Phụ nữ thích đi làm hay ở nhà? |
Tác Giả: Việt Hà, phóng viên RFA | |||
Thứ Hai, 19 Tháng 9 Năm 2011 12:53 | |||
Quyết định ở nhà chăm con hay đi làm thường là một quyết định khó khăn Một nghiên cứu mới đây về xã hội học tại Mỹ cho thấy phụ nữ đã có gia đình và có việc làm cảm thấy hạnh phúc hơn so với những phụ nữ ở nhà toàn bộ thời gian để chăm con.
Điều này dường như trái ngược hẳn với quan điểm của nhiều người từ trước đến nay vẫn cho rằng phụ nữ muốn ở nhà và lo cho gia đình hơn là đi làm. Những nhân tố nào đã ảnh hưởng đến tâm lý của hai nhóm phụ nữ này, và liệu tâm lý đó có khiến ngày càng nhiều phụ nữ muốn đi làm hơn hay không? Tùy thuộc công việc Đối với nhiều phụ nữ đã có gia đình và có con, quyết định ở nhà chăm con hay đi làm thường là một quyết định khó khăn. Ở nhà thì con được chăm sóc chu đáo theo ý mình nhưng phải hy sinh sự nghiệp, gia đình mất một phần thu nhập. Nhưng nếu đi làm thì bản năng của người mẹ lại làm cho họ không yên tâm tập trung vào công việc. Có lẽ bởi vậy mà từ trước đến nay người ta thường thấy phần lớn các bà mẹ chọn ở nhà chăm con để chồng đi làm thay vì theo đuổi sự nghiệp. Thế nhưng, nhiều bà mẹ Mỹ ngày nay dường như không mấy hạnh phúc khi ở nhà chăm con. Một báo cáo gần đây của Hiệp hội các nhà xã hội học Mỹ lại cho thấy những phụ nữ ở nhà toàn bộ thời gian để chăm con thường bị trầm cảm nhiều hơn so với những bà mẹ đi làm. Cô Katrina Leupp, tác giả của nghiên cứu này cho biết: "Cũng giống như nhiều nghiên cứu trước đây, trong nghiên cứu của tôi thì những phụ nữ ở độ tuổi 40 mà đang đi làm thì có ít triệu chứng trầm cảm hơn so với những phụ nữ không đi làm, tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào điều kiện công việc mà bạn có. Nếu bạn có một việc làm tốt mà bạn thực sự thích, bạn có thể chủ động trong công việc của mình, thời gian làm việc thì sẽ tốt cho sức khỏe tinh thần của bạn. Còn tất nhiên phụ nữ làm các việc làm mà điều kiện làm việc không tốt, thì việc ở nhà hay đi làm thì cũng như nhau. Cô Katrina Leupp Kết quả của nghiên cứu cho thấy cũng giống như mọi nghiên cứu đã từng thực hiện trước kia về chủ đề tương tự, phụ nữ đi làm thường có ít triệu chứng trầm cảm hơn so với phụ nữ ở nhà tòan bộ thời gian. Theo cô Katrina Leupp thì nguyên nhân khiến những phụ nữ đi làm có ít triệu chứng trầm cảm hơn là bởi: "Đối với nhiều phụ nữ nguyên nhân còn là về vấn đề vai trò đa dạng của họ. Có nhiều họat động đa dạng trong cuộc sống ở nhiều nơi khác nhau giúp nâng cao tự trọng cho bản thân. Bằng cách gia tăng thêm vai trò cho mình, người phụ nữ sẽ cải thiện được sức khỏe tinh thần cho mình." Nhu cầu giao tiếp Những phụ nữ ở nhà toàn bộ thời gian chăm lo cho con cái thường cảm thấy mệt mỏi, và trầm cảm bởi công việc đơn điệu trong khi không có giao tiếp xã hội nhiều. Cô Katrina Leupp nói tiếp: "Họ không có giao tiếp bên ngoài hoặc không có đủ. Công việc ở nhà cũng có thể làm họ mệt mỏi. Quá nhiều công việc nhà cũng có thể làm họ mệt mỏi và trầm cảm. Họ không có nhiều hoạt động đa dạng hàng ngày mà công việc giống nhau cứ lặp đi lặp lại hàng ngày nên họ không cảm thấy thích cuộc sống hàng ngày của mình nếu so với những phụ nữ ra ngoài làm việc và có công việc thích hợp."
