Home Đời Sống Gia Đình Cưới Mướn

Cưới Mướn PDF Print E-mail
Tác Giả: sonpro99   
Thứ Sáu, 21 Tháng 10 Năm 2011 23:07

Anh chị Chi mời vợ chồng Trường đến ăn thôi nôi đứa cháu nội đầu tiên.

    Bữa tiệc ước chừng trên 20 người, phần đông là những người từng đã cùng chung hàng ngũ như Trường trong thời kỳ trước 75 ở bên nhà, một vài người cũng như anh cùng sang nước Mỹ này trong chương trình "tái định cư nhân đạo".

    Trong bữa ăn, chị Chi thân mật kể lại chuyến về Việt Nam , thăm quê hương cũ, mới đây của chị:
    - Tôi có quen với một bà khá giàu có, bà nhờ tôi tìm cho bà ấy một ông chồng để đem bà sang Cali này...Trong đám mình có anh nào "độc thân" không? nhào vô đi, bà ấy chịu chi địa.
    Anh Phát, người đang bị vợ nhờ luật sư lo liệu thủ tục ly dị hỏi:
    - Bà ấy chi bao nhiêu hở chị?
    - Ngon lành lắm, 30 ngàn đô. Chi phí khác bà ấy lo.
    Mọi người ồ lên người thì:
    - Wow ! Vụ này ngon đó.
    Người khác thì:
    - Vừa được đô mà lại vừa có thể được thưởng thức "hương vị quê hương" nữa...

    Vài ông bỗng dưng nhổm người lên, chắc bị bà vợ ngồi kế bên nhéo cho một vài cái nên thân.
    Huy, bị vợ bỏ từ khi còn ở Việt Nam, hỏi:
    - Có đẹp không hả chị Chi?
    - Bảo đảm. Bà ấy lại còn đi thẩm mỹ viện đều chi để săn sóc sắc đẹp mà. Chính vì thế mà tôi và bà ấy quen nhau khi tôi về bên đó để làm lại mấy cái răng...
    Huy cười:
    - Nhưng tôi làm gì có tiền để về bên đó gập bà ấy.

    Mọi người nhìn Huy yên lặng, đúng rồi, làm cái nghề lái xe cắt cỏ sống qua ngày, tối lại phải làm gác dan tạm thời cho một khách sạn để có tiền sống thì chuyện về bên Việt Nam là chuyện khó khăn cho Huy đúng như Huy vừa nói.
    Sự yên lặng làm cho không khí bữa ăn bỗng dưng trở thành nặng nề.

    Sau bữa ăn, mọi người rủ nhau ngồi làm một chầu mạt chược đúng theo " nghi lễ " ngày xưa... nhưng Trường cáo từ xin phép về trước vì ngày mai anh còn phải thức dạy vào 2 giờ sáng để làm ca. Chị Chi tiển chân vợ chồng Trường ra tận cửa và dặn dò với vợ chàng:
    - Mai chị đến trễ, em mở cửa tiệm dùm chị, coi mấy chai thuốc móng tay nào gần hết em thay chai khác , nhớ đốt nhang bàn thần thổ địa dùm chị nhen em.
    - Dạ, chị cứ yên tâm. Vợ Trường trả lời.

    Hai vợ chồng Trường làm việc giờ giấc rất nhiều lúc trái ngược nhau. Thu , vợ Trường thì làm từ 9 giờ sáng đến 10 giờ đêm, nếu gập tuần lễ nào Trường phải làm 10 giờ đêm đến 6 giờ sáng coi như cá tuần lễ đó không gặp nhau.

Gập tuần lễ Trường phải đi làm từ 4 giờ sáng đến 8 giờ tối thì Trường bắt buộc phải trùm mền ngủ để lấy sức khi Thu đi làm về chỉ 2 đứa con còn thức đợi nàng và nàng bắt buộc phải nhẹ nhàng để không đánh thức giấc ngủ cần thiết của chồng: Thế là tuần lễ đó Thu và Trường cũng không thể gặp nhau. Chỉ tuần lễ nào Trường làm ca ngày thì buổi tối vợ chồng con cái mới có thể ăn chung với nhau, trò chuyện qua loa sau đó ai vào phòng nấy để lấy sức đi cầy, đi học.

Dạo này Trường lại phải luôn tìm cách làm thêm ngày thứ bảy hay chủ nhật kiếm thêm tiền chi phí cho việc trả down 2 chiềc xe hơi.

