Bí quyết giúp cụ ông Nghệ An sinh con ở... tuổi 90 |
Tác Giả: zing.vn | |||||||||||
Thứ Sáu, 18 Tháng 11 Năm 2011 06:22 | |||||||||||
Thoạt nhìn ngỡ cụ đang ở tuổi U60, nhưng cụ đã sang tuổi 90. Ngạc nhiên hơn khi cụ khoe thằng bé bế trên tay là quý tử mới sinh được một năm mà ai gặp cũng sẽ bảo là... chắt của cụ. Cụ hóm hỉnh: “Giờ già rồi, tuần may ra gần gũi vợ chỉ được vài ba lần thôi". Tận Thành Vinh xa xôi, cách thị trấn Tân Kỳ (Nghệ An) gần trăm cây số nhưng câu chuyện về một cụ ông sinh con ở tuổi 90 đang gây xôn xao dư luận vẫn được bàn tán sôi nổi. Rất nhiều người ngạc nhiên và nghi ngờ khả năng thực sự của cụ ông hiếm thấy này. Thực hư câu chuyện ra sao? Chúng tôi đã tìm về tận nhà cụ Trần Văn Ký (tên thường gọi là Thuận) ở khối 1, thị trấn Tân Kỳ để diện kiến và nghe, nhìn thấy cụ ông đặc biệt này cùng đứa con quý tử của cụ. Ông cụ có 49 người con, cháu, chắt Dọc theo QL 15A, chúng tôi tìm về nhà cụ Thuận vào một ngày đầu tháng 11. Không mấy khó khăn để tìm được nhà cụ, bởi cụ quá nổi tiếng trong thời gian gần đây, hơn nữa nhà cụ lại nằm sát mặt đường. Chúng tôi thật sự ngạc nhiên khi trước mặt mình là một người đã bước vào tuổi 90 mà cứ như đang ở độ U60 vậy. Trong tiết trời se lạnh cuối thu, cụ Thuận trông vẫn khỏe mạnh bình thường khi diện áo sơmi tiếp khách. Thân mật, cởi mở, hồ hởi, rất trẻ so với tuổi hiện tại là những cảm nhận ban đầu của chúng tôi khi tiếp xúc với cụ. Rót chén chè xanh mời khách cụ bắt đầu kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện đời thật thú vị và cũng là xưa nay hiếm. Sinh ra và lớn lên ở huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) trong một gia đình đông con, cụ Thuận là con thứ 7 trong nhà. Theo chứng minh thư nhân dân làm từ thời kỳ đầu cũng như cha mẹ nói lại thì cụ Thuận sinh ngày 12/4/1921 tại xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên. Cuộc đời của cụ trải qua nhiều thăng trầm, vất vả, sóng gió trong cuộc sống. Gia đình cụ thời đó thuộc diện nghèo nhất làng, thế nhưng một điều thật lạ là trong gia đình ai cũng sống rất thọ. Theo lời cụ Thuận thì cha cụ thời đó sống đến 137 tuổi, các anh chị em cụ cũng đều trên 70 tuổi cả. Hiện bây giờ chỉ còn cụ và một người chị đã 94 tuổi. Năm 30 tuổi cụ lấy vợ tên là Hoàng Thị Sâm người cùng xã. Hai người sống bên nhau hạnh phúc và lần lượt những đứa con ra đời. Năm 1962, theo chủ trương của tỉnh Nghệ An đi thành lập huyện mới Tân Kỳ, cụ Thuận kéo gia đình lên xã Nghĩa Đồng lập nghiệp và định cư ở đây. Đến năm 1987 cụ lại chuyển ra ở tại khối 1, thị trấn Tân Kỳ.
