khá “hạn chế,” chỉ thấy cứ 5 năm lại tổ chức một kỳ đại hội (từ cấp huyện, cấp tỉnh đến cấp trung ương) rình rang, hoành tráng để bầu ban chấp hành mới, bầu ra chủ tịch và phó chủ tịch mới. Các vị này quán xuyến công việc hội viên ra sao mà các cô dâu Việt trên xứ Hàn, xứ Ðài (Ðài Loan) cứ bị đánh đập, nhục nhã hơn là bị làm vợ cho cả nhà, thê thảm nhất là bị chết một cách oan uổng? Người ta ham tiền mới rời xa đất Tổ, bán tấm thân thiếu nữ nghèo nàn của mình vào tay quỷ dữ. Thế mà sau một vài sự cố hết sức thương tâm ấy, vẫn cứ thấy sự cố đau lòng đến không còn nước mắt diễn ra. Những dịp ấy, hội phụ nữ cũng đã có một vài lời động viên, chia buồn cùng kiến nghị lên trên. Có thể vì chuyện này liên quan đến luật pháp, đến môi trường hôn nhân quốc tế đã ký kết, và vì quá xa tầm tay của hội? Ðọc báo, nghe đài phát thanh, xem đài truyền hình, vài hôm thấy bắt được nhóm tội phạm bắt cóc phụ nữ bán sang Trung Quốc làm gái. Tối ngày 22 tháng 7, 2010, công an Hà Nội bắt giữ tám tên tội phạm (từ 14 đến 19 tuổi) bắt nạn nhân nữ đánh đập, cưỡng hiếp, cưỡng đoạt xe gắn máy của nạn nhân. Chúng không từ bỏ thủ đoạn bán nạn nhân vào “động” làm gái mại dâm. Bọn này vừa bị khởi tố ra tòa. Ðó là một trong khá nhiều vụ các thiếu nữ ngây thơ ham tiền bị “bọn xấu” đưa vào quán karaoke, quán bia ôm, làm gái mà báo chí trong nước đã đưa tin. Ai mua dâm? Ðâu chỉ có dân thường, người mua dâm nhiều có lẽ là những quan chức lắm tiền nhiều của. Việc này được người trong các cơ quan nói đùa với nhau khi trà dư tửu hậu: “Kính thưa các anh chưa bị lộ.” Mới đây thôi, đã có một anh “bị lộ.” Ðó là chủ tịch tỉnh Hà Giang, ông Nguyễn Trường Tô. Ông Tô đã được Hiệu Trưởng Trường Phổ Thông Trung Học Việt Vinh (Vị Xuyên, Hà Giang) Sầm Ðức Xương “cung cấp” một vài nữ sinh của mình sau khi ông Xương đã thỏa mãn trò trăng hoa với các em. Các nữ sinh ngây thơ, tuổi từ 13 đến 17 này còn bị ông Xương “cung cấp” cho một số “chiến hữu” khác của ông. Ông Tô đã bị kỷ luật...
Rồi, một số các cô gái đi làm ở cơ quan chí ít cũng phải biết uống rượu. Các cơ quan thường tổ chức hội hè, tiếp khách. Những lần tiếp khách, nhất định phải có “nữ” cho vui. Cán bộ thường nói đùa với nhau: “Ăn cơm có thịt có thà. Nhậu nhẹt phải có đàn bà mới sung.” Và các cô gái xinh xinh không uống được rượu cũng phải uống vì khách ép, vì chủ ép. Không uống thì mếch lòng khách, cơ quan sẽ gặp khó sẽ phê bình, hạ điểm thi đua... Riêng nạn “bạo hành trong gia đình” đến nay vẫn luôn là nỗi đau nhức của một số chị em phụ nữ. Vấn nạn “chồng chúa vợ tôi” vẫn còn sống dai. Ðã có cảnh trạng chồng đánh vợ. Thảm cảnh gia đình đã xảy ra: Phan Minh Mẫn (20 tuổi, sinh viên Trường Cao Ðẳng Kinh Tế Nghiệp Vụ Phú Lâm, Sài Gòn) đã chích điện cha mình đến chết vào chiều 9 tháng 11, 2009. Nguyên nhân là do cha Mẫn thường xuyên đập phá đồ đạc trong nhà, chửi mắng và đánh đập mẹ cậu những khi ông nhậu say về. Ngày 22 tháng 7, 2010, tòa án đã xét xử và tuyên phạt Mẫn án tử hình! Tại sao thảm cảnh gia đình như thế cứ tiếp diễn? Vì, ở thành thị những khi bị chồng nhậu say đánh đập, gọi cảnh sát phường, khóm, chẳng ai đến do ngoài giờ làm việc, lực lượng mỏng... Còn gọi Cảnh Sát 113 thì được hỏi vặn: “Có chết người chưa?” Phải chăng vì chưa gây án thì không thể bắt tội phạm? Cho nên một số các bà vợ xấu số cứ bị chồng nhậu say dở thói vũ phu. Hành vi của các ông chồng này đã được Bộ Luật Hình Sự Việt Nam khép vào tội danh “bạo hành gia đình,” xử án hình sự. Nhưng ai sẽ là người ngăn chặn tích cực hành vi này của các ông chồng không còn nhân tính, để mọi sự không muộn với người phụ nữ, với gia đình ấy? Và ai sẽ giúp những cậu Mẫn không phải là “tội nhân”? Các tấm bảng, biểu ngữ tuyên truyền chống bạo hành gia đình, cổ võ tôn trọng nhân phẩm phụ nữ, bình quyền, dựng ở rất nhiều nơi đông người qua lại trên cả nước, dường như chẳng có bao nhiêu tác dụng. Thành Tâm/Người Việt
|