    Mấy tuần lễ nay Thu thấy Trường ít nói nhưng qúa mệt vì hồi này ở tiệm " neo " Thu gặp toàn khách là mấy bà Mỹ đen với những bàn tay to tổ bố, thay vì phải làm bình thường cho những người khác mất 20 phút nhưng làm cho mấy bà đen này phải mất ít ra từ 40 phút trở lên, đã vậy sáng nay Thu " trúng mối " gập ngay một ông khách người Mỹ đen muốn cắt móng chân và da chai ở hai gót chân ông ta.

Lúc Thu mang thau nước ấm cho ông khách "qúy" này Thu đã muốn ói vì hai bàn chân đen to, nồng nặc mùi hôi vì mang vớ lâu không thường xuyên thay. Người khách Mỷ đen ngồi chễm chệ trên chiếc ghế trong khi Thu nâng bàn chân vừa nặng nề lại vừa thiếu vệ sinh đó lên để cắt tỉa.

 Thu ngậm ngùi với những tư tưởng chớm trở về... dù sao thì trước kia khi ở bên nhà Thu cũng là một người luôn ăn mặc chải chuốt, bàn tay nõn nà...mà giờ này phải chùi chùi, dũa dũa bàn chân thúi của người khách Mỹ đen này...

Thu cố tự an ủi: Thôi thì cũng là một việc làm lương thiện để sống nơi cái đất nước được gọi là Eldorado mà chính Thu trước đây đã mơ tưởng khi nhìn những tấm hình hay qua những cuốn phim ảnh được xem lúc còn ở Việt Nam, thôi thì..."đoạn trường ai có qua cầu mới hay" mà !. Có sang đến đây mới hiểu được câu người ta thường nói: Sự thực bao giờ cũng phũ phàng.

    Thu đậu xe trong sân nhà. Mở cửa bước vào phòng khách và ngạc nhiên khi nhìn thấy chồng đang nằm dài trên salon xem truyền hình. Tháo đôi giầy cho nhẹ chân rồi lại gần chồng hỏi:
    - Hôm nay anh làm khâu đêm hay sao mà giờ này anh còn ở nhà?
    - Sở đã cho anh nghỉ việc rồi !
    Thu thả người như một trái mít rụng xuống chiếc ghế...
    - Nó có bồi thường gì anh không?
    - Thì tụi nó cho anh hưởng trọn tháng lương...
    - Có người nào bị nghỉ việc nữa không?
    - Có ! Anh Phát, anh Hóa...3 tên mít. Ngày mai anh đi đăng ký thất nghiệp...

    Thu đứng lên, thẫn thờ vào bếp để hâm lại thức ăn đã sửa soạn từ sáng nay trước khi đi làm.
    Bữa cơm diễn ra trong bầu không khí khá nặng nề và cả hai vợ chồng Thu có lẽ đang suy nghĩ đến điều gì đó về những ngày trong tương lai sắp đến của họ, của gia đình họ.

Cơm nước xong,Thu dọn dẹp chén bát như thường lệ. Trường vẫn như muốn kéo Thu ngồi lại bàn với chàng, Trường nói với nàng bằng một giọng hơi ngượng ngập:
    - Em ngồi xuống... Anh có ý định này muốn bàn với em...
    - Chuyện gì vậy anh?
    - Anh.... Trường ngập ngừng...Anh có ý định là anh và em làm bộ ly dị...
    Nói đến đây Trường ngừng lại, nhìn Thu như chờ đợi phản ứng của nàng. Khi thấy Thu chỉ nhìn chàng bằng đôi mắt mở lớn đầy ngạc nhiên...Trường cố gắng thu can đảm nói tiếp:
    - Anh và em làm bộ ly dị, tốn cỡ vài trăm đô...Sau đó anh về Việt Nam cưới cái bà Hoa bạn chị Chi. Mình sẽ có được một số vốn... Với số tiền 30 ngàn đô này em đứng ra mở một tiệm " neo " như chị Chi, anh cũng sẽ học một khoá làm "neo" rồi ra phụ với em...Có như vậy mình mới khá được em ạ.
    Thu vẫn lặng thinh, đau nhói trong lòng ngực vì đây là lần đầu tiên suốt hơn 20 năm từ ngày hai người yêu nhau, lấy nhau trải qua biết bao hoạn nạn thăng trầm rồi đưa nhau sang đất Mỹ này... nàng nghe chồng nàng nói với nàng hai chữ "ly dị". Thu chỉ biết nói với Trường:
    - Còn mấy đứa nhỏ....?
    - Thì chính vì mấy đứa nhỏ nên mình phải tìm mọi cách để có thể lo liệu được cho các con ăn học...Năm nay hai đứa cũng đã 17, 18 tuổi rồi, mai mốt vào đại học nữa...
    Trường tiếp:
    - Anh đã hỏi chị Chi rồi, bà Hoa nào đó chỉ muốn làm giấy tờ cưới hỏi để được sang đây chớ không phải là thực sự muốn lấy chồng Việt kiều Mỹ đâu em à.