Nói như cô Katrina Leupp thì sự trầm cảm của các bà mẹ ở nhà có thể được giải quyết phần nào bằng cách tăng các cơ hội giao tiếp với xã hội. Chị Cathy, một phụ nữ ở tiểu bang Maryland, cho biết chị đã chọn giải pháp ở nhà chăm 3 con thay vì đi làm. Nhưng không phải vì vậy mà chị bị trầm cảm, bởi đơn giản chị đã tìm cách ra ngoài giao tiếp với xã hội nhiều hơn, thay vì chỉ ở nhà. Chị nói: "Dù chị ở nhà không đi làm nhưng chị vẫn đi ra ngoài, mình tình nguyện làm trong trường con mình hay ở những chỗ khác, vẫn gặp gỡ những người khác như thầy cô giáo, hay các bà mẹ khác. Có nhiều chuyện cho mình làm." Nghiên cứu mới cũng chỉ ra rằng những phụ nữ đi làm toàn bộ thời gian mà vẫn muốn mọi chuyện hoàn hảo ở nhà cũng dễ bị trầm cảm chẳng khác gì những phụ nữ ở nhà toàn bộ thời gian. Cô Katrina Leupp giải thích: "Nếu bạn cứ nghĩ là mình có thể cân bằng cả việc làm và gia đình cùng một lúc thì bạn sẽ cảm thấy bực mình hơn, không hài lòng với bản thân hơn. Còn đối với những phụ nữ nhẹ nhàng với bản thân mình hơn như sẵn sàng hy sinh sự toàn vẹn một chút, được cái này mất cái kia thì sẽ cảm thấy dễ chịu hơn." Thường thì những bà mẹ đi làm toàn bộ thời gian hay cảm thấy có lỗi với con cái vì đã không dành nhiều thời gian chăm sóc cho con. Nhưng thật khó để cho họ có thể cùng một lúc vừa đi làm, vừa lo cho con, vừa lo gia đình nếu không có một sự hy sinh hay giúp đỡ nào đó. Ariah, một phụ nữ ở Washington DC, nói rằng cô dành toàn bộ thời gian có thể cho con mỗi khi về nhà. Những việc như giặt giũ, rửa bát không phải là ưu tiên hàng đầu khi cô có con nhỏ. Ariah cho rằng cô may mắn vì được mẹ và người bạn trai chia sẻ công việc, giúp đỡ cô việc gia đình và chăm con. Cô không chắc cô có thể đi làm toàn bộ thời gian nếu không có sự giúp đỡ này. "Tôi cảm thấy có lỗi với con vì không dành nhiều thời gian cho con, nhưng với sự giúp đỡ của mẹ, tôi có thể làm hai việc cùng một lúc. Tôi rất may mắn, nhưng chắc chắn là nếu mẹ tôi không có đây thì tôi sẽ chắc phải bỏ việc. Đó là sự hy sinh mà tôi muốn làm cho con tôi khôn lớn." Chia sẻ gánh nặng gia đình Với những phụ nữ đi làm toàn bộ thời gian như Ariah, việc người chồng tham gia giúp đỡ chuyện nhà là hết sức quan trọng để có thể giúp cô đảm đương tốt vai trò người mẹ. Một nghiên cứu vào năm ngoái của viện Pew ở Hoa Kỳ cho thấy đàn ông Mỹ ngày nay đã nhiệt tình hơn rất nhiều trong việc nhà. Cô Kim Parker, chuyên gia nghiên cứu của viện Pew cho biết: "Người đàn ông đã sẵn sàng và mong muốn được làm việc gia đình, đây là một thay đổi. Chúng ta đã nghe những câu chuyện khoảng 1 hay 2 thập niên trước, người chồng không biết thay tã cho con, bây giờ đã khác. Tôi nghĩ nguyên nhân vì phụ nữ giờ đây cũng đi làm và do đó gánh nặng trong nhà cần được chia sẻ."
"Khoảng một thế hệ trước, hình thái gia đình phổ biến là gia đình có ông chồng đi làm và vợ ở nhà. Số gia đình này chiếm đến 44,7%. Nhưng nếu nhìn vào số liệu năm ngoái và ngay bây giờ thì chỉ có 1 trong 5 gia đình Mỹ có hình thái như vậy. Trên thực tế hình thái gia đình chủ yếu ở Mỹ bây giờ là cả hai vợ chồng đi làm." Mặc dù vậy, theo cô Katrina Leupp thì sự giúp đỡ trong gia đình của người đàn ông dành cho phụ nữ dường như vẫn chưa đủ. "Đàn ông có tăng thêm thời gian chút xíu với con cái và cho việc nhà nhưng họ vẫn làm không nhiều bằng phụ nữ." Người phụ nữ phải cân nhắc liệu đi làm có thể mang lại đủ thu nhập để chi trả cho chi phí gửi trẻ hay không, liệu công việc mà họ có được có phù hợp với điều kiện gia đình hay không. Theo cô Katrina Leupp thì yếu tố điều kiện công việc cũng là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của các bà mẹ. Các bà mẹ thường mong có thời gian làm việc linh họat để có thể có nhiều thời gian hơn cho con cái. Rõ ràng là lựa chọn đi làm hay ở nhà chăm con chưa bao giờ là điều dễ dàng đối với những phụ nữ, nhất là ở các xã hội phát triển như Mỹ, nơi vai trò của người phụ nữ trong xã hội đã được cải thiện đáng kể. Cả chị Cathy và Ariah đều cho rằng họ muốn hy sinh nhiều hơn cho con thay vì sự nghiệp. Cả hai đều cảm thấy hạnh phúc với lựa chọn của mình. Theo chị Cathy thì điều quan trọng là mỗi người phải xác định được đâu là ưu tiên trong cuộc đời mình, sự nghiệp hay con cái. Chừng nào họ cảm thấy vui với lựa chọn của mình, thì gia đình họ cũng hạnh phúc.
|