Home Đời Sống Gia Đình Đánh Vợ Hay Bị Vợ Đánh

Đánh Vợ Hay Bị Vợ Đánh PDF Print E-mail
Tác Giả: Vương Ngọc Hà và Bà Xã:   
Thứ Tư, 05 Tháng 1 Năm 2011 14:26

Ngạn ngữ Tây Phương có câu không nên đánh người đàn bà dầu bằng cánh hoa, nhưng khổ nổi ở cái cõi đời ô trọc này có những kẻ vì giận mất khôn, nên đã đánh vợ không bằng cánh hoa mà đánh bằng bình đựng hoa.

( Viết để vinh danh những người Vợ không đánh Chồng và những người Chồng không đánh Vợ.)

Ngạn ngữ Tây Phương có câu không nên đánh người đàn bà dầu bằng cánh hoa, nhưng khổ nổi ở cái cõi đời ô trọc này có những kẻ vì giận mất khôn, nên đã đánh vợ không bằng cánh hoa mà đánh bằng bình đựng hoa.

Từ đông sang tây và từ tây sang đông, người đàn bà vốn được xem là phái yếu nên trong chuyện cơm không lành canh không ngọt, nếu vợ chồng phải gấu ó và gầm gừ lẫn nhau thì pháp luật và thói đời thường tỏ ra bênh vực và thiên vị người đàn bà; nhưng không phải vì thế và được thể mà nhiều bà lên mặt ăn hiếp chồng. Có nhiều bà vợ lúc nào cũng nhường nhịn chồng đúng mực thước như lời mẹ dặn khi mình thụt thịt nước mắt bước lên xe bông đi làm dâu nhà người:

Chồng giận thì vợ bớt lời
Cơm sôi bớt lửa chẳng rơi hột nào

cho dầu gặp phải những ông chồng rất là hư đốn tệ mạt đáng đánh đòn:

Chồng em nó chẳng ra gì
Tổ tôm xóc đĩa nó thì chơi hoang
Nói ra xấu thiếp hổ chàng
Nó giận, nó phá, tang hoang cửa nhà

Những cặp vợ chồng cãi nhau hằng ngày như cơm bũa là những cặp vợ chồng bệnh hoạn. Những cặp vợ chồng không bao giờ cãi nhau là những cặp vợ chồng bất thường. Hôn nhân không phải là đia ngục mà cũng chẳng phải là thiên đường. Em ơi lâu đài tình ái đó chắc không có trên trần gian và thật thế hôn nhân nó ở trần gian nên chuyện vợ chồng cằn nhằn cẳn nhẳn chút đỉnh là chuyện thường mà nhiều khi nhờ đó mà hạnh phúc lứa đôi được thêm mặn nồng.

Chuyện chồng đánh vợ là chuyện khi nói ra ai cũng tin là có thật. Còn chuyện vợ đánh chồng là chuyện mà khi nói ra nhiều người coi là chuyện diễu, chỉ có trong hí hoạ với hình ảnh một bà cầm chổi chà hay cái chày cán bột rượt ông chồng chạy té khói. Người ta gọi người chồng đánh vợ là tên vũ phu, nhưng nạn nhân khi bị đánh thì la làng lên và gọi cái tên vũ phu đó là thằng mất dạy, là đứa vô giáo dục…. và vô số danh từ không có trong tự điển ở trường học nhưng mang tính cách mạ lỵ thậm từ đã được xử dụng thông suốt, rành mạch và lai láng.

Vũ phu là người đánh vợ nhưng không vì thế mà ngược lại người ta gọi người phụ nữ hay người vợ đánh chồng là vũ nữ hay vũ thê. Người ta dùng điển tích Sư Tử Hà Ðông để gọi các bà hung dữ. Còn những ông nạn nhân bị vợ đánh thì gọi bà vợ là bà chằng lửa hay là…. nín thinh luôn cho chắc ăn và yên thân. Một sự nhịn chín sự lành. Lành đây có nghĩa là lành lặn tứ chi tức đầu mình và chân tay và lành còn có nghĩa là chén bát, đồ cổ, Tivi, máy hát, computer, bộ cờ tướng bằng ngà…. còn nguyên xi không bị bể vụn.