    Để làm dịu bầu không khí nặng nề, Trường kéo Thu vào lòng , vừa cười vừa nói tiếp:
    - Em cứ yên trí đi, bà Hoa đã ra điều kiện rồi: Không được quyền sơ múi gì với bả ! Như vậy là của em vẫn hoàn toàn của em...Mình chẳng phải mất mát gì mà còn được một số vốn để làm ăn.
    Thu nới tay chồng ra , vào phòng tắm tắm rửa thay quần áo rồi lên giường nằm. Trường theo Thu âu yếm, dụ dỗ vợ:
    - Anh thất nghiệp như thế này chắc chắn là mình sẽ không đủ để trả tiền chiếc xe mua down em ạ. Công ăn việc làm càng ngày càng khó khăn, không biết đến bao giờ mới tìm được việc khác, anh thì ngày một lớn tuổi... Hơn nữa nhân dịp thất nghiệp này anh mới có thể đi đi, về về Việt Nam được.

    Hai tuần lễ trôi qua trong bầu không khí nặng nề. Thu cũng ít dịp gặp Trường vì đêm nào chàng cũng đi đến khuya mới về. Một đêm Thu thức giấc khi Trường vừa vào giường ngủ , nàng hỏi chồng thì được chàng cho biết là mấy hôm nay chàng có hẹn để gặp gỡ một số anh em cũ rồi rủ nhau họp hành, tổ chức một hội hè gì gì đó.
    - Em thông cảm cho anh, mấy năm qua từ khi sang đây anh bù đầu vào công ăn việc làm, bây giờ mới có dịp ngồi lại với một số anh em vẫn còn " một chút gì để nhớ để thương "...
    Thu nhìn chồng,với giọng thật nhẫn nhịn:
    - Thôi em đồng ý để anh làm thủ tục li dị. Em đã nói chuyện với chị Chi. Chị ấy đồng ý như anh tính toán. Em cũng xin chị ấy kín miệng dùm.
    Trường hớn hở:
    - Ngay ngày mai anh sẽ ra văn phòng luật sư Lộc nhờ ông ấy lo liệu gấp.
    - Em cũng đã hỏi chi Chi cho mình mượn một số tiền để mình lo liệu...
    - Như vậy là nhất vợ tôi rồi...Trường reo lên.

    Luật sư Lộc hứa sẽ lo chuyện li dị thật nhanh chóng, trong khi đó chị Chi đã điện thoại về Việt Nam cho bà Hoa để thu xếp cho lần gặp gỡ giữa Trường và bà Hoa trong chuyến trở về nước lần đầu tiên của chàng.

    Hoa ra đón Trường tại phi trường Tân Sơn Nhất, nàng nhận ra chàng nhờ vào tấm hình bà Chi đã gởi về cho nàng bằng máy vi tính. Hoa chợt xúc động khi nhìn Trường cho dù là lần đầu tiên: Trường kéo một chiếc va li to, dáng người cao ráo chững chạc của lứa tuổi ngũ tuần, chả gì cũng là một cựu sĩ quan mà , Hoa tự nhủ...mái tóc vén khéo, một cặp kính mát , chiếc áo polo ngắn tay có hình "người cưỡi ngựa" và một chiếc quần jean màu xanh đậm hơi có vẻ "bụi đời".