Cuộc sống khó khăn nhưng cụ lại được trời phú cho có sức khỏe. Nhờ siêng năng, cần cù nên gia đình cụ cũng dần dần tạm ổn. “Làm nghề nông nên ngày làm tối về ngủ với vợ chứ không biết đi đâu cả. Cũng chính vì thế mà vợ chồng chúng tôi sòn sòn sinh được 14 đứa con, hiện tại còn 9 đứa. Đến nay tôi đã có 21 đứa cháu, 14 đứa chắt. Các con tôi hiện nay đều thành đạt cả, đứa nào cũng có công ăn việc làm ổn định, gia đình hạnh phúc”, cụ Thuận khoe với chúng tôi. Năm 2004 vợ cụ qua đời, thọ 78 tuổi. Nỗi nhớ nhung của cụ với người vợ đầu cũng dần nguôi ngoai. Nhiều đêm cụ Thuận vẫn thấy nôn nao khi nằm một mình phòng không đơn chiếc. Sau mấy kỳ giỗ vợ cũ đi qua, một lần cụ gọi các con lại và thông báo một chuyện “động trời” rằng cụ muốn đi bước nữa. Các con cụ ai cũng phản đối kịch liệt vì cụ đã ngót nghét 90 tuổi thì lấy vợ làm gì nữa, để con cháu chăm sóc. Thế nhưng mặc cho con cháu phản đối, cụ vẫn giữ nguyên quyết định của mình. Lấy vợ, sinh con ở tuổi 90 Khuyên can, góp ý không được, các con cụ đành phải chiều theo ý cha. Cụ vốn làm nghề nấu cao khỉ, ngựa, mèo. Trong một lần vào xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ mua xương khỉ về nấu cao thì cụ gặp chị Nhung, vợ hai của cụ bây giờ. Chị Nhung sinh năm 1971, đã qua một đời chồng. Cụ Thuận bảo, chị Nhung vốn là người thông minh, chồng chị trước đây bị nghiện ma túy, thường xuyên đánh đập vợ nên cực chẳng đã chị đã viết đơn ra tòa li dị cách đây được 2 năm.
Chị cũng không nghĩ mình sẽ đi bước nữa khi đã ở độ tuổi gần 40 và lại càng không nghĩ mình lại lấy một người hơn mình những 50 tuổi. Sau khi được chị Nhung đồng ý về sống cùng, cụ Thuận tổ chức một tiệc cưới nhỏ mời bà con, anh em, làng xóm đến chung vui, đó là vào năm 2008. Đám cưới lần hai của cụ khiến nhiều người tò mò, khen ngợi cụ còn “sung mãn”. Con cháu cụ cũng không ai phản đối nữa bởi bố của họ giờ đây đã có một “bóng hồng” kề bên chăm sóc. Lúc mới lấy nhau về, cả hai người quyết định không sinh con nữa, mặc dù cụ vẫn còn khỏe và sung lắm, “chuyện ấy” với cụ ở cái tuổi đó không thành vấn đề. Thế nhưng, người ta thường nói, con cái là sợi dây nối tình cảm giữa hai vợ chồng. Không biết hai vợ chồng cụ bàn với nhau thế nào mà cuối năm 2010, họ cho ra đời một cu tí khôi ngô, tuấn tú, sinh ra nặng đến 3,4kg. Cụ đặt tên cho quý tử của mình là Trần Nhật Quang. Nhiều người chưa hết sửng sốt khi cụ cưới vợ ở cái tuổi xưa nay hiếm, giờ lại há hốc mồm ngạc nhiên khi cụ sinh con ở tuổi 90.