NHẮC CHUYỆN NGÀY XƯA

Ngày xưa người chồng được coi là chủ tể gia đình mà vợ và con cái phải nhất tề tuân theo lệnh của chủ tể. Ðàn bà con gái chỉ quanh quẩn trong gia đình, khi vào canh cửi khi ra thêu thùa đảm nhận công việc bếp núc sao cho được khen là công dung ngôn hạnh. Ngoài xã hội, vai trò người đàn bà thật là yếu kém, ngay cả vấn đề hành nghề cũng phải xin phép chồng. Trong nhiều lãnh vực, năng lực pháp lý người đàn bà bị đồng hoá với năng lực pháp lý trẻ vị thành niên. Khi còn ở nhà thì phải tuân lệnh cha và khi lên xe hoa về nhà chồng thì tuân lệnh chồng. Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu là thế đó.

Trong cái xã hội phong kiến xa xưa, việc chồng đánh vợ được xem như là thường tình và không phải chỉ thấy ở xã hội Á Ðông hay Châu phi hoặc Ả Rập mà chính ngay tại Anh Quốc người ta cũng có luật đánh vợ.

Vào những năm đầu thế kỷ 19 tại Anh người ta vẫn còn duy trì luật Rule of thumb cho phép chồng có thể đánh vợ bằng roi miễn sao đường kính cái roi không được lớn hơn ngón tay cái. Có quan điểm quả quyết rằng Rule of Thumb phải được giải nghĩa là người chồng có thể đánh vợ bằng bất cứ vật gì miễn sao không được lớn hơn ngón tay cái. Tại Hoa Kỳ cũng vào thời điểm đó người chồng đánh vợ không bị luật pháp trừng trị.

Vào thế kỷ 16 tại Nga người chồng có quyền đánh vợ nhưng luật pháp ngăn cấm việc đấm vào mặt vì lo ngại người vợ có thể bị mù hay bị điếc và như thế sẽ bị mất ngày công lao động của xã hội.

Tại Phi Châu và Romania người chồng không đánh vợ bị xã hội xem là thằng đàn ông bất lực và yếu đuối.

Ở Á Ðông ngày xưa người ta đánh vợ vì cái quan niệm khinh rẽ nữ giới: Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô.

NÓI CHUYỆN NGÀY NAY

Với thời gian, dần dà người đàn bà đã được giải phóng và pháp luật cũng như hiến pháp của nhiều quốc gia trên thế giới đã qui định việc nam nữ bình quyền và nghiêm trị việc chồng đánh vợ. Ðiển hình như ở Kenya người ta đánh vợ là chuyện bình thường nhưng luật pháp nay đã bảo vệ người đàn bà tối đa: người chồng Kenya bạt tai vợ có thể bị xử phạt từ 1 năm đến 5 năm tù theo Bộ Hình Luật Kenya.

Tuy thế nạn đánh vợ vẫn tồn tại ở nhiều quốc gia.

Romania là xứ nổi tiếng về đánh vợ và có những ông chồng đã quan niệm đánh vợ không những là thú tiêu khiển mà còn là trò chơi thể thao dân tộc.

Năm 1997 một Hội Nghị của Liên Minh Âu Châu đã kêu gọi chấm dứt ngay cái nạn bạo lực trong gia đình. Hội Nghị cho biết là chỉ riêng trong quí một của năm 1997, có 100 phụ nữ Romania đã bị đánh chết và 600 phụ nữ khác bị chồng dùng sức mạnh để cưỡng hiếp.

Tại Hoa Kỳ, theo Giám Ðốc Pace University Battered Women’s Justice Center cho biết cứ 16 giây có một người đàn bà bị đánh và cứ 6 giờ thì trong các vụ bạo lực gấu ó ở gia đình có một người đàn bà bị giết và cứ trong ba gia đình thì một gia đình có người vợ bị xử tệ. Nạn nhân của những vụ đả thương trong gia đình là người vợ, và người vợ có ẩu đả với chồng là vì lý do tự vệ hay bị khiêu khích. Tài liệu phổ biến này đã được dùng để huấn luyện các luật sư chuyên về biện hộ cho các bà bị chồng đánh.

Tại Gia Nã Ðại, có những cáo thị nơi công cộng ghi bằng tiếng Việt Nam rằng đánh vợ là một tội phạm hình sự như để nhắn nhủ và răng đe những tay vũ phu biết đọc Việt ngữ là hãy coi chừng, đàn bà vốn là của quí trên đời, không được mạnh tay mạnh chân. Có thể đây là tiếng vang về lãnh thổ tính của Hình luật Gia Nã Ðại trong những vụ án mà bị can là di dân đã dẫn nại phong tục cho phép đánh vợ ở quê nhà.