Trong lúc Hoa ngập ngừng thì Trường đã tiến lại và lên tiếng:
    - Cô Hoa?
    - Dạ...Tôi...
    Trường mỉn cười, nụ cười rất tươi. Sau màn kính dâm, Trường quan sát Hoa: Đôi môi hồng mộng hấp dẫn, đôi mắt hai mí "ngây thơ", chiếc mủi cao thẳng đứng,nước da hơi ngăm ngăm "bánh mật" trong chiếc áo thun bó vào người và chiếc quần tây màu đen. Cái đẹp có sửa chữa nhưng cũng tạm được...Cũng còn hấp dẫn , Trường nghĩ.
    - Mời anh theo Hoa, taxi đang đợi mình đó. Anh có mệt lắm không?
    Trường mỉn cười, tay phải đưa mời lịch sự kiểu người tây phương. Hoa õng ẹo, chiếc mông no tròn lúc la lúc lắc theo nhịp đi trên đôi guốc cao. 

 Hoa ngồì trên ghề trước gần người tài xế taxi. Phía sau,Trường được dịp quan sát mái tóc bỏ xõa trên bờ vai no tròn của Hoa chứng tỏ Hoa thuộc lớp người có cuộc sống sung túc, đầy đủ chẳng bù cho Thu vợ chàng dù rằng nàng đang ở Mỹ.

Qua làn kính xe Trường nhìn thành phố Sài gon mà chàng đã từ bỏ vào hơn 10 năm trước: Thành phó thay đổi rất nhiều làm chàng không còn có thể nhận ra được nữa, những lưu thông đến độ gần chóng mặt, những hàng quán cửa tiệm buôn bán chen chúc...Qua vườn Tao Đàn mà chàng phải lên tiếng để hỏi Hoa mới nhận ra được, xe rẽ vào đường Bùi thị Xuân, dừng trước một căn nhà lầu 3 tầng, tầng dưới là một cửa hàng buôn bán máy vi tính khách khứa ra vào tấp nập. Hoa trả tiền taxi và cũng không quên cho thêm một chút lì xì anh tài xế. Người tài xế trẻ khệ nệ xách chiếc vali của Trường vào tận cửa tiệm rồi lễ phép nói:
    - Cảm ơn cô...chào cô chú.
    Hoa nói với Trường:
    - Anh lên phòng trên nghỉ ngơi.
    Nàng quay lại gọi một cô gái trong đám 4 cô trẻ đang trố mắt nhìn Trường:
    - Kim mang va li của chú lên phòng cho chú nghe con.
    Trường vội lên tiếng:
    - Thôi để tôi xách lên cho. Nặng lắm.
    Hoa quay sang Trường nói nhỏ:
    - Anh lên nghỉ , em vô xem tụi nó làm ăn ra sao.

    Đây là lần đầu tiên từ lúc đón chàng ngoài phi trường Hoa gọi Trường là anh.
    Cô bé tên Kim dẫn Trường lên tầng lầu 2 qua những bậc thang bằng đá mài màu xanh điểm trắng nhẹ được lau chùi thật sạch sẽ.

 Kim mở cửa phòng cho Trường, một căn phòng rộng và một chiếc giường ngủ rộng phủ tấm khăn trải sa tanh hồng nhạt với cặp gối cùng màu thêu rồng, phụng. Bên cạnh giường là một chiếc ghế bành bằng da kém chiếc bàn thấp trên đó là một điện thoại, một chiếc bàn viết với ghế kê cạnh cửa sổ. Đồ đạc được phối hợp màu sắc khá thẩm mỹ, nhịp nhàng.
    - Dạ chú nghỉ, cháu xuống cửa hàng ạ.

    Trường cảm ơn cô gái rồi khép cửa phòng lại, làm một vòng tham quan: Căn phòng được trang bị một chiếc máy điều hoà không khí. Phía trái căn phòng, sau cánh cửa khép hờ là một nhà tắm, cầu tiêu. Bên phải gần giường ngủ là một tủ lạnh kê gần một chiếc tủ lớn màu gỗ đậm có gương ở giữa.

Trên tường được trang hoàng bằng hai bức tranh vẽ lại hình như theo những bản họa của họa sĩ Modigliani.Tuy không mở đèn nhưng ánh sáng từ chiếc cửa sổ được lọc qua màn cửa màu hồng cho Trường một cảm giác dịu mát nhẹ nhàng nào đó mà chàng đã không còn có từ rất lâu.Trường lẩm bẩm:
    - Sang hơn Mỹ ! Sang hơn mình nữa ! Thế này mà còn đòi đi. Đúng là đứng núi này trông núi nọ. Sang bên đó không biết để làm cái gì?...