Nhìn thằng bé khỏe mạnh, bụ bẫm ai cũng khen cụ sức khỏe còn dẻo dai. Họ bắt đầu đồn với nhau rằng cụ Thuận có bí quyết gia truyền để giữ được phong độ trong “chuyện ấy”. Đoán già, đoán non, nhưng không ai biết được cụ thể bí quyết đó là gì cả. Đến nay quý tử của vợ chồng cụ Thuận và chị Nhung đã tròn một tuổi. Khi chúng tôi tỏ ý nghi ngờ thì cụ như nổi cáu, đi thẳng vào trong nhà lấy tờ xét nghiệm ADN ra cho chúng tôi xem. Cụ cho biết: "Lúc đầu các con tôi cũng nghi ngờ thế là tôi quyết định xét nghiệm, đến khi cầm tờ giấy xét nghiệm trên tay chúng mới tin là con của bố mình". Đang rôm rả nói chuyện thì chị Nhung bế đứa con từ dưới nhà bếp đi lên. Cụ Thuận hồ hởi nói: "Đấy, bà nó và thằng con mới sinh của tôi đấy", chúng tôi thấy thật ngạc nhiên khi nhìn thằng bé, nó giống cụ như đúc, mắt sáng, bụ bẫm, nhìn rất thông minh. Ngồi bên cạnh chồng, chị Nhung chia sẻ: “Lúc đầu tôi cũng thấy ngại khi về làm vợ ông ấy, nhưng thấy ông thật lòng nên quyết định đi thêm bước nữa. Về sinh sống rồi mới biết ông ấy thật tình cảm và tâm lý. Đã thế lại còn sinh thêm thằng con trai nữa nên tôi cảm thấy hạnh phúc và không bao giờ hối hận khi về ở với ông ấy”. Nhìn cụ bế thằng con hôn lên má, chúng tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc của cụ. Thật là hiếm khi đã 90 tuổi cụ vẫn còn cùng vợ sinh được thằng cu. Sự thật về bí quyết giúp cụ Thuận giữ được lửa trong 'chuyện ấy' Đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, cuối cùng chúng tôi cũng được cụ Thuận tiết lộ bí quyết của mình trong việc giữ gìn sức khỏe và “chuyện ấy”: “Thực chất không có gì là lạ cả, chẳng qua là họ thấy tôi nhiều tuổi rồi mà còn sinh được con nên họ đồn này đồn nọ thôi. Theo tôi, thứ nhất bí quyết sống thọ là do nòi giống. Cụ thân sinh tôi sống đến 137 tuổi, các anh chị em tôi ai cũng sống thọ cả. Tôi là người chuyên buôn bán, nấu cao khỉ, ngựa, mèo nên có thể tôi được bổ trợ từ những loại cao này. Mỗi khi nấu cao tôi thường lấy một miếng vừa cô đặc ngâm với mật ong để uống. Thỉnh thoảng tôi còn nhai sống các loại cao đó”. Lúc trẻ, cụ cũng đi nhiều nơi, sang cả Trung Quốc, Lào… nên học hỏi được nhiều kinh nghiệm dân gian hay, trong đó có cả việc dùng xương cốt động vật để bồi bổ cơ thể, tăng cường sinh lực cho phái mạnh và cụ đã áp dụng thành công.
Ngoài ra, theo tiết lộ của cụ Thuận thì cụ không bao giờ uống rượu bia, hút thuốc lá hay dùng những chất có tính kích thích khác. Mỗi sáng cụ thường xuyên dậy tập thể dục, ăn uống đúng bữa, đúng giờ. Hiện tại dù đã bước sang tuổi 90 nhưng cụ Thuận trông vẫn còn rất khỏe mạnh. Cụ bảo giờ cụ còn ăn được 5 bát cơm đầy, buổi sáng là hai gói phở và hai quả trứng gà. Nhìn da dẻ cụ vẫn còn hồng hào, mái tóc đen nháy, hàm răng chắc khỏe, chúng tôi tin cụ còn sống thọ được nhiều năm nữa. Tuổi 90 nhưng cụ vẫn đang lao động, cuốc xới bình thường. Ngoài nghề nấu cao thì công việc chăm sóc vườn nhà cũng là một sở thích của cụ Thuận. Chia tay cụ khi đã xế chiều, chúng tôi thầm cảm phục sức khỏe phi thường cũng như khả năng “chinh chiến” của cụ. Trước khi ra về tôi có hỏi nhỏ cụ một câu: “Cháu hỏi thật, thế giờ cụ còn làm được “chuyện ấy” không?” Cụ vô tư trả lời: “Giờ thì tuổi cũng đã già rồi, nếu cố gắng, tuần may ra chỉ được vài ba lần chi đó thôi. Nhưng mình cũng phải giữ gìn sức khỏe chứ, già rồi cố làm chi cho mệt. Có thằng quý tử ở tuổi 90 thế này là tôi vui lắm rồi. Bây giờ nhiệm vụ là chăm sóc cho tổ ấm gia đình và nuôi thằng cu khôn lớn nên người”.
|