Trên đài truyền thanh và truyền hình và trên báo chí người ta vẫn lớn tiếng bênh vực người đàn bà và mọi chuyện gấu ó gầm gừ trong gia đạo trăm sự đều đổ lên đầu người chồng. Ngược lại, theo thống kê gần đây, căn cứ trên những biên bản cảnh sát và nhà thương thì người ta ghi nhận được rằng con số các mụ vợ đánh chồng bằng hay hơn số những tay vũ phu đánh vợ và các mụ đánh chồng chẳng phải vì lý do tự vệ hay bị khiêu khích gì hết.

Theo thống kê của American Psychological Association (Vol.57, No 263-268) thì:

*Trong vòng 12 tháng sau khi kết hôn:

20.7% bà vợ bợp tai chồng so với 7.7% chồng bợp tai vợ.

12.6% bà vợ đá, đánh thúc cùi chỏ vào chồng so với 3.4% các ông chồng xử tệ với vợ bằng biện pháp tay chân như thế.

*Trong vòng 18 tháng sau khi kết hôn:

15.8% bà vợ bợp tai chồng so với 6.2% chồng bợp tai vợ

10.8 bà vợ đá, đánh thúc cùi chỏ vào chồng so với 3.9% các ông chồng xử tệ với vợ bằng những biện pháp tay chân như thế.

*Trong vòng 30 tháng sau khi kết hôn:

10.7% bà vợ bợp tai chồng so với 5.7% chồng bợp tai vợ

7.6% bà vợ đá, đánh và thúc cùi chỏ vào chồng so với 2.7% các ông chồng xử tệ với vợ bằng biện pháp tay chân như thế.

Thống kê cho thấy tỉ lệ đánh chồng và đánh vợ giảm lần đi theo thời gian chung sống có lẽ các người phối ngẫu thấy rằng biện pháp vũ lực không thể giải quyết được những xung khắc hoặc là vì đấm đá nhau mãi rồi cũng chán và mỏi tay mỏi chân. Ai bảo rằng hôn nhân không phải là mồ chôn tình yêu?

Nghiên cứu còn cho thấy rằng tỉ lệ đàn bà da đen giết chồng, đánh chồng cao hơn những đàn bà sắc da khác.

Khổ một nỗi là người ta tin rằng chỉ có chuyện chồng đánh vợ còn chuyện vợ đánh chồng là chuyện hài hước mà thôi.

Ðại Hội Tin Lành Baptist trong quí 2 năm 1998 đã gởi đến các bà vợ lời khuyên răng Người vợ nên phục tùng chồng một cách nhã nhặn và tuân theo sự hướng dẫn của chồng. Lời khuyên này đã được ghi trong phần giáo điều nói về hôn nhân trong gia đình. Phải chăng trước cơ nguy của nạn vợ đánh chồng càng ngày càng gia tăng nên Ðại Hội Baptist đã phải lên tiếng như vậy?

HÌNH PHẠT XƯA VÀ NAY

Ngày xưa người vợ đánh chồng thường bị phong tục tập quán và luật lệ trừng phạt bằng cách bêu xấu trong xóm làng. Người đàn bà đánh chồng thường được cho mặc quần áo với những màu kỳ quặc không giống ai và phải cưỡi một con lừa ở thế ngồi ngược rồi bị dẫn đi quanh làng để cho mọi người xem và cũng là để bêu xấu. Cần nói rõ thêm về việc cưỡi lừa ở thế ngồi ngược nghĩa là mặt sẽ nhìn thấy cái đuôi lừa và dĩ nhiên thỉnh thoảng cũng phải ngửi mùi khó chịu khi chú lừa này đại tiện hay tiểu tiện hoặc vừa đại tiện và tiểu tiện, đó là chưa kể trường hợp trung tiện.

Ngày nay sự kiện chồng đánh vợ hay vợ đánh chồng là căn bản pháp lý cho các vụ ly dị hay ly thân. Người ta cho rằng việc chặt đôi một gia đình bất hạnh sẽ có đến hai gia đình hạnh phúc. Ngoài ra đánh vợ hay đánh chồng còn bị luật hình trừng trị dưới tội danh đả thương, nhưng thực tế trong thủ tục đã có sự khác biệt tuỳ theo nạn nhân là chồng hay vợ.

Ðiều gì sẽ xảy ra khi nạn nhân nhắc điện thoại gọi 911?

Nếu nạn nhân là người vợ đã bị chồng đánh mà gọi 911 và sau đó cảnh sát đến thì có hai trường hợp xảy ra:

Không có dấu hiệu nghiêm trọng thì cảnh sát sau khi lập biên bản sẽ đem người chồng đi với lý do để vợ chồng nguôi cơn giận và sau đó có thể hoà giải. Người chồng đi đâu? Nếu có tiền thì cảnh sát đưa đến khách sạn để ở qua đêm hay là không tiền đến nhà bạn bè tá túc hoặc về bót cảnh sát mà ngủ.