    Trường lôi chiếc vali, chất quần áo vào tủ đang bỏ trống nhưng còn thoảng mùi nước hoa đàn bà. Không hiểu phòng này của ai? Trường tự hỏi.
    Chất quần áo xong, Trường lấy gói qùa nhỏ tặng Hoa để trên bàn, cởi giầy vớ, ngà lưng xuống giường.
    Tấm trải giường sa tanh mát rượi làm Trường có cảm giác như một làn da mịm màng nào đó đang va chạm da thịt chàng...

     Có tiếng gõ nhẹ ngoài cửa. Trường đứng dậy ra mở.
    Hoa, trên tay một ly cà phê sữa đá và nụ cưòi mà Trường bắt đầu hơi quen thuộc:
    - Em không biết là anh có thích cà phê sữa đá không nhưng em cứ bảo tụi nhỏ làm...
    Trường đỡ lời:
    - Cảm ơn Hoa, tôi thích cà phê sữa đá lắm, nhất là trời lại đang nóng nữa.
    - Anh cần ăn gì không?
    - Cảm ơn Hoa, tôi vẫn còn no. Để đói một chút chiều nay ăn mới ngon Hoa ạ.
    - Dạ. Chiều nay em sẽ mời anh đi ăn ở ngoài. Nếu anh cần gì cứ nhắc điện thoại bẩm số 1. Anh cứ nghỉ ngơi.

    Hoa quay người vừa định rời phòng thì Trường vội gọi:
    - Hoa, Hoa chờ một chút...Anh có quà tặng Hoa.
    Trường lấy chiếc gói nhỏ để trên bàn trao cho Hoa. Hoa có vẻ cảm động , mở gói qùa.
    - Nước hoa Chanel N°5 ! Hoa reo lên và tiếp:
    - Sao anh biết Hoa thích loại nước hoa này vậy?
    - Bí mật...linh tính báo cho anh biết...
    Hoa liếc Trường với đôi mắt thật bén nhưng hàm chứa một điều gì đầy thiện cảm...

    Khi Hoa rời khỏi phòng , Trường chợt giật mình:
    Trường cũng đã tự xưng là anh với Hoa.

    Hoa mặc một chiếc robe màu đỏ thẫm. Hai cánh tay no tròn được thoa một lớp kem mướt mịn. Cổ đeo một sâu ngọc trai màu trắng nổi bật trên nền áo. Chiếc robe xẻ một bên gần tới đầu gối lấp ló hai chiếc đùi trắng theo từng bước đi của nàng - Bắp chuối hơi to nhưng đi với mình cũng xứng đôi , Trường nghĩ.

    Chiếc taxi ngừng lại. Trường lịch sự mở cửa cho Hoa vào xe trước. Lần này thì Hoa ngồi cùng với chàng ở băng sau. Mùi nước hoa Chanel N°5 thoang thoảng. Hoa e thẹn thỉnh thoảng kéo lại áo như che dấu phần da thịt lộ liễu của nàng.

Trường cười quay mặt nhìn phố xá về đêm tấp nập xe cộ. Sài gòn thay đổi, thật sự thay đổi khác hẳn những ý nghĩ mà chàng đã có trước khi trở về.
    Hoa nghiêng nghiêng đầu sang phía Trường:
    - Anh thấy Sài gon như thế nào?
    - Đẹp, tiến bộ, chỉ có điều là xe Honda hai bánh nhiều qúa xá...

    Xe ngừng lại trước một nhà hàng ăn sang trọng. Trường bước xuống xe trước, đưa tay đỡ Hoa ra khỏi xe. Hai người vào nhà hàng, tìm một chiếc bàn trong một góc khá kín đáo, gọi thức ăn , vưà ăn vưà nói chuyện như một cặp vợ chồng tâm đầu ý hợp.

Có lẽ mấy ly rượu Bông Lúa đã giúp cho Trường và Hoa thêm bạo dạn. Trường nhìn khuôn mặt hơi đỏ của Hoa, thỉnh thoảng Hoa vén mái tóc qua một bên như cố ý đưa chiếc cổ tròn lẳn, lồng ngực đầy đặn hấp dẫn...Trường có cảm tưởng là nàng đẹp hẳn lên, khác hẳn buổi sáng nay khi vừa gặp tại phi trường.