Trường hợp có lỗ đầu bể trán thì chắc chắn người chồng sẽ bị câu lưu chờ ngày ra Toà. Nên nhớ rằng đây là tội phạm hình sự nên khi 911 đến thì quyền công tố đã khởi động nên cho dầu người vợ có thay đổi ý kiến mà nói với cảnh sát rằng tôi tha thứ cho anh ấy và tôi không muốn ngủ một mình đêm nay vì tôi sợ ma lắm thì cảnh sát cũng vẫn còng tay người chồng đem đi như thường.

Khi 911 đến, nếu người chồng là nạn nhân mà mắt bị bầm, lỗ đầu bể trán, máu chảy lênh láng..thì cảnh sát sẽ câu lưu người vợ. Nhưng trường hợp chày chợt nhẹ thì cái khôi hài là chính cái anh chồng nạn nhân này có khi được mời đi chỗ khác ngủ qua đêm chứ không phải là người vợ. Ngay đến cảnh sát cũng chỉ tin rằng chỉ có chuyện đánh vợ còn chuyện vợ đánh chồng là chuyện tự vệ hay bị khiêu khích mà thôi, đó là chưa kể những bà chằng lửa tự cào vào mặt mình để đánh lừa nhân viên công lực. Thực tế người ta có những trung tâm tá túc dành cho các bà bị đánh đập nhưng người ta không có trung tâm tá túc dành cho các ông bị vợ đánh đập. Ðây há chẳng phải là điều bất công của xã hội hay sao?

QUYỀN ÐÁNH CHỒNG

Hiện nay tại Orissa, miền đông Ấn Ðộ thì người vợ có thể dùng roi quất những người chồng say sưa nghiện ngập.

Theo South China Morning Post thì phong trào bài trừ tệ đoan nghiện rượu được phát động triệt để tại Orissa. Mỗi buổi chiều có khoảng mười ông chồng say sưa hư đốn bị các bà vợ lôi ra giữa làng trói vào cột đình, nơi có nhiều ông đi qua bà đi lại và quất roi cho đến khi hả giận. Tại Orissa, các bà đi làm nuôi gia đình, trong khi đó thì đa số các ông ở nhà tụ tập với nhau mà chén anh chén tôi với những chai hạm đội số bảy hoặc ông già chống gậy. Mẹ đẻ của đạo luật cho phép vợ đánh chồng khi chồng say rượu là một phụ nữ và đạo luật đã đem lại kết quả rất tốt đẹp. Nói cho cùng thì đạo luật này được mô tả như là nặng về giáo dục và nhẹ về trừng trị và sở dĩ đạo luật mang lại kết quả khả quan vì người đàn ông sợ nhục nhã trước đám đông nên chừa cái nạn nghiện rượu say sưa. Có lẽ điều này cũng đúng vì người ta vẫn nói người chồng sợ bị vợ tát tai trước đám đông chứ không sợ bị vợ giết.

MỘT PHÁT MINH CỦA THẾ KỶ 20: MÁY ÐÁNH VỢ

Tại thành phố Galus, Romania, kỹ sư Ion Melynte đã sáng chế một máy đánh vợ. Cấu trúc của máy gồm một trục lăn căng dọc theo tường với dây cáp đàn hồi cùng với có bộ phận trông giống cái lưỡi câu và khi bộ phận này nghiên một bên thì chiếc roi trên trục lăn sẽ đánh vào mông vợ. Có một bản hướng dẫn là nên đánh vợ bao nhiêu roi tuỳ theo lỗi phạm của người vợ. Khi xử dụng máy, người chồng không phải điều chỉnh gì cả cho dầu người vợ mập hay gầy, cao hay lùn, già hay trẻ. Máy đánh tuy có để lại những vết bầm trên mông nhưng không đưa đến việc trọng thương nên người chồng không phải lo vợ nằm liệt giường mà không thể phục buổi ăn trưa và chiều được!

Bà Elizabeth, vợ của kỹ sư Ion Melynte, cho biết chính chồng bà đã xử dụng máy để đánh bà trong lúc ông ta say sưa. Nghe nói cái ông kỹ sư người Romania này còn đang thiết kế ra máy chửi vợ và sau đó trong năm 2000 thì sẽ ra mắt công chúng chiếc máy vừa đánh và vừa chửi vợ!