    Sau bữa ăn, Trường đề nghị Hoa đi bộ vì chàng muốn được thưởng thức lại Sài gòn về đêm sóng đôi với người yêu , như thời Trường còn là một sinh viên trường Luật. Trời về đêm hơi lành lạnh, cái lạnh đủ để người ta có cảm giác của cô đơn. Hoa thoáng rùng mình. Trường cởi chiếc áo veste đang mặc choàng cho Hoa.
    - Em lạnh hả?

    Hoa yên lặng, sự yên lặng như để tận hưởng phút giao động trong nàng mà nàng đã không còn có được từ hơn 5 năm nay, từ khi Hoa và chồng nàng, người cha của hai đứa con hiện tại, quyết định ly dị để rồi từ đó Hoa xoay sở phấn đấu mà kết qùa có được tài sản, địa vị như ngày nay.

    - Anh có cảm tưởng được sống lại như ngày nào đó anh còn là sinh viên. Cũng trên đường phố này, cũng về đêm... Trường thở dài, tiếng thở dài thật nhẹ.
    Bất chợt, Hoa nắm bàn tay Trường, nàng giữ lại thật lâu...trong tư thế này, hai người đi sát vào nhau.Cả hai như cùng nghe được tiếng thở của người đi bên cạnh. Hình như Trường đã cúi xuống khuôn mặt rực rỡ của Hoa.

    Trường và Hoa cùng dừng lại trước cửa phòng của Trường. Hoa mở cửa cho chàng. Bật đèn. Cả hai nhìn nhau một lúc khá lâu. Trường lên tiếng:
    - Hoa đi nghỉ đi !.
    - Dạ !.
    Hoa có vẻ thẫn thờ tiến ra cửa theo bước chân Trường.
    - Chúc em ngủ ngon.
    - Dạ.
    Đừng trước cửa phòng,Trường nhìn Hoa chậm chạp từng bước lên lầu 3.
    Quay vào phòng mình, Trường khép cửa, thay quần áo, lên giường, chàng tự nhủ:
    - Mình đã hứa với Thu. Mình phải cố giữ lời hứa.

    Ngày hôm sau Hoa đi ra phường để đăng ký tạm trú cho Trường rồi sau đó hai người cùng đi đến lãnh sự quán Mỹ để hỏi về thủ tục, xin những giấy tờ cần thiết về để lo liệu với phường khóm như đăng ký để làm đám hỏi... Trường cũng dành ra 4 ngày để về Nha Trang thăm bà con bạn bè quen biết. Tất cả chi phí Hoa đều lo liệu. Trường có cảm giác là Hoa làm thật chu đáo như một người vợ lo liệu cho chồng đến độ đôi khi Trường đã có ý nghĩ: Nếu chuyện li dị của chàng là sự thật thì chàng sẽ lấy Hoa làm vợ.

    Ba tuần lễ trôi qua thật nhanh, Trường phải trở lại Mỹ. Trong suốt thời gian này Trường cố giữ thái độ, tư cách thật "quân tử" tránh những cử chỉ quá thân mật với Hoa.

Ngày tiễn chân Trường ra phi trường cho dù Hoa cố gắng che dấu sự xúc động nhưng chàng cũng nhìn được đôi mắt đỏ hoe của nàng khi Hoa nói:
    - Anh cố lo nhanh chuyện giấy tờ bên đó nghe anh. Nhớ thường xuyên cho em biết tin tức. Trường gật đầu, vỗ vai Hoa nhè nhẹ:
    - Em cứ yên tâm.

    Thu đón Trường với cặp mắt thăm dò. Trường cười cười ôm vợ:
    - Yên trí. Không có chuyện gì lạ xảy ra đâu em ơi. Bà ấy cũng hấp dẫn, dễ thương...
    Thu nhìn chồng, mở cửa xe cho chồng để va li. Ngồi vào tay lái xe Trường nói:
    - Bà ta đưa trước cho anh 10 ngàn đô để lo thủ tục...
    - Sáng nay có giấy báo của luật sư Lộc là tháng tới là mình sẽ ra toà để quyết định li dị đó anh.
    Sau câu nói của Thu, cả hai cùng yên lặng.

    Sau khi tiễn Trường , Hoa trở về. Căn nhà bỗng nhiên thật vắng, thật lạnh. Một thiếu vắng, lạnh lùng nào đó rất nhẹ nhàng lâng lâng trong nàng. Trường thật đứng đắn.Trường không có một cử chỉ nào sàm sỡ. Trường ăn nói thật chững chạc, khôn khéo.Trường không rượu chè...khác hẳn những người đàn ông mà nàng vẫn thường phải gập khi tiếp xúc làm ăn. Trường đúng là một người chồng lý tưởng.

    Khi Hoa được tin Trường đã lo xong thủ tục li dị và gởi về cho Hoa tờ khai đăng ký cùng lý lịch cá nhân của chàng Hoa hớn hở như một đứa trẻ, nàng không còn cau có khó khăn như trước điều này làm cho các cô bán hàng cho nàng phải ngạc nhiên và 2 đứa con Hoa cũng ngỡ ngàng về mẹ chúng.

    Hoa thường xuyên điện thoại cho Trường gần như hàng đêm để kể cho Trường về chuyện buôn bán, chuyện thường nhật ngay cả những chuyện rất tầm thường và dĩ nhiên là chuyện đã chọn ngày để làm đám cưới , không phải chỉ là một đám cưới " che mắt thiên hạ" mà sẽ là một đám cưới trịnh trọng vì:
    - Em lấy chồng Việt kiều Mỹ mà !.

    Trường về Việt Nam lần này sôm tụ hơn. Hoa đón chàng vời những câu hỏi làm chàng không kịp trả lời:
    - Anh có mệt không? Anh có ngủ được trên máy bay không? Anh....Hoa líu lo cạnh chàng như một người vợ chờ chồng đi công tác xa trở về.

    Lần này thì Trường không để cho Hoa đưa chàng đi ăn nhà hàng nữa vì hai lý do: dù sao thì cũng chạm tự ái chàng khi Hoa chi tiền và chàng muốn tiết kiệm để còn lo được mục tiêu gian hàng "neo" của Thu, vợ chàng.

    Trường vẫn giữ gìn đối với Hoa. Mọi thủ tục đăng ký cho đám cưới tại lãnh sự quán Mỹ và tại cơ quan tư pháp phường đã hoàn tất. Ngày "vui" của Trường và Hoa diễn ra thật trang trọng: Hoa trong chiếc áo the mỏng, qua sự trang điểm của một thẩm mỹ viện, dưới ánh đèn rực rỡ Hoa thật duyên dáng xinh đẹp cho dù với cái tuổi đã hơn 40 nhưng vẻ e thẹn vẫn nhiều ít hiện ra trên gương mặt, cử chỉ.

Trường trong bộ veste màu trắng đục, được Hoa đưa đi cắt may tại một cửa hàng lớn có tiếng nhất hiện nay ở Sàigon. Tay trong tay như một cặp vợ chồng sắp cưới thật sự trước gần 300 người khách được Hoa mời mà trong đó có những vị tiến sĩ, kỹ sư, giám đốc, chủ cơ sở kinh doanh... đã theo đuổi Hoa nay thì ngậm ngùi nuối tiếc nhìn anh chàng Việt kiều Mỹ cuỗm tay trên người đẹp của mình.

    Trên chiếc xe BWM 318 đời mới đưa hai người trở về nhà, Hoa ngả đầu trên vai Trường. Trường ,quên bẵng đi vai trò của chàng, thật nhẹ nhàng hôn nhẹ trên mái tóc đậm mùi keo cao cấp Trung quốc trộn lẫn mùi nước hoa Chanel N°5.
    Đến căn phố 3 tầng lầu, lên những bậc thang cẩm thạch bóng láng,trước cửa phòng Trường, chàng như sực nhớ lại vai trò của mình. Như thường lệ Trường nói với Hoa:
    - Good night Hoa...
    Bàn tay Hoa bất chợt giữ không cho cánh cửa phòng đóng lại. Hoa quay sang ôm choàng lấy Trường, úp mặt vào ngực chàng. Trường ngỡ ngàng.
    Hoa ngước mặt nhìn chàng:
    - Anh hôn em đi anh.
    Ánh mắt khát khao, vòng môi chờ đợi... Trường cúi xuống, dìu Hoa , cả hai cùng ngả xuống chiếc giường phủ sa tanh hồng nhạt mát rượi...

    Bốn tuần lễ "trăng mật" của Trường và Hoa trôi qua thật nhanh. Hoa bàn với Trường về chuyện sang lại cửa hàng buôn bán máy điện toán cho vợ chồng người em gái... Đôi khi chàng có cảm tưởng mình là chồng "thực" của Hoa.

    Trường phải trở lại Mỹ với tờ hôn thú trong tay. Hoa tiễn đưa Trường bằng những giọt nước mắt thật sự:
    - Em đã làm thủ tục chuyển vào ngân hàng cho anh 40 ngàn đô. Anh về bên ấy thu xếp chu toàn cho chị Thu để lúc em qua không ngỡ ngàng...
    Trường vuốt nhẹ đôi má Hoa:
    - Em cứ yên tâm, mọi việc anh sẽ giải quyết ổn thoả em ạ. Nhớ giữ gìn sức khoẻ nghe em. Trường cho Hoa số điện thoại di động để Hoa tiện liên lạc với chàng.
    Trước khi vào khu bên trong chỉ dành cho người đi , Trường ôm hôn Hoa với một sự xúc động thật lạ lùng. Vào đến bên trong, Trường còn quay lại vãy vãy Hoa, như muốn bảo nàng hãy đi về.
    Hoa quay lưng, lảo đảo khuất dạng trong đám đông. Trường biết là nàng khóc, khóc trên đường về.

    Trở lại Mỹ, Trường đến đưa giấy tờ chứng nhận đã kết hôn với Hoa nhờ luật sư Lộc làm thủ tục bảo lãnh cho nàng và 2 đứa con Hoa sang Hoa Kỳ.

 Bên kia bờ Thái Bình Dương, Hoa cũng tiến hành thủ tục xin xuất cảnh như Trường đã căn dặn.Trường cũng đã đưa tiền cho Thu để tạo dựng một tiệm " neo " như đã dự tính; đời sống vật chất gia đình chàng phải nói là không còn ngột ngạt như trước nữa. Hoa thường xuyên liên lạc với chàng kể lể mọi việc bên nhà và Trường cũng tự cảm thấy đã tìm được ở Hoa "một chút gì để nhớ để thương".

    Gần hai tháng sau, vào nửa đêm, chuông điện thoại reo, còn mơ màng trong giấc ngủ. Đầu giây bên kia Trường nghe Hoa nức nở:
    - Anh ơi...Trường ơi...lãnh sự quán Mỹ không chịu cấp giấy hộ chiếu nhập cảnh cho 2 đứa con em...
    - Sao lại như thế được? Trường hỏi lại bằng giọng còn ngái ngủ.
    - Tại vì 2 đứa con em...
    - 2 đứa con?
    - Dạ ! Vì anh Nguyên không chịu ký giấy chấp thuận cho em đem 2 đứa con đi...
    Trường thẫn thờ. Bên đầu giây vẫn tiếng khóc nức nở của Hoa. Trường chỉ còn biết một câu:
    - Để anh tính xem ra sao?
    - Dạ, em chỉ còn biết nương nhờ vào anh...em cần sự có mặt của anh... anh có hiểu được em không?...

    Tiếng điện thoại reo, tiếng Trường nói làm Thu bừng khỏi giấc ngủ:
    - Có chuyện gì vậy anh?
    Trường không trả lời Thu, bước ra khỏi giường, mở đèn đi vào nhà bếp, pha một ly cà phê, châm điếu thuốc.

Trường suy nghĩ...Trở ngại này không phải là về phần Trường nếu đúng theo "giao kèo" nhưng Trường không thể là người thiếu lương tâm. Trường đã lấy tiền của Hoa, cũng đã ăn ngủ với Hoa...nhưng chàng cũng không biết sẽ phải tìm cách nào để giải quyết được. Chỉ còn con đường duy nhất là Hoa phải đi trước một mình rồi một thời gian sau đó sẽ tìm cách "thuyết phục" Nguyên, người chồng cũ của Hoa , rồi bảo lãnh cho 2 đứa con của nàng đi sau. Trong quyết định này,Trường tắt đèn, vào phòng.

    Thu vẫn còn thức như để đợi chồng.
    - Anh sẽ về Việt Nam thêm một lần nữa.
    - Bao giờ? Để làm gì? Thu hơi sẵng giọng.
    Trường không trả lời. Kéo chiếc mền mỏng đắp lên ngực. Trời cuối thu hơi lạnh.

    Tội nghiệp cho Thu. Tội nghiệp cho Hoa. Tội nghiệp cả cho mình; Trường tự nói với chính chàng. Giấc mơ đi Mỹ của nàng vẫn còn xa.
    Trong giấc ngủ, Trường mơ thấy mình và Hoa đang bềnh bồng trên chiếc giường sa tanh hồng nhạt...
    

Hình minh họa/Internet  Một tiêm nail