Bây giờ đã là tháng 3 của những ngày giao mùa năm 2001 nhưng vẫn chưa thấy cái Model mới của máy đánh vợ ra mắt công chúng, có một nhà báo đã cố gắng liên lạc với kỹ sư Ion Melynte để phỏng vấn nhưng nghe đâu đó là anh chàng kỷ sư này đã âm thầm dọn nhà đi va không để lại tin tưc?gì cả. Ông nhà báo có nói thêm là xin bà con cô bác đừng vội thất vọng và lưu ý dùm là ông ta loan tin với tất cả sự dè dặt như thường lệ.

NGUYÊN NHÂN CHÍNH CỦA NHỮNG VỤ CÁC BÀ VỢ ÐÁNH CHỒNG VÀ CÁC ÔNG CHỒNG ÐÁNH VỢ

Khi nàng và chàng đã yêu nhau thì:

Tam tứ núi cũng trèo
Thất bát giang cũng lội
Cửu thập đèo cũng qua

Khi nàng và chàng xa nhau thì nhớ nhau quay quắt, điên cuồng:

Chỗ em đứng đợi anh ra
Bây giờ thiên hạ trồng hoa cúc vàng
Mỗi lần có dịp đi ngang
Nhớ em, anh ngỡ áo hàng lụa bay
Em ơi, anh muốn kêu lên
Nhớ sao là nhớ chết người như không!

Nhưng bên nhau, dưới một mái nhà, thử hỏi vì cớ làm sao mà vợ đánh chồng và chồng đánh vợ?

Nguyên nhân chính của hiện tượng đau lòng này thường là nạn nghèo đói, nghiện ngập, ghen tuông, sách nhiễu tình dục…. nhưng hầu hết bất cứ nguyên nhân nào nêu ra cũng đều có những tranh luận và bất đồng ý kiến.

– Nạn nghiện rượu: Thông thường người ta cho rằng vì say sưa mà xảy ra việc đánh vợ hay đánh chồng nhưng nghiên cứu cho thấy rằng say sưa không phải là nguyên nhân đưa đến những vụ bạo hành trong gia đình, bằng chứng rằng kẻ bạo hành sau khi cai rượu thì vẫn tái diễn việc bạo hành. Phải chăng người chồng hay người vợ lấy lý do say rượu để biện minh cho việc bạo hành hoặc mượn rượu để có thêm can đảm mà ra tay..Việc say sưa đã khiến cho thương tích của nạn nhân thêm nghiêm trọng.

– Bản chất thích uy quyền, vũ lực và bạo hành: Nếu vũ lực và bạo hành là bản chất của người chồng hay của người vợ thì quả thật khó thay đổi và chữa trị nhưng người ta cũng tìm cách đề phòng, ngăn ngừa để giảm thiểu những thiệt hại có thể xảy ra. Trong chiều hướng này, một Ðạo Luật Liên Bang Hoa Kỳ ra đời (có hiệu lực từ tháng 9/1996) ngăn cấm những người can tội bạo hành không được mua súng và mang súng. Luật này ảnh hưởng đến Cảnh Sát rất nhiều. Thống kê đã ước tính rằng có gần 30.000 Cảnh Sát đánh vợ và có khoảng 7000 Cảnh Sát mất quyền mang súng và mất việc do hiệu lực ứng hành của Luật Liên Bang (Lose Their Guns by Rosemyer). Các nghiên cứu cũng ghi nhận rằng những tay thể tháo gia chuyên nghiệp cũng thường hay đánh vợ vì bản chất thích bạo động.

Cần ghi nhận thêm rằng: người phối ngẫu có bản chất bạo hành chỉ ra tay đánh đập chồng hay vợ chứ không có hành động bạo hành với người ngoài.

-Phong tục tập quán: Những tập tục trọng nam khinh nữ dần dà đã phai mờ và bị xoá đi do phong trào giải phóng người phụ nữ. Nếu lấy lý do người chồng đánh vợ là vì bị ảnh hưởng phong tục thì khó mà cắt nghĩa tại sao vợ lại đánh chồng vì hầu như không thấy tập quán trọng nữ khinh nam (nên nhớ là con số các ông đánh bà và các ông bị bà đánh hầu như ngang ngữa)

-Nghèo đói và giai cấp hạ lưu thiếu học: Chính trong giai cấp trung lưu, thượng lưu cái tệ nạn chồng đánh vợ hay bị vợ đánh vẫn xảy ra chứ không phải chỉ có trong giới nghèo đói và hạ lưu thiếu học. Có một điều khác biệt là ở giai cấp trung lưu, thượng lưu vì danh dự vì tự ái cá nhân mà những vụ vợ đánh chồng hay chồng đánh vợ đã được dấu kỹ và giải quyết bằng những phương cách thầm kín nên thống kê không thể ghi nhận được

-Yêu sách tình dục: Riêng đối với tệ nạn chồng đánh vợ, tại một số quốc gia người ghi nhận được rằng nguyên nhân vì yêu sách tình dục của người chồng không được thỏa mãn.

Trong một cuộc thăm dò mới nhất tại Phi Luật Tân do Công Ty Mc Cann-Erickson thực hiện thì có đến 13% các bà vợ bị chồng đánh vì không cho chồng làm tình. Phần đông phụ nữ Phi Luật Tân cho rằng tình dục và xác thịt là nghĩa vụ của người vợ và việc khiếm khuyết nghĩa vụ đưa đến kết quả bị cưỡng bách và hành hung là chuyện dĩ nhiên.

Tại Hoa Kỳ, người chồng dùng bạo lực với vợ để được thoả mãn tình dục có bị coi như can tội hiếp dâm theo Pháp Luật hiện nay không?

Trước đây Hoa Kỳ và cũng như nhiều quốc gia khác thì người chồng không bao giờ can tội hiếp dâm vợ nhưng trong vòng 10 năm gần đây án lệ tại Hoa Kỳ đã chuyển hướng nghĩa là người chồng dùng vũ lực hay đánh đập vợ để được thoả mãn tình dục bị coi như can tội hiếp dâm.

Có những trường hợp là vợ đã dùng dao cắt đứt của quí của chồng nhưng được Toà tha bổng vì lý do người chồng thường hay đánh đập và ức chế vợ. Ðây chính là kết quả của Học Lý về hội chứng người vợ bị đánh và cần ghi nhận rằng không có hội chứng người chồng bị đánh.

-Di truyền và môi trường: Nhân tri sơ tánh bản thiện, con người sanh ra căn bản là hiền lành nhưng chính cái môi trường sống đã đổi thay bản tính con người.

Học thuyết di truyền lại cho rằng “ hổ phụ sanh hổ tử” hay là “ cha nào con nấy”, cha mẹ hung dữ thì sanh con hung dữ.

Khảo cứu y học gần đây cho thấy những dựng phụ mà nghiện thuốc lá thì những đứa con sanh ra sẽ có bản chất bạo hành hung dữ.

-Ai đã khiêu khích trước: Thống kê đã chứng minh được rằng các mụ đánh chồng đã chẳng bị chọc tức hay bị khiêu khích tí nào cả.

Tuy nhiên đã có những hoài nghi về số thống kê, họ cho rằng thực tế con số các vụ đánh vợ còn cao hơn nữa nhưng nghiên cứu lại cho thấy rằng người đàn ông bị vợ đánh vì cái xấu hổ của một đấng nam nhi hay là vì tự ái của cái gọi là thằng đàn ông đã khiến cho nạn nhân im hơi lặng tiếng và chẳng bao giờ báo cáo với Cảnh sát cả.

CHU KỲ BẠO HÀNH

Nói một cách tổng quát, các vụ chồng đánh vợ và vợ đánh chồng được tiếp diễn bằng những chu kỳ bạo hành gồm ba giai đoạn:

*Giai đoạn tích luỹ: Giai đoạn này người phối ngẫu thường dùng những lời hăm doạ, nhục mạ miệt thị người kia và việc chửi bới lăng nhục này được tái diễn nhiều lần. Nạn nhân, bất luận giai cấp xã hội, sắc dân tuổi tác, ông hay bà…. thường không nhận thấy sự nghiêm trọng và nhiều khi do thiếu tự tin đã cho rằng vì lỗi của mình làm người kia nổi giận.

*Giai đoạn bùng nổ: Lời nói được biến thành hành động, bằng những cú đấm đá với những phương tiện như có dao cầm dao, có gậy cầm gậy, có súng cầm súng. Theo Journal of Marriage and Family thì các vụ vợ chồng đánh nhau được ghi nhận như sau: 46% các ông đánh vợ và 54% các ông bị vợ đánh.

Người vợ hay người chồng sau khi bị người phối ngẫu đánh đập thường tự cô lập, xa lánh mọi người và mang cảm giác vô vọng. Giai đoạn này thường kéo dài từ vài ngày cho đến một tuần. Nếu nạn nhân chịu tâm sự và khai báo thì chính là cơ hội tốt nhất để cứu thoát nạn nhân ra khỏi thảm cảnh thương đau. Trong thời gian này, chính những kỷ niệm êm đềm của dĩ vãng đã trở về để an ủi nạn nhân và giúp cho nạn nhân vượt qua cơn khổ đau.

*Giai đoạn làm hoà: Trong giai đoạn này, tâm lý người vợ đánh chồng hay người chồng đánh vợ thường được pha trộn giữa hai trạng thái đối nghịch: khi thì không một chút hối hận vì cho rằng ta đã dạy cho người phối ngẫu kia một bài học cần thiết, và lúc thì cảm thấy ân hận nên bù đắp cho người phối ngẫu kia bằng những yêu thương nồng thắm hơn như quà tặng hay gối chăn thắm thiết hoặc những lời xin lỗi hứa hẹn vô cùng tha thiết. Các Tâm Lý gia mô tả giai đoạn này như là giai đoạn trăng mật, vợ chồng khắn khít lại và đây là lý do tại sao người ta vẫn không hiểu nỗi các bà vợ hay các ông chồng bị đánh bể mặt sưng trán nhưng vẫn cứ sống chung với nhau và con đầy đàn. Có người đã cắt nghĩa rằng tại duyên số. Nghiên cứu cho thấy rằng trong giai đoạn làm hoà này việc cứu thoát nạn nhân là việc vô cùng khó khăn vì chính nạn nhân đang cảm thấy được chính cái người đánh đập mình yêu thương và chăm sóc mình. Chính nạn nhân đã nhiều khi tự trách rằng mình có lỗi nên mới làm cho người ấy không kiểm soát được cơn giận. Có thể nói rằng, nếu trong giai đoạn bùng nổ yêu nhau lắm cắn nhau đau thì trong giai đoạn làm hoà sau khi cắn nhau đau lại yêu nhau lắm!

Cứ thế, cái chu kỳ bạo hành lại tiếp diễn. Theo tâm lý học, chu kỳ bạo hành phải tái diễn thì nạn nhân mới thực sự được mô tả là nạn nhân của vụ bạo hành trong gia đình. Trái lại, pháp luật không cần biết đến giai đoạn tích luỹ và giai đoạn làm hoà, chỉ cần có bằng chứng của giai đoạn bùng nổ là có đủ yếu tố cấu thành tội đánh vợ hay đánh chồng. Tưởng cũng cần ghi nhận thêm rằng đa số nạn nhân các vụ vợ đánh chồng hay chồng đánh vợ cũng chính là nạn nhân các vụ sát phu và sát thê.

Người vợ bị chồng đánh hay người chồng bị vợ đánh, về thể chất có triệu chứng mệt mỏi, mất ngủ, đau lưng, nhức đầu…. và về tâm lý thì âu lo, sợ hãi, trầm cảm, đa nghi, mang tâm trạng vô dụng, vô vọng, tự cô lập, không tự tin. Ðiều ngạc nhiên là đa số những người vợ bị chồng đánh có một thời thơ ấu rất êm đềm và nhung lụa, được cha mẹ anh chị em nuông chiều, cưng như trứng hứng như hứng hoa. Chính việc được nuông chiều khi tấm bé này đã làm cho những người đàn bà có mặc cảm không đủ khả năng tự liệu, tự lo trong những hoàn cảnh ngang trái, nên đã không thể thoát ly ra khỏi cái chu kỳ bạo hành. Có quan điểm cho rằng nạn nhân không chấp nhận việc thoát ly vì cái bản tính gắn bó chặt chẻ với gia đình, con cái…

ÐIỀU ÐÁNG SUY GẨM

Theo tờ Nature thì các ông có khuôn mặt nữ tính thu hút phái nữ nhiều hơn vì các bà các cô cho rằng những người này không hung hăng và cá tính của họ là tế nhị, mềm mỏng và lại nhìn trẻ trung hơn, đằm thắm hơn và họ có khả năng là những lương phụ trong gia đình. Những người đàn ông có khuôn mặt cằm bạnh, lông mày rậm trông dữ tướng được xem là lạnh lùng và có mòi không chân thật.

Theo nhà nhân chủng học David Perrett thì các bà, các cô cho rằng lượng testosterone cao sẽ làm cho tướng mạo người đàn ông trở thành hung dữ, tính tình ít thành thật, hay gây gỗ và không phải là mẫu người thuỷ chung

Như thế nghiên cứu cho thấy nét hấp dẫn thu hút các bà và sự suy nghĩ của người phụ nữ ngày nay về người đàn ông đã trở đổi ngược và sự kiện này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề chọn người bạn tình bạn đời.

Như vậy những khuôn mặt của những tài tử như Leonardo Dicaprio và Johnny Depp là những khuôn mặt thời thượng hiện danh được các bà, các cô ưa chuộng, trong khi đó những mẫu người hùng như John Wayne, Charles Bronson hay là Clint Eastwood một thời vang bóng dữ dội có thể sẽ đi vào lãng quên.

Cuộc nghiên cứu do tờ báo Nature tiến hành còn phát hiện được rằng cả đàn ông và đàn bà đều cảm thấy những khuôn mặt mang nhiều nữ tính có sức thu hút nhiều hơn.

Ðồng tác giả với bản báo cáo của tờ Nature là tiến sĩ Kieran Lee, cho biết toán nghiên cứu của Ðại Học St Andrews ở Tô cách Lan đã rất ngạc nhiên về những điều phát hiện qua cuộc thăm dò.

Họ đã phỏng vấn ba nhóm có nền văn hoá khác biệt tại Nhật bản, Nam Phi và Tô Cách Lan và hầu như tất cả đều đồng ý với nhau rằng những người đàn ông khuôn mặt có nhiều nét nữ tính thì càng trông thu hút hơn.

Tiến sĩ Lee đã không tìm được lời giải thích thoả đáng những khám phá vừa kể. Thật ra nếu căn cứ vào cái nạn đánh vợ hay bị vợ đánh hiện nay thì chúng ta có thể hiểu phần nào lý do tại sao các bà các cô thích các ông các cậu có khuôn mặt nữ tính.

Lý do thứ nhất: Ðối với các bà các cô có khuynh hướng đánh chồng và bắt nạt chồng thì thích những ông chồng có khuôn mặt nữ tính được mô tả như là hiền như bụt vì nếu có đánh chồng thì sẽ không bị chồng đánh lại.

Lý do thứ hai: Có thể vì các bà ngán ngẫm cho cảnh đời chồng đánh vợ hoặc mặc cảm sẽ bị chồng đánh cho nên thích những người đàn ông có khuôn mặt nữ tính được coi như là tế nhị không hung hãn đánh vợ.

Lý do thứ ba: Các ông và các cậu thì vẫn thích người bạn đời có khuôn mặt nữ tính như vẫn thích từ ngàn xưa vì không muốn rước các bà chằng lửa về nhà mà lỡ mai kia mốt nọ bả nổi khùng lên thì ông chồng nếu không lổ đầu thì cũng bể trán.

Nhưng hãy coi chừng cái tục ngữ trông mặt mà bắt hình dong nhiều khi bị tác dụng ngược lại là lẽ thường vì chuyện đời mà: tri nhân, tri diện bất tri tâm.

Mà có sao đâu, xin các cô các cậu đừng vì thấy cái phong trào chồng đánh vợ hay vợ đánh chồng đang gia tăng mà ngán không lập gia đình.

Này nhé, hãy nghe theo lời khuyên của triết gia Socrate, bạn cứ lập gia đình đi, nếu người bạn đường tốt thì đó là món quà mà thượng đế trao cho bạn, còn như người bạn đời hung dữ đánh đập bạn thì bạn sẽ trở thành triết gia. Ðược quà là chuyện thường, mà được trở thành triết gia đâu có dễ, phải không các bạn? Cứ công bình mà nói thì chồng đánh vợ cũng như vợ đánh chồng được xếp loại như mạt cưa mướp đắng (loại mọc hoang mà liều lượng momordicin rất cao) không ai đáng được binh vực hơn ai. Nhưng nhìn lại quá trình thì người vợ từ vai trò thứ yếu trong gia đình, rồi được giải phóng cho bình quyền bình đẳng với chồng và nay thì người vợ lại có khuynh hướng lạm quyền đánh chồng và khổ nổi cái nạn lạm quyền đang có đà tăng vọt.

Phải chăng ngày xưa đàn ông ăn hiếp và đánh đập vợ tàn tệ cho nên ngày nay chịu lãnh nghiệp quả cộng đồng là bị các bà hiếp đáp, xử tệ và đánh đập theo đúng qui luật: ác giả, ác báo, giai do tiền định. Mà đã là nghiệp quả thì ông hay bà, bà hay ông đều phải sám hối ngay ở đời nay nếu không muốn nhận cái ác báo ở ngày mai.

Ôi ngán ngẫm thay cho cái nghiệp quả đã khiến cho đời đổi người và người đổi